.
Tóm lược:
Nhạc sĩ Trúc Phương sáng tác ca khúc "24 Giờ Phép" kể chuyện một anh lính về phép thăm người yêu trong vòng 24 tiếng đồng hồ. Với bố cục rõ rệt, tác giả kể một câu chuyện đơn giản lúc hai người gặp nhau không nói nên lời, trải qua đêm bên nhau, cho tới lúc chia tay. Qua cách dùng những nhóm chữ độc đáo và kỹ thuật ẩn ý tuyệt diệu, tác giả diễn tả nỗi mong manh, hoang mang, và xót xa của một chuyện tình tiêu biểu cho các chuyện tình trong thời chiến.
Nhạc sĩ Trúc Phương viết ca khúc "24 Giờ Phép" vào năm 1967 về chuyến về phép của một người lính Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) trong vòng 24 tiếng đồng hồ. Bài hát nói về cuộc hội ngộ giữa hai người yêu sau thời gian xa cách lâu dài, và những hoạt động họ bên nhau trong khoảng thời gian ngắn ngủi. Lời ca giản dị nhưng được nổi bật với cách dùng chữ độc đáo, gây ấn tượng mạnh trên người nghe. Với giai điệu chậm buồn và kỹ thuật gợi ý gián tiếp, Trúc Phương diễn tả sự mong manh và nỗi niềm hoang mang của một chuyện tình trong thời chiến.
Sau đây là tiểu sử vắn tắt của tác giả.
Trúc Phương tên thật là Nguyễn Thiên Lộc, sinh năm 1933, tuổi Qúi Dậu, "chứ không phải 1939 như Wikipedia đã ghi" (Tín 2012). Tuy nhiên, mộ phần của ông ghi là 1939-1996 (Văn 2011). Ông sinh ra tại tỉnh Trà Vinh, miền Nam Việt Nam. Ông sinh hoạt văn nghệ tại Ty Thông tin tỉnh Vĩnh Bình cuối thập niên 1950 trong một thời gian ngắn rồi lên Sài Gòn. Trúc Phương có một số lượng sáng tác gần 70 bài hát. Những bài hát nổi tiếng của ông gồm có: Tình Thắm Duyên Quê (1957), Chiều Làng Em (1958), Đò Chiều (1959), Nửa Đêm Ngoài Phố, Buồn Trong Kỷ Niệm, Thói Đời, Hai Lối Mộng, Kẻ Ở Miền Xa, 24 Giờ Phép, Trên Bốn Vùng Chiến Thuật, Bông Cỏ May, Để Trả Lời Một Câu Hỏi.
Năm 1975, Trúc Phương không đi di tản và sống tại Sài Gòn. Sau 3 lần vượt biên không thành công, ông mất ngày 18 tháng 9 năm 1996 (Wikipedia 2015). Có tài liệu cho biết ngày ông mất là 21 tháng 9 năm 1996.
Nguyên văn lời bài hát "24 Giờ Phép" như sau (Xem, Hợp Âm Việt).
Từ xa tôi về phép,
hai mươi bốn giờ tìm người thương trông người thương
chân nghe quen từng viên sỏi đường nhà
chiều nghiêng nghiêng nắng đổ
và người yêu đứng chờ ngoài đầu ngõ bao giờ
Cửa tâm tư là mắt
nên khi đối mặt chuyện buồn dương gian lẩn mất
đưa ta đi về nguyên thủy loài người
mùa yêu khi muốn ngỏ,
vụng về ngôn ngữ tình làm bằng dấu đôi tay
Bốn giờ đi dài thêm bốn giờ về
thời gian còn lại anh cho em tất cả em ơi
ta đưa ta đến vùng tuyệt vời.
Đêm lạc loài giấc ngủ mồ côi
Người đi chưa đợi sáng
đưa nhau cuối đường sợ làm đêm vui rũ xuống.
Thương quê hương về bé nhỏ tình này
Ngẩng trông đôi mắt đỏ
vì mình mười sáu giờ bỏ trời đất bơ vơ
Như đa số các ca khúc khác, lời ca trong "24 Giờ Phép" thường bị sửa đổi, vô tình hay cố ý, và làm mất ý nghĩa vài cảnh. Thí dụ, "tìm người thương trong người thương" thay vì "tìm người thương trông người thương"; "Còn trông/trong đôi mắt đỏ" thay vì "Ngẩng trông đôi mắt đỏ."
Trong bài này, tôi sẽ trình bày nhận xét về nội dung và hình thức của "24 Giờ Phép." Ngoài ra, như trong các bài viết về âm nhạc trước, tôi sẽ chú trọng thảo luận chi tiết về các khía cạnh văn chương của lời nhạc. Tôi dùng "khán giả" để chỉ người nghe, người đọc, và người xem.
A. Ca khúc "24 Giờ Phép" nói lên tâm trạng khắc khoải suy tư của một anh lính trong dịp nghỉ phép hội ngộ với người yêu.
"24 Giờ Phép" kể chuyến nghỉ phép của một người lính VNCH trong 24 tiếng đồng hồ về thăm người yêu.
Anh lính đóng quân ở phương xa, có được 24 giờ phép để về thăm người yêu ("Từ xa tôi về phép/ 24 giờ tìm người thương trông người thương"). Lính tráng trong quân đội bấy giờ muốn được nghỉ phải xin phép cấp trên trước; do đó gọi là "nghỉ phép." Thời gian nghỉ phép cũng phải được ấn định. Thông thường, thời gian nghỉ phép là vài ngày cho lính tác chiến vì chiến trận đòi hỏi họ có mặt tại nơi đóng quân. Tuy nhiên, tại những nơi dầu sôi lửa bỏng, chiến trận có thể xảy ra bất cứ lúc nào, thời gian nghỉ phép thu ngắn lại. Trong trường hợp anh lính trong bài hát, thời gian nghỉ phép chỉ có vỏn vẹn một ngày. 24 tiếng đồng hồ quả thật là ngắn ngủi. Như ta sẽ biết sau, thời gian đi về mất tám tiếng, còn lại mười sáu tiếng. Ngay câu đầu, ta biết tình trạng gian khổ của lính VNCH thời ấy. Anh lính biết anh chỉ xin được một ngày, nhưng anh vẫn cứ xin, vì với anh, anh cần gặp người yêu.
