
Nhà thơ Trần Trung Đạo
Trần Trung Đạo, người làng Nghi Hạ, huyện Duy Xuyên, đất Quảng Nam, tác giả của hai tâp thơ Đổi Cả Thiên Thu Tiếng Mẹ Cười và Thao Thức, là một người làm thơ trẻ, có mặt dường như sớm nhất vào những ngày hệ thống liên mạng toàn cầu mới hình thành từ những ngày đầu thập niên 1990.
Thời gian qua đi với những năm tháng lăn lóc phong trần của một đứa bé mới mười bốn tuổi đầu đã phải giáp mặt với đường đời nhiều gập ghềnh, chông chênh, và đã để lại trong tác giả nhiều vết hằn khó phai mờ:
“Anh bỏ nhà đi năm mười bốn tuổi
Học lọc lừa từ thuở tóc chưa xanh
Viên đạn nổ xé từng trang sách vở
Trụ đèn khuya thay thế ánh trăng rằm.”
(Chợt Nhớ Người Bạn Nhỏ, Thao Thức, trang 45)
Cuộc đời gian truân của đứa bé ra đi từ dạo ấy mãi hoài đeo đẳng khi mỗi lần hồi tưởng bước chân hoang, để rồi chợt nắng chợt mưa, ngày tháng lại qua quá mau mà lòng vẫn nhớ. Hôm nay đứa bé ngày xưa ấy lại bước lên thêm một bậc thang đời là được làm cha làm mẹ. Xin mời bạn nghe lời tâm tình của tác giả với đứa con vừa mới chào đời:
“Đời của Ba từ lúc mới sinh ra
Buồn hiu hắt như một loài thảo mộc
Đã mọc lên từ những hố bom sâu
Thường tìm quên trong những tiếng thơ sầu
Thường hay đứng một mình trông núi biếc.”
(Con Sinh Ra Trên Đất Mỹ, ĐCTTTMC, trang 40)
Với tuổi thơ hẩm hiu giữa buổi súng bom gầm thét dậy trời, Trần Trung Đạo đã sớm tìm cho mình một chọn lựa là làm thơ như một cách hóa giải những mối sầu đời bất tận. Và rồi tác giả đã viết lại chuyện đời mình bằng thơ, những dòng thơ chở đầy nỗi lòng rất thực như những cảnh thực ngoài đời:
“Thời thơ ấu ta buồn hơn tiếng hát
Nên ngậm ngùi đọng lại ở trong thơ”
(Vầng Trăng Lẻ Bạn, Thao Thức, trang 85)
hoặc:
“Trong thơ tôi mùa Xuân chim không hót
Thu không vàng Hạ chẳng để yêu đương
Thơ của tôi là máu rỉ trăm đường
Là u uất đã chìm sâu trong đất.”
(Những Người Bạn Tôi Chưa Hề Quen, Thao Thức, trang 104)
Trong hành trình đi vào cõi thơ Trần Trung Đạo, người đọc bắt gặp những phận đời bèo giạt tan tác, những tâm hồn héo úa như những chiếc lá vàng bay theo từng cơn giông xa cội lạc loài. Ở đó là thân phận khốn cùng của kiếp người, là hệ lụy vô thường của cuộc đời, là bẽ bàng chua xót, là cay nghiệt triền miên… Tất cả như hiện diện, bàng bạc trong từng chữ, từng dòng, từng vần, từng điệu hết sức bình dị mà thiết tha, đơn giản mà sâu đậm, man mác mà thâm trầm… Tiếng thơ ông dường như là tiếng kêu than trong niềm thao thức, là tiếng thở dài giữa đêm trường, là nỗi nhớ mong tràn khắp, mà đặc biệt là tấm lòng nhớ thương về hình bóng Mẹ hiền cùng nỗi nhớ quê hương dào dạt trong lòng:
“Buổi ấy con đi chẳng hẹn thề
Ngựa rừng xưa lạc dấu sơn khê
Mười năm tóc mẹ màu tang trắng
Trắng cả lòng con lúc nghĩ về.”
