“Giàn Đậu Mưa Rung” lấy bối cảnh về Cuộc Chiến Việt Nam, câu chuyện xoay quanh hai nhân vật chánh: Hai Sự và Năm Thoại. Huỳnh Công Sự và Huỳnh Công Thoại là anh em chú bác còn sót lại của dòng họ Huỳnh từ sau kháng chiến chống Pháp cho đến khi miền Nam sụp đổ, lọt vào tay cộng sản.
Cha của Năm Thoại là ông Tám Trầm, cha của Hai Sự là ông Chín Hương; hai anh em Tám Trầm và Chín Hương người gốc Hốc Môn, Bà Điểm, từ đời ông cha đã nổi lên chống Pháp. Mang nỗi hận ông và cha chết vì bị Tây giết, trong thời điểm Nam Bộ Kháng Chiến (1945-1954) hai anh em gia nhập phong trào Việt Minh, lo đánh đuổi thực dân Pháp.
Ông Chín Hương hy sinh trong kháng chiến, bị Tây bắn chết. Ông Tám Trầm là một cấp chỉ huy cao cấp, vào sanh ra tử nhiều lần, có đôi lúc tưởng như mất mạng nhưng nhờ thuộc cấp liều mình, chết thay. Năm 1954, ngay khi đình chiến, một số người trong phong trào Việt Minh tập kết ra Bắc; ông Tám Trầm không có mặt trong số người nầy, ông lại trốn về thành, chịu nhiều đau khổ, bị chánh quyền kêu lên kêu xuống, điều tra.
Người con lớn của ông Tám Trầm là Hai Thành, tình nguyện nhập ngũ, đi lính Quốc Gia và tử trận vài năm sau. Hai Sự và Năm Thoại cũng học xong Trung Học, cả hai được hai bà mẹ gởi lên Sài Gòn ăn học; Hai Sự học Trường Luật, Năm Thoại vào Đại Học Khoa Học. Tại Sài Gòn, hai anh em bị móc nối, tuyên truyền nên chạy trốn vào mật khu, theo Việt cộng. Trong thời gian ở Sài Gòn, Hai Sự quen biết một cô gái và có một người con trai với cô này; cô lo việc tiếp tế cho Hai Sự.
Sau biến cố thất thủ Sài Gòn, Hai Sự và Năm Thoại trở về lại thành phố, làm việc trong ủy ban quân quản. Năm sau, Năm Thoại chuyển ngành, làm việc cho công ty dầu khí, đổi xuống Vũng Tàu. Còn Hai Sự thì làm cho công ty du lịch, nhiệm sở cũng ở Vũng Tàu.
Đất đai hương hỏa của hai người cha được hai người mẹ, chị em bạn dâu chăm sóc, bà Tám Trầm và bà Chín Hương. Các tay cán bộ ngoài Bắc vào, dòm ngó và tìm cách chiếm đoạt hai mảnh đất ấy. Hai Sự mang tiếng là khôn ngoan và nhanh lẹ từ khi còn nhỏ, anh giao du mật thiết với đám cán bộ cao cấp, những chủ nhân ông mới của miền Nam Việt Nam; đám người nầy móc ngoặc tham ô, hủ hóa, ăn chia nhau. Hai Sự bàn với bà Chín Hương lo chia cắt mảnh đất làm thành những mảnh đất nhỏ, bán cho những người dân nhà giàu ở Sài Gòn, Hai Sự móc ngoặc với đám cán bộ lo luôn việc làm giấy tờ xin hộ khẩu; những người dân Sài Gòn nầy mua đất, xem như một cách về nông thôn khai khẩn trồng trọt, vì không muốn bị bắt đưa đi vùng kinh tế mới. Trái với Hai Sự, Năm Thoại luôn tin tưởng và luôn thi hành chánh sách của “nhà nước”, nên đất đai hương hỏa của bà Tám Trầm vẫn để nguyên vậy. Bà Tám Trầm tuyên bố nếu cán bộ muốn lấy đất của bà để xung vào nông hội, họ phải làm một buỗi lễ, ký nhận đất đai dưới sự chứng kiến của những người dân hàng xóm.
