Lời phi lộ
Lá thư gửi quý thầy - (Phát nguyên từ giòng sông đục)
Kính thưa quý thầy,
Con ngồi viết lá thư này, mở đầu cho bài ký sự, tâm bút của con. Lời tâm sự của người học trò sau khi rời xa ghế nhà trường bước vào đời sống làm việc. Sau mấy chục năm lăn lộn, nổi trôi với cuộc sống, sinh nhai, chợt nhìn lại những diễn tiến trong đời mình, cũng như nhớ đến những kỷ niệm với quý thầy. Con cố gắng cô đọng lại những suy tư của mình, viết ra gửi đến quý thầy như là món quà tình thần của đứa học trò biểu lộ sự biết ơn với những sự dạy dỗ, khuyên bảo, chờ mong của quý thầy đã dành cho con trong suốt thời gian mấy mươi năm cắp sách đến trường.
Có lẽ một vài người trong quý thầy cho rằng bài viết của con đã quá muộn màng. Khi mái tóc con đã điểm sương, khi tuổi đời đã khởi đầu bước vào già nua, ngơi nghỉ! Nhưng thầy ạ, theo con nó không muộn màng như thầy nghĩ. Ở cái tuổi chững chạc đó con mới thực sự nhìn rõ được những gì mà mình đã đạt được sau khi rời xa mái trường, xa sự dạy dỗ của quý thầy. Với khoảng thời gian đó, con đã chứng kiến biết bao nhiêu sự đổi dời của quê hương, dân tộc và của riêng con cũng như của thế hệ đồng lứa tuổi với con. Theo con nghĩ, đó là một trong những giai đoạn tang thương và bi đát nhất trong lịch sử của quê hương! Trong đó người ta không dễ dàng phân biệt được những người yêu nước và phản quốc, anh hùng hay tiểu nhân! Ngay cả đến lòng nhân đạo và dã man vẫn còn là những dữ kiện mù mờ, khó hiểu ...
Tất cả những danh từ đẹp đẽ, bóng bẩy. Những lý thuyết tuyệt vời, hấp dẫn đã được hòa trộn một cách khéo léo bằng những mánh lới của lường đảo, của tàn bạo, hận thù cũng như của tham ô, ích kỷ... Nó tạo ra cho quê hương chúng ta thành một mớ bòng bong, rối rắm! Ðạo đức và lương tâm đôi khi lại đồng nghĩa với sự dại khờ, ngu dốt! Thật thà, ngay thẳng chỉ là những kết quả của nghèo hèn, túng thiếu! Giá trị của của hai chữ lý tưởng và ái quốc nhiều khi không nặng hơn một thỏi vàng nhỏ bé hay vài trăm đồng tiền ngoại tệ!
Ngay đến bây giờ, ở tuổi hoa râm, với kinh nghiệm và từng trải không cho phép con nói đến chữ dại khờ, thiếu tính suy nữa. Nhưng con vẫn thấy chung quanh mình, những người cùng một chủng tộc, một ngôn ngữ, phong tục... Họ đang ẩn hiện trong những đám hỏa mù mà họ đã khôn khéo tạo ra chung quanh họ. Họ yêu nước hay bán quốc cầu vinh. Họ là nhà đạo đức hay chỉ là những tên đạo tặc? Thành thật con vẫn không đủ tài năng nhận chân được! Họ che giấu giỏi quá thầy ạ!
Hình như con có linh cảm đời sống của mình đã được tách rời khỏi vận mạng của đất nước, nơi con đã sinh ra, đã được ấp ủ, lớn lên với biết bao nhiêu kỷ niệm, ước mơ! Bây giờ với thân phận một kẻ tha phương cầu thực đã theo con gần 30 năm nay, khoảng thời gian dài quá! lâu quá!... Ðất nước, dân tộc mỗi ngày một mù mờ, xa lạ! Nếu có một lần nào đó nhớ đến quê nhà, đến những kỷ niệm, những gắn bó với những người thân yêu ngày xưa đang sống ở trong nước. Con tìm về nhưng cũng chỉ dưới danh nghĩa của người du khách, cưỡi ngựa xem hoa mà thôi! Thêm vào đó trong túi mình vẫn phải có vài tờ giấy từ chối quê hương! Về thăm rồi lại sửa soạn ra đi, lại mang theo mình nỗi buồn của một kẻ ly hương, lại phải từ giã người thân thương, lại vẫy tay chào xa đất nước với những dòng nước mắt!
Bản thân của chính con buồn tẻ như thế! Còn thế hệ đằng sau, những đứa con, chính mình sinh đẻ ra, chúng làm sao hiểu được nỗi đau buồn của cha mẹ! Chúng sinh ra nơi đây, lớn lên và tiếp thu nền văn hoá nhân bản nơi đây. Làm sao đòi hỏi chúng phải có bổn phận, trách nhiệm với một nơi mà bản thân của chúng chẳng có một gắn bó sâu đậm nào trong tâm hồn, thể xác cũng như với thân nhân và kỷ niệm! Nếu có lần nào, chúng về thăm quê hương của bố mẹ, cũng chỉ là một cuộc du lịch tìm vui, không mang theo cảm xúc vấn vương của một người nhìn thấy cố hương!
Ðã thế chúng không quá dại khờ, không nhìn thấy chính bố mẹ chúng đã mang ít nhiều hành động từ chối, trốn bỏ quê hương của chính mình! Dù sự trốn bỏ đó dưới hình thức nào, tạm thời hay vĩnh viễn, được che lấp dưới bất cứ một mục đích kín đáo, khôn khéo nào! Với chúng, chỉ có cái nhìn rất đơn giản của người sống trong một xã hội thanh bình, thịnh vượng và được điều hành bởi luật lệ rõ ràng... Thì làm sao chúng cảm thông được những lối biện minh (pha trộn ít nhiều ngụy biện) của bố mẹ chúng được! Họa chăng chúng cười và im lặng để khỏi làm buồn lòng người sinh đẻ ra chúng mà thôi!
Kính thưa quý thầy, trong bài ký sự này con không thể viết về tất cả những vị thầy trong suốt hơn 20 năm đi học của đời con, từ lúc lên 8 cho đến ngoài 30 tuổi. Nó quá nhiều vì vậy con cố gắng cô đặc ký ức của mình vào những kỷ niệm, những lời dạy bảo, những sự chờ mong của một vài vị thầy mà con nghĩ rằng có những sắc thái đại diện cho tất cả nhửng vị thầy đã dạy dỗ con. Bên cạnh đó, con cũng viết đến những lỗi lầm của chính mình cũng như của bè bạn trong thời gian đi học như là những ăn năn và mong đợi quý thầy tha thứ cho những lỗi lầm đó. Con cũng đề cập đến đời sống của vài người bạn, nhất là những diễn tiến của chính đời con, với những sự hẩm hiu, cay đắng... Ðể quý thầy có cái nhìn thông cảm không những cho riêng con mà cho cả thế hệ chúng con. Cái thế hệ đã sinh ra trong tiếng súng của hận thù, lớn lên bị hoàn cảnh đảy đưa và phải dành trọn tuổi thanh xuân cho máu lửa chiến tranh, cũng như đã phải chứng kiến quá nhiều băng hoại, tàn khốc của quê hương, dân tộc!
Bố mẹ của con chỉ là người nông dân ít học, chất phác. Nếu không có những sôi động của chiến tranh, đẩy gia đình con ra khỏi lũy tre của ruộng đồng, thôn quê. Có lẽ con cũng chỉ là kẻ chân lấm tay bùn như bất cứ một người nông dân nào khác. Ðời sống cũng như kiến thức của con cũng chỉ bao quanh với ruộng đồng, con trâu như bố mẹ con mà thôi thầy ạ. Vào những năm sau thế chiến thứ hai, cuộc chiến tranh ở VN, không còn thuần khiết một cuộc tranh đấu giành độc lập nữa, nó đã bước sang một hình thức khác phức tạp, mù mờ hơn. Trong đó những sự tranh giành quyền lực giữa các đảng phái, giữa những học thuyết với nhau, đằng sau nó che giấu sự ích kỷ, sự độc tôn của một vài người hay phe đảng mà thôi!...
Người nông dân ở thời điểm đó là những nạn nhân đáng thương nhất. Họ không có quyền đứng ngoài sự tranh chấp quyền lực. Họ bắt buộc phải nhập cuộc vào các hoạt động chính trị! Ðúng hay sai, yêu nước hay phản quốc, họ hoàn toàn không có kiến thức để nhận biết! Nhìn những sự trả thù, chém giết giữa các người cùng nòi giống nhưng khác chính kiến, họ ngỡ ngàng, không hiểu lý do! Các thế lực chung quanh họ không chấp nhận thái độ bàng quan cố hữu của họ đối với những tranh giành, chém giết kỳ lạ đó. Bắt họ nhập cuộc, họ phải hoan hô, đả đảo dù họ chẳng biết đúng hay sai!
Trong trạng huống bi đát, trên đe dưới búa đó. Năm 1951 bố mẹ con đã phải gạt nước mắt rời xa làng xã để lên Hà nội dưới danh từ đẹp đẽ ''Giúp đỡ'' của một người quen. Họ đang là một vị tai mắt trong quân đội ở Hà Nội, nhưng thực tế chỉ là một hình thức nuôi nô lệ không công mà thôi! Với khoảng gần 2 năm, gần như hàng ngày con đều trông thấy những buổi dạ tiệc, khiêu vũ, những cuộc đỏ đen thâu đêm suốt sáng! Khách là những ông tây, bà đầm, những ông Tham, ông Ðốc, ông bà Nghị viên, Tướng, Tá... Tất cả là những người có thế đứng chăn dân, cứu nước! Mà phần lớn trong số họ, sau ngày đất nước chia đôi, họ cũng vẫn là những vị Bộ Trưởng, Thủ Tướng, Tổng Thống... của miền Nam.
Cho đến sau năm 1975 vẫn còn một số người đó vẫn tự hào, họ là kẻ yêu nước thương nòi trong cái nhìn ích kỷ, bất công của họ! Cả đời họ toàn là rượu ngon thịt béo, vui chơi bài bạc bên cái đói khổ của đa số người dân! Cũng với 2 năm tị nạn đó hàng ngày con đã nhìn những chàng Công tử, các cô Tiểu thơ xe đón, xe đưa, quần tây áo lụa với ánh mắt thèm thuồng, ước muốn! Những hậu duệ vương giả đó lớn lên trong nhung lụa, lại tiếp nối vai trò lãnh đạo của cha ông. Họ không bao giờ biết đến ý nghĩa của hai chữ tổ quốc và dân tộc! Họ cũng chưa bao giờ biết đến cảm giác của đói ăn, cực nhọc! Con cũng đã thấy những những đứa bé nghèo khổ đi hái những trái ''Sấu'' bên đường, khóc lóc, đau đớn khi bị bắt vào sân làm những hình nộm cho các Công tử tập dượt Nhu đạo, Karate!
Trong cái nhọc nhằn nhục nhã đó, bố mẹ con lại tìm về với đồng quê khi con lên 7 tuổi. Ở cái tuổi ngây ngô đó, con lại bàng hoàng chứng kiến những hình ảnh đau thương, tàn bạo cuả chiến tranh dưới một hình thức khác! Người ta thường viết, thường kể chuyện về đồng quê, sau lũy tre xanh là những cánh đồng thanh bình, thơm mùi lúa chín, với tiếng sáo diều du dương, với đứa mục đồng nghêu ngao hát hò dưới trăng thanh, gió mát...
Tất cả những cái đó, với con, thằng bé 7 tuổi đời, chẳng bao giờ có thật thầy ạ! Con chỉ thấy đoàn quân viễn chinh xục xạo xóm làng, vắng tanh phụ nữ, thanh niên! Những lúc đang ăn cơm, đang say ngủ, con đã bị bố mẹ nắm tay liệng vội vàng vào chiếc hố đầy bùn để tránh máy bay oanh tạc! Con cũng thấy cảnh chém giết nhau của những người cùng nòi giống chỉ vì khác lý thuyết đấu tranh! Con đã phải khóc thét lên trong một phiên toà án nhân dân, khi một người được cột nằm ngửa trên một chiếc cối xay với tấm bảng màu đỏ ''Tên Việt gian bán nước''. Một người khác đã dùng lưỡi gươm thọc vào yết hầu như người ta giết một con thú trong lò sát sinh! Trong khi những tiếng hoan hô, những tràng pháo tay của dân làng vang dậy để đồng tình với cái chết của tội nhân hay để che giấu ánh mắt sợ hãi, tiếng tim đập liên hồi của chính họ!... Thầy ạ, tất cả những hình ảnh đó đã in sâu vào tâm hồn, ký ức của đứa trẻ 7 tuổi mà sau này đã may mắn được quý thầy dạy bảo. Nó đã hiểu rõ ràng ý nghĩa đau thương của những chữ bạo tàn và thù hận!
Với những kinh hoàng khi trở lại đồng quê, bố mẹ con lại tìm cách ra đi. Hà nội lại là nơi gia đình con tìm đến, lại tiếp nối thân phận nô lệ không công! Mãi đến đầu năm 1954, khi lên 8 tuổi, con mới được gửi đến một lớp học tư nhân, ở một xó xỉnh của Hà Nội xa hoa, hưởng thụ! Con đến đó với vài đứa trẻ khác, cũng nghèo đói khổ sở như nhau. Người thầy giáo đầu đời của con là một cụ gìa đói rách, thiếu ăn cũng như lũ học trò lớn bé, xộc xệch khác nhau. Nơi đây con đã học xong vần ABC với khoảng 2 tháng ngắn ngủi đầu tiên trong đời!
Rồi gia đình con lại theo ''chủ nhân ông'' di cư vào Nam để tiếp tục kiếp nô lệ hơn một năm nữa ở Ðà Lạt và Sài Gòn cho đến ngày chủ nhân ông thất thế! Lúc đó gia đình con mới biết được những đồng tiền giúp đỡ người di cư đã được chủ nhân ông và bè đảng hưởng thụ trọn vẹn! Việc học của con trong hơn một năm đầu tiên vào Nam đã bị lãng quên! Ðến năm 1955, lúc con lên 9, gia đình dọn về Saigon, lúc đó mới thực sự khởi đầu thời gian đi học của đời con.
Thời gian con cắp sách đến trường, đời sống vật chất của gia đình con là những điều ray rứt nhất. Sống ở một ngõ hẻm, bùn lầy nước đọng, cờ bạc, đĩ điếm, ma cô và lính tráng là cư dân chính trong cái xóm nghèo, lao động. Con đã tìm ra những đồng tiền để cung ứng cho tuổi thơ mình bằng tất cả những việc làm của một đứa bé đói khổ! Ðứng báo hiệu khi cảnh sát bố ruồng cờ bạc, dẫn dắt những khách tìm hoa cho những cô gái bán trôn nuôi miệng... Thời gian im lặng lướt qua cái tuổi ấu thơ, con khôn lớn hơn, biết kiếm đồng tiền, giúp đỡ gia đình trong sạch hơn bằng những công việc bán báo, dạy kèm hay chở các cô gái bán bar, lính Mỹ vào những buổi tối về khuya... Những đồng tiền đó không những giúp cho việc học của chính con mà còn cho bố mẹ, những đứa em nghèo đói của con nữa! Bước vào Đại học, với cái khôn lanh của lăn lộn, con đã biết lợi dụng ngành chuyên môn, sự chăm chỉ, quyết chí của mình để kiếm ăn. Con đã kéo cả gia đình ra khỏi cái vòng của nghèo túng, khổ cực. Sự may mắn lại đến, với những đẩy đưa và nhất là nhờ được sự giúp đỡ của những người thương yêu con. Ðầu năm 1974, con sang Nhật bản tu nghiệp cho mãi đến năm 1977 mới thực sự chấm dứt cuộc đời đi học khi con vừa 32 tuổi.
Kính thưa quý thầy, cuộc đời đi học của con đã được tóm tắt đơn giản như trên, con không thể trình bày tất cả những nổi trôi trong thời gian đi học của con được.Nhưng con có thể nói rất trung thực là con đã gặp quá nhiều may mắn, nếu không có những may mắn đó có lẽ con chẳng còn sống sót đến ngày nay, ngồi viết ký sự này gửi đến quý thầy được!
