.
(Tặng riêng cho những người bạn miền Tây sông nước Cửu Long.)
Một trong những thú vui của tôi khi về thăm VN là được lang thang một mình. Hoàn toàn tự do không bị gò bó với thời gian, nơi chốn... theo một chương trình đã được xếp đặt cho nhiều người. Với tôi, rất đơn giản chỉ khoác lên vai cái ba lô nho nhỏ đựng hai bô quần áo đơn sơ, vài vật dụng cá nhân. Thế là đủ cho một cuộc du hành cá nhân thích thú, hợp với bản tính lang bạt cô hữu của mình.
Mấy chục năm sống và làm việc ở hải ngoại, phải chạy đua với thời gian, công việc đầy nhàm chán của đời sống kỹ nghệ. Tôi không muốn về VN để lập lại những cái gò bó khó chịu đó nữa. Không cư trú ở một khách sạn nhiều sao hàng ngày chờ đúng giờ với những bữa cơm thịnh soạn, thật nhàm chán, vô vị! Tôi muốn về VN để tìm lại những cái rất đơn sơ, mộc mạc mà ngày xưa tôi đã lầm lẫn coi thường, không nhìn được giá trị của nó . Ban đêm nằm trên chiếc giường tre, bên tai tiếng côn trùng ru ngủ trong căn nhà lá ở miền quê. Ban ngày len lỏi giữa những rạch nước đục phù sa trong những cồn đất giữa giòng sông bằng chiếc thuyền nho nhỏ. Khi mệt mỏi, đói bụng tạt vào quán ăn bên sông hay trên con đường mòn đồng quê, thưởng thức những món ăn dân dã, đặc sản của địa phương.... Tất cả là những nét đẹp tuyệt vời của thiên nhiên mà tôi chưa một lần nào lãng quên, bỏ qua mỗi khi về thăm VN.
Với cái cách du lịch đó tháng 4 năm 1995, tôi đã làm một chuyến đi xuống miền Tây Nam bộ. Nơi tôi đã có quá nhiều kỷ niệm trong vài năm cuối đại học và gần 4 năm thực sự bước vào đời công chức, khởi đầu con đường quan lộ của mình, trước năm 1975.
Vĩnh Long, thành phố đầu tiên tôi dừng chân, vào buổi xế trưa, dưới cái nóng như đổ lửa của một ngày nắng gắt. Công việc đầu tiên là tìm một khách sạn nho nhỏ gần trung tâm thành phố nghỉ ngơi bù lại cái khổ cực sau gần 3 tiếng đồng hồ bị nén trong chiếc xe đò.
Chính nơi đây tôi đã có một mối tình đúng nghĩa với Vân, một cô giáo trung học trong thị xã. Như phần lớn những mối tình của người khác, thời gian đầu tiên chúng tôi cũng gặp những khó khăn, thách đố của hoàn cảnh, đôi lần chúng tôi đã có cảm giác buông xuôi. Nhưng với sự lớn khôn tuổi trưởng thành, cứng mạnh của tình yêu đã giúp chúng tôi vượt qua những khó khăn, dự tính sẽ thành hôn sau khi tôi hoàn tất chương trình tu nghiệp ở hải ngoại trở về. Nhưng thời gian xa cách kèm theo những đổi dời của thời thế, cuối cùng chỉ là một giấc mơ không bao giờ thành sự thật. Ngày tôi từ giã ra đi cũng là ngày buồn bã khởi đầu một lỡ làng và theo sau là vĩnh biệt xa nhau.
Chuyến đi này, tôi muốn tìm đến những nơi mà chúng tôi đã sống, đã đi qua để mong được sống lại với những hoài niệm, của một thời hạnh phúc nhất trong đời tôi.
Sau giấc ngủ trưa khá dài, dù bầu trời đã chớm hoàng hôn, cái nóng gay gắt chẳng có dấu hiệu gì thuyên giảm. Tôi vẫn chẳng ngại ngần, làm một cuộc đi dao để khơi động ký ức của mình về thành phố Vĩnh Long nhiều kỷ niệm này. Tôi đi lại những con đường ngày xưa, tìm lại dấu vết ở những nơi hẹn hò của chúng tôi mấy chục năm về trước. Một góc phố, bến đậu xe lam trong thị xã hay một vài quán cà phê nào đó ở trung tâm... Dù ngày nay thay đổi khá nhiều nhưng vẫn còn mập mờ trong trí nhớ tôi. Kéo tôi về với kỷ niệm đã một thời đẹp đẽ trong đời mình.
