Cập nhật hóa hiện tượng DVD với chất lượng tốt về hình ảnh và âm thanh mà giá rẻ đang lưu hành tại hải ngoại, người ta có vài ghi nhận mới. Một trong những điều mới ấy như sau: Các DVD không còn quá dài với thời lượng đến hai tiếng rưỡi đồng hồ. Thời gian để xem nếu quá dài như trước đây dễ gây cho người xem lơ đãng vào những đoạn về sau. Vả lại nguồn khai thác hình ảnh quê hương đã quá nhiều gần ba bốn trăm DVD ra đời, nếu cứ quay phim lập lại, dù cho khác nhau về gốc độ đứng quay phim, về khía cạnh nhìn ngắm, thì cũng chỉ là nhàm chán. Hơn nữa, những thể hiện qua ký sự phim ảnh với DVD nay đã chuyển đổi dần qua các thao-tác điện-tử nhanh chóng khác như You-Tube (chứa đựng sẵn sàng trong smartphones, laptop, iPad...)
Cũng cùng một tôn chỉ đã có lần nêu ra thì bài viết này chỉ ghi nhận những điều hiếm quý và thuộc đất nước mình mà thôi. Quý mà không hiếm xin tránh đi. Và quý hiếm mà của nước ngoài, cũng xin tránh đi. Kèm theo dẫn khởi bằng các câu thơ hay ca dao hay thành ngữ về thời tiết; thỉnh thoảng cũng dẫn khởi bằng các câu văn xuôi (trích ra thật ngắn) của vài nhà văn và nhà biên khảo, khi người viết bài này chưa tìm dược các câu thơ nào thích hợp với địa điểm hiếm quý muốn đề cập tới. DVD quê hương đã sản xuất cho đến nay độ bốn trăm bộ, hay có thể hơn nữa, mỗi DVD phải coi mất trung bình một tiếng rưỡi đồng hồ. Ðây là một nguồn tài liệu lưu hành trong dân gian, nếu không kể lại cho vào sách báo thì nguồn tài liệu giàu tính cụ thể nhưng sản xuất ồ ạt này sẽ như khu rừng rậm khó truy tầm những quý hiếm. Và xin bắt đầu như sau:
Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn
Về núi Sài Sơn ngắm lúa vàng
Sông Ðáy chậm nguồn quanh Phủ Quốc
Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng. (Thơ Quang Dũng trong bài Ðôi Mắt Người Sơn Tây)
Từ hướng Tây Bắc xuôi về hướng Ðông Nam, rồi sau khi hợp lưu với Sông Ðà và sông Lô, sông Hồng khi qua khỏi Việt Trì độ năm mươi dặm thì chia ra thêm một nhánh quặt xuống phía Nam làm thành con sông Ðáy. Sông Ðáy cũng chảy ra biển cùng hướng với sông Hồng nhưng ở phía dưới rất xa, về phía tỉnh Ninh Bình. Bài thơ Quang Dũng sáng tác thời kháng chiến chống Pháp cách nay khoảng sáu mươi năm, mà lúc ấy thì Quang Dũng đã nhận xét thấy sông Ðáy chảy khá chậm, do mùa khô nước sông Hồng san sẻ vào không dồi dào. Sông Ðáy chính là sông Hát, nơi tự trầm của Hai Bà Trưng khi bị tướng Trung Hoa (đời nhà Hán) tên Phục Ba Tướng Quân Mã Viện đánh bại, sau vài năm hai bà khởi nghĩa giành độc lập. Cách đây trên ngàn năm, thời ấy nước sông đầy tràn, thực tế do toàn thể Trái Ðất không khan hiếm nước như hiện nay, mà cũng có thể tràn đầy trong trí tưởng tượng của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước (có phải?) trong bài ca vinh danh cái chết của Hai Bà Trưng: "Dòng sông Hát nước xanh mờ sâu. Êm đềm trôi về đến nơi đâu". Chỉ khi chảy vào địa phận tỉnh Ninh Bình, do hợp lưu với vài con sông nhỏ khác, do tỉnh này ở gần biển dễ tiếp nhận lượng nước từ trời đổ xuống, nên sông Ðáy thấy trong ký sự phim ảnh như tràn đầy tới gần sát bờ sông, nhất là chỗ chảy qua chùa Non Nước. Chùa này quay quần dưới chân núi Non Nước, một trái núi đơn độc ra sát bờ sông, chỉ cao khoảng một trăm mét. Trương Hán Siêu còn đặt một tên khác cho núi Non Nước, tên có ý nghĩa con Chim Trảo Xuống Tắm Nước. Ông mường tượng trái núi là con chim đang xuống tắm mát sông Ðáy, cái tên đã là một câu thơ điểm thêm vẻ thơ mộng cho dòng sông này ở hạ lưu, còn ở thượng lưu thì đã có thơ Quang Dũng.
Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã
Sơn hà thiên cổ điện kim âu. (Vua Trần Thánh Tông)
Xã tắc hai phen bon ngựa đá
Non sông thiên cổ vững âu vàng. (Trần Trọng Kim dịch, trong Việt Nam Sử Lược, chương thứ 8, quyển 3)
Hai câu thơ trên là của vua Trần Thánh Tông làm ra khi cùng con (sau này là vua Trần Nhân Tông) đến cúng lễ giỗ cho vua cha Trần Thái Tông tại vùng đất Tam Ðường (thuộc tỉnh Nam Ðịnh), vùng đất thiêng khởi nghiệp và mộ địa của ba vua lớn nêu trên; ba vị vua có công củng cố triều đại nhà Trần và ba lần đại phá quân Mông Cổ sang xâm lăng. Cũng là nơi quê quán ông tổ nhà Trần là cụ Trần Hấp, một người chài lưới lúc sinh thời. Hai câu thơ vua Trần sáng tác long trọng trước khi hành lễ, nói con ngựa đá tượng trưng thần dân hai phen phóng mình đi đánh giặc, giữ vững ngai vàng cơ nghiệp nhà Trần, giữ vẹn toàn đất nước. Các vua làm lễ tạ ơn trời đất và tiên đế ngay sau trận chiến thắng lần thứ hai. Sau lễ tạ ơn này, các vua Trần phải đối phó ngay với cuộc động binh lần thứ ba của quân Mông Cổ. Mộ địa ba vua lớn Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông ở vùng đất Tam Ðường, chỗ chôn cất trên cánh đồng xanh trải rộng không dựa vào sườn núi hay nằm bên bờ sông. Nổi lên trên mặt bằng mông quạnh, ba ngôi mộ lớn như ba quả đồi, trên mỗi đồi có một cây cổ thụ khá cao. Chỗ đất thiêng ấy gọi là Thọ Lăng, ngay chỗ lên đồi có những đền tháp nhỏ dùng làm nơi hành lễ khi có cúng bái. Vua Trần Nhân Tông khi còn tại vị đã truyền ngôi cho con để quy y đạo Phật, xây dựng chùa Trúc Lâm Yên Tử để tu hành và truyền bá Phật Giáo. Vua Trần Nhân Tông chính là người gả Huyền Trân Công Chúa cho vua Chế Mân của nước Chiêm Thành, giữ đúng lơì hứa khi ngài ngao du thăm thú nước phương Nam và sau khi biết Chế Mân là một vị anh hùng của nước láng giềng.... Ba ngọn đồi cũng là ba ngôi mộ của các vua Trần thật ngoạn mục trên cánh đồng rộng tươi xanh, ký sự phim ảnh ghi lại thật sắc nét, làm ta có cảm giác như đang hiện diện trước vùng đất chôn cất hình hài của những ông vua lớn trong lịch sử Việt Nam.
