Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 
Có những dòng văn trôi qua như giọt mưa thoảng, chạm vào ta rồi tan biến. Lại có những trang chữ, dù giản dị đến mức tưởng như vụng về, vẫn ám vào tâm khảm một đời, như hương cỏ dại thoảng trong chiều, không cầu kỳ, không khoa trương, chỉ lặng lẽ, dịu dàng mà dai dẳng không nguôi. Văn của Hương Dạ Thảo là vậy, không ồn ào, rực rỡ, chẳng cao siêu mà cũng không vẽ bày những mỹ từ vắt kiệt trí tuệ. Văn bà giống như chính cái tên – dã thảo, là loài cỏ dại mọc ven đường, mọc trên đá, trên đất cằn, mọc cả trong những miền ký ức chẳng ai buồn ghé lại. Nhưng lạ lùng thay, một khi đã chạm vào, người đọc bỗng thấy ở đó có chút gì của mình, của quê nhà, của một thời đã mất, của những kiếp người âm thầm mà bền bỉ chịu đựng như cỏ, như đất.
 
Sáu tác phẩm nối nhau, tựa như sáu cánh cửa mở vào cùng một thế giới – thế giới của những phận người nhỏ bé bị vùi dập trong cơn gió bụi lịch sử, bị đời xô đẩy vào những ngõ cụt không lối ra, nhưng vẫn sống, vẫn yêu, vẫn mơ mộng, vẫn nhớ, vẫn giận hờn và tha thứ. Ở đó, không có những con người phi thường, không có những cuộc đời rực rỡ sắc màu, chỉ là những bóng hình lặng lẽ đi qua tháng năm, mang theo chút bụi đời vướng trên vai áo. Chỉ có những người đàn bà lam lũ, những đứa trẻ ngơ ngác, những gã đàn ông lầm lũi trong vai trò của bên thua cuộc – mà hóa ra chính họ mới là những chứng nhân thầm lặng nhất của lịch sử.
 
“Biển Khơi”“Xứ Lạ Niềm Thương”“Hương Cỏ Đêm”“Thần Tượng Nơi Tình Yêu”“Tình Yêu Là Gì” và “Hoa Trên Đá” – mỗi tập truyện là một nhánh sông, nhưng đổ về cùng một biển – biển của nỗi cô đơn kiếp người, của giấc mộng quê hương muôn thuở chưa bao giờ tới bến. Ở đó, dường như không có gì mới mẻ dưới mặt trời, nhưng tất cả lại được kể lại bằng một giọng điệu riêng – giọng của người đàn bà đã đi qua đủ đầy hương vị nhân sinh, để giờ đây ngồi xuống kể lại những mảnh đời rơi rớt trên đường thiên lý.
 
Hương Dạ Thảo viết về đời sống như nó vốn thế. Bà không mưu cầu sự đẹp đẽ, càng không chạy theo kỹ thuật làm văn. Văn của bà, nhiều đoạn như nói vắn nói dài, như thừa ra, như rơi vào cái gọi là “tự sự buông thả”, nhưng càng đọc, càng bị cuốn vào cái thế giới mà bà bày ra. Ở đó, từng cái bếp lửa, từng cái sân gạch, từng mái hiên, từng tiếng gà gáy, từng gánh nước, từng bó củi, từng nồi gạo rang… đều là nhân chứng cho một thời, cho một cuộc đời, cho một kiếp người. Chính cái vụn vặt ấy mới là đời thực. Và cũng bởi lẽ đó, văn bà dường như không dành cho những ai mải mê kiếm tìm những vầng hào quang ngôn ngữ, hay những trò trổ tài phù hoa của chữ nghĩa. Văn bà là văn cho những ai từng sống, từng khổ, từng yêu, từng ngồi thẫn thờ nhớ về một quê hương không còn đường quay lại.
 
Có lẽ, đặc biệt, khi đặt bút viết “Hoa Trên Đá”, bà không nghĩ nó sẽ là thiên tiểu thuyết đậm chất sử thi nhất trong những trang đời của bà. Nhưng “Hoa Trên Đá” chính là cột mốc cho thấy rõ nhất cái nhìn nhân sinh của Hương Dạ Thảo. Một câu chuyện rất cũ, một thân phận rất xưa – người đàn ông miền Nam sau 1975, đi cải tạo – một câu chuyện mà lịch sử đã viết hàng ngàn trang, đã kể qua bao nhiêu hồi ký, bao nhiêu tiểu thuyết. Nhưng ở bà, câu chuyện đó không phải là để kết án, không phải là để bi hùng hóa hay triết lý hóa, mà là để kể về một gia đình, về những đứa trẻ, về một người vợ, về ngọn gió hanh khô thổi qua những mái nhà tranh khi người đàn ông ấy khuất sau chân đèo. Và ở đó, lạ lùng thay, bi kịch lớn nhất không phải là chốn lao tù, không phải là trại cải tạo, mà chính là ánh mắt của đứa con gái mười tuổi nhìn theo bóng cha mình khuất dần, là tiếng gọi “Ba ơi, con không cho ba đi!” vang lên trong khoảng trời bé mọn của một làng quê. Chính tiếng kêu đó, mới là tiếng kêu của lịch sử, của một miền đất, của một dân tộc.
 
huongdathao
Sáu tác phẩm của nhà văn Hương Dạ Thảo do nhà xuất bản Nhân Ảnh ấn loát, 2025
 
Cái nét riêng của Hương Dạ Thảo không nằm ở cách bà viết ra những câu chuyện lớn, mà ở cách bà kể những điều nhỏ bé nhất, vụn vặt nhất, tưởng chừng như không có gì đáng kể, mà hóa ra chính là thân phận, là lịch sử. Một cô gái đứng bên máy may, một đứa trẻ bưng nước cho cha, một người mẹ rang gạo làm nước uống… những chi tiết nhỏ đến độ nếu không để tâm sẽ vụt qua như cơn gió. Nhưng ở Hương Dạ Thảo, chúng dừng lại, đọng lại, hiện ra rõ nét như một bức tranh sơn dầu cũ kỹ nhưng ám ảnh.
 