Ba Đạo là thủ trưởng trong công ty của Hai Sự, hắn ta từ Bắc vào và có người con gái tên Hằng, vừa du học bên Nga Sô về. Năm Thoại yêu Hằng, hẹn hò, và sau cùng đi đến việc ăn ngủ với nhau. Năm Thoại muốn cưới Hằng, nhưng cô nầy luôn tìm cách từ chối, hẹn lần hẹn lừa. Là người đàn ông từng trải, Hai Sự biết rõ con người, tánh nết của cha con Ba Đạo, những con người được xem như đào tạo từ môi trường xã hội chủ nghĩa, đại diện cho những người cộng sản khát máu và gian manh. Hai Sự rất đau lòng, muốn nói cho Năm Thoại biết về xã hội mới và những con người mới nầy. Về sau, có một lần Năm Thoại đến nhà Ba Đạo tìm Hằng vì đã không gặp được mặt gần tháng trời. Bà mẹ của Hằng nói thẳng cho Năm Thoại biết con gái bà đã ra Hà Nội, gặp lại người yêu cùng du học bên Nga Sô, vừa về nước, và đang cùng lo việc làm đám cưới.
Một phái đoàn thanh tra từ Bắc vào Vũng Tàu, lo việc điều tra vụ tham nhũng tại thành phố nầy. Hai Sự nói với Năm Thoại, anh ta có đủ hết giấy tờ, bằng chứng các cán bộ cao cấp tham ô nhũng lạm ra sao, nếu những người nầy có phản bội anh, anh sẽ đưa các giấy tờ này cho phái đoàn thanh tra.
Vài ngày sau, Năm Thoại nghe tin Hai Sự bị tai nạn xe cộ. Năm Thoại đến nơi, trông thấy xác Hai Sự bị xe cán nát người. Ba Đạo chạy đến và hứa lo việc tống táng cho Hai Sự. Năm Thoại từ chối, cái chết của Hai Sự làm cho anh hiểu rõ nội vụ, anh tự lo đám tang cho Hai Sự.
Và, Năm Thoại cũng bỏ làm cán bộ, không còn dính dáng gì đến “cách mạng”.
...................
Chương Kết:
Trời thần ơi, mưa gió gì mà mưa hoài không tạnh vậy nè, mưa từ chạng vạng hôm qua, mà tới bữa nay vẫn chưa dứt hột. Bộ muốn mưa cho thúi đất hay sao chớ... Ừ, mà mưa lộp độp như vầy, vặn đèn lớn ngọn một chút, má con mình thủ thỉ chuyện đời với nhau, kể cũng ấm cúng lắm chớ...
Thoại à, mới có một tháng mà má tưởng như đã già thêm chục tuổi... Ối, má nói bậy nói bạ rồi, già như má là già hết cỡ thợ mộc rồi, già thêm gì nữa. Nhưng, má cảm thấy mệt mỏi quá, làm như cái ngày buông tay nhắm mắt, theo ông theo bà, của má đã gần kề. Con đừng có dáo dác như vậy. Cái chết là cái lẽ đương nhiên sẽ tới với mọi người. Đâu có ai lột da sống đời. Giàu sang hay bần hàn, phú quới hay khốn khổ, rốt cuộc cũng nằm dưới ba tấc đất mà thôi. Hồi đó, có lúc má sợ chết, nhưng bây giờ thì lòng má thanh thản lắm, má coi cái chết là một sự đi về. Mình sanh ra là mình khởi đầu đi. Má đã đi thì phải có ngày về chớ...
Ừ, mắc mớ gì mà nói tới chuyện chết chóc hoài khiến cho con phải lo nghĩ? Chắc là tại mới chôn thằng Hai Sự xong, tới chôn thím Chín Hương nối theo liền, nên má thấy sự sống không còn nghĩa lý gì hết đối với má nữa.
Thằng Sự nó bằng tuổi con mà. Ai nghĩ là nó sẽ chết sớm như vậy? Vậy mà nó chết tức chết tối, chết bầm chết dập, chết không toàn thây.