Sau mấy tiếng đồng hồ lang thang, sự mệt mỏi đã thúc dục tôi phải tìm một chỗ nghỉ chân, uống nước. Hoàng hôn thật sự đã biến mất, cái nóng rát buổi chiều đã được thay bằng làn gió dễ chịu, thoáng mát của trời đêm. Hàng cột đèn đường đã bật sáng nhưng cũng chỉ đủ tạo ra vẻ mù mờ của không gian. Những hàng quán lưu động trên những chiếc xe thô kệch cùng những chiếc bàn, chiếc ghế thấp lè tè được bầy la liệt trên lề đường, dọc theo bờ sông. Vài ngọn đèn dầu được đặt trên những chiếc ghế đẩu chiếu ra những ánh lửa bập bồng theo làn gió thổi. Trong cái bóng tối mông lung nhập nhèm đó. Tiếng cười đùa, cụng ly, mời nhau uống rượu từ những nhóm khách ăn nhậu bao quanh những chiếc bàn đầy đồ ăn tạo ra sự ồn ào của một nơi ăn nhậu. Hoạt cảnh đó là bức tranh độc đáo rất giống nhau mà người ta tìm thấy ở hầu hết các thành phố miền nam sông nước Cửu Long, nơi mà thực phẩm chẳng bao giờ thiếu thốn.
Tìm được chiếc bàn gần bờ sông, đưa mắt dõi theo những đám bèo lục bình bập bồng di chuyển theo giòng nước. Cảm giác cô đơn đã kéo trí nhớ tôi về quá khứ. Vài ngày trước khi tôi phải rời xa VN, tôi và Vân dẫn nhau ra đây ngồi với nhau lần cuối để từ giã Vĩnh Long.
Chúng tôi ngồi đối diện nhau bên một chiếc bàn nhựa. Cũng dưới ánh sáng đèn đường mù mờ, Vân đưa chiếc ly thủy tinh trống không lên ngang tầm mắt, hướng về tôi. Nàng xoay chuyển chiếc ly nhè nhẹ rồi buồn rầu nói với tôi:
- Qua chiếc ly, dưới ánh sáng mù mờ, hình bóng của anh như bị lòe đi. Khi em xoay chuyển chiếc ly, đổi chiều hướng của nguồn sáng, bóng anh lại bị mờ và nhỏ dần rồi biến mất!...
Bỏ chiếc ly xuống bàn, chuyển ánh mắt ra giòng sông, với giọng buồn bã, Vân nói tiếp:
- Anh ra đi, là chuyện chẳng thế nào đổi khác được nữa. Nhưng em có linh cảm đây không phải là tạm biệt mà là lần chúng ta mãi mãi xa nhau!
Tôi nắm lấy bàn tay của Vân, vuốt nhè nhẹ như muốn nói với nàng thêm lần nữa lời hứa hẹn và cũng muốn truyền cho nàng sức mạnh lòng tin trước khi tôi phải rời xa. Vân không nói gì, mắt vẫn mông lung, buồn bã nhìn theo vài đám bèo lục bình trôi trên sông. Trong cái không gian tĩnh lặng, buồn bã đó, tôi đọc khẽ vài câu thơ vừa hiện ra trong xúc cảm:
Hỡi người anh yêu, cho anh xin thêm một lần ước muốn
Đừng vẽ cuộc đời anh bằng những con đường rất thẳng
Và cũng đừng giữ anh trong một lâu đài hoa lệ
Để những buổi hoàng hôn, qua những lỗ châu mai
Anh chỉ biết ngồi nhìn đàn chim bay về tổ
Như một tên tử tù, nhìn trời xanh qua khung cửa nhà giam
Mà trong lòng tràn đầy mơ ước của một kẻ tự do
Như em đã biết,
Trời sinh ra anh chẳng muốn anh làm một người diễn viên
Chỉ biết la hét, cười vui trong vai một kẻ sống trong nhung lụa
Nhưng lòng mình lại buồn rười rượi
Anh sẽ về với em
Để nối lại cuộc tình bằng những ước mơ và mộng mị
Anh sẽ dẫn em đi trên con đường kỷ niệm xa xưa
