
Năm 2021 là năm Sửu, năm con Trâu, nó đứng thứ 8 trong 10 Can nên nó còn phải mang thêm một cái tên nữa là Tân, nên gọi là Tân Sửu.
Theo các nhà khảo cứu, trâu cũng như đa số các loại gia súc khác là chó, mèo, heo, ngựa, gà, vịt vv…. nguyên là loài vật sống nơi núi rừng hoang dã đã được gia súc hóa có thể nói ngay từ hồi tiền sử, khi loài người biết trồng trọt, cày cấy vv… Trâu đã là loài vật sát cánh với con người trong công cuộc đấu tranh với thiên nhiên, tạo ra lương thực để sống còn. Do đó, đối với nông dân trâu trở thành bạn hữu thân thuộc hơn các loài gia súc khác.
Trâu thuộc giống nhai lại, ban ngày trâu gặm cỏ hay ăn rơm cho đầy dạ cỏ và dạ tổ ong, tối vào chuồng nằm, thong thả ợ ra để nhai lại. Mỗi năm trâu đẻ từ 1 đến 2 lứa, mỗi lứa một con. Trâu mới sinh gọi là nghé, chưa có sừng.
Trâu có nhiều giống sống rải rác khắp mọi nơi trên thế giới, nhưng chung quy được chia làm hai loại là trâu rừng và trâu nhà.
Trâu rừng:
Có nhiều loại trâu rừng sống nơi các đồng cỏ, nhứt là tại Phi Châu. Trâu rừng sống từng đàn, có khi tới hàng ngàn con để nương tựa và bảo vệ lẫn nhau.
Các loài thú lanh lẹ như hươu, nai… thường chạy nhanh để trốn tránh đối thủ, còn trâu rừng chậm chạp, nên phải hợp quần để chống lại cọp, beo, sư tử khi bị tấn công. Chúng tập hợp quây quần thành một vòng tròn lớn để bảo vệ những con nghé và trâu già ở bên trong, còn những con trâu khỏe mạnh có cặp sừng nhọn phòng thủ bên ngoài. Nếu cọp. beo liều lĩnh tấn công, trâu sẽ đồng loạt cúi thấp đầu xuống dùng sừng vít đối thủ bay lên cao bị lòi ruột, chết tại chỗ.
Trâu nhà
Trâu rất quen thuộc tại các nước Á Châu vốn lấy nghề nông làm căn bản như Việt Nam, Thái Lan, Nam Dương, Trung Hoa, Ấn Độ vv…. Vào năm 1985, các khoa học gia ước lượng có trên 130 triệu con trâu trên thế giới. Riêng tại Ấn Độ, người dân nuôi rất nhiều trâu. Tại sao?. Tại vì người Ấn coi bò là con vật linh thiêng không dám giết, nên họ nuôi trâu để ăn thịt và lấy sữa.
Phần đông những nhà nghèo ở Ấn đều nuôi trâu để lấy sữa. Mỗi ngày, trâu cho độ 5 lít sữa, một nữa đem bán, còn lại sử dụng trong gia đình.
Loại trâu ở Á Châu được gọi là trâu nước (water buffalo) vì nó ưa ngâm mình dưới nước hay các vũng bùn có nước, hơn nữa công việc cày bừa của nó đều ở trên các ruộng nước.
Trâu ở Việt Nam
Trâu nhà Việt Nam bắt nguồn từ giống trâu rừng Arni sinh sống ở rừng núi bên Ấn Độ. Nó có màu da xám hay đen, lớn con, khỏe mạnh, nặng từ 300 đến 800kg.
Việt Nam có các đồng bằng ruộng lúa phì nhiêu thuộc miền châu thổ sông Hồng Hà và Cửu Long, do đó nộng nghiệp nước ta đã phát triển từ thời xa xưa. Vì vậy con trâu là hình ảnh của bản chất hiền lành, cần cù của con người nhà nộng nước Việt.
Theo tương truyền từ thời vua Hùng Vưong dựng nước, con trâu góp phần xây dựng căn bản cho nền văn minh nông nghiệp trồng lúa trên ruộng nước. Đó là hình ảnh con trâu đã ăn sâu vào đời sống trong dân gian miền thôn quê.
Thành ngữ về Trâu
Trâu gắn bó với người Việt Nam rất lâu đời, vì vậy trong kho tàng tục ngữ, ca dao, dân ca vv… có rất nhiều câu nói về trâu, nó cũng là hình ảnh liên hệ mật thiết với người nông dân ở đồng quê như:
* Tạo trâu, lấy vợ, làm nhà
Trong ba việc ấy ắt là khó thay.
