User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
Hinh 1 Ong Mike da gap lai ong Ross Meador 540x410
Ông Mike đã gặp lại ông Ross Meador. (Hình: Facebook)
 
Thưở nhỏ, tôi đã tin lịch sử được dạy ở trường học như Kinh Thánh, nhưng thời gian trôi qua, tác động của người lớn và môi trường xung quanh khiến tôi bắt đầu hoài nghi, tự mình tìm hiểu.
 
Và sau khi tìm hiểu bằng cách đọc/xem những tài liệu phát hành ở ngoại quốc, tôi đã nghiệm ra rằng lịch sử mà tôi được dạy trong trường đã biến đổi, thậm chí bị bóp méo sai sự thật.
 
Sự thật của lịch sử giúp tôi có lời giải đáp hợp lý về thực tế và những gì đã xảy ra. Cũng thông qua đó, tôi hiểu rằng có những dấu ấn lịch sử có thể thay đổi cả một đời người. Chiến dịch nhân đạo Operation Babylift là một sự kiện đã thay đổi số phận của những trẻ em trong trại mồ côi được di tản ra khỏi Sài Gòn hồi Tháng Tư 1975.
 
Sự thật về lịch sử không tìm thấy ở trường học
 
Mẹ sinh ra tôi sau 30 Tháng Tư 1975 chỉ một ngày. Lớn lên ở một đất nước đã từng trải qua rất nhiều cuộc chiến tranh, tôi nghe người lớn nói rất nhiều về chiến tranh. Tôi thuộc nằm lòng một câu “tóm tắt” các giai đoạn lịch sử Việt Nam của người lớn, đó là “Một ngàn năm nô lệ giặc tàu, một trăm năm đô hộ giặc tây, hai mươi năm nội chiến từng ngày”. Sau này tôi mới biết đây là lời của nhạc phẩm “Gia Tài Của Mẹ” do nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sáng tác.
 
Ba mẹ tôi là người miền Nam chính gốc, riêng ba tôi từng làm y tá cho chế độ cũ. Trong album ảnh của ba có những bức ảnh ba chụp chung với các ông tây bà đầm trong khi đang đi công tác, ví dụ như trong những đợt chích ngừa cho học sinh ở trường học. Ba vẫn thường nói với tôi: “Hồi thời Việt Nam Cộng Hòa sướng lắm. Một mình ba đi làm nuôi cả gia đình. Các anh chị đều uống sữa Guigoz.”. Sinh ra thời bình, thế nhưng tôi chỉ được uống sữa “tự chế” là nước cơm pha với đường, không sướng bằng các anh chị.
 
Ngoài câu nói so sánh đó, ba tôi cũng nói rằng “Hồi đó, đâu phải Việt Nam Cộng Hòa thua mà do Hoa Kỳ ngừng viện trợ.”
 
Chính câu nói ấy của ba khiến tôi hoài nghi về lịch sử mà nhà trường đang dạy. Tôi bắt đầu thắc mắc về sự thật của lịch sử, nhưng mọi thông tin thời đó đều bị bưng bít nên tôi không thể biết gì thêm.
 
Mãi đến đầu những năm 2000, tôi mới có thể tự đi tìm hiểu sự thật của lịch sử trên mạng internet. Tôi đã may mắn xem được một phim tài liệu lịch sử có tên “Last Days In Vietnam”. Nhờ phim này mà tôi biết rằng Hiệp Định Paris được ký kết vào Tháng Giêng 1973, kêu gọi ngừng bắn giữa miền Bắc và miền Nam Việt Nam, và đánh dấu việc quân đội Hoa Kỳ rút về nước, đoàn tụ với gia đình. Ngoài ra, Tổng Thống Nixon còn hứa nếu quân đội miền Bắc vi phạm những điều đã được ký kết trong hiệp định Paris, Hoa Kỳ sẽ tiến hành đáp trả toàn lực. Hay nói cách khác, tái chiến.
 