Bên cạnh sự kiếm sống và học hành con cũng như những người đồng lứa khác, trong tim cũng chứa những say nồng tuổi trẻ, bầu nhiệt huyết của thanh niên... Con cũng biểu tình, hoan hô, đả đảo. Cũng tham gia những đêm không ngủ để chống độc tài, bất công, thối nát... Nhưng tuổi trẻ chúng con đã lầm thầy ạ! Chúng con không đủ kinh nhiệm và khôn ngoan nhìn thấy những phù phép của những tên phù thủy chính trị, của những kẻ mãi quốc cầu vinh. Họ có những bộ mặt, phong thái của những người ái quốc, thương dân. Tuổi trẻ của chúng con đã bị lợi dụng và phung phí một cách đớn đau. Kết quả đất nước và dân tộc vẫn ngụp lặn trong những khổ ải của một quốc gia nghèo đói và chậm tiến!
Với lá thư mở đầu thiên ký sự này, có lẽ quý thầy đã hiểu được phần nào sự nổi trôi của đời một người học trò mà ít hay nhiều, thể hiện cho những đau xót của những người bạn cùng lớp, cùng trường và cùng thế hệ của con. Con hy vọng quý thầy sẽ dành cho chúng con những sự cảm thông với cái thân phận hẩm hiu của một thế hệ đã sinh ra và sống trong một giai đoạn bi thương của đất nước. Dù sự cảm thông của quý thầy ở bất cứ mức độ nào cũng mang cho con sự cảm động và biết ơn. Nó chính là những nụ cười tha thứ, những lời nói an ủi của quý thầy dành cho cả thế hệ của con cũng như cho những người học trò đang sinh sống ở bất cứ phương trời nào trên thế giới.
Con biết chắc chắn khi thiên ký sự này đựơc viết ra đã có rất nhiều thầy không còn trên thế gian này nữa! Nhưng con hy vọng những người thân của quý thầy sẽ đọc được. Thay cho con đốt một nhúm hương thơm của tình nghĩa thầy trò, để tưởng niệm và cũng để gửi đến linh hồn những vị thầy quá vãng tất cả sự kính mến và biết ơn của con. Ðối với những thầy còn khỏe mạnh, bài viết này lại là những lời chúc mừng sức khỏe và an bình. Nó còn chứa đựng lòng biết ơn và tôn vinh cho những gì thầy đã dạy dỗ con trong những năm con cắp sách đến trường vừa qua.
Tiểu học Chí Hòa - Thầy Hà Mai Anh - Người thầy học cho tôi một hướng đi
(Hạt mầm trổ mộng)
Mãi đến năm 1954, trước ngày di cư vào miền Nam. Khi đó tôi đã hơn 8 tuổi, bố mẹ tôi mới có đủ điều kiện để cho tôi đi học. Người thầy học đầu tiên của đời tôi là một ông giáo già, nghèo khổ sống ở một căn nhà tồi tàn, lụp xụp trong một xó xỉnh nào đó ở thành phố Hà nội mà tôi bay giờ không còn nhớ rõ. Lớp học là một căn buồng chật chội cùng với vài chiếc bàn gỗ xốch xếch cáu đen mầu mực đổ. Học trò là một lũ trẻ con nhiều lứa tuổi khác nhau, cũng nghèo đói như thầy giáo, từ các vùng lân cận gửi đến. Vị thầy học đầu tiên này đã dạy tôi đọc và viết vần ABC trong 2 tháng trời ngắn ngủi, trước ngày gia đình tôi di cư vào Nam.
Sau khi vào Nam, việc học của tôi lại bị gián đoạn, không được học nghỉ tới khoảng hơn một năm. Vì bố mẹ và anh em chúng tôi cùng với ông nội tôi phải theo gia đình chủ nhân ông lên Ðà Lạt, làm rẫy, lập trang trại. Những sự giúp đỡ, cứu trợ của các cơ quan từ thiện và chính phủ cho người di cư, đã được chủ nhân khéo léo nuốt trọn. Mãi đến cuối năm 1955, khi sự tham nhũng, lường đảo tiền cứu trợ của người di cư bị khám phá, chủ nhân ông thất thế. Gia đình tôi mới trở về Sài Gòn, hoà nhập với đời sống bình thường của những người nghèo khổ trong xã hội.
Lúc di chuyển về Sài Gòn, vì thấy tuổi tôi đã lớn, bố tôi đã xin ngang cho tôi vào lớp tư trường Tiểu học Chí Hoà, nhờ đó tôi đã có một may mắn đầu tiên trong đời. Năm 1957, lúc tôi 12 tuổi, khi lên lớp nhì, lớp của thầy Hà Mai Anh. Nếu kể cả vị thầy đầu tiên, nghèo túng đã dạy dỗ tôi 2 tháng trời ở Hà nội thì thầy Hà Mai Anh là người thầy học thứ 4 trong đời đi học của tôi. Vị thầy kính yêu và cũng là vị thầy đã ảnh hưởng rất nhiều đến bản chất, hướng đi suốt cuộc đời sau này của tôi.
Có lẽ đến nay, ở cái tuổi xế chiều, khi mà những ước muốn đã được coi là ảo vọng, dang dở muộn màng. Khi mà sự nồng nàn, hăng say của tuổi thanh niên đã chớm mầu buồn bã. Tôi tự cảm thấy lương tâm mình không bị ray rứt, xấu hổ với những tháng năm học hành và làm việc của mình. Có lẽ phần lớn nhờ vào những bài học đạo đức, cũng như những lời khuyên nhủ mà tôi đã thấm nhuần từ vị thầy kính yêu này.
Với thầy, tôi biết ý nghĩa của lá cờ vàng ba sọc đỏ. Lá cờ biểu tượng cho những ước mơ được phục vụ suốt đời và được chết cho nó như một người ái quốc. Tôi cũng đã từng lịm người đứng nghiêm trang kính cẩn, hát vang những câu hát hào hùng của bản quốc ca mỗi buổi sáng chào cờ ở sân trường trước khi vào lớp học. Cũng với thầy, tôi biết đồng bằng Bắc phần rộng 15 ngàn km vuông, được đắp bồi phù sa bởi con sông Hồng Hà phát nguyên từ Vân Nam đổ xuống. Ðồng bằng Nam phần, bát ngát với 40 ngàn km vuông, có giòng sông Cửu Long, đỏ ngầu phù sa màu mỡ từ Tây tạng chảy qua. Còn miền Trung, núi đồi trùng điệp với dãy Trường Sơn chạy dọc theo chiều dài đất nước gồm những cánh đồng nhỏ hẹp, rải rác ven bờ biển khoảng 25 ngàn km vuông...
Rồi những bài lịch sử, thầy đã dẫn tôi vào những cảm giác ngất ngây, đầy hào khí với những chiến công vĩ đại của các vị anh hùng của quê hương. Lý Thường Kiệt phạt Tống, bình Chiêm. Trần Hưng Ðạo với những nắm tay bô lão trong hội nghị Diên Hồng cùng với bản văn Hịch Tướng Sĩ oai hùng sát đuổi quân Nguyên. Rồi Nguyễn Trãi, khóc tiễn cha bên Ải Nam Quan, gạt nước mắt trở về với Lê Lợi. Sau 10 năm nếm mật, nằm gai, ông lưu truyền lại muôn thu bản Bình Ngô Ðại Cáo. Cuối thế kỷ 18, đúng mùa Xuân năm Kỷ Dậu 1789, cùng với năm cách mạng dân quyền tại Pháp. Vua Quang Trung khoác chiếc áo ngự bào thấm đen thuốc súng đánh đuổi quân Thanh như lũ chuột đồng. Tất cả những âm thanh oai hùng của tổ quốc ngàn năm đó. Ðã được thầy êm ả đưa vào tâm tư non nớt của hơn 50 đứa học trò lớp nhì, năm 1957, hơn 40 năm về trước, chẳng bao giờ tôi quên!
Rồi những bài Ðức dục, Cách trí, Vệ sinh và cả trong giờ Toán pháp với giọng nói ấm cúng hiền hoà. Thầy gọi học trò là con và xưng thầy (lúc đó ở miền Nam, trò và thầy giáo gọi nhau bằng em!) đã làm cho tình thầy trò gần gũi, thân tình hơn. Hình dáng cao hơi ốm, mái tóc muối tiêu, rẽ ngôi ở giữa trán (có lẽ lúc đó thầy khoảng trên 50 tuổi?) da rất trắng, nét mặt hiền hoà thân ái. Trang phục của thầy đơn sơ, nhưng gọn ghẽ luôn luôn với chiếc áo dài tay màu trắng bỏ trong quần, chiếc cà vạt lủng lẳng trước ngực. Hình ảnh người thầy nghiêm trang đã làm cho hơn 50 đứa học trò chúng tôi kính nể, nghe lời chỉ dạy.
Với vị thầy yêu kính này, ký ức tôi vẫn còn ghi đậm khá nhiều kỷ niệm, mà có lẽ trọn đời tôi chẳng bao giờ quên. Ðến nay đã hơn 40 năm rời xa sự dạy dỗ của thầy, tôi có cảm tưởng thầy vẫn còn là một biểu tượng trong ký ức, làm khuôn mẫu cho tôi suy nghĩ và học hỏi. Ðể dành riêng cho vị thầy học muôn thủa, một nhà giáo dục gương mẫu đó. Tôi xin đề cập đến vài dữ kiện kỷ niệm như là sự tôn vinh một người đã trọn đời tận tụy đóng góp cho nền giáo dục của đất nước.
Thỉnh thoảng trong những giờ dạy học liên quan đến lịch sử hay địa lý, thầy thường nhắc nhở học trò về đất nước VN lấy sự phát triển nông nghiệp làm căn bản. Thầy khuyên chúng tôi nên hướng sự học của mình vào kỹ thuật và nhất là về Nông nghiệp. Với hướng đó sự đóng góp vào quốc gia tích cực và thực tiễn nhất. Tôi không biết lời khuyên đó của thầy có ảnh hưởng nhiều đến các bạn bè khác của lớp học không. Nhưng với tôi, nó đã đi vào trí nhớ của tôi, chi phối sự ước mơ và nghề nghiệp sau này của tôi một cách quá sâu đậm.
Tôi có cảm tưởng với cái tuổi 12, thời gian thơ ấu trước khi gặp thầy, tôi đã qua biết bao nhiêu gió bão của cuộc sống với loạn ly, nghèo túng. Tôi đã từng nhìn thấy máu lửa, hận thù, chém giết. Tôi đã sống chui rúc nơi bùn lầy nước đọng, bên những sòng bài. Chơi đùa với những kẻ du đãng, đâm thuê chém mướn. Quen biết những cô gái ăn sương trong một xóm nghèo khổ lao động...
Nhưng có một điều kỳ lạ, tâm hồn ấu thơ của tôi hình như vẫn được khép kín đối với những điều không đẹp đó! Tôi không uống rượu, không thuốc lá, không biết và cũng chẳng thích cờ bạc! Nhưng khi tôi học với thầy, tác phong trong sáng của thầy đã là chiếc chìa khóa đầu tiên mở cửa tâm hồn tôi. Những lời chỉ dạy của thầy như là dòng chữ đầu tiên trong sáng ghi đậm vào tâm hồn, trí nhớ của tôi! Tôi ôm ấp những ước mơ từ đó, tôi đã hướng tất cả say mê của đời mình vào ngành nông nghiệp. Trong mấy chục năm làm việc ở VN cũng như ở ngoại quốc. Tôi cố dành tất cả sự thông cảm và giúp đỡ cho những thành phần lao động, đói khổ dưới quyền mình!
Tôi biết rất kỹ giá trị của sự nhục nhằn, của những giọt mồ hôi của người lao động. Tôi chưa một lần nào có những câu nói tỏ vẻ khinh rẻ đối với những người ít học, thua kém tôi. Rất có thể sự thông hiểu đó cũng được đến với con người tôi, vì tôi tìm thấy trong sự cực nhọc, nghèo túng của người khác là hình ảnh của bố mẹ và cũng cuả chính cá nhân tôi.
Tôi còn nhớ rất rõ, trong một giờ Đức dục vào buổi sáng. Thầy dạy chúng tôi về bài học thương người tàn tật, nghèo khổ và già lão. Thầy đọc cho chúng tôi nghe một truyện ngắn của ngoại quốc nói về lòng nhân đạo (không biết lúc đó thầy đã dịch cuốn Tâm Hồn Cao Thượng và cuốn Vô Gia Ðình chưa?). Rồi thầy kể chuyện vua Lý Thánh Tông (1054 - 1072) lấy áo ngự bào đắp cho một người ăn mày trên đường đi tuần thú vào một ngày mùa đông lạnh giá. Cả lớp hơn 50 đứa học trò im lặng nghe thầy kể chuyện trong sự say mê và cảm động bởi lòng từ ái của vị minh quân trong thời thịnh trị!
Sau đó là giờ ra chơi. Tôi cũng như rất nhiều bạn bè cùng lớp, chúng tôi ra bãi trống đằng sau trường học, vây quanh cái hố khá to dùng để đốt những giấy tờ, sách báo của nhà trường thải ra. Tôi nhớ lúc đó, đứng bên cạnh tôi là một người bạn cùng lớp. Cậu ta là con một tiệm vàng khá lớn ở đường Lê Văn Duyệt. Cậu bé cũng như tôi và nhiều đứa trẻ khác chú ý xem ngọn lửa bập bùng cháy trong hố rác. Một người học trò khác cũng cùng lớp với tôi. Bố là một người đạp xích lô, hàng ngày ông ta vẫn lấy xích lô chở con đến trường học! Chú bé nhà nghèo, con người xích lô lấy vài cục đá liệng vào đống lửa đang cháy dưới hố. Hành động nghịch phá của chú bé làm cho chúng tôi không mấy vui, cậu bé nhà giàu gắt lên bực bội để cản ngăn. Thay vì chấm dứt, chú bé nhà nghèo lại liệng đá nhiều hơn! Không làm sao được với thái độ gia tăng nghịch ngợm đó, cậu nhà giàu bực bội bỏ đi sau khi quay sang tôi phân trần với một câu chửi:
- Ð.m. nó! mày xem nó ngu muội như thế. Thằng bố nó là một thằng xích lô và nó cũng sẽ là một thằng cu li như bố nó mà thôi!
Ðến nay thời gian đã qua hơn 40 năm rồi. Tôi vẫn không quên được âm thanh và thái độ khinh rẻ của cậu bé nhà giàu khi phát ra câu chửi đó! Tôi không biết cậu bé nhà nghèo có cảm thấy đau và nhục với câu chửi đầy khinh rẻ đó không?! Nhưng lúc đó con tim non nớt, tuổi thơ ngây của tôi chợt nhói đau, tôi ngẩn ngơ nhìn cậu bé nhà giàu bỏ đi với một tâm hồn xót xa!
Tôi chợt hình dung lại bố mẹ tôi có lẽ cũng chẳng hơn gì người đạp xích lô (nếu không muốn nói là còn thua kém nữa). Những bữa cơm của gia đình tôi hàng ngày, vẫn là những dĩa rau muống luộc đơn sơ đạm bạc! Tôi tự hỏi, chỉ hơn 10 phút đồng hồ trước đây thầy giáo vừa dạy cả 3 chúng tôi bài học về lòng nhân đạo, thương người già lão, nghèo khổ. Trong khi tôi bị bài học thấm trọn vẹn vào thân xác và cảm xúc của tôi. Còn người bạn khác tại sao lại vô tình, chóng quên và tàn nhẫn như thế! Dù lúc đó tôi mới chỉ 12 tuổi! Nhưng sự ngây thơ của tôi đã bị một mũi dao sắt nhọn cắt xé đớn đau! Có lẽ đó cũng là một trong những lý do, làm cho cả đời tôi chưa bao giờ dám chửi bới khinh rẻ người dưới quyền mình chăng?.
Với thời gian, cuối niên học tôi cũng như tất cả hơn 50 người bạn trong lớp nhì, năm 1957 của thầy Hà Mai Anh. Giàu hay nghèo, quan tước hay xích lô, xe kéo... chúng tôi cùng lên lớp nhất rồi xa nhau. Có đứa học cao hơn, có đứa phải ra đời bươn trải để tìm kế sinh nhai. Cho mãi đến năm 1971 khi tôi sửa soạn tốt nghiệp Đại học và đi làm, tôi chỉ còn liên lạc với 8 người bạn khác cùng lớp của thầy. Trong số đó, 6 người đã trả nợ cho đất nước trong mùa tao loạn binh đao! Hai người còn lại, tôi liên lạc với họ trong một trạng huống khá đặc biệt. Tôi viết ra đây như là một kỷ niệm để vun đắp tình thầy trò của tôi một cách trọn vẹn hơn.