Con đường mà chúng mình đã cho nhau nụ hôn đầu tiên
Em ngượng nghịu
Anh sẽ làm thơ, đọc cho em nghe những vần thơ tình ái
Anh viết truyện ngắn, truyện dài lãng mạn
Kể lể về những cuộc tình của những kẻ yêu nhau
Anh sẽ về với em
Như nước trên nguồn chảy xuống sông, sông lại về với biển cả
Hãy tạm biệt anh bằng nụ cười, đôi mắt ướt
Vẫy tay buồn làm gió lốc, thổi mây đen
Hãy viết cho anh những lá thư thật dài, toàn kể chuyện yêu đương
Để anh xa em mà quên được những tháng ngày tẻ nhạt
Đúng như vậy tôi đã xa Vân để ra đi. Nhưng rồi hoàn cảnh đổi thay để tôi không trở lại con đường xưa kỷ niệm của chúng tôi nữa. Tôi cũng chẳng có dịp làm những vần thơ lãng mạn dành tặng cho Vân, như lời hứa. Chuyến đi này, chỉ một mình tôi trở lại Vĩnh Long mong tìm lại được phần nào của những gì của chúng tôi còn lưu lại. Vĩnh Long ngày nay với tôi là một thành phố thật buồn, thành phố của dĩ vãng, đầy rẫy dấu tích kỷ niệm và dư âm của chia ly.
Ở Vĩnh Long được hai ngày, tôi cảm thấy tất cả những gì của thành phố hiện ra trong mắt mình đều là những nguyên do khơi dậy nỗi buồn đau trong lòng tôi. Thời gian qua đã quá lâu, Vân cũng chẳng còn nữa, tôi chẳng có lý do gì để ở lại cái thành phố quá buồn, nhiều hoài niệm này nữa.
Buổi chiều, khi bầu trời sâm sẩm tối, sau khi nhìn lại căn nhà trọ của Vân trú ngụ ngày xưa lần cuối cùng. Căn nhà đã đổi khác rất nhiều, nhưng tôi muốn khắc sâu vào trí nhớ mình những gì sót lại (dù rất nhỏ) của nó ngày nay. Tôi muốn Vân hiểu rằng hình bóng của Vân vẫn được tôi trân trọng, giữ mãi mãi trong lòng.
&
Tôi rời Vĩnh Long xuống Cần thơ, điểm đến kế tiếp của chuyến đi tìm hoài niệm của mình. Tôi sinh ra ở một làng quê miền Bắc, nhưng phần lớn tuổi thơ được trôi qua ở Hà Nội cho đến khi vào miền Nam ở tuổi lên chín. Với gần mười lăm năm học hành và lớn khôn ở Sài gòn, dù thế nào tôi cũng phải có nhiều kỷ niệm với cái thành phố xô bồ, bận rộn này. Nhưng Cần Thơ mới là nơi tôi yêu thích. Tôi đã tưởng rằng sẽ định cư mãi mãi nơi đây, nhận nó là quê hương của mình, những thế hệ tiếp theo sẽ sinh ra, lớn lên, chúng sẽ đúng nghĩa là người bản địa.
Tôi không quên, ngày đầu tiên từ Sài gòn xuống đây làm việc, khởi đầu con đường họan lộ của mình. Cần Thơ đã chờ đón tôi với vòng tay nồng nàn nhiều ân ái. Rồi mấy năm sau, ngày tôi đi tu nghiệp hải ngoại. Cần thơ cũng vẫy chào tạm biệt bằng những lời mong chờ ngày thành tài trở về của tôi. Nhưng thực tế tất cả đã đổi khác, những tính toán, ước mơ của tôi và của Cần Thơ chỉ còn là ảo tưởng. Tôi đã đi, đã tăng tiến tài năng nhưng ngày về chỉ còn là một tấu khúc, quá nhiều âm vang lỗi điệu. Mấy mươi năm vừa qua, tôi vẫn không quên được nơi đã dành cho mình những ân tình nhiều gắn bó này. Tôi vẫn tìm về nhưng trong lòng mình vẫn có cái gì khó nói.