Ta nên để ý lời nhạc trong nguyên bản là "tìm người thương trông người thương" với chữ "trông" (trông mong) chứ không phải là "trong" (trong số). Hẳn nhiên, "trông" đúng nghĩa hơn "trong" vì mục đích của anh lính về phép là gặp người yêu, chứ không phải cha mẹ anh em bạn bè, và do đó không có lý do gì mà anh tìm người yêu mình trong số những người thương yêu khác. Chữ "người thương" chỉ "người yêu" cho cả hai: Cô gái (người thương của anh lính) trông chờ anh lính (người thương của cô gái).
Trong câu này, chữ "tìm" hơi có chút khác lạ. Nếu anh lính đã xin phép về gặp người yêu, và báo trước người yêu ngày giờ anh về (câu sau cho biết người yêu anh đã chờ anh ngoài đầu ngõ), thì tại sao anh lại "tìm" người yêu? Sẽ có người cho rằng Trúc Phương dùng chữ "tìm" chỉ để cho thuận giai điệu hoặc không có ý sâu xa gì khác. Tôi có ý kiến khác. Như sẽ được trình bày sau, Trúc Phương có biệt tài về cách dùng chữ. Ông lựa chọn từ ngữ rất cẩn thận, và không lựa chữ chỉ để thuận vần điệu hoặc không có ý. Ở đây, Trúc Phương lộ tài dùng chữ của ông với chữ "tìm" trong "tìm người thương trông người thương." "Tìm" hàm ý không chắc chắn. Bạn tìm tình yêu nhưng chưa chắc có được. Tại sao anh lính có ý dè dặt "tìm người thương" khi anh đã báo trước cho người yêu ngày giờ anh về? Tại sao anh phải "tìm"? Đó là vì anh không rõ người yêu anh sẽ đón chờ anh hay không, và anh phải tìm cô. Ta thấy nhóm chữ "tìm người thương" biểu lộ nỗi niềm hoang mang của anh lính và mô tả sự xót xa, mong manh của những cuộc tình trong chiến tranh. Trong cuộc chiến, không có gì chắc chắn là cô gái sẽ giữ mãi tình yêu trông chờ người yêu mình trở về. Vì xa cách, cô có thề thay lòng đổi dạ, hoặc có người yêu khác.
Câu "tìm người thương trông người thương" là một thí dụ trong nhiều trường hợp Trúc Phương diễn tả ý tưởng bi quan, nghi ngờ, cô đơn, lo lắng, và hoang mang của người lính về cuộc tình qua những bài hát khác. Thí dụ như "Đừng yêu lính bằng lời" (Kẻ Ở Miền Xa), "Đồng Tháp vắng bóng hồng tôi yêu ai" (Trên Bốn Vùng Chiến Thuật), "Xin em chớ đi lại vùng tình yêu, lắm bẫy nhân gian" (Bông Cỏ May), "Bao nhiêu âu lo... có hôm đã hỏi người yêu bé bỏng" (Để Trả Lời Một Câu Hỏi), "Cho buổi hôm nay đời chỉ có ta thôi" (Người Xa Về Thành Phố). Với ý tưởng bi quan về cuộc tình thời chiến, Trúc Phương diễn tả tâm trạng anh lính hoang mang, không rõ người yêu có sẽ trông chờ mình, và anh phải "tìm người thương trông người thương." Ta nên hiể̉u nhóm chữ "trông người thương" là nhóm chữ tính từ dùng để mô tả cô bạn gái mà anh lính muốn tìm. Câu đó có nghĩa: vấn đề chính không nhất thiết là tìm thấy người thương. Có thể anh sẽ tìm thấy người thương, nhưng vấn đ̣ề là người thương đó có còn "trông người thương" của cô ta hay không, nghĩa là cô ta có quả thực trông mong anh hay không.
Trở về câu chuyện, anh lính đã báo trước người yêu ngày giờ anh về phép, và quả thật cô đang trông chờ anh ở nhà. Bước chân anh quen thuộc với con đường sỏi đá dẫn đến nhà ("chân nghe quen từng viên sỏi đường nhà") trong buổi chiều ánh nắng nghiêng tràn ngập ("chiều nghiêng nghiêng nắng đổ"). Anh thấy người yêu mình đứng chờ ngoài đâu ngõ từ hồi nào ("và người yêu đứng chờ ngoài đầu ngõ bao giờ"). Cô đứng ngoài đầu ngõ nôn nóng trông chờ người yêu. Hình ảnh đó vẽ ra nỗi niềm mong mỏi của cô gái và cho thấy hai người ắt là yêu nhau nhiều lắm. Anh lính có vui mừng không? nhất là khi anh trước đó hoang mang là người yêu mình có sẽ trông chờ mình. Đương nhiên là anh mừng rỡ. Và có thể mừng quá đến độ anh không nói nên lời.
Hai người gặp nhau, có lẽ quá mừng rỡ, hoặc ngỡ ngàng, hơi vụng về ngượng ngập sau một thời gian lâu không gặp nhau. Nhưng tâm tình sâu kín được biểu lộ qua ánh mắt. Quả thật "đôi mắt là cửa sổ tâm hồn." Khi đối diện nhau, trao đổi tia nhìn, mọi ưu tư buồn phiền lo lắng tan biến ("Cửa tâm tư là mắt/ nên khi đối mặt chuyện buồn dương gian lẩn mất"). Câu "chuyện buồn dương gian lẩn mất" nói đến mọi chuyện ưu phiền thông thường trong thế gian đều tan biến. Như sẽ được trình bày sau, đây là cách dùng chữ độc đáo của Trúc Phương. Hai người như trở lại lúc tình yêu ban đầu, với tâm tình tự nhiên thành thật khi tình yêu không cần phải được biểu lộ qua lời nói ("Đưa ta đi về nguyên thủy loài người"). Nhóm chữ "nguyên thủy loài người" có ý nghĩa lạ. Trúc Phương đang tả cảnh hai người luống cuống không biết nói năng với nhau thế nào, và họ như thể "á khẩu" và chỉ trao đổi với nhau những câu ngập ngừng và cử chỉ. "Nguyên thủy loài người" do đó chỉ những người thời tiền sử, nói chuyện với nhau bằng thứ ngôn ngữ chưa được phát triển, và nhiều khi phải dùng các ký hiệu ra dấu bằng tay để diễn tả ý tưởng. Họ muốn nói lời yêu thương nhau sau bao nhiêu ngày xa cách, nhưng những từ ngữ tình yêu dường như biến mất. Hai người chỉ có thể có những cử chỉ vụng về như nắm tay nhau, ra dấu nhau ("mùa yêu khi muốn ngỏ/ vụng về ngôn ngữ tình làm bằng dấu đôi tay"). Chi tiết hai người vụng về trong cử chỉ và không biết nói gì với nhau cho thấy hai người đã xa nhau khá lâu.