Năm 1971 sau khi tốt nghiệp Đại học tôi đã may mắn đươc tuyển làm việc cho Ðại học Cần Thơ. Tôi có quen một cô bạn gái, một cô giáo ở Vĩnh Long. Gia đình của cô ta không đồng ý với sự quen nhau của chúng tôi, vì gia thế tôi quá thấp còn tương lai cũng chỉ mù mờ, chậm chạp... Tuy nhiên vì thương con, ba mẹ cô bạn vẫn không có thái độ chống đối quá quyết liệt.
Một lần, tôi được mời tham dự bữa tiệc tại tư gia của cô bạn gái, tôi đã phải chứng kiến cảnh giới thiệu người bạn gái của tôi với vị sĩ quan, người mà gia đình nàng mong muốn! Trong sự xót đau vì thua kém, nhất là người sĩ quan đó lại là người bạn khá thân cùng lớp nhì Tiểu học với thầy Hà Mai Anh của tôi, gần 14 năm về trước! Thay bằng vui mừng với tình bạn cố tri, chúng tôi đã trao đổi nhau những câu nói bóng gió, xỏ xiên!.. Nhưng kết quả vì thua sút, tôi im lặng ra đi của một người chiến bại! (dù chỉ là chiến bại đầu tiên trong tình trường).
Nhưng sau đó người bạn cố tri, mã thượng của tôi đã nghĩ lại. Anh đã dùng đủ mọi cách để giúp đỡ mối tình của tôi và cô bạn gái trở lại đẹp đẽ, gắn bó hơn. Tình bạn hữu giữa tôi và người bạn đó lại trở lên thắm thiết. Sau đó không lâu tôi cũng bị nhập ngũ vào trường Sĩ quan Thủ Ðức, nhờ may mắn tôi lại được biệt phái trở lại với Đại học Cần thơ. Rồi với những đưa đẩy tiếp theo. Lúc tôi sửa soạn đi tu nghiệp dài hạn ở Nhật Bản thì một tin đau buồn đến với tôi. Người bạn mã thượng, tốt lòng đó đã hy sinh ở chiến trường vùng 4. Anh để lại người vợ trẻ mới cưới với đứa con trai gần 2 tuổi!
Cái chết của anh đã làm tôi ngẩn ngơ vì xúc động. Tôi và anh khá thân nhau lúc trẻ thơ, thời Tiểu học. Lớn lên, tuổi yêu đương, chúng tôi gặp lại nhau trong tình trạng đối kháng, ghen tỵ vì một nhan sắc. Nhưng cuối cùng với con người rộng rãi, cao cả của anh, chúng tôi lại thân nhau, gắn bó với nhau... Nhưng rồi định mệnh và hoàn cảnh của đất nước đã lấy mất cuộc sống của anh, làm chúng tôi vĩnh biệt, đau buồn!
Người bạn thứ 2, có một lối sống đặc biệt hơn! cũng học cùng lớp nhì với tôi, nhưng tôi và anh ta không thân lắm. Hình như lên lớp nhất anh ta chuyển sang trường Tiểu học khác thì phải? Nhưng ngẫu nhiên khi lên trung học Chu Văn An, tôi và anh ta lại cùng học một lớp, kéo dài cho đến hết năm đệ nhị. Anh ta không đậu Tú tài bán phần và phải rời trường, còn tôi vẫn tiếp tục học lên đệ nhất. Ở thời điểm đó, phần lớn những bè bạn không đậu Tú tài bán phần đều bị động viên vào các khoá Hạ sĩ quan hay binh sĩ (nếu không có bằng Trung học).
Nhưng một thời gian sau, khi tôi lên Đại học, thỉnh thoảng tôi gặp anh ta trên đường phố Saigon, ở các chốn ăn chơi. Anh ta với chiếc Vespa đời mới, quần áo sang trọng, chở những cô gái rất đẹp và hở hang. Chúng tôi gặp nhau cũng chỉ chào nhau sơ sài. Tôi nghĩ rằng anh ta đang đi làm việc cho một cơ quan hay một công ty to lớn nào đó ở thành phố. Tôi cũng không thắc mắc về chuyện ăn chơi sang trọng và tình trạng hoãn dịch của anh ta. Mãi đến năm 1969 một ngẫu nhiên tôi gặp anh ta ở đường Nguyễn Huệ Sàigon. Chúng tôi nói chuyện với nhau, anh ta mời tôi vào một quán ăn ở đường Ngô Ðức Kế. Trong khi chúng tôi ăn cơm, hàn huyên với nhau, thỉnh thoảng có vài người đi xe Honda, họ đến thủ thỉ nói chuyện với anh ta. Ðôi khi họ dùng các tiếng ''lóng'' làm tôi cũng chẳng hiểu họ nói gì! Hơn nưã tôi cũng chẳng muốn tò mò chuyện của anh ta khi mà nhiều năm chúng tôi chưa một lần nói chuyện với nhau! Cho đến một lúc có hai người khác cưỡi Honda vội vàng chạy vào quán nói với anh ta trong vẻ sợ sệ :
- ''Ði mau anh Hai! chúng nó đến rất đông!'' (thêm một tràng tiếng lóng, mà tôi cũng mù tịt!)
Vừa nghe xong, anh ta tái mặt, đứng ngay dậy, móc túi liệng ra một tấm giấy 500 đồng về phía tôi, rồi nói với tôi:
- ''Tao phải đi ngay! lần tới gặp lại mày nhé!''
Chỉ có thế, rồi anh ta vội vàng quay đi ngay. Trong ngạc nhiên, ngơ ngác, tôi cũng đứng dậy với ý định đi theo anh ta! Nhưng anh ta quay lại chửi thề và nói với tôi:
- ''Ð. m. mày muốn chết hả? ngồi xuống đó, hãy nói không quen với tao là hơn!''
Tôi ngẩn ngơ, chẳng hiểu tí gì, đành ngồi xuống im lặng nhìn anh ta cùng 2 người lái Honda rồ máy vội vàng biến mất ở góc đường! Chỉ vài phút sau, khi anh ta vừa biến mất, có khoảng 8, 9 người chạy bổ vào quán ăn vây lấy cái bàn của tôi. Mỗi người xách một cái bao che giấu những chiếc dao dài, cán dao còn thò ra ngoài. Họ nhìn tôi với những con mắt dữ tợn trong khi tôi run vì sợ và ngạc nhiên! Một người hùng hổ đến nắm cổ áo tôi và hỏi:
- "Ð. m. nó đâu rồi? nó vừa ngồi đây với mày phải không?''
Tôi lắp bắp nói không ra lời, cho họ biết tôi là bạn học của anh ta từ Tiểu học, mới gặp lại lần đầu. Anh ta mời tôi đi ăn cơm mà thôi! Nhìn sự sợ sệt, ngơ ngác của tôi, biết tôi nói thật và vô can. Họ liệng tôi ngồi xuống ghế rồi cả nhóm ra khỏi quán ăn, trong khi mặt tôi tái xanh như tầu lá!
Sau này dò hỏi ra, tôi được biết anh ta là một trùm của một nhóm chuyên môn ăn cắp xe Auto, xe gắn máy và buôn bán bạch phiến ở Saigon. Ðằng sau anh ta có cả một thế lực bảo vệ vì vậy việc quân dịch, tù tội được coi như chẳng còn thành vấn đề! Rồi từ lần gặp nhau kinh hoàng đó, thỉnh thoảng tôi vẫn thấy anh ta trên đường phố Saigon. Vẫn sang trọng với chiếc Vespa đời mới nhất, bóng láng. Vẫn chở các cô gái đẹp xinh, hấp dẫn, hở hang... Nhưng tôi không bao giờ dám cười hay chào anh ta nữa. Anh ta cũng chỉ nhìn tôi thoáng qua như kẻ không quen! Sau này, từ khi tôi rời xa VN đi Nhật Bản tu nghiệp (đầu năm 1974) tôi không biết tin tức gì về anh ta cả.
Rồi những lần về thăm VN vào cuối thập niên 1980, tôi đi lại Sàigon rất nhiều lần, nhưng chẳng bao giờ tôi gặp lại anh ta! Theo tôi nghĩ anh ta không thể chết được trong thời gian đổi dời, sôi bỏng của đất nước vừa qua. Con người đó, với cá tính khôn lanh, luồn lọc ở mức siêu thượng đó, không thể chết được! Thời điểm nào của xã hội VN trong mấy mươi năm nhiễu nhương, loạn lạc, đói khổ vừa qua đều là môi trường ưu ái cho anh ta hoạt động! Hiện nay, anh ta không lộ diện có lẽ anh ta đã chuyển hướng đến một lãnh vực khác. Hay với tuổi đời và kinh nghiệm có thể đã đưa anh ta đến một vị trí kín đáo nào đó để chỉ huy mà thôi! Anh ta dư sức tìm cho mình một chỗ đứng sung túc và khoái lạc (còn vấn đề đạo đức có nghĩa lý gì khi mà người ta chấp nhận câu, Ðời là thế!).
Rất có thể anh ta đang sống ở một nơi nào trên thế giới. Với luật lệ, ngôn ngữ, xã hội... cuả chốn định cư sẽ gây cho anh ta ít nhiều khó khăn ban đầu. Nhưng dù thế nào, theo tôi con người ấy chẳng bao giờ sống lương thiện, ăn lương tháng bình thường như mọi người khác được! Biết đâu anh ta đang cầm đầu một băng đảng ở vùng Bắc Mỹ, Âu châu, ở Hồng Kông, Ma Cao... Hay ở một vùng đất nào đó của Ðông Nam Á! Nhưng cũng có thể anh ta vẫn còn sống ở trong nước, với hiện trạng xã hội đày rẫy các hoạt động thối nát, đĩ điếm, sike, ma túy, anh ta lại đang là một ông trùm nào đó! Với con người đó chẳng có chuyện gì được coi là không có thể cả! Chỉ đáng thương cho tôi một lần suýt vỡ mật vì sợ hãi. Cũng đáng buồn cho người thầy yêu kính cuả tôi, đã có một người học trò mà thầy tôi có nằm mơ cũng không bao giờ ngờ được!
Kính thưa thầy, qua vài trang giấy mà con vừa viết về thầy. Về những bài học,những nhắn nhủ cũng như kể lể về vài người bạn mà con còn liên lạc sau ngày rời xa thầy, cuối năm học lớp nhì trường Tiểu học Chí Hoà, hơn 40 năm về trước... Con hy vọng những điều con vừa viết, có một cơ duyên lạ kỳ nào đó để thầy đọc được bài viết của con. Viết như thế có nghĩa là trong lòng con đang ao ước thầy vẫn còn an khang trên cõi đời này. Dù con biết rằng thời gian đã gọt giũa một đứa học trò 12 tuổi ngày xưa, thành một người đứng tuổi trên 50, nó cũng mang đến cho thầy hình ảnh một ông lão trên dưới 100!
Nhưng dù thế nào, con muốn gửi gắm vào bài ký sự này, sự đợi chờ sự tha thứ của thầy cho những gì không trọn vẹn trên đường đi của con trong mấy mươi năm vừa qua! Con đã tưởng rằng với ngành nông nghiệp mà thầy đã định hướng cho con từ lúc ấu thơ. Con cũng đã từng ấp ủ nó bằng ngọn lửa nồng ấm trong tim. Ðã nghĩ rằng mình sẽ sống và chết với nó trong sự sinh nhai và phục vụ, mơ ước được đóng góp vào mảnh đất hình chữ S, nơi đó 95% là nông nghiệp (như thầy đã nói)! Nhưng đến nay chỉ còn là vô vọng thôi thầy ạ! Con đã đổi hướng nghề nghiệp! Con đã từ bỏ hướng đi của thầy uốn nắn! Con đang xa dần, quên lãng quê hương yêu quý, mà một thời con đã đến với nó bằng những ước mơ! Thầy ơi, bây giờ chẳng còn gì ngoài một nỗi chán chường của một kẻ lưu vong mà ngày về có lẽ chỉ còn là những ảo mộng mà thôi!
Hãy tha thứ cho con thầy nhé! Với 7 trong số 8 người bạn cùng lớp (nếu kể cả con vào đó là 9 người) đã bỏ mình trong buổi loạn ly của đất nước! Quả là một giá cả quá mắc và khổ đau thầy nhỉ! Thế hệ của chúng con có tội tình gì mà phải hy sinh như thế? Những hy sinh đó đã mang đến cho gia đình, cho tổ quốc chúng ta cái gì khi mà ngày nay quê hương vẫn lầm than, dân tộc vẫn khổ nghèo!? Mỗi lần về nước thăm lại gia đình,quê hương là một lần lịm người buồn bã. Dân chúng vẫn nghèo xác xơ với những thối nát, tham nhũng đầy đường. Quê hương đang nhem nhuốc với bia ôm, sì ke, má túy... Thầy kính mến hãy dành cho con những tiếng thở dài và tha thứ thầy nhé!
Vài hàng viết thêm: (năm 2001):
Một ngẫu nhiên, tôi có dịp quen biết một vài người bạn trong hội ái hữu Chu Văn An - trường Bưởi ở Hoa kỳ. Tôi được biết sau năm 1975 thầy Hà Mai Anh và đại gia đình, con cháu của thầy đã may mắn được định cư ở Mỹ. Nhưng một tin đã làm tôi buồn đau khi người bạn cho tôi biết, thầy đã mất ngay sau vài tháng định cư tại Mỹ vì tai biến mạch máu não gây bởi những buồn đau vì vận nước. Tôi hy vọng bài ký sự này được các anh chị, cháu chắt, thân nhân của thầy đọc được. Coi nó như là một nén hương lòng của tôi, đứa học trò kính gửi đến hương hồn của thầy sự biết ơn dạy dỗ của thầy ngày xưa.
Với những làn khói tỏa mùi thơm của nén hương tình thầy trò. Với tâm tư cảm động của những bài học xa xưa đã hun đúc tôi lên người, có tí chút khả năng và lý tưởng (dù nó chưa làm được gì tạm gọi là hợp với ước mơ của mình). Tôi nghĩ rằng ở một nơi linh thiêng nào đó. Người thầy học kính mến của tôi sẽ dành cho thế hệ mất may mắn của chúng tôi một niềm thông cảm thân thương, vì hiểu rõ hoàn cảnh và uớc mơ của chúng tôi chỉ toàn là âm vang trắc trở!
Trung Học: Chu Văn An - Thầy Bạch Văn Ngà
(Ân hận, một lầm lỗi)
Viết về vị thầy này tôi mang tâm trạng của người học trò vô giáo dục với những sự đùa nghịch vô ý thức! mặc dầu tôi không phải là kẻ chủ chốt trong những hành động đáng tiếc đó! Một vị thầy mà tôi không hề biết gì về đời sống riêng tư cũng như chưa bao giờ được nói chuyện với thầy. Dù chỉ là một câu nói ngoài môn toán hình học mà thầy giảng dạy! Một vị thầy mà có lẽ tất cả học trò đồng lứa với tôi chưa bao giờ thấy trên môi thầy nở một nụ cười! Con người của thầy toát ra một bản tánh ít nói, khô khan và nghiêm khắc! Trong lớp học của thầy, chỉ có những tiếng giảng bài, tiếng phấn xiết mạnh trên tấm bảng xanh cùng với những tiếng gõ khô khan của cục phấn, của những ngón tay của thầy trên bảng gỗ... còn ngoài ra hoàn toàn yên lặng! yên lặng một cách nặng nề khó thở! Trên mái tóc hoa râm, trên cánh tay viết bảng và trên cả bộ quần áo của thầy toàn là bụi phấn!
