User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
Nhân kỷ niệm 25 năm ngày phát hành sách, Nguyệt Mai rất hân hạnh được tác giả gửi tặng:
 
Bến Bờ Còn Lại
tạp văn của Lương Thư Trung
do Thư Trung 2000 phát hành
 
benboconlai

Trình bày & layout: Phan Xuân Sinh
Phụ bản: Nguyễn Trọng Khôi
Sách dày 252 trang
 
Chân thành đa tạ Anh Chị Lương Thư Trung & trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
 
oOo
Đọc “Bến Bờ Còn Lại” Của Hai Trầu -Lương Thư Trung
 
“Chỉ có một con tim tha thiết yêu đất đai cộng thêm một tâm hồn lãng mạn, cùng chất liệu sống quá phong phú mới có những bài văn như thế. Anh đã cống hiến vào kho tàng văn chương vùng đồng bằng sông Cửu Long bằng những viên ngọc rất hiếm…”
Trần Hoài Thư
(New Jersey, Hoa Kỳ)
 
“Với một trí nhớ tuyệt vời và với một tấm lòng yêu đất, yêu người nồng nàn, LTT đã vẽ lại cho ta cảnh sắc của quê hương miền Tây Nam Bộ một cách chi li, sống động đến nỗi khi đọc LTT, ta không những chỉ chia sẻ cùng anh hồi ức về những ngày tháng đã qua, đã mất, mà còn như được thấy, được nghe, được ngửi và thậm chí được nếm những gì gọi là hương vị đậm đà của quê hương đất nước, ngay trên từng trang sách.”
Trần Doãn Nho
(Worcester, Hoa Kỳ)
 
“Anh viết về những người thân như cha mẹ, vợ con, bạn bè v.v… anh đã thả tấm lòng của anh trên từng con chữ đã đành, nhưng khi anh viết về quê hương Miền Nam Lục Tỉnh của anh, thì anh lại càng cho ta thấy được tấm lòng ấy đã thăng hoa, đậm đà một cách dễ thương. Từ xóm làng đến bờ ruộng, từ ngọn cỏ đến lũy tre, từ mương nước đến bến sông, ta cảm thấy như tất cả có một sức sống, có hơi thở, có hồn… đủ biết anh đã “phả” vào đó những làn hơi, những rung cảm tha thiết, trải ra bằng một tấm lòng chân thật, mà nó đã ăn sâu, đã thành rễ trong người anh từ lâu đời. Anh đúng là một mẫu người hiền hòa rất nông dân của Miền Nam mà ta thường gặp trên bờ ruộng, nhưng ở đây người nông dân này, cũng mang vóc dáng hiền hòa ấy lại đứng bên bờ văn chương, cho ta thưởng thức những dòng chữ trữ tình, thấm đọng.”
Phan Xuân Sinh
(Stoneham, Hoa Kỳ)
 
Trong quan hệ chữ nghĩa, người ta gọi ông là ông Trung, Lương-Thư-Trung. Nhưng chúng tôi, những người không viết văn hay làm thơ, gọi ông là ông Bảy, hay ông Hai Trầu.

Ông Bảy sinh nhai bằng hai bàn tay lao động thuần túy của mình. Hai bàn tay lúc nào cũng cần cù và chai cứng. Giống như hai bàn chân của ông khi còn ở quê nhà, các móng chân bị sứt rời vì phải ngâm bùn, ngâm phèn triền miên không có thời gian rảnh để mọc ra. Mãi sau này, qua Mỹ, các móng chân mới có cơ hội mọc lại từ từ … Có lần ông nói với tôi:”Tưởng là cả đời không thấy lại các móng chân mình.”

