User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
buidosime
 
Lời Ngỏ
 
Giữa cái Quên và cái Nhớ núi rừng cao nguyên, Như Thương đã để lại dòng thơ muộn màng bên con thác, nơi dòng suối, trên đồi trọc, giữa con phố quen thuộc của nắng mưa, với tất cả trái tim mình và gọi… ơi mặt trời trên đỉnh núi… ơi gió lộng âu yếm hoa quỳ vàng… ơi âm vang cồng chiêng vang động góc rừng... và ơi Bụi Đỏ Si Mê bằng tất cả những nhớ thương, khao khát tìm về dòng chảy yêu thương xưa cũ.
 
Xin hãy xuôi dòng từ non cao thành thác đổ, để ở đó - Em ngực trần hòa mình sống với giọt thiên nhiên tinh khiết. Xin ngồi với Em và vạt quỳ vàng còn sót lại bên triền đất vỡ hôm nào và Ta sẽ yêu nhau nồng nàn Em ạ. Xin được hóa thân làm sắc hoa thiên lý rực rỡ vàng cam trong nắng gió lung linh bên góc nhà sàn và cây lá xanh biếc kỷ niệm. Xin hãy trầm mình trong lời ca, có nốt đàn và cung bậc, có giai điệu và ân tình và có cả Em với Ta cùng bằng hữu. Xin được làm vuông lụa mềm ấm áp quanh cổ tình riêng Em, Ta thầm ao ước điều ấy Em có biết không, có chút gì run rẩy trong trái tim Ta Yêu Em để rừng cây sau lưng Em hờn ghen với Ta đấy… Xin hãy tung tăng trong kỷ niệm thời mới lớn, rất dại khờ như con suối chợt reo "Ồ, dường như Ta Yêu...", ở đó khúc quanh trong ngõ tình chợt ửng hồng môi má Em và riêng Ta- Ta muốn ngắm Em hoài thật lạ...
 
Và xin được gom chút chữ nghĩa vụng về tặng rừng xưa chốn cũ, tặng những gót chân trần Banmê vương đầy bụi đỏ năm tháng thuở nao...
 
Mời bạn thả đôi chân trần, đi giữa Cái Nhớ và Cái Quên ấy trong Bụi Đỏ Si Mê...
Như Thương 
 
Lời Cảm Ơn
 
Trân trọng cảm tạ những thâm tình và những tấm lòng vàng đã giúp đỡ Như Thương hoàn thành tập thơ "Bụi Đỏ Si Mê" này.
 
Cảm tạ các Bạn Thơ đã theo bước chân Như Thương âm thầm, quý Thầy Cô và bạn xưa yêu dấu của trường Trung Học Tổng Hợp Ban Mê Thuột, đặc biệt là nhạc sĩ Phan Ni Tấn và nhà văn Lê Hữu đã tô điểm thêm hương nhụy cho chữ nghĩa của Như Thương.
 
Rất cảm ơn bạn bè đã trao cho Như Thương những tấm hình chụp về Banmê rất quý cho bìa sách và phụ bản: Bạn thơ Giang Nam, bạn Lê Duy, bạn Quách Lục, cùng những họa phẩm tuyệt vời của họa sĩ Phùng Đạt, họa sĩ Đỗ Dư.
 
Lời cuối vẫn không quên cảm ơn bạn thơ Phượng Các, người đã lặn lội Layout cho dòng thơ Như Thương bấy lâu nay...
 
Rất quý mến,
Như Thương
****************
“Thành Phố Bụi Đỏ” trong thơ Như Thương
Lê Hữu
 
Dạo sau này tôi ít có đọc thơ và cũng ít đọc trọn tập thơ nào. Dường như những bài thơ hay ngày càng ít đi. Lâu lâu “bắt” được một bài thơ hoặc một câu thơ hay thật là thú vị. Một bài thơ hay không bao giờ cũ, như cái đẹp còn ở lại với ta mãi.
 
Thường, tôi đọc thơ rất chậm. Thơ không thể nào đọc nhanh được, tôi cho là vậy. Thơ không thể đọc vội vã, gấp gáp, đọc lướt qua như là đọc các mẩu tin chính trong tờ báo hàng ngày. Thật khó mà đọc và thưởng thức thơ theo lối ấy. Tôi chắc những người làm thơ cũng ít ai muốn thơ mình được đọc theo lối ấy. Đọc thơ, tôi đọc thong thả như là “nhấm nháp” thơ, nhấm nháp từng ngụm trà, từng ngụm café, từng mẩu bánh, để kéo dài thêm ra cái thú thưởng thức thơ thật chậm rãi, thật từ tốn. Thơ đọc theo cách ấy có vẻ dễ “ngấm” hơn, có vẻ “ngon” hơn và có vẻ “thơ” hơn.
 
Tôi gần như đã đọc thơ Như Thương theo cách ấy, và “bắt” được những câu thơ hay cũng bằng cách ấy.
 
Thế nhưng, biết thế nào là bài thơ hay, câu thơ hay? Khen một bài thơ hay cũng giống như khen một bức tranh đẹp, dễ rơi vào chủ quan. Người này nói đẹp, người kia nói không đẹp. Người này nói bài này hay, người kia nói bài kia mới hay. Vậy thì, câu thơ hay chắc phải là câu thơ tôi và nhiều người yêu thơ khác đều cho là... hay.
 
Chẳng hạn những câu thơ như thế này:
 
Dường như cô bé rất hiền
tay ngoan cặp sách, mắt viền ngây thơ
Dường như ai đó tình cờ
theo chân guốc nhỏ bất ngờ sau lưng…
(Tiểu Thư)
 
Chữ “ngoan” dùng như là động từ nghe hay hay, là lạ, và chỉ thấy trong thơ Như Thương (những người làm thơ khác chắc sẽ viết “tay ôm cặp sách”). Và động từ “viền” ấy nữa, nghe rất mới, rất lạ. Đến hai chữ “bất ngờ” trong câu thơ cuối thì thật… bất ngờ, cứ như là bất ngờ quay lưng lại bỗng giật mình thấy anh chàng đứng sau lưng mình từ lúc nào.
 
Trong những trang thơ của Như Thương ta vẫn bắt được những câu thơ hay đến... bất ngờ như thế, như là:
 
Lạ chưa ánh mắt vô cùng
Lặng im, nhưng đã nghìn trùng có nhau
Nên duyên e ấp má đào
Gót chân em chợt lao đao hồn người
 
Hai chữ “vô cùng” ấy nghe thơ... vô cùng. Lại còn “nghìn trùng có nhau” nữa, tưởng như không có cách nói nào hay hơn và thơ hơn. Đến hai chữ “lao đao” ấy thì thật... chết người. “Lao đao hồn người”, tôi chưa nghe ai nói thế bao giờ. Nói “lao xao”, “xôn xao” hoặc “nôn nao” thì cũng hay vậy, nhưng không thể nào hay được bằng “lao đao”. Hoặc là:
 
Em, hồn cánh mỏng. Lòng ta
men theo lối cỏ một tà áo vương…
(Áo Quỳ Vàng)
 
Động từ “men” ấy nghe rón rén, dìu dặt và rất thơ. Chữ thứ sáu và chữ thứ bảy nối nhau (tà/áo) trong câu thơ nghe vừa “mướt” vừa vấn vương, vương vấn.
 
