
Có thể tuần nào, ít ra cũng một lần, tôi có cơ hội nói chuyện với Nguyễn Mạnh Trinh, không phải chuyện văn chương mà là chuyện đời thường. Ông là cây bút viết tạp ghi văn nghệ cho trang Văn Học Nghệ Thuật của nhật báo Người Việt từ nhiều năm nay. Viết rất đều. Viết rất khỏe. Viết với chữ nghĩa cẩn trọng nhưng cũng không kém mượt mà. Đọc tạp ghi của ông, thấy yêu văn chương Việt Nam hơn, thấy thương và quý mến những người đi trước vì cái cách mà họ kiên trì và can đảm mở những con đường thênh thang, đẹp đẽ vào khu vườn hoa chữ nghĩa Việt Nam.
Trong nhiều năm cộng tác với nhau, có một điều tôi quý Nguyễn Mạnh Trinh là ở chỗ ông rất chí tình. Dường như ở quận Cam này, ông là một trong số rất ít người nhắc nhở cho cả văn giới Việt Nam hải ngoại về ngày giỗ của những nhà văn, nhà thơ đã nằm xuống. Cứ thỉnh thoảng thì tôi lại thấy Nguyễn Mạnh Trinh xuất hiện ở chỗ tôi làm việc và nhắc tôi ngày giỗ của một nhà văn nhà thơ quá cố nào đó rồi tự thân viết hay vận động những nhà văn khác viết để nhắc nhở với những người còn sống.
Không biết Nguyễn Mạnh Trinh có hay sinh hoạt với những văn hữu trong văn giới ngày nay không, nhưng theo chỗ tôi hiểu, ông là một người đam mê tìm tòi trong sách vở hàng ngày, không phải để viết lách vì nợ cơm áo, mà viết vì “muốn tìm trong đời sống một chút mơ mộng, một chút gì khác với đời thường, của mỗi ngày làm việc, của một tuần bắt đầu từ thứ Hai cho đến thứ Sáu”.
Nhiều lần Nguyễn Mạnh Trinh nêu ra thắc mắc, “Viết tạp ghi có phải là công việc làm văn chương không?”. Theo tôi, tìm cho được một câu trả lời là một điều khó bởi cũng chẳng có ai trong văn giới muốn bị gán cho là mang cái tính dễ phủ nhận nhau trong các cuộc bút chiến.
Có lần tôi kể lại cho Nguyễn Mạnh Trinh một kinh nghiệm mà tôi phải trải qua ba năm trước đây khi được giao nhiệm vụ giới thiệu một tác phẩm mới của nhiều tác giả trước một cử tọa gồm nhiều những bóng dáng lớn của nền văn học Việt Nam ở hải ngoại. Cô điều khiển chương trình sinh hoạt giới thiệu tôi là một nhà văn thay vì một người làm báo. Tôi đã vội cải đính chính ngay trước khi phát biểu. Sau khi xong vai trò của mình, tôi nói với người điều khiển chương trình rằng tôi là nhà báo chứ không phải là nhà văn.
Cô ta chỉ cười và lý giải tỉnh bơ: “Cháu thấy có gì khác đâu. Chú viết báo thì cũng phải viết Văn nên gọi là nhà văn hay nhà báo thì cũng thế thôi”.
Biết rằng nếu bắt theo kiểu lý luận này, tôi sẽ bị lâm vào một hoàn cảnh hết sức bối rối là cuộc tranh luận có thể kéo dài và không ích lợi gì, lại có khi còn bị ngô nhận nên đành chào thua bằng cười xòa.
