User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

tucngucadao

Một dân tộc cũng như một con người, có cả tính xấu lẫn tính tốt. Nếu nhiều tính tốt, dân tộc ấy sẽ phát triển, có đời sống tốt đẹp, xã hội không bị rối loạn, bất công, nghèo đói. Một cá nhân cũng giống như vậy.

Dân tộc chúng ta may mắn có một số tính tốt nên mới tồn tại đươc qua hơn một ngàn năm bị người Tàu đô hộ (111 T.TL – 939 S.TL) nhưng cũng có nhiều tính xấu nên chúng ta thua kém người.

1 – Những Tính Tốt gồm: lòng nhân đạo, yêu thương giống nòi và yêu nước, hào hùng, gan dạ....

Những câu nói biểu lộ lòng trắc ẩn và thái độ, hành động phải có đối với những người cần được giúp đỡ:

– Thương người như thể thương thân.

– Lá lành đùm lá rách.

– Người ăn thì còn, con ăn thì mất.

Hay những câu ca dao nói lên tấm lòng xót xa trước nỗi bất hạnh của người khác:

– Ăn mày là ai, – Ăn mày là ta,
Đói cơm, rách áo thì ra ăn mày.
– Chí công thương kẻ mồ côi,
Như bèo cạn nước biết trôi ngả nào!

Người ta quan niệm dù có xây chùa thờ Phật to lớn, nguy nga cũng không có công đức bằng cứu giúp người hoạn nạn:

– Dù xây chín bực phù đồ, (Phù đồ: chùa thờ Phật)
Không bằng làm phúc cứu cho một người.

Và bổn phận trong xã hội là phải cưu mang lẫn nhau:

– Có câu: tích đức, tu nhân,
Hoạn nạn tương cứu, phú bần tương tri.

Mọi người có bổn phận phải giúp đỡ lẫn nhau vì nếu ai cũng chỉ biết có mình, lúc giàu có không giúp người khác thì khi chẳng may gặp hoạn nạn ai là người giúp mình:

– Khi giàu chẳng có đỡ ai,
Đến khi hoạn nạn chẳng ai đỡ mình.

Những người nặng về lý tưởng cho câu ca dao trên là vụ lợi: Giúp người với mục đích người giúp lại mình nhưng trên thực tế, xã hội đòi hỏi bổn phận phải hành xử như vậy. Trong xã hội Việt Nam xưa, sự tương thân, tương ái đã được thể hiện rộng rãi ở làng xã dưới hình thức lập các quỹ công điền, công thổ để giúp đỡ những người gặp khó khăn như các quả phụ, các học trò nghèo, những người già cả neo đơn.... Ngay cả trong việc cưới xin, hội hè, khao cử, tang ma... tiền mừng hay tiền phúng điếu đều ngụ ý trợ giúp chủ nhà khi có việc để rồi đến lượt mình người ta sẽ đáp trả lại. Ngày nay tại bất cứ nước nào, tiền thuế mà người dân có bổn phận phải đóng góp, trong đó một phần dùng để xây nhà thương cho những người nghèo ốm đau có nơi chữa bệnh hay xây viện mồ côi, viện tế bần nuôi dưỡng, săn sóc trẻ mồ côi, người già không nơi nương tựa.

Từ xa xưa, sự tương thân, tương ái ấy xuất phát từ nếp sống đạo đức của người Việt Nam.

Người ta tin rằng ăn ở hiền lành trời sẽ ban phúc cho mình và cho con cháu mai sau:

– Ở hiền thì lại gặp lành,
Những người nhân đức trời dành phúc cho.
– Ai ơi hãy ở cho lành,
Kiếp này chẳng gặp để dành kiếp sau.
– Người trồng cây hạnh người chơi,
Ta trồng cây đức để đời về sau.
– Có tiền thì hậu mới hay,
Có trồng cây đức mới dày nên nhân.

Khi lập gia đình, người ta tìm con nhà hiền lành, không chọn con nhà giàu có mà không có đạo đức:

– Chẳng tham nhà ngói ba toà,
Tham vì một nỗi mẹ cha hiền lành.

Vì cha mẹ hiền lành thì để phúc cho con cháu:

– Cây xanh thì lá cũng xanh,
Cha mẹ hiền lành để đức cho con.
Ba vuông sánh với bảy tròn,
Đời cha vinh hiển, đời con sang giàu.

