Nhớ về nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông (1932 – 2018), giới yêu nhạc thường nhắc đến những nhạc phẩm được sáng tác trong thời chinh chiến như “Hàng Hàng Lớp Lớp”, “Phiên Gác Đêm Xuân”, “Mấy Dặm Sơn Khê” v.v. Bên cạnh đó, những khúc hát tình ca của ông cũng làm ấm áp lòng người mộ điệu giữa khi đất nước đang mịt mờ khói lửa và hòa bình còn ở một nơi rất xa hay đến mấy mươi năm sau phải bước thấp, bước cao lạc loài nơi đất khách. Nhân kỷ niệm 7 năm ngày nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông xa lìa cõi tạm (26.02.2018 – 26.02.2025), xin mượn tạm những dòng này để tiếc nhớ một nhạc sĩ tài hoa, một quân nhân với lòng yêu nước thiết tha và sống trọn vẹn với một cuộc đời binh nghiệp lẫy lừng.
1
Dáng Xuân Xưa
Mùa đông rét mướt cũng đi qua, cây cành trơ trụi lá đang âm thầm trở mình chào đón chúa xuân sang. Mấy nụ hoa điểm sắc và tô thêm đậm đà màu nắng mới như đang lả lơi, cợt cười trong gió sớm. Mùa xuân dù rạng rỡ nhưng cũng không mang trọn vẹn niềm vui mà gợi nhớ, gợi thương một mùa xuân cũ, thuở còn nhau, tay trong tay và nguyện thề đi bên nhau cho đến hết cuộc đời. Trâm gãy, bình rơi và gương xưa đã vỡ tan thành nhiều mảnh khiến đường ai nấy bước để kẻ ở chân trời, người nơi cuối biển. Nhớ thương nhau chỉ còn trong giấc chiêm bao hay nỗi niềm tiếc nhớ những ngày yêu dấu đã rời xa…
“Xuân sang lả lơi cợt gió hoa cười
Nỗi riêng chạnh nhớ một người
Từ mùa xuân trước đến bây giờ còn mơ”
Cùng sánh vai nhau giữa vườn xuân với hoa mai, hoa đào khoe hương sắc mà nghe hạnh phúc trào dâng trong từng mạch máu. Vì không biết được mai sau sẽ ra sao nên bướm hoa cứ quyến luyến bên nhau trong vườn xuân bát ngát, trao cho nhau lời yêu thương chất ngất và chỉ âu lo ngày xuân chóng phai tàn…
“Xuân nao sánh vai cùng ngắm hoa đào
Ái ân nào chẳng lúc tàn
Vườn em thơm ngát chờ anh bước sang”
Chiều rơi hờ hững tận nửa vòng trái đất, hỡi người yêu dấu bên bờ đại dương, có còn tưởng nhớ đến lời hẹn ước ngày xưa. Nơi đây, mùa xuân lại về xôn xao bao nỗi nhớ, hoa nở chim ca rộn ràng, chợt nghe “con oanh học nói trên cành líu lo” mà cõi lòng xót xa, bồi hồi khi ngày hạnh phúc đã trôi vào dĩ vãng..
“Xuân năm nay mang về bao kỷ niệm ngày xưa thênh thang
Bâng khuâng thấy hoa mỉm cười chạnh nhớ đến người
Đầu cành oanh ăn nói, hình dáng xuân xưa”
Thời gian thấm thoát thoi đưa và nào ai ngờ được sẽ có lúc duyên tàn, tình tận. Ngày tháng trôi đi, hoàn cảnh địa lý cách trở nhưng lòng người đâu dễ phôi phai. Ôi, dáng xuân xưa nay biết về đâu. Ước mơ lỡ làng, người người mãi mãi xa nhau để lời thương, tiếng nhớ vẫn được nuôi dưỡng âm thầm và chợt sống lại mỗi khi mùa xuân đến..
“Em ơi ước mơ thì cũng lỡ rồi
Trách nhau thì cũng xa rồi
Lòng ta lơ đãng mà xuân vẫn sang”
Nghe lại “Dáng Xuân Xưa” chợt nao lòng nhớ đến nhạc phẩm “Nhớ Một Chiều Xuân” đã được ra mắt trước đó chưa lâu. Mối tình thơ mộng trên bờ biển Hawaii ngày nào không thể vượt đại dương và không có đoạn cuối như ước vọng của người trong cuộc để người lính đa tình cứ vấn vương, thương tiếc và âm thầm gởi tâm tư vào lời ca, tiếng nhạc. Hỡi người xa xăm nơi phương trời đó, biết người còn thương còn nhớ và phương này vẫn hun hút nỗi chờ mong.