Suốt hai ngày vừa qua tại Cần thơ, tôi đã đi thăm lại gần như hầu hết những nơi cần đến. Những khu kỹ nghệ mới thành lập ở Ô Môn, Thốt nốt. Qua chợ nổi Cái Răng, Phong Điền, tôi đi thăm bè nuôi cá, vài cồn đất trù phú đủ loại trái cây, rải rác dọc theo giòng sông Hậu. Chiều tối khi cái nóng đã giảm bớt tôi đi dạo ở khu trung tâm, nhìn sinh hoạt phố xá về đêm. Khi mỏi chân tôi hưởng thụ cái thú ngồi xe lôi chạy chầm chậm qua những nơi mà ngày xưa tôi đã làm việc để nhớ hay nhìn lại những gì còn trong ký ức...
Dù vẫn còn một số bạn bè, quen biết ngày xưa đang sống ở thị xã nhưng tôi không đến thăm họ, chỉ vì tôi muốn dành hoàn toàn cảm xúc của mình trong chuyến đi này cho Cần Thơ. Tôi muốn hưởng cái êm ả dù trong đó vẫn có những âm thanh buồn bã khi nhìn thấy những dấu vết còn lại nơi đây, kéo tôi về với hoài niệm của một thời đã qua trong quá khứ.
Buổi tối, tìm được một chiếc bàn trống ngay bên cạnh bờ sông, trên bến Ninh Kiều. Ngồi nghỉ chân uống nước, dự tính nhìn lại một lần nữa nếp sinh hoạt của bến Ninh Kiều, nơi quá nổi tiếng của Cần Thơ để ngày mai tôi sẽ rời xa nó. Nơi đây, lúc tôi còn làm việc ở Cần Thơ, đã bao nhiêu lần ngồi ăn nhậu với bạn bè, thân nhân, quen biết từ xa đến thăm. Cũng nơi đây tôi và Vân đã từng ngồi bên nhau nhìn giòng sông nước chảy mà nói chuyện ước mơ.
Ánh sáng từ mặt trăng tròn trịa treo giữa ngàn sao lấp lánh trên bầu trời hoà lẫn với đèn đường, chiếu rọi xuống mặt nước sông nhấp nhô sóng nhẹ, tạo ra những dải sáng, mờ ảo thật đẹp. Tôi tự nhiên nhớ đến bài thơ tiền chiến“ Nhà Tôi“ của Yên Thao, bài thơ nói đến ngày về của một người chiến binh khi trở lại nhà xưa. Bài thơ mà hồi đó, tôi vẫn thường ngâm cho Vân nghe, mỗi khi ngồi bên nhau bên giòng sông tâm sự.
Đêm hôm nay tôi trở về lành lạnh
Sông sâu mừng lấp lánh sao lưa thưa
Ống quần nâu đã vá mụn giang hồ
Chắc tay súng tôi về mơ Nguyễn Huệ
...........
Tôi có người vợ trẻ đẹp như thơ
Tuổi đôi mươi cưới buổi dâng cờ
Má trắng mịn thơm thơm mùi lúa chín
Ai bước đi mà không từng bịn rịn
Rồi yêu thương nào có mấy ai vui
Em lặng hồn, nhìn với lúc chia phôi
Tôi mạnh bước mà nghe hồn nhỏ lệ!
Thời gian xa nhau được diễn tả bằng những vết vá trên ống quần nâu chinh chiến. Lòng nhớ thương dành cho người vợ trẻ đẹp như mơ, cưới ngày ra đi, hiển hiện trong cái đau xót lúc chia ly. Nhưng ngạo nghễ làm sao khi người đàn ông mạnh bước mà trong lòng ướt lệ! Đúng như vậy, bài thơ quá hay! Không còn gì để mô tả hơn được cái tuyệt vời, đầy hùng tráng của giấc mơ Nguyễn Huệ trong những vần thơ trở về của Yên Thao nữa!
Thả hồn vào âm vang của những vần thơ đó, tôi chợt nhìn về chính mình, về hiện trạng của tôi lúc này. Cũng trong cái tâm trạng của kẻ tìm về nơi mình thương nhớ. Cũng có giòng sông trước mặt dưới ánh trăng sao lấp lánh, cũng nơi đây đã ghi nhớ bao lần hò hẹn... Nhưng tôi về đây trong vị trí của người khách thăm viếng, tìm hoài niệm của đời mình. Dù tâm hồn tôi vẫn có đôi chút lãng mạn nhưng cái lãng mạn đó nhuốm đầy vẻ ủy mị của một kẻ tầm thường:
Tôi sẽ về thăm em chiều nay hay chiều mốt
Cho giòng sông không ngái ngủ buổi bình minh
Và cả những con đường em đã đi qua dạo ấy
Vẫn mờ mờ bóng điện sáng buổi ban đêm
Tôi sẽ về với em dù trời mưa hay trời nắng
Thoáng vẽ trong hồn tôi con đường xưa thật nhỏ
Dấu chân em nhẹ nhàng như đôi chân chim se sẻ
Ngẩn ngơ nhìn, tôi tìm em trong giấc mộng hôm nay
Tôi về đây, bập bềnh tóc trắng gió bay bay
Xin hãy mở giùm tôi cánh cửa thời dĩ vãng
Để tôi mơ, dù phải cúi đầu lệ chảy ướt vành môi
Cho ngày về, thoáng nụ cười, buồn cay đắng?