(Đổi Cả Thiên Thu Tiếng Mẹ Cười, trang 11)
Ở một bài thơ khác, tác giả đã gây cho người đọc bồi hồi xót xa cho phận đời côi cút của những đứa con mồ côi mẹ từ lúc thiếu thời:
“Ngày mẹ chết con chưa tròn một tháng
Cha tảo tần sớm nắng với chiều mưa
Thiếu sữa mẹ đời con thành đại hạn
Thiếu lời ru con lớn với lọc lừa.”
(Chuyện Đời Mẹ, ĐCTTTMC, trang 13)
Như để giãi bày thêm cái cội nguồn của đời mình sao sớm nhận vị đắng cay còn đọng lại, tác giả lại viết:
“Hàng tre Nghi Hạ còn hay mất
Có phải nơi này mẹ gặp cha
Ai uống giùm ta ly nước vối
Mà nay cay đắng đọng đời ta.”
(Nhớ Núi Thương Rừng, Thao Thức, trang 49)
Nhưng dù ở hoàn cảnh nào đi chăng nữa, hình bóng mẹ hiền mãi hoài in dấu trong lòng người con lưu lạc suốt những tháng năm dài:
“Mười bảy mùa thu
Bao độ lá vàng rơi
Tóc mẹ trắng
Bạc theo từng nỗi nhớ…”
(Bài Thơ Tháng Tư, ĐCTTTMC, trang 117)
Hình bóng Mẹ trong thơ Trần Trung Đạo là một bóng hình hết sức đặc biệt mà nhiều người đọc tự hỏi Mẹ còn hay mất mà thơ ông não nuột dường ấy… Nào là mẹ ở bên sông Thu Bồn với hàng tre Nghi Hạ, mẹ bán máu nuôi con bên ngoài các cổng nhà thương, bà mẹ điên nơi hoang đảo trên bước đường vượt biển, rồi nào là mẹ vượt đường xa mấy trăm cây số chỉ để chờ nghe được giọng đọc thơ con. Và còn nhiều lắm không làm sao kể hết những ảnh hình về một mẹ hiền trăm đắng nghìn cay, mà mỗi hình bóng là mỗi mảnh đời nhiều nước mắt. Còn hay mất là chuyện vô thường, có có không không nào có nghĩa gì một chữ dùng. Điều quan trọng là với cơ cảnh nào, qua mỗi bóng hình của me, ngòi bút của Trần Trung Đạo đã vẽ nên những nét chấm phá vô cùng cảm động làm tê buốt lòng người. Và cho dù sống giữa đời sống chạy đua theo sự tiến bộ của một nền văn minh điện toán hóa toàn cầu, lấy khắc giây làm báu vật, lấy sức óc làm lẽ sống nuôi mình, Trần Trung Đạo vẫn hé lộ tấm lòng đứa con luôn gìn chữ hiếu dành cho mẹ già mỗi chiều tựa cửa ngó mong con từ bên kia bờ đất nước:
“Mai này con trở về thăm
Sẽ may cho mẹ chiếc khăn gói trầu
Dù xa cách nửa địa cầu
Có hồn con vẫn theo hầu mỗi đêm.”
(Lụa Duy Xuyên, ĐCTTTMC, trang 17)
Chỉ chừng ấy thôi, một chiếc khăn nhỏ bằng lụa Duy Xuyên, nơi tác giả chào đời, để cho tiệp màu của miếng trầu cay cũng đủ làm ấm lòng mẹ sau bao năm xa cách đứa con trai bé nhỏ của mình rồi. Và chắc mẹ cũng không đòi hỏi ở đứa con yêu dấu ấy những gì nhiều hơn thế nữa…
Vốn dĩ là một Phật tử, là thành viên của gia đình Phật tử hồi còn nhỏ, Trần Trung Đạo đã nhìn đời với trái tim người con Phật. Tác giả mang tâm thức từ bi của đạo Phật chuyển nhập vào dòng thơ của mình như một phép nhiệm mầu để hóa giải cuộc đời, để những đóa hoa vô ưu nở rộ trong cõi đời ô trọc trầm luân này. Điều đó cho thấy đạo Phật đã ảnh hưởng hết sức sâu đậm trong thơ của Trần Trung Đạo; đặc biệt bài thơ Hoa Đạo là bài thơ tiêu biểu cho nét đặc thù này:
“Lửa Vô Úy chẳng bao giờ tắt lạnh
Như linh hồn anh sống mãi với muôn thu
Đường Việt Nam dù còn lắm sương mù
Nhưng có anh trời quê hương sẽ sáng
Hoa đạo nở thành niềm tin và hy vọng
Nở những nơi nào máu Thánh một lần rơi
Cây Nhân Duyên từ bao kiếp luân hồi
Trên đất lạ đã âm thầm kết trái
Đại lực muôn nghìn năm góp lại
Đã chuyển thành Tam Muội đốt vô minh.”