Khi ông Bảy làm việc bằng chân tay, không ai có thể nghĩ là ông cầm viết để viết về điều này điều khác. Nhưng khi ông cầm bút, viết rằng ông là người nông dân tay lấm chân bùn thì người ta lại đặt câu hỏi. Những người trong giới chữ nghĩa mấy ai tin ông Lương-Thư-Trung là một người nông dân đã sống bằng nghề làm ruộng cha truyền con nối. Thực ra, qua cái nghề làm ruộng mấy mươi năm dài, từ hồi còn lúa mùa trước kia cho tới lúa thần nông sau này, ông đã đạt được ở cây lúa nhiều hơn những điều mà cây lúa mang lại cho ông về vật chất. Bây giờ, khi lau xong những giọt mồ hôi của một ngày lao lực vất vả, cực nhọc, ông cầm viết không phải để viết ra những áng văn hay, những tác phẩm để được lưu ý là tài hoa, mà là lúc ông cầm bút để tu tâm, dưỡng tánh. Ông càng viết càng hiền, càng hiền càng say; cho đến lúc cái hiền tỏa ra cả trong anh em, những người chữ nghĩa với những người sống chung quanh ông, không biết viết văn làm thơ.

“… Về Đông Phương, nước biển Đông chảy xiết sinh cuồng loạn.
… Về Tây Phương, mưa tây phương từng trận chứa chan.
… Về Bắc Phương, ngọn bắc phong vi vút cát chạy đá dông.
… Về Nam Phương, có người quá chén như điên như cuồng.”

Ý tưởng những câu thơ trên trong bài Hồ Trường của Nguyễn Bá Trạc, là hình ảnh chính tôi trong ấy, không biết phương nào mà về. Có lúc tôi đứng vững vàng bằng hai chân xoạc rộng, mắt sáng rực, hai tay đầy nghị lực của tuổi trẻ. Có lúc tôi đã phải cúi khom xuống hay phải lần mò bằng hai bàn tay để kiếm tìm một con đường. Có lúc tôi dang hai tay “lạy Cha chúng tôi ở trên Trời…” Rồi tôi thâu băng tiếng niệm Phật, thâu băng tiếng chuông chùa cho lòng thanh thản tìm đường mà đi. Đi đâu? Tôi đi tìm cho mình một lẽ sống sao cho hợp với mình. Quả thật, mỗi người đều phải ngủ để sống hợp với thiên nhiên. Đó là cái giống nhau. Nhưng có giấc mơ của ai giống giấc mơ của ai đâu. Và con đường cầu đạo của ai lại giống của ai được. Tôi “quá chén”? Tôi “điên cuồng”?

Cho đến lúc tôi đọc thấy: “Tôi là đất. Tôi là bùn… Vạn vật đã cắm những chùm rễ thật sâu vào trái tim tôi… Tự trong hạt gạo, tự trong trái chín, tự trong hoa, trong hương đã có sự sống, đã có tôi dự phần, đã có hồn tôi, đã có máu của tôi kết tụ lại rồi…” trong “Nỗi Lòng Của Đất” của ông Bảy. Đó là cánh cửa đưa tôi vào cõi của ông Bảy.

Thật sự, tôi không biết chút gì về những người nông dân. Hằng ngày tôi vẫn ăn những chén cơm do nông dân làm ra. Tôi đã thấy những miếng ruộng hẹp như manh chiếu ở miền Trung cũng như những cánh đồng bát ngát của miền Tây. Tôi cũng làm ruộng nhưng sống ở vùng không phải là đồng quê nên không phải là nông dân thuần túy. Một nước yêu kiều và ngọc ngà như nước mình ắt không phải là Sài Gòn, Hà Nội hay Huế. Nhưng nhớ Sài Gòn – xa Hà Nội – Huế đẹp và thơ – thì ai cũng biết. Trong khi bao trùm cả quê hương là những cánh đồng lúa bao la có ai thấy không? Lại càng không thấy những giọt mồ hôi, những chiếc lưng dãi dầu mưa nắng suốt đời này sang đời kia. Thế nhưng, ông Bảy đã nói giùm chúng ta qua tiếng kêu thương ngậm ngùi trong “Lúa mùa, một thời xa vắng”. Ông đã tiếc thương cho cả một cõi thiên nhiên có ốc, có nhái cùng bao loài đã bị bầm dập trong “Lúa thần nông, một dòng đời” với tấm lòng cảm thông, hiền hòa.