Cũng phát xuất từ nền tảng đạo đức ấy, người ta lên án những kẻ độc ác, bất nhân:

– Dễ dàng là thói hồng nhan,
Càng cay nghiệt lắm, càng oan trái nhiều.
– Đạo trời báo phục chẳng lâu,
Hễ là thiện ác đáo đầu chẳng sai.
– Hùm giết người hùm ngủ,
Người giết người thức đủ năm canh.

Ngoài những tính tốt kể trên, chúng ta phải nói đến lòng biết ơn được nhắc đến rất nhiều trong tục ngữ ca dao:

– Ăn quả nhớ kẻ trồng cây.

– Uống nước nhớ nguồn.

– Nước có nguồn, cây có cội.

– Chim có tổ, người có tông.

Qua truyền thuyết lập nước “Con Rồng Cháu Tiên”, người Việt Nam rất nặng lòng yêu nước, yêu giống nòi. Người ta gọi nhau là đồng bào, tức cùng một bọc sinh ra và kêu gọi phải thương yêu, đoàn kết:

– Nhiễu điều phủ lấy giá gương,
Người trong một nước phải thương nhau cùng.
– Khôn ngoan đối đáp người ngoài,
Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau.
– Máu chảy ruột mềm.
– Con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ.
– Chị ngã em nâng.
– Lá lành đùm lá rách.

Dân tộc Việt Nam sống cạnh một dân tộc to lớn, luôn nuôi tham vọng thôn tính, nhưng chúng ta vẫn bảo tồn được nòi giống, không bị đồng hóa và giữ vững nền độc lập qua bao nhiêu nguy biến nhờ có tinh thần hào hùng:

– Ai vô Bình Định mà coi,
Đàn bà cũng biết cầm roi đi quyền.
– Giặc đến nhà đàn bà phải đánh.
– Làm trai cho đáng nên trai,
Xuống đông đông tĩnh, lên đoài đoài tan.
– Làm trai quyết chí tang bồng,
Sao cho tỏ mặt anh hùng mới cam.
– Nên ra tay kiếm, tay cờ,
Chẳng nên thì cũng chẳng nhờ cậy ai.

Tinh thần hào hùng ấy được nuôi dưỡng từ lúc đứa trẻ còn bồng trên tay:

– Ru hơi, ru hỡi, ru hời,
Sao cho xứng đáng giống nòi nhà ta.
Ghé vai gánh vác sơn hà,
Sao cho tỏ mặt mới là trượng phu.

Nên đất nước Việt Nam ngay từ thủa ban đầu đã có bà Trưng, bà Triệu, Đinh Bộ Lĩnh, Trần Quốc Toản, sau này là Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Phạm Hồng Thái, Nguyễn Thái Học, cô Giang, cô Bắc, cô Đỗ Thị Tâm... đứng lên đánh đuổi xâm lăng.

2 – Những tính xấu gồm: Tham lam, xoi mói, yêu ghét bất công, tính nhỏ mọn bới bèo ra bọ, tính ganh tị trâu buộc ghét trâu ăn và tính háo danh....

Ở phần trên chúng tôi đã nói đến những tính tốt của người Việt, sau đây chúng tôi sẽ nói đến một số những tính xấu mà chúng còn mắc phải có ghi trong tục ngữ ca dao.

Thứ nhất là tính tham lam muốn có nhiều tiền bạc một cách bất chính, không do tài năng hay công sức khó nhọc của mình làm ra. Trong quan trường là tham ô, tham nhũng, trong buôn bán là gian lận, lừa đảo.

Tham nhũng trong chính quyền: Dưới chế độ quân chủ ngày xưa các quan thay vua cai trị dân. Tuy xuất thân từ cửa Khổng nhưng cái đức độ, thanh liêm không phải ông quan nào cũng có. Vả lại vì quan có nhiều quyền hành, quyền làm cha mẹ dân (phụ mẫu chi dân) nên sự lạm quyền không thể tránh khỏi. Câu nói “Chưa đỗ ông Nghè đã đe hàng Tổng” nói lên cái uy quyền của người đậu Cử Nhân (Cống), Tiến Sĩ (Nghè) ra làm quan quyền hành như thế nào. Người dân bị quan quyền bóc lột thổ lộ sự uất ức:

- Ai ơi nhớ lấy lời này,
Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan.
- Vô phước bước cửa quan.
- Tuần hà là cha kẻ cướp.