Nhưng Tháng Tám 1974, Nixon đã từ chức vì vụ bê bối Watergate, Hoa Kỳ ngừng viện trợ cho Việt Nam Cộng Hòa. Và qua một đêm mọi thứ đã thay đổi, khi Hà Nội nhận ra con đường tiến vào Sài Gòn đã rộng mở. Ngày 10 Tháng Ba 1975, miền Bắc tiến hành một cuộc xâm lược quy mô lớn hòng thâu tóm miền Nam Việt Nam. Như vậy, miền Bắc đã vi phạm Hiệp định Paris.
 
Sau khi quân đội miền Bắc chiếm được Ban Mê Thuột, Huế – Đà Nẵng, họ tiếp tục leo thang trong âm mưu tiến vào Sài Gòn để xem Hoa Kỳ phản ứng thế nào. Lính Hoa Kỳ đã rút đi như điều khoản cam kết trong Hiệp định Paris, nhưng việc Hoa Kỳ ngừng viện trợ sau đó mới đúng là cú nốc ao khiến toàn bộ hệ thống Việt Nam Cộng Hòa bắt đầu sụp đổ.
 
Ngày 10 Tháng Tư 1975, tổng thống Hoa Kỳ Gerald Ford đề nghị quốc hội cung cấp nhanh chóng 722 triệu Mỹ kim để viện trợ cho quân đội miền Nam Việt Nam. Trong trường hợp xấu nhất xảy ra, ít nhất hãy cho phép Hoa Kỳ di tản những người dân miền Nam đang gặp nguy hiểm đến nơi an toàn. Nhưng với sức ép của dân chúng, quốc hội Hoa Kỳ đã từ chối  bỏ phiếu cho bất kì số tiền viện trợ nào cho miền Nam Việt Nam.
 
Trước đó vào ngày 3 Tháng Tư, trong bối cảnh Đà Nẵng đã thất thủ và quân đội miền Bắc đang tiến vào Sài Gòn, tổng thống Hoa Kỳ Gerald Ford tuyên bố bắt đầu chiến dịch di tản trẻ em trong trại mồ côi (Operation Babylift) ra khỏi Sài Gòn bằng 30 chuyến bay. Phi Đoàn Không Vận 62 của Không Quân Hoa Kỳ dưới sự chỉ huy của Thiếu Tướng Edward J. Nash điều hành chiến dịch này, với phi cơ vận tải Lockheed C-5A Galaxy và Lockheed C-141 Starlifter của Bộ Tư Lệnh Không Vận Quân Sự. Trong chiến dịch nhân đạo này, khoảng 3,000 trẻ em đã được di tản, được các gia đình ở Hoa Kỳ và ở các quốc gia đồng minh nhận nuôi, trong đó có khoảng 250 trẻ đến Úc.
 
ditantremocoi
Phi cơ Lockheed C-5A Galaxy. (Hình: Facebook)
 
Rủi thay, chuyến bay đầu tiên trong chiến dịch Operation Babylift khởi hành ngày 4 Tháng Tư trên chiếc phi cơ vận tải hạng nặng C – 5A Galaxy, mang số đuôi 80218 (thuộc Phi đoàn cơ động hàng không thứ 6), chở 304 người, bị rơi cách Sài Gòn khoảng hai dặm về phía đông (nay thuộc khu vực đường Vườn Lài, phường An Phú Đông, quận 12). Tai nạn làm thiệt mạng 138 người, bao gồm trẻ em được di tản, các quân nhân, nhân viên chăm sóc, thành viên phi hành đoàn, số 176 người còn sống sót sau đó vẫn được di tản ra khỏi Sài Gòn bằng phi cơ khác. (Theo nguồn tin từ nhóm C-5A Galaxy BABYLIFT Crash trên Facebook).
 
ditantremocoi1
Phi cơ C-5A Galaxy, số đuôi 80218 bị rớt. (Hình: chụp qua YouTube)
 
Kết nối ký ức 30 Tháng Tư với những người bạn “Babylift”
 
Chính sự kiện về chiến dịch Operation Babylift thôi thúc tôi kết nối với các trẻ em mồ côi được di tản đến ngoại quốc để làm con nuôi. Tôi tìm được họ trên Facebook. Điều đó giúp tôi cảm thấy mình gần gũi hơn với một sự kiện lịch sử, hay giống như bước vào một sự kiện lịch sử có thật.
 