Đúng như vậy, tôi đã về lại Cần thơ với tâm trạng của kẻ làm thơ ủy mị đi tìm hoài niệm. Không có một tí gì hào hùng, cao ngạo của người lính chiến trong những vần thơ Yên Thao.
Tôi là thế, đúng như nhiều lần Vân đã nói, tôi đã chọn sai một nghề nghiệp, thay vì tìm sống với văn chương, chữ nghĩa tôi đã nhấn sâu đời tôi vào khoa học với những thước đo chính xác của thực nghiệm.
Hôm sau, khi mặt trời hơi ngả về chiều. Tôi vừa từ chiếc xe lôi bước xuống bến xe Cần Thơ, dự định lấy xe về lại Sàigòn, chấm dứt chuyến đi. Từ phía bên ngoài bến xe, một ông lão quần áo khá tề chỉnh, tay dắt một đứa bé trai, khoảng mười hai, mười ba tuổi, chạy vội đến chỗ tôi. Ông lão cầm lấy cánh tay tôi lắc lia lịa ra vẻ mừng vui tột cùng:
- Thầy Hai, trời ơi sao lại gặp được thầy ở đây? Thầy về nước bao giờ vậy?...
Ông ta hỏi tôi dồn dập, tôi chẳng biết trả lời ông ra sao vì chưa biết ông là ai. Trong khi tôi ngẩn ngơ giương mắt nhìn ông già rồi lại nhìn sang đứa cháu. Tôi nhíu lông mày, cố kéo trí nhớ về để xác định một người quen biết nào đó mà mình đã lãng quên, nhưng hoàn toàn vô ích. Một lúc sau, ông lão hình như nhìn thấy vẻ thắc mắc của tôi, ông ta lay nhẹ cánh tôi mạnh hơn kèm theo lời nói:
- Thầy Hai, quên tôi rồi sao? Tôi là Châu, nhân viên nông trại ngày xưa mà có lần thấy cho tôi, ông Ba Mỹ và chị Điệp cùng về Sàigòn công tác, lãnh hàng viện trợ của Nhật cho đại học đó. Chúng tôi ở nhà thầy mấy ngày, ông bà Hai ba má thầy đã quá tốt, giết gà vịt đãi chúng tôi đó! Thầy nhớ ra chưa?
Sau câu nói của ông lão đã khơi động trí nhớ giúp tôi nhận ra ông ta. Ngày xưa mỗi lần được cử về Sài gòn công tác, tôi thường xin cho vài nhân viên về theo, lấy lý do cần họ để giúp đỡ, khuân đồ đạc cho tôi. Nhưng thật ra tôi chỉ muốn giúp họ có tí tiền công tác và nhất là họ có dịp thăm viếng con cháu hay thân nhân làm việc trên Sàigòn. Hồi đó, nhà tôi ở bìa thành phố, khá rộng rãi lại có cơ sở chăn nuôi nho nhỏ vì vậy vấn đề cư trú của họ được coi là rất thoải mái. Bố mẹ tôi lại thuộc giới lao động, ít học, chẳng có tí gì ngăn cách kẻ trên người dưới khi họ tạm trú. Đã vậy gia đình có sẵn gà vịt, vấn đề ăn uống luôn luôn thịnh soạn.
Từ đó, họ phân chia với nhau đi theo tôi khi có dịp về Sà igòn công tác. Với bất cứ ai được tôi dẫn về nhà, bố mẹ tôi đều đối xử rất chân tình. Chính vì vậy mỗi khi tôi về Sài gòn, họ đều mang gạo, rau, trái cây gửi biếu bố mẹ tôi coi như lời cám ơn.