Chỉ có 24 giờ phép mà anh lính đã phải dùng bốn giờ đi và bốn giờ về. Do đó anh chỉ còn mười sáu tiếng đồng hồ dành cho người yêu. Đó là không kể anh còn phải nghỉ ngơi, ngủ nghê, ăn uống, v.v. Với thời gian ít oi như vậy, anh dùng tất cả thời gian đó cho người yêu ("Bốn giờ đi dài thêm bốn giờ về/ thời gian còn lại anh cho em tất cả em ơi").
Hai người dùng thì giờ với nhau thế nào? Họ chắc là nói chuyện với nhau thật nhiều, kể cho nhau những chuyện xảy ra với họ trong tháng ngày qua. Anh lính chắc sẽ nói những trận đánh kinh hoàng, những bạn đồng đội đã ngã gục. Trúc Phương không đề cập đến những việc đó. Ngược lại, ông chỉ nói đến một hoạt động mà bất cứ cặp tình nhân nào cũng muốn làm với nhau. Đó là làm tình.
Hai người đưa nhau tới đỉnh tuyệt vời trong lúc ái ân, trong màn đêm hoang dại lạc loài, và không ngủ hoặc thiếu ngủ ("Ta đưa ta đến vùng tuyệt vời/ Đêm lạc loài giấc ngủ mồ côi.") Câu "ta đưa ta" cho thấy đó là một hoạt động hợp tác của cả hai, vả hoạt động đó không gì khác hơn là "đến vùng tuyệt vời" của ân ái. Với câu "đêm lạc loài giấc ngủ mồ côi," Trúc Phương một lần nữa cho thấy cách dùng chữ thật tài tình. "Lạc loài" hàm ý không định hướng, mất cả khái niệm về thời gian và không gian, ngụ ý buông thả, không giữ gìn, hoặc không màng gì đến chuyện khác. "Đêm lạc loài" ngụ ý một màn đêm hoang dại, nhưng có một cái gì ngỡ ngàng, ngơ ngác, thắm thiết đam mê. Câu "Đêm lạc loài giấc ngủ mồ côi" do đó có nghĩa là đêm hoang đàng thiếu ngủ hoặc mất ngủ.
"Giấc ngủ mồ côi" là một nhóm chữ độc đáo. Ta biết "mồ côi" chỉ không cha không mẹ, hàm ý thiếu thốn. Trúc Phương nhân cách hóa "giấc ngủ" và cho nó một trạng thái thiếu thốn. "Giấc ngủ mồ côi" là cách dùng ẩn dụ để mô tả sự thiếu ngủ hoặc muốn ngủ. Vì ý nghĩa nhóm chữ này rất đặc biệt, ta nên dành chút thì giờ nói đến "giấc ngủ mồ côi."
Trước hết "mồ côi" là tính tử (theo tiếng Việt), và áp dụng cho một đứa con mất cha hoặc mẹ, hoặc cả hai. Khi ta viết "đứa bé mồ côi," ta hàm ý cha mẹ của đứa bé đã mất, không phải là đứa bé đã mất. Với ý nghĩa này, "giấc ngủ mồ côi" có thể có hai ý nghĩa.
Trong ý nghĩa thứ nhất, "giấc ngủ mồ côi" hàm ý màn đêm mồ côi giấc ngủ, nghĩa là màn đêm không có giấc ngủ và hai người không ngủ cả đêm. Nếu đứng một mình, "giấc ngủ mồ côi," hàm ý một cái gì đó ví von như là "cha mẹ" của giấc ngủ đã mất, không phải là giấc ngủ đã mất hoặc thiếu thốn. Cái gì có thể được ví von là "cha mẹ" của "giấc ngủ"? Thực ra, không phải sự ví von là cái gì là "cha mẹ" của "giấc ngủ," mà "giấc ngủ" là "cha mẹ" của cái gì. Nhóm chữ "giấc ngủ mồ côi" được viết đảo ngược cho thuận vần điệu và làm gia tăng nét độc đáo của cả câu. Nhóm chữ này không đứng một mình mà đi theo sau ngay "đêm lạc loài." Do đó có mối liên hệ giữa "đêm" và "giấc ngủ." Mối liên hệ đó là gì? Một cách bóng bẩy, "Giấc ngủ" là "cha mẹ" của "đêm." Ta hãy đọc lại cả câu: "Đêm lạc loài giấc ngủ mồ côi." Để ý là cả câu không có chấm phết. Câu đó, nếu viết không có đảo ngược sẽ là "Đêm lạc loài mồ côi giấc ngủ." Với tính từ "lạc loài," ta hiểu màn đêm bị lạc loài, hàm ý một sự hoang dã, thiếu kỷ luật, thiếu thanh bình, nghỉ ngơi. Đo đó, màn đêm coi như là "mồ côi giấc ngủ" vì giấc ngủ tượng trưng cho thanh bình, nghỉ ngơi. Trong diễn giải này, có thể Trúc Phương không nhất thiết ví von "giấc ngủ" là "cha mẹ" của màn "đêm." Ông mở rộng định nghĩa của "mồ côi" để nói đến một sự thiếu thốn, mất mát, và không có liên hệ cha mẹ con cái. Câu đó có nghĩa là màn đêm thiếu giấc ngủ như là đứa con thiếu cha mẹ. Trong diễn giải này, "giấc ngủ mồ côi" có nghĩa là không ngủ. Thiếu ngủ tức là không ngủ. Trong bối cảnh của phiên khúc, nhóm chữ này đi sau "đêm lạc loài" hàm ý sự buông thả, và "ta đưa ta đến vùng tuyệt vời" hàm ý một cuộc giao hoan. Do đó, "giấc ngủ mồ côi" là không ngủ, vì bận rộn làm chuyện khác (Cường 2011).
Có người sẽ cho rằng sự so sánh đó hơi khập khiễng và gượng ép. Có thể. Nhưng sự so sánh đó độc đáo và làm tăng ý nghĩa của câu. Trong một bài hát, không ai có thì giờ mổ xẻ ý nghĩa từng câu, từng chữ như tôi đang làm, và miễn là từ ngữ dùng không có gì là hợm hĩnh, vô nghĩa, hoặc thô tục.
