Với những tiểu bang miền Nam nước Mỹ, điển hình như Texas chẳng hạn, không có bốn mùa rõ rệt. Thời khắc của giao mùa nơi đây thật là mờ nhạt, ngày hôm trước thời tiết còn ấm áp, qua một đêm gió bấc thổi về sáng ra đã phải khoác thêm lên người chiếc áo ấm trước khi bước ra khỏi nhà. Nhưng cho dù là gì đi nữa, mỗi khi thu về ngày thế nào cũng ngắn lại và đêm dài ra, và sau một trận gió lớn hay một cơn mưa nặng hạt hầu như cây cối khắp nơi đều đồng loạt trơ trụi lá.
Tuy nhiên, cũng có người tìm thấy ở mùa thu, dù là mùa thu của miền Nam nước Mỹ, một khung cảnh hữu tình hơn so với những thời khắc khác trong năm. Có chút gì đó thay đổi trong không gian và cái cảm giác khoan khoái khi ta bước ra ngoài trời, một cơn gió nhẹ mang chút hơi lạnh làm người đi đường phải rụt vai lại và kéo cao cổ áo. Trong khi chúng ta lướt mắt ghé nhìn qua cuốn lịch trên tường để thấy mùa thu về cũng có nghĩa là Lễ Tạ Ơn gần kề mang theo một chút hương vị khác cho cuộc sống và đồng thời cũng là lúc chuẩn bị chờ đón ngày lễ mang nhiều ý nghĩa nhất trong năm.
Đối với nhiều người Mỹ, và luôn cả người Việt chúng ta nữa, ý nghĩa của Lễ Tạ Ơn thông thường bao gồm một bữa tiệc thịnh soạn, bốn ngày nghỉ cuối tuần, xem diễn hành, được đoàn tụ với gia đình, và đương nhiên đây cũng là thời điểm mở đầu mùa mua sắm cho dịp Lễ Giáng Sinh cuối năm. Tuy nhiên, ngày Lễ Tạ Ơn đầu tiên ấy cách đây bốn trăm năm không hẳn là một ngày lễ, cũng chẳng có một bữa tiệc quá sức linh đình như bây giờ, mà chỉ đơn giản là một buổi họp mặt ngồi ăn uống với nhau trong một ngày cuối thu năm 1621 giữa nhóm di dân Pilgrims và nhóm người da đỏ.
Mãi đến Tháng 6 năm 1676 mới có một bữa tiệc “tạ ơn” được tổ chức lại lần nữa. Đó là ngày 29 Tháng 6 và cộng đồng Charlestown ở Massachusetts tuyên bố dành một ngày tạ ơn vì những phúc lộc trong đời. Điều trớ trêu là trong ngày lễ mừng này không có người da đỏ là vì những người thuộc địa tổ chức mừng cho riêng họ vừa chiến thắng “những người da đỏ dã man” kia. Một trăm năm sau đó, vào Tháng 10 năm 1777, tất cả 13 thuộc địa đã tham gia một buổi lễ “tạ ơn” để kỷ niệm lần chiến thắng người Anh tại trận chiến Saratoga trong cuộc chiến giành độc lập. Tính ra người ta đã phải chờ mất hơn 150 năm nước Mỹ mới có được một ngày để mừng Lễ Tạ Ơn: George Washington tuyên bố là ngày lễ quốc gia năm 1789; đến năm 1863, Abraham Lincoln lấy ngày Thứ Năm của tuần lễ thứ tư trong Tháng 11 làm ngày Lễ Tạ Ơn; và quốc hội Hoa Kỳ công nhận là ngày lễ nghỉ chính thức vào năm 1941.
Nói về bữa tiệc Lễ Tạ Ơn đầu tiên năm 1621, theo sử gia Dennis Zotigh của viện bảo tàng Smithsonian, không phải người di dân Pilgrims đã đưa ra khái niệm về lễ tạ ơn mà chính những bộ lạc da đỏ ở khu vực New England trước đó vẫn có những buổi tiệc tạ ơn sau mùa gặt hái vào cuối thu. Đối với những người da đỏ sống ở lục địa Bắc Mỹ, mỗi ngày đều được coi là ngày để tạ ơn Đấng tạo hoá.
Vào mùa thu năm 1621, William Bradford, Thống Đốc của thuộc địa Plymouth, quyết định tổ chức một bữa tiệc tạ ơn sau mùa gặt và đã mời Massasoit, thủ lãnh của bộ lạc Wampanoag sống gần đó, đến chung vui cùng nhóm người di dân Pilgrims. Massasoit đến cùng với khoảng 90 chiến binh da đỏ và mang theo một số thực phẩm cho bữa tiệc, gồm có thịt nai, tôm hùm, cá, vịt trời, sò, hào, lươn, bắp, bầu bí và một loại mật đường lấy từ nhựa cây phong (maple syrup). Massasoit và các chiến binh da đỏ ở lại Plymouth trong ba ngày. Như ta thấy những thực phẩm cho bữa tiệc Lễ Tạ Ơn đầu tiên ấy rất khác so với những bữa tiệc được chuẩn bị trong thời hiện đại ngày nay.
Trong bữa tiệc đầu tiên này, có một nhân vật quan trọng, đó là một người thông dịch gốc da đỏ tên là Squanto (cũng có nơi gọi là Tisquantum).