Lòng của quan tham không đáy:

- Quan thấy kiện như kiến thấy mỡ.
- Vô phước đáo tụng đình, tụng đình rình vô phước.
- Của vào nhà quan như than vào lò.
- Lễ vào nhà quan như than vào lò.

Vì các quan là người cấm cân nảy mực mà tham nhũng, không công bằng chính trực nên đồng tiền có sức mạnh bẻ cong cán cân công lý:

- Nén bạc đâm toạc tờ giấy.

Ngày nay trong xã hội cũng có rất nhiều câu TNCD nói về tình trạng không tốt đẹp này:

- Hy sinh đời bố củng cố đời con.
- Một người làm việc gấp hai,
Để cho cán bộ mua đài mua xe.
Một người làm việc gấp ba,
Để cho cán bộ xây nhà, xây sân.

Đồng tiền bây giờ không phải chỉ có sức mạnh “đâm toạc tờ giấy” mà nó là Tiên, là Phật, có quyền đem phúc hoạ cho người dân trong mọi sinh hoạt của cuộc sống: trẻ dùng tiền lo lót tiến thân, già lo lót chữa bệnh...:

- Đồng tiền là Tiên là Phật,
Lá sức bật của tuổi trẻ,
Là sức khoẻ của tuổi già,
Là cái đà danh vọng,
Là cái lọng che thân,
Là cái cân công lý.
Đồng tiền thật hết ý!

Nơi buôn bán, kinh doanh lòng tham biểu lộ qua sự gian dối.

Cái gian dối đầu tiên ít ai để ý vì nó xảy ra hàng ngày, hàng giờ, ở khắp mọi nơi nên người ta coi là một sự bình thường. Đó là nói thách để người mua trả lầm giá và kiếm được nhiều lời hơn. Cái gian dối thứ hai mang tính lừa gạt là hàng xấu nói hàng tốt, hàng giả nói hàng thật, đong vơi, cân thiếu.

Trong TNCD chúng ta thấy có rất nhiều câu khuyên bảo hoặc lên án những kẻ không ngay thật:

– Của gian là của độc.
– Tin nhau buôn bán cùng nhau,
Thiệt hơn, hơn thiệt trước sau như nhời.
Hay gì lừa đảo kiếm lời,
Một nhà ăn uống tội trời riêng mang.
Theo chi những thói gian tham,
Pha phôi thực giả tìm đường dối nhau.
Của phi nghĩa có giàu đâu,
Ở cho ngay thật giàu sau mới bền.
– Của phù vân, không chân hay chạy.
– Của làm ra để trên gác,
Của cờ bạc để ngoài sân,
Của phù vân để ngoài ngõ.
– Mất trâu thì lại tậu trâu,
Những quân cướp nợ có giàu hơn ai.

Thứ hai là tính hay xoi mói, “vác đuốc đi soi chân người” để chê cười, giễu cợt cái xấu của người khác, không trông thấy cái xấu của mình:

- Ai ơi! Chớ vội cười nhau,
Ngắm mình cho tỏ trước sau hãy cười.
- Nói người chẳng nghĩ đến thân,
Thử sờ lên gáy xem gần hay xa.

Trên đây là những câu nói nhắc nhở, cảnh cáo người ta nên thận trọng trong cách xử thế nhưng cũng có rất nhiều câu chê bai, châm biếm khá nặng:

- Cú lại chê vọ rằng hôi,
Giải cùi chê khách rằng đuôi vật vờ.
- Chuột chù chê khỉ rằng hôi,
Khỉ lại trả lời: cả họ mày thơm.
- Lươn ngắn mà chê chạch dài,
Thờn bơn méo miệng chê trai lệch mồm.
- Lươn nằm trong lỗ trông ra,
Thấy chạch đi qua, hỏi: ”gì dài mấy?“

Tính xấu th ba là tính yêu, ghét khá nặng nề:

- Yêu ai thì bốc lên trời, ghét ai thì dìm xuống đất.

- Không ưa đổ thừa cho xấu.

- Không ưa thì dưa có dòi.