Còn thím Chín nhỏ hơn má cả chục tuổi mà. Bà già nầy chưa chết, mà sao thím vội lìa trần? Tuy ốm o hơn má, khô héo võ vàng hơn má, nhưng thím cũng còn khoẻ mạnh lắm mà. Vậy mà sao thím chỉ nằm bẹp có ba ngày, không ăn không uống, không cục cựa, rồi nhắm mắt đi luôn.
Nghĩ cũng thiệt là ngán ngẩm mà cũng thiệt là thất cười. Ông bà mình nói sống lâu mới thấy chuyện kỳ quả thật không sai. Ai đời thằng Sự là con của thím Chín, vậy mà khi con chở quan tài nó về, thím nhứt định không cho vô nhà, bắt phải che rạp để ở ngoài sân. Mà cầm lòng không đặng, đem cái quan tài về để ở nhà mình. Suốt mấy ngày đám, thím Chín không hề bước chưn qua. Tới hồi hạ rộng thím cũng không thèm có mặt để ném cho nó một cục đất. Thằng Sự chết, thím không nhỏ một giọt nước mắt. Thím chỉ nói có một câu, rồi nín thinh luôn: Nó đã như vậy, thì hậu quả nó phải gánh là như vậy. Cái nhục nhã tới tận tông môn từ đường nầy, rửa sao cho sạch.
Con nói sao? Con nói nếu thím khóc được thì thím không chết hả? Con nói cũng có lý. Thím đau quá mà. Thím buồn quá mà. Lòng thím nát ngướu như tương, mà miệng thím không chịu mở, nước mắt thím không chịu lăn ra, mặt mày thím lạnh băng như nước đá. Chớ chi mà thím gào la, xỉu lên xỉu xuống như những người mẹ khác khóc con, thì thím đâu có chết như bị đứt ruột làm vậy.
Hồi đó, bà nội con nói “những người đờn bà trong họ Huỳnh chia cái khổ với nhau mà sống”. Nhưng, má đâu có chia cho thím Chín được cái gì. Chia cơm chia áo, chia miếng trầu hớp rượu, chia thịt chia cá, tới chia đất chia đai, má chia cho thím được hết. Nhưng những thứ đó có nghĩa lý gì đâu. Nỗi lòng đòi đoạn héo xào như bầu đứt dây của thím, má làm sao mà chia? Nước mắt của thím, thím nuốt vô tận trong tim, trong phổi, trong gan, trong ruột, chớ đâu có để chảy ra, cho má có dịp lau khô hay tìm cách ngăn lại cho đừng trào ra nữa. Tiếng thở dài của thím, thím ếm nó xuống tận ruột già, ruột non, chớ đâu để phát ra, cho má có dịp mà chia sớt.
Cũng là đờn bà với nhau, lại sống cần kề bên nhau, từ hồi xanh tóc cho chí ư tới thuở bạc đầu, má hiểu thím Chín lắm chớ. Nhưng, thím chặt dạ quá, tỉ tê khuyên giải thím cho mấy đi nữa, thím cũng trấm trơ trấm trất.
Bây giờ thằng Sự chết rồi, thím Chín chết rồi, má mới nói. Ném ra, thằng Sự nó không có lỗi gì với thím Chín hết. Nó phụ rẩy con vợ nó là nó lỗi đạo tào khang. Còn như nó bỏ bê con nó là nó không trọn tình phụ tử. Thím Chín hận chồng rồi thấy thằng con như vậy, hận lây tới con. Hận tới nỗi, thằng con không có đường về. Chi mà dữ vậy? Bụng dạ con người phải cởi ra, mở ra thì nó thanh thản mới được, chớ cột kín lại, cột nút chết không ai mở được thì có nước nỗi đau đớn phải ôm lấy một mình.