2
Người Lính Và Mùa Xuân
Cuộc chiến khốc liệt thổi qua vùng đất hẹp. Những thanh niên trẻ măng xếp bút nghiên, rời ghế nhà trường lên đường theo tiếng gọi non sông. Họ đã hy sinh một quãng đời tuổi trẻ tươi đẹp để giữ cho hậu phương được bình an. Cũng như bao trai tráng lớn lên trên giữa thời loạn lạc, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đã chấp nhận gian lao khi dấn thân vào cuộc đời binh nghiệp.
Khi tháng Chạp cuối năm mang theo những cơn gió mùa khô lạnh, mọi người trên dãy đất hình chữ S lại hân hoan đón Tết, háo hức đón chào một năm mới với nhiều ước vọng. Tiếng pháo mừng xuân từ thành thị đến nông thôn cũng hòa với đất trời đang chuyển mùa, cây cành thay lá mới. Đêm Ba Mươi nơi tiền đồn heo hút, không bánh tét, không thịt mỡ dưa hành, không mùi khói nhang mà chỉ có những đốm sáng hỏa châu lướt qua thật nhanh trên những nóc chòi canh tĩnh mịch. Phút giao mùa nơi chiến tuyến heo hút không thân nhân, không gia đình bên cạnh hỏi sao không chạnh lòng khi nhớ đến những người thân. Người lính Nguyễn Văn Đông tuổi ngoài đôi mươi với tâm hồn nhạc sĩ nhiều cảm xúc đã viết lên khung nhạc những cung bậc bùi ngùi...
“Đón giao thừa một phiên gác đêm
Chào xuân đến súng xa vang rền
Xác hoa tàn rơi trên báng súng
Ngỡ rằng pháo tung bay
Ngờ đâu hoa lá rơi” - (“Phiên Gác Đêm Xuân”, Nguyễn Văn Đông)
Hành trang trong tim là mối tình thời trai trẻ còn gửi lại nơi quê nhà nhưng chiến cuộc dài đăng đẳng, đời lính rày đây mai đó nên thuyền ghe cứ ngược nước lênh đênh. Vì tổ quốc và trách nhiệm trên vai, bao niềm ước mơ yêu thương, sum vầy vẫn mãi là mơ ước vời vợi, xa xôi.
Năm tháng trôi nhanh, mùa xuân có về nơi đóng quân tận miền xa hun hút. Ngó thấy cánh mai rừng bên vách núi cheo leo mới biết xuân đang về trên đất mẹ. Nỗi nhớ thương gia đình, niềm tiếc nhớ một tình yêu ở một nơi xa không biết bao giờ mới có dịp đoàn viên. Chiều rơi hờ hững tận nửa vòng trái đất, hỡi người yêu dấu bên bờ đại dương, có còn tưởng nhớ đến lời hẹn ước ngày xưa. Nơi chiến địa còn nồng mùi thuốc súng, hoa xuân rơi tan tác giống như tâm hồn người lính trẻ đang thổn thức kiếm tìm..
“Chiều xuân có người ngơ ngác đi tìm
Một tình thương nơi phương trời cũ
Chiều nay hoa xuân bay nhiều quá
Chiều tàn dần phai trên ngàn lá
Tìm đâu bóng hình ai” - (“Nhớ Một Chiều Xuân”, Nguyễn Văn Đông)
Hòa bình được lập lại, nhưng người ta bỏ lại sau lưng một đất nước ngập tràn sông lệ và lênh đênh trên những con thuyền mong manh để ước ao đến được bến bờ tự do. Số phận những người lính còn kẹt lại bị bắt bớ và giam cầm như tử tội. Những bài ca dạt dào yêu thương một thuở chịu đựng số phận tan tác như cuộc đời chìm nổi, truân chuyên của chính tác giả. Có lẽ hòa bình còn ở tận nơi đâu nên lẩn khuất trong những nét nhạc xuân là những tâm sự u buồn, lặng lẽ. Lời hát trong những bài ca xuân thật đẹp được lồng trong những cung điệu du dương, trầm bổng đã vượt thời gian hơn nửa thế kỷ và cho đến bây giờ đã vượt cả không gian len vào tâm trí của những người con xa xứ. Mùa xuân có về nữa không trên một quê hương tội tù, tang tóc.
Tám Vạn