Yêu thì xí xóa, xấu làm cho tốt, cọ̀n ghét thì thật nhiều chuyện:

- Yêu nhau chín bỏ làm mười.
- Yêu nhau mọi việc chẳng nề,
Dẫu trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng.
- Yêu nhau thì ném bã trầu,
Ghét nhau ném đá vỡ đầu nhau ra.
- Yêu nhau cau bảy bổ ba,
Ghét nhau cau bảy bổ ra làm mười.
- Yêu nhau xé lụa may quần,
Ghét nhau kể nợ, kể nần nhau ra.
- Yêu ai thì nói quá ưa,
Ghét ai nói thiếu, nói thừa như không.

Cái cảm tính yêu ghét của người Việt quá nặng bao trùm cả không gian người đó sống và anh em, họ hàng nhà người ta:

- Yêu nhau yêu cả đường đi,
Ghét nhau, ghét cả tông ti họ hàng.

Tính xấu thứ tư là tính nhỏ mọn. Tính này có do từ tính yêu, ghét mà ra, nhất là ở các bà mẹ chồng ngày xưa, ở những người có quyền thế hay “Vạch lá tìm sâu”, “Bới bèo ra bọ”, “Bới lông tìm vết“ để bắt tội người khác.

Tính xấu thứ năm là tính ganh tị:

- Trâu buộc ghét trâu ăn.

- Không được ăn thì đạp đổ.

Tính xấu thứ sáu là tính háo danh đua đòi, sĩ diện. Tính này biểu lộ sự nông nổi, hời hợt của cảm tính, không phải sự suy nghĩ sâu sắc của lý trí. Nó biểu lộ văn hóa sống (hay lối sống) của người Việt còn thấp kém:

- Bán gia tài mua danh diện hão.

- Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp.

- Có ăn có trọi mới gọi là trâu!

- Con gà tức nhau vì tiếng gáy.

Ngày xưa người ta bán cả ruộng vườn, nhà cửa để khao cử, mua nhiêu, mua xã lấy tiếng cho thỏa tính háo danh, ngày nay người ta đi cầm cố, vay nợ để phô trương trong các đám cưới, đám ma, mua quan, mua chức.

Những tính xấu làm cản bước tiến của xã hội, của cá nhân.

Lòng tham quá đáng làm những người cầm đầu quốc gia dùng quyền thế bòn vét tài nguyên của đất nước: rừng, biển, sông ngòi, hầm mỏ...; về nhân lực, khai thác hoặc bán rẻ sức lao động của người dân để làm giàu. Tiền thuế dân đóng góp để xây dựng đất nước thì xâu xé biển thủ. Một đất nước như thế không thể phát triển, giàu có và xã hội bị chia rẽ thành nhiều phe phái, gây rối loạn vì lợi ích cá nhân. Nạn hà hiếp, cướp bóc, trộm cắp phát triển.

Nơi kinh doanh và thương trường, lòng tham sẽ đưa đến gian dối, lừa đảo. Lối nói thách lừa khách hàng chỉ có thể tồn tại với những cửa hàng nhỏ, buôn bán lặt vặt không thể áp dụng cho những đại công ty bán lẻ: với giá nhất định, các cửa hàng của họ trong một ngày có thể tiếp năm, bảy ngàn khách hàng.

Tính lừa gạt, gian lận làm cho người Việt không thể hùn hạp vốn để mở các đại công ty, các tập đoàn lớn như Nhật, Nam Triều Tiên, Singapore....

Tính đua đòi, sĩ diện làm cho người ta thay vì dùng tiền bạc, thì giờ và tâm trí vào việc nâng cao mức sống của mình hay khuyếch trương làm ăn buôn bán giúp cho dân giàu, nước mạnh lại đi làm những chuyện đua đòi, háo danh vô ích.

Tình trạng chia rẽ gây ra bởi tính tham lam, tính hay xoi mói, chê bai ngưởi khác, tính yêu ghét bất công, tính ganh tỵ trâu buộc ghét trâu ăn, tính nhỏ mọn vạch lá tìm sâu....

Đất nước bị nạn xâu xé, phe nhóm, tụt hậu... là do những tính xấu kể trên.

Phạm Hy Sơn

 

Tìm các bài BIÊN KHẢO khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com