(Hoa Đạo, Thao Thức, trang 75)
Cũng như bốn câu thơ sau đây lại thêm một dịp khác để tác giả hé lộ về ý niệm luân hồi của đạo Phật:
“Ta vẫn biết thế gian là cõi tạm
Tấm thân này cát bụi sẽ về thôi
Khi sắp ném cuộc đời trong hoan lạc
Ta chợt nghe thao thức chuyện luân hồi.”
(Vầng Trăng Lẻ Bạn, Thao Thức, trang 85)
Với những ngày ấu thơ, tác giả làm bạn với cây đa già nơi sân chùa Viên Giác là những ngày tháng tìm nơi ẩn giấu mối u buồn. Nhưng trước cảnh đời bức bách, người con Phật đau lòng phải lìa xa mái chùa thân yêu và bỏ lại cả gốc đa già trơ trọi qua bao mùa mưa bão:
“Chùa thanh tịnh chẳng dung hồn lữ thứ
Một chiều thu con lạy Phật ra đi
Bỏ lại tiếng chuông chùa vang khuya sớm
Cây đa già đứng lặng khóc chia ly.”
(Nhớ Cây Đa Chùa Viên Giác, Thao Thức, trang 110)
Để rồi, bao năm sau, thi nhân lưu lạc nơi phương trời vô định, viết đôi dòng thơ nhớ về ngôi chùa cũ ngày nào như để nhớ lại một khúc quanh đời:
“Tôi viết bài thơ gởi về Phố Hội
Sân chùa xưa lá rụng đã bao lần
Chiếc lá vàng như những vết dao đâm
Thời thơ ấu nghe vẫn còn đau buốt.”
(Chút Quà Cho Quê Hương, ĐCTTTMC, trang 132)
Ở bất cứ nơi nào có sự khổ đau đều có sự hiện hữu của đức Như Lai. Ngài tỏa chiếu ánh sáng nhiệm mầu huyền diệu với lòng từ bi, vị tha, nhân ái cao cả để tế độ chúng sanh. Ngài luôn luôn khuyên chúng sanh tự thắp sáng trong lòng mình ngọn đuốc để soi đường trong cõi đời ô trọc bụi trần tăm tối này:
“Hỡi các Ngươi! Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi.”
Là người Phật tử thuần thành từ buổi thiếu thời, với chiếc áo màu lam gia đình Phật tử rộng thùng thình so với khổ người bé nhỏ của tác giả mà thân phụ đã sắm sửa cho (theo một bài tâm bút của tác giả mà chúng tôi đọc được), một cậu bé đã có tâm từ bi rồi. Nhưng cay nghiệt thay, cuộc đời không như ước vọng và cậu bé ngày xưa ấy nay đã lớn lên giữa đời sống với nhiều gian truân mà không mang một chút oán trách cuộc đời:
“Đời xô ta gục, không buồn trách
Vẫn đứng lên cười với thế nhân”
(VĐLCVTN, Thao Thức, trang 43)
Qua hai câu thơ vừa dẫn, người đọc nhận ra cái tâm từ bi cộng với lòng can đảm cùng đức tính kiên nhẫn bền bỉ của mình, Trần Trung Đạo đã thắp sáng cho mình con đường chánh đạo để khế hợp với từng cảnh đời oan nghiệt hầu chia sẻ, cảm thông. Và với sự chọn lựa cho mình phương cách chuyển hóa tâm thức, đi theo con đường chánh giác đó, mới có thể hóa giải mọi vô minh phiền não cho chính mình và cho tha nhân… Như một người tiều phu, Trần Trung Đạo một mình đi giữa rừng già cô tịch gom cây
“Con đi góp lá ngàn phương lại
Đốt lửa cho đời tan khói sương.”