Con không muốn nghe chuyện thím Chín với thằng Sự nữa hả? Con nói mồ mả của họ đã yên rồi thì không nên khơi lại nỗi đau lòng nữa hả? Má nói chưa hết ý mà. Bộ con tưởng má đang quậy cái vết thương còn rỉ máu cho nó tầy huần thêm sao? Má muốn từ cái chuyện của thím Chín mà bắt qua cái chuyện của má đây nè. Con đừng nóng nảy gì hết thảy. Chuyện đâu còn có đó, từ từ rồi con sẽ hiểu rõ đầu đuôi...
Ừ, rót cho má miếng nước đi... Nguội lạnh gì cũng được, gió mưa lạnh lẽo cả ngày như vầy, thì nước nào còn nóng cho nổi. Với lại, má chỉ thấm giọng thôi mà....
Lúc thím Chín gần tắt thở, má đã cầm tay thím, hỏi thím có muốn trối trăn gì không. Cặp mắt thím ráng nhướng lên nhìn má. Giọng thím nhỏ rức như sợ có người khác nghe:
Cho xong một đời...
Thoại à, điều má muốn nói ở chỗ nầy đây. “Cho xong một đời”. Thím Chín không nói được hết câu, nhưng mà má hiểu. Đã từ lâu, thím Chín đã không thiết sống nữa. Thím chờ đợi cái chết như là một sự giải thoát. Đối với thím, sống khổ hơn chết... Má thì khác. Sống hay chết, đối với má, không thành vấn đề. Sống, thì má sống cho hết tình hết ý, còn chết thì thôi, vui mà nhắm mắt, không có gì phải ân hận hết. Có những người, cuộc đời họ sung sướng, họ muốn sống hoài để hưởng cho hết cuộc đời. Nhưng, chết sớm cũng một đời, mà chết già cũng một đời. Miễn làm sao khi chết mình không ân hận gì hết là được rồi.
Con đã kể cho má nghe hết về cái chết của thằng Sự. Bữa trước, nó còn nói tỉnh với con, nó còn cười với con. Sáng hôm sau, cái xác nó bét be, chết tức chết tối. Chết như vậy, chắc là nó còn nhiều điều ân hận trong lòng lắm, chớ không làm sao mà thoải mái được. Con kể cho má nghe là nó bị giết. Con chỉ nói mép mà không đưa ra bằng cớ, nhưng, má tin con. Bởi vì, chết như nó là chuyện dĩ nhiên. Nó làm chuyện bất lương, không minh bạch, nó hợp tác với kẻ bất lương, nhưng nó chưa bất lương tới mức, khi sự thế đáo đầu, nó sống sao được.
Cũng đồng tuổi với con, cũng đi “giải phóng” như con. “Giải phóng” rồi lăn lưng ra phục vụ như con, nhưng con nguyên lành trọn vẹn về được, còn nó thì phải chở xác về, thiệt là lòng má cảm thấy an ủi rất nhiều. Ít ra, cái công lao của má dạy dỗ con, chẳng phải là công uổng. Thằng Sự chết, con bỏ việc, xin về. Má mừng còn hơn đương không mà lượm được vàng thoi bạc nén…
Con nói rằng, con sợ rồi cũng không yên à? Con đã biết sợ như vậy mà con còn làm? Sao con lại gởi hết những hồ sơ mà thằng Sự gom góp cho phái đoàn thanh tra kiểm soát và cho mấy tờ báo đó?
Con nói rằng việc đó là việc phải làm à? Con không muốn cho thằng Sự chết trong tăm tối oan ức như vậy à? Đã biết là việc phải làm, sao con lại còn sợ? Thoại à, hồi nãy má nói nhưng chưa nói hết. Chết sớm cũng một đời, chết già cũng một đời, chết làm sao cho nó phải lẽ thì thôi. Con thấy việc phải, con làm là đúng rồi. Còn như có phải vì việc làm đó mà chết, cũng đâu có cái gì ân hận.
Từ cái chuyện con bỏ về, cho tới cái chuyện con muốn làm sáng tỏ cái chết của thằng Sự, má thấy chuyện nào con làm cũng phải hết. Vậy thì không có cái gì mà con phải lo. Ví dầu, vì chuyện làm phải mà dòng họ Huỳnh tuyệt tự, không ai nhang khói, má cũng không lấy đó làm điều.