Khi khó xác định viết tạp ghi có phải là làm văn chương không, có lẽ chúng ta chỉ còn cách tìm lại những bài mà Nguyễn Mạnh Trịnh đã viết trong ấn phẩm dày tới 622 trang của ông ở thể loại tạp ghi. Chẳng hạn ngay ở trên trang 10 khi ông phác họa chân dung của họa sĩ và nhà thơ quá cố Tạ Tỵ:
“Nhưng quả thật khi đọc những bài thơ (của Tạ Tỵ), tôi đã nghe man mác những nỗi niềm nghe như đồng vọng từ cuộc sống. Có phải từ những kinh nghiệm thẩm thấu riêng tư, thơ đã đi vào trong xúc cảm những rung động mà tưởng như hồi tưởng lại kỷ niệm lắng sâu trong ngày tháng. Bây giờ thơ vỡ òa. Thơ như những lời thầm thì từ quá khứ nào, cuộc đời nào… tâm sự ấy, lời thơ ấy mang mang như một đoạn hồ trường”.
Rồi những dòng ông viết về thơ của Vũ Hữu Định:
“Có người nói thơ Vũ Hữu Định ít có bóng dáng chiến tranh. Nếu có, chỉ là những thoảng mờ không rõ nét. Nhưng, trong suy nghĩ riêng của mình, tôi lại thấy bất cứ bài thơ nào của ông cũng thấp thoáng hình ảnh một thời đại chinh chiến. Cái tâm tư bất an, nỗi niềm thời bom đạn, những huyễn mộng và đau xót hòa chung, bàng bạc trong ngôn từ của một giai đoạn mà bất hạnh trở thành quen thuộc, hạnh phúc lại hiếm hoi…”
Những lời lẽ tha thiết ấy được Nguyễn Mạnh Trinh trải dài trên khắp 622 trang giấy chẳng là văn chương hay sao? Nhà thơ Du Tử Lê đã có lần đưa ra nhận định về thơ phổ nhạc như thế này: “Một bài thơ hay, một bài thơ đầy sẽ ít có chỗ cho sự đóng góp của âm nhạc…” Và vì thế tôi nghĩ rằng, về văn chương cũng vậy. Một tác phẩm hay và trọn vẹn sẽ dành rất ít khoảng cách cần thiết cho người điểm sách góp lời. Nhưng trường hợp Nguyễn Mạnh Trinh là một trường hợp khá khác biệt.
Hàng ngày, ông mò mẫm từ những trang sách giở ra cả một quá khứ, cả một thời từ hưng thịnh, thanh bình cho tới nhiễu nhương loạn lạc, rồi chiến tranh, chủ nghĩa và những sóng gió chính trị đổ ập vào đất nước… cả một dân tộc choáng váng với những cơn đau chia cách, những hận thù ngùn ngụt lửa, những cuộc đấu tranh sống mái và những trận cuồng phong gian đối, lừa lọc và phản trắc đã không thể làm cho những câu những chữ của Nguyễn Mạnh Trinh bị mờ những vẩn đục của các giai đoạn lịch sử có nhiều điều thật tuyệt vọng. Tác giả “Tạp Ghi Văn Nghệ” vẫn viết được những dòng ghi vội, những dòng không thể chìm lẫn với bất cứ một tác giả viết tạp ghi nào khác khi viết về Vũ Khắc Khoan:
“Viết về Vũ Khắc Khoan, tôi thấy ngợp đi trong suy tư. Lúc trẻ tâm hồn hiếu động nên dễ bị cái ngờ ám ảnh. Tại sao cứ hay thắc mắc để rồi làm gì. Khoanh tay nhìn đời chăng? Hay làm người đi trong thực tại? Nhưng ở tuổi như ngày hôm nay, tôi lại thấy hình như mình cũng đã nhiều thắc mắc và nhiều lúc phân vân giữa cái có và cái không, cái huyền và cái thực. Tác giả Vũ Khắc Khoan sinh ra trong một thời đại đặc biệt nên cách suy tư và ứng xử với đời cũng đặc biệt.
