
(Hình minh họa: Geronimo Giqueaux/Unsplash)
1.
Khi những cơn mưa Tháng Năm bất chợt đổ xuống sân trường, những cây phượng già nua đã bắt đầu nẩy nụ, đơm bông, và một buổi trưa nào đấy, đã “thắp đỏ một trời hoa phượng”, tiếng ve bắt đầu râm ran, rền rĩ khắp sân trường, những ca khúc “Hè về! Hè về”, và lũ học trò “năm cuối” cũng bắt đầu lo lắng nôn nao cho một mùa thi và ra trường, tạm biệt thầy cô và bè bạn…
Riêng với lũ học trò “choai, choai” đầu cấp và giữa cấp thuở ấy, thì lại bắt đầu mong ngóng cho “những mùa” đi cặp kè với mùa hè, đó là “mùa ve”. “mùa dế” cũng dài suốt… 3 tháng, cuốn hút sự say mê, khi bắt đầu rời xa cặp vở, mà không phải lo thêm những ngày “học thêm, học bớt”, bồi dưỡng, phụ đạo như bây giờ!
2.
Thuở ấy, thời học trò xa lơ, xa lắc, mặc dù đất nước vẫn đang có chiến tranh, song các tỉnh lỵ và các đô thị lớn của miền Nam vẫn còn đang yên bình, lũ học trò chúng tôi chỉ biết có ăn học và vui chơi, tìm những thú vui nhỏ trong cuộc sống và gắn với thiên nhiên, mà “mùa ve” là một trong những thú vui, thú vị và ưa thích của những cô cậu học trò tuổi 12, 13… là đợi đến khi hè về, sách vở được cất vào hộc bàn, ngăn tủ, những buổi trưa, khi tiếng ve cất lên, trốn ngủ, rủ nhau vài ba đứa thân quen cùng xóm đi bắt… ve, để về thi xem ve ai kêu to nhất và lâu nhất. thường thì chúng tôi hay rũ nhau vào các sân trường học, chia nhau leo lên những cành phượng, vừa hái hoa vừa bắt ve.
Hoa phượng để làm… bướm phượng, ép vào lưu bút, kết thành vương miện cho… hoàng tử, cô dâu, trong những trò chơi vua chúa, hay thưởng công cho những đứa có tài bắt được nhiều ve “chiến” nhất, và khi đói lòng có thể bứt những cánh phượng có vân trắng ở trên cánh nhai cũng… đỡ lòng. Vài ba đứa đi dưới những tán phượng, hoa đỏ chi chít, cùng ngước mặt lên, mắt đau đáu nhìn kiếm khi có tiếng ve vừa cất lên. Nhiều khi cùng tiếng với tiếng ve ngân, là hàng ngàn hạt “bụi nước” li ti bắn xuống, dính lên mắt, mũi, đầu tóc của chúng tôi, nghe mát lạnh và có vị… nồng, chua. Sau này có đưa tìm hiểu mới biết đó là…” nước đái” của lũ ve đồng loạt thải ra khi hai cánh chạm vào nhau, ngân lên thành tiếng, mà cùng nhau làm bộ… nôn khan, và ôm đầu nhau ngửi và cùng cười như nắc nẻ.
Cách bắt ve bằng cách trèo lên cây, khi có những đứa, kể cả con gái, có tài leo trèo giỏi, song cũng rất nguy hiểm, nên chúng tôi nghĩ ra cách tìm những cây sào trúc, nhỏ, cao chừng 3, 4 mét, một đầu lấy kẹo singum (cao su), nhai lấy bã quấn trên đầu, hoặc lấy mủ mít bôi lên đầu ngọn trúc và vác trên vai, kéo nhau đi dưới những tàn cây me, cây sao, cây bằng lăng, bời lời nhỏ… trồng trên các tuyến đường của thị xã, hay thành phố để tìm bắt ve. Hễ nghe cây nào có tiếng ve ngân, là chúng tôi chong mắt lên tìm kiếm, thấy có chú ve nào là đưa sào trúc lên dí nhẹ vào lưng, mủ cao su, mủ mít, dính trên cánh ve, như những ngón tay túm gọn ngon ơ con ve và đem xuống, gỡ ra bỏ vào hộp. Nhiều khi cả đám, nhem nhuốc, mô hôi, mồ kê chạy quăng cả sào, cả dép vì bị ông cai trường hay chủ nhà rượt đuổi có cờ, vì tưởng đi… thọc hái me, trộm ổi! Về nhà còn bị ba, má quất thêm vào mông cho vài roi nhớ đời, song vẫn không… chừa, hễ cứ rảnh là hú hí nhau đi bắt ve suốt một mùa hè… thơ dại!
3.
