.
Màu Hoa Vàng tượng trưng cho Tết miền Nam.
Tôi thấy hình như năm nay ở Mỹ người Việt tha hương mừng xuân có vẻ xôm tụ hơn những năm trước. Cảm tưởng này có thể là do tôi coi những chương trình truyền hình VN thấy người mình trang hoàng hoa rất nhiều, đặc biệt nhất là hoa sắc vàng: như cúc đại đóa và hoa mai vàng. Màu vàng của hoa có quang phổ rất mạnh nên gây tác dụng mãnh liệt vào thị giác, nhất là dân Việt còn treo những lá cờ vàng ba sọc đỏ cùa mình làm cho quang cảnh càng thêm rộn rã nức lòng người.
Một điều rất cảm động đối với dân tỵ nạn VN xuất phát từ miền Nam sau khi CS vô tuy là bỏ xứ tha phương đã du nhập vào đất khách thú chưng hoa mai vàng mỗi khi xuân về Tết đến. Nhìn mai vàng, chúng ta tự nhiên thấy lòng mình ấm lại đó. Vậy tại sao chúng ta hãy nói ba điều bốn chuyện để nhớ về hoa mai vàng VN nhé!
Đúng vậy. Nếu ở Miền Bắc hoa đào là tương trưng cho ngày Tết thì tại Miền Nam hoa Mai cũng là tương trưng cho ngày Tết ở Miền Nam.
Tết đến từ vùng Ngũ Quảng trở vào miền Nam không nhà nào không có một cành mai, hoa mai giữ được lâu ngày làm cửa nhà thêm vẻ ấm cúng. Ở Miền Nam vì không có loại mai có hương thơm nên thường chỉ chơi Mai vàng loại không có hương thơm, nhà nào cầu kỳ thì gửi mua tận ngoài Trung cành mai loại có hương thơm về chưng Tết.
Mai vàng đẹp nước ta thuộc các thứ giống loài Ochna integerrima Lour (còn có tên cũ là Elaecorpus integerrima Lour và Ochna harmandii Lec v.v…), mọc hoang rừng còi từ Quảng Trị vào Nam tuy rằng tài liệu thực vật lại cho biết là loài này có thứ giống hoa trắng. Theo giáo sư Tôn Thất Trình, có nhiều thứ giống chịu đựng được nhiệt độ lạnh hơn Quảng Trị, như các thứ giống tìm thấy ở rừng miền Bắc Thái Lan, thuộc các nhóm rừng lá rụng – deciduous forests Đông Nam Á Châu.
Các thứ giống miền Trung hay miền Nam Việt Nam thì luôn luôn có lá xanh, phải lảy (lặt) hết lá vài tuần trước Tết (có khi phải xông thêm khói, nay có thể dùng các chất điều hòa sinh trưởng như Gibberellins..?) hoa mới nở đúng vào dịp Tết được. Nhưng chắc cũng có nhiều thứ giống mai vàng rụng lá vào dịp giêng, hai, đầu mùa khô khích lệ cây đâm bông như vài thứ giống cây cao su – hevea cây nghỉ ngơi, rụng lá đúng vào dịp Tết, khỏi mất công khiển (forcing) hoa, có khi phiền phức. Các thứ giống mai vàng này cũng như các thứ giống cây cao su rụng lá, đúng dịp Tết dân Việt nghỉ ngơi phục sức, đúng là những cây Việt lấy hoa thưởng thức, hay lấy mủ nuôi sống một phần dân tộc ta.
Qua ảnh chụp, tôi thấy ở nhà thờ Đức Mẹ La Vang Quảng Trị tại hang đá Đức Mẹ có một cây mai vàng bông nở xum xuê trông rất mãn nhãn. Ở Việt Nam thì tại vùng Phan Rang khắc khổ ít mưa khô ráo có nhiều rừng mai hơn cả.
Loài hoa chuông vàng Forsythia chưng cho đỡ nhớ
Chúng ta còn nhớ vào cuối thập niên 1970 và đầu thập niên 1980, chưa có phong trào chơi mai vàng vào ngày Tết, nên nhiều người Việt ở Ca Li đã đem bán Tết những cành hoa chuông vàng để thay thế cành mai. Tên của hoa này nghe nói là hoa Forsythia.