Tạo trâu vẫn là công việc đầu tiên, quan trọng bậc nhứt của người nông dân, rồi mới lấy vợ làm nhà để xây dựng tổ ấm gia đình.
* Trên đồng cạn, dưới đồng sâu
Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa.
Là hình ảnh ăn sâu vào đời sống trong dân gian Việt Nam miền thôn quê đồng ruộng. Người và trâu nương tựa vào nhau qua hai câu ca dao giản dị mà hàm súc, hiện thực.
*Thứ nhứt vợ dại trong nhà, thứ nhì trâu chậm, thứ ba rựa cùn.
Nhà nào mà gặp phải ba thứ này thì ngóc đầu không lên!.
*Lạc đường nắm đuôi chó
Lạc ngõ nắm đuôi trâu
Chó rất thính hơi, lại có trí, mỗi lần đi xa, nó tiểu theo dọc đường để đánh hơi mà trở về nên không bị lạc; còn Trâu thì quen đường cũ, được thả đi ăn xa thì biết ngõ mà về, do đó trẻ con đi lạc mà cứ nắm đuôi một trong hai con này thì về đến nhà.
*Nước giữa dòng chê trong chê đục
Vũng trâu đầm hì hục khen ngon
Con người, khi ghét thì nước giữa dòng cũng chê đục chê trong; còn khi thương thì nước đục trâu đầm cũng khen ngon!.
*Trâu sống không ai mặc cả
Trâu ngã nhiều gã cầm dao
Lúc bình thường không thấy ai đoái hoài; khi có mối lợi, thiên hạ xúm nhau tranh giành.
*Trâu ta ăn cỏ đồng ta
Nhà mình mình ở, cơm mình mình ăn, việc mình mình lo không sợ gì dị nghị hay chê bai.
Chuyện cổ tích về trâu:
Tại sao trâu không có hàm răng trên? Chuyện kể rằng ngày xửa ngày xưa, khi người và vật nói hiểu được nhau: Một hôm, một con cọp từ trong rừng đi ra thấy anh nông dân cùng một con trâu đang cày dưới ruộng. Mặc dù trâu cặm cụi đi từng bước, nhưng lâu lâu lại bị quất một roi vào mông. Cọp rất tức giận, nhưng vẫn yên lặng. Đến trưa mở cày, cọp đến trâu hỏi:
*Này, trông anh khỏe thế, sao anh để người đánh như vậy? Trâu trả lời khẽ vào tai cọp: Người tuy nhỏ, nhưng người có trí khôn.
*Cọp không hiểu, tò mò hỏi: Trí khôn là cái gì? Nó như thế nào? Trâu không biết giải thích ra sao, đành trả lời qua loa: Trí khôn là trí khôn, vậy thôi!. Muốn biết rõ thì hỏi người ấy.
*Cọp đến anh nông dân và hỏi: Trí khôn của anh đâu, cho tôi xem một chút có được không? Anh nộng dân suy nghĩ một lát rồi nói: Trí khôn tôi để ở nhà, để tôi về lấy cho anh xem. Anh có cần, tôi sẽ cho anh một ít. Cọp nghe nói mừng lắm.
*Anh nông dân vừa bước đi, lại làm như sực nhớ ra điều gì bèn nói: Nhưng khi tôi đi , anh ăn mất trâu của tôi thì sao? Cọp đang băn khoăn chưa biết trả lời như thế nào, thì anh nông dân nói tiếp: Hay là anh để tôi buộc anh tạm vào gốc cây này cho tôi được yên tâm.
*Cọp đồng ý, anh nông dân lấy dây thừng trói cọp thật chặt vào gốc cây. Xong anh lấy rơm chất chung quanh cọp, châm lửa đốt và nói to:
*Trí khôn của ta đây, trí khôn của ta đây!!!.
*Trâu thấy vậy thích quá, bò lăn ra mà cười, không may hàm trên va vào tảng đá, răng gãy không còn cái nào.
*Khi dây thừng cháy đứt, cọp mới vùng dậy, ba chân bốn cẳng chạy một mạch vào rừng không dám ngoái nhìn lạ.
Từ đó, cọp sinh ra con nào cũng có những vằn đen dài chung quanh mình, đó là dấu tích những vết cháy. Còn trâu thì sao? Còn trâu thì chẳng có con nào có hàm răng trên.
Con trâu đi trước, cái cày đi sau
Trâu là người bạn thân thiết với nông dân. Ngày xưa, chưa có máy cày, trâu phải làm mọi việc nặng nhọc chẳng những như cày bừa hay trong công việc đồng áng, mà còn phải kéo xe chở lúa, kéo gỗ trên rừng vv… cho nên các ông bà ta đã nói „Con trâu là đầu cơ nghiệp“. Hình ảnh con trâu cũng là hình ảnh người nông dân Việt Nam, cần cù, chịu thương chịu khó, dãi nắng dầm mưa để tạo ra hột lúa nuôi sống mọi người.
