Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 
mailancuctruc
 
Có bao giờ bạn tự hỏi mình tại sao người Việt Nam chúng ta thường hay treo những tấm tranh trong nhà như “Mai Lan Cúc Trúc” hay “Ngư Tiều Canh Mục” không? Đó là những tấm hình rất đẹp, không những chúng ta dùng để trang trí trong nhà, nhưng quan trọng hơn hết, những tấm hình này có giá trị trong triều đình, nội phủ vua quan, sau lan dần tới dân gian rồi trở thành nét văn hóa của dân Việt phổ quát tự trào gia bản, nhà nhà ai có chút học vấn, phong tình cổ lục, trang trí có nề nếp dòng nhà văn xương thì treo tranh, bình phong Tứ Quân Tử: Mai Lan Cúc Trúc… Tự xa xưa tổ tiên hiền Việt đã lưu truyền học thuật để cho con cháu mai hậu: 
 
Tác giả vô danh là gốc đạo
Noãn bào trăm họ ấy giềng người
Dòng nhà để lại dấu truyền
Gồm trong bốn báu còn lưu đời đời… 
 
Bốn học thuật báu vật là: 
 
- Tứ Phẩm Vật: Bút - Nghiên - Giấy - Mực
 
- Tứ Quân Tử: Mai - Lan - Cúc - Trúc
 
- Tứ Kỳ Nhân Địch Quốc hay Tứ Kỳ Nhân Kiến Quốc: Ngư – Tiều – Canh – Mục (Mục hoặc Độc là Đọc Thư với biểu tượng tiểu đồng đọc sách trên lưng trâu). 
 
Trong bài viết này chỉ mạn pháp lạm bàn trong phạm vi sở học khiếm khuyết của hậu sinh, lấy niềm tự tin vào học thuật của bậc tiên hiền Việt tộc mà viết như học, chứ không học thói phàm phu mà “múa rìu qua tổ Lỗ Bang” sóng sau dồn sóng trước… Vậy mong có điều chi sơ xuất, phạm lỗi… Kính xin những bậc trưởng thượng niệm tình thứ lỗi cho!
 
Vậy theo triết lý Đông Phương thì Trung Quốc và Việt Nam, ai là người khởi xướng ra hình ảnh của bốn loại hoa Mai – Lan – Cúc – Trúc và xếp hạng, lấy làm biểu tượng Tứ Quân Tử này? Từ cổ xưa cho tới thời nay, những bức danh họa, tứ bình phong của Trung Quốc trình bày ít thấy hay phải nói là chưa bao giờ nhìn thấy có vẽ họa, tạc khắc, hình ảnh hoa Mai trong tác phẩm Tứ Quân Tử, mà hầu hết chỉ là hình ảnh hoa Đào mà thôi? Có phải chăng vì địa lý Trung Quốc thuộc vùng ôn hàn nên thời tiết mùa Xuân hãy còn khá là lạnh lẽo nên Mai là giống cây xứ nhiệt đới không thích hợp và khó trổ hoa vào tiết Xuân, cho nên chỉ có giống Đào mới có thể sinh sống và trổ hoa vào mùa Xuân…
 
Do vậy người Trung Quốc lấy hoa Đào làm nhất điểm Tứ Quân Tử? Vậy có phải là chủ quan khi người Việt ta thuyết Mai - Lan - Cúc - Trúc gốc từ văn hóa của người Việt ta? Riêng nhóm Việt Nữ Hoa Tự Do chúng tôi mạnh dạn chỉ danh như là một minh chứng thỏa đáng để cho chúng ta biết một chút gì về nguồn gốc của “tấm hình” của bốn loại hoa được trân quý trong gia đình Việt Nam của chúng ta! Đây là sự kết hợp hài hòa học thuật của Tổ Tông Hiền Việt ta và nó có ý nghĩa rất triết thuyết thâm thuý qua biểu Mai - Lan - Cúc - Trúc cho ta thấy được cả một vận hành của thiên nhiên trời đất với bốn mùa rõ rệt: Từ quẻ Càn mở trời (Thiên) cho tới Khôn đất (Địa) tất cả lý biến dịch bởi vô thường là Thời chuyển và ở Niên có Tứ thời như duyên hành khiển vạn vật xuôi theo Xuân sinh, Hạ trưởng, Thu liễm, Đông tàn Mọi thứ trong đời đều do cái thời mà quyện lấy nhau. Sự vô thường biến dịch dòng luân lưu vạn vật thuận theo thời gian được gởi gắm qua hình ảnh của Mai Lan Cúc Trúc:
 