Đọc lại những trang sách của ông, có khi viết cách nay hơn nửa thế kỷ mà sao vẫn tưởng hiển hiện những vấn đề của hôm nay. Nhất là trong tình cảnh bây giờ, chữ ‘tuyệt mù’ của ông lại càng rõ nghĩa. Tuyệt mù, để cõi vô tận đến gần thêm vài bước. Tuyệt mù để ánh sáng làm rõ ràng hơn bóng tối, có phải?”
Và trang 110, Nguyễn Mạnh Trịnh mô tả những xúc cảm của ông về thơ Thanh Nam:
“Có người bảo sao thơ Thanh Nam cổ điển, nghe mang mang phong vị của thời Đường Tống cũ! Có một khuôn dáng nào để thơ bị khóa chặt trong giam hãm…
Mỗi người một ý nghĩ, tùy theo cảm nhận, theo ý thức riêng.
Nhưng với tôi dù nghe man mác quen quen ấy của ngày xưa vọng về, những vần thơ của Thanh Nam vẫn làm tôi xao động, vẫn làm tôi cảm được cái lạnh lẽo của buổi chiều đầy mây đầy gió của chàng tráng sĩ qua sông… Cũng như đọc thơ Thanh Nam lại nghĩ đến những hào sảng của Nguyễn Bắc Sơn, những hài hước nhưng đau đớn tự diễu mình của Cao Tần, những mênh mang cảm khái của Tô Thùy Yên…”
Còn với “Người Đi Trên Mây” Nguyễn Xuân Hoàng, tác giả Nguyễn Mạnh Trinh chỉ nhớ nhiều đến “Ngôi Nhà Ngói Đỏ”, có lẽ vì tác giả và tác phẩm này tạo cho ông một cảm xúc sâu sắc và chân thực đối với văn phong bay bướm của họ Nguyễn. Trong ngôn ngữ, Nguyễn Mạnh Trinh cũng thích những cái đẹp và luôn luôn đi tìm cái đẹp. Dường như tác giả “Tạp Ghi Văn Nghệ” không mấy thích hợp loại ngôn ngữ như dao chém vào đá tảng. Ở trang 133, ông viết:
“Tôi lấy làm lạ tại sao Nguyễn Xuân Hoàng ít làm thơ. Bởi vì tôi thấy cõi thơ bát ngát xuất hiện trong nhiều đoạn văn của ông. Cảnh làm gợi nhớ người, thơ làm cho cảm giác chơi vơi hơn trong cái trơ trọi của thực tại. Cái trí nhớ ấy có lẽ đầy chật những ý thơ, những câu của ca dao ngàn xưa nhưng còn sống mãi.
Sau này, khi ông phụ trách tạp chí Văn, viết những trang sổ tay, tôi vẫn thích những dòng chữ ghi lại từ những ngày tháng thực, dù vội vàng nhưng có nét đáng yêu của những vần thơ tiềm ẩn bên trong. ‘Ngôi Nhà Ngói Đỏ’ in năm 1989.
Tôi đã đọc một trong những cuốn đầu tiên mang từ nhà in về. Đến nay đã mười mấy năm. Bây giờ thỉnh thoảng giở ra đọc, vẫn tìm được những nét xao động của tâm tư một thời.
Chủ quan tôi, đây là một tập truyện ngắn xuất sắc… Những truyện viết đều tay, có cảm xúc chân thực làm người đọc dễ chia sẻ.
Văn phong bay bướm của từ ngữ nhiều hiển lộng như những viên đá tảng lót đường cho những bước chân đi tìm cái đẹp. Thời gian qua, nghĩ đến Sài Gòn, Đà Lạt, Nha Trang… tưởng về những người cũ tôi lại giở những trang sách như một lúc trở về chốn xưa. Có như thế. Tưởng tượng như mình trẻ lại của mới thuở nào…”
Đấy là văn chương, cái thế giới chữ nghĩa thực tại và huyễn hoặc lẫn lộn, cái thế giới có thể làm cho tâm hồn dịu đi, làm cho người ta bùi ngùi, cái thế giới có khả năng thúc đẩy con người lần mò trở lại quá khứ, phủi đi lớp bụi thời gian để ngắm nhìn lại chính mình, nhìn lại con đường dẫn tới dòng sông tuổi nhỏ.