Trâu ơi ta bảo trâu này
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta
Cấy cày vốn nghiệp nông gia
Ta đây trâu đấy, ai mà quảng công
Bao giờ cây lúa còn bông
Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn
Chăn trâu
Theo huyền sử, ngày xưa Đinh Bộ Lĩnh thuở để tóc ba chỏm đã cùng đám trẻ chăn trâu trong vùng Hoa Lư cởi trâu, lấy bông lau làm cờ bày trận đánh nhau. Đây là vị vua xuất thân từ hình ảnh chú bé chăn trâu. Ông là người đã dẹp loạn 12 Sứ Quân, lên ngôi vua, hiệu Đinh Tiên Hoàng, xây dựng lên triều đại nhà Đinh từ năm 968 đến năm 980.
Do đó ai bảo chăn trâu là khổ?
Không, chăn trâu sướng lắm chứ
Đầu tôi đội nón mê như lọng che
Tay cầm cành tre như roi ngựa
Ngất nghểu ngồi trên mình trâu
Tai nghe chim hót trong chòm cây
Mắt trông bươm bướm lượn trên đám cỏ
Trong khoảng trời xanh lá biếc
Tôi với con trâu thảnh thơi vui thú
Tưởng không còn gì sung sướng cho bằng!.
(Quốc Văn Giáo Khoa Thư-Lớp Dự Bị-xb.1935)
Trong cảnh chiều tà, bà Huyện Thanh Quan đang lang thang nơi thôn vắng nhớ nhà, bà nhìn thấy ẩn hiện một hình ảnh thân thương quen thuộc của đứa trẻ chăn trâu đang theo trâu về chuồng, bà cảm hứng sáng tác bài thơ „Chiều Lữ Thứ“ như sau:
Chiều trời bảng lảng bóng hoàng hôn
Tiếng ốc xa đưa vẳng trống đồn
Gác mái, ngư ông về viễn phố
Gõ sừng, mục tử lại cô thôn
Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi
Dặm liễu sương sa khách bước dồn
Kẻ chốn trang đài, người lữ thứ
Lấy ai mà kể nỗi hàn ôn.
Lời cuối:
Trong những thành ngữ của người xưa nói về trâu, tôi thích nhứt là câu: Đàn khảy tai trâu“ Tại sao? Tại vì trâu nghe đàn như vịt nghe sấm, như đem những lời lợi dân, giúp nước mà nói cho đám người ngu nghe cũng vô ích, như nước đổ lá môn!.
Viết tới đây, tôi liền nghĩ đến những người dân làm chủ, những bà mẹ liệt sĩ, ngực đeo đầy huy chương của „bác Hồ“ từ khắp mọi miền đất nước cầm đơn đổ về Hà Nội, nơi đóng đô của Bộ Chánh trị đảng, còn được gọi là „Bắc Bộ Phủ“ để khiếu kiện về những tên đảng viên đầy tớ dân tước đoạt nhà cửa đất đai của họ.
Đứng trước mặt những ông quan đỏ siêu quyền lực, mặc dù họ trình bày những hoàn cảnh khốn khổ, sống vô gia cư vv…, nhưng những ông quan đỏ này đều vô cảm, không nghe, không thấy, không biết như đàn khảy tai trâu!!!.
Hỡi những người dân đang sống trong một cái xã hội thối nát bất công, quý vị chỉ còn chọn lựa một trong hai phương cách như sau:
1.- Sợ hãi, khòm lưng, buông xuôi, trước sau rồi sẽ chết tức tưởi dưới tay bạo quyền đỏ, hay ngày mai…… sẽ chết dưới tay Tàu cộng.
2.- Không sợ hãi, đứng thẳng lưng từ già cho đến trẻ, từ người trong cũng như ngoài nước cùng bắt tay nhau vùng lên như vũ bão để giải thể cái đảng bán nước, buôn dân, tống cổ chúng nó ra biển Đông trôi về Tàu cộng để xây dựng lại một nước Việt Nam thật sự Tự Do và Dân Chủ.
Trước khi dứt lời, sang năm mới con Trâu, người viết trân trọng kính chúc quý độc giả báo Viên Giác gặp được nhiều thuận duyên trong cuộc sống ly hương và chuẩn bị đón mừng ngày Đại Hội Phục Quốc Vinh Quang của đất nước.
Chúc Mừng Năm Mới
Laatzen ngày 30.10.2020
Tích Cốc Ngô Văn Phát
Cựu tù nhân „cải tạo“ ở Hoàng Liên Sơn-Bắc Việt