- Mai: Qua ba mùa Hạ nóng cháy, Thu vạn vật héo úa tàn tạ, Đông vạn vật gần như chết lịm vào hàn khí rét mướt, lạnh lẽo… Cội mai già trơ gốc cằn cỗi qua ba mùa nắng mưa dầu giãi, rét mướt cơ hàn tưởng chừng như chết đi trong âm thầm biến thiên như dòng chảy thế gian vô tâm, thế nhân vô tình… Nhưng khi trời chớm tiết Xuân với làm gió thoáng nhẹ thổi qua đọt chồi non màu lụa mới vào thời điểm giao mùa thì nụ Mai vàng chớm nở báo hiệu ngày đầu năm rực rỡ tình Xuân…
 
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai
 
Nghĩa:
 
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước nở cành mai - (Thiền Sư Mãn Giác) 
 
“Mai cốt cách tuyết tinh trần” hay Mai cốt cách nét tinh thần là ý chỉ phẩm chất hạo nhiên của người Quân Tử cho dù trải qua cảnh ngộ nan hành khổ hạnh vần xoay với ý chí kham nhẫn chịu đựng cho bản thân mới nên Người, há mà cuộc đời cứ êm trôi trên dòng nước phẳng tờ thì có phải là bản chất và bản lãnh của người anh hùng, quân tử sao? Nhưng Quân Tử bất phùng thời thì phải thiện tàng, ẩn nhẫn, kham hạnh như Mai trải qua ba mùa Hạ - Thu - Đông để giữ thân, chờ đúng thời mạnh dạn đem tài năng mà giúp dân, giúp nước phù bình trị loạn, độ đời với phương châm: 
 
- Nuôi Tâm sinh Thiên Tài với học thuật và tâm học tầm Vũ Trụ Quan.
 
- Nuôi Chí sinh Nhân Tài với nhân sinh học thuật tầm Nhân Sinh Quan.
 
- Cảnh giác với loại Nuôi Thân sinh Nô Tài của phàm nhân giá áo túi cơm trong biển người lấy danh lợi làm lẽ sống ký sinh không phải phẩm hạnh của người Quân Tử. 
 
Do vậy người xưa đã ngụ ý ký thác biểu tượng hoa Mai trong Tứ Quân Tử. Tuy vậy Quân Tử ở thế đương đầu và gặp phải thế thời tàn tạ, cảnh ngộ dầu sôi, lửa bỏng ở thế cô nghiệt thì thà tuẫn tiết để giữ tròn khí tiết của bậc Quân Tử như: 
 
- Trần Bình Trọng lẫm liệt trỏ mặt quân Tàu mà thét:” Ta thà làm quỉ nước Nam chứ không làm vương đất Bắc”!
 
- Hoàng Diệu tuẫn tiết chết theo thành thất thủ!
 
- Võ Tánh, Ngô Tùng Châu tuẫn tiết để giữ tiết tháo đại trượng phu Nước Việt!
 
- Trung Tá Nguyễn Văn Long tuẫn tiết trước tượng đài trước quốc hội khi giặc Bắc Cộng tràn vào Saigon ngày 30 - 4 - 1975
 
- Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn thà chết chứ không qui hàng giặc cộng!
 
- Tướng Lê Nguyên Vỹ tuẫn tiết vào ngày cuối miền Nam rơi vào tay giặc Bắc Cộng!
 
- Tướng Lê Văn Hưng tuẫn tiết chết theo theo thành trì miền Nam rơi vào tay giặc Bắc Cộng!
 