Hôm nay tình cờ mà gặp lại, cuốn phim dĩ vãng thân tình giữa những người nhân viên cũ và gia đình tôi lần lượt được quay lại trong trí nhớ. Tôi vui mừng ôm chặt lấy đôi vai của ông lão, nhân viên cũ của mình, cảm động tôi nói với ông ta:
- Ông Châu! Tôi đã nhận ra ông rồi. Mấy chục năm rồi chứ ít sao?
Nói xong, đưa tay lên nhìn đồng hồ thấy vẫn còn sớm, dư đủ thời gian để về Sài gòn trong ngày. Tôi muốn hỏi thăm về đời sống của những người quen biết ngày xưa, tôi mời hai ông cháu vào một quán nước gần bến xe.
Qua ông Châu, gần như hầu hết những nhân viên lao động cũng như các chị thư ký của nơi tôi làm việc ngày xưa đã về hưu, nhưng họ vẫn còn sống ở Cần Thơ. Cuộc sống của họ cũng như hàng triệu người VN khác luôn luôn tùy thuộc vào sự thăng trầm của đất nước. Tôi cũng chẳng giấu giếm ông Châu, kể lể về những nỗi cực nhọc, đắng cay mà tôi cũng đã phải trải qua trong mấy chục năm sống ở hải ngoại.
Tôi rất xúc động nhìn thấy sự buồn bã trên khuôn mặt người nhân viên cũ của mình khi biết mẹ tôi đã mất trong giai đoạn thiếu thốn cực nhọc nhất của đất nước. Ông Châu cho biết, ông cũng như nhiều người nhân viên khác đã có dịp lên Sài gòn, cư trú tại nhà tôi. Họ không quên lòng tốt của bố mẹ tôi dành cho họ, từ những bữa cơm thịnh soạn đến việc lo lắng giường chiếu khi họ ngủ. Vài người khi có việc quan trọng phải dẫn theo thân nhân lên Sàigòn, họ dẫn đến nhà tôi tạm trú vẫn được bố mẹ tôi giúp đỡ tận tình.
Ngồi tâm sự khá lâu, có lẽ đã đến lúc chia tay để kịp về Sài gòn vào buổi tối. Tôi nắm lấy bàn tay nhăn nhúm của ông Châu, với vẻ buồn bã vì phải chia tay, tôi nói:
- Đã đến lúc tôi phải lên xe rồi ông Châu ạ. Nhờ ông nhắn lời hỏi thăm của tôi đến những người khác. Nói với họ tôi không quên những tình cảm mà họ đã dành cho tôi ngày xưa, thời tôi còn ở VN. Tôi chúc ông và mọi người mãi mãi khỏe mạnh, hy vọng chúng mình lại có dịp gặp nhau.
Nói xong tôi cầm lấy chiếc ba lô của mình, định bước ra khỏi chỗ ngồi. Ông Châu nhìn tôi có vẻ ngập ngừng tí chút, rồi ông chậm chạp nói với tôi:
- Thầy Hai, nếu thầy không có việc gì gấp, tôi mời thầy đến nhà tôi ăn cơm tối nay, ngủ lại rồi sáng mai thầy hãy về....
Tôi chưa kịp trả lời thì ông ta nói tiếp:
- Tôi sẽ báo tin cho những người khác biết. Chắc chắn họ rất vui mừng đến gặp gỡ, chào hỏi thầy lắm.
Nhìn tôi đưa tay lên vò trán, như hiểu được sự lưỡng lự của tôi, ông Châu nói tiếp:
- Thật ra ở quê chẳng có gì đặc biệt để mời thầy, nhưng đây là dịp để gia đình tôi đền đáp lại phần nào lòng tốt của ông bà thân sinh của thầy. Tôi mong thầy đừng từ chối.
Nghe ông Châu nói, tôi biết không còn đường nào để chối từ lời mời của ông ta được. Với hơn ba năm làm việc, tiếp xúc bạn bè ở miền Nam, tôi đã hiểu khá rõ con người nơi đây. Họ đơn giản, họ nghèo ngôn ngữ để diễn đạt tâm hồn, nhưng họ rất chân tình, không biết màu mè, môi mép, đưa đẩy ngoại giao. Khi họ đã nhận ai là người thân thiết, thì chẳng bao giờ tính toán thiệt hơn. Họ dám cho những cái họ đang cần, đang thiếu mà không một chút nhăn mặt ngại ngần.