Thay cho thơ, đây là một đoạn trong tiểu thuyết:
"Bỗng Vọi rùng mình. Trăng vừa từ trong đám mây đen ló ra, gieo ánh vàng lóng lánh xuống mặt biển... Bóng hòn Trống in xuống tảng đá bệ và gối lên đầu hòn Mái. (Khái Hưng, trích trong cuốn Trống Mái)
Trống Mái là cuốn tiểu thuyết ăn khách của Khái Hưng thời tiền chiến. Ông lấy biểu tượng hòn Trống và hòn Mái ở bờ biển Sầm Sơn tỉnh Thanh Hóa để viết cuốn tiểu thuyết nhắc nhở cần thêm cái đẹp về thân thể ở phái nam, không phải chỉ chăm lo dùi mài kinh sử để có bằng cấp cao là đủ để chinh phục trái tim phụ nữ. Ông viết cuốn tiểu thuyết tô đẹp thân thể như tượng đồng đen của anh chài lưới tên Vọi ở Sầm Sơn, để nhắc nhở "tinh thần minh mẫn trong thể xác tráng kiện". Hồi kết cuộc thì cô thiếu nữ nhân vật chính vẫn lấy chồng trong giới học thức đỗ đạt ở Hà Nội, anh Vọi chỉ là "biểu tượng thêm" ảnh hưởng từ văn hóa Pháp trong tình trai gái mà thôi. Và hòn Trống Mái ở cảnh quang thật sự thì chỉ là hai tảng đá to ở một công viên nhỏ trên bờ biển thành phố nghỉ mát Sầm Sơn, không có hình thù rõ rệt một nam và một nữ, dù gồm một hòn lớn và một hòn nhỏ, và cả hai nằm trên một bệ đá. Khái Hưng hay dân thành phố xưa kia đã tưởng tượng mà đặt tên hòn Trống Mái. Nhưng chính Khái Hưng với cách mô tả bóng của tảng đá lớn gác đầu lên bóng tảng đá nhỏ dưới ánh trăng thật tình tứ nhìn từ ngoài biển vào, cảm hứng viết thành truyện tình đơn phương của anh Vọi. Anh mơ tưởng hảo huyền do sự chăm sóc tử tế và ngưỡng mộ thân hình rắn chắc của anh từ phía cô Hiền, một sinh viên Ðại học Hà Nội đi nghỉ mát trong dịp hè ở Sầm Sơn. Sau đó thì ai nấy về nếp sống cũ của mình: cô Hiền trở lại giới ăn học ở Hà Nội, anh Vọi thì sinh nghề tử nghiệp ngoài biển....
Trên đường từ Hà Nội đến Sầm Sơn, cũng chính là trên đường Bắc Nam Xuyên Việt, ký sự phim ảnh ghi nhận địa phận đèo Tam Ðiệp, nơi tạm dừng chân lịch sử của đại quân Quang Trung trên đường hành quân ra Thăng Long dẹp tan quân Thanh bên Tàu kéo qua trú đóng thể theo cầu viện của vua Lê Chiêu Thống. Ðạo quân thần tốc của Nguyễn Huệ hạ trại nghỉ dưỡng tại đèo Tam Ðiệp, được vua Quang Trung cho đoàn quân tổ chức ăn Tết dù đang cuối tháng Chạp. Trước đó, tại Huế, anh hùng Nguyễn Huệ đã làm lễ bái trời đất và hiệu triệu toàn dân để lên ngôi vương hiệu Quang Trung với sứ mạng khẩn cấp đánh đuổi quân xâm lăng đang muợn danh nghĩa "phù Lê diệt Tây Sơn". Qua phim ảnh ký sự, ta thấy đèo Tam Ðiệp gồm có ba đèo, mỗi đèo vòng qua một ngọn đồi riêng biệt không cao lắm như đỉnh núi. Trong đó có ngọn đèo gồm hai đường xe hơi, một chui qua hầm, một men theo sườn đồi.