Nhìn lối giảng dạy của thầy không một ai không nhận thấy lòng say mê, sự tận tình quá sức của thầy! Với tuổi khá già yếu, kèm theo những tiếng gõ bảng ồn ào quá mạnh của thầy có lẽ bất cứ một ai (kể cả học trò) đều phải im lặng và tôn trọng hay ít ra cũng phải lịch sự thương hại sự nhiệt tâm giảng dạy của thầy. Nhưng lớp học của chúng tôi đã đi ngược lại tất cả sự ngay ngắn tối thiểu đó với những trò chơi vô ý thức! Ðể rồi đến nay thầy đã ra người thiên cổ, để rồi tôi suốt đời mang một nỗi hối hận, ăn năn của đứa học trò ngổ ngáo!
Tôi nhớ có một lần, lúc giảng bài, thầy gõ và xiết quá mạnh vào tấm bảng. Có lẽ với một cục phấn quá nhỏ hay vì trên tấm bảng gỗ có vài sơ gỗ nổi lên đã chọc vào đầu ngón tay trỏ của thầy đến nỗi máu chảy ra có giọt! Cả lớp im lặng nhìn sự đau đớn lộ rõ trên nét mặt khô khan và nghiêm khắc của thầy! (chúng tôi biết làm gì hơn là im lặng khi bản chất của thầy quá khô khan, gần như chưa một lần nào tỏ lộ sự thân cận hay tâm sự với chúng tôi. Chúng tôi không dám làm gì hơn là sợ sệt im lặng ngồi nhìn!).
Vào dịp gần Tết, sau giờ ra chơi là 2 giờ hình học của thầy. Một anh bạn khá nghịch và phá trong lớp. Anh ta lấy một đoạn hương đốt cháy rồi cột dính vào một chiếc pháo nhỏ, để vào một góc lớp học, gần chỗ thầy ngồi! Cả lớp chúng tôi không ai ngăn cản mà còn tỏ lộ thích thú với sự nghịch ngợm độc ác đó! Thầy vào lớp vẫn dáng điệu quen thuộc. Giảng bài với tất cả tấm lòng nồng nhiệt. Trong khi lũ học trò vô ý thức chúng tôi im lặng đợi chờ một diễn tiến! Khi tiếng pháo nổ tung chúng tôi thấy nét mặt thầy tái xanh, hơi thở dồn dập! Mãi một lúc sau thầy mới lấy lại được bình tĩnh và hét lên với tất cả sự giận dữ:
- Ðứa mất dạy nào nghịch như thế? Bước ra khỏi lớp mau.
Nhưng cả lớp chúng tôi im lặng! thầy cũng biết chẳng làm gì hơn được với cái lũ học trò quá quắt đó! Nhìn cả lớp với cái nhìn tức giận rồi thầy lại tiếp tục giảng bài!
Cũng không lâu sau lần nghịch ngợm thiếu lễ độ đó! Cũng lại là anh học trò tinh nghịch đạo diễn! Vào giờ của thầy dạy, khi thầy vừa quay lên bảng giảng bài thì dưới lớp một số học trò cùng hát nhè nhẹ bài quốc ca: ''Này công dân ơi....''! Khi thầy quay xuống thì tiếng hát im! Thầy bực bội quay lên bảng giảng bài tiếp tục. Tiếng hát lại nổi lên!: ''quốc gia đến ngày giải phóng...'' Thầy quay xuống tiếng hát lại im! và cứ thế lũ học trò quỷ quái chúng tôi đã liên tục chọc thầy cho đến một lúc thầy mắng chửi , bực tức đến mức bỏ giờ dạy ngày hôm đó!
Lần khác, không phải là một trò chơi tập thể nữa, mà là một sự chọc giận thầy có tính cánh cá nhân. Tuy nhiên cả lớp chuíng tôi đã có thái độ cười đùa vô ý thức trong sự bực tức tột độ của thầy! Một anh học trò trong lớp, một con người rất nhiều tài năng, đặc biệt là vẽ và đùa giỡn! Về tài vẽ, cả đời đi học của tôi chưa thấy một người nào vẽ giỏi như anh ta! Lúc còn học ở bậc Trung học đệ nhất cấp trong giờ học vẽ cuả thầy Thịnh Del (một họa sĩ nổi tiếng vào những thập niên 50 và 60 ở Saigon) anh ta luôn luôn được chấm nhất với điểm 18/20. Chưa bao giờ người học trò nào có được! Cái lối vẽ nguệch ngoạc, rất mau, không gò nắn của anh ta, có lẽ chỉ một mình thầy Thịnh Del hiểu được mà thôi!
Mãi về sau này khi lớn lên có dịp đi và sống nhiều. Nhờ những sự giải thích của vài nhà mỹ thuật tôi mới hiểu được cái lối vẽ mờ ảo, không rõ nét ở vài góc cạnh của anh ta biểu lộ hướng nhìn có ánh sáng và bóng mờ tham dự! Ðó là tài vẽ. Còn tài giễu, chọc cười của anh ta cũng không thua kém ai! Hôm đó thầy kêu anh ta lên bảng sửa bài tập, không biết anh ta có hiểu hay không nhưng anh ta nhún vai, chọc cười cả lớp với những bước chân khập khễnh, tiếng cười hể hể... Thầy nhìn anh ta với con mắt tức giận đến tột độ trong khi anh ta vẫn tiếp tục sự giễu cợt! Ðến một lúc, thầy không thể chịu nữa! Thầy phát ra một câu chửi mà không bao giờ tôi quên được trước khi đuổi anh ta về chỗ:
- Thằng ốm đói! Tao đùa với thằng bố mày đấy à! đi về ngay!
Cả lớp cười vui với cái nham nhở cuả bè bạn trong sự tức giận tràn hông cuả một vị thầy quá nhiệt lòng nhưng quá khô khan để rồi gặp lũ học trò quá nghịch và vô ý thức!
Vào năm 1979 tôi ngẫu nhiên đọc một tờ báo đăng tin Thầy Trần Ðình Ý, Thầy Lê Ngọc Huỳnh, thầy Vũ Ngọc Quỳnh và thầy Bạch Văn Ngà (tất cả những vị thầy này đều dạy tôi trong suốt 7 năm học của tôi tại Chu Văn An) không còn nữa! Bài báo đó đã mang đến cho tôi một cảm giác nhói đau vì nỗi ân hận về những sự đùa nghịch vô ý thức (dù tôi không phải là kẻ chủ động!).
Kính thầy, mặc dầu khi viết thiên ký sự này con biết rằng thầy không còn trên thế gian này nữa. Thầy cũng sẽ chẳng bao giờ đọc được những dòng chữ chứa đựng sự hối hận, nỗi ăn năn mà con đang ngồi viết cho thầy nữa! Nhưng con nghĩ rằng bài viết của con như là một nén hương lòng gửi đến thầy. Kính chúc thầy có được tất cả những gì tốt đẹp nhất ở nơi thế giới siêu hình mà người ta thường nói đến nó như là nơi chẳng còn gì để âu lo, buồn phiền, giận dữ nữa. Con cũng mong thầy chấp nhận cho con được thay mặt các bạn bè con. Lớp đệ nhị nghịch phá ngày xưa, gửi đến thầy lời cầu xin sự tha lỗi nơi thầy cho những lỗi lầm của sự đùa nghịch vô ý thức của chúng con.
Con cũng phải đau xót báo tin cho thầy biết, người bạn của con. Người đã gài chiếc pháo ngày Tết để làm thầy giật mình đã chẳng còn trên thế giới này nữa! Sau khi rời khỏi nhà trường vào cuối năm đệ nhị, anh ta bị động viên vào trường Hạ sĩ quan, chẳng bao lâu sau đó đã bỏ mình trong một cuộc hành quân! Còn người bạn thứ hai cũng chẳng may mắn hơn! Trong một buổi tối ngồi ăn nhậu ở một tiền đồn hẻo lánh để từ giã bạn bè trở về tham dự khoá học Sĩ quan vào sáng ngày hôm sau. Chỉ vì đốm lửa của điếu thuốc lá trên môi, anh ta đã phải trả sinh mạng mình bởi một phát súng bắn sẻ của phe bên kia! Tất cả là nước mắt và tang thương phải không thầy?
Tuổi trẻ của chúng con đã phải trả giá quá nhiều cho những trò chơi của những triết thuyết, những sự phân hoá mà chính ra chúng con chẳng có nợ nần gì! Con nghĩ rằng với cái tin đau buồn đó có lẽ thầy cũng chẳng còn nỡ trách mắng hay buồn giận những đứa học trò ngỗ nghịch ngày xưa nữa thầy nhỉ? Tất cả thế hệ của chúng con đều rơi vào một thời điểm bi đát như vậy thầy ạ. Sự đùa phá đôi khi nó cũng chỉ là một hình thức phản kháng sự bi đát ẩn tàng trong thân phận của chúng con trước thời cuộc mà thôi!
Ðại học Nông Nghiệp: Ban Thú-Y - Thầy Ðặng Quang Ðiện
(thấm thía, Tuổi vào đời)
Ðây là vị thầy với một dáng dấp rất bình dân, hơi thô. Nhưng trong dáng dấp đó tiềm tàng một khối óc thông thái với những kiến thức rất sâu xa, thực tế. Một con người tượng trưng cho sự thẳng thắn, chấp nhận mọi hoàn cảnh, không than van, không phản kháng! Nhưng không mang sắc thái của một kẻ dại khờ thiếu tính suy hay hèn nhát, luồn cúi của một kẻ tiểu nhân. Một con người biểu tượng cho sự trong sạch và ngay thẳng trong đời sống riêng tư cũng như trong vị trí làm việc.
Nhiều năm tôi theo học với thầy ở Đại học thú y và chăn nuôi. Tôi có khá nhiều dịp tâm sự với thầy trong lớp học, trong lúc giải lao cũng như những lần đi thực tập ở các vùng thôn quê hay các trại chăn nuôi... Tôi đã thâu nhận khá nhiều ý kiến cũng như những sự dạy dỗ của thầy. Không phải chỉ trong những lãnh vực chuyên môn về thú y, mà còn học hỏi được từ thầy những kiến thức rất hữu ích cho sự làm việc của tôi sau này.
Ðối với nhân viên, với các bạn đồng nghiệp tôi hoàn toàn không biết sự giao tình giữa thầy với họ ra sao. Ðối với sinh viên, có lẽ trừ số sinh viên thuộc trường Thú y và chăn nuôi đều kính phục thầy. Nhưng với trường Nông Nghiệp và Thủy Lâm. Có thể vì môn thầy dạy là những môn phụ hay vì họ ít có dịp tiếp xúc với thầy cho nên một vài sinh viên nhìn dáng dấp bề ngoài bình dân của thầy đôi khi có những ý kiến coi thường! Tôi nhớ trong một lần thầy dẫn tất cả sinh viên của ba trường đi thực tập về nông trại trên Thủ Ðức. Gặp buổi trời mưa lâm râm thầy dùng một cái dù Nhật Bản rất cũ sơn màu xanh lá mạ, thầy mang theo hộp cơm và chiếc phíc nhỏ đựng nước chè... Tất cả biểu lộ một con người đơn giản và tiết kiệm! Nhưng thầy lại được đưa đón bởi một chiếc xe Hoa kỳ (Chevrolet?) màu đen, có tài xế.
Một vài sinh viên (không thuộc trường Thú Y) tỏ lộ sự nhạo mạn sự bình dân, sự dè sẻn và vẻ nghèo túng trong cái vị trí quyền thế của vị Giám đốc Nha học vụ Nông Lâm Súc của thầy! Tôi đã cho họ biết trong cái vỏ nghèo túng, bình dân đó, chứa đựng tất cả những danh từ của trong sạch, liêm khiết và tận tâm với đất nước. Tôi cũng nói thêm, nếu mỗi năm thầy chỉ cần cho vài người sinh viên (trong số hàng trăm người thi tuyển) vào ban Kiểm sự, huấn sự. Dành vài chỗ dạy học, chức Hiệu Trưởng, Giám học của hàng chục trường Trung học Nông Lâm Súc trên toàn quốc có lẽ cái món lợi tức đó dư đủ cho thầy làm một ông giàu có như bao nhiêu người khác!
Ngoài ra tôi còn cho họ biết ngay người tài xế lái xe công xa cho thầy nhiều năm, ông ta cũng chưa bao giờ được thầy cung cấp thêm tiền bạc để ăn uống ngoài số tiền công tác phí ít ỏi của cơ quan! Chính người tài xế nói với tôi, thầy cũng nghèo và đói như ông ta, ngoài đồng lương công chức và tiền phụ trội dạy giờ cho đại học thầy chẳng còn mối lợi nào khác. Tôi đọc câu thơ Hán văn trong bài ''Mẹ Mốc'' của Nguyễn Khuyến để lột tả cái tư cách đáng kính phục của thầy cho vài người bạn đồng khóa của tôi nghe:
...Kỳ trí khả cập giả, kỳ ngu bất khả cập giả!
(Cái mà người ta gọi là khôn đó bất cứ ai cũng có thể làm được. Nhưng cái mà người ta cho là dại đó, có lẽ không ai bắt chước được).
Khoảng năm 1986 tôi có dịp gặp một vị thầy khác của tôi ở Thụy Sĩ. Người mà tôi cũng rất kính trọng vì sự ngay ngắn, trong sạch không thua kém gì thầy Ðiện (mà có phần hơn nữa! Nhưng thầy Ðiện với bản tánh im lặng, chịu đựng, không phản kháng! Còn vị thầy này lại coi sự thối nát, lạm quyền là một kẻ thù không thể tha thứ được! Con người của vị thầy này hình như được sinh ra để phản đối bất công! Ðể rửa sạch những đút lót!). Nhờ cuộc gặp mặt đó tôi biết được. Với chính phủ mới Thầy Ðiện bị khá nhiều khó khăn về vật chất và cả về tinh thần!
Trong thời gian đó đời sống của tôi đã tạm gọi là yên ổn về sự ăn ở và việc làm. Hàng năm tôi đã cố gắng dành ra một ít tài chánh gửi về giúp đỡ các bè bạn cùng làm công tác giảng dạy và khảo cứu. Cũng như vài vị thầy học ngày xưa của tôi còn sống, làm việc ở trong nước. Khi biết tin đó tôi đã điền ngay tên thầy vào danh sách những người mà tôi đang giúp đỡ. Mặc dầu sự giúp đỡ của tôi cũng chỉ rất khiêm nhường. Tuy nhiên vào thời điểm đói khổ của thập niên 1980 nó có một giá trị khá tốt. Tôi đã cảm thấy sung sướng vì ít ra tôi đã làm được một điều rất đúng! Hình như tôi gửi về giúp thầy được khoảng 3 lần thì phải? Có lẽ thầy cũng chẳng biết người học trò nào đã giúp đỡ thầy! Ðã thế tôi có cảm tưởng thầy có ít nhiều nghi ngờ với sự giúp đỡ của một người mà thầy hoàn toàn không còn còn nhớ rõ!
Mãi đến năm 1996 (hay 1997) tôi có dịp trở về VN thăm gia đình. Tôi cùng với cô em gái đến thăm thầy tại tư gia. Ðây là lần đầu tiên tôi đến nhà của thầy, ở một ngõ hẻm rất khang trang trên đường Công Lý ngày xưa. Căn nhà thầy lụp xụp, bao quanh là những building sang trọng của các người chủ mới! trong nhà chỉ có duy nhất một chiếc ghế sa-lông bằng gỗ cũ kỹ, không đệm. Một cái bàn, không một cái ly uống nước. Không một cái tủ đựng đồ! Căn phòng hoàn toàn trống rỗng... Tất cả biẻu lộ một sự nghèo đói cùng cực của vị Giáo sư Đại học. Một ông cựu Giám đốc nha sở, người đã đào tạo ra bao nhiêu các Tiến sĩ, Kỹ sư. Học trò của thầy đã rất nhiều vị làm Thứ trưởng, Tổng Giám đốc, Trưởng ty... Cá nhân thầy một người học giỏi nổi tiếng ở Pháp vào thập niên 1950..
Nói chuyện với tôi. Thầy không mời tôi uống nước (có ly tách đâu mà mời!). Tôi đã hiểu thế nào mức độ nghèo túng của thầy. Tôi đã lịm người khi cô em gái tôi nói nhỏ bên tai tôi. ''Có lẽ Ông thầy của anh đã bán dần vật dụng, giường tủ trong nhà để sống rồi!''. Thành thật tôi không muốn nghe câu nói quá bi đát của em tôi, nhưng tôi biết đó là sự thật! Lần đó khi tôi đưa tặng thầy một tí chút, không biết nghĩ sao thầy nhất định không lấy và cho tôi biết dạo này thầy đã làm thêm và đủ sống rồi... Mãi sau khi tôi nói đây là món quà chứ không phải là sự giúp đỡ của con nữa! lúc đó thầy mới miễn cưỡng nhận số tiền bé nhỏ của tôi!