Squanto là người thuộc bộ lạc Patuxet, một trong hơn 50 bộ lạc được kết hợp lại để thành đại bộ lạc Wampanoag. Khoảng năm 1614, lúc đó Squanto vào khoảng 30 tuổi và không may bị bắt cóc cùng với một số người khác cùng bộ tộc, sau đó bị đưa sang bên kia bờ Đại Tây Dương tới Tây Ban Nha và bị bán làm nô lệ. Một nhóm thầy dòng Tây Ban Nha đã mua Squanto, truyền đạo cho hắn và giúp đưa hắn tìm đường tới Anh Quốc năm 1615. Tại Anh Quốc, hắn làm việc cho một xưởng đóng tàu và trở nên một người nói tiếng Anh nhuần nhuyễn. Năm 1619, Squanto tham gia một đoàn thám hiểm đi khám phá vùng duyên hải New England và sau đó được trở về quê cũ. Khi về tới ngôi làng nơi hắn được sinh ra và lớn lên thì mới biết toàn thể gia đình và tất cả mọi người trong bộ lạc đã qua đời vì một dịch bệnh quái ác.
Riêng nói về người di dân Pilgrims. Thực sự đây là nhóm người ly khai đã bỏ trốn Anh Quốc do bị bách hại tôn giáo và đến Hoà Lan trước, rồi sau đó mới lại lên tàu Mayflower để làm chuyến hải trình đến Bắc Mỹ. Tháng 11 năm 1620, chiếc Mayflower thả neo ở gần bờ biển mà ngày nay là bến cảng Provincetown. Sau khi thăm dò dọc bờ biển trong ít tuần lễ, nhóm di dân Pilgrims đã lên bờ và bắt đầu xây dựng nơi định cư lâu dài ngay trên phần đất bị bỏ hoang trước đây là ngôi làng bộ lạc Patuxet của Squanto, ngày nay được đổi tên thành New Plymouth. Chỉ trong năm đầu tiên, gần một nửa trong số 102 di dân Pilgrims đi trên con tàu Mayflower đã bỏ mạng vì thời tiết khắc nghiệt và bệnh tật. Quá tuyệt vọng vì cơ cực, thời gian đầu các di dân Pilgrims sống sót nhờ ăn bắp lấy được từ những cánh đồng bỏ trống và đánh cướp những làng của người da đỏ để tìm thực phẩm được cất giấu ở đó.
Squanto được giới thiệu với nhóm người di dân Pilgrims vào mùa xuân năm 1621 và trở thành bạn của họ, dạy cho họ cách săn thú và bắt cá để có thể sống còn tại vùng đất New England. Squanto còn dạy cho nhóm di dân trồng bắp bằng cách dùng cá bắt được để làm phân bón và trồng bầu bí quanh những cây bắp để dây bầu bí có thể leo được lên thân cây bắp. Nhờ biết nói tiếng Anh, nhóm người di dân Pilgrims đã dùng Squanto làm người thông dịch và là sứ giả giữa người Anh và đại bộ lạc Wampanoag. Có lẽ nhờ Squanto giữ vai trò sứ giả hoà bình mà hai nhóm di dân da trắng và người da đỏ đã sống hoà bình với nhau trong thời gian đầu.
Squanto mất năm 1622, nhưng thủ lãnh Massasoit thì sống qua hết thời kỳ tương đối hoà bình ở vùng thuộc địa New England. Rồi cái ngày định mệnh 26 Tháng 5 năm 1637 đã đến, gần khu vực sông Mystic thuộc tiểu bang Connecticut ngày nay, trong khi những chiến binh không có ở làng, người ta phỏng đoán từ 400 đến 700 phụ nữ, trẻ em và người già thuộc bộ lạc Pequot đã bị sát hại bởi các lực lượng dân quân kết hợp của khu vực thuộc địa Plymouth, Massachusetts Bay và Saybrook (thuộc Connecticut) và hai bộ lạc đồng minh là Narragansett và Mohegan. Các giới chức thẩm quyền của thuộc địa lúc đó đã viện dẫn ra đủ mọi lý do để giết hầu hết tất cả đàn ông của bộ lạc Pequot và bắt tất cả đàn bà và con nít làm nô lệ. Những người nô lệ Pequot này sau đó đã bị đưa sang đảo Bermuda và khu vực West Indies. Năm 1975, con số chính thức những người thuộc sắc tộc Pequot ở Connecticut chỉ còn lại 21 người. Sự giảm sụt dân số của người da đỏ tương tự như trên đã xảy ra ở khắp khu vực New England và người ta ước tính có khoảng ba trăm ngàn người da đỏ đã bị chết bởi bạo động, và một con số nhiều hơn thế nữa đã bị bắt mang đi nơi khác hoặc bị loạn lạc, ở tại New England trong mấy thập niên sau đó.
Đó là lý do vì sao nhiều người da đỏ cho đến nay vẫn không mừng Lễ Tạ Ơn. Đặc biệt là những người da đỏ sống ở khu vực New England đã nhớ về âm mưu diệt chủng này như là một phần lịch sử có thật của họ và mỗi năm cứ vào dịp Lễ Tạ Ơn họ vẫn nhắc nhở nhau về câu chuyện đau buồn này. Thành viên của tổ chức Người da đỏ New England Đoàn kết (United American Indians of New England) hẹn gặp nhau mỗi năm tại tảng đá Plymouth nơi địa danh Cole’s Hill (tương truyền đây là tảng đá mà người di dân trên chiếc tàu Mayflower đã đặt bước chân đầu tiên lên vùng Bắc Mỹ) để kỷ niệm Ngày Than Khóc (Day of Mourning) – thay vì là ngày Lễ Tạ Ơn. Họ họp nhau dưới chân tượng Đại Tộc Trưởng Massasoit của bộ lạc Wampanoag để tưởng nhớ với hy vọng là nước Mỹ sẽ không bao giờ quên sự kiện lịch sử này.
Huy Lâm