Muối Sa Huỳnh ba năm còn mặn
Cá Sa Huỳnh có dạng nào hơn
Sáng mưa trưa nắng chiều nồm
Trời cho thuận gió xuôi buồm ra khơi. (Ca dao)
Sa Huỳnh ở vị trí phía Nam cuối tỉnh Quảng Ngãi, nhưng Sa Huỳnh chỉ chung cho vùng dọc dài bờ biển từ tỉnh Thừa Thiên cho đến tỉnh Bình Thuận có nhiều di tích người Chàm, gọi chung là vùng văn hoá Sa Huỳnh, do những cổ vật đầu tiên khai quật ở Sa Huỳnh. Quảng Ngãi có sông dài từ phía Tây Trường Sơn đổ ra, ký sự phim ảnh ghi nhận chiếc cầu xe lửa bắc qua sông Trà Khúc sát biển, cầu sơn màu xanh nổi giữa chốn hoang vu. Văn Hoá Sa Huỳnh trở thành cái tên biểu trưng cho văn hóa Chiêm Thành; cũng như những di vật khai quật tại Ðông Sơn (bên bờ sông Mã thuộc tỉnh Thanh Hóa) biểu trưng cho văn hóa Ðại Việt; di vật khai quật tại Óc Eo gần Rạch Giá biểu trưng cho văn hóa người Phù Nam hai ngàn năm trước sinh sống tại Nam Bộ. Dọc dài tỉnh Quảng Ngãi, ký sự phim ảnh cho ta thấy một bờ biển xanh với cái tên thật đẹp, bờ biển Mỹ Khê. Biển Mỹ Khê nước xanh biếc như bao bờ biển khác, nhưng sinh hoạt chài lưới ở đây qua lời kể của cư dân làm ta không quên: họ kể trước đây ra khơi đánh bắt cá dễ dàng tại Hoàng Sa nằm trải dài ngay ngoài khơi tỉnh này, bây giờ họ thường gặp tàu tuần duyên của Trung Quốc yêu cầu họ phải rời khỏi.
Ký sự phim ảnh cung cấp cho ta rất nhiều hình ảnh các đảo Hoàng Sa và Trường Sa, thấy sắc nét rất rõ ràng các phi trường của Trung Quốc với những phi đạo xuyên dọc dài qua đảo, nhiều phi trường còn xây trượt ra mé biển vì đảo chưa đủ độ dài cho phi đạo có thể tiếp nhận máy bay hạng nặng. Làm sao phi cơ với người quay phim ký sự có thể bay trên không phận Hoàng Sa và Trường Sa để chụp bắt được như vậy, chắc là từ phi cơ hàng không quốc tế rồi dùng máy quay phim kỹ thuật viễn vọng mà thâu ảnh từ độ cao biệt mù. Các đảo ở Hoàng Sa và Trường Sa thật ngoạn mục dưới biển xanh, đất đảo màu đen xám, bờ bao quanh đảo biêng biếc, và đại dương màu xanh lục mênh mang phía ngoài. Ký sự phim ảnh này thật quý hiếm, chỉ mới có trong loạt truyền hình "Hành Trình Xuyên Việt" của đài SBTN, trung tâm cơ sở ở Garden Grove California, thuộc tập 29 chưa phát hành thành DVD. Muời bảy tập đầu đã phát hành thành ba DVD trong tháng 8 năm 2008. Trước đây đã có không ảnh chụp phi đạo Trung Quốc trên vài đảo Trường Sa, phổ biến trên báo chí Việt ở hải ngoại, nay thấy thêm nhiều đảo với công sự mới xây ở Hoàng Sa ngoài khơi biển Mỹ Khê Quảng Ngãi.
Chiêm Thành quá thử
Binh bại quốc vong
An Nam quá thử
Tướng tru binh chiết. (Vua Lê Thánh Tông)
Dịch theo lời ghi trong ký sự phim ảnh:
Chiêm Thành qua đánh
Binh thua nước mất
An Nam qua đánh
Tướng chết binh tan.
Vua Lê Thánh Tông, một vị vua đã từng thân chinh đi đánh Chiêm Thành, tấn công thành Ðồ Bàn ở Bình Ðịnh, bắt được vua Chàm mưu định gây hấn trước là vua Trà Toàn (theo Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim, chương thứ 15, quyển 3). Biết được như vậy thì ta không lấy làm lạ chỗ núi Ðá Bia (Thạch Bi Sơn) ở tỉnh Phú Yên được nhà vua khắc bài thơ trên, có ý quy định đây là biên giới bất khả xâm phạm cho cả hai nước Việt Chiêm. Thấy trong phim ảnh, trên đỉnh núi Ðá Bia có một tảng đá lớn và một tảng đá nhỏ giống như Hòn Vọng Phu. Dãy núi có bia đá ấy (Thạch Bi Sơn) không cao lắm, đường xe lửa và xe hơi chạy dài dưới chân dãy núi, nơi đó là Ðèo Cả. Ðèo Cả cũng từng được nhắc nhở qua một bài thơ của Hữu Loan thời kháng chiến chống Pháp. Dưới đèo, Vũng Rô biển xanh vỗ sóng vào bờ hoang vắng nhiều bụi cây thấp, có chỗ thả neo đậu bến cho ghe thuyền đánh cá. Thời chiến tranh trước năm 1975, Vũng Rô thành nơi bí mật tiếp nhận vũ khí đạn dược cho tàu ghe từ Bắc Việt chuyên chở vào, không rõ làm sao họ tới được trong khi Hạm Ðội Thứ Bảy của Hoa Kỳ tuần duyên kiểm soát chặt chẽ dọc dài bờ biển từ Vỹ Tuyến 17 cho đến Mũi Cà Mau.