Cũng đâu phải chỉ có “một tà áo vương”. Tôi nhớ, trong lúc đi tìm những câu thơ “minh họa” vẻ đẹp mềm mại và trữ tình của chiếc áo dài phụ nữ truyền thống của người Việt mình, tôi bắt gặp những câu lục bát thật là đẹp trong thơ Như Thương.
 
Thôi như chiếc lá vàng rơi
Áo bay theo gió hát lời bình yên…
(Áo Bay)
 
Chưa hết:
 
Thôi thì anh, cánh chim bay
Em tà áo mỏng theo mây nghìn trùng…
(Vàng Thu)
 
Áo bay mịt mù theo gió theo mây, như cánh chim đã bay mất, như tình đã vụt bay.
 
Vẫn chưa hết:
 
Giữ hương gió của đêm qua
Giữ em một thoáng áo tà mỏng bay
Giữ câu lục bát như mây
Giữ trăng sao của đắm say đất trời…
(Vòng Xoay)
 
Tôi hiểu vì sao nhiều người yêu thích thơ lục bát của Như Thương. Những câu lục bát cũng mềm mại, cũng dịu dàng như vạt áo dài lay động nhè nhẹ trong nắng sớm trong gió chiều.
 
Phải chi quá khứ về gần
tháng năm đã chẳng bâng khuâng bốn mùa
Phải chi mưa chẳng là mưa
chỉ phơn phớt nhẹ cho vừa nhớ nhau…
Phải chi lá chẳng nhuộm vàng
mùa đông quên bẵng dịu dàng môi em…
(Quá Khứ)
 
Đôi lúc, ta còn gặp những câu thơ thật “lạ”, đọc lên nghe như là… “tách trà thơm nở hạt thiền trong veo”.
 
Em về với lọn tóc mai
Ngồi bên đồi lá nhớ hoài biếc xanh
Mai kia chồi nhú trăm nhành
Bạt ngàn ấp ủ hóa thành trà hương
 
Nắng, mưa, sương của Vô Thường
Ta-Em hội ngộ quãng đường tâm duyên
Đất Trời mở cõi uyên nguyên
Tách trà thơm nở hạt thiền trong veo…
(Hạt Thiền Trong Veo)
 
Nhiều lắm, kể mãi không hết, những câu thơ trong vắt “trong veo” như thế. Nhưng thôi, còn phải… để dành cho người đọc của Bụi Đỏ Si Mê nữa chứ.
Thế nhưng, vì sao lại có chuyện “bụi đỏ si mê”?
*******
Thơ em là giọt nắng
của chiều hoàng hôn rơi
Thơ em là giọt mưa
của đêm buồn rưng rức
 
Nàng thơ Như Thương từng có lần tự giới thiệu về thơ mình như vậy. Những giọt nắng vàng phai của buổi chiều tàn và những giọt mưa đêm lặng lẽ rơi xuống thành phố nhỏ êm đềm ở Florida–quê hương thứ hai của nhà thơ–cũng đánh thức những nhớ thương dịu dàng về thành phố nào xa xăm trong trí tưởng. Ban Mê Thuột, với biệt danh “Buồn muôn thuở” nghe… buồn buồn làm sao, và với vẻ đẹp của những bông dã quỳ hoang dại mọc lên khắp miền đồi núi, như tấm áo màu vàng rực khoác lên thành phố miền cao nguyên đất đỏ ấy, từ thuở nhà thơ còn là cô nữ sinh hay mơ hay mộng và… chớm biết yêu.
 
Hôn em, vàng nụ dã quỳ
Nụ tình thơ, độ xuân thì năm xưa
Sân trường áo trắng sớm trưa
Lối mòn đất đỏ, cho vừa yêu em
Ngoan ngoan cặp sách êm đềm
Trang thơ tình bỗng chợt mềm trái tim
 
Cô bé “ngoan ngoan cặp sách êm đềm” ấy, cô nữ sinh áo trắng Như Thương ấy từng sống những năm tháng tươi đẹp nhất của một đời người nơi thành phố ấy, nơi sân trường, lớp học ấy, nơi cô từng hái những “nụ tình thơ” đầu tiên của mối tình đầu thuở học trò còn in dấu trên những “lối mòn đất đỏ” thân quen.
 
Thế rồi, một ngày kia, những năm tháng êm đềm vụt biến mất. Cơn bão tàn khốc của lịch sử đã cuốn phăng đi tất cả. Thế rồi, một ngày kia, cô đành bỏ trường bỏ lớp, bỏ lại sau lưng thành phố thương yêu đầy ắp những kỷ niệm, bỏ lại sau lưng những cánh đồng dã quỳ màu vàng rực hoang dại. Cô đi biệt, đi mãi không về, để bao người mỏi mắt trông chờ.
 
Thôi ta như cánh hoa vàng
đợi em về lại ngắm hoàng hoa xưa… (Dã Quỳ)
 
Cô đi biệt, đi mãi không về, mang theo cả những câu thơ bụi đỏ.
 
Theo chân em thánh lễ tình
Phố xưa, bụi đỏ, lời kinh Chúa hiền
Em quỳ dáng mỏng nghiêng nghiêng
Thế gian mở cửa vô biên khôn cùng…
(Thánh Lễ Tình)
 
Như Thương, cô yêu “thành phố bụi đỏ” của cô hơn bất cứ ai yêu thành phố ấy, tưởng như trong trái tim cô vẫn luôn có ngăn nào đó cất dấu chút “bụi đỏ” của thành phố “Bụi mù trời” mà một phần đời của cô còn gửi lại chốn ấy. Nếu quả là như vậy thì cũng chẳng tổn hại gì cho trái tim cô mà chỉ làm cô... làm thơ hay hơn thôi.
 
Tôi tin rằng, những ai từng có một thời tuổi trẻ sống sôi nổi, yêu thiết tha nơi thành phố “cao nguyên nắng bụi mưa bùn” ấy, nơi mùa mưa có đất bùn đỏ quạch và mùa nắng có những cơn lốc xoáy cuốn tung bụi đỏ, sẽ tìm thấy trong Bụi Đỏ Si Mê những câu thơ làm “lao đao hồn người”.
 
Cái tựa là lạ của tập thơ cũng làm tôi nhớ tới những câu hát trong một tình khúc quen thuộc nào của những ngày xa xưa ấy.
 