Trong ý nghĩa thứ hai, diễn giải dựa vào từ ngữ y khoa và thuốc men. Nhóm chữ "giấc ngủ mồ côi" có thể đến từ các nhóm chữ về y học, thí dụ như "orphan sleep disorder" (bệnh chứng rối loạn ngủ "mồ côi"). Ta biế̀t bệnh ngủ gục (narcolepsy) và cơn yếu bắp thịt (cataplexy) là một bệnh chứng rối loạn ngủ "mồ côi" thể hiện qua sự buồn ngủ quá đáng lúc ban ngày (De Cock và Dauvilliers 2011). Ta cũng nên hiểu chữ "orphan" ngoài nghĩa "mồ côi" còn có nghĩa một sản phẩm thuốc có giá trị nhưng thường không được sản xuất cho tiêu thụ vì thiếu thị trường. "Orphan" còn có nghĩa hiếm hoi khi dùng với bệnh lý. "Giấc ngủ mồ côi" do đó là một nhóm chữ y học hoặc bệnh lý về chứng bệnh buồn ngủ quá đáng (excessive sleepiness).
Narcolepsy và cataplexy là hai chứng bệnh đã được biế́t đến từ thế kỷ thứ 19 vả có nhiều báo cáo trong thập niên 1920 trong các tài liệu Tây Phương. Tuy nhiên, ta không rõ sách vở báo chí về các chứng bệnh này có được phổ thông tại miền Nam Việt Nam trong thập niên 1960 khi Trúc Phương viết bài "24 Giờ Phép" hay không. Do đó, ta không rõ khi Trúc Phương viết "giấc ngủ mồ côi" ông dựa vào ý nghĩa y dược học hoặc chỉ là một sáng chế tự phát. Tuy nhiên, cho dù ông không dựa vào ý nghĩa y dược học, ý nghĩa nhóm chữ "giấc ngủ mồ côi" cho sự thiếu ngủ hoặc cơn ngủ vùi sau cuộc làm tình rất là hợp lý. Trong diễn giải này, "giấc ngủ mồ côi" hàm ý buồn ngủ sau cuộc giao hoan, và sau đó là ngủ vùi. Cũng trong bối cảnh của một đêm buông thả, lạc loài, và "đến vùng tuyệt vời," sau cuộc giao hoan, người trong cuộc buồn ngủ.
Hai cách diễn giải gần giống nhau, vì cùng nói ̣đến việc thiếu ngủ, nhưng có chút khác biệt. Sự khác biệt rất là tinh tế. Diễn giải thứ nhất ngụ ý họ cố tình không ngủ để làm tình cả đêm. Diễn giải thứ nhì ngụ ý họ làm tình và sau đó buồn ngủ một cách tự nhiên, và ngủ vùi sau đó (tuy vẫn còn thiếu thốn). Cách diễn giải nào hợp lý hơn?
Theo tôi nghĩ, diễn giải thứ nhì hợp lý hơn.
Diễn giải thứ nhất có vẻ gượng gạo. Tác giả đặt nhóm chữ "giấc ngủ mồ côi" sau nhóm chữ "đêm lạc loài" và "ta đưa ta đến vùng tuyệt vời" nghĩa là cuộc làm tình đã xảy ra rồi, không lý nào tác giả lại còn muốn nhắc lại chuyện đó, như thể muốn mô tả một đêm quá hoang đàng và hai người làm tình suốt đêm nhiều lần không ngủ.
Diễn giải thứ nhì hợp lý vì có nhiều lý do.
Trước hết, như đã trình bày ở trên, ngủ là một hành động tự nhiên sau khi làm tình. Sau khi "ta đưa ta đến vùng tuyệt vời" và "đêm lạc loài," rất tự nhiên là hai người cùng ngủ. Thực ra, Trúc Phương có vẻ nói đến anh lính nhiều hơn là cô bạn gái. Người đàn ông sau khi làm tình thường cảm thấy buồn ngủ và chỉ muốn ngủ. Phái nữ cũng vậy, nhưng cơn buồn ngủ không mạnh bằng phái nam. Theo y khoa, khi người đàn ông đạt cực khoái lạc (orgasm) trong lúc làm tình, anh ta thả ra một đống hóa chất trong cơ thể, kể cả chất (hormone) prolactin (Wenner 2013; Gloom 2013). Prolactin là hormone liên hệ mật thiết với cảm giác sảng khoái tình dục và với cơn buồn ngủ. Khi thải ra prolactin, người đàn ông cảm thấy buồn ngủ (Gloom 2013). Do đó, "giấc ngủ mồ côi" ở đây có nghĩa là buồn ngủ, muốn ngủ, sau một đêm lạc loài. Hai người có thể ngủ được một chút, nhưng không đủ giấc, và, như sẽ trình bày sau, sáng hôm sau, thức dậy, mắt đỏ vì ngủ không đủ.
Ngoài hai diễn giải trên, ta có thể có diễn giải thứ ba. Trong ý nghĩa thứ ba, Trúc Phương không có ý định dùng "mồ côi" với ý nghĩa thông thường của mất cha mất mẹ, mà ông tự đặt ra một ý nghĩa mới là "thiếu thốn," "mất mát," và không cần phải có mối liên hệ gì với chữ khác, như "đêm." Tuy cách diễn giải này không có gì sai, nhưng tôi tin Trúc Phương không có ý định tự đặt ra một định nghĩa mới cho một chữ thông dụng, Nếu "mồ côi" hàm ý thiếu thốn, mất mát một cách tổng quát, thì có lẽ ta sẽ có nhiều cách dùng rất kỳ lạ mà tôi tin là nhiều người sẽ có dịp thao túng để khoe cách dùng chữ mới lạ của mình. Ta sẽ có "công việc mồ côi" (thiếu việc hoặc mất việc), "ánh nắng mồ côi," "niềm tin mồ côi," "chính phủ mồ côi," "bạo lực mồ côi," "biểu tình mồ côi," "dân chủ mồ côi," "nhân quyền mồ côi," "tự do mồ côi," "văn hóa mồ côi," v.v. Không có gì sai với cách dùng đó, nếu không muốn nói vài cách dùng sẽ quả thật độc đáo. Thí dụ, "Việt Nam đang trên con đường đi đến một nền văn hóa mồ côi." Tuy nhiên, khi một cách dùng nào đó độc đáo lúc dùng lần đầu, sẽ trở thành nhàm và sáo rỗng khi dùng lại nhiều lần. Tôi nghĩ ta nên đề "mồ côi" nằm yên với "giấc ngủ" trong lối dùng bóng bẩy này.