Trở lại bài thơ khắc trên tảng đá trên núi của vua Lê Thánh Tông, xem chừng như đây là biên giới nhà vua muốn dừng lại vĩnh viễn cuộc Nam Tiến, như lời nguyền thôi chinh chiến. Núi Ðá Bia với Hòn Vọng Phu trên đỉnh, có phải đây là hòn vọng phu mà ta từng thấy trên dãy núi xanh cao ngất từ Nha Trang nhìn về hướng Bắc trong những ngày quang đãng. Chắc không phải một, vì Ðá Bia như trong ký sự phim ảnh ghi lại thấy chỉ đứng trên một dãy đồi thấp. Ðối với mặt biển ở Vũng Rô thì Ðá Bia thật cao, nhưng không thể thấy cao chót đỉnh trên dãy núi lúc nào cũng xanh rì, mây trắng ít khi vần vũ. Hòn Vọng Phu cao ngất ấy thuộc dãy núi Trường Sơn ở địa phận tỉnh Bình Ðịnh, xa hơn tỉnh Phú Yên một chút về phía Bắc. Ðây mới thật là Hòn Vọng Phu gắn liền với sự tích hai anh em ruột thành vợ chồng do bị thất lạc từ nhỏ rồi lớn lên tình cờ lại gặp nhau. Khi một mình biết sự thật, người anh đã bỏ đi biền biệt, người em bồng con chờ đến hóa thành đá. Lại khác Hòn Vọng Phu liên hệ sự tích Nàng Tô Thị bồng con chờ chồng đi chinh chiến mãi không về trên đỉnh núi ở tỉnh Lạng Sơn, và sự tích này mới là nguồn cảm hứng cho nhạc sĩ Lê Thương trong kiệt tác "Hòn Vọng Phu". Hòn Vọng Phu trên núi Ðá Bia (kể như hòn thứ ba ở Việt Nam), và Ðèo Cả- Vũng Rô, thấy rất cụ thể qua ký sự phim ảnh.
Một mai về lại Tam biên đó
Hãy ngắm Poko, núi Phượng hoàng. (Thơ Lâm Hảo Dũng)
Hàng loạt các con sông ở Tây Nguyên một thời vang danh do chiến tranh, do các trại Biệt Kích của quân đội Việt Nam Cộng Hòa cùng với các Sư đoàn trang bị hùng hậu của Mỹ đóng chốt muốn khóa chặt Ðường Mòn Xâm Nhập từ phía Bắc vỹ tuyến 17. Dọc dài các tỉnh Pleiku, Kontum, Buôn Mê Thuột, Thừa Thiên, Quảng Trị, có nhiều con sông vào mùa mưa cuồn cuộn đem nước từ dãy Trường Sơn ra biển Ðông. Nhưng cũng có vài con sông rẽ hướng về phía Kampuchia và Lào, nhập vào các sông lớn của hai nước này để đổ vào sông Mekong. Các trận đánh ở Khe Sanh, Dakto, Humberger Hill, Tân Cảnh, đồi Charlie, A Shao, A Lưới, đều diễn ra trong bối cảnh rừng núi và các con sông này. Sông Poko ở Kontum thật lợi hại cho sự ẩn dấu ngụy trang, mà thơ của Lâm Hảo Dũng chỉ nhắc thoáng qua khi ông là quân nhân trú phòng trong một đồn biên trấn.