Một kỷ niệm nữa với thầy, đã làm tôi suy nghĩ, càng kính phục sự thông thái, sự nhìn xa thấy rộng của thầy. Vào khoảng năm 1970, trong một giờ giải lao tôi có đề cập đến vấn đề cơ giới hoá Nông Nghiệp ở VN. Tôi cho vấn đề này là cần thiết vì với sức làm việc của một chiếc máy cày nó bằng cả trăm lần nhiều hơn con trâu! Thầy nhìn tôi cười và nói: ''Tôi không nói anh sai, nhưng tôi đưa cho anh một vài vấn đề để anh suy nghĩ nhé. Với cái máy cày anh cần món tiền to, cần chuyên viên sửa chữa, bảo trì, cần tổ chức quản trị nếu nó là tài sản của tập thể... chúng mình đã có những cái đó chưa? Với cái máy cày nó chỉ cần làm một ngày trong khi với con trâu nông dân cần cả trăm ngày! Nhưng anh có biết người nông dân VN với con trâu chậm chạp mà họ vẫn bị thất nghiệp trá hình (khoảng 40 % thời gian) vậy nếu thất nghiệp 80 hay 90 % thời gian điều đó có lợi hay không?... Rồi còn nhiều cái rắc rối khác nữa, chẳng hạn con trâu ít bệnh hơn cái máy cày hư hỏng... có lẽ anh đủ thông minh để nghĩ đến nó!''
Lời nói của thầy ngay lúc đó chỉ làm cho tôi suy nghĩ và tưởng tượng mà thôi. Nhưng khi tôi đi làm việc cho Đại học Nông nghiệp Cần Thơ. Tôi có dịp đi nhiều, tiếp xúc nhiều với nông dân, với các ty sở tôi mới thấy thấm thiá một sự thật! Một sự suy nghĩ quá thông thái, một cái nhìn rất thực tế! Tôi đã rút ra một bài học mọi sự phát triển, sự canh tân phải có sự đồng bộ nếu muốn có kết quả tốt! Nhất là có lần tôi nhìn thấy những máy móc, xe cộ cuả các hợp tác xã đã bị chính xã viên tìm cách phá hủy! chỉ vì nó đụng đến quyền lợi của họ mà thôi!..
Cũng trong một lần khác nói chuyện với thầy, tôi có than phiền về sự kém hiệu quả của các trường Trung học Nông Lâm Súc trong toàn quốc mà chính thầy đã tạo lập ra! Thầy nhìn tôi một lúc rồi nói: ''Anh nghĩ rằng tôi không biết điều đó hay sao? Nhưng tôi vẫn làm bởi vì tôi biết rõ các giáo viên của trường chưa giỏi nhưng chắc chắn họ biết hơn người nông dân, họ là người truyền đạt tin tức khoa học (dù đơn sơ) đến nông dân. Hơn nữa có cái gì ngay lúc khởi đầu hoàn toàn đâu? Quan trọng là tôi tạo ra được một cái sườn, một hệ thống để thời gian nó sẽ được cải tiến. Những người sau tôi, như anh chẳng hạn có dịp để nâng cấp nó lên...''
Ðúng như vậy nhờ thầy mà hàng chục trường Trung học Nông Lâm Súc đã được mở ra ở toàn miền Nam. Có lẽ sau khi thầy rời xa chức Giám đốc Nha học vụ Nông Lâm Súc cho đến nay (cả sau năm 1975) chẳng có một sự cải tiến nào đáng kể (chứ chưa nói đến tạo lập trường sở mới!).
Khi tôi sang Nhật Bản tu nghiệp. Tôi có dịp thăm viếng khá nhiều các cơ sở giáo dục, khảo cứu, thông tin Nông Nghiệp của Nhật Bản. Tôi đã ngỡ ngàng khi được biết phần lớn (nếu không muốn nói là hầu hết) các cơ quan đó đều đi một con đường duy nhất từ thô sơ (rất thô sơ) đến vĩ đại! Từ cái khung đơn giản đến một viện Đại học, viện khảo cứu tầm cỡ quốc tế! Ðại học của tôi học cũng khởi đầu là một trường Trung học! Hiện nay người nông dân Nhật Bản chẳng còn lạ lùng gì với các phát triển mới mẻ nhất ở thế giới. Nhờ mỗi làng xã, mỗi khu vực đều có một tờ báo nông nghiệp cung cấp tin tức chuyên biệt cho nông dân trong vùng... Ðó là lý do năng xuất của Nông dân Nhật thâu hoạch lúa gấp 5 lần nhiều hơn VN trong khi ruộng của họ chỉ cấy 1 hay 2 lần trong một năm, còn ở VN 2 hay 3 lần!
Tôi có thể nói chắc chắn, không sai lầm rằng tất cả những sự suy nghĩ, sự thực hành của thầy Ðiện giống y hệt với Nhật Bản trong thời kỳ nước Nhật còn đói và nghèo! Nó không sai! Nó đúng hoàn toàn! Cái khác của Nhật bản vớI VN chúng ta là họ có những người đi sau thực sự yêu nước, phục vụ quê hương họ mà thôi! Họ có những con người làm việc với đầy đủ thiên lương mà thôi! Với thời gian sống và học ở Nhật tôi đã thấm thía sự buồn tủi của một đất nước mà những con người thông thái, nhìn rộng biết xa, nhiệt lòng với công việc bị đói khổ và trù đập! Với tài năng và đức độ, họ là những người thiệt thòi, vô dụng nhất! (có ai dùng họ đâu mà không gọi là vô dụng! Ðắng cay thay! Ðể rồi tuổi đời họ chồng chất, già nua chôn vùi họ với đất đá! Nhưng cuối cùng là đất nước thiệt thòi! là một quê hương èo ọt dân tộc đói nghèo, lầm than!)
Kính thưa thầy, Con rất hy vọng thầy sẽ đọc đưọc bài viết này của con! Con viết nó cho con, cho thế hệ hẩm hiu của mình nhưng con cũng viết nó cho thầy. Cho thế hệ đắng cay của những gì mà người ta đã gạt bỏ! Người ta đã không phải không biết, nhưng người ta nghĩ đến chính họ quá nhiều (hay tất cả)! Thôi thầy ạ! Với những con người đó còn gì để thảo luận thầy nhỉ? Ðất nước ư? Dân tộc ư? Có đáng gì hơn một thỏi vàng không to hơn một đốt ngón tay!
Tuổi thầy nếu con không lầm thì đã trên dưới 80 rồi, còn gì để ước mơ, để chờ đợi nữa ngoài những tiếng thở dài trong nước mắt! Trong buồn đau! Con đây cũng thế mà thôi! Ðành cố quên đi để an phận một kiếp người! (hay để nhục nhã của một kẻ đánh mất một lý tưởng, một ước mơ!). Ðành vậy thôi thầy ạ, có lẽ điều thực tế nhất để kết thúc đoạn văn con viết về thầy, con gửi đến thầy lời chúc chân thành của đứa học trò luôn luôn biết ơn sự dạy dỗ của thầy. Con hy vọng mỗi lần về nước con lại gặp thầy để nói chuyện (cho vui hay cho đỡ buồn!).
Ðại học Kagoshima, Nhật Bản - Thầy Fuyuo Ohta
(Mộng ước và hoàn cảnh đã lỗi điệu rồi!)
Ðây là vị thầy học cuối cùng của hơn hai mươi năm đi học của đời tôi. Vị thầy khác tổ quốc, khác giống nòi nhưng gắn bó với tôi sâu đậm nhất, thương yêu, lo lắng cho tôi nhiều nhất. Sự gắn bó đó không chỉ giới hạn giữa cá nhân thầy và tôi, mà còn thắt buộc tôi với người vợ khuôn mẫu, tài đức vẹn toàn cùng với hai người con trai của thầy nữa.
Với thầy ngoài việc học hỏi về chuyên môn trong giảng đường Đại học tôi còn biết rất nhiều về lịch sử, những khó khăn của Nhật bản sau sự tàn phá của chiến tranh thế giới thứ II. Với người vợ của thầy, giáo sư về Trà đạo (Sadoo) và nghệ thuật cắm hoa (Ikebana) đã dẫn tôi vào sự say mê nền văn hóa cổ truyền Nhật Bản.
Vị thầy học mà tôi có rất nhiều kỷ niệm trong 6 năm tôi sống và học cũng như lúc đi làm việc tại Nhật. Thầy là hậu duệ của một dòng võ sĩ đạo (Samurai) ở Saporo, thành phố miền Bắc Nhật, vì vậy bản chất cũng như những quan niệm của thầy rất cổ điển, có phần nào cố chấp và đôi khi ngoan cố, nhất là trong những vấn đề liên quan đến lòng yêu nước. Ðến nay dù đã xa thầy gần 22 năm nhưng hàng năm tôi vẫn nhận được một vài lá thư đơn giản của thầy, ngược lại tôi cũng chưa bao giờ quên gửi những món quà nho nhỏ, những tấm carte chúc mừng ngày sinh nhật của thầy vào tháng 11 và ngày Tết cuối năm.
Nhờ thầy Hà Mai Anh (1) tôi đã có một hướng đi, con đường dẫn tôi vào sự say mê Nông Nghiệp, nhưng sự mê say, cố gắng của tôi trong lãnh vực đó nếu nó được chín muồi về khả năng lại là công lao dạy dỗ, vun đắp bởi thầy Fuyo Ohta. Dĩ nhiên sự hữu dụng của khả năng đó có trọn vẹn như ước mơ, sự chờ đợi của chính tôi, cũng như của thầy tôi hay không, đó lại là việc khác. Nó tùy thuộc vào hoàn cảnh của đất nước, số mạng may rủi của tôi!
Vị thầy sau cùng nhiều kính mến này đã đi bên cạnh cuộc đời tôi dưới ba vai trò khác nhau. Ở môi trường học hành thầy là một vị giáo sự rất nghiêm khắc, nghiêm khắc đến nỗi vài lần tôi có cảm tưởng muốn bỏ ngang việc học vì sự quá khắt khe của thầy! Ở một vị trí khác thầy lại dành cho tôi những cảm tình, sự lo lắng của một người cha. Thầy hỏi thăm sức khoẻ, lo lắng an ủi tôi, xin việc làm và ngay cả đến việc tình cảm trăm năm của tôi thầy cũng tìm cách giúp đỡ tôi nhiều lần, nhưng cũng chẳng đến đâu, chỉ là những lần lỡ làng của tôi và thất vọng của thầy!
Bên cạnh hai vai trò trưởng thượng đó thầy cũng đến với tôi như một người bạn tâm giao, thầy thông cảm sự buồn chán của tôi với những lỡ làng tình cảm, với những bàng hoàng trước những đổi dời cuả đất nước và gia đình tôi ở VN sau ngày 30 tháng 4 năm 1975. Thầy nâng đỡ tinh thần, an ủi tôi khi tôi bị thất bại, xuống tinh thần.
Một người thầy nghiêm khắc:
Ðầu năm 1974 tôi đến Nhật bản tu nghiệp, sau vài ngày ở Tokyo tôi xuống Osaka theo học khoá Nhật ngữ căn bản kéo dài 6 tháng, trước khi xuống Kagoshima, tỉnh cực Nam Nhật để theo học ngành biến chế và tồn trữ thực phẩm tại Đại học Kagoshima. Sau khi trình diện Giáo sư trưởng ban, cũng là vị thầy đỡ đầu cho việc học trong tương lai của tôi. Ông dẫn tôi đi giới thiệu với các phòng thí nghiệm của phân khoa, giúp đỡ tôi trong việc tìm chỗ ăn ở xong xuôi.
Hai ngày sau, ông gọi tôi vào phòng làm việc, trong đó có cả vị Giáo sư phó ban (thầy Junichi Nishimoto). Ông cho tôi biết đã coi kỹ hồ sơ của tôi do Bộ Giáo dục Nhật Bản gửi cho ông rồi, tuy nhiên ông muốn biết rõ hơn về hệ thống giáo dục và những môn học của VN. Nhất là ông muốn xét trình độ của tôi trước khi để tôi tham dự cuộc thi tuyển vào chương trình Đại học viện trong tháng 3 năm tới. Ông cũng cho biết chỉ khi nào tôi qua được kỳ thi tuyển đó, tôi mới chính thức là sinh viên của phân khoa thực phẩm của ông mà thôi. Cuối cùng ông cho tôi một ngày để sắp xếp bài nói chuyện của tôi về 2 đề tài:
- Hệ thống tổ chức giáo dục của VN cùng với các môn học.
- Các môn học và khảo cứu cũng như thực tập mà tôi đã theo học ở Đại học Thú Y Sài gon.
Ngày hôm sau, buổi sáng, đúng 9 giờ khi tôi vào một phòng học nhỏ đã thấy thầy tôi, thầy Nishimoto cùng với 2 vị thầy khác. Một người chủ nhiệm ban biến chế nông sản, người thứ hai Chủ nhiệm Phân khoa Thú y của Đại học, cả 4 người đã ngồi đợi tôi ở đó từ trước.
Tôi trình bày rất rõ ràng hệ thống giáo dục VN từ Tiểu học đến cấp Đại học, họ hỏi tôi khá nhiều về các môn học căn bản như Toán, Vật lý, Hoá học, Vạn vật (sinh học)... Tôi có cảm tưởng họ sát hạch tôi giống như các kỳ thi vấn đáp (Oral) mà ngày xưa tôi đã trải qua trong những kỳ thi Tú Tài. Ðiều may mắn là ngày xưa tôi đã học rất căn bản, nhất là tôi đã từng đi dạy kèm, kiếm tiền ăn học. Tôi trình bày rất có thứ tự và nhiều tự tin! Ngoài những môn kỹ thuật như hình học không gian, Số học, Vật lý, động lực học, máy nổ, con lắc... Tôi cũng dẫn họ vào cả nhưng môn văn chương, triết học và xã hội, kinh tế học v..v.. Cả buổi sáng ngày hôm đó tôi bị cả 4 người ''quay'' rất kỹ về các môn học trong ban Trung học mà tôi đã học hơn 10 năm về trước!
Tôi có cảm nghĩ họ hỏi tôi vì tò mò, muốn biết kỹ lưỡng một hệ thống giáo dục của một quốc gia mà hàng ngày trên báo chí, trên TV toàn là những tin tức về chiến tranh và chết chóc! Có lẽ họ tưởng rằng trong sự loạn ly đó nền giáo dục của VN cũng phải èo ọt theo! Nhưng đến cuối giờ thầy tôi cũng như các vị khác tỏ ra rất thoả mãn, họ cho tôi biết họ rất ngạc nhiên với trình độ rất cao của nền giáo dục căn bản của VN! nhất là khi tôi nói đến tỷ lệ chọn lựa và điểm số của những kỳ thi Trung học, Tú tài bán và toàn phần cuả chính cá nhân tôi vào những năm của thập niên 1960! (trong khi đó ở Nhật Bản với khoảng 95 % học trò đều có Tú tài!).
Một vị thầy, nhìn tôi mỉm cười khi ông hỏi tôi với chương trình học đáng nể đó, tôi thuộc thành phần nào trong lớp? Tôi trả lời ông ta không một tí ngại ngần, tôi chỉ thuộc loại trung bình mà thôi! Cả bốn vị giáo sư nhìn tôi cười thích thú! Có lẽ họ đã nghĩ rằng câu trả lời của tôi rất khéo léo khi tôi nhìn thấy sự ngạc nhiên cuả họ đối với nền giáo dục Trung học của VN (tôi không nói với họ cái vị trí tuyệt hảo cuả ngôi trường Trung học Chu Văn An mà tôi đã theo học cũng như tôi luôn luôn tự hào là một học sinh của nó!)
Buổi chiều và buổi sáng ngày kế tiếp tôi dẫn họ vào nền giáo dục Đại học của VN, dĩ nhiên tôi chỉ nói đến cái khung của hệ thống Đại học mà thôi. Nhưng tôi nói rất kỹ về ngành nông nghiệp và nhất là ngành Thú y mà tôi đã theo học.