Thế nào là “cá không ăn muối cá ươn”? Tôi cứ nghĩ là tôi biết. Đến khi đọc được những điều ông viết, hóa ra mình chưa biết gì cả. Khi đọc bài “Con cá làm ra con mắm”, tôi mới nghiệm ra một điều là những gì ông Bảy viết có gì là mới lạ, nhưng không ở nhà quê, không làm mắm thì không thể hiểu hết ý nghĩa của những điều ông bà xưa muốn nói gì trong đó. Rồi trong “Lớp học nhà quê”:”… Lấy cái chơn chất của nhà quê làm cái trong sáng của giáo dục. Lấy cái lòng biết ơn đối với thầy giáo làm lễ nghĩa của đạo thánh hiền…” Ông Bảy ạ! Quả thật tôi chưa học được những điều này trong các lớp học rộng rãi ở ngôi trường cao ráo nơi thị thành thời niên thiếu của tôi.

Trong những bài viết về các kỷ niệm của Tía, của Má, ông đã cho tôi thấy ở đó cái đạo ở đời. Đạo ông không phải mang dép rơm như những thiền sư Nhật Bổn, mà là cởi giày đi chân đất mỗi khi ông đi học xa về vừa bước xuống đò về làng. Đạo của ông không mặc áo tu hành mà là cái áo túi bằng vải ú của má ông. Ông thèm mặc, hãnh diện, sung sướng khi mặc cái áo túi của mẹ mình mỗi khi ông về thăm mẹ. Lòng hiếu đạo nó ở đó!

Tôi nhớ, thập niên 60 đài BBC, Luân Đôn, có đố các độc giả đọc Kiều, tìm xem trong tác phẩm Kiều có câu nào không phải là thơ nhất? Đó là câu:”Trên án có sẵn con dao”. Trong văn của ông Bảy, khỏi phải đố, chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy cái lòng hiền tỏa ra.

Hai chữ “Thư-Trung” làm tôi liên tưởng đến bài thơ khuyến học của vua nhà Tống bên Tàu mà ai ai cũng đã một lần nghe qua.”Thư trung hữu kim ngọc. Thư trung hữu mỹ nữ. Thư trung hữu cao lâu. Thư trung hữu xa mã”. Nhưng riêng với ông Bảy, tía ông nói “Các con ráng học. Học để biết chữ và hiểu những điều nhân nghĩa ở đời.” Hầu hết những điều ông viết là đề tài rất đơn giản mà gần gũi: Má tôi, Tía tôi, Thầy tôi, vợ con, bạn bè, cây lúa, cá mắm, những người nghèo khổ nhà quê cùng bạn hữu có thật chung quanh ông. Mới nghe qua, ai cũng tưởng là mình đã biết hết rồi, đến khi đọc xong, tôi mới thấy mình quả thật chưa biết hết những điều tưởng là cũ kỹ nhưng đầy tình nghĩa…

Nhân dịp ông in lại những bài đã viết vì sợ thất lạc, tôi xin viết kính gởi ông những dòng chữ này không phải là cám ơn ông đã cho tôi đọc những bài ông viết. Mà là tạ ơn ông đã giúp cho tôi trở lại với những điều tôi đã có sẵn, cha mẹ, thầy cô, vợ chồng, con cái, anh em, bạn hữu, cây cối chung quanh mình mà ông gọi là Bến Bờ Còn Lại.

Bùi Công Nguyên
(Boston, Hoa kỳ)
 
Tôi biết anh Lương Thư Trung được khoảng hơn một năm nay qua loạt bài viết “Lá Thư Từ Kinh Xáng” đăng trên báo Văn Học Nghệ Thuật liên mạng, dưới bút hiệu Hai Trầu. Với tôi, anh là anh Hai Trầu.

Từ trước đó nữa, anh Hai Trầu đã có vài chục bài viết chỉ riêng dưới một đề mục này. Một loại tạp bút lan man, kể về những cảnh sống nơi thôn dã miền Nam. Chốn quê hương mà chắc chắn đã ghi lại những ký ức rất đậm nét vào hồn, mãi tận cho đến những ngày anh Hai Trầu tóc trắng như bây giờ – mà lại cách xa cả nửa vòng quay trái đất.