Con buồn bực vì sự khiếu nại của con không đi đến đâu hả? Đừng buồn con. Thời nào, cái dù vẫn che cái cán. Con muốn, má vẫn để con làm, không ngăn cản, nhưng má biết trước là rồi cũng không đi tới đâu. Trộm cắp, tham ô móc ngoặc, đầy cả một trời. Họ dính líu với nhau lâu quá, họ phải bao che cho nhau chớ. Thằng Sự ơ hờ, dại đột nên chết thảm, chớ họ chết sao được.
Con hối má đi ngủ hả? Bộ con không muốn nghe nữa sao? Má chưa buồn ngủ một chút nào, chắc tại đầu hôm uống nước trà đậm nhiều quá.
Con nói, con không muốn nghe chuyện thằng Sự nữa hả? Con nói mỗi lần nhớ tới nó, con muốn chết ruột chết gan hả? Bộ con tưởng má vui lắm sao? Từ ngày thím Chín chết, ăn miếng trầu, má thấy lạt nhách, ăn đậu rồng chan nước cá, má hết thấy ngon. Má với thím Chín, tuy là người dưng khác họ, nhưng cũng dính vô cái dòng họ Huỳnh nầy lâu quá rồi, thím Chín trở thành như là một phần đời của má rồi. Thím Chín chết, má lửng đửng lơ đơ như nước trong bàu, hổng có làm được cái gì nữa hết. Má làm như bị bước hụt chưn, không té, nhưng đứng không muốn vững... Ừ, thôi, má không nói chuyện thằng Sự và thím Chín nữa. Nói ra, chính má cũng buồn, chớ đâu phải riêng mình con...
Chà! Má biết nói chuyện gì cho hết đêm đây? Má chưa buồn ngủ, hai con mắt của con còn ráo hoảnh... Con cười bà già nầy nhiều chuyện hả? Lâu lâu mẹ con cũng phải tâm tình với nhau một chút chớ. Không lẽ ở chung một nhà mà con lúc thúc phần con, mẹ lui cui phần mẹ, không ai nói với ai một tiếng nào. Với lại bao nhiêu năm trời rồi, má có dịp nào ngồi nói chuyện lâu dài với con như vầy đâu...
Thoại à, má rất vui lòng. Khi con trở về đây, lo ma chay cho thằng Sự xong, việc đầu tiên là con đã ra công dựng lại cái giàn đậu rồng cho má. Con đã kiếm tre đằng ngà, mà lại thứ tre gốc, về thay mấy cái cột giàn. Thiệt là má bằng bụng hết sức. Cái giàn đậu rồng nầy, má mơ ước đã lâu, cha con hứa với má, vậy mà mấy chục năm sau, tới hồi gần chết, cha con mới làm. Phải chi, ổng làm đàng hoàng cho cam, ổng quơ quào chà chơm bậy bạ, làm cũng thể như con nít ỉa trịn. Cái giàn đậu, con sửa lại, sẽ còn đứng vững được vài chục năm nữa. Tiếc rằng, má không lột da sống đời để thấy nó bền vững lâu dài.
Có một lần, má nói với con rồi, suốt cuộc đời má, má mơ ước hoài một cái giàn đậu rồng, cột bằng tre đằng ngà chắc chắn. Tới gần chết, má mới thấy cái mơ ước của má được thực hiện và cái người thực hiện cái mơ ước đó cho má là con. Con nghĩ coi, còn gì vui hơn, khi má có một mơ ước suốt đời, má làm không được, cha con không làm được, vậy mà tới hồi gần chết, má thấy con làm được..
Con nói cái gì? Cái mơ ước của má không phải là giàn đậu rồng, mà là một cuộc sống bình thường và bình yên hả? Con trách má vòng vo tam quốc làm chi, sao không chịu nói thẳng thét ra cho rồi hả?