Lần này tôi bị quay rất kỹ lưỡng, không phải vì tò mò nữa mà vì muốn xác định khả năng cuả tôi. Cả bốn vị hỏi tôi rất chi tiết liên quan đến thời gian học, lý thuyết, thực tập... Nhất là về các môn Biến chế Nông sản, biến chế súc sản, hoá học thực phẩm, sinh hoá học cũng như các môn bệnh lý thú y và vệ sinh thực phẩm (mấy môn chuyên biệt này do vị bên trường Thú - y khảo sát!).
Buổi chiều, tôi vừa vào trong phòng, thầy tôi cho biết tôi có đủ căn bản về thú y, nếu tôi muốn ông ta sẽ chuyển tôi sang ngành thú y để theo học. Về ngành biến chế của ông, tôi quá yếu kém! Nhất là môn hoá học thực phẩm và môn sinh hoá! Còn các môn dinh dưỡng và kỹ thuật biến chế tôi cũng chỉ ở mức trung bình! Tôi nghe thầy tôi nói với nỗi buồn khó tả! đó là sự thật mà tôi không thể chối cãi được! Với cái lối học từ chương, nhồi sọ, viết công thức, rỗng tuếch về thực hành của những năm tôi học ở Saigòn thì làm sao tôi che giấu được trước những vị giáo sư nghề nghiệp được!
Cả bốn vị giáo sư nhìn sự im lặng, buồn rầu của tôi, họ trao đổi vài ý kiến với nhau. Cuối cùng thầy tôi cho biết nếu tôi muốn theo học ngành của ông, tôi phải đậu kỳ thi tuyển vào tháng 3 năm tới. Trong khoảng 5 tháng sắp tới tôi phải sửa soạn cho kỳ thi tuyển dưới sự kiểm soát, giúp đỡ trực tiếp của ông ta về 3 môn: Hoá học thực phẩm, Sinh hoá học và môn biến chế, tồn trữ thực phẩm. Mổi buổi sáng thứ bảy tôi có một cuộc thi, hàng ngày tôi phải vào phòng thí nghiệm hay khu biến chế của phân khoa để làm các thí nghiệm hay thực tập căn bản. Mỗi tuần phải viết cho ông một bản report về các thí nghiệm và thực tập mà tôi đã làm!
Nghe sự giải quyết khắt khe đó mồ hôi toát ra! Biết làm sao hơn khi nhìn thấy mình kém cỏi thật sự và mong ước trở lên một chuyên viên đúng nghĩa! Suy nghĩ một lúc rồi tôi đã chấp nhận!
Năm tháng trời sau đó, với cái vốn tiếng Anh nghèo nàn của tôi, cuốn tự điển Anh Việt, Việt Anh của Nguyễn Văn Khôn là người bạn gắn bó đêm ngày cuả tôi. Thời gian đầu tiên những trang sách tiếng Anh, tôi đã tra tự điển gần như từng chữ! Hàng ngày tôi ngụp lặn với hai cuốn sách chuyên môn về phân tích hoá học: AOAC (Association oc Official Anaticaly Chemistry) và cuốn CAFFP (the Chemical Analysis of Foods and Food Products) trong phòng thí nghiệm. Tôi tự xây lắp lấy các dụng cụ phân tích (mà tôi chưa bao giờ trông thấy ở VN)! Ban đêm chông đèn dùi mài lý thuyết!
Ngày thứ bảy với tôi là ngày đen tối nhất! Buổi sáng khoảng 7 giờ 30 tôi đến phòng thí nghiệm gục đầu xuống bàn ôn lại bài vở! Vài phút trước 9 giờ tôi im lặng, rã rời đứng dậy dưới những con mắt ái ngại của các bè bạn người Nhật trong phòng thí nghiệm, họ gửi cho tôi những câu chúc tốt lành, may mắn trong cái cảm giác mệt mỏi và lo lắng của tôi!
Vào trong căn phòng làm việc của thầy, trên cái bàn khá lớn, dành cho khách đặt trước bàn làm việc của ông đã để sẵn một tờ giấy với khoảng 10 câu hỏi mà tôi phải trả lời trong buổi sáng! Tôi im lặng viết lách, ông im lặng làm việc! Cái không khí nặng nề, quen thuộc đó theo tôi gần 5 tháng trời cực nhọc! Khi tôi nộp bài thi hay reports, ông bỏ vào cặp mang về nhà đọc, sáng thứ hai gửi lại cho tôi với toàn là chỗ sửa be bét bằng bút đỏ! Cuối mỗi trang giấy ông yêu cầu tôi viết lại những đề mục hay những câu trả lời cuả tôi mà ông chưa vừa ý!
Tuy thế với thời gian, việc học của tôi đã dễ dàng hơn, nhờ các danh từ chuyên môn đã thông suốt, nhất là căn bản về chuyên môn đã khá cho nên đọc, hiểu dễ dàng hơn, thâu nhận nhanh hơn. Ðầu óc kém cỏi của tôi đã dần dần được khai sáng. An ủi hơn khi tôi qua kỳ thi nhập học một cách dễ dàng! Sự bực ghét, sợ hãi ban đầu của tôi đối với thầy đôi lúc đã làm cho tôi có ý định bỏ ngang việc học đã giảm sút và biến mất dần theo thời gian cùng với sự gia tăng tự tin của tôi.
Những ngày cực nhọc đã qua, khả năng chuyên môn của tôi tăng tiến thấy rõ, tình thầy trò đằm thắm, thân tình hơn, cùng với sự gia tăng kính mến, biết ơn cuả tôi dành cho thầy. Có một lần trong buổi nói chuyện, thầy đã nhận xét, tôi thuộc loại hơi kém thông minh nhưng chịu khó học! Tuy nhiên có một điều làm ông buồn lòng, đôi lúc làm ông bực nhất đó là tôi quá dốt tiếng Nhật! Tôi cho thầy biết, môn ngoại ngữ là môn tôi đã khổ vì cái dốt của mình, lại thêm khối óc hơi dưới trung bình đã gây khó khăn cho suốt đời đi học của tôi! Hơn nữa tôi không thể dành thời gian cho việc học tiếng Nhật được vì phần lớn sách báo, tạp chí khảo cứu mà tôi xử dụng đều viết bằng tiếng Anh.
Một người cha thân ái:
Có lẽ mỗi người sinh ra đều bị một số phận chi phối ít hay nhiều, ngay cả thời ấu thơ, lúc cắp sách đến trường học. Với tôi số phận đã chi phối hơi nặng nề! tôi đã quá khổ ải với việc đi học vì loạn ly, vì nghèo khó của gia đình! Lớn lên, ở cấp Trung học, Tú tài và Đại học tôi đã phải học quá cực, thời gian tôi dành cho sách vở gấp 2, 3 lần bạn bè của tôi nhưng cố lắm mới ngang được với họ mà thôi! Khi sang Nhật tu nghiệp, những người VN đi cùng lúc với tôi, họ thong dong và an nhàn quá! Họ được nghỉ hè, họ đi thăm nhau thường xuyên. Còn tôi gần như chẳng có ngày nghỉ và cũng chẳng có thời gian gặp bè bạn, trong suốt nhiều năm tôi học và sống ở Nhật Bản! Có lẽ số phận không may cũng chỉ có một phần nhỏ, nhưng phần lớn vẫn là sự thông minh dưới mức trung bình cuả tôi (mà thầy tôi đã thấy rõ)! chính vì thế tôi đã phải lấy sự chăm chỉ của mình bù đắp lại sự yếu kém đó.
Tuy vậy số phận lại đem cho tôi vài điều tốt đẹp, đó là thầy của tôi rất thương yêu, giúp đỡ tôi. Rất nhiều lần, vào buổi chiều tối thứ bảy (nhất là thời gian sau ngày 30 tháng 4 năm 1975) khi tôi đang làm thí nghiệm, thầy im lặng đến bên tôi hỏi nhỏ tôi có rảnh không, ông mời tôi đi ăn cơm tối hay đi uống cà phê... Trong những lần đi với nhau đó thầy tôi thường hỏi tôi rất nhiều về đời sống của gia đình bố mẹ tôi ở VN. Ý định tương lai của tôi và cả đến đời sống tình cảm riêng tư của tôi nữa! Dĩ nhiên tôi chẳng giấu ông điều gì, tôi cho ông biết tất cả tiền bạc dành dụm được trong mấy năm dè sẻn vừa qua, tôi gửi về cho bố mẹ tôi đã bị lường đảo hết! Bố tôi đã dại khờ lấy hết vốn liếng của gia đình và của tôi, chuyển ngân cho em trai tôi đang du học ở Ý vào giữa tháng 4/ 1975, được coi như tặng tiền cho các ông lớn của miền Nam VN làm vốn đào ngũ trước ngày 30 /4! Sau ngày 30/4 tôi lại phải cày lưng ra gửi về để trả nợ với những lỗi lầm của hai đứa em của tôi ở VN.
Tôi cũng cho ông biết tôi có ý định học xong rồi trở về nước làm việc vì tôi nghĩ rằng đất nước đã hết chiến tranh, hận thù rồi! Tôi cũng không nỡ bỏ cha mẹ, người đã cả đời hy sinh, đã từng nhịn ăn, chịu nhục nhã vì tôi! Tôi cũng không quên được những đứa em dại mà tôi đã thay thế ba mẹ tôi nuôi dưỡng, cưu mang nhiều năm vừa qua. Thầy tôi đồng ý với ý định đó, ông nói với tôi tài năng của mình sẽ có ý nghĩa hơn nếu được dùng để phục vụ tổ quốc của chính mình! Ðiều ước vọng của ông là một ngày nào đó ông sẽ thấy tôi có một vị trí ở VN, nơi ông mong muốn được đi du lịch và khi đó sẽ được tôi đón tiếp, hướng dẫn đi thăm viếng các phong cảnh ở VN.
Về vấn đề tình cảm riêng tư, tôi cho thầy tôi biết về người bạn gái của tôi hiện đang sống ở VN, chúng tôi vẫn còn liên lạc thân ái với nhau qua thư từ qua ngã Hà Nội và Paris (khoảng vài tháng đầu tiên năm 1975). Qua những lần nói chuyện đó, tôi chỉ nghĩ là những lời tâm sự để bớt đi một phần lo buồn trong tâm hồn mình vì những đổi dời của đất nước mà thôi. Nhưng không ngờ đã đưa đến cho tôi hai sự kiện sau đây:
Sự kiện thứ nhất: Khoảng đầu năm 1976 thầy tôi gọi tôi vào văn phòng làm việc, ông hỏi tôi rất nhiều về tình cảm, ý định tương lai của tôi với cô bạn gái ở VN, cuối cùng ông cho biết có thể can thiệp cho cô bạn gái sang Nhật với tôi nếu có sự yêu cầu và đồng ý của tôi. Tôi ngỡ ngàng, sung sướng với sự giúp đỡ của thầy. Lúc đó tôi mới biết, qua những lần nói chuyện, ông đã điện thoại trực tiếp lên bộ Giáo dục, bộ Ngoại giao Nhật yêu cầu sự giúp đỡ, can thiệp cho cô bạn của tôi sang Nhật đoàn tụ với tôi, họ cần một lá thư xin giúp đỡ từ cô bạn gái cuả tôi gửi cho họ bằng tiếng Anh và tôi phải làm đơn đồng ý làm đám cưới ngay khi cô ta sang Nhật. Khoảng vài tháng sau mọi giấy tờ và thủ tục được coi là hoàn tất, vé máy bay do chính phủ Nhật đài thọ...
Tôi sung sướng với sự trôi suốt tốt đẹp và nghĩ rằng ít ra những ngày tháng sắp tới những lo lắng cho tương lai của mình sẽ có thêm một người chia xẻ. Nhưng đến phút cuối cùng, khi đang đặt chương trình lên Tokyo đón người bạn gái mà hơn hai năm chúng tôi chưa gặp nhau. Tôi đã nhận được một lá thư từ chối ra đi của cô bạn gái trong sự thất vọng và khó hiểu của tôi cùng với sự đáng tiếc của thầy tôi!
Mãi sau này khi tôi đã sang Thụy Sĩ, năm 1986 có dịp trở về VN với vợ và con, tôi được biết cô bạn gái của tôi đã từ chối vào phút chót chỉ vì cơ quan địa phương khuyên nhủ. Theo họ sự chấm dứt liên hệ với tôi sẽ giúp sự trở về của bố và người anh đang học tập cải tạo sớm hơn! Nhưng sự chọn lựa đó chẳng mang đến một kết quả tốt đẹp nào ngoài hai chữ lỡ làng của mối tình mà chúng tôi đã nuôi dưỡng gần 4 năm trời! Người bố cô bạn gái chưa kịp trở về thì đã bị bệnh và mất trong thời gian cải tạo! Còn người anh sau khi mãn hạn học tập đã vượt biên đường bộ và mất tích! Tất cả là một thảm cảnh của một gia đình gặp quá nhiều bất hạnh!
Thêm một lần nữa, vào năm 1978 tôi cũng tâm sự với thầy tôi về một nhan sắc khác từ Mỹ, tôi cũng tưởng mọi việc đã chắc chắn! Tôi muốn thầy tôi có ít nhiều sự chia vui với tôi, đứa học trò mà ông luôn luôn lo lắng. Nhưng cũng lại dở dang vào phút cuối! Từ đó tôi không bao giờ tâm sự với thầy tôi về vấn đề tình cảm nữa dù ông có hỏi tôi! Tôi cũng cảm thấy người phụ nữ VN có khá nhiều điều khó hiểu (lúc đó tôi vẫn còn nghĩ oan cho nhan sắc đầu tiên của tôi ở VN đã từ chối sang Nhật với tôi chỉ vì nàng đã tìm được duyên mới!). Sau những lỡ làng không vui đó, tôi quen với vài người phụ nữ Nhật Bản nhưng chẳng bao giờ hứa hẹn và tuyệt đối giấu thầy tôi! Chính vì vậy người bạn gái Nhật mà sau này là vợ của tôi, tôi đã quen nàng cả năm trời khi tôi còn sống ở Nhật mà thầy tôi không biết, cho mãi đến khi chúng tôi cưới nhau ở Thụy Sĩ.
Sự kiện thứ hai: Mang đến cho tôi nhận định rõ ràng về tương lai, về suy nghĩ của mình và cũng là động lực làm cho tôi rời bỏ Nhật Bản để định cư tại Thụy Sĩ. Ðối với thầy tôi sự kiện này làm cho ông hiểu ít nhiều sự khác biệt giữa hoàn cảnh của VN sau năm 1975 và của Nhật sau thế chiến 1945! Ông thương cho hoàn cảnh của tôi hơn, và sau khi tốt nghiệp ông tìm việc làm cho tôi, cấp cho tôi những lá thư giới thiệu với những Đại học, viện Khảo cứu ở vài quốc gia Âu châu và Bắc Mỹ. Nhờ những giúp đỡ đó tôi đã rời Nhật đi Thụy Sĩ vào giữa năm 1979.
Sự kiện đó xảy ra vào khoảng tháng 2 năm 1977 khi tôi sửa soạn tốt nghiệp, thầy tôi khuyên tôi liên lạc với toà Đại sứ VN mới ở Tokyo. (Tôi nhớ rõ lúc đó ông Nguyễn Giáp là Đại sứ, ông Nguyễn Văn Sự làm Lãnh sự, hay phụ tá) để xin về nước làm việc sau khi tốt nghiệp vào tháng 4 sắp tới. Qua lần liên lạc, tôi có một cuộc hẹn với toà Đại sứ. Tôi đã phải khổ sở ngồi chuyến xe hỏa chạy chậm nhất, loại rẻ tiền nhất, với hơn một ngày từ Kagoshima tôi mới đến được Tokyo. (lúc đó tôi nghèo quá, tiền bạc dành dụm mấy năm trời tôi đã gửi về VN trả nợ cho sự dại khờ của gia đình và lũ em tôi hết rồi!). Lên Tokyo tôi tạm trú ở cư xá Ðông Du với một người quen để khỏi trả tiền khách sạn.