Hôm nay đường này/ cây cao hàng gầy/ đi quanh tìm hoài
Ai mang bụi đỏ đi rồi/ ai mang bụi đỏ đi rồi…*
 
Nét láy mềm mại ở nốt nhạc “bụi đo... ỏ...” và câu hát cuối cứ lặp đi lặp lại, nhỏ dần, nhỏ dần với nhạc điệu buồn buồn, nghe như một nỗi gì tiếc nuối xa xôi. Tôi chắc trong số những người yêu thơ Như Thương, trong số những người cầm trên tay tập thơ này có không ít những chàng trai phải “Anh còn ngẩn ngơ, ngẩn ngơ”, và “đi quanh tìm hoài” vì... “ai mang bụi đỏ đi rồi”.
Lê Hữu
4/2014
* Ngày xưa Hoàng Thị, nhạc Phạm Duy (phổ thơ Phạm Thiên Thư)
 
Nội Dung
 
 

A

Áo đỏ        

Áo lụa Tháng Giêng

Áo mộng

B

Ba mươi ngày ấy Tháng Tư...

Bài thi Sử Việt

Bầu ngực núi rừng

Bia mộ nghìn trùng

Biệt khúc

Biệt khúc Hà Thanh

Bỏ đời theo thơ

Bụi đỏ ly hương

Bụi đỏ si mê

Bụi hồng thiên mã

Bước ra lục bát

Búp hoa em

C

Chạm môi đóa tình

Chạm phút tần ngần

Chẳng còn Tháng Mười

Chưa kịp cám ơn...

Chuốc rượu hoàng mai

Chuốc rượu môi em

Chút xíu

Chuyện kể đồi Tháng Tư

Chữ nghĩa bể dâu

Cổ thư tình

Cõi của riêng mình

Con trăng con chữ

Còn vạt quỳ vàng

Cuồng thơ

Cung tơ

Cuối chặng trần gian

D - Đ

Dạ khúc lụa

Dãi dầu thương em

Đã ba mươi chín năm

Đắm đuối một lần

Đất khách

Dẫu chỉ một đêm

Đổi thơ lục bát

E

Em hoàng hạc bay

Em vỗ cánh bay

Én nhạn lìa đôi

G

Giai nhân

Giàn bầu ơi à

Giao phối

Giữ hoài áo lụa

Guốc em

H

Hạt thiền

Hạt thiền trong veo

Hoàng hôn xưa

Hỏi lá rừng thu

Hồn đá

Hồn sách thơm

Hồn nghiêng cánh mỏng

Hồng nhan

Hứng giọt khẽ rơi

Hương khói cuối cùng

Hương núi

Hương ơi!

Hương quế phai

Hương thiền

K

Khe khẽ vàng phai

Khép lòng

Khi đất mở lòng

Khuya đợi Giao Thừa

L

Lộng lẫy giữa đời

Lụa vô ngôn

Lục bát ngủ ngoan

Luồn tay vú mẹ

Ly hương vọng âm

M

Mai thuở vàng hoa

Mảnh tang lòng

Màu lụa lả lơi

Mẹ ơi!

Mẹ ơi, tay mẹ!

Mê thất

Mộ phần tạm dung

Mộng mị

Một chỗ hư không

Một cõi giang hồ

Muốt trắng bờ sông

N

Nằm nghiêng

Ngó theo...

Nguyệt Trăng

Nhớ rặng ầu ơ...

Níu chân

Nỗi lòng

Non khuyết vầng trăng

Non nước bụi mù

Nửa bờ hoàng hôn

Nửa chừng

P

Phai hết tàn thu

Nước mắt Hoàng Vi

Phố núi Tháng Ba

Phóng bút

Q

Quán trọ

Quê mình

Quỳ tím trổ bông

Quỳ vàng em ơi...

R

Rơi vào lòng anh

Rong chơi với nguyệt

S

Se lòng thánh nhan

Sỏi đá mềm lòng

Suối một dòng trôi

T

Ta rủ nhau về

Tạ chén Vô Ưu

Tạ ơn người áo trận

Tạ ơn phù vân

Tam giác tình Như Thương

Tâm bão

Tang Lòng

Tháng Ba, Banmê

Tháng Giêng xuân cúc

Tháng Ba, tháng Tư bụi đỏ

Tháng Tư, giỗ đất nước mình

Tháng Tư, tiễn anh

Theo gót Mẹ

Theo hồn sông núi

Theo hồn thơ em

Theo lưng áo mỏng

Thoáng một tà trăng

Thôi quên

Thôi thì mây bay

Thuở em kiêu sa

Thượng Đế quên rồi

Thuyền sen vô ngã        

Tiếc hoài giai nhân

Tiễn anh Việt Dzũng

Tịnh hương

Tơ tình Tháng Hai

Tơ vàng áo lụa

Trăm bước tỏ tình

Trầm mình Hát Giang

Trang sử biếc

Trên đồi nắng mưa

Trôi đi trăm nhánh

Trời mây tang bồng

Tương tư đá

V

Vẫn còn dáng xưa

Vẫn rượu ngày xưa

Vẫn tạ ơn em

Viếng anh linh

Việt Khang - người con yêu đất Việt

Vò thơ

Vô thức tình

Vòng xoay

Vũ khúc quỳ vàng

Vướng bụi tình

Vướng chữ tình

X

Xếp vuông áo lụa

 
Bạn Thơ và Như Thương
 
Thơ Ở Một Miền Đất
Phan Ni Tấn
 
Buôn Hô cách Ban Mê Thuột 40 cây số về phía Đông Bắc, nằm trên quốc lộ 14 đi Pleiku. Thập niên 50, Buôn Hô là một quận lỵ nhỏ bé, nghèo nàn, dân cư thưa thớt, hầu hết là người Thượng, vì Buôn Hô do họ lập nên. Rừng rú như thế, nghèo nàn và nhỏ bé đến vô danh như thế, nhưng lại là nơi có lần tôi và vài người bạn đi xuyên Buôn, lội rừng săn đêm. Và đó cũng là nơi (sau này tôi mới biết) Phạm Kim Hương, tức nhà thơ Như Thương thỉnh thoảng ghé về thăm ba cô làm việc trước năm 1975. Thuở ấy, Như Thương vẫn còn vô danh như chiếc lá, như ngọn gió, như con chim sơn ca hay chỉ là một cô tiên nhỏ bé, mong manh ở trên núi trên rừng.
 
Rồi năm tháng trôi đi với biết bao vật đổi sao dời, ngày nay nhà thơ Như Thương dễ thương của chúng ta đã là một tài thơ tên tuổi với sức sáng tác đầy sung mãn. Từ ngày khởi viết đến nay, Như Thương đã liên tiếp xuất bản năm tập thơ, một tập truyện, chưa kể CD nhạc do nhạc sĩ Nguyễn Tất Vịnh phổ từ thơ của Như Thương.
 
Rồi hôm nay đứa con tinh thần thứ sáu mang tên Bụi Đỏ Si Mê của Như Thương lại hăm hở chào đời. Trong tập thơ này, ngoài những bài thơ ngợi ca lòng thủy chung đất nước của anh hùng, của tình yêu đôi lứa, của phong cảnh hữu tình...; còn có những bài thơ nói lên nỗi nhớ thương mộc mạc mà chân tình đến da diết về mảnh đất của Hoàng triều cương thổ mà mỗi lần mưa thì lầy lội, mỗi lần nắng thì bụi đỏ bay lên bám vào quần áo, tóc tai, mặt mũi con người đến si mê.
 