- Tướng Nguyễn Khoa Nam tuẫn tiết chết theo thành trì miền Nam rơi vào tay giặc Bắc Cộng!
 
- Tướng Trần Văn Hai tuẫn tiết chết theo thành trì miền Nam rơi vào tay giặc Bắc Cộng!
 
- Tướng Nguyễn Văn Phú tuẫn tiết chết theo thành trì miền Nam rơi vào tay giặc Bắc Cộng! 
 
Nhân sinh tự cổ thùy vô tử
Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh.
 
Tất cả những nhân vật kiệt xuất nêu trên từ Lịch Sử cho tới cận đại, họ đã “Sinh Vi Tướng Tử Vi Thần”, khi vận nước tan hoang thì thà tuẫn tiết giữ tròn tiết tháo người Quân Tử vẹn tròn trung hiếu với Sơn Hà Xã Tắc, chứ không chịu sống đời phàm phu giá áo túi cơm! Đấy là Tứ Quân Tử bản chất “Mai cốt cách, nét tinh trần” chứ tuyết chỉ là ví von “cái” trắng đẹp mà thôi!
- Lan: Nhắc nhở đến bốn màu Xuân Hạ Thu Đông, chúng ta không thể nào quên Lan. Lan là một loại hoa rất đẹp và thu hút, ai thấy Lan mà chẳng yêu thích, Lan như kiêu sa trên cành cây cao vời vợi, hấp thụ vi sinh trong gió và hơi ẩm của sương giăng giăng trong không gian mênh mang, bao la đất trời… còn gọi là Phong Lan khi nở hoa lan tỏa hương thơm và đẹp lạ thường…! Cho dù ở nơi rừng sâu không có người lai vãng thưởng hoa, Lan cũng chẳng vì thế mà phai nhạt hương thơm, vẻ đẹp… Người xưa có câu: 
 
“Chi lan sanh ư thâm lâm, bất dĩ vô nhân nhi bất hương.
Quân tử tu đạo lập đức, bất vị cùng khốn nhi cải tiết”.
 
 
Lan cho dù ở nơi rừng sâu không có người lai vãng thưởng hoa, Lan cũng chẳng vì thế mà không có hương thơm, vẻ đẹp. Người Quân Tử sửa mình, lập đức, không vì cảnh ngộ khốn cùng mà thay đổi khí tiết. Đây là bản chất và phẩm hạnh của Người Quân Tử sống trong trời đất, dòng đời luôn tự tại, ung dung trong ràng buộc, luôn tự sửa mình, có tài năng chẳng cần khoe khoang với đời, mặc cho ai khen ai chê cũng chẳng màng, lại càng không có chuyện được người khen kẻ chê mà lại mất giá trị như Lan không hương sắc! Người đẹp cũng giống như hoa Lan, nếu không biết giữ đức độ mà chôn vùi nơi chốn lầu xanh, sống sa đọa thì đó là một sự hư hoại của đóa hoa! Quả nhiên là như vậy, người quân tử sống trong cuộc đời này là phải biết tu đạo, tự sửa mình là tu tính mệnh ta và hành động tạo đức độ để cứu nhân độ thế là cứu giúp loài người yếu trong cõi nhân sinh bất hạnh! 
 
- Cúc: Khi nói về Cúc, chúng ta liền nghĩ tới mùa Thu, khi vạn vật suy tàn, gió thổi làm úa tàn cây cỏ, hầu như tất cả vạn vật gần như bị thời khí trấn áp cho lụi tàn thì “nói” gì tới thảo mộc trổ hoa! Nhưng loài Cúc lại hữu kháng với thu liễm mà trổ rực rỡ đất trời, ví như người anh hùng kham nhẫn cảnh ngộ, đối kháng với khổ cảnh, để mạnh mẽ vượt thoát và vươn lên ví như người Quân Tử trì chí vượt qua bao khó khăn do thời thế bách chiết thiên ma có trăm ngàn thứ tai họa, bả vinh hoa thử người, bẻ uốn cong người trong thế sự đầy vơi, nhân sinh phù hoa xa mã mà luôn giữ phong cách cao thượng như thách thức nghịch cảnh gian truân…Nhưng bậc Quân Tử không vì thế mà bị vùi chôn ở đọa cảnh phàm trần… và Cúc nở Hoa như người Quân Tử đem tài hoa cống hiến cho đời, đồng nghĩa vị anh hùng cho dù sống trong hoàn cảnh khó khăn nào cũng không khiến cho họ bị chùn bước… Họ vẫn vượt qua số phận mà vươn lên như người đời khen ngợi "diệp bất ly chi, hoa vô lạc địa", lá cúc không rụng khỏi thân, hoa cúc tàn tạ vẫn không rời khỏi cành lá như là tánh cách chung thủy cho tới khi tàn tạ chết đi, ví như người Quân Tử bền gan, gìn giữ vững ý chí, lý tưởng chân chính của mình suốt cả cuộc đời. 
 