Đây là một vài thứ giống của tông chi thực vật Forsythia, một nhóm cây lùm bụi hay thân leo ở Mỹ rụng lá mùa đông và đến khoảng tháng hai tháng tư dương lịch các cành không lá đâm hoa. Hoa Forsythia có tên chữ nho là Liên Kiều, nhưng vì hình dáng của hoa giống như những chiếc chuông nhỏ nên người mình bèn gọi là “hoa chuông vàng” cũng đúng.
Các cành hoa Forsythia cũng giống như loài mai nếu lặt lá vào mùa lạnh của khí hậu Hoa Kỳ sẽ đâm ra hoa mà danh từ thực vật gọi là khiển ép – forcing.
Ở Ca Li, người ta khai thác ba loài Forsythia là:
_ loài Forsythia suspensia còn có tên là Forsythia liễu rũ- weeping Forsythia, cành leo có thể ra rễ khi đụng vào đất ẩm ướt
_ loài Forsythia viridissima là Forsythia thân xanh, hoa cũng màu vàng xanh lợt, không có gì là đẹp cho lắm.
_ Forsythia intermedia (có thể là giống lai giữa hai loài kia)
Đây là những loài hoa vàng đủ sắc độ mà người Việt vì nhớ đến hoa mai quê hương bèn tạm dùng chúng thay thế đề chưng Tết, chứ màu vàng không tươi thắm như mai vàng nước ta. Có loại có màu vàng đậm nhưng lại pha thêm màu cam mất bớt sắc vàng tươi đẹp đi lại có loại hoa vàng kim, nhưng lại có cánh ngăm ngăm đen, hung hung. Tóm lại, loài hoa Forsythia tuy có sắc vàng, ngó đại thể thì giống cây mai vàng VN, chưng tạm để đỡ nhớ nhà, chứ không thể nào thay thế cây mai vàng được.
Nói đến hoa chuông vàng Forsythia suspensia với cái tên dược thảo là Liên Kiều, làm tôi nhớ đến bài thơ dùng toàn tên dược thảo mà kết lại thành một bài thơ tình mùi mẫn. Bài thơ này tôi tạm gọi là Bài Thơ Thuốc Bắc như sau:
Trước kính lạy trông ơn Bối Mẫu
Sau tỏ cùng thục nữ Hồng Hoa
Đôi ta từ Bán Hạ giao hòa
Lòng những ước Liên Kiều hai họ
Duyên Xích thược anh đà gắn bó
Nghĩa Quế Chi, em khá ghi lòng.
Vào đầu xuân mà đọc dược bài thơ tình đượm mùi thuốc bắc thật là thú vị lắm với những vi như Bối Mẫu, Hồng Hoa, Bán hạ, Liên Kiều, Xích thuợc, Quế chi! Chắc chàng trai tỏ tình với nàng con gái đại khái như sau chăng:
– trước hết ta thấy mối tình của chàng rất đôn hậu, khi ngỏ lời yêu ai, chàng vẫn không quên ơn đức mẹ già qua bốn chữ “trông ơn bối mẫu”!
– Nàng con gái này chắc má đỏ môi hồng nên chàng mới tán là “thục nữ Hồng Hoa”
– Chàng và nàng có lẽ gặp gỡ nhau từ giữa mùa hè nên mới nói là “Bán hạ giao hòa”
– Mới gặp nhau, chàng đã ngỏ ý ước ao cưới xin qua bốn chữ “Liên Kiều hai họ”
– Chàng lại nói rằng tình của chàng như duyên xích ràng buộc qua bốn chữ Duyên Xích thược, và nồng thơm như vị Quế chi.
Dược tính của vị Liên Kiều là gì? Liên Kiều nghĩa bóng là bắc cầu, nhưng về công hiệu thì trái của cây Liên Kiều có tính hơi hàn, vị đắng, dùng trị sốt, khử độc khi cảm cúm, hay sởi trẻ em. Khoa học phân chất tìm thấy nó chứa chất Phillyrin trị sốt, có tác dụng chống những loại cầu khuẩn.