Sau cơn ngủ thiếu thốn, anh lính phải trở về đơn vị. Anh không chờ đến sáng, có thể vì không muốn trễ giờ ("Người đi chưa đợi sáng."). Khán giả tinh ý sẽ nhận ra tại sao anh phải đi lúc buổi sáng. Anh lính gặp người yêu lúc buổi chiều, tạm cho là khoảng 3-4 giờ chiều khi nắng còn đổ nghiêng (tùy vào địa điểm và tháng nào trong năm). Anh cho biêt chuyến đi và chuyến về mất bốn tiếng. Do đó, ta suy đoán anh rời đơn vị khoảng giữa trưa. Để trở về đơn vị lúc giữa trưa ngày hôm sau, cho đúng 24 giờ phép, anh phải rời người yêu trễ lắm là khoảng 7-8 giờ sáng. Nếu anh gặp người yêu lúc 4 giờ chiều và rời cô lúc 8 giờ sáng hôm sau, quả thật anh đã dành 16 tiếng đồng hồ cho người yêu.
Trong lúc trời chưa sáng hẳn, người yêu anh đưa tiễn anh ra đến tận cuối đường. Hai người không muốn làm vơi cơn vui bên nhau trong đêm ("đưa nhau cuối đường sợ làm đêm vui rũ xuống.") Nhóm chữ "sợ làm đêm vui rũ xuống" là một cách dùng chữ độc đáo. Động từ "rũ xuống" giống như "rủ xuống" và có nghĩa hạ thấp, gục xuống. Nghĩa bóng là trở nên yếu đi, hao mòn, suy đồi. Một lần nữa, Trúc Phương thể hiện cách dùng chữ mới lạ, đem sức sống cho cơn vui trong đêm.
Trong lúc chia tay, anh lính xót xa thương quê hương ("Thương quê hương về bé nhỏ tình này.") Câu "Thương quê hương về bé nhỏ tình này" hơi tối nghĩa. Chữ "về" không có ý nghĩa gì, nhưng nó được ghi trong bản gốc trên tờ nhạc. Có thể do bởi đánh máy lộn cho chữ "vì" hoặc "và." Cũng có thể Trúc Phương có ý định dùng "về" thay cho "qua" nghĩa là anh lính thấy thương quê hương qua mối tình bé nhỏ giữa anh và người yêu.̃ Cho dù "về," "vì", "và" hoặc "qua," cả câu nói đến tình yêu quê hương và mối tình bé nhỏ, nhưng sự liên hệ giữa hai tình yêu này có phần gượng gạo.
Hai người nhìn nhau. Cô gái ngẩng đầu lên và thấy đôi mắt đỏ vì thiếu ngủ, vì anh lính đã vui chơi với người yêu suốt 16 tiếng đồng hồ, quên cả đất trời nơi xa xôi đồn vắng bơ vơ ("Ngẩng trông đôi mắt đỏ/ vì mình 16 giờ bỏ trời đất bơ vơ.") Nhóm chữ "đôi mắt đỏ" có hai nghĩa: mất ngủ hoặc khóc lóc. Nghĩa "mất ngủ" có vẻ đúng hơn vì sau đó là câu "vì mình 16 giờ bỏ trời đất bơ vơ" cho thấy lý do cho đôi mắt đỏ là 16 giờ vui chơi với nhau bỏ cả trời đất.
Với "24 Giờ Phép," Trúc Phương không gói ghém một ý tưởng gì cao xa, mà chỉ vẽ ra hình ảnh thực tế về một khía cạnh của cuộc đời một người lính VNCH. Đó là tình yêu trai gái. Bài hát hoàn toàn nói về hiện tại. Không có gì về quá khứ. Không có gì về tương lai. Anh lính không nhắc đến những trận chiến nơi sa trường, những cuộc hành quân nguy hiểm. Người yêu anh cũng không nói đến nỗi nhớ nhung. Hai người không nói lời tạm biệt hoặc hứa hẹn gặp lại trong chuyến về phép sau. Với một số khán giả, có thể họ sẽ hơi thất vọng. Nhưng với một số khán giả, cái hình ảnh hiện tại ngắn ngủi đó có một tác dụng mạnh mẽ.
Bài hát kể một câu chuyện thật đơn giản. Chỉ là một chuyến về phép ngắn ngủi thăm người yêu, "24 Giờ Phép" nói lên nỗi niềm khắc khoải của người lính chiến trong tình yêu. Từ nỗi hoang mang không biết người yêu có trông ngóng mình, rồi gặp nhau ngượng ngập không biết nói nên lời, cho đến lúc quấn quít bên nhau cả đêm thiếu ngủ, rồi từ biệt nhau lúc tờ mờ sáng, anh lính diễn tả một tình cảm thật đơn sơ nhưng thắm thiết. Ta nhận ra có cái gì chua chát nhưng không buồn bực, có cái gì ao ước nhưng không đòi hỏi, có cái gì chấp nhận nhưng không than vãn. Chính những cảm xúc mơ hồ không rõ rệt đó tạo một tác dụng mạnh trên khán giả vì khán giả bị lôi cuốn vào câu chuyện một cách không ý thức và chỉ nhận ra nỗi niềm đó sau khi nghe xong bài hát.
B. Bài hát có lối dùng chữ độc đáo và kỹ thuật dùng ẩn ý diễn tả sự mong manh và nỗi xót xa trong tình yêu thời chiến:
Trúc Phương được gọi là "Ông Hoàng Boléro" qua những bài hát tuyệt diệu dưới điệu nhạc boléro. Tuy nhiên, ông có một biệt tài khác mà ít có ai sánh được. Đó là cách dùng chữ độc đáo.
Du Tử Lê (2011) nói, "[X]ương sống của hầu hết những ca khúc của Trúc Phương là loại ngôn ngữ rất mộc. Chữ ‘mộc’ ở đây, tôi dùng theo nghĩa những ngôn từ không hoa mỹ, sáo mòn hay bác học. Nó dân dã. Chân chất. Ðơn giản. Ðời thường." Nhiều khi, cách dùng chỉ một chữ duy nhất của Trúc Phương cũng có nét độc đáo. Duy Tâm (2015) nói, "[C]ó một từ ngữ duy nhất mà theo tôi cái từ ngữ đơn độc, chính là nét đặc thù độc nhất vô nhị, tiêu biểu nhất cho dòng nhạc của Trúc Phương... từ ngữ đó là chữ “trót” đã được ông sử dụng trong rất nhiều bài ca viết cho tình yêu và thân phận con người."