Điều lạ lùng nữa là dù viết về bi kịch, về nỗi đau, về mất mát, nhưng văn bà không hằn học, không than khóc, không trách móc. Văn bà có một thứ buông xuôi, chấp nhận, giống như một triết lý dân gian: “Đời nó vậy”. Chính cái “đời nó vậy” đó khiến văn Hương Dạ Thảo không trở thành những bản cáo trạng, mà là những bài kinh đời, lặng lẽ, ngậm ngùi, nhưng thấm vào tận xương tủy.
 
Bà viết nhiều về đàn bà, về trẻ con, bởi có lẽ trong sâu thẳm, bà tin rằng chính họ mới là kẻ chịu đựng nhiều nhất, là kẻ lưu giữ ký ức dai dẳng nhất. Người đàn bà của bà không đẹp kiểu lụa là gấm vóc, không bi hùng kiểu “người vợ anh hùng”, mà là những người mẹ, người chị, người em… biết nín nhịn, biết khóc trong lặng im, biết giấu nước mắt sau những bữa cơm độn khoai, sau những lần may vá, sau những đêm nằm nghe gió thổi qua mái nhà mà không dám gọi thành lời nỗi nhớ.
 
Trẻ con trong văn bà cũng vậy. Chúng không phải là những thiên thần hồn nhiên, mà là những kẻ gánh trên vai cả một trời bi kịch mà chúng không hiểu nổi. Như con bé Thảo trong “Hoa Trên Đá”, đứa trẻ biết khóc vì cha đi tù, biết chạy đến Ủy ban gào lên “Con không cho ba con đi”, biết chấp nhận số phận, nhưng không cam lòng. Cái giằng xé ấy, mới là cái đẹp nhất, đau nhất và cũng thật nhất trong văn của bà.
 
Đọc Hương Dạ Thảo, không thể không nhắc đến những đoạn thoại – nơi bà để nhân vật của mình nói ra hết những gì đời thực không dám nói. Đối thoại trong văn bà sống động như đời, đôi lúc cộc lốc, đôi lúc chợ búa, đôi lúc ngô nghê… nhưng thật đến lạnh người. Không một lời nào thừa, không một lời nào giả. Tất cả như thể bà đem nguyên cả làng quê, cả những buổi chiều, những phiên chợ, những cuộc rủ rỉ bên bếp lửa vào trang sách. Và chính những đối thoại ấy, mới làm nên linh hồn cho những nhân vật vốn dĩ chỉ là những con người rất nhỏ, rất bình thường.
 
Người ta nói, viết về những người thua cuộc khó lắm. Vì hoặc là thương hại quá, hoặc là bôi vẽ quá, hoặc là sa vào bi lụy. Nhưng Hương Dạ Thảo không mắc phải điều đó. Bà viết về những người thua cuộc, nhưng không bắt họ quỳ xuống, không bắt họ khóc lóc, không bắt họ van xin lịch sử. Bà cho thấy họ vẫn sống – lầm lũi, cam chịu, nhưng không đầu hàng. Chính cái sống ấy, mới là thứ làm nên giá trị.
 
Sáu tác phẩm, mỗi tác phẩm là một chương của một cuốn trường thiên về những phận người. Đọc hết, khép lại, chúng ta có thể không nhớ nổi từng nhân vật tên gì, từng câu chuyện ra sao, nhưng ám vào hồn người đọc là một cảm giác về một cõi đời rất thật, rất buồn, mà cũng rất đẹp – nơi những con người như cỏ dại vẫn cứ sống, cứ vươn lên, cứ bám rễ vào đất, vào ký ức, vào nỗi nhớ, vào giấc mơ không bao giờ thành hình.
 
Bấy giờ, tác giả không bước vào văn chương bằng những vòng nguyệt quế hay những tuyên ngôn rực rỡ, mà lặng lẽ như hương dạ thảo thoảng sau mùa, viết ra những điều giản dị nhất của một kiếp người. Bà chỉ là một người kể chuyện, kể về những điều mà nếu không có bà, có lẽ sẽ chìm vào quên lãng, vào dĩ vãng, vào hư vô. Và chính vì thế, bà cần được nhớ, cần được nhắc tên, không phải như một đại thụ, mà như một bụi cỏ dại ven đường – sống bền bỉ, sống dai dẳng, sống để kể lại những câu chuyện mà không ai còn nhớ nữa.
 
Bởi vì, khi tất cả những ồn ào qua đi, điều còn lại trên cõi đời này, có lẽ chỉ là những tiếng thở dài, những ánh mắt buồn, những giấc mơ dở dang… và những trang văn như của Hương Dạ Thảo – lặng lẽ, âm thầm, nhưng còn đó – như cỏ, như đá, như đất – như chính kiếp người.
 
21.03.2025
Uyên Nguyên
 

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com