Bước xuống chiếc xe lôi, theo ông cháu ông Châu đi qua chiếc cầu bằng bê tông bắc ngang qua rạch nước chạy dọc theo đường lộ liên tỉnh. Chúng tôi vào con đường đất khô ráo, khá rộng, đi khoảng vài chục mét. Quẹo vào con đường rẽ riêng biệt dẫn đến một căn nhà ngói bề thế đứng giữa một khu vườn cây ăn trái rộng lớn. Vách và mái nhà vẫn còn màu nguyên thủy, chứng tỏ căn nhà xây cất không lâu. Hình như thấu hiểu được sự ngạc nhiên của tôi khi nhìn thấy cơ ngơi đồ sộ của mình, ông Châu không giấu được vẻ sung sướng, tự hào, quay sang tôi ông nói:
- Cũng nhờ mấy năm được mùa, nhất là nhờ mấy “Ổng“ cởi mở, thêm vào mấy đứa con lớn khôn, chịu làm ăn gom góp lại tôi mới xây được như vậy đó thầy Hai.
Nói xong ông Châu dẫn tôi đi một vòng thăm cơ ngơi của mình, trước khi vào nhà giới thiệu với vợ con. Khu vườn bao quanh nhà với những mương dẫn nước chạy ngang dọc như bàn cờ. Trên bờ mương những hàng cây ăn trái đang có giá trên thị trường như nhãn, đu đủ, bưởi Năm roi… trồng xen kẽ nhau. Những cành cây sai trái phải dùng cột chống đỡ, nói nên sự màu mỡ của khu vườn và khá giả của chủ nhân. Ông Châu chỉ những thửa ruộng xanh tươi bao quanh khu vườn với những bông lúa màu chớm vàng rũ xuống vì nặng hạt, nói với tôi:
- Tất cả bảy công ruộng này tôi trồng lúa nàng thơm giống mới, hàng năm trừ chi phí cũng kiếm được xấp xỉ năm mươi triệu đó thầy Hai.
Đi bên cạnh ông Châu, tôi có cảm tưởng, niềm hạnh phúc dạt dào trong lời nói, dáng điệu, tiếng cười của ông đã êm nhẹ thấm vào thân thể tôi. Cho tôi cái cảm giác vui mừng, có chút tự hào về sự thành công của người nhân viên cũ. Đưa mắt kín đáo nhìn mái tóc trắng gần hết, khuôn mặt nhăn nheo sạm nắng của ông Châu. Tôi muốn chia sẻ sự sung sướng đang có nơi ông, tôi nghĩ ở cái tuổi về già ông đã rất xứng đáng được đền bù sau gần một đời người lao lực.
Chúng tôi vào nhà được một lúc, khi ráng chiều đã thấp thoáng trên ngọn cây. Sáu người nhân viên khác lần lượt đến, trong đó có chị thư ký trực tiếp của tôi ngày xưa. Họ ôm lấy tôi, hỏi thăm, kể lể cho tôi nghe những khó khăn cũng như những thành công vui vẻ trong mấy chục năm vừa qua. Điều làm tôi cảm động rớm nước mắt đó là họ luôn luôn nhắc đến bố mẹ tôi với những câu nói quá chân tình. Họ chia sẻ sự xót đau, thương tiếc với tôi khi biết mẹ tôi đã mất tù lâu, lúc tôi còn đang khốn khổ ở hải ngoại không có điều kiện về đưa đám. Họ nhắc lại những lần lên Sàigòn tạm trú ở nhà bố mẹ tôi, những bữa ăn thịnh soạn mà gia đình tôi đã tiếp đãi họ… Tôi cảm thấy gần họ, yêu cái chân chất, mộc mạc từ con người họ, những con người của đồng ruộng miền Nam. Nhưng tôi cũng không giấu được cảm giác thoáng buồn khi nhìn về thực tế, hoàn cảnh của mình. Họ vẫn là họ, mãi mãi là họ nơi đây, miền sông nước miền Nam. Còn tôi thì đã khác, quê hương xa vời vợi, ngay cả tình thân ái giữa tôi và họ sẽ chỉ còn là hoài niệm mà thôi.