Còn ta căn cứ qua hình chụp từ máy bay in trong Tạp chí National Geographic. Nó chảy qua rừng dầy đặc thường xuyên mây bao phủ làm cản trở cho máy bay trinh sát và oanh kích; trở thành địa điểm tập trung quân với nhiều chiến xa của cả một sư đoàn xâm nhập. Về phía Mỹ thì cũng thiết lập Trại Lực Lượng Ðặc Biệt DakPek, có cả phi trường tiếp viện, địa điểm ở phía Bắc Kontum, để làm nút chặn con đường 14 chạy dọc theo sông Poko. Sông Xê-Xan ở Kampuchia có liên hệ đến dòng chảy của sông Poko nổi tiếng thời chiến tranh như đã nói trên. Sông Poko khi chảy về phía Nam Kontum tạo ra thác Yali rồi thành sông Krong (bản đồ Việt Nam ghi là Ia Krong, bản đồ của National Geographic Magazine năm 1967 ghi là Krong Bolah). Sở dĩ nơi hợp lưu của sông Krong Bolah và Sông Xê-Xan làm ta lưu ý, vì tại chỗ chảy vào hợp lưu này có đập nước thủy điện Yali của Việt Nam. Việt Nam đã từng xả nước gây ngập lụt một tỉnh ven sông Xê Xan ở Kampuchia, ảnh hưởng ngập lụt cho đến thành phố Stung Streng nằm bên sông Mekong, rồi cho cả vùng Ðồng Tháp Mười. Ðiều này gợi ra mối liên hệ đến sáng kiến có thể tạo ra hồ chứa nước khổng lồ ở Yali gần Ðức Cơ va Chu Prong để đưa nước vào Ðồng Tháp Mười rồi vào hạ lưu sông Cửu Long mùa khô hạn (dựa theo tài liệu của Kỹ sư Thủy Học Nguyễn Minh Quang trong bài Những Vấn Ðề Thủy Lợi Của Ðồng Bằng Sông Cửu Long). Trong viễn tượng cái nhìn toàn cảnh Ðông Dương từ Vệ Tinh Ðịnh Vị Toàn Cầu bao quát xuống, người ta thấy mối liên hệ có thể tương trợ giữa các miền trên Trái Ðất mà trước đây tưởng như thật xa xôi cách biệt.
Mười giờ tàu lại Bến Thành
Súp lê vội thổi, bộ hành xôn xao (Ca dao)
Súp-lê là còi tàu thủy phiên âm từ tiếng Pháp. Tại sao tàu thủy lại có thể thả neo trước chợ Bến Thành, tức công trường Quách Thị Trang ngày nay. Nguyên xưa kia, có lẽ hơn một trăm năm, đại lộ Hàm Nghi bây giờ chính là một con rạch thông nước từ sông Sài Gòn đến trước chợ Bến Thành. Ngoài những ghe thuyền đậu bến tấp nập, nơi đây còn là bến tàu hành khách đi trên hai tuyến thủy lộ xa; một từ Sài Gòn ra biển rồi lên cửa sông Tiền Giang đi tới Nam Vang (những địa điểm ở Nam Bộ được tàu ghé lại đổ rước hành khách: Mỹ Tho, Vĩnh Long, Sa Ðéc, Cái Tàu, Cao Lãnh, Hồng Ngự, Tân Châu, rồi tiếp tục lên Nam Vang. Tuyến thứ hai từ Sài Gòn cũng lên sông Tiền Giang như tuyến trước rồi vòng vào nhánh Vàm Nao ở Châu Ðốc để đi qua sông Hậu Giang, xuôi dòng cho đến cửa sông ra biển mà về lại Sài Gòn (Các bến ghé: Mỹ Tho, Cái Bè, Vĩnh Long, Sa Ðéc, Cao Lãnh, Châu Ðốc, Long Xuyên, Lai Vung, Ô Môn, Cần Thơ, Trà Ôn, Cầu Kè, Ðại Ngãi – Theo tài liệu của nhà văn Sơn Nam trong cuốn Văn Minh Miệt Vườn).