(ĐCTTTMC, trang 11)
Trong sứ mạng cao đẹp của người tiều phu, Trần Trung Đạo đã âm thầm mang con tim từ ái của mình thể nhập vào từng câu thơ để hiến dâng đời một chút tình rất thật, rất nhỏ nhoi mà chứa chan dào dạt tình người. Xin bạn lắng lòng để tâm hồn tĩnh lặng mà nghe nhà thơ tâm sự:
“Ai về qua phố Hội An
Mua giùm tôi tấm lụa vàng Duy Xuyên
Tôi đi quét lá trăm miền
Mẹ ngồi dệt sợi ưu phiền quanh năm.”
(Lụa Duy Xuyên, ĐCTTTMC, trang 17)
Hoặc:
“Cho tôi nhặt chiếc lá vàng trước ngõ
Viết bài thơ tha thiết hiến dâng đời
Chút chân tình trang trải với muôn nơi
Rất bé nhỏ nhưng vô cùng sâu rộng.”
(Cho Tôi Xin, ĐCTTTMC, trang 151)
Người tiều phu góp nhặt những chiếc lá vàng hay thi nhân nhặt những mảnh đời rơi rớt với bước chân xiêu xiêu qua mấy độ trăng chiếu qua đồi:
“Tóc bạc theo mỗi ngày biệt xứ
Bụi cuộc đời trắng dã đôi vai
Tiều phu gánh củi về ngang núi
Trăng chiếu ngang đồi một bóng soi.”
(Ghé Raleigh Thăm Bạn, Thao Thức, trang 72)
Lá vàng và mùa Thu là những cảnh vật dễ làm rung cảm người nghệ sĩ. Với Trần Trung Đạo, những chiếc lá vàng rơi là hình ảnh những mảnh đời lang bạt bềnh bồng vô định của tha nhân mà cũng là hình ảnh bấp bênh vô định của chính đời mình:
“Giờ tạm biệt tôi ngại ngùng không nói
Không dám nhìn đôi mắt nhỏ thơ ngây
Em đâu biết giữa cuộc đời dông tố
Tôi chỉ là một chiếc lá khô bay.”
(Tôi Vẫn Nợ Em, Thao Thức, trang 121)
Hình ảnh chiếc lá vàng là hình ảnh gần gũi nhất, thân tình nhất và cũng cô đơn nhất:
“Mỗi buổi sáng tôi một mình ôm chổi
Quét lá vàng như quét nỗi cô đơn
Lá vẫn rụng khi mỗi mùa Thu tới
Như đời tôi tiếp nối chuyện đau buồn.”
(Nhớ Cây Đa Chùa Viên Giác, Thao Thức, trang 110)
hoặc:
“Tôi sẽ đến ngôi chùa xưa Viên Giác
Nhặt mảnh đời rơi rớt ở đâu đây
Ôi thằng bé nghèo nàn xưa đã lớn
Đi làm người du thực ở phương tây.”
(NCĐCVG, Thao Thức, trang 110)
Chiếc lá vàng cứ rớt rơi và bay đi mãi không ngừng để cây đa già một mình một bóng trầm mặc đứng lặng buồn.
Phải chăng người nghệ sĩ muốn chia sẻ cùng mọi người về hình ảnh mẹ hiền đứng bên song cửa mòn mỏi ngóng đợi con về trong nỗi tuyệt vọng:
“Mẹ trách sao ta lỡ hẹn thề
Mỗi mùa lá rụng lắng tai nghe
Cây đa già đứng bên đường vắng
Chiếc lá vàng đi chẳng trở về.”
