Diễn binh Ngày Quân Lực VNCH 19 Tháng Sáu, 1971, phần diễn hành của Sinh Viên Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức. (Hình: Bruno Barbey, Flickr manhhai)
LTS: Tác giả bài viết sau đây là một hậu duệ quân lực VNCH biên khảo bằng những tài liệu và hình ảnh có trên Internet với sự cộng tác của một số cựu sĩ quan QLVNCH, với mục đích lưu lại một số hình ảnh về các chiến y của người lính VNCH. Dù không đầy đủ, nhưng đủ để các bạn trẻ trong và ngoài nước có một số tài liệu căn bản để nghiên cứu và tham khảo về quân trang quân dụng của QLVNCH. Bài viết được gợi ý từ một câu chuyện ở trong nước. Rất tiếc tác giả bài viết lại không nêu danh tánh, chỉ “post” lên Trang Văn Nghệ của Cựu Chiến Sĩ VNCH. Trang Cựu Chiến Binh xin được trích lại một phần về quân phục của người lính VNCH trong bài viết.
Quân trang quân dụng để trang bị cho quân lực VNCH xuất phát từ Cục Quân Nhu QLVNCH. Ngành Quân Nhu phát triển đồng bộ với việc thành lập quân đội VNCH – là một bộ phận của ngành Tiếp Vận trong QLVNCH.
Nói đến quân phục (quân trang) VNCH, có rất nhiều loại và đa dạng như: Áo quần màu xanh olive, bông dù, rằn ri Thủy Quân Lục Chiến (1972), Cảnh Sát Dã Chiến và màu đen, áo bay nomex màu olive, hoặc đen, áo lạnh jacket Bộ Binh, Dù và Không Quân, Khaki gabardin tiểu lễ số 2, ngắn tay và dài tay, áo đại lễ 4 túi màu olive Bộ Binh, màu xanh đậm Không Quân, màu trắng Hải Quân, nón kepi Hải Quân, Không Quân, Bộ Binh cấp HSQ. Nón beret Thủy Quân Lục Chiến, nâu đỏ, đen, xanh đậm, nón lưỡi trai, nón rừng, nón thủy thủ, nón sắt, calo Không Quân nam – nữ, giày vải/da đủ màu, giày cổ ngắn đủ loại đen-trắng.
Phù hiệu, cấp bậc và bằng chuyên môn được thêu trên vải, kim loại của hạ sĩ, trung sĩ, thiếu úy, thiếu tá, đại tá… bằng dù, RNSL, VT, cánh bay, PB, TG, Quân Y, QC, cầu vai Alfa đồng – SVSQ và cấp bậc cầu vai binh chủng Không Quân, Hải Quân, Bộ Binh, Cảnh Sát Quốc Gia, phù hiệu đơn vị thêu trên vải cấp Sư Đoàn, Trung Đoàn, Tiểu Đoàn, quân kỳ lớn nhỏ.
Huy chương cuốn và thòng đủ loại: Tứ đẳng, LQHC, Không Quân, Hải QUân, Hải dũng, Quân phong, Quân vụ, Chiến dịch, Danh dự, Chương Mỹ, hành chánh, dân vụ, kỹ thuật, huấn vụ, biệt công, chỉ đạo, chiến thương, không vụ, hải vụ… Quân trang có kiếng Pilot, Poncho, Zippo, giày, dây nịt, bidong, giày TAB, mền dù, la bàn, găng tay trắng, dây nhảy, pin đồng cài trên áo…
Quân Đội Việt Nam từ khi bắt đầu xuất hiện trong nền Đệ Nhất Cộng Hòa đã được tổ chức từ huấn lệnh cũng như quân luật của quân lực VNCH lấy từ nền tảng tổ chức theo quân đội Hoa Kỳ.
Tổng Thống Ngô Đình Diệm tuyên bố ngày 12 Tháng Ba, 1955: Từ nay, sự tổ chức và huấn luyện Quân Đội Việt Nam do Mỹ đảm trách – Tướng O´Daniel chỉ huy Phái Đoàn Quân Sự MAAG). Các Huấn Luyện Pháp được lưu dụng nhưng sẽ lần lượt thay thế. Quân lực Việt Nam sẽ tương tợ như quân đội của những đất nước tự do, cho nên cũng rất nghiêm khắc đối với việc mặc quân phục, nhất là những trường hợp cấm mặc quân phục chỉ với mục đích để “giữ thanh danh và kỷ luật cho quân đội.”
Dù đã 40 năm qua kể từ khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, theo lời kể của một cựu quân nhân QLVNCH về các huấn lệnh nghiêm cấm các quân nhân không được mặc quân phục trong những trường hợp sau đây, đây chỉ là vài nét căn bản trong huấn lệnh về cách mặc quân phục mà người cựu quân nhân nầy còn nhớ, dĩ nhiên là không đầy đủ:
-Tại những nơi tập họp thương mại hay chính trị trừ những trường hợp được cho phép.
-Khi làm việc ở những cơ sở tư nhân trừ trường hợp được biệt phái sang làm việc ở những cơ quan chính phủ.
-Xuất hiện để đọc diễn văn chính trị hay là khách mời của một tổ chức chính trị hay vận động, hoặc được phỏng vấn, chụp hình trên báo, quay phim đều phải được phép của cơ quan có thẩm quyền của quân đội.
-Khi tham dự các cuộc biểu tình ủng hộ hay chống chính phủ hoặc quân đội.
-Một quân nhân bị tước đoạt binh quyền vì vi phạm thanh danh quân đội không được quyền mặc quân phục.
Nói tóm lại, quân đội được thành lập để bảo vệ quốc gia, tất cả những thứ học mặc trên người hay vũ khí đạn được và các phương tiên chiến tranh, lương bổng và phụ cấp gia đình của người quân nhân đều từ tiền thuế của dân chúng đóng góp nên quân đội phải đứng ở vị trí trung lập với chính trị, thương mại. Các huấn lệnh và quân luật được viết ra là dựa trên mục tiêu “giữ ký luật và thanh danh quân đội.”
Trong thời chiến trước năm 1975, theo lời kể của một cựu quân nhân QLVNCH, có khá nhiều thanh niên trốn quân dịch bằng cách mặc giả quân nhân. Nếu những người này không bị quân cảnh xét hỏi thì dĩ nhiên không sao, nhưng nếu họ bị xét hỏi và bị bắt giữ thì không phải bị phạt vì tội sợ chết trốn lính mà vì mặc giả quân nhân với ý định xấu hay hù dọa làm mất thanh danh quân đội.
Nguồn: https://www.nguoi-viet.com