Như vậy là con hiểu rồi đó, Thoại à... Một cuộc đời bình thường và bình yên, đâu phải chỉ là một ước mơ riêng của má đâu, con. Hầu như khắp một trời, ai cũng mong muốn như vậy hết. Nhưng mà rồi, có mấy người thỏa mãn được đâu. Mảnh đất mà mình đang sống nầy đây có nhiều chua cay, oan nghiệt quá. Lúa, mình bỏ hột xuống, rồi mình gặt đem về. Khoai, mình giâm xuống, rồi mình bới củ lên. Rau, đậu mình trồng, thò tay là hái được. Gà, vịt mình thả chạy trong sân, muốn bắt bỏ vô nồi giờ nào cũng được. Vậy mà sao lòng mình cứ bứt rứt, xốn xang, nhiều khi, như kim châm muối xát? Cái gì làm cho mình đảo điên? Chớ chi mà mình bon chen, mong cho được ngựa xe, mong cho được tàn vàng, lọng tía.
Thoại à, lúc trước, có lần má nói với con, có những điều mà cha con căn dặn má, nhưng má đã ơ hờ, không nói lại cho con nghe. Rồi, lúc trước, cô bác xóm giềng trách má là sau đó để cho anh Hai Thành của con đi lính cho Ngô Đình Diệm, trong khi cha con đi kháng chiến, má chỉ trả lời một cách hàm hồ, cho qua tang lề, chớ thiệt tình, má chưa nói hết nỗi lòng của má...
Con đừng nóng nảy, bôn chôn. Đêm còn dài mà. Trời mưa rả rích, điệu nầy chắc tới gần sáng mới tạnh được. Má con mình còn nhiều giờ để rủ rỉ với nhau mà...
Ừ, hồi đó, má có hứa với con, lúc nào thuận tiện, má sẽ nói cho con nghe. Bữa nay, chắc là tới lúc thuận tiện rồi đây... Thì con cũng phải để cho má hưỡn đãi một chút chớ. Trễ thì cũng đã trễ rồi. Chuyện gì phải gấp. Từ đây tới sáng là con cũng nghe đủ hết mà...
Con kêu má đừng vòng vo nữa hả? Con cũng biết mà, má nói cái gì cũng phải có đầu có đuôi. Cái thói quen đó, đối với má, đã thành tật. Với lại, mà già quá lẽ rồi. Tuy chưa tới nỗi lú lẫn như người ta, nhưng, chắc má cũng lẩm cẩm lắm rồi. Bởi vậy, nhiều khi, má nói sang đàng, chuyện nọ xọ chuyện kia, nhưng mà, con yên chí đi, nói không đặng suông sẻ thì có, chớ má không có nói bậy đâu, nói trật đâu. Những điều cha con nói, trước khi ổng chết, tới giờ phút nầy, má còn nhớ như in mà...
Thoại à, cái điều thắc mắc lớn của con chắc là tại sao cha con không đi tập kết, lại bỏ về thành lúc đình chiến, có phải vậy không? Nhiều lần con đã hỏi má, nhưng lần nào má cũng trả lời là tại cha con thương vợ, thương con, cho nên cha con phải bỏ lỡ cuộc kháng chiến mà trở về. Má biết, má trả lời như vậy, con đâu có tin. Bởi vậy, con mới đi hỏi chú Hai Võ. Hỏi rồi, con cũng đâu có biết được cái gì. Giỏi lắm thì chú Hai Võ cũng đoán già đón non thôi, chớ cái tâm sự nặng trình trịch như đá đeo trên vai của cha con, làm sao chú biết được. Đời nào cha con hở môi ra nói với ai...
Con cũng biết rồi, hồi đó, cha con với chú Chín ra đi để trả thù, cha con muốn giết hết tụi Tây để trả thù cho ông nội. Cái đó kêu bằng thù nhà. Còn, cái sự kêu bằng nợ nước, chắc cha con chưa nghĩ tới. Ổng chỉ nghĩ tới điều nầy, khi mà năm nầy qua năm khác, ổng được tuyên truyền, ổng được nghe nói đi nói lại. Rồi, ổng nghiền ngẫm, ổng suy nghĩ, từ từ, ổng mới nghiệm ra.