Trời tháng 2 buốt lạnh, tuyết phủ trắng Ðông Kinh tôi đến Toà Ðại sứ đúng như giờ hẹn. Cũng vẫn là cái village sang trọng của toà Ðại sứ VNCH ngày xưa mà đã một lần trước năm 1975 tôi đã có dịp viếng thăm! Nhưng bây đã đổi chủ rồi, lá cờ vàng ba sọc đỏ, lá cờ trong quá khứ tôi đã từng đứng nghiêm trang, kính cẩn chào nó từ lúc ấu thơ, tôi cũng đã từng mang những xúc động nồng nàn của tuổi thanh xuân với những lời quốc ca hào hùng chẳng bao giờ tôi quên.
Nhưng bây giờ nó đã được thay bằng một lá cờ khác, nền đỏ sao vàng với bài quốc ca khác! Lá cờ, lời hát của những người cùng dòng giống với tôi nhưng bên kia chiến tuyến! Chỉ có thế mà thôi! Ðau xót cho một cuộc đổi dời! Tủi nhục, vinh quang cho hai chữ thất bại và thành công.
Tôi đến đúng hẹn, dưới cái lạnh giá buốt, tuyết rơi buồn tẻ của Tokyo! Tôi đứng chờ bên ngoài cái cổng đóng kín! Một vị của tòa Đại sứ ra cho biết vì bận rộn họ không thể tiếp tôi được hôm đó, họ cho tôi cái hẹn khác vào sáng ngày mai! Biết làm sao hơn khi mình đang là kẻ dưới thế.
Ngày mai, vẫn đúng hẹn, tuyết vẫn còn rơi! trời Ðông Kinh vẫn cái lạnh buốt tháng 2! Tôi lại đến trong dáng dấp co ro, lạnh giá dưới những hạt tuyết lăn tăn bay trong gió! Nhưng tôi lại trở về vì ông Lãnh sự vẫn còn bận! Lại thêm một lần buồn da diết, biết sao hơn! Tôi cố nở một nụ cười cay đắng, tủi nhục cho những trớ trêu của định mệnh.
Lần thứ ba! Tuyết đã ngừng rơi, trời Ðông Kinh, hôm đó nắng ban mai chói lọi! Nhưng cái lạnh của tháng 2 vẫn còn! Cái lạnh cuả khí trời hay của tâm can một người chợt cảm thấy lòng mình thấm thía một nỗi buồn vu vơ! Tôi đã được ông Phụ tá Nguyễn Văn Sự tiếp chuyện, sau vài câu chào hỏi xã giao. Thân phận của tôi đã được điểm hoá bởi một câu nói mà tôi chẳng bao giờ quên, vì nó cay đắng quá.
''Chúng tôi biết những người lên trình diện quá chậm trễ (gần 2 năm sau ngày lịch sử 30.4.75 ) như anh, họ đều có những lý do để biện hộ. Vì bận việc, vì đường xa, vì tốn kém, không có thời gian, vì tất cả những lý do khác mà đằng sau nó có rất nhiều sự tính toán! Chúng tôi đã biết anh là một Sĩ quan ngụy quân, một Công chức khá lớn ngụy quyền! Tôi cũng biết anh đã từ chối không tham dự khoá học chính trị mà hội sinh viên, việt kiều yêu nước gửi giấy đến mời anh! ...'
Tôi im lặng, biện hộ gì hơn là im lặng! Ðó là sự thật! Tôi biết chính vài người bạn đồng nghiệp với tôi, họ đang là thành viên tích cực của chính phủ mới, họ đã biết và nói rất nhiều về tôi cho toà Đại sứ với một mục đích nào đó! Tôi hơi buồn khi nghĩ đến những người bạn cùng học trong Đại học Nông Nghiệp, cùng làm việc giảng dạy với tôi xa xưa, tại sao phải lấy sự bới móc một người bạn để làm lợi cho mình! Tại sao phải nói, chỉ có mình tôi trong số Giáo chức Ðại học Cần Thơ đi tu nghiệp là Sĩ quan VNCH! Tại sao tố cáo tôi từ chối giấy mời tham dự khoá học chính trị!... Rồi ông phụ tá nói chuyện với tôi chỉ bao quanh nghề dệt vải của tỉnh Nam Ðịnh là sinh quán của tôi (mà tôi chẳng biết tí gì về nó, tôi rời xa nó từ thủa còn ấu thơ!)
Cuối cùng tôi đề cập đến vấn đề xin về nước làm việc và tôi đã nhận được một câu trả lời: ''Ðất nước chưa cần đến tài năng của anh, anh nên học hành thêm để có dịp phục vụ tốt hơn!'' Chỉ có thế! một câu trả lời ngắn gọn và đơn giản quá! Nhưng xót xa quá, tôi đã phải bỏ mấy ngày trời làm việc, ngồi chiếc xe điện rẻ tiền chậm chạp nhất, hơn 2 ngày trời cho lần đi và về để rồi chỉ nhận lấy một câu điểm hoá thân phận mình cay đắng và một câu trả lời đơn giản đến thế sao?! Tôi đến đây xin về nước làm việc với tư thế của kẻ muốn đóng góp cho quê hương sau cuộc chiến (như lòng tôi ước mơ, cũng như mong đợi của thầy tôi), tôi đâu có đến để trình diện với toà Đại sứ dưới thân phận của một người chiến bại.
Nhưng dù với cái tư thế, cái thân phận nào, cũng mang đến cho tôi nỗi buồn xé nát tâm can! Tôi chợt cảm thấy quê hương mình dù đã im tiếng súng và máu lửa chiến tranh, nhưng vẫn còn lại rất nhiều ngăn cách giữa người chiến thắng và kẻ chiến bại.
Khi ra khỏi toà Đại sứ nhìn bầu trời Ðông Kinh nắng vàng buổi gần trưa. Tôi lủi thủi đi một mình như một kẻ không hồn, tôi đến nhà ga xe điện nhìn cái đông đảo, ồn ào, sầm uất cố hữu của Tokyo! Tôi cảm thấy lòng mình bị tràn ngập một nỗi cô đơn, trống vắng! Thành phố Tokyo rộng lớn quá! Ðất nước Nhật giàu có, thịnh vượng quá! Quê hương tôi cũng rộng lớn, đã từng hào hùng của những thời Lý, Lê, Trần... với những chiến công phạt Tống, bình Chiêm, với những lần ngạo nghễ sát đuổi Minh, Thanh... chả nhẽ những nơi đó không dành cho tôi một chỗ đứng rất nhỏ để sống và làm việc hay sao?! Tâm hồn tôi quặn đau, nước mắt tôi trào ra! Tôi khóc! hình như tôi cũng vừa nhận chân được cảm giác của một người đang bước vào một không gian mà toàn là dấu tích của vô định!
Lúc ngồi trên chiếc xe điện để trở lại Kagoshima, tôi nhìn bâng quơ các nhà trọc trời, các xưởng kỹ nghệ đồ sộ và những căn nhà dân cư mái ngói màu xanh, màu đỏ. Tôi nghe những tiếng còi tàu, những tiếng nhạc của máy phóng thanh ở các sân ga mà con tàu chạy qua... Tất cả hình ảnh và âm thanh đó hoà trộn với những suy tưởng và tâm trạng buồn đau vu vơ của tôi cũng như với những ước mơ trong trí não và trong tâm hồn tôi để tạo ra một bức tranh phức tạp, sống động nhưng rất buồn bã cuả đời tôi.
Bức tranh hiện ra trong ảo giác, trong sự tưởng tượng của tôi nhưng rất kỳ lạ tôi không thể tìm ra được chủ đề của bức tranh đó được. Nó mù mờ, mông lung quá, hình như có một vài sắc thái của buồn tủi, của đớn đau. Nó ẩn hiện cái dáng dấp của một kẻ lang thang tìm sống ở một xã hội giàu có, bên những bữa cơm sang trọng, rượu ngon, thịt béo... Mà trong ánh mắt của kiếp lãng du vẫn còn cái gì trống vắng, băn khoăn của kẻ mất quê hương! Vâng, nó cũng có vài hình ảnh của một người tha phương kiếm sống trong lúc chán chường đang tìm phương cách quyên sinh!
Chiếc xe điện loại rẻ tiền, chậm chạp nhất mang tôi xuống miền Nam cùng hướng với quê hương tôi, nhưng tôi phải xuống ở cái ga cuối cùng Kagoshima, cực Nam của Nhật Bản. Tôi nhìn về hướng Nam xa xa, tôi nghe thấy tiếng đập của những làn sóng biển vỗ vào bờ, tôi nghe thấy âm thanh của lòng tôi đang đau xót... Hình như tôi cũng vừa thấy quê hương VN quý yêu của tôi, nơi đó có mẹ cha, mấy đứa em dại của tôi, những ngườI bạn thân xa xưa và cả bóng dáng người tình đẹp xinh, mến yêu của tôi nữa... Tất cả những người thân thương đó đang đùa vui trong hạnh phúc với quê hương oai hùng thịnh vượng xa xưa của tôi, họ đang nhìn tôi mỉm cười, vẫy gọi... Với ảo tưởng đó, tôi quên đi cái cực nhọc, cái buồn bã của lần lên Tokyo vừa qua.
Trở về đây tôi mang theo một giấc mơ, một ảo giác và một nỗi buồn sâu kín trong tâm! Rồi khi chợt tỉnh nhớ đến quê hương vẫn lầm than, đói khổ, vẫn ngăn chia, thù hận! Tôi tự hỏi bao giờ những giấc mơ và ảo giác đẹp đẽ của tôi thành sự thật!?
Khi tôi trở lại Kagoshima, ngay buổi sáng hôm sau thầy tôi gọi tôi vào phòng làm việc để hỏi tôi về kết quả cuộc đi! Tôi buồn rầu nói rất rõ sự việc cho thầy tôi nghe, nhưng tôi có cảm giác ông không tin nhiều lắm vào những điều tôi nói! (Có ai tin được một quốc gia vừa thoát khỏi chiến tranh, với biết bao nhiêu đổ vỡ, nhân lực bị tiêu hao, nhất là tài năng đã đổ dồn cung ứng cho chiến trường... lại từ chối một chuyên viên xin về để đóng góp, để xây dựng lại những tàn phá cơ chứ?). Qua vài câu nói, tôi biết rằng thầy tôi tưởng tôi đã thấm bả bơ sữa, dollar của thế giới giàu có mà Nhật Bản, quê hương của ông là một thí dụ điển hình! Biết làm sao hơn là im lặng cùng với nỗi buồn còn sót lại trong lòng sau cuộc đi Tokyo vừa qua.
Khoảng vài ngày sau thầy tôi lại gọi tôi vào văn phòng, ông nhìn tôi với ánh mắt đầy thương hại! Im lặng một lúc rồi ông hỏi tôi về đời sống bố mẹ, anh em tôi ở VN! Cuối cùng ông cho tôi biết ông đã điện thoại lên toà Đại sứ Việt Nam và đã được một câu trả lời: ''Hiện nay đất nước chúng tôi chưa cần tài năng của anh ấy, nếu giáo sư thương anh ta xin giáo sư giúp đỡ anh ấy học thêm!''
Từ đó thầy tôi thương và cảm thông hoàn cảnh của tôi hơn và đó chính là lý do thầy tôi đã nhờ vả xin việc làm cho tôi tại một hãng biến chế thực phẩm lớn nhất của tỉnh Kagoshima. Tình thầy trò thắm thiết hơn, đôi lúc thầy tôi gọi điện thoại mời tôi đến nhà ăn cơm, tâm sự. Ông biết tôi thích nền văn hoá cổ của Nhật Bản cho nên mỗi lần tôi đến thăm, tôi lại được vợ của thầy làm lễ dâng trà (trà đạo) cho tôi. Bà dạy tôi những thủ tục khá phức tạp để tiếp nhận khi bà dâng trà cho tôi thưởng thức. Tôi cũng được tham dự hay được bà giải thích những lý thuyết về sự cân đối, sự hoà hợp của màu sắc, của loại hoa, của mùa hoa, ý nghĩa, mục đích của các chậu hoa... Trong những lớp dạy cắm hoa Nhật cuả bà.
Mỗi khi có những buổi trình diễn nhạc cổ truyền như kịch Kabuki, kịch Nô... tôi lại nhận được giấy mời hay cùng đi với vợ chồng thầy tôi, nhờ vậy tôi đã được thưởng thức và được hướng dẫn, giải thích khá nhiều về nền âm nhạc cổ truyền Nhật Bản, dù tiếng Nhật tôi rất dở so với bất cứ một người sinh viên VN nào sống và học nhiều năm ở Nhật như tôi.
Một người bạn tâm giao:
Từ khi tôi đi làm việc và nhất là từ khi thầy tôi nhìn thấy con đường về nước của tôi không đơn giản như ông nghĩ, nó hoàn toàn khác biệt với vài người bạn của ông đã từ Mỹ trở về Nhật Bản sau khi thế chiến thứ II chấm dứt! Ông biết tôi quá buồn và xuống tinh thần vì tương lai, vì mẹ tôi bịnh hoạn hoài, gia đình tôi luôn luôn bị gặp khó khăn! Thỉnh thoảng vào buổi chiều, ông điện thoại vào hãng, hẹn với tôi đi uống rượu hay ăn nhậu ban đêm. Vào những dịp lãnh tiền thưởng (bonus) ông dẫn tôi đi tham dự vào các bữa ăn, gọi các cô Geisha tiếp rượu, múa hát giúp vui, những lần đó ông thường rất hứng thú, ông uống rượu nhiều hơn, kéo tôi đứng dậy múa hát, cợt nhả cùng với các cô Geisha!
Có lẽ khoảng thời gian lúc đi làm việc sau khi tốt nghiệp là thời gian tôi buồn bã nhất! Buồn vì thấy rõ đường về quê hương đã bị ngắt đoạn bởi quá nhiều sự ngăn cách! Buồn vì công việc làm của tôi chỉ dành cho một kẻ học nghề mà thôi! Thêm vào đó gia đình tôi ở VN lại găp biết bao nhiêu vấn đề khổ ải. Những đồng tiền tôi dè sẻn gửi về với hy vọng mua được sự an nhàn cho bố mẹ, lũ em của tôi, như những nắm muối bỏ bể!
Hàng ngày tôi đến hãng, đi dọc theo bờ biển, qua những cửa cuả vài con sông dẫn nước ra biển... Tôi đếm thời gian, những ngày buồn chán của đời tôi bằng cách ghi nhớ mức độ của thủy triều lên xuống! Những ngày mực thủy triều lên cao nhất tôi biết đó là ngày 15 hay 30 âm lịch mỗi tháng... cứ như thế, tôi kéo dài đời mình trong chán chường buồn tẻ.
Ðã rất nhiều lần với nỗi chán chường cho tương lai đen tối, ý định quyên sinh đã đến với tôi, vì chẳng còn gì để mong đợi, ước mơ, khi tất cả cuộc đời toàn là tạm bợ, không có lối thoát! Cứ 3 hay 6 tháng lại phải chạy điên đảo với giấy tờ bảo lãnh của thầy học, của hãng xưởng đem đến toà Hành Chánh tỉnh để xin giấy phép làm việc! Còn tương lai chẳng biết đi về đâu, việc làm thì tạm bợ! Các công việc nặng nhọc, thấp hèn, dơ bẩn đang đợi chờ tìm đến với tôi không xa lắm khi tôi hết hợp đồng với hãng mà tôi đang làm việc! Hình như đoán được cái ý tưởng không vui, buồn chán cuả tôi, vài người bạn trai và gái cũng như gia đình thầy tôi đã khuyên nhủ, nâng đỡ tinh thần tôi, nhờ họ tôi đã thoát khỏi cái thời điểm bi đát nhất cho mãi đến khi tôi rời Nhật Bản đi Thụy Sĩ.
Kết luận:
Thầy ạ, con viết biết thế nào cho đủ, cho trọn vẹn những gì con muốn nói, muốn tâm sự về thầy, người thầy mà con biết ơn với lòng kính mến chân thành. Về chính con, người học trò mà thầy đã đặt quá nhiều mong đợi, ước mơ, để rồi cuối cùng chỉ còn là thở dài, thất vọng!