Trong đó có bà Dương Thị Bửu Châu (hiện đang sống tại Hoa Kỳ), ông Mike (hiện đang sống tại Hoa Kỳ), ông Jamie (hiện đang sống tại Úc), bà Hồng (sinh sống tại Việt Nam hơn 10 năm qua), và bà Chantal Doecke (hiện đang sống ở Úc). Ba nhân vật đầu tiên đã được tôi kể lại trong bài báo “Chuyện của ba đứa trẻ Babylift 50 năm sau” trong Giai phẩm xuân Người Việt Ất Tỵ 2025 (trang 68).
 
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến dịch Operation Babylift – một trong những sự kiện nhân đạo quan trọng nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, ông Mike đã trở lại Việt Nam từ cuối Tháng Ba 2025 để gặp lại những nhân vật có liên quan đến sự kiện lịch sử này. Ông Mike đã gặp lại ông Ross Meador, một người đóng vai trò quan trọng trong chiến dịch di tản trẻ em trong trại mồ côi và hộ tống các bé đến phi trường. Hai ông đã cùng chụp hình trước cổng một cơ sở của tổ chức Friends of Children of Vietnam, nơi ông Mike sống trong khoảng thời gian 1974 – 1975 (nay là chung cư A-75, số 26, đường Bùi Thị Xuân, quận Nhứt).
 
Sau đó, vào ngày 4 Tháng Tư 2025, ông Mike cùng những trẻ em trong chiến dịch Operation Babylift đã tập trung tại địa điểm xảy ra tai nạn ngày 4 Tháng Tư 1975 để tưởng nhớ và thương tiếc những người đã mất, đồng thời chúc mừng những người còn sống sót.
 
ditantremocoi2
Tưởng nhớ các nạn nhân trong vụ rớt phi cơ C-5A Galaxy, số đuôi 80218. (Hình: chụp qua YouTube)
 
Một trong những trẻ em trong trại mồ côi được được đưa đến Úc ngày 5 Tháng Tư năm 1975 là bà Chantal Doecke khi mới vài ngày tuổi. Trong nỗi khao khát tìm kiếm gia đình, bà Chantal gần đây đã thực hiện xét nghiệm ADN Ancestry và đã tìm thấy người anh/em (trai) song sinh hiện đang sống tại Brisbane, Úc, trong 50 năm. Bà hoàn toàn bất ngờ với kết quả này vì trước đó chưa từng biết rằng bà có một anh/em trai song sinh.
 
Chantal hiện đang yêu cầu người xem chia sẻ đường liên kết phim tài liệu này (được đăng vào ngày 4 Tháng Tư vừa qua) cho bạn bè và đồng nghiệp. Bà Chantal hy vọng ai đó, ở nơi nào đó có thể kết nối bà với cha mẹ ruột của mình. Chi tiết cặp song sinh gồm bà Chantal và anh/em (trai) là một điểm khác biệt nên bà hy vọng rằng ai đó có thể nhớ đến tên của người phụ nữ đã hạ sinh một bé trai và một bé gái tại bệnh viện Từ Dũ ở Sài Gòn vào những ngày đầu Tháng Tư 1975.
 
Ancestry là một công ty phả hệ của Hoa Kỳ có trụ sở tại Lehi, Utah. Đây là công ty phả hệ vì lợi nhuận lớn nhất thế giới, điều hành một mạng lưới các hồ sơ phả hệ, hồ sơ lịch sử, và các trang web phả hệ di truyền.
 
Trong video clip, bà Chantal cho biết có những trẻ em trong chiến dịch Operation Baby được di tản với giấy khai sinh của trẻ em khác, vì vậy tính xác thực của danh tính rất hạn chế. Trong chuyến bay di tản đến Úc, bà được đặt trong một chiếc hộp đựng giày, lúc đó bà mới chỉ vài ngày tuổi, vì vẫn còn cuống rốn chưa rụng. Đến nay, Chantal Doecke đã trở về Việt Nam bảy lần và rất tự hào là người Việt Nam. Bà có ý định tìm lại ba mẹ ruột vào năm ngoái để biết rõ danh tính thật của mình và để xem ngoại hình mình giống ai.
 
