Cứ mỗi độ xuân về, xuân trên quê hương Việt Nam, khi nắng ấm chan hòa thì tại Thụy Sĩ thời tiết vào đông âm u lạnh giá, tuyết giăng trắng xóa như rắc muối xuống vạn vật. Cảnh trời đã thê lương vậy, lòng người tha hương càng não nề hơn. Bạn bè khắp mọi nơi, nhất là ở Việt Nam, ngoài lời chúc mừng năm mới, thường hay hỏi thêm câu: “Bên Thụy Sĩ có Tết không ạ?”. Câu hỏi bâng quơ vô thưởng vô phạt nhưng hay gợi trong tôi nỗi buồn man mác.
Ngày đó đến Thụy Sĩ một mình, lẻ loi như cánh chim lạc đàn. Tôi đến nhằm vào tháng mùa đông. Cái nô nức ban đầu khi đặt chân đến vùng đất hứa chẳng bao lâu tàn mau khi tôi trực diện với cuộc sống mới, vật chất đủ đầy nhưng hồn lại vắng vẻ cô liêu. Hai cảnh đời thật khác biệt.
Lòng khô héo. Bao niềm nhớ.
Để trả lời câu hỏi, tôi thường đáp tưng tửng: “Có chứ. Chẳng những một mà có tới hai cái Tết. Một Tết Tây và một Tết Ta. Nhưng cả hai chả ra cái Tết nào”.
Tết Tây rơi vào tháng Một dương lịch, Tết của dân Tây. Phố xá giăng đèn kết hoa, một vài hội chợ bày bán Tết, chỉ thấy toàn người bản xứ nô nức mua sắm, chả thấy bóng dáng người Việt nào. Lạc vào đây, có khác nào “giữa phố đông người, riêng em một mình, một bóng cô liêu”, thôi thì, về nhà cuộn mình trong chăn ấm, nằm… khóc còn… sướng hơn!
Riêng Tết Ta tại Thụy Sĩ đâu có quán xá Việt Nam để phô bày những mặt hàng ngày Tết, vẫn lầm lũi đi làm, một ngày như mọi ngày, nếu không để ý, chẳng biết xuân về, Tết đến hay chưa. Tuy nhiên, đối với người Việt, vào những dịp này thường nhắc nhở kêu gọi nhau mời nhau về nhà ăn chung một bữa tất niên, hay rộng hơn thì cộng đồng, dù ít ỏi cũng cố tổ chức một cái Tết để sưởi ấm lòng nhau, làm một điều gì đó tìm về hương vị Tết quê nhà, xoa dịu nỗi nhớ quê hương.
Những năm đầu, khoảng 1980-1982 có một nhóm nhỏ, hay nói cho rõ hơn một gia đình với lực lượng chỉ người trong nhà thôi đã quy tụ đầy đủ từ ca, đàn, đánh trống, tinh thần văn nghệ cao… thế là đứng lên kêu gọi thêm bạn bè góp sức tổ chức một cái Tết nho nhỏ nhưng đúng nghĩa, quây quần ăn uống và hát hò. Tổ chức dần phát triển khi xuất hiện vị lãnh đạo chịu ra lãnh… đạn “đứng mũi chịu sào” gánh hết mọi khó khăn khi tổ chức. Anh chịu chi “phóng tiền tài để thu phục nhân tâm”, may mắn lại có chị vợ ý hợp tâm đầu “thuận vợ thuận chồng tát biển đông cũng cạn” sá gì những buổi tổ chức Tết. Chị thích nấu ăn và nấu ăn rất ngon. Có thực mới vực được đạo. Cho nên những buổi họp mặt tại nhà anh chị để bàn chuyện, cũng như tụ tập dợt văn nghệ tại một hội trường nhỏ, chị nấu bao hết. Trời, xứ lạnh tình nồng, quây quần bên nhau ăn uống hỉ hả nói cười ca hát quên đi nỗi cô đơn nơi xứ lạ quê người nhất là vào dịp xuân còn gì ấm cúng hơn. Cho nên với thời gian, những ai có khiếu và thích văn nghệ giới thiệu nhau, kêu gọi nhau mang hết khả năng ra phục vụ. Chẳng bao lâu, quy tụ được một lực lượng, ngay thành phố St. Gallen chủ lực thêm vùng phụ cận mới gôm được khoảng 25-30 người, tinh thần rất cao, ngoài khiếu văn nghệ còn những tiểu xảo khác như vẽ phông cho sân khấu, làm thủ công tạo những mũ mão, tự may những bộ quần áo trình diễn, trang trí mọi thứ (thời đó chưa liên lạc với Việt Nam để đặt may như bây giờ), tất cả đều tự lực, cây nhà lá vườn, khả năng a ma tơ, nhưng nhìn chung khá tươm tất, phong phú.