Những tên Mai trong thực vật học
Nhân nói đến tên gọi Mai trên phương diện từ ngữ, chúng ta lại sực nhớ ở Sàigon Chợ Lớn có địa danh là Chùa Cây Mai vì cây này lớn lắm nên mới thành địa danh. Vậy cây Mai này có phải là cây Mai vàng ngày Tết không?
Các cụ ta xưa thấy hoa gì đẹp to hay nhỏ, dáng hoa hồng đều gọi là mai. Chúng không phải là loại Mai Tết mà lại thuộc những loài, những họ thực vật xa lắc xa lơ. Cây Mai nói trên là cây Bạch Mai, hoa nở trắng cây, tức là một đại thụ trong Nam nổi tiếng vì Pháp đã triệt hạ cây này ở chùa Cây Mai vùng Sài Gòn vào thời kỳ xâm chiếm miền Nam, thế kỷ thứ 19.
Đó là cây Mai mù u, loài Ochrocarpus siamensis var.odoratissimus Pierre, thuộc họ Bứa Guttiferae (chứ không phải họ Mai vàng Ochnaceae).
Ngay cả đến cây Mù U có hoa trắng và trái tròn tiết ra nhựa mùi hăng hắc bôi ghẻ rất hay được có cái tên là Cây Thủy Mai (gọi là Thủy Mai vì thích mọc quanh bờ nước).
Ta cũng nên nhắc đến cây Mai Chiếu Thủy (Phạm Hoàng Hộ ghi là Mai Chấn thủy) với tên thực vật là Wrightia religiosa.
Ngoài ra, tên Mai còn nhận thấy trong loài hoa hồng (rose) với cái tên Mai Khôi (hoặc là Môi Khôi, hay Mân Côi như trong tràng hạt rosary của tín đồ Công giáo).
Cũng nên nói về chữ Mai trong bài ca dao Trấn thủ lưu đồn nói về hoàn cảnh cực khổ của những người lính thú ở miền thượng du Bắc Việt:
Miệng ăn măng trúc măng mai
Những tre cùng nứa lấy ai bạn cùng
Măng Mai là loại măng gì? Kỳ thực phải nói là Măng Mạy! theo tiếng Thổ Tày nhưng người Việt đọc thành Măng Mai.
Những loại Mai mơ
Mai tả nhiều ở miền Bắc là mai đào hay mai mơ (apricot) thuộc họ hoa hồng Rosaceae. Các mai đào, mai mơ thường chỉ có một nhụy cái, về sau chỉ cho một trái như trái đào, trái mơ. Mai mơ được dân Nhật lựa chọn nhiều làm cây hoa cảnh và uốn éo thân làm kiểng bonsai rất đẹp. Ngày xưa, Ứng Trai Nguyễn Trãi đã từng tả những thân mai già cỗi đẹp lão, như trong câu “lão mai năng chăm sóc, màu vóc dáng thời gian” nần, gân guốc như ở loài mơ Nhật làm hoa cảnh- japanese flowering,. Chúng tôi nghĩ rằng đó là những mai mơ apricot thân u nần gân guốc như loại Mơ Nhật làm hoa cảnh – Japanese flowering apricots. Và chắc đó cũng là loại mai mà thi sĩ Chu Mạnh Trinh tả ở chùa Hương tích: ”thỏ thẻ rừng mai, chim cùng trái“, vì đã có người miền Bắc mô tả nhiều loại trái mơ (mai) chua ngọt khác nhau ở vùng này làm kẹo ô mai mơ rất ngon và cũng có thể làm ô mai muối (ume) rất thịnh hành ở Nhật và đang phổ biến ở Hạ uy Di – Hawaii.
Ở miền Bắc có hai loại trái mơ vàng là Prunus armenica L. là trái mơ bán đầy chợ Hà nội mỗi năm hoa nở thơm ngát, nhưng ít khi là hoa vàng. Hoa vàng trái mơ vàng tên khoa học loài là Prunus mume L ., quốc tế gọi là mơ Nhật – japanese apricot, trái đầy lông, thịt dính vào hột tròn, rất cứng, trồng khá nhiều ở Hòa Bình, Cao Bằng, Lạng Sơn.
Những mai vàng ở Mỹ
Tôi nghe nói ở Cali vào dịp Tết người Việt bắt đầu đem bầy bán những chậu mai vàng giống y hệt như giống Ochnaceae ở VN, chứ không cần bày bán loại Forsythia tức là hoa Liên Kiều chuông vàng nữa?