Cha con có nói với má, khi mà ổng bắt đầu nghiệm ra được, đánh Tây vì thù nhà là việc nhỏ, việc lớn chính là giành độc lập cho nước nhà, khi việc lớn đã thành công, thì việc nhỏ kể như xong, hiểu ra như vậy rồi, ổng đánh càng hăng.
Má nói rồi đó, ổng hiểu ra như vậy rồi, là do ổng bị tuyên truyền. “Người ta” nói với ổng hay lắm, nào là “bài phong, đả thực”, nào là “độc lập, tự do, hạnh phúc”. Ổng say mê cái cảnh tượng một mai đánh đuổi hết giặc thù, thiên hạ thái bình, vạn dân ca võ.
Thoại à, con phải hiểu một điều là cha con đi kháng chiến là hồi trào Việt Minh. Hồi đó, có nhiều người chưa biết cộng sản hay xã hội chủ nghĩa là cái gì đâu. Tây trở lại xâm chiếm nước mình, thiên hạ ai cũng nô nức đánh đuổi quân thù để giành lại quê hương. Nhiều người học ở bên Tây, đậu tới bác sĩ, bác vật, cũng nô nức lên đường tòng quân cứu nước, con cháu của mấy ông nhà giàu, mấy ông địa chủ, ăn sung mặc sướng, trên ô tô dưới thì ca nô, cũng bỏ cái nếp sống có kẻ hầu người hạ mà ra đi. Người ta lội bưng lội biền, người ta ngủ rừng ngủ bụi, người ta nhắm đồn Tây mà xốc tới. Không có ai nghĩ trong bụng cái gì hết, ngoài cái chuyện lo giành lại độc lập.
Nhưng, đằng sau cái mục đích tối hậu đó, có nhiều người lại có âm mưu khác. Những người nầy là ai, khỏi nói, chắc con cũng đã biết. Con đã từng ca tụng họ mà, con đã từng đi theo họ mà. Và, bởi vì họ có âm mưu khác như vậy, nên khi cuộc kháng chiến chưa thành công. Họ đã ra tay giết hại những người từng ở trong chiến khu, nhưng không cùng một âm mưu với họ. Họ ra tay thâm độc lắm. Họ thủ tiêu, họ bắn lén. Thậm chí, không thủ tiêu, bắn lén được, họ báo cho tụi Tây biết chỗ của những người mà họ muốn diệt trừ, để tụi Tây ra tay giết giùm họ.
Ở trong ruột của họ mà, nên cha con biết hết. Nhờ biết sớm, ổng mới giữ được cái mạng sống. Chớ nếu không, cái thân của ổng chắc cũng ô hô dĩ tận như chú Chín Hương.
Bởi vậy, mà trong khi ai nấy lo cụ bị để tập kết ra Bắc, ổng âm thầm đợi chạng vạng tối, lén trở về thành. Cho tới ngày giờ nầy, nhiều người còn trách cha con, cớ sao lại bỏ anh em, bỏ đội ngũ mà trở về. Mấy ai hiểu được lòng ổng? Trở về, ổng trở thành một kẻ sa cơ, như con cá nằm trên thớt, đợi thiên hạ xuống dao. Nỗi u uất của cha con, má không phải là ổng, má cũng không thể nào hiểu hết được. Má dẫu muốn có chia sớt, cũng không có cách nào.
Hồi cha con sắp chết, một hai ổng dặn má là làm cách nào đừng cho anh Hai con và con, đi vô vết xe của ổng, nghĩa là làm sao cho các con đừng dính líu với những con người táng tận lương tâm, tới nỗi ổng phải bỏ mà đi. Ổng nói, những ngày cuối cùng của đời ổng, ổng sống trong ân hận, nhục nhã và ổng chết trong thảm sầu. Ổng không muốn tụi con cũng sống như vậy và rồi cũng chết như vậy.
Bởi vậy, khi thằng Hai Thành đăng lính Quốc Gia, má đâu có cản. Nó chết sớm má buồn, nhưng, má vui một điều là nó không có sống nhục và chết trong ân hận sầu thảm. Miệng lưỡi của thiên hạ, kể cả thím Chín Hương, bỉ thử cay đắng má, đâu có tiếc lời. Nhưng, lòng má, má hiểu và còn có hương hồn của cha con hiểu.