Cao tiết xung hàn phóng mãn sơn,
Độc siêu quần hủy điểm thu nhan.
Hốt tư cựu tuế đông li hạ,
Đối tửu xan anh tận nhật nhàn. - (Thu Cúc - Ngô Thì Nhậm) 
 
Nghĩa: 
 
Phủ đầy khí lạnh non xanh
Sắc thu tô điểm chỉ mình cúc bông
Nhớ xưa rào cũ bờ đông
Say nhìn hoa nở thấy lòng ung dung. 
 
- Trúc: Trời đã qua Xuân - Hạ - Thu nay tới Đông sang hàn khí lạnh lẽo, giá rét… Nhưng Trúc tuy khẳng khiu từng đốt thân vẫn thẳng đứng lên cao vời vợi với đầu cành đong đưa ngạo nghễ với tuyết trắng bám nặng trĩu cành lá như chống chỏi với gian lao tuế nguyệt, nghịch cảnh muốn đè nặng và hủy diệt thân sống, Trúc vẫn uyển chuyển mềm mại, bị ngã đổ mà không gãy, Trúc vô tâm rỗng ruột như dung chứa nỗi oằn oan khiên cảnh ngộ vần xoay, vì hư tâm, rỗng ruột nên Trúc không chấp trước bao điều ô trược cuộc đời mà an nhiên tự tại, nhưng không có nghĩa là để “đắc” thứ đạo vô thức với “cái” vô tri, vô giác vốn là bản chất của cuộc đời thường tình thế gian tính… Đó là tính cách rất cần thiết của một vị Quân Tử có lòng rộng, tâm không nhiều dung chứa, huyền không như thế hựu huyền không và như chân như vào Đạo vô ngã tướng Cùng Vũ Trụ Hòa!
 
Trúc tự sơn lâm bất thối thân
Hư tâm tồn sự hà chi nhiễm
Bách chiết thiên ma nhiễu tinh thần
Trực ngộ vô tâm hòa đại đạo - (Cổ Thi – Khuyết Danh)
 
Lô hoa trình vạn thắng
Trúc biểu kiến thái bình
Nay mừng Lạc vận tái sinh
Hỏi bốn biển ai kinh luân chăng tá?
Những gắn bó chi chi sắt đá…
Khối u tình nhường đã vơi vơi. - (Đạo Trường Ngâm – Lý Đông A) 
 
Mai Lan Cúc Trúc không những có nét đẹp riêng biệt của từng loại nhưng thật ra là một liên kết hài hoà, là biểu tượng đại diện cho người Quân Tử luôn tu tâm dưỡng tính, trau giồi sở học, mài dũa tài năng trí tri, tu hạnh, lập đức, giữ đạo, chờ thời cơ đến sẽ ứng hợp với ý dân là mệnh trời mà góp sức hành động phù bình, trị loạn, cứu dân, giúp nước thoát khỏi cảnh lầm than, diệt vong. Mong lắm vậy! 
 
Christina Cao (Cao Xuân Thanh Ngọc)
 
(Cao Xuân Thanh Ngọc viết cho ngày ra mắt trang Việt Nữ Hoa Tự Do với biểu tượng Mai Lan Cúc Trúc- 2019)
 

 

Tìm các bài BIÊN KHẢO khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com