Sau hơn 10 năm quen thuộc với cỏ cây hoa lá Ca Li, giữa thập niên 1980, vài người Việt đã bắt đầu đem bày bán các chậu mai vàng.
Trước tiên là loài mai vàng xinh đẹp của Mỹ tên khoa học là Ochna pulcra, cây cao 5m, mọc rộng 3m, mọc chậm, hoa màu vàng chanh lợt, ở Hoa Kỳ nở vào mùa thu, hoa đầy cây dày dặc thơm ngát (có lẽ ít thấy ở các giống mai vàng Việt Nam), rất thích hợp ở những gia viên tương đối nhỏ bé ở Hoa Kỳ. Cây rụng lá một thời gian ngắn vào cuối đông. Vào mùa xuân ở Mỹ, lộc đâm ra đầu tiên màu tím, rồi đỏ dần sau đó lá mới xanh. Vào thu, lá đổi màu rất lạ, trước khi lá rụng. Lá răng cưa nhỏ mịn và láng bóng. Cây thích nhiều ánh nắng và chịu đựng được lạnh. Theo giáo sư Tôn Thất Trình, đây là một loài mai vàng Ochna, đang du nhập vào nước ta, bổ sung mai vàng theo cách đâm lá, rụng lá, hoa nở đầy cành mùa thu thay vì đầu xuân dịp Tết, hương thơm ngát và cho ai ở Bình Định thích cành hoa mai vàng chen lá xanh hơn là chỉ toàn hoa. Trái cũng màu xanh tươi tắn, khi chín màu đen, chim chóc thích ăn.
Có bao nhiêu loại Mai vàng Ochna đã được định danh trên thế giới? và chúng ta còn nghe nói đến mai tứ quí? Vậy nên hiểu Tứ Quí làm sao?
Có trên 80 loài Mai Ochna trên thế giới!
Ở Mỹ bắt đầu bày bán vài loài mai khác trồng chậu, gọi là mai tứ quí. [Không hiểu tại sao lại có tên là tứ quí, vì ba tháng nở hoa một lần hay là tại vì hoa trái tồn tại lâu dài, xuân hạ thu đông, nở đầu hạ, cuối xuân (vào dịp Tết) cánh hoa vàng, sau đó cánh rơi rụng thì lá đài màu đỏ chói mọc lên ở tâm đỏ 5 hay nhiều trái nhỏ màu xanh, rồi chuyển qua màu đen đậm láng bóng. Hay cũng tại mai vàng này luôn luôn có lá xanh – evergreen, không rụng lá mùa đông?]
Hai loại mai hiện có ở Mỹ là:
_ Loài thứ nhất nhiều hoa, nhưng tương đối nhỏ tên khoa học là Ochna multiflora hay Ochna serrulata, tên chung là bụi mắt chim – bird’s eyes bush. ở giai đoan trái chín đen láng bóng, con trẻ Mỹ xem tựa mắt và tai chuột, kiểu Mickey Mouse của phim Disney. Lá bầu dục, 5-10cm, dai như da thú, răng cưa đều đặn, chịu đựng được nhiệt độ dưới không và nhiệt độ cao 35-40 độ C. Cũng như chịu đựng khá giỏi khô hạn, khi cây mọc đã khá cao. Ưa đất ít acid. Ưa bóng râm một phần nào. Trồng thùng gỗ, chậu sành, chậu đất lớn đều tốt. Trồng làm phên dậu cũng tốt.
_ Loài tứ quí thứ hai là Ochna kirkii hay Ochna thomasiana hay mai trái đen huyền, nguồn gốc ở Hawaii, nhưng mùa Tết người Việt bán hoa mai vàng này lại gọi là mai nguồn gốc Phi Luật Tân, cho có vẽ Á đông, gần Việt Nam hơn chăng? Bụi nhỏ và thưa cành hơn. Vì lá mọc luân phiên (nên gọi là tứ quí?) đầy lông. Hoa to hơn 3- 5cm. Trái đen huyền, mọc thẳng đứng trên đài đỏ láng bóng. Nhưng các nhà viên học không dám sử dụng loại này, sợ chim thích ăn trái này nhả hột rải rác, lan tràn khắp đồng nội như cỏ dại khó trị..