Tôi đã đọc nhiều tác phẩm thơ, văn viết về Tây nguyên của chúng tôi, nhưng với Như Thương thì cao nguyên miền Thượng đã có từ đáy sâu tâm hồn. Như Thương làm thơ chỉ để bày tỏ tấm lòng yêu cuộc sống từng ngày buồn, vui, đau khổ hay hạnh phúc trên mảnh đất một thời nhà thơ đã sống qua. Tôi quí mến và thầm phục cái hình thù, cái dáng dấp chập chùng đồi núi, rất phong trần mà rất thơ của Tây nguyên sương khói qua ngòi bút sinh động của Như Thương. Cho nên, thơ về miền đất đỏ của Như Thương đã cho người đọc thấy rằng phố núi đã chiếm cứ một phần quan trọng trong đời nhà thơ.
 
Hãy đọc, và chỉ cần đọc vài bài thơ, những trang thơ viết riêng về miền đất đỏ của Như Thương thôi, ta sẽ thấy vẻ đẹp bát ngát của đại ngàn:
 
Ôm em bầu ngực núi rừng
Em như hạt bụi thơm lừng Bazan
Ngọt ngào hương vị Đam San
Của mây của gió của làng Yàng ơi
Mắt em sóng sánh rượu mời
Ché cần cong vút đất trời ngả nghiêng...
(Bầu Ngực Núi Rừng)
 
Hoặc:
 
Về đi đường vạn dặm xa
Áo em quấn quít làm quà tình nhân
Triện son rực rỡ đôi chân
Mặt trời phố núi trong ngần mắt em...
(Bụi Đỏ Si Mê)
 
Và lời hứa hẹn ngọt ngào từ tháng Giêng đến... thủy chung:
 
Từ nay cho đến cuối đời
Áo hoa thấp thoáng mộng vời thiên thai
Dã quỳ trẩy hội hoàng mai
Lòng ta trẩy hội theo ai... em à...
(Áo Hoa Tháng Giêng)
 
Như Thương làm thơ về một miền đất bao giờ cũng được thai nghén, ấp ủ, yêu thương, trữ tình, say đắm; khi sinh nở thì có cả đau khổ lẫn hạnh phúc trong từng chữ từng câu.
 
Tháng Ba ta lại... giỗ em
Lòng rưng rưng khóc giọt mềm lá rơi
Tháng Ba nguyệt vọng lưng trời
Hồn hoang gió hú chơi vơi đại ngàn
Tháng Ba em chết vội vàng
Khi rời con phố... tan hoang đường về
Tháng Ba tìm lại Ban mê...
(Tháng Ba, Ban Mê)
 
Hoặc nỗi u buồn thảo mộc:
 
Để em ở lại mênh mông
Ngất trời bụi đỏ lấp hồng nhan em
Sầu ta chất ngất nửa đêm
Sờ tay đá lạnh ngoài thềm hoang vu
Em nằm mộ chí ai ru
Bốn bề lạnh ngắt thiên thu ta buồn
(Còn Vạt Quì Vàng)
 
Đọc rồi, ngẫm nghĩ mà xem, thơ như ứa ra từ những trang giấy một cảm giác buồn đến thâm trầm mà cũng quá đỗi nên thơ. Đặc biệt mềm mại, nhẹ nhàng ở thể thơ lục bát.
 
Mắt em đắm đuối ngả nghiêng
Sao như sơn nữ bên triền suối xưa
Trái tim ta bỗng dư thừa
Yêu em từ đấy sao chưa tỏ tình...
(Áo Hoa Tháng Giêng)
 
Những câu hỏi dịu dàng, thủ thỉ về núi có mùi thơm:
 
Từ lòng núi đã tỏa hương
Vạn điều như thể thiên đường dung nhan
Núi sao không mặc áo vàng
Như em thuở ấy rộn ràng thanh xuân
Để bờ lưng sẽ thật gần
Tóc ai thả xuống một phần đời ta
(Hương Núi)
 
Hãy cùng nhà thơ vít cong cần trúc xuống mà say với hồn rượu cần, một chất say làm mê hoặc con người từ núi rừng đại ngàn:
 
Nhỡ tay chạm phút tần ngần
Đàn rung phím lạc phai dần phấn hương
Nhỡ môi tìm chút nụ hương
Sơn tình trôi cả thiên đường mây bay...
(Chạm Phút Tần Ngần)
 
Nói cho cùng, cái vùng miên man bụi đỏ ấy, tuy bạt ngàn, hùng vĩ, bí hiểm nhưng lại gần gũi, thân thiết, sắc cạnh, đau đớn đến bồi hồi..., bao giờ cũng trường tồn trong ngôn ngữ thơ Như Thương, đã góp phần làm đẹp miền đất bụi đỏ đến si mê này.
 
Hình như sự hòa hợp kỳ lạ giữa nhà thơ và cao nguyên đã tạo nên một bản sắc nghệ thuật tuyệt vời, sâu xa mà giản dị, trong sáng mà thâm trầm, đặc sắc trong thơ Như Thương.
 
Phan Ni Tấn
 
Nhà thơ Tịnh Vân...
 
Bằng trắc chưa phai - cho dẫu ngàn lá rụng, dẫu mòn lối trăng về...
Hay quá !!...
 
Nói với Em
 
Tôi muốn nói với Em, tiếng nói của những con người đang đi vào cánh đồng mùa thu thế tục, với những chiếc lá vàng vỡ vụn dưới chân -
 
Những chiếc lá mới sáng hôm qua thôi còn thì thầm bên nhau những lời tình tự!...
 
Tôi muốn nói với em - với nhịp đập từ tiếng nói trái tim một người có tuổi, những nhịp đập vốn chai mòn từ chu kỳ:
 
"Thành - trụ - hoại - không"!
 
Cho tôi nói với em - Dẫu tiếng nói của một kẻ vô danh có thể chìm lẫn vào đâu đó trong muôn vàn âm thanh hỗn tạp giữa đời. Thì em ơi đừng vội quay lưng, như kẻ lạ bên đường nghe tiếng gọi của một người không hẹn trước.
 
Đừng vội bước nhanh trên hè phố đông người, để tiếng bước chân như gõ vào lòng tôi đây những tiếng khua tàn nhẫn của sự khước từ.
 
Bởi vì tôi - tôi đã chọn em trong muôn vàn kẻ xa lạ giữa đời, trong bước đường kiếm tìm từ khởi thủy!
 
Bởi vì tôi, tôi đã chờ đợi em – như người khách đợi cuối cùng trên sân ga cuộc đời buồn tênh một chiều lá rụng.
 
Màu mây sẫm mùa thu đã trải lên tóc tôi dấu hằn năm tháng, những cơn mưa mùa thu làm ướt đẫm manh áo đợi chờ, đôi mắt mùa thu giới hạn tầm nhìn thế kỷ - và đôi chân mùa thu đã giẫm lên bao lá chết của ngày...
 