Trong "24 Giờ Phép," Trúc Phương biểu lộ cách dùng chữ độc đáo trong lời ca. Lối dùng chữ độc đáo kết hợp với cách dùng kỹ thuật ẩn ý tinh tế khiến bài hát tạo tác dụng sâu sắc trên khán giả..
1. Những nhóm chữ độc đáo gây chú ý và tạo ấn tượng mạnh trên khán giả:
Trúc Phương có lối dùng chữ rất độc đáo trong hầu hết các bản nhạc ông viết. Sau ̣đây là vài thí dụ: "cỏ may đan dấu chân tròn" (Bông Cỏ May); "lửa thù no đôi mắt" (Trên Bốn Vùng Chiến Thuật); "Gio Linh đón thây giặc về làm phân xanh cây lá" (Trên Bốn Vùng Chiến Thuật); "Một nửa ba năm," "Từ bàn tay tiên," "Môi em đang xinh" (Để Trả Lời Một Câu Hỏi); "Đời không dám tới" (Kẻ ở Miền Xa); "Cỏ ưu tư muộn phiền lên xám môi" (Thói đời); "lúa chín tô mồ hôi" (Tình Thắm Duyên Quê); "Kín vai sương tóc lệch đường ngôi" (Người Xa Về Thành Phố).
Trong "24 Giờ Phép," Trúc Phương thể hiện cách dùng chữ độc đáo này rải rác trong khắp bài hát. Trong phần trên, ta đã thấy những cách dùng chữ độc đáo trong "tìm người thương trông người thương," "chuyện buồn dương gian lẩn mất," "nguyên thủy loài người," "ta đưa ta đến vùng tuyệt vời," "đêm lạc loài," "giấc ngủ mồ côi," "sợ làm đêm vui rũ xuống," "ngẩng trông đôi mắt đỏ." Những câu độc đáo này, tuy có thể hơi khó hiểu lúc mới nghe, khiến cho bài hát trở nên khó quên và làm khán giả tò mò, thắc mắc. Ngoài ra, Trúc Phương khéo léo trộn các nhóm chữ độc đáo với các nhóm chữ bình dị dễ hiểu, giúp khán gỉả hiểu ý nghĩa của bài hát. Hơn nữa,Trúc Phương trải đều các nhóm chữ độc đáo trên khắp bài, khiến khán giả luôn luôn được kích động và chú ý.
Thế nào là "độc đáo"?
Độc đáo không có nghĩa kỳ quặc, mà có nghĩa khác thường một cách duy nhất. Thí dụ câu "chuyện buồn dương gian lẩn mất" có nghĩa những chuyện buồn thông thường đã biến mất. Chữ "dương gian" chỉ trên thế giới này, nghĩa là những việc thông thường. Ít ai dùng "dương gian" ̣để chỉ "thông thường" nhưng điều đó không có nghĩa cách dùng đó là kỳ quặc, và ai cũng hiểu ngay ý nghĩa của nó. Chữ "lẩn mất" chỉ "biến mất," "chạy đi," nghĩa là không còn. Tương tự, ít ai dùng "lẩn mất" để chỉ "không còn," hoặc "không có," nhưng cách dùng đó không có gì là kỳ quặc vì ai cũng hiểu ngay ý nghĩa.
Độc đáo có thể có hay không có ẩn dụ. Nếu có ẩn dụ, ẩn dụ đó có tính chất gợi ý tức khắc và không làm cho người nghe phải suy nghĩ ̣đi qua nhiều giai đoạn. Thí dụ "giấc ngủ mồ côi" là một ẩn dụ độc đáo gợi ý tức khắc giấc ngủ thiếu thốn, nhưng "giấc ngủ ăn xin" là một ẩn dụ kỳ quặc và phải mất hai bước suy diễn (mồ côi → thiếu thốn → ăn xin).
Tác dụng của cách dùng chữ độc đáo thế nào?
Cách dùng chữ độc đáo thường gây ra sự chú ý, tạo ấn tượng mạnh trên khán giả, và làm nổi bật ý tưởng. Khi nghe "24 Giờ Phép" có thể có nhiều người không hoàn toàn hiểu rõ nghĩa của nhóm chữ "nguyên thủy loài người" hay "giấc ngủ mồ côi" nhưng vẫn thích nghe, và nghêu ngao hát theo. Khán giả bị lôi cuốn vào cách dùng chữ khác thường, và tuy họ không nhất thiết thấu triệt ý nghĩa hoàn toàn, họ vẫn có một chút khái niệm tổng quát. Nhưng không phải lúc nào dùng cách diễn tả khác thường cũng hay. Như đã trình bày ở trên, ta biết có những lối dùng chữ khác thường nhưng thiếu hiệu quả, vô duyên, kỳ quặc, quái đản, và nhiều khi còn phạm thuần phong mỹ tục nhất là những chữ thô tục. Trúc Phương biết cách lựa từ ngữ một cách điêu luyện, và qua các câu độc đáo, ông khiến ca khúc "24 Giờ Phép" khó quên và ghi cảm xúc mạnh trên khán giả.
Trong một bài hát, lời ca thường không có tác dụng mạnh trên khán giả bằng giai điệu và tiết tấu. Một bài hát hay luôn luôn là phải có giai điệu và tiết tấu hay. Nhiều khi hòa âm hay cũng làm bài hát hay cho dù lời không hay lắm. Nhưng có những lúc lời ca làm tăng hiệu lực của giai điệu và tiết tấu để ghi sâu vào khán giả toàn thể nội dung bài hát. "24 Giờ Phép" là ca khúc mà lời ca độc đáo đem lại sắc thái tuyệt vời cho toàn thể bài hát. Trong "24 Giờ Phép," lời ca hầu hết là hay. Cho dù có vài chỗ tối nghĩa, khó hiểu, hoặc vài từ ngữ gượng ép (thí dụ như chữ "về" trong "Thương quê hương về bé nhỏ tình này"), những câu hoặc nhóm chữ này không đáng kể. Khán giả thường bỏ qua hoặc không để ý một vài từ ngữ khó hiểu.