Nếu như thú đi “bắt ve” là đi rong rêu khắp nơi trong sân trường, đường xá của phố thị, mắt ngong ngóng trên những tàn cây cao thì thú đi “bắt dế” lại là đi lùng sục trên các bãi cỏ vùng ngoại ô, hay những thửa ruộng vừa mới cày xới, chuẩn bị cho vụ mùa mới, mắt lại tìm kiếm… dưới cỏ, đất, tai lại lắng nghe tiếng gáy hay tiếng “chịch mái” của dế để tìm bắt. Và đi bắt dế phải đi vào lúc sáng sớm, lúc đó mới là thời gian dế đi tìm đối thủ để… gáy hay đi tìm bạn tình mà bắt cặp!
Vậy là tờ mờ sáng, lấy cớ là đi tập thể dục, bọn nhóc chúng tôi, rủ nhau đạp xe đạp ra ngoại thành, hay đến các làng quê gần đấy, có khi phải đạp xe gần chục cây số. Dụng cụ ban đầu đi bắt dế, là một cái hộp sắt nhỏ, hay nhiều hộp diêm, cột lại bằng dây thun, dùng để nhốt dế, một thanh sắt nhỏ, mỏng, để đào hay nạy hang dế, có khi mang theo một cái bi-đông, hay chai nước, dùng để lấy nước đổ vào hang, sau này có đứa… “cải tiến” nghĩ ra cách lấy kiến “bù nhọt,” một loại kiến giống với loại kiến vàng, hôi, nhưng có màu đen ánh tím, bóng, đóng tổ dưới các gốc cây, lấy ngọn bông cỏ tranh, ngoáy vào tổ, kiến bu cọng bông cỏ đen đặc, lấy lên và lấy hai ngón tay, vuốt nhanh vào lon sữa bò, được lau chùi cho sáng bóng, để kiến không thể leo lên thành lon mà ra ngoài được, cứ thế bắt khoảng nửa lon sữa bò là đủ “quân lính” để bỏ xuống dưới các hang dế dù sâu cỡ nào, và chú dế dù có lì lợm, gan góc đến đâu khi gặp kiến bù nhọt cắn cũng phải chui ra khỏi hang, và lũ trẻ bắt dế chúng tôi cứ chờ sẵn, chụp lấy, gỡ những con kiến ra, mà bỏ chú dế vào hộp.
Bởi kiến bù nhọt, tấn công bất cứ con gì kiến gặp phải, và nhanh chóng bu “đốt” con mồi, cho dù, gặp chuột, cóc, thậm chí là rắn, rết, cũng không thể chịu nổi mà bỏ hang chạy thoát thân. Tụi nhóc chúng tôi, nếu không cẩn thận, sơ ý, cũng bị kiến “đót” cho sưng vù mình mẩy, tay, chân là chuyện thường! Dế cũng chia ra nhiều loại: loại “dế cơm” to lớn cỡ ngón chân cái, màu trắng điểm nâu nhạt, là món khoái khẩu cho dân… nhậu, dùng để nướng, lăn bột là mồi “bá cháy”, hang thường đùn lên rất to, lũ nhóc không quan tâm. Loại dế nhỏ hơn, màu nâu, pha đen hay vàng, lưng không có hoa văn, không “đá” được, có bắt đem về cho gà ăn là nhất hạng!
Loài dế gáy vang, đá được, màu đen bóng, trên lưng có 2 chấm vàng trên hai cánh, cánh có hoa văn rất đẹp là con trống, gọi là “dế than” to chừng 2 đốt ngón tay. Con mái cũng màu đen tuyền, nhưng không có hoa văn trên cánh. Một loại khác, màu đen tuyền pha vàng ánh, tương tự, con trống cánh có hoa văn, con mái cũng không có hoa văn, gọi là “dế lửa”, những chú dế chiến đấu dũng cảm, cánh phồng cao, gáy vang “rét, rét…r… ét..”, hai càng há to, chiến đấu dũng cảm gan lì, được chúng tôi xếp hạng từ 1 đến 5 đặt chung là “Ngũ hổ” chỉ để…” bình nhau”, có khi cá độ “Bắt xác”, con nào thua, sẽ bị đối thủ bắt đi luôn, có khi cá độ… bánh kẹo, rủ trai, gái bạn bè có khi cả xóm cùng xem, hùn vốn má cá độ. Cay cú có khi cá cả tiền!
Những trận thi đầu đá dế thư hùng, những con dế chiến thắng, há to càng, cùng tiếng gáy, “rét, rét” vang dội đã đi vào trong giấc mơ đầu đời của những cô cậu bé, suốt cả một thời ấu thơ thơ mộng…
Sau này, mùa hè, ở thành phố, thấy thỉnh thoảng có những người nông dân, đạp xe đạp, chở theo một cái lồng lưới sắt thật lớn, mang đến cổng trường bán những chú đế bắt được, có cả hàng trăm con trong cái lồng, nhưng sao tiếng gáy nghe rời rạc, rã rời, và dế khi… quay mòng mòng, cho đá, hoặc ngoáy cái đầu… dế khiêu khích, dế nhát cáy, cong đuôi chạy dài. Thật chán…
Trần Hoàng Vy