Tới hồi, con bỏ đi vô mật khu, má mới hỡi ơi. Đối với con, má đã quá ơ hờ. Phần thì lúc nào má cũng coi con còn quá nhỏ nhít trong vòng tay của má, chắc là chuyện chánh trị chưa tới phần con. Phần thì con hiền lành quá, chắc đâu có thích bon chen vô con đường gay góc. Một phần nữa, má đâu có dè là “mấy ổng” lại nằm ở Sàigòn để mà dụ dỗ con. Má cứ tưởng cho con xuống Sàigòn ăn học là yên rồi...
Thoại à, chỉ có một điều dặn dò của cha con mà má không làm tròn. Vận sự nầy không nghĩ tới thì thôi, mỗi lần nghĩ tới, má tháo mồ hôi hột, nhứt là trong những đêm khuya thanh vắng, bất thình lình nhớ tới, tim má hồi hộp, đập như trống làng, không có cách gì mà ngủ lại được hết. Vếr xe đã đổ của cha con, má đã biết trước, vậy mà má không cản con được. Thiệt là má dở quá tay.
Con đi, má héo úa ruột gan. Con về, má còn thêm lo lắng. Vậy mà ngoài mặt, má vẫn phải nói nói cười cười cho con yên lòng.
Đó, con đường đó đó, thằng Sự chết nhục chết nhã, thím Chín Hương chỉ là vì mẹ nó, chết thảm chết sầu.
Cũng may, là con đã về, còn nguyên vẹn mà trở về. Cái chuyện trở về của cha con, má chỉ nói sơ sơ. Lẽ ra, má phải nói nhiều lắm, vì cha con đã nói với má nhiều lắm. Nhưng, má nghĩ rằng bây giờ, nói nhiều cũng bằng không, vì chính con, con cũng đã trở về. Cái tâm trạng của cha con lúc trước, chắc con dễ dàng hiểu và thông cảm.
Trong đời má, nếu có một sự ân hận để tới nỗi chết rồi vẫn còn phải mang, là cái chuyện con đi theo “mấy ổng”. Lạy Trời, lạy Phật, con đã về. Có chết liền bây giờ, má cũng cảm thấy mát dạ, không có điều gì phải ân hận nữa hết.
Con nói sao? Con nói, thiệt ra, khi thấy cái xác be bét máu của thằng Sự, con hiểu cha con liền à? Được vậy thì má còn mừng hơn nữa.
Ủa, nãy giờ mê nói chuyện, trời ngớt mưa hồi nào, má hổng hay vậy kìa. Gà gáy rồi nữa chớ... coi bộ gần sáng rồi...Con kêu má đi ngủ hả. Ngủ nghê gì nữa con. Sáng bét tới bây giờ...
Còn một ý muốn của cha con, mà má chưa nói hết. Sẵn đây, má nói luôn. Cha con nói, dòng họ Huỳnh của mình, suốt cả bao nhiêu đời đều bám vào mảnh đất nầy mà sống. Đời nào, cũng có người đổ máu, gục ngã, không phải vì tranh đồ bá vương hay tranh danh đoạt lợi, mà chết vì bảo vệ miếng đất nầy...
Cha con nói như vậy đó... rồi bây giờ, miếng đất hương hỏa của dòng họ đang bị cướp đoạt ra sao, chắc con cũng thấy rồi đó. Con về, nhưng chưa hết chuyện đâu... Con hiểu ý má rồi hả?...
Trời hưng hửng rồi kìa, đi con, đi với má ra coi giàn đậu con mới dựng lại ra sao? Con nói mưa liên tiếp hai ngày như vậy, con sợ giàn đậu bị xiêu hả?
Không lẽ vậy đâu con, dễ dầu gì, gốc tre đằng ngà, chôn xuống chắc chắn như vậy, làm sao mà nó xiêu cho được...
Mạnh Thu, Canh Ngọ 1990
Nguyễn Đức Lập