Thì em ơi - tôi vẫn muốn nói cùng em!!...
(Tịnh Vân thi tập – tập 15)
 
Cảm tác của nhà thơ Tịnh Vân nhân đọc bài thơ "Lục Bát Ngủ Ngoan"
 
"Ngủ ngoan - Lục Bát... à ơi !...
Em về se sắt nửa đời truân chuyên
Cỏ ngoan nằm gối bên triền
Nhớ câu Lục Bát, cội Thiền khai sinh!!"
 
Chị Như Thương "Giấu những nỗi niềm" đàng sau điệu vần lấp lánh, phù phép cho những con chữ nhảy múa thành muôn điệu tình thơ!!
 
Cảm nghĩ của nhà thơ Tịnh Vân khi đọc bài thơ "Theo Hồn Thơ Em" của Như Thương
 
Ừ thì mượn cái vô ngôn
Gởi vào vô tận chút hồn thơ ta
Rồi như mưa gió giang hà
Ngấm vào sỏi đá, mở ra cội nguồn...
 
Em đừng - chớ để sầu tuôn
Để đau ký ức, để buồn heo may
Xin em - chừ nhẹ gót hài
Chén quan san rót cho đầy hư không
 
Đợi nhau cuối bể đầu nguồn
Mối tình vạn cổ còn vương dặm dài
Ta từ lạc bước trần ai
Ngửa nghiêng một kiếp, lắt lay mạch sầu
 
Buồn - không biết gởi vào đâu
Mượn nhân hữu hạn ghép câu tương phùng
......................
Đợi Người - vầy cuộc vui chung !!...
30 /12/2013
 
"Em như bụi đỏ ven đường
Anh qua - thức hạt bụi vương áo tình
Đêm trăn trở... mộng nguyên hình
Si mê mất dấu, điêu linh một đời !..."
Nhà thơ Tịnh Vân
(Tặng "Bụi đỏ si mê")
 
Sỏi Đá Lao Xao
 
Trong cơn đau với Cuồng Thơ
Mình em trăn trở tỉnh mơ giấc nồng
Em cùng sỏi đá phiêu bồng
Kiếm tìm ảo mộng tình hồng hôm nao,
 
Thôi đừng... sỏi đá lao xao
Đừng vương vấn nữa ánh sao thiên hà...
Đừng nghiêng ngả cõi ta bà
Đau hồn nhung gấm, xót xa ngọc ngà...
 
Đừng như mảnh vỡ trăng sa
Cao nguyên gió núi đêm hoa mơ màng
Quỳ vàng bụi đỏ đa mang
Bấy nhiêu xa cách lòng tràn nhớ nhung
 
Tình bay bổng cõi khôn cùng
Trời xanh ong bướm thơm lừng cánh hoa
Hương bay theo gió thiết tha
Dáng hoa Em đó, kiêu sa má hồng...
Nhà thơ Phạm Thị Minh Hưng
03/4/2014
 
Cảm nghĩ của bạn học Đỗ Thế Hùng
 
Lâu lắm không bình thơ, mà thực ra có bình được đâu vì Đỗ Thế Hùng không phải nhà phê bình, lại không có nhiều kiến thức về cầm kỳ thi hoạ, nói ra chỉ sợ bị "hớ" mọi người cười chê. Nhưng Kim Hương lại khiến mình ngứa cổ họng, muốn gào lên cho thoả nỗi buồn, lòng đau, niềm thương nhớ của một thuở sân si, tham lam và rụt rè... muốn cột chặt tình để rồi thoáng chốc lời nói xưa đã trở thành dư âm, hình bóng xưa đã trở thành kỷ niệm, để rồi
 
"Đem thơ lên núi đợi trăng
Mới hay trăng đã buồn giăng cõi lòng"
 
Để còn thêm nuối tiếc...
 
"Đi về lại tiếc giòng sông
Tiếc xưa nguyệt bạch áo hồng với em"
 
Cả bài thơ lục bát ẻo lả với niềm thương nỗi nhớ, quay quắt với sự se sắt rung động, tưng bừng với tình cảm mặn nồng và bàng bạc chút xót xa, ân hận vì để tình trót vụt bay. Và từ trong sâu thẳm của tứ thơ diễn đạt sự cam chịu thống khổ với dòng thơ ở cung thương dù rất nhẹ...
 
"Thôi ta xuống núi đợi em
Đợi thung lũng cũ đợi xem lá vàng
Đợi em trăng núi võ vàng"
 
Nhưng tiếc thay có chờ được đâu, có kịp chờ đâu bởi thời gian là dòng xoáy, nhấn chìm mọi ước mơ, mọi hoài bão, mọi đam mê, mọi người, để rồi còn chăng chỉ là cô đơn miên viễn và bởi người đã là bóng hoàng hạc bay hắt bóng trăng đời...
 
Cám ơn Như Thương đã làm mình chạm lại được nốt nhạc lòng xưa cũ, cám ơn Như Thương đã tặng mình một đêm mất ngủ do trăn trở nỗi niềm...
 
Đúng thế Như Thương à: Làm Sao Quên Được Ngàn Sau
**********
Cảm nghĩ của bạn học Letti "Nhâm nhi cùng bài thơ của Như Thương"
 
Em Hoàng Hạc Bay...
 
Đem thơ lên núi đợi trăng
Mới hay trăng đã buồn giăng cõi lòng
Đi về lại tiếc dòng sông
Tiếc xưa nguyệt bạch áo hồng với em
 
Tiếc ta say với thân mềm
Hương bay đọng lại hóa đêm thơm lừng
Tiếc em bóng nguyệt nửa chừng
Uống trăng, uống cả ngập ngừng môi nhau
 
Làm sao quên được ngàn sau
Yêu em từ thuở môi cau với trầu
Trăng ơi đừng có bạc đầu
Dẫu trăm năm đã thề câu êm đềm
 
Thôi ta xuống núi đợi em
Đợi thung lũng cũ đợi xem lá vàng
Đợi em trăng núi võ vàng
Đợi em áo mới… em hoàng hạc bay
 
Ta ru em giữa trời mây
Giữa trăng, giữa núi, vòng tay ân tình
 
Mình thích cái này… hay quá. ”Em Hoàng Hạc Bay…”
 
Gã liêu trai buồn đời hứng tình đem đàn lên núi hát, cũng là lẽ thường của tao nhân mặc khách đa vương sầu cảm, nhìn trăng mà lòng rộn khúc buồn thương, rũ nhớ từ cái chút ngỡ ngàng đa đoan của bầu rượu, túi thơ lẩn thẩn… ngẩn ngơ, sự lai sinh truyền kiếp của gã cuồng si đã lỡ trải hồn cùng trăng xưa, nguyệt cũ rốt cũng… để lủi thủi đem về mớ tương tư mây trời cho men say… cho ân tình sóng dậy cho thỏa hồn phiêu bạt. Trong tứ thơ mình bắt gặp cái vòng luẩn quẩn muôn đời thẩn.. thơ.. tưởng.. gặp… say… nhớ… tiếc… đợi… chờ… ngẩn... ngơ.
 
