User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
TranPhongVu
 
Tôi vẫn nghĩ trong một người đàn bà luôn có một người mẹ, trong một người đàn ông luôn có một người cha; suy nghĩ này lại được minh xác sau khi tôi đọc “Tuyển Tập Trần Phong Vũ”.

Có một cái gì đó khiến tôi bồi hồi khi nghĩ đến Trần Phong Vũ, một người đàn ông dáng vẻ nhanh nhẹn, nụ cười luôn nở trên môi, khó tưởng được người ấy trong lòng dằng dặc tâm sự. Tôi thích nghiền ngẫm về sự tương phản ấy, nó phản ảnh một hiện tượng đặc biệt trong văn hóa Việt Nam: Sự giao thoa giữa hai nền văn minh xưa và mới – xưa ở đây là nếp suy nghĩ bao đời của người Việt, còn mới là triết thuyết của một tôn giáo được du nhập từ bên ngoài – Thiên Chúa Giáo.

Chính sự giao thoa này làm cho “Tuyển Tập Trần Phong Vũ” có một phong vị đặc biệt, đặc biệt đến nỗi có thể làm những ai không hiểu về đạo Thiên Chúa bị… nấc cục, nhất là khi đọc tới những đoạn nghe như lời cầu nguyện của tín đồ dâng lên đấng Toàn Năng. Thú thật, tôi đã bị nấc cục như thế và đã phải bỏ cuốn sách qua một bên, không đụng tới nó cả tuần.

Nhưng cuốn sách vẫn có một sự cuốn hút kỳ lạ, có thể vì tấm lòng chân thành của tác giả trang trải trong mọi bài văn, thơ; cũng có thể tôi ngượng vì đã tự chứng tỏ là kẻ đọc sách lười biếng và đầy thành kiến, chỉ muốn đọc cái mình muốn đọc thay vì đọc để mở rộng tầm mắt. Cuối cùng, tôi cố gắng vượt lên chính mình và từ đó để thấy ra điểm cuốn hút nhất trong văn thơ Trần Phong Vũ – tâm tình của một người cha.

Tâm tình của người cha trong văn chương Việt Nam tuy không được diễn tả nhiều như tấm lòng người mẹ nhưng vẫn có và đã có từ rất lâu. Nổi bật nhất là trường thi “Gia Huấn Ca” của Nguyễn Trãi, dạy bảo người trong nhà những phép tắc nên giữ để gia đình hòa thuận. Người cha cùng lúc là người thày, cái tình thương con do đó không thể quá trìu mến quấn quýt và thường khi phải tỏ ra cứng rắn nghiêm nghị tới mức lạnh lùng.

Tâm tình người cha trong “Tuyển Tập Trần Phong Vũ” ngược lại, dào dạt chan hòa như nắng mới đầu ngày; dào dạt đến mức ông nói chuyện với các con ông chưa đủ mà còn phải nói với các đứa trẻ khác – thế hệ sau; ông nghĩ tới họ với tất cả băn khoăn nghi ngại nhưng vẫn đầy hy vọng tin tưởng. Ông trao cho họ những kinh nghiệm quý giá mà không ngại mang tiếng ra vẻ thày đời. Dưới đây là một lời khuyên thực tế và chân tình mà tôi thấy chính mình cũng cần ghi nhớ:

“Nhược điểm lớn nhất của con là thái độ chợt vui chợt buồn và lối xét đoán vội vã hời hợt trước những hiện tượng xảy ra quanh mình. Nếu bảo đấy là dấu hiệu của một con người bộc trực, chơn chất thì nó cũng là biểu thị của lọa người nông nổi, nhẹ dạ, thiếu cái phong phú, súc tích, tế nhị, sâu sắc của một lối sống thiên trọng về những sinh hoạt hướng về chiều sâu của nội tâm.” (trích “Độc Thoại” – TTTPV – trang 45)

Người cha của Trần Phong Vũ không có cái nét nghiêm nghị đến lạnh lùng, dù sao ông cũng thuộc một thế hệ “trẻ” so với các cụ ta ngày trước, ở đó người Việt chịu ảnh hưởng phần nào cung cách bình đẳng giữa cha và con của nền văn hóa Âu Mỹ. Thế nhưng, đó có thể là do ông còn chịu một ảnh hưởng khác, có phần sâu đậm hơn – tình cha của Đức Giêsu Kitô.

Với tầm hiểu biết hạn hẹp về tôn giáo nói chung, đạo Thiên Chúa nói riêng, tôi chỉ dám nói một cách đơn giản rằng Đức Giêsu không chỉ là Ngôi Hai, là con Đức Chúa Trời mà còn là một người cha rất mực nhân từ. Cuộc tử nạn trên thập giá của Người một phần do vâng lời Chúa Cha nhưng phần kia là từ tình yêu vô hạn muốn cứu rỗi loài người. Trần Phong Vũ cảm nhận tình yêu cao cả ấy và nguyện noi theo gương Đức Giêsu.