(NCĐCVG, Thao Thức, trang 110)
Trong lời chào vĩnh biệt dành cho người lính già Việt Nam vừa mới chết đêm qua trên đường phố San José trong nỗi cô đơn, hiu quạnh, Trần Trung Đạo tha thiết và chân tình hòa quyện đời mình với đời kẻ bạc số qua hình bóng chiếc lá chung cành giữa mùa bão tố. Xin mời bạn đọc xem qua vài trích đoạn trong bài thơ dài mà nghe lòng mình lâng lâng một nỗi ngậm ngùi thương cảm cho số phận kẻ bạc phần, đồng thời cũng để chia sẻ cùng tác giả tấm chân tình rất tha thiết trong thơ ông:
“Người lính già Việt Nam
Vừa mới chết đêm qua
Trên đường phố San José bụi bặm
Anh đã đi bao nhiêu nghìn dặm
Đến nơi đây chỉ để chết âm thầm
Không một phát súng chào
Không một người thân
Không ai nói với anh một lời tiễn biệt…”
Vừa mới chết đêm qua
Trên đường phố San José bụi bặm
Anh đã đi bao nhiêu nghìn dặm
Đến nơi đây chỉ để chết âm thầm
Không một phát súng chào
Không một người thân
Không ai nói với anh một lời tiễn biệt…”
“Người lính già Việt Nam
Như con thú hoang lạc loài
Trên freeway nhộn nhịp
Một tiếng rên thảng thốt chảy trong mưa
Một chiếc lá cuốn đi theo cơn gió cuối mùa
Một tiếng nấc rã rời trong đêm vắng.”
Như con thú hoang lạc loài
Trên freeway nhộn nhịp
Một tiếng rên thảng thốt chảy trong mưa
Một chiếc lá cuốn đi theo cơn gió cuối mùa
Một tiếng nấc rã rời trong đêm vắng.”
“Vợ anh đâu?
Sao không về đây vuốt mắt
Con anh đâu?
Sao không đến vấn khăn tang
Anh ra đi như anh đến
Rất vội vàng
Chẳng còn ai trên đời để khóc…”
Sao không về đây vuốt mắt
Con anh đâu?
Sao không đến vấn khăn tang
Anh ra đi như anh đến
Rất vội vàng
Chẳng còn ai trên đời để khóc…”
“Đêm qua thêm một đứa con
Vừa mới chết trên đường phố San José nhộn nhịp
Anh không chết ở Hạ Lào, Bình Long, Cửa Việt
Anh không chết ở Hàm Tân, Suối Máu, Hoàng Liên Sơn
Chết ở đây đất lạ sẽ thêm buồn
Trên mộ bia anh thêm một dòng chữ Mỹ
Một người Việt Nam sinh nhầm thế kỷ
Và chết cũng nhầm nơi…”
Vừa mới chết trên đường phố San José nhộn nhịp
Anh không chết ở Hạ Lào, Bình Long, Cửa Việt
Anh không chết ở Hàm Tân, Suối Máu, Hoàng Liên Sơn
Chết ở đây đất lạ sẽ thêm buồn
Trên mộ bia anh thêm một dòng chữ Mỹ
Một người Việt Nam sinh nhầm thế kỷ
Và chết cũng nhầm nơi…”
“Tôi gởi anh đôi dòng thơ
Từ trái tim của thằng em nhỏ
Cũng lạc loài lưu lạc như anh
Chúng ta, hai chiếc lá chung cành
Bay phơ phất trước từng cơn bão tố
Ngủ đi anh bình yên nơi chín suối
Đau thường này em sẽ viết thay anh…”
(Người Lính Già…., Thao Thức, trang 15)
Từ trái tim của thằng em nhỏ
Cũng lạc loài lưu lạc như anh
Chúng ta, hai chiếc lá chung cành
Bay phơ phất trước từng cơn bão tố
Ngủ đi anh bình yên nơi chín suối
Đau thường này em sẽ viết thay anh…”
(Người Lính Già…., Thao Thức, trang 15)
Trời đất rồi sẽ chuyển sang mùa theo sự vận hành của vũ trụ. Những chiếc lá vàng rồi sẽ rơi rụng lìa cành, bay đi bỏ lại thân cây già buồn đứng ngậm ngùi… Trần Trung Đạo cũng mơ ước một ngày về thăm lại hàng tre Nghi Hạ, thăm lại gốc đa xưa nơi sân chùa Viên Giác như lá vàng nhớ cây, nhớ cội, nhớ rừng:
“Em đừng hỏi ta mong về quê cũ
Chiếc lá khô còn nhớ cội thương cành
Ta chẳng lẽ bước chân đời lê mãi
Nơi quê người làm một kẻ lưu dân.”
(Em Đừng Hỏi, Thao Thức, trang 21)
Dù chỉ một lần, thi nhân tha thiết ước mơ có được ngày trở lại như lá rụng về cội làm phân nuôi đất, nuôi cây:
“Tôi sẽ về để sống với quê hương
Mai tôi chết xin làm phân nuôi đất.”