2. Với bố cục rõ rệt và lối dùng "cho thấy, đừng kể" bài hát trở nên linh động và lôi cuốn:
Bài hát có bố cục rõ rệt và cân đối. Bài hát có ba phiên khúc và một điệp khúc, sắp xếp theo thứ tự thời gian. Phiên khúc đầu mở đầu câu chuyện trực tiếp và cảnh anh lính đi về nhà, thấy người yêu đã đứng chờ. Phiên khúc thứ nhì tả cảnh hai người ngượng ngập không nói nên lời lúc gặp nhau. Điệp khúc, và là cao điểm của bài hát, nói đến cảnh hai người ở bên nhau âu yếm cả đêm. Phiên khúc chót là cảnh chia tay.
Với bố cục rõ rệt theo thứ tự thời gian, bài hát khiến khán giả ý thức được khoảng thời gian 16 tiếng mà hai người bên nhau.
Trúc Phương áp dụng kỹ thuật "cho thấy, đừng kể" triệt để, và với một sự tế nhị, kín đáo. Có thể bạn sẽ nói, "Nếu đã 'cho thấy' thì làm sao mà kín đáo được?" Nhưng có nhiều cách "cho thấy," cũng như có nhiều cách "kể." Thí dụ, câu "ngẩng trông đôi mắt đỏ" cho thấy hình ảnh cô người yêu (thấp hơn anh lính) ngẩng đầu lên nhìn vào mắt lẫn nhau, và nhận ra đôi mắt đỏ vì ngủ không đủ. Một câu chỉ có năm chữ nhưng gói ghém biết bao nhiêu ý nghĩa.
Ông cho thấy "chân nghe quen từng viên sỏi đường nhà," thay vì kể sự hồi hộp của anh lính không biết người yêu mình có trông chờ mình; "người yêu đứng chờ ngoài đầu ngõ bao giờ" thay vì kể nỗi mừng rỡ của anh lính; "làm bằng dấu đôi tay" khiến cảnh tượng trở nên linh động, thay vì kể sự ngượng ngập giữa hai người; "Đêm lạc loài giấc ngủ mồ côi" thay vì kể cơn vui vầy hoan lạc qua đêm; "đưa nhau cuối đường" thay vì kể nỗi bịn rịn quyến luyến của hai người; "Ngẩng trông đôi mắt đỏ" thay vì kể dấu vết cuộc vui qua đêm. Khán giả thu thập những hình ảnh đó và tự tạo nên cảm nghĩ và suy diễn để hiểu những gì xảy ra, và do đó được lôi cuốn vào câu chuyện. Bằng cách "cho thấy" một cách vừa rõ rệt vừa tinh tế, Trúc Phương tạo ra những hình ảnh sống động, khiến khán giả có một cảm nghĩ nhẹ nhàng và êm ả, nhưng có chút xót xa cho sự mong manh, hoang mang, hoặc tạm bợ của những cuộc tình trong thời chiến.
3. Với kỹ thuật dùng ẩn ý tinh tế, bài hát hàm chứa nỗi niềm chua chát cay đắng của chuyện tình trong thời chiến
Với một bố cục rõ rệt mạch lạc và cách dùng chữ giản dị chấm phá bởi những nhóm chữ độc đáo, lời ca của "24 Giờ Phép" kể một câu chuyện đơn giản dễ hiểu. Tuy nhiên, trong suốt bài hát, có một cái gì chua chát, cay đắng. Anh lính gặp lại người yêu sau một thời gian dài xa cách, lẽ ra anh nên diễn tả sự vui mừng và hân hoan. Tuy nhiên, nghe xong cả bài, khán giả không thấy cái vui mừng hân hoan được bộc lộ mà chỉ có vài gợi ý dè dặt.
Ngay trong phiên khúc đầu, với "24 giờ," ta thấy cái giới hạn thời gian ngắn ngủi nói lên sự chấp nhận, nhưng anh lính không tỏ lời than vãn. Anh lộ sự e dè khi anh "tìm người thương trông người thương." Khi thấy "người yêu đứng chờ ngoài đầu ngõ" anh chỉ lộ ra chút mừng rỡ như thể hoàn hồn sau nỗi hoang mang lo lắng qua chữ "bao giờ." Sau đó, hai người luống cuống không biết nói gì với nhau, mà chỉ vụng về diễn tả lời yêu thương qua "làm bằng dấu đôi tay." Ngay cả trong lúc hai người đưa nhau "đến vùng tuyệt vời" cũng không có sự thích thú tình cảm. "Vùng tuyệt vời" hàm ý sự khoái cảm vật chất, và sau đó đêm hội ngộ chỉ là một "đêm lạc loài" thiếu ngủ. Đến lúc chia tay, hai người sợ làm mất đi "đêm vui" và nhìn nhau trong "đôi mắt đỏ" và anh lính trở về với hiện tại của "16 giờ bỏ trời đất bơ vơ."
Không một lời hẹn tái ngộ, không một lời chúc bình an.
Bạn có thể cho rằng bài hát quá chú trọng về vật chất và thiếu tình yêu nhẹ nhàng. Nhưng thực ra, Trúc Phương dùng những khía cạnh vật chất để nói lên sự mong manh, chua chát của cuộc tình thời chiến. Thí dụ như lúc mới gặp lại, hai người không biết diễn tả lời lẽ yêu thương thế nào, mà chỉ qua cử chỉ, tay nắm tay, hoặc ôm nhau. Bằng cách "cho thấy" thay vì "kể," Trúc Phương làm nổi bật mối tình yêu thương đằm thắm của hai người. Nhưng cái hay của "cho thấy" không chỉ lôi cuốn người nghe, mà còn có một tác dụng mạnh mẽ hơn. Đó là Trúc Phương "cho thấy" một cảnh nhưng dùng cái đó để kể một ý tưởng khác. Cái ý tưởng đó là sự mong manh, chua chát, cay đắng trong chuyện tình thời chiến. Lối diễn tả gián tiếp hoặc ẩn ý này rất có hiệu quả, nhưng không phải ai cũng làm được. Cái khó là làm sao những cảnh cho thấy phối hợp với nhau một cách chặt chẽ để khiến cho khán giả nảy ra được ẩn ý mà tác giả muốn trình bày.