Văn chương của Nguyễn Mạnh Trinh là như thế. Nó tràn ngập khắp các trang sách, nó là những vạt hoa dại trên ngàn, nó là những nét chấm phá của một giai đoạn Văn học Việt Nam khá đặc biệt, một nền Văn học phản ảnh được những khắc khoải của thân phận con người giữa những biến động và thay đổi đến chóng mặt, giữa một cuộc chiến đẫm máu và hủy diệt, rồi bước vào một giai đoạn hòa bình ngỡ ngàng với những đổi thay làm tha hóa con người đến cùng cực, khiến con người phải quay lưng bỏ đi, phải tự đứt lìa với những phần đất quen thuộc mà chúng ta đều gọi bằng quê hương để nổi trôi cùng với sự hưng vong của nó.
Từ Tạ Tỵ, Mai Thảo, Vũ Hoàng Chương, Vũ Hữu Định, Vũ Khắc Khoan, Xuân Diệu, Văn Cao, Thanh Nam, Nguyễn Xuân Hoàng, Phùng Quán, Tô Hoài, Võ Hồng, Phạm Công Thiện, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Nguyên Sa, Sơn Nam, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Sỹ Tế, Nguyễn Bính cho đến Trần Hồng Châu, Hữu Loan, Hoàng Cầm, Huy Cận, Nguyễn Tuân, Harold Pinter, Saint Ex, Franz Kafka, Raymond Carver, Bei Dao, Elfriede Jelinek, Anna Akhmatova, Marguerite Duras hay Solzhenitsyn, người ta có thể đọc được những ý nghĩ mới mẻ nhất của Nguyễn Mạnh Trinh về những tác giả đã từng và đang còn ảnh hưởng trong Văn học Việt Nam và Văn học nước ngoài.
Suy nghĩ có nhiều cảm xúc không thể coi là những nhận định hay phê bình Văn học. Nguyễn Mạnh Trinh đã xác định như thế và giản dị, tác giả chỉ tác muốn là một người “chia sẻ với các tác giả cũng như mong độc giả chia sẻ với chính ông” mà thôi. Tôi cho rằng, tác giả Nguyễn Mạnh Trinh đã không có gì quá đáng khi ông chỉ muốn nôm na coi mình là một người dùng văn chương để giới thiệu văn chương. Cho nên, ông đã rất công bằng khi viết:
“Nếu đáng kể thì chỉ là cái tâm thành của một người yêu sách vở nghệ thuật. Biển văn chương thì mênh mông vô bờ, tôi chỉ muốn là người đứng bên bờ, nhìn theo một góc cạnh riêng của mình chứ không muốn chèo chống một con thuyền nhỏ ra khơi để đi tìm những gì mà mình nghĩ là quá vòng tay với.
Tôi muốn mình làm một người bình thường coi chữ nghĩa như những điều làm mình vui trong cuộc sống khá nhiều thúc ép hiện tại”.
Nói tóm lại, bằng thể loại tạp ghi chứ không phải là phê bình hay nhận định Văn học và với những tác giả đã từng có thời vàng son, được yêu quí, Nguyễn Mạnh Trinh đã tự biến mình thành một kẻ lãng du, rong chơi trên núi sách cũ, sách mới chất thành những đống hỗn độn để lựa ra, lau chùi, bày biện, giở lại từng trang, tìm lại cái quá khứ lãng đãng xa xôi, tìm lại hơi thở, trái tim hay nụ cười của một thời đã qua hay chỉ mới vừa đi qua. Để thấy mình còn hạnh phúc. Để thấy mình còn niềm vui trong cuộc sống. Chỉ như thế, “Tạp Ghi Văn Nghệ” của Nguyễn Mạnh Trinh đã đóng trọn vai trò của nó rồi.
Vũ Ánh