(Tôi Sẽ Về, Thao Thức, trang 104)
Trần Trung Đạo là một trong những người trẻ làm thơ sớm nhất trên hệ thống liên mạng toàn cầu nhưng thơ ông không mới, nếu không muốn nói là cũ. Những âm điệu trong thơ năm chữ, bảy chữ và tám chữ là những âm điệu quen thuộc, đôi khi ông còn làm theo âm điệu bài hành như bài “Hành Phương Nam” của Nguyễn Bính, bài “Vườn Xưa” của Tế Hanh, nhưng có điều chắc chắn là thơ Trần Trung Đạo rất có hồn, giàu âm điệu, có nhiều nhạc tính, ý tưởng rất cô đọng, tâm sự rất chân thật, những cảnh những tình chan hòa vào nhau nên thơ ông dễ đi vào lòng người.
Thêm vào đó, trong thơ ông là cả một trời quê hương cảnh vật như hiển hiện trước mặt, ít dùng điển tích, chữ dùng trong sáng bình dị vì thế đọc thơ ông là đọc được tâm sự của ông rồi dần dần thấm vào lòng mình và nhận ra tâm sự của chính mình, không phải nhờ qua một cách giảng giải cầu kỳ nào khác mà vẫn rõ nghĩa, kể cả chất liệu từ bi của đạo Phật trong phần lớn những vần thơ của tác giả cũng nhẹ nhàng hiển hiện.
Những tư tưởng tiêu biểu trong thơ Trần Trung Đạo là lòng hiếu đạo, là tình yêu quê hương, tình thương người, là đức từ bi, là sự độ lương đầy tính chất nhân bản phù hợp với đạo sống Việt hòa quyện với nhận thức “cuộc đời đầy khổ đau” của đạo Phật để giải thoát khổ đau cho chính mình và cho mọi người.
Trong quyển Nhà Văn Hiện Đại, nhà phê bình Vũ Ngọc Phan khi viết về Hàn Mặc Tử đã nhận định: “Thơ tôn giáo đã ra đời với Hàn Mặc Tử. Tôi dám chắc rồi đây còn nhiều thi sĩ Việt Nam sẽ tìm hứng trong đạo giáo và đưa thi ca vào con đường triết học, con đường rất mới, rất xa xăm mà đến nay chưa mấy nhà thơ dám bước tới.”(Nhà Văn Hiện Đại, trang 714).
Qua nhận định trên của nhà văn Vũ Ngọc Phan, người đọc cảm nhận một điều là dù thơ Trần Trung Đạo chưa có những “câu thơ thần” sánh như Hàn Mặc Tử, nhưng phải thành thật nhận ra rằng Trần Trung Đạo là một trong những tác giả đang tiếp nối dòng thơ tôn giáo đã có từ hơn nửa thế kỷ trước. Vì thế qua hai thi phẩm Đổi Cả Thiên Thu Tiếng Mẹ Cười và Thao Thức, người đọc cảm nhận tư tưởng Phật Giáo là nền tảng trong thơ ông. Mà nét chính yếu trong nền tảng triết lý Phật Giáo là lấy khổ đau để hóa giải khổ đau bởi lẽ an vui thực sự chỉ có thể phát xuất từ những khổ đau trong ý thức cũng như ngoài thực tại.
Qua những vần thơ của Trần Trung Đạo, ý thức khổ đau càng hiển lộ, bàng bạc khắp mọi hoàn cảnh. Nhưng không phải vì thế mà thơ ông quá bi quan yếm thế; trái ngược lại, đọc thơ ông người đọc đã nhận ra ông đang đi trên con đường thoát ra khỏi những bến bờ vô minh phiền não của chính mình bằng nụ cười khinh thường đau khổ, bằng nghị lực chói rạng, bằng lòng can đảm mãnh liệt, bằng niềm tin vào ánh sáng từ bi của đức Phật và dưới ánh sáng từ bi, vị tha, bao dung, độ lượng của đạo Phật sẽ là niềm hy vọng chữa lành những đau khổ của con người ở cõi trần phàm này.
Hai Trầu Lương Thư Trung
Boston, tháng 06 năm 2001
Boston, tháng 06 năm 2001