thẩn thơ… thơ túi rót đầy
tưởng… rằng đã gặp chút nầy có hay…
gặp… chi thêm khúc đọa đày
say… men mấy chén nhắn trăng ngót lời
nhớ… em Hoàng Hạc hay mây
tiếc… thôi cũng đượm bóng tà huy xưa
đợi... nhau vào chốn ủ nhầu
chờ… thêm tình vẫn úa màu thời gian
ngẩn ngơ” tình vẫn, ngẩn ngơ tình sầu
 
Một khúc hát thân quen dường như hôm nào của Trịnh Công Sơn cứ ngân nga lót đường cho bước chân phiêu linh của lãng nhân vào chốn “dùng dằng” nhớ thương…. “Ôm lòng đêm nhìn vầng trăng mới về, nhớ chân giang hồ… ôi phù du!...” ru mình trong chốn nhân sinh ta bà, gã si tình vướng bận chút “tiếc xưa nguyệt bạch” như giằng xé, như tự chuốc vào mình cái cô đơn khắc khoải, hầu ngõ được nếm mùi ngọt đắng trần gian, gã liêu trai vướng vẽ cái mùi vị nhớ thương để tận hưởng khúc ghê thường nơi thượng giới rồi đem về mà tiếc nhớ cung hằng vội tan…
 
... Cho đêm về du mộng trăng xưa nguyệt cũng “áo hồng với em”…!
 
“ Đi về lại tiếc dòng sông
Tiếc xưa nguyệt bạch áo hồng với em
Tiếc ta say với thân mềm
Hương bay đọng lại hóa đêm thơm lừng
 
Tiếc em bóng nguyệt nửa chừng
Uống trăng, uống cả ngập ngừng môi nhau”
 
Gặp nhau “cảm” rồi mà đắm đuối bên nhau như từ kiếp trước đến ngàn sau bạc đầu cũng như là lẽ tự nhiên “đất trời” sẵn có, như được sống mãi hoài, tận hưởng muôn đời cho nhau… Nhưng hỡi chăng Thơ Như Thương cũng muôn đời nói đến muôn đời mỗi “hạnh phúc” không hề có đoạn kết…
 
… ”Buồn Chăng”?
 
Làm sao quên được ngàn sau
Yêu em từ thuở môi cau với trầu
 
Hạnh ngộ để xót xa cho nỗi đau “tiếc nhớ” cho nhau khôn cùng lòng nhau, tương tư thấp thỏm muôn trùng đợi nhau, đợi chờ thương nhớ trong câm lặng giữa muôn trùng trong cõi ba sinh…
 
Tiếc để tiếc – Đợi để đợi, chờ cứ chờ đến nhận hết tất cả phũ phàng im lặng trong quãng đời nhau chăng?
 
Thôi ta xuống núi đợi em
Đợi thung lũng cũ đợi xem lá vàng
Đợi em trăng núi võ vàng
Đợi em áo mới… em hoàng hạc bay
 
Kết thúc hạnh ngộ là hạnh phúc không đoạn kết trong nhớ thương khôn cùng nhớ thương!
 
Dành cho lời ru an ủi vỗ về, tìm về môi nhau… cho “trăng”, cho “núi”, cho “vòng tay ân tình”…!
 
Ta ru em giữa trời mây
Giữa trăng, giữa núi, vòng tay ân tình
 
Khúc hát dạo ấy làm chàng si tình chồn chân gối lả cũng lả lơi thâu đêm tàn yến tiệc… men say lả đã cho cùng cạn đêm sương nhã nhạc… mẩn mê để đêm về một mình “soi” đời mình mà tiếc, ngắm đời mình mà đau... nhớ dòng sông đã trôi qua đời mình, ý thơ càng chuốc thêm cơn say mà tiếc… nhìn bóng chân soi thác đổ, hễ say tình với thân mềm nguyệt cạn, đọng lại chút hương duyên phảng phất nơi xiêm áo để rồi về mà ốm bệnh nhớ thương… có tiếc nhớ “đêm thơm” lừng lửa nồng cay, uống cho cạn môi nhau, uống cho trăng tình đổ bến, uống cho yêu đương nghiêng ngả, uống hết men say ngập tình qua nỗi nhớ, rằng tiếc chưa cho đóa xuân thì nửa chừng, dẫu cũng phôi pha…
 
Sự đời gặp để mà thương. Về! Về đâu?… mà để nhớ, cảm tiếc cái cố quên mà không đặng… dùng dằng nhớ thương. Thôi! âu cũng sự đời. Đời cứ chờ, cứ đợi cho tương tư nhung nhớ dẫu kiếp đời đã qua... Đợi chờ cũng là lẽ sống… thường là!
 
Tiếc nhau đá núi cũng buồn
Tiếc nhau gan ruột chín cuồng vấn vương!
 
Đợi để thấp thỏm bóng hình... Dẫu chờ, dẫu đợi âu cũng nhân tình xót đau, dẫu chờ khuy bấm “áo hồng với em”. Đợi em cho lòng mình san lấp núi đá, đợi em cho thân xác “võ vàng” đợi nhau, chờ em cho thung lũng đầy vơi “lá vàng”. Dẫu một chút hương đời “đọng lại” cũng thơm lừng đời nhau!
 
Tiếc em một chút, cho Hoàng Hạc Bay…!
 
và...
 
Tiếc nhau trăm bận, cũng hờn trăm năm?
 
Thơ Như Thương giàu nhạc cảm, ý thơ mới có khi “là lạ”, nhiều cung điệu, cảm xúc của tâm tình dâng hiến khá táo bạo mà không có gì phải trách cứ được, bởi lẽ cái tình đơn phương quá diệu vợi, tự tâm dâng hiến cũng không hề vẽ lên sự gì ân hận của từng “nỗi tình” đã qua… thanh thoát đến độ ngỡ ngàng, cách biểu cảm ý thơ Như Thương giàu ngôn ngữ… lạ lẫm, chút quen thuộc, chất nồng nàn lan tỏa từng ý thật kiêu sa... đài các, từng lời từng ý trau chuốt của tâm tình dâng hiến mà không hề toan tính hơn thiệt, lời thơ không van nài, xin xỏ mà cứ mặn nồng đắm say yêu thương… dẫu có nhung nhớ cũng không oa nịnh dù có thua thiệt chăng nữa… Thật bẽ bàng! Đọc Thơ Như Thương như nghe xong một khúc nhạc buồn! Tuy buồn mà đẹp…! Thật Quí Hóa là vậy! Đọc Thơ Như Thương bài nào xong mình cũng còn đọng lại chút lãng đãng ru hồn “tình người” vào “cõi tình” ấp ủ nhớ mong!
 