Cuộc gặp gỡ lần đầu tiên sau 50 năm giữa bà Chantal Doecke và anh/em trai – tên là Glenn Ham, diễn ra thật xúc động tại Brisbane, với nước mắt hạnh phúc của bà Chantal và nụ cười mừng rỡ của ông Glenn Ham. Họ nhận ra từng đặc điểm giống hệt nhau trên khuôn mặt và ngoại hình.
 
ditantremocoi3
Bà Chantal gặp ông Glenn Ham. (Hình: chụp qua YouTube)
 
Giống như người chị/em song sinh, ông Glenn cũng là một trong những đứa trẻ trong trại mồ côi được di tản ra khỏi Sài Gòn thời điểm đó. Trong cuộc gặp gỡ, bà Chantal cho anh/em trai xem những hình xăm trên cánh tay của bà: Đó là hình lá cờ Việt Nam Cộng Hòa, dòng chữ ghi “Operation Babylift, QF 180, Sidney 5 – 4 – 75, Nguyễn Thị Hà”. Trong đó QF 180 là số chuyến bay di tản bà đến Úc, Sidney 5 – 4 -75 là ngày bà được đưa đến Sidney, tên Việt Nam trong giấy khai sinh kèm theo người (lúc được di tản) của bà là Nguyễn Thị Hà.
 
Tuy vậy, bà Chantal nghi ngờ đây không phải là tên thật của bà vì như đã nói ở trên, có những trẻ em được di tản với giấy khai sinh của đứa trẻ khác. Trong suốt cuộc gặp gỡ, bà không ngừng ngắm người anh/em song sinh của mình với biểu cảm đầy hạnh phúc. Bà nói linh cảm cho bà biết là người mẹ ruột của bà vẫn còn sống và có lẽ bà và ông Glenn sẽ cùng nhau về Việt Nam để tìm mẹ ruột.
 
ditantremocoi4
Phi cơ Lockheed C-5A Galaxy. (Hình: chụp qua YouTube)
 
Không may mắn như bà Chantal Doecke và ông Glenn Ham, bà Dương Thị Bửu Châu và ông Mike cũng không ngừng tìm kiếm ba mẹ ruột của mình nhưng chưa có manh mối gì. Một trường hợp khác, bà Hồng đã tìm về cội nguồn bằng cách chọn sống ở Sài Gòn hơn 10 năm nay. Dù họ có cuộc sống như mơ ở Hoa Kỳ, ở Úc nhưng trong lòng họ vẫn mang nỗi tủi thân về thân phận của mình và vẫn đau đáu tự hỏi dòng tộc mình ở đâu, cha mẹ mình tên gì.
 
Thật là trớ trêu khi những người được di tản ra khỏi Sài Gòn 50 năm trước mong muốn tìm về cội nguồn Việt Nam, còn những người Việt sống trong nước lại đang tìm mọi cách để định cư và nhập quốc tịch ở nước khác.
Cũng như bao người Việt khác sống trong nước, những lúc gặp khó khăn trong cuộc sống và bức bối vì sự ngột ngạt trong xã hội chỉ có thông tin một chiều, tôi cũng đã từng mong ước phải chi mình là một trong những đứa trẻ được di tản trong chiến dịch Operation Babylift để có cuộc sống tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, bây giờ tôi không còn ý nghĩ đến một quốc gia khác để sống nữa, vì ở tuổi 50 có lẽ đã quá trễ để bắt đầu lại.
 
50 năm trôi qua, tôi đã đi gần hết một đời người, nhưng vẫn chưa nhìn thấy có sự thay đổi ngoạn mục trong kinh tế – xã hội, đặc biệt là Việt Nam thiếu hẳn chế độ an sinh cho người tàn tật và người già nghèo khổ. Biết bao giờ người dân Sài Gòn được quay lại cái thời mà dân Singapore từng nói được sang bệnh viện Chợ Rẫy chữa bệnh là mơ ước, như một bài báo của trang báo điện tử Dân Việt từng đề cập?
 
Tidoo Nguyễn
 

Tìm các bài LỊCH SỬ khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com