Trong văn chương, thi ca, cách diễn tả ẩn ý rất khó, nhưng nếu làm đúng, sẽ đạt được tác dụng mạnh mẽ. Đó là vì khán giả bị lôi cuốn vào câu chuyện hoặc cảnh tượng, mẩu đối thoại, một cách không ý thức trong việc khám phá ra cái ẩn ý đó. Ngoài ra, khi khám phá cái ẩn ý đó, khán giả cảm thấy như được "thưởng" trong việc tìm tòi này, và do đó thưởng thức tác phẩm nhiều hơn.
Cách dùng ẩn ý trong văn chương thi ca có nhiều mục tiêu, nhưng quan trọng nhất là gia tăng giá trị của tác phẩm, vì nó làm giảm bớt sự sáo rỗng hoặc tầm thường của lối diễn tả trực tiếp. Thí dụ, để nói đến tình mẹ thương con, bạn có thể viết, "Mẹ tôi nhịn đói để chúng tôi có được những bữa cơm no đủ." Câu đó nói đến sự hy sinh của bà mẹ một cách trực tiếp. Không có gì sai, nhưng hãy so sánh với câu này, "Chúng tôi có những bữa ăn no đủ, nhưng mẹ tôi không bao giờ ăn cùng với chúng tôi và luôn luôn nói là mẹ đã ăn rồi." Cái gợi ý đó khiến người đọc tò mò, và muốn tìm hiểu thêm. Những gợi ý khác sẽ dần dần cho người đọc khám phá là bà mẹ nhịn đói để các con được ăn uống đầy đủ.
Kỹ thuật ẩn ý hơi khác với lối diễn tả "tối thiểu" (minimalist) nhưng có vài nét tương tự, và có lẽ có hiệu quả hơn. Trong lối viết "tối thiểu," "ít là nhiều" (less is more). Bằng cách viết ít, tác giả khiến người đọc tham gia vào câu chuyện hoặc cảnh tượng (Fassler 2013). Kỹ thuật "tối thiểu" thường có những yếu tố sau: từ ngữ giảm thiểu; câu ngắn gọn; không nói đến ý nghĩ hoặc tư tưởng của nhân vật; dùng từ ngữ không trau chuốt và tránh thậm xưng; thiếu hoặc không có người kể; dùng nhiều đối thoại; ít tính từ, và nếu có không dùng tính từ hoa mỹ; dùng "cho thấy" hơn là "kể"; chú ý đến mô tả chuyện hàng ngày; và chú trọng đến thời hiện tại (Greaney 2012).
Kỹ thuật ẩn ý giống kỹ thuật "tối thiểu" ở chỗ không nói đến ý nghĩ riêng tư của nhân vật và dùng "cho thấy" hơn là "kể." Một nét đặc biệt của kỹ thuật ẩn ý là ̉dùng từ ngữ giảm thiểu cho cái ần ý, nhưng lại mô tả dài dòng cho các ý không dính líu đến ẩn ý như là một cách "đánh lạc hướng" khán giả, và cố tình che giấu ý tưởng (ẩn ý).
Trong "24 Giờ Phép," Trúc Phương dùng kỹ thuật ẩn ý dưới nhiều hình thức, từ dài dòng cho tới vắn tắt. Ông dùng cả một phiên khúc (phiên khúc thứ nhì) để mô tả cảnh hai người luống cuống, vụng về trong lời nói, dùng cử chỉ để thay lời yêu thương. Cái ẩn ý hoang mang được gợi ra. Họ không biết nói gì cho đúng, và sợ là nói những câu vô tình tạo ra hiểu lầm, hoặc không diễn tả đúng ý của họ. Ta thấy hai người có tâm trạng ngần ngại, và nâng niu tình yêu của họ như cái gì dễ vỡ, dễ tan. Sau giây phút bỡ ngỡ ban đầu, hai người lăn xả vào "vùng tuyệt vời," thức đêm thiếu ngủ bên nhau. Chỉ với một câu vắn tắt "Đêm lạc loài giấc ngủ mồ côi," Trúc Phương diễn tả sự hoang dã, có vẻ cuồng nhiệt, khác hẳn với lúc gặp nhau ngỡ ngàng không nói nên lời. Quả là một sự tương phản. Cái tương phản đó biểu lộ nỗi sợ sệt cho sự mong manh của cuộc tình. Với thời gian ngắn ngủi, họ không muốn phí phạm thì giờ, và tận dụng những gì trong khoảng thời gian bên nhau. Ngày hôm sau, khi cô gái tiễn đưa người yêu về chiến tuyến, ta thấy sự bịn rịn quyến luyến không muốn xa nhau qua "đưa nhau cuối đường" và quý trọng cuộc vui bên nhau với cùng thái độ e dè "sợ làm đêm vui rũ xuống." Hai người biết có thể sẽ không có lại giờ phút ̣đó, vì bất cứ chuyện gì cũng có thể xảy ra với anh lính. Trúc Phương muốn diễn tả sự mong manh, nỗi hoang mang trong tình yêu của hai người, nhưng ông không nói thẳng ra, và dùng cái ý tưởng đó là ý chính, và là một ẩn ý.
Qua lối dùng ẩn ý, Trúc Phương dùng câu chuyện về phép của anh lính để nói lên sự mong manh, cay đắng trong chuyện tình thời chiến. Cuộc hội ngộ ngắn ngủi, vội vàng, cho thấy nỗi xót xa trong cuộc tình vì không có gì chắc chắn xảy ra cho người lính chiến đấu nơi sa trường.
C. Kết Luận:
Ca khúc "24 Giờ Phép" kể một chuyến nghỉ phép ngắn ngủi của anh lính gặp lại người yêu. Với biệt tài dùng chữ độc đáo, Trúc Phương biến một câu chuyện đơn giản thành một tác phẩm tuyệt vời, có tác dụng mạnh trên khán giả qua những diễn tả khó quên. Ngoài ra, với giai điệu chậm buồn và kỹ thuật dùng ẩn ý điêu luyện, Trúc Phương dùng cuộc hội ngộ hai người để nói lên sự mong manh và nỗi niềm xót xa trong cuộc tình thời chiến.
Cao Đắc Tuấn
Cảm Tạ
Tôi xin có lời cảm tạ các bạn trên trang mạng Dân Làm Báo đã có lời khích lệ trong các bài về âm nhạc trước và giúp tôi có ý định viết bài này, đặc biệt là lời yêu cầu của bạn daubetangthuong và bạn bức xúc.