Nhưng cũng mong rằng Thơ Như Thương thêm một chút gì “phá cách” càng thêm sảng khoái hơn cái đều đều cho nhịp điệu lục bát, mình e sợ “lối mòn”. Ai khác thì mình chưa biết còn riêng mình xin mạo muội... Thơ Như Thương đột phá… ”rock” thay đổi một chút diện mạo <một chút thôi> cũng đủ vỗ tay reo cho đêm Nhạc Hội Lục Bát đã quá quen cũ chăng, xin lỗi Nhà Thơ Như Thương (Nữ Hoàng Lục Bát) với lời đề nghị vụng về quê mùa này nhé!
 
Chỉ tiếc một điều ở bài “Em Hoàng Hạc Bay” của Như Thương chữ “tiếc” được lặp đi lặp lại tới 4 lượt nghe sao “xót xa” quá đổi, khác với những lần thơ trước đây, cái tiếc chỉ thoảng qua chứ không nhấn nhá đến độ… tội nghiệp quá! “Tiếc” vì cũng chưa giải tỏa được điều gì cũng đáng tiếc chứ nhỉ?
 
Bài thơ Em Hoàng Hạc Bay của Như Thương làm mình nao lòng với vòng luẩn quẩn, thẩn thơ rồi tưởng… gặp rồi say, say rồi nhớ, tiếc rồi tiếc, đợi rồi chờ… kết lại: “ngẩn ngơ” thẩn thơ… tưởng… gặp… say… nhớ… tiếc… đợi… chờ… “ngẩn ngơ” tình…
 
Vòng nhân sinh nghiệt ngã thế đó. Vòng Nguyệt Quế có cần thiết chăng để “thanh tẩy” dành cho gã tình si lãng tử hôm nào vẫn cứ mãi trôi theo dòng đời u uẩn với mớ tình si truyền kiếp, chưa thôi hề day dứt ngõ mong chờ tình duyên của gã lãng tử dừng chân nơi vườn xưa u tịch! Ta “ru em” hay ru mình?... “Ta ru em giữa trời mây” hay Ru đời cứ trôi… để ngỡ, để mong mình còn gặp lại cố nhân… cho bớt đời hiu quạnh!
 
Bạn học Nguyễn Thị Thanh Hương viết cho những tựa đề của thơ Như Thương
 
Thượng Đế Khéo Tay
 
Đá buồn đêm sẽ xót xa
Đọa đày em khúc trầm ca một mình
Trái tim cổ tích ngậm tình
Giọt thơm nguyệt bạch hóa nghìn chén say
 
Trách chi.... Thượng Đế lỡ tay…
Xoá đi vạt áo tình say khải huyền
Nghẹn dòng lục bát uyên nguyên
Ngủ say bờ cát hồn thuyền Tháng Tư
 
Diễm phi khoác áo nàng thơ
Nghìn xưa trăm kiếp bài thơ môi trầm
Phiến tình hoá đá nghìn năm
Cõng em ra biển nguyệt rằm nở hoa
 
Ướm tình tang rũ sơn hà
Yêu người, huyền thoại tưởng là thiên thu
Phải lòng từ thuở tắm mưa
Tìm nhau thu đã vàng chưa, xin đừng
 
Mưa giăng cởi áo vô thường
Thèm Hoàng Mai tửu cạn cùng cơn mê
Tâm xuân cổ thụ tình si
Hẹn hò son đỏ cong mi đợi chờ
 
Giao thừa, lỗi khúc tóc tơ
Khúc tình thấp thoáng phủ cờ vô ngôn
Phiến trăng gởi một nụ hôn
Bài thơ cho sỏi mãi còn xanh rêu
 
Quách Lục
Tặng những người bạn tha hương Tặng Tác giả “Se Lòng”
 
Đông Về Đợi Đến Bao Giờ
 
Mênh mông tuyết phủ một màu…
Đông về buốt giá tình sầu ly hương
Em đi bỏ lại phố phường!
Bỏ quên kỷ niệm con đường nắng mưa
 
Em đi ngày đó… xa xưa…
Bốn mươi năm rụng, tình vừa đã phai?
Ngõ xưa còn sót dấu hài 
Quê hương mãi đợi một mai Em về?
 
Dẫu cho cách trở sơn khê?
Nghìn trùng xa cách nhớ về đây Em!
Hoa xưa giọt nắng vương thềm
Đông về mưa bụi thấm mềm tóc mai
 
Câu hò, tiếng hát khoan thai
Trắng màu tuyết phủ tình hoài cố hương.
 
Gã Phàm Phu - Cảm đề bài thơ "Giai Nhân"
Đêm Nguyệt Bạch
 
Em về thơm ngọt hương trinh
Cho đêm nguyệt bạch nghiêng mình hóa thân
Tay thơm giũ hết phù vân
Ba ngàn thế giới xoay chân quay về
 
Bến bờ hoa nở nhụy mê
Cho thinh không tỏa hương quê dịu dàng
Trăng xưa thức giấc ngỡ ngàng
Ngẩn ngơ sông lụa bàng hoàng da thơm
 
Ta hồn tục lụy mơ đơm
Đem câu thơ cổ về ươm mơ nồng
Gọi em về tự hư không
Thanh xuân khẽ nở nụ hồng trên môi
 
Tiếng thời gian cũng ngừng trôi
Vì thiên thu lạc trên đồi mai mơ
Để ta, hóa gã ngẩn ngơ
Thả hồn mộng giữa... nguyên sơ dáng người.
************
Hieunguyen11
Một cảm nghĩ về thơ của Như Thương
 
Đọc qua những vần thơ của Như Thương ta tìm thấy quả làm một tâm hồn lai láng nguồn thơ. Lời thơ không bị gò bó bởi niêm luật, mượt mà, không cứng ngắt. Lả lướt trôi chảy êm đềm như giòng sông.
 
Xếp vuông áo lụa tiễn em
Trái tim lặng lẽ níu thêm ngọt ngào
Níu giây phút của trăng sao
Theo tình tục lụy ngõ vào trăm năm
 
Những câu thơ liên tục hấp dẫn, thu hút người yêu thơ phải đọc cho tới chữ cuối cùng mới chịu thôi. Ngoài ra trong thi văn thì hồn thơ là phần quan trọng, có nhiều người làm thơ khi đọc rất hay nhưng không có hồn thơ trong đó.
 
Tay dang đập vỡ chén phiền
Tìm trong mảnh vỡ truân chuyên một đời
Mảnh nào chiếu sắc thân tôi
Mảnh nào ái ố nổi trôi phận người
 
Mảnh nào ghi khắc môi cười
Mảnh nào đọng lệ một đời đắng cay
 
Vần thơ trên Như Thương đã diễn tả hết tâm hồn mình vào thơ. “Tay dang đập vỡ chén phiền” dâng trào lên như sóng vỗ, cũng giống như “Đập cổ kính ra tìm lấy bóng”. “Tìm trong mảnh vỡ truân chuyên một đời” y như là “Xếp tàn y lại để dành hơi” nhẹ nhàng, êm đềm như hơi thở. Bài thơ trên, Như Thương như một diễn viên đã diễn xuất nhập thần một cách tuyệt vời!
 