Trong tiến trình thay đổi của văn chương, dường như có một quy luật: “Cái đơn giản ít bị đào thải hơn cái phức tạp”. Mà thật ra, điều đó cũng dễ hiểu: Như cái Duyên của một người con gái nào đó, thường sẽ còn lại lâu hơn sau khi Nhan Sắc của một thời rồi cũng đã phải chịu phôi pha. Tôi có lần đã nghe ai ví von những bài viết mộc mạc của anh Hai Trầu như nụ cười duyên của một cô gái quê Nam Bộ – nụ cười làm gợi nhớ hoài hoài…

Anh muốn tôi viết vài dòng cảm nghĩ để cùng nhớ với anh, về những Bến Bờ Còn Lại – về những nụ cười duyên mãi in trong ký ức… Vậy thì xin nhắn anh Hai Trầu rằng: Thỉnh thoảng còn dịp đọc anh, thì làm sao tôi quên được câu ca dao “cầu tre lắt lẻo”.

Phạm Thiên Mạc
(Toronto, Canada)
 
Có người hỏi: “Hai Trầu là ai?”
Tôi nói: “Lương thư Trung.”
“Lương Thư Trung là ai?”
“Nông dân.”
“Nông dân sao có thể viết văn?”
“Ông không viết văn, chỉ kể chuyện bằng cây bút. Bạn nghĩ thế nào về ông ấy?”
“Tôi thích ông, ở cái hiền hòa mộc mạc.”
“Sao biết?”
“Văn tức là người. Bài viết của ông, thể hiện điều đó.
“Ngoài sự hiền hòa mộc mạc, còn có gì nữa không?”

“Qua bài viết, ông đưa người đọc về tận những thôn làng xóm nhỏ Miền Tây. Phong tục tập quán của người dân quê, cuộc đời gắn liền với ruộng đồng sông nước. Nhìn thấy con rạch nhỏ có cây cầu khỉ lắt lẻo. Lội xuống ruộng, săm soi từng cây lúa. Sờ tay chạm vào cây bần, cây đước. Tùy mùa mà giăng câu, bủa lưới, bắt chuột. Tùy thời, mà hòa mình sống với thiên nhiên. Không nói chuyện đạo, mà biết nương theo cái lẽ bao dung của trời đất. Tâm hồn thanh thản như thế, gọi là an nhiên tự tại được không?”

Nhân dịp anh Lương Thư Trung cho ra đời tác phẩm Bến Bờ Còn Lại, tôi ghi lại mẩu đối thoại này, như một quà tặng chào mừng trong tinh thần bằng hữu.

Lâm Chương
(Boston, MA, Hoa Kỳ)
 
Thơ văn Việt Nam càng ngày càng ít có tác phẩm viết về đời sống nông thôn vốn dĩ là môi trường sống của 80% – 90% dân số. Có thể người viết – cũng như người Việt nói chung, ngày càng thị tứ hóa theo đà hiện đại, nên đã xa dần nông thôn. Thứ nữa, càng có những cuộc “cách mạng” văn học, các tác phẩm mới lại càng xa nông thôn vì cái gì mới thường do ảnh hưởng Âu Mỹ (Tự Lực văn-đoàn, thơ mới, lãng mạn, ngay cả hiện thực cũng là Tây nếu không là Mác- Lê). Dù vậy, ở mỗi giai đoạn văn học đều có những tác phẩm dùng thôn quê làm khung cảnh hay nền cho thơ văn: Hồ Biểu Chánh, Thạch Lam, Ngô Tất Tố, Tô Hoài, Nguyên Hồng, Bàng Bá Lân, Anh Thơ, Nguyễn Bính, Phi Vân, Lê Xuyên, Sơn Nam, … Gần đây trong nước có một số tiểu thuyết gây tiếng vang viết về những vấn đề của nông thôn trong chiến tranh và thời thống nhất, của Dương Thu Hương, Dương Hướng, Nguyễn Khắc Trường, … Thơ văn người Việt hải ngoại nói nhiều đến quê nhà nhưng dù vậy vẫn hiếm người viết thật sự về nông thôn. Hồ Trường An, Võ Kỳ Điền, Nguyễn Văn Ba, Nguyễn Tấn Hưng, Sĩ Liêm, v.v… có viết về “miệt vườn” nhưng nhiều hơn về tình yêu ở nông thôn, và họ hay có cái nhìn của người ghé chơi hơn là ở đó hoặc của người nay đã lên tỉnh thành. Nguyễn Văn Sâm trong ba tập truyện đã xuất bản có những truyện ngắn viết về đời sống miền quê lục tỉnh nhưng ông đã văn chương hóa tiếng nói và nếp nghĩ của con người ở đó! Nhưng nói gì nhà văn, người “nhà quê” cũng đô thị hóa tại chỗ, nào truyền hình, radio, áo quần, ngay cả trong tiếng nói và âm nhạc. Thành ra tìm cho ra người nhà quê nói ca dao, tục ngữ, nói thai đố, nói thơ Vân Tiên, mặc áo vải thô có thể ngày càng khó.