Trong bài thơ “Tình Yêu Thiên Chúa” (TTTPV trang 431), ông chia sẻ:

Trong cuộc đời Chúa luôn luôn kề cận,
Cảm nhận Tình Ngài hằng hiện diện bên con.
Những khi con gặp cơn túng quẫn héo mòn,
Và những khi chuyện đời trở nên khó hiểu.
Cũng là lúc con biết Ngài hiện hữu,
Hướng dẫn con tìm điểm tựa nơi Ngài.
Chỉ cho con những quyết-định-cả-một-đời.
Khi thời gian trôi mau bên song cửa.
Chúa là bạn trung thành hơn tất cả,
Tự Trời cao Ngài đổ xuống muôn ơn.
Tình-Yêu-Ngài: Ôi kỳ diệu sắt son!
Khi con biết lắng nghe bằng lương tâm công chính.


Qua bài thơ này, ta thấy người cha qua hình ảnh của Đức Giêsu có nhiều điều khác với người cha của loài người. Đấy không phải là người cha sẵn sàng cung ứng cho con tất cả điều nó muốn, cũng không hòng che chắn cho nó mọi sự khổ đau, mà người cha này bằng lòng cho con mình lâm vào những tình cảnh khốn cùng để từ đó nó hiểu ra một sự thật, đó là ngoài đời sống vật chất thế gian còn có một đời sống tâm linh với những niềm vui thanh thoát hơn.

Tâm tình phụ tử thiêng liêng đó cũng còn khác với tình cha con bình thường ở chỗ con người chỉ cảm nhận được trọn vẹn khi con người “biết-lắng–nghe–bằng–lương–tâm–công-chính”. Thường ta vào nhà thờ, ta quỳ gối, rồi với cả tấm lòng thành, ta cầu xin. Cái kiểu “con quỳ lạy Chúa trên trời, xin cho con lấy được người con yêu” thật ra không có gì sai trái, có đứa con nào không nhõng nhẽo cha ơi cha hỡi cho con cái này cái nọ đâu, và có người cha nào thương con mà không cho nó điều sẽ làm nó hạnh phúc đâu. Nhưng tình cha của Chúa không chỉ có thế, Chúa còn muốn những đứa con của Người phải trở thành người thực sự – với con người được tạo thành theo hình ảnh của Đức Chúa Trời – Đó không phải là người thành đạt, người vinh hiển, người giàu có, người nhan sắc,… mà con người thực sự phải là người công chính.

Những năm gần đây, câu chuyện cha truyền con nối của các cán bộ cao cấp của Đảng Cộng Sản ngày càng lộ ra. Các “thái thượng hoàng” chuẩn bị rất kỹ lưỡng việc chuyển giao quyền lực cho các “thái tử đảng”. Tình cha con ở đây vô cùng khăng khít dạt dào vì không chỉ có tình ruột rà mà còn là đặc quyền đặc lợi. Thế nhưng, người ta đã cười chê một Tô Linh Hương mang guốc cao gót đi thị sát công trường, người ta cũng đã thảm thương cho một Bạc Qua Qua bị đình chỉ chức vụ trong Bộ Chính Trị Đảng CS Tàu; thái độ kênh kiệu của Linh Hương, tương lai vỡ vụn của Qua Qua từ đâu mà ra? Phải chăng là kết quả của cái tình cha mù lòa, thiếu đức công chính của Tô Huy Rứa, Bạc Hy Lai?

Rất nhiều người trong chúng ta không được may mắn có một người cha theo ý mình mong muốn, có người còn không biết cha mình là ai, nhưng tôi tin các bạn – nhất là các bạn trẻ – khi đọc “Tuyển Tập Trần Phong Vũ” sẽ thấy lòng tràn đầy một sự bình an và cảm mến.

Hãy để nó ở lại trong bạn vì một ngày nào đó bạn cũng sẽ là một người cha.

Trịnh Bình An

Tài liệu tham khảo

1) Tôi đọc “Tuyển Tập Trần Phong Vũ”:
* Nguyễn Chí Thiện:http://url9.de/AJB
* Chu Tất Tiến:http://url9.de/AJC
2) Ra mắt ‘Tuyển Tập Trần Phong Vũ’:
http://url9.de/AJ7
3) Ra mắt sách của Tủ Sách Tiếng Quê Hương:
* Người Việt Online:http://url9.de/AHJ
* Đàn Chim Việt:http://url9.de/AJ9