Ai đã từng ở các bến sông thị trấn nhỏ như Cái Tàu, Cao Lãnh, Trà Ôn, Cầu Kè, Ðại Ngãi... mới biết nỗi mừng rỡ của người địa phương khi con tàu ghé lại. Tưởng tượng những ngày giờ tàu đến theo lịch trình, dân chúng hai bên bờ ra coi như ngày hội, như đón sứ giả từ Hòn Ngọc Viễn Ðông tới. Vì bảy tám chục năm trước thì đường lộ chưa mở mang giăng mắc như ngày nay, cuộc sống như tách rời với đô hội, lại không có phương tiện truyền hình, điện thoại di động, nên những tiến bộ của lối sống ở Sài Gòn không phải là cách sống như nhau ở khắp nơi. Cái gì lạ trên sông đều thấy dân túa ra hai bên bờ đứng coi, hình như phản ảnh tâm trạng muốn có sự thay đổi nào đó trước những bình lặng hằng ngày của dòng sông lớn mãi trôi êm đềm. Chắc là tâm trạng sợ sự trầm lặng và hoang vắng. Có nhiều câu ca dao tình trai gái gợi nhớ hai tuyến tàu hành khách trên sông Cửu Long.
Chừng nào Chợ Quán hết vôi
Thủ Thiêm hết gạo, em thôi đưa đò
Bắp non mà nướng lửa lò
Ðố ai ve được con đò Thủ Thiêm. (Ca Dao)
Người nào đặt câu ca dao này như đã tiên tri từ bảy tám chục năm trước, quả bây giờ Chợ Quán đã mai một địa đểm chuyên bán vôi, vì chỉ còn rất ít người ăn trầu cần vôi. Còn Thủ Thiêm là vùng đất thấp, khi thủy triều sông Sài Gòn lên thì nhiều nơi quá trũng bị ngập nước, và chưa đọc được tài liệu nào kể nơi đây sản xuất nhiều lúa gạo, vậy không hiểu sao nông sản này được ca dao nói đến. Nếu như xưa kia có nhiều gạo thì quả đã tiên tri bây giờ Thủ Thiêm mất hết đồng ruộng, vì nơi đây đang xây thành khu vực đô thị mới của Sài Gòn. Hiện giờ đò Thủ Thiêm vẫn còn, nhưng sẽ ngưng hoạt động khi nào hầm qua sông hoàn thành. Hầm tối tân làm rạng rỡ cho kỹ thuật cầu cống Nhật, chỉ một phần đóng góp của Việt Nam (miệng hầm qua từ phía Sài Gòn trong khu vực cầu Calmette đến cầu Khánh Hội). Còn cầu Thủ Thiêm đã xây xong. Cầu đồ sộ làm rạng rỡ cho kỹ thuật cầu cống Trung Quốc, cũng chỉ một phần đóng góp của Việt Nam (đầu cầu phía Sài Gòn ở tại vị trí xa hơn Thị Nghè một chút). Xa lộ Ðông Tây nối quốc lộ đi Lục Tỉnh tại vị trí gần Bến xe Miền Tây hiện tại, nó chạy dài qua Thủ Thiêm (nay là Quận 2 của Sài Gòn) rồi nối vào Xa lộ Biên Hòa (nay là Xa Lộ Hà Nội) tại vị trí Ngã Ba Cát Lái. Xa lộ Ðông Tây chạy dọc dài theo Kinh Tàu Hủ rồi dọc dài Rạch Bến Nghé và chui qua sông Sài Gòn, làm di dời bao nhiêu nhà dân Sài Gòn sinh sống vui buồn qua bao thăng trầm sang hèn có khúc có lúc.
Không biết xa lộ có phá bỏ những công trình xây dựng cũ nhưng thật đáng bảo tồn làm di tích cổ đối với Sài Gòn chỉ mới 300 năm, như cầu sắt Chữ U đen một màu gây ấn tượng, hay cầu Chữ Y ngự trị tại chỗ giao nhau giữa Kinh Tẻ và Rạch Bến Nghé (cả hai lấy nước từ sông Sài Gòn); hay Chợ Quán chợ Cầu Kho một thời kỷ niệm qua bài hát vui của Trần Văn Trạch. Ðèn điện xanh đỏ dài theo bến sông Sài Gòn bao giờ cũng huy hoàng, nhưng dưới ánh điện kinh thành thì thời nào và bất cứ nơi đâu cũng đều chất chứa bao nhiêu là tương phản về cuộc sống giữa người với người, dù có thêm những nhà hàng nổi không từng có trước 1975.