Nhóm nhạc AVT
Từ đó mỗi năm, bắt đầu tháng 10 dương lịch, ban văn nghệ đã chuẩn bị sẵn một chương trình với đầy đủ ca, vũ, nhạc, kịch, kể cả cải lương hẹn nhau tập dượt mỗi cuối tuần để tổ chức một cái Tết cộng đồng.
Xa quê hương buồn tủi, mỗi thứ Bảy tụ về sum vầy, vừa ăn ngon, vừa tập dượt hát hò vui vẻ, nên ai cũng hoan hỉ dốc toàn lực trổ hết tài năng.
Ngày trình diễn thuê một hội trường lớn với 400 ghế thường tổ chức trước hay sau một, hai tuần của ngày Tết, cũng chọn cuối tuần khi mọi người nghỉ làm. Vé vào cửa khá mắc, song vẫn quy tụ đông đảo khán giả, không chỉ tại thành phố nơi tổ chức, vùng phụ cận mà cả người Việt rải rác khắp nước Thụy Sĩ cũng đến tham dự. Do vậy số ghế không đủ phục vụ người đến, phải đứng ngồi la liệt chật cứng hội trường và tràn cả bên ngoài hành lang, nơi các quầy đang bán thức ăn với đủ các món quê nhà như bánh cuốn, bún bò, phở, cơm tấm, cháo gà… đặc biệt có thêm bánh tét bánh chưng dưa hành củ kiệu cho mọi người mua về ăn Tết. Toàn những món mà hằng ngày tại Thụy Sĩ muốn ăn phải lăn vào nấu, không có hàng quán. Cả vùng may ra mới có một tiệm Á Châu lèo tèo vài thứ rau, củ quả mắc như vàng (một ký rau, củ Á Châu nói chung tới những 20 quan Thụy Sĩ tương đương thời đó 14 US). Thèm lắm mới bấm bụng mua thôi. Nay thì đỡ hơn, cộng đồng ngày càng phát triển, cạnh tranh nhau, không thiếu thứ gì nhưng vẫn mắc 15 quan một ký bằng 15 đô la.
Trở lại việc tổ chức Tết. Tuy số người tham dự đông đảo, kết quả thu nhập lỗ xiểng liểng. Với số vốn (mỗi người trong ban tổ chức góp 300 quan tương đương hồi đó 200 US) chi ra vẫn không trang trải đủ, còn lỗ thêm 5 ngàn quan. Lý do. Người Việt làm việc hay vị tình thân, nghĩ cái riêng nhiều hơn quyền lợi chung, hễ thấy người thân, quen là cho vào coi chùa, không phải mua vé. Chưa kể chi phí cho tổ chức, lạm dụng của chung, xài phí một cách bừa bãi, không cân nhắc, sổ sách không rõ ràng nên vượt quá mức chi thu. Lỗ như thế, gần như là hằng năm, tiền đóng góp của anh em đã không thu lại được, nhưng tinh thần anh em vẫn rất cao, không suy suyển, phải nói là nhờ vợ chồng anh lãnh đạo chịu trận đứng ra lãnh… đạn đắp vào sự thiếu hụt đó. Mãi về sau, cân nhắc kỹ lưỡng, rút tỉa kinh nghiệm, những năm huề vốn được là may.