Một số bài viết của anh Lương Thư Trung đã đến với người đọc trước hết qua phương tiện điện toán liên mạng internet, chính yếu trên diễn đàn Văn Học Nghệ-Thuật, sau xuất hiện trên các tạp chí văn học và báo chí cộng đồng. Những bài bút ký khi anh viết về cảnh cũ người xưa, những tùy bút và tâm bút khi anh tâm tình cùng những người bạn trẻ tuổi. Đề tài là con người và cuộc sống thôn dã và khó khăn ở “miệt vườn” mà anh biết rành rõ. Anh có một trí nhớ đặc biệt xuyên lùi cả đời người. Cây viết anh chưa thật sự bị đô thị hóa và đời sống hội nhập ảnh hưởng. Nhờ đó mà các bài anh viết vừa có giá trị tài liệu vừa để lại nơi người đọc những thú vị văn chương.

Anh vẫn xưng là người nông dân. Nông dân mà viết về đời sống “miệt vườn” rất văn chương như anh thì khá hiếm. Một món quà cho những người phải sống xa quê hương!”

(Đôi lời nhân đọc những bài ký và tâm bút của anh Lương Thư Trung)
Nguyễn Vy Khanh
(Montréal, Canada)
 
Cách đây hơn 5 năm, trên điện báo Văn Học Nghệ Thuật xuất hiện một nhân vật khá huyền bí: Hai Trầu và những bài ký, tùy bút, tạp văn được viết từ một nơi gọi là Kinh Xáng. Hai Trầu và Kinh Xáng, tác giả và địa danh còn rất xa lạ với độc giả đa số là trẻ tuổi trên Internet. Thế nhưng, chỉ trong vòng vài tháng, nhân vật Hai Trầu bỗng trở thành một hiện tượng. Các độc giả trẻ gần như cuốn hút vào các bài viết của ông. Nhiều cô cậu chỉ đợi đến cuối tuần để được đọc “Lá Thư Từ Kinh Xáng” do các trạm phục vụ Internet chuyển đi. Các báo địa phương cũng bắt đầu trích đăng từ Internet những bài viết của tác giả Hai Trầu, mặc dù họ không biết người đó là ai.

Tác giả của những Lá Thư Từ Kinh Xáng đó chính là nhà văn Lương Thư Trung của “Bến Bờ Còn Lại” hôm nay. Sở dĩ có hiện tượng Hai Trầu bởi vì nhà văn Lương Thư Trung qua bút pháp dễ hiểu, qua văn phong hiền hòa như chính con người anh, đã giúp cho các thế hệ trẻ Việt Nam hải ngoại một cơ hội hiếm hoi để được đi trên những con đường làng rợp bóng tre xanh, được sống bên ruộng mía, nương dâu, bờ ao, ruộng lúa, được nghe những tiếng hát câu hò miền Nam hiền hòa chơn chất. Văn Lương Thư Trung, vì vậy, là một góc quê hương giữa xứ người xa lạ, là giọt nước giữa mùa đại hạn, ở đó, bao nhiêu tuổi trẻ Việt Nam đang khao khát, mong chờ.

Trần Trung Đạo
(Braintree, Hoa Kỳ)
 
Trần Thị Nguyệt Mai
 

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com