Xin tạm dùng sử liệu thay cho một câu thơ về Sông Mân-Thít chưa sưu tầm được:
"Tiêm Vương (vua nước Xiêm) tiếp đãi Nguyễn Vương (Nguyễn Ánh, sau lên ngôi niên hiệu Gia Long) và sai hai tướng là Chiêu Tăng và Chiêu Sương đem hai vạn quân cùng 300 chiếc thuyền sang giúp... Quân Tiêm La sang lấy được Rạch Giá, Ba Thắc, Trà Ôn, Mân-Thít, Sa Ðéc. Khi đánh ở Mân-Thít, Châu Văn Tiếp (tướng của Nguyễn Ánh) bị thương nặng mà mất..." (Trần Trọng Kim, trong Việt Nam Sử Lược, chương 8, quyển 4).
Khi học Trung học đến đoạn sử với những biến cố quân Tiêm La (Thái Lan), nhân cơ hội cầu viện của Chúa Nguyễn Ánh, họ kéo sang chắc trong mưu đồ lớn hơn cho nước Xiêm. Lúc ấy ta mường tượng thật xa vời những nơi như Mân Thít, Trà Ôn. Sau mới biết cũng không xa lạ nếu ta từng ở vùng phụ cận Vĩnh Long. Sông Mân Thít bắt nguồn từ sông Cổ Chiên ở Bến Tre (một nhánh của sông Tiền Giang) rồi nối với một kinh đào đâm qua Hậu Giang. Gần như ở vào khoảng rộng nhất giữa Tiền Giang và Hậu Giang, nên sông Mân Thít cũng khá dài, từng là nơi xảy ra các trận thủy chiến lịch sử giữa quân Tây Sơn và quân Chúa Nguyễn Ánh, đưa đến cái chết của Châu Văn Tiếp. Sông Mân Thít theo hướng con kinh đào ấy chảy vào Hậu Giang ngay tại mũi đất nhô ra thuộc phố chợ Trà Ôn. Trên bản đồ Việt Nam khổ lớn treo tường của Tạp chí Mỹ National Geographic Magazine, số ấn hành năm 1967, các địa danh quanh sông Mân Thít (người địa phương nói là sông Mang Thích) như Ba Càng, Tam Bình, Trà ôn đều có ghi rõ. Vì thời chiến tranh trước 1975, đây là những thị trấn chiến lược cho cả đôi bên. Trong tầm nhìn phòng thủ chiến lược của Hoa Kỳ: Ba Càng gần chính giữa trục lộ Vĩnh Long - Cần Thơ nằm trên tuyến tuần tiểu cho cơ giới và đồn bót; Trà Ôn, Tam Bình, Cái Mơn cách khoảng nhau trên sông Mân Thít nằm trên tuyến tuần tiễu cho tàu khinh tốc của Hải quân Mỹ.
Có khi trận đánh đồn Ba Càng và chiếm xe lương thực diễn ra giữa ban ngày, giữa khi xe đò hành khách xuôi ngược (thời chiến mà không lúc nào thưa thớt); có cả phản lực cơ Mỹ từ phi trường Trà Nóc Cần Thơ đến tiếp cứu. Khi trận đánh kết thúc, xe đò được phép thông thương, thấy có những xác người cháy đen trên xe quân xa chuyên chở gạo. Ta tự hỏi, nếu lấy được số lương thực gồm mấy xe vận tải nhà binh ấy thì quân Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam (danh xưng thời chống nhau với Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa) làm sao đem đi khi mà cơ giới thiết giáp từ hai phía Vĩnh Long - Cần Thơ đến phản công, làm sao tránh được máy bay khi di chuyển lương thực trên sông rạch trống trải. Phải chăng nếu thành công họ sẽ cho chôn gấp lương thực ở một khu vườn ruộng nào đó rồi tản mác theo kiểu đánh du kích, sau sẽ mang đi lần hồi về phía các mật khu phân bố rải rác quanh sông Mân Thít.. Sông Mân Thít nối với kinh đào có nhiều tàu ghe xuôi ngược, chắc phải chứa nhiều vết tích những trận đánh thời Nguyễn Ánh - Tây Sơn và thời chiến tranh trước 1975, nhưng các dấu xưa ẩn trong lòng đất ruộng vườn chứ không có ở trên cổ thành hay công sự gạch ngói cho ngàn sau tới tham quan.
Trần Văn Nam City of Walnut, California