Sự hy sinh cao cả cho cộng đồng, cống hiến từ vật chất, khả năng lẫn tinh thần đã được đền bù. Với thời gian “hữu xạ tự nhiên hương” ban văn nghệ St. Gallen bỗng có tên trong “lịch sử cận đại” của người tị nạn. “Cả gánh hát” không chỉ được biết đến, được mời lưu diễn tại Thụy Sĩ, mà tiếng lành đồn xa, lan qua tận bên Pháp, cộng đồng bên đó mời toàn ban sang Pháp diễn. Diễn lại toàn bộ với đầy đủ tiết mục ca, vũ, nhạc, kịch, cả tuồng cải lương mà tại Thụy Sĩ vừa diễn xong hôm Tết.
Văn nghệ nói chung, ngoài nội dung có ý nghĩa, phong phú, đầy tình tự quê hương và đa dạng sắc màu, hình thức cũng góp phần quan trọng không kém.
St. Gallen là thành phố nổi tiếng không chỉ tại Thụy Sĩ về ngành hàng vải mà có thể nói được nhiều quốc gia khác biết đến. Chính phu nhân của Tổng Thống Obama trong ngày đăng quang của chồng đã mặc chiếc áo xuất xứ vải từ St. Gallen, chưa kể phu nhân Clinton, Thủ Tướng Đức Angela Merkel v.v. cũng đều mặc quần áo từ thành phố này trong ngày trọng đại của họ.
Người Việt tị nạn đến St. Gallen hầu hết đều làm trong những hãng xưởng may mặc, hãng chỉ chuyên trang trí cho quần áo như ren, kim tuyến v.v. Cuối năm thông thường dọn kho, hãng tống khứ hoặc bán rẻ mạt một số hàng dư thừa không hợp thời trang nữa dù giá thành vốn rất mắc. Thế là ban văn nghệ hốt hết, quy tụ những tay nghề biết may, chia nhau, để tự may những bộ quần áo trình diễn. Lúa tốt nhờ phân, người đẹp nhờ lụa. Nhờ thế, tất cả quần áo diễn cho từng tiết mục được chăm chút kỹ lưỡng, trang trí cẩn thận trông khá tươm tất lộng lẫy không thua dân chuyên nghiệp bao nhiêu.
Niềm vui lớn của ban tổ chức cũng như ban văn nghệ được mời đi lưu diễn, điều đó đồng nghĩa cả gánh hát đã được sự thương mến, ưu ái của khán giả, dù không có thù lao, nhưng những ngày cả đoàn lăng xăng nhắc nhở nhau thu xếp hành trang lên đường như một cuộc du lịch tập thể, được bao ăn, bao ở, bao cả chuyến xe Bus cho 50 người vui biết chừng nào. Dù những lần lưu diễn, vấn đề ngủ nghỉ hơi phức tạp, điều kiện tài chánh không cho phép, trừ các phái nữ tùy nghi được ưu ái sắp xếp phòng ốc tử tế, cánh nam nhân, phải lăn lóc cuộn mình trong những chiếc túi ngủ mang theo, xếp cá mòi trên sàn trong phòng khách những nhà thân quen của ban tổ chức bạn, sống như những du mục xa chiếc giường êm nệm ấm tại nhà, thế nhưng, chẳng ai nệ hà mà đều hớn hở vui vầy bên nhau nói cười thoải mái quên đi nỗi cô đơn buồn tủi trong những ngày xuân tha hương.
Đó là những tháng năm đầu tiên đón xuân tại Thụy Sĩ. Niềm vui không chỉ dành cho ban văn nghệ, ban tổ chức của thành phố St. Gallen nói riêng mà còn lan tỏa đến cộng đồng Việt có cơ hội tìm đến nhau, sum họp bên nhau, chia sẻ các món ăn đậm nét quê hương để tìm lại hơi hướm quê nhà, ấm lòng trong những ngày Tết.
Trần Tthị Nhật Hưng