Câu “văn ôn võ luyện” rất đúng, có lẽ Như Thương vì làm thơ quá nhiều nên kinh nghiệm. Cho nên mỗi bài thơ của Như Thương là một thi phẩm giá trị. Như Thương rất xứng đáng là “Nữ Hoàng Lục Bát” mà tôi rất hâm mộ.
 
Hieunguyen11, tác giả truyện ngắn “Tình Lính”
 
Bạn đọc Đỗ Quế viết:
 
Như một "kẻ ngoại đạo" rong chơi với chữ nghĩa, với thơ phú, xin tản mạn đôi điều như một góc nhìn khác khi đọc bài thơ "Chút Xíu" để tỏ lòng ngưỡng mộ của một độc giả thuộc loại "trái tim bên lề".
 
...Đọc qua thì đúng là thơ "tình dục" tác giả Như Thương đã đạt tới mức "thượng thừa".
 
Với:
 
"...Cho anh ôm hết vòng quanh eo tròn ..."
 
hay:
 
" Đâu hàng cúc áo tay luồn ..."
 
Tác phẩm tuyệt hảo Chút Xíu đã để lại cho ta nhiều ấn tượng nhưng thật nhẹ nhàng, chứ đâu cần phải tả chân như thi sĩ tiền bối Hồ Xuân Hương nổi tiếng về thể loại này chúng ta ai cũng biết. Tuy nhiên kết thúc bài thơ với 6 chữ ngơ ngẩn nhớ hoài nụ son gợi cho ta một tầm nhìn khác. Tại sao ư? Chữ Ta nơi đây viết hoa thì không còn là nhân vật Adam nữa, mà chính là tác giả nhân ngày Lễ Tình Nhân soi lại chính mình, bao nhiêu hạnh phúc diễn tả ở trên với đời thường nào đâu được hưởng gì, bởi thế hai chữ "ngơ ngẩn" đã nói lên định mệnh oan nghiệt của Nàng Thơ muốn gửi đến chúng ta với bao luyến tiếc của một thời đã qua. Viết tới đây xin mượn ý tác phẩm "Đường đi không đến" của nhà văn Xuân Vũ, thay cho lời kết: Phải chăng đây chính là tâm sự của tác giả với một chấm than buồn "Đường đi không bao giờ đến!"
 
Nhà văn Lê Hữu:
 
Thơ Như Thương không đọc bằng mắt mà phải đọc thành tiếng nghe mới thấm và mới nghe hết cái mượt mà của thơ, phải không H' Như Thương? Rất chịu thơ lục bát của Như Thương, đặc biệt là câu "bát" mà chữ thứ sáu & bảy nối liền nhau, nghe "mướt" gì đâu, như là:
 
"Từ xanh lá biếc từ hoàng hôn phai"
 
hay là
 
"Một lần ngoảnh lại mây hình như bay"
 
Nhà thơ Thiên Phương:
 
Cùng em dạo bước trần ai
Bốn mùa vui với gót hài thong dong !
Phải chi phận chẳng long đong
Tình kia muốt trắng nghìn trong giọt ngà ...
 
Cảm ơn NT. đã cho thưởng lãm những giọt đàn Mùa Thu.
 
Cảm ơn Như Thương đã cho đọc tâm sự "Dãi Dầu Thương Em", một tuyệt tác!
 
Ngắt bông bí nụ hoa vàng
Phấn hoa em để lỡ làng duyên mơ
Biệt tăm xa xứ đâu ngờ
Khúc sông, đò ngược biết chờ ai đây
 
Rẽ dòng bến đợi lắt lay
Câu ru buông lửng mới hay nhớ người
 
Ôi ....." buông lửng câu ru để rồi mới hay mình đang nhớ.... Người"
 
Xin cho TP cùng chia sẻ một khổ thơ ngăn ngắn đây nhé:
 
Người ơi vạn dặm xa xôi
Sao trong tâm tưởng khó rời dáng xưa
Dường như...có một chiều mưa
Vẫy tay hò hẹn mà trưa cả đời
 
Đến hôm nay vẫn rạng ngời
Một đôi mắt đợi không lời....buốt đau!
 
Biết nói răng chừ hỉ??
 
Cảm nghĩ của nhà thơ Thanh Vân sau khi đọc "Vô Thức Tình"
 
Như Thương ơi, Em làm thơ hay quá. Thơ em nhẹ như mây, chị Thanh Vân chúc em luôn luôn giữ mãi cái tâm hồn thanh thoát đó để dòng thơ của em mỗi ngày mỗi đẹp như tâm hồn em mỗi ngày mỗi bay ra khỏi những tục lụy của đời sống hàng ngày.
 
Người mê thơ em
Thanh Vân
 
Cảm nghĩ của một người bạn thời Trung học - Trần Thị Dung
 
Có những vần thơ khiến Dung ước gì mình có được cái tài bình thơ để viết về bài thơ mới nhất của Kim Hương, một bài thơ với những câu thơ thật nhẹ nhàng nhưng mang đầy những nồng nàn của một cuộc tình:
 
Cứ như Tháng Sáu cỏ non
Để tình ta sẽ véo von với đời
Em - như màu lụa lả lơi
Ta - câu lục bát ngỏ lời yêu em
 
Tham lam ta níu đòi thêm
Ta-Em cứ mãi êm đềm nghìn năm
 
Nhưng cái tài này đợi hoài không đến, thôi thì đành trích những câu thơ mà mình nghĩ là hay để thay cho lời bình.
 
Cảm nghĩ của nhà thơ Thiên Phương sau khi đọc "Hạt Thiền Trong Veo"
 
Thiền đến từ tâm
Thiền gieo hạt mầm
Tự thân nảy nở
Thiền vốn vô âm...
 
Từng cánh rơi rơi
Đời kia đó ơi
Đến từ vô thủy
Vô chung ta rời...
 
Đưa tay đón về
Những lúc u mê
Hành ta đã xuất
Tâm chớ bộn bề...
 
Nhận mà không nhận
Cho ngỡ chưa cho
Nghĩ không màng lo
Ấy là thanh tịnh.
 
Nhà thơ Phạm Ngọc Lư và Như Thương
Mồng 1 Tết Quý Tỵ 2013
Nhà thơ Phạm Ngọc Lư và Như Thương gặp nhau Online
 
Trao nhau dòng thơ làm quà Xuân...
 
“Mười năm ngậm đá câm vàng
Tấc lòng cố cựu cứ han gỉ dần
Không về nữa một cố nhân
Không còn nữa một thanh xuân nồng nàn
 
Tội bài thơ viết dở dang
Bút khô mực nghẹn ngỡ ngàng ngó nhau
Chắc gì có một kiếp sau
Em và tôi phải khổ đau hẹn hò
 
Chắc chi sáng đợi trưa chờ
Mai kia chắc cũng nhạt mờ, thế thôi....... !”
Thơ: Phạm Ngọc Lư
nainhac
Như Thương