Con còn nhớ cách đây 5 năm khi thầy và vợ, người vợ toàn vẹn tài và đức đã đến Thụy sĩ thăm gia đình con. Con dẫn thầy đi thăm các thắng cảnh cuả Thụy Sĩ, Zurich thành phố của ngân hàng, tiền bạc. Genève nơi hội họp thế giới quanh năm... Jungfrau đỉnh núi quanh năm tuyết phủ, rồi Davos, biệt danh của những cuộc họp kinh tế toàn cầu. Con giới thiệu thầy những món ăn đặc sản của Thụy Sĩ, Âu châu, con cùng với thầy thăm đỉnh Monte Blanc trắng xóa, nóc nhà cao nhất của Âu châu... Ðâu đâu thầy cũng khen đẹp, chụp rất nhiều ảnh lưu niệm! Nhưng thầy có biết không, khi nghe những lời khen của thầy, con có cảm tưởng như một mũi kim nhọn, cấu xé tim con với những nhói đau, buốt lạnh!
Có lẽ thầy không quên, ngày con sống và học ở Nhật bản, thầy đã nói với con về sự ước muốn, sẽ có một lần thầy sang thăm VN quê hương con, quê hương của đứa học trò mà thầy gửi gấm qúa nhiều ước mơ. Con cũng thủ thỉ với thầy con sẽ sống, sẽ làm việc cho quê hương con như thầy chỉ dạy, con sẽ đón thầy, dẫn thầy đi thăm quê hương đẹp đẽ của con. Nhưng thầy ơi, bây giờ chỉ còn là ảo vọng! Ðời sống và ước mơ của con đã lỡ điệu rồi! Quê hương con đã xa xôi! thân phận con chỉ còn là kiếp một tha phương!
Những lời thầy khen, những tấm ảnh lưu niệm thầy chụp ở Thụy Sĩ, chính ra nó phải dành cho quê hương con thầy ạ. Con dự tính khi học xong trở về với đất nước, con sẽ đón thầy, dẫn thầy đi thăm cái bát ngát, trái ngọt, cây lành... của đồng ruộng miền Nam với hai nhánh sông Cửu Long vĩ đại quanh năm đục ngầu phù sa mầu mỡ. Con sẽ đi với thầy ra miền Trung, ngắm nhìn bờ biển xanh ngắt, với những dốc đá cheo leo của dãy Trường sơn chạy dài theo đất nước của con.
Rồi miền Bắc, Hà Nội nhỏ bé dễ thương, đó Thăng Long thành với bao nhiêu dấu tích oai hùng Ðại Việt ngàn năm! Rồi Vịnh Hạ long dáng đẹp thiên đàng mộng mị! và nếu được con sẽ chỉ cho thầy xem Ải Nam Quan nặc mùi tử khí, nơi đó, thủa xa xưa Nguyễn Trãi ''Qùi lạy cha, lên đường ảm đạm! Rồi Nam Quan theo gió con bay về...'' ông trở về để viết lên bản văn đày hùng khí ''Bình Ngô Ðại Cáo'' âm thanh lưu truyền muôn thủa! Cũng cái Ải Nam Quan oai hùng, thấm máu kẻ xâm lăng đó Thoát Hoan chui vào ống đồng nhưng bên tai vẫn còn vang vọng mấy câu thơ của vua tôi nhà Trần:
Trần Trọng Kim dịch
Rồi Vương Thông tên thái thú nhà Minh chở xác Liễu Thăng, Lương Minh về Tầu giận mình đã quên lời nguyền cuả anh hùng họ Lý xa xưa:
Nhưng đành thôi thầy ạ! Con có được về quê hương con đâu mà nói những ước mơ thầy nhỉ?
Những lá thư thầy viết cho con hàng năm, nhìn nét chữ quen thuộc của thầy con cảm nhận được sự già nua, qua những cuộc điện thoại, nghe giọng nói con biết tuồi già của thầy đang chồng chất. Nhưng đó là lẽ tuần hoàn của tạo hóa thầy ạ. Ðiều quan trọng là con vẫn còn thấy thầy khoẻ mạnh dù với cái tuổi 84. Con mừng lắm! với cái tuổi đó thầy đã có được biết bao nhiêu tự hào của một người đã có quá nhiều trọn vẹn trong đời. Trọn vẹn với chính cá nhân, trọn vẹn với nước non dân tộc của thầy. Thầy xứng đáng để tự hào lắm, tự hào với chính mình, tư hào với quê hương tổ quốc hào hùng của thầy nữa.
Còn con làm gì hơn được với một nỗi buồn khó nói! nhìn về thân phận, tài năng của chính mình, con đã có quá nhiều sự yếu kém, bất tài! Còn với quê hương, đến bây giờ con chưa có một hành động nào gọi là phản quốc, hại dân nhưng cũng chi là một kẻ vô dụng, vẫn còn trốn một món nợ nần với đất nước của con mà thôi!
(December, 1999)
Phần Kết Luận:
Lá thư gửi độc giả
(Buông xuôi nhưng vẫn Nguyện cầu)
Kính thưa qúi vị độc giả,
Có lẽ bài ký sự này của tôi mang đến cho quý vị một vài cảm nghĩ nào đó. Một sự đồng ý hoàn toàn. Một sự phản kháng quyết liệt hay những tiếng thở dài cho một kẻ lấy ngòi bút để than van cho một giấc mơ, một ước mộng không thành! Nhưng cũng có thể có một vài người nào đó sẽ rớt nước mắt cùng với tôi khi nghĩ đến cái đau xót của riêng tôi. Nó là hình ảnh cho sự ngỡ ngàng, đau khổ cuả một thế hệ mà chúng tôi vừa mở mắt chào đời đã nghe thấy tiếng bom đạn của chiến tranh. Lớn thêm một tí nữa, ở cái tuổi 18, 20 thay vì chúng tôi được cắp sách đến trường, mơ mộng với yêu đương, thoải mái trong thanh bình! Nhưng chúng tôi phải dẹp bỏ tất cả. Ðổ dồn thời gian với sách vở và đêm tối! Nếu không muốn chỉ vì trượt một cuộc thi, gặp một mất may mắn nhỏ nhoi trong đời. Chúng tôi phải khoác áo chiến binh để nhập cuộc vào một cuộc chiến tranh mà chúng tôi không hiểu ý nghĩa của nó!
Cuối cùng nếu chúng tôi may mắn sống sót qua những cơn gió bão của đất nước vừa qua. Chúng tôi được hưởng cái gì sau khi ngừng tiếng súng? Thịnh vượng, sung túc ư? cũng chẳng có! Ðoàn tụ, quây quần dưới mái gia đình có cha mẹ, anh em để hát những bài ca thanh bình ư? cũng thấy đâu! Tất cả chẳng có gì cả! Chúng tôi lại khởi sự với một khó khăn mới, khó khăn của những kẻ đã luống tuổi đời sống tha phương, đầy rẫy những cản ngăn của phong tục và văn hoá khác nhau! Ðã thế biết bao nhiêu người chúng tôi đã phải trả giá bằng sinh mạng, bằng tủi nhục, bằng tan vỡ gia đình với biển cả và hải tặc.
Còn những người khác cùng thế hệ chúng tôi đang sống trong nước (dù Nam hay Bắc, dù chiến thắng hay chiến bại) cũng được gì sau cuộc chiến? Sự no ấm, sự an ninh ư? vẫn chỉ là những đợi chờ! Một xã hội nhân bản, với nền giáo dục tối thiểu, luật lệ ngay ngắn, có những con người trong sạch, gương mẫu lèo lái quốc gia ư? Vẫn còn mù mờ và hình như chỉ là những ảo vọng!
Thưa quý vị, dù với một cảm nghĩ theo một định hướng nào của quý vị đối với bài viết của tôi, vẫn là những điều mà tôi đành phải chấp nhận. Có cái gì mà không có sự chống đối và đồng tình đâu? Quan trọng là sự chống đối, đồng tình đó nó phát nguồn tự sự trung thực, khách quan, từ sự xây dựng, sửa sai. Nếu có như vậy nó đúng là những điều mà tôi chờ đợi nơi quý vị đó.
Ðọc đến đây có lẽ một vài quý vị tự hỏi tôi đang viết về các vị thầy cuả tôi hay về cuộc đời, ước mơ của chính tôi? Tôi xin thưa với quý vị không một tí ngại ngần. Tôi viết cho cả hai quý vị ạ. Với thầy học tôi viết để cám ơn, để tôn vinh những sự dạy dỗ của các vị thầy tôi đã tạo tôi thành một con người có ít nhiều khả năng và liêm sỉ! Với cá nhân mình, tôi viết để than van cho một thế hệ (mà hình ảnh là tôi) đã sinh ra, lớn lên trong muà tao loạn! Chính vì thế tôi đã mở đầu với một lá thư gửi thầy và kết luận với lá thư gửi quý vị. Cũng trong phần kết luận của bài viết này tôi muốn gửi đến hai thành phần (cũng là độc giả, nếu họ đọc nó ) đang có nhiều quyền lực hay đang ôm nhiều tham vọng nhất đối với quê hương.
Thành phần thứ nhất, là những người đang lèo lái con thuyền quốc gia ở trong nước. Quý vị có một lần nào ngồi trong bóng tối, trong im lặng để nhìn rõ, nghĩ rõ về mình chưa? Quý vị có thật sự là người phục vụ cho dân tộc, tổ quốc chúng ta chưa (Ðừng nói đến những tháng năm xa xôi, nó mù mờ, phức tạp quá. Hãy nói đến thời gian của những năm sau ngày 30/4/ 1975)?
Ðã 25 năm rồi chưa đủ để quý vị xóa bỏ hận thù hay sao? Quý vị còn nghĩ đến kẻ chiến bại, người chiến thắng, vẫn còn dùng chữ ''Ngụy '' đến bao giờ nữa? Còn những tấm phiếu lý lịch nữa ư? Quý vị chưa tha thứ cho một đứa bé nó được sinh ra vào năm 1975. Nó có tội tình gì để đến nay vẫn phải vác cái chữ ''Ngụy'' trong đời sống! cái chữ kỳ lạ mà nó hoàn toàn không biết ý nghĩa và nguyên nhân dù đã 25 năm! 25 năm tội lỗi oan uổng! 25 năm của ngơ ngác buồn đau!
Tôi mong mỏi quý vị hãy nghĩ đến tổ quốc, dân tộc mình một tí để làm gương trong vai trò một người lãnh đạo. Quý vị hãy trong sạch hơn, công bình hơn, tha thứ hơn, xử dụng người hiền tài hơn dù họ là người khác chính kiến với quý vị. Quý vị hãy thật thà để nhìn vào thực tế, 25 năm rồi, sau ngày hết chiến tranh. Một khoảng thời gian không phải ngắn nhưng quốc gia mình vẫn còn là quốc gia nghèo khổ và chậm tiến. Vẫn mang tiếng là một nơi của lòn cúi, tham ô! Vẫn là nơi bất công, nhiều khổ ải trên trái đất! Ðừng qúa chủ quan, đừng qúa ngụy biện để chỉ nhìn thấy vài thành công nhỏ bé rồi biện hộ cho những cái thất bại lớn lao, tội lỗi với quê hương của mình! Hãy hy sinh mình thêm một tí, hãy quên mình thêm một tí cho dân tộc, quê hương quý vị ạ!
Thành phần thứ hai, những người đã ra đi từ miền Nam sau năm 1975. Những người đã một thời vùng vẫy trên nửa miền đất nước. Quý vị là Tổng Thống, Thủ Tướng, là Tổng Trưởng, Dân Biểu là các vị Thượng Tọa, Linh Mục, là những Chính Trị Gia tai mắt... Tất cả những vị đã có lần nào ngồi nhớ lại một quá khứ của quý vị chưa ? Quý vị tự hào đã vì dân, vì nước hay qúi vị xấu hổ với lương tâm của một người lãnh đạo vì tranh giành quyền lợi, chức vụ, vì cờ bạc thâu đêm suốt sáng? Tôi chẳng muốn đề cập đến quá nhiều vì nó nhàm chán quá rồi hãy để cho quý vị suy nghĩ là hơn! Nhưng tôi vẫn còn một thắc mắc quý vị ạ! Qua các tờ báo (mà quý vị dùng nó để phân chia phe đảng, chống đối, chửi nhau, chụp mũ nhau!) quý vị hô hào chống CS hay quý vị đang tranh giành một tiếng tăm? Quý vị chống CS với bất cứ phương tiện và đường lối nào kể cả việc quậy cho đất nước trở nên loạn ly! Có vị còn mong mỏi tạo ra một Nam Kỳ Quốc ...
Quý vị đã suy nghĩ kỹ lưỡng cái con đường chống CS của quý vị chưa? Một lần Trịnh Nguyễn phân tranh lấy sông Gianh làm chiến địa. Một lần Quốc Cộng tranh hùng hai bên sông Bến Hải chưa đủ tang tóc cho dân tộc, quê hương mình hay sao? Quý vị có bao giờ tưởng ra cái cảnh trong nước lộn xộn. Kẻ thù phương Bắc lại sang. Nếu nó biến quê hương mình như Tây Tạng, hay ít hơn nữa nó chiếm lấy miền Bắc hay vài hải đảo, nơi đó là bao nhiêu dấu tích của xương máu tiền nhân... Quý vị có mang miệng lưỡi Tô Tần đễ thuyết phục cho Mỹ, cho Tây Âu mang máy bay, hoả tiễn tấn công Bắc Kinh được không (như Nam Tư, Irak)? Hay quê hương, dân tộc lại phải khổ sở với việc xua đuổi quân thù! Lại tang tóc, lầm than!
Quý vị được gì khi đất nước loạn ly? Quê hương, dân tộc được gì với súng bom, máu lửa? Chỉ vì vội vã để thoả mãn một chữ trả thù mà chúng ta phải đánh đổi với một giá quá mắc thế sao? Hãy nghĩ lại quý vị ạ! Hãy chống cộng với một phương pháp nào an toàn cho đất nước hơn! Hãy nhìn CS Ðông Âu tàn tạ không cần súng đạn, máu xương để học hỏi! Thế kỷ 21 đã bắt đầu, thế kỷ của nhân quyền, của kinh tế cạnh tranh, của khoa học trí thức... Hãy ôm lấy những cái đó để làm khí giới chống CS, nó an toàn cho dân tộc và đất nước hơn.
Ðể kết luận bài viết, tôi xin xác minh tôi chẳng phải là nhà chính trị, cũng chẳng có tài chỉ huy... Chỉ là một người dân bình thường có ăn học! Ðọc lịch sử đưa ra vài suy nghĩ mà thôi! Tìm ra một giải pháp, một con đường để cứu nước giúp dân. Tôi đúng là một kẻ dốt nát, bất tài, tôi không dám mạn đàm với quý vị. Nhưng tôi nghĩ rằng quý vị (trong cũng như ngoài nước, CS hay QG) thông minh có thừa. Quý vị biết, quý vị hiểu tất cả. Nhưng điều quan trọng là quý vị có muốn làm hay không mà thôi! quý vị có thật sự yêu nước mến dân hay không mà thôi! Tôi cầu xin (tôi có vẻ hèn nhát quá khi dùng chữ cầu xin!) quý vị đừng lấy những cái mũ: Chống CS, theo CS, tên nằm vùng... để chụp lên đầu tôi, nó đau xót, oan uổng cho tôi quá! Tôi viết bài này không theo mà cũng chẳng chống đối quý vị! Tôi than van, tôi cầu khẩn quý vị thương dân yêu nước mà thôi! Dân tộc và đất nước ngàn năm của chúng ta đã quá thiệt thòi rồi, đang trông ngóng nơi quý vị đó. Cuối bài tôi viết ra đây một đoản văn của Trần Trọng Kim, nhà sử học, nhà văn học, nhà mô phạm, ái quốc... để quý vị suy ngẫm:
''Nước nào cũng có lúc bỉ lúc thái, đó là công lệ tuần hoàn của tạo hóa trong thế gian. Từ xưa chưa thấy có nước nào cứ thịnh mãi hay cứ suy mãi. Khi lâm vào cảnh bỉ mà người trong nước cứ vững lòng giữ được cái nghị lực để sinh tồn và tiến hoá, thì rồi thế nào cũng có ngày chấn khởi lên được. Vậy chúng ta đây đều là một dòng dõi nhà Hồng Lạc, nếu ta biết kiên tâm bền chí, thì há lại không có một ngày ta có cái địa vị vẻ vang với thiên hạ hay sao? Sự ước ao, mong mỏi như thế là cái nghĩa vụ chung cả chủng loại Việt Nam ta vậy.'' ( Việt Nam Sử Lược, Trần Trọng Kim)
Thụy Sĩ , cuối năm 1999
Lưu An