Tuy nói là mai Ochna ở Mỹ, nhưng nhiều người nói kỳ thực nguồn gốc chúng ở các xứ Nam Phi Châu đã di thực ở Mỹ lâu ngày thôi.
Mai vàng quê hương vẫn là đẹp nhất!
Giáo sư Canh nông Tôn thất Trình đã nhận định ra sao về sự chơi hoa mai Ochna của dân Việt tại quê hương hiện nay?
Theo ông thì Mai vàng Ochna Mỹ, mai vàng Ochna Tứ Qúi Hạ Uy Di cũng không sánh nổi mai vàng Việt Nam, tuy nhiên để cầu tiến, ông khuyến khích những người chơi hoa Mai ở Mỹ nên triễn lãm bonsai mai vàng Việt Nam ở Mỹ và cải thiện thêm loài hoa độc đáo nước nhà.
Giáo sư Trình thấy nhiều người Việt ở Ca Li đã chơi cây kiểng- topiaries và kiểng bonsai. Nhưng ông chưa thấy những trưng bày kiểng bonsai mai vàng rực rỡ đoạt giải vàng nhiều năm qua ở hội Hoa Xuân ở VN, hay những chậu mai ngũ sắc trong đó có mai vàng nhiều cánh, ghép mai cánh vàng lá đài đỏ (bên ta gọi là mai đỏ loài Ochna atropurpurea DC (mai này mới đúng là mai tứ quí vì hoa vàng trổ lẻ tẻ suốt năm), hay ghép mai trắng nhiều ít cánh hoa, thuộc hai loài Ochna integerrima và loài mai hoa trắng Ochna mauritiana.
Ông Trình còn nhận định thêm là: Nghề chơi hoa mai vàng Ochna Việt Nam đã độc đáo nhất thế giới rồi, nhưng kể ra cũng nên cải thiện thêm một vài phương diện, như lai tuyển chọn khoa học hoa thơm ngát hơn nữa, lâu tàn hơn nữa (hay tìm cách dùng hóa chất không độc làm lâu tàn cành hoa mai vàng như ở những hoa cắt cành khác), nghiên cứu thêm về sự khiển ép – forcing hoa bằng các chất điều hòa tăng trưởng (gibberellin chẳng hạn) ngoài cách lảy lá, xông khói, mùa nào cũng nở được cho đúng là tứ quí hơn nữa, hầu bán cành hoa vào những mùa lễ lạc khác ngoài Tết Nguyên Đán. Lựa chọn loài lai cho nhiều ngù mai vàng làm bó hoa cắt cành, hay cây nhiều cành nhiều hoa hơn, cải thiện cách bón phân, tưới tiêu, trị bệnh, sâu bọ hay lựa giống kháng… hạ giá thành bán rẻ hơn cho dân gian giới bình dân thưởng thức.
Còn ai chuyên về Công nghệ di truyền, nếu rảnh rỗi xin đưa những gen cần thiết tuyển chọn thành hoa mai xanh dương – blue như Nhật đã làm hoa hồng xanh dương với genes bệnh mật xanh dương của vua Henry VIII và của hoa Dạ Yên Thảo – Petunia. Hiện nay chỉ có mai Ochna xanh lục- green, ngoài các mai Ochna trắng, đỏ, đen huyền (trái) mà thôi.
Nghề chơi quả lắm công phu. Tôi xin thân ái chúc quí vị thân hữu một mùa xuân tươi vui như những đóa hoa mai vàng 5 cánh tượng trưng cho Ngũ Phúc Lâm Môn.
Lê Văn Lân
Người viết chân thành cảm ơn Giáo sư Tôn Thất Trình, nguyên Tổng trưởng Canh Nông thời Việt Nam Đệ Nhị Cộng Hòa hai lần trước 1975 (1967- 68 Nội các Nguyễn văn Lộc; 1973 – 74 Nội các Trần Thiện Khiêm) đã cung cấp cho tôi nhiều dữ liệu quí giá về Hoa Mai Việt Nam để tôi có dịp phổ biến rộng rãi trên mạng lưới Khoahoc Net.