Buổi tối, một bữa nhậu dĩ nhiên là phải có ở cái vùng miền Nam sông nước phong phú thực phẩm và đầy ắp tình người. Những ly rượu vẫn còn thơm mùi nếp mới được chuyền cho nhau, hâm nóng bầu không khí của buổi gặp mặt. Nhưng cũng để mở cửa tâm hồn cho những lời tâm sự thân thương, không gò bó với những cái vớ vẩn kẻ trên người dưới. Những nụ cười giòn giã khi nhắc đến kỷ niệm vui buồn của hàng chục năm về trước, hoà nhập với hơi men, hình như cũng xoá nhòa hết những vết nhăn thời gian trên những mái tóc, khuôn mặt của chúng tôi.
Nhưng cuộc vui cũng đến hồi kết thúc. Những cái bắt tay nồng nàn, ôm xiết nhau rất chặt nhưng thật buồn khi từ giã nhau. Tôi và họ có linh cảm cuộc chia tay lần này chắc khó có bao giờ được gặp lại nhau nữa. Thời gian, tuổi tác và không gian cách trở là những dữ kiện mà chúng tôi đã mường tượng ra những rào cản cho lần tái ngộ tương lai. Nhìn sáu người nhân viên ra khỏi căn nhà của ông Châu lòng tôi buồn rười rượi. Tôi cố gắng ghi nhận thật rõ dáng điệu, hình dạng của từng người vào trí nhớ mà tự nói với mình. Đó là những người bạn sẽ không bao giờ quên nhưng cũng chẳng còn dịp để gặp lại được họ nữa, xin Trời Phật hãy phù hộ, cho họ những niềm vui và may mắn trọn vẹn trong đời.
Sáng hôm sau, khi bữa điểm tâm vừa xong, tôi đang sửa soạn để về Sàigòn. Ông Châu im lặng nhét vào cái ba lô của tôi một bịch giấy khá nặng, đưa thêm cho tôi một gói khác đựng nhãn và mấy trái bưởi Năm roi. Ông nói với tôi:
- Thầy Hai, tôi nhờ thầy mang biếu ông Hai, ba của thầy năm ký gạo thơm. Còn nhãn và mấy trái bưởi này nhờ thầy làm đồ cúng bà Hai, mẹ của thầy hộ tôi, coi như món quà nho nhỏ trả ơn nghĩa của tôi đến bà.
Cá tính của tôi từ xưa rất ngại việc xách mang luộm thuộm khi đi xa, nhưng với lời lẽ của ông Châu đã làm tôi khó nghĩ. Nhìn gói quà ra vẻ ngần ngừ tí chút tôi nói với ông:
- Thay mặt bố mẹ tôi, xin cám ơn ông, nhưng tôi chỉ xin ông mỗi thứ tí chút mà thôi. Tình cảm của ông và tôi thì ông đã biết rồi, không phải là món quà nhiều hay ít, mà chúng ta thông hiểu nhau mới là điều quan trọng.
Ông Châu nằng nặc không chịu, cuối cùng tôi đành phải nhận tất cả. Khoác chiếc ba lô có thêm năm ký gạo, tay cầm bịch trái cây từ giã gia đình họ. Lúc đưa tôi lên xe lôi, ông Châu ôm lấy vai tôi, cảm động ông nói:
- Thầy đi mạnh giỏi, mong có dịp gặp lại được thầy nữa. Thầy cho tôi hỏi thăm ông Hai nhe.
Trước khi chiếc xe lôi lăn bánh, ông còn nói với theo:
- Tối hôm qua lúc chia tay anh Ba Mỹ cho biết sáng nay họ sẽ ra bến xe tiễn đưa thầy, tôi nghĩ họ đang ở đó chờ thầy đó.
Đúng như vậy khi vừa bước xuống khỏi chiếc xe lôi. Từ quán nước gần cổng bến xe, ông Ba Mỹ và mấy người khác chạy ra đón tôi. Mỗi người xách theo một bịch, nào rau cải, nào trái cây đủ loại. Nhìn họ tôi biết chẳng phải là cuộc đưa tiễn đơn giản, tay không, chắc chắn có những món quà luộm thuộm đồng quê, nặng tình thân thiết mà tôi khó chối từ được.
Vẫn những câu nói tình cảm, làm quà trả nghĩa bố mẹ tôi ngày xưa. Vẫn những lời thoái thác vô ích của tôi chỉ vì tôi không chối từ được tấm lòng chân chất quá thân tình của họ dành cho mình được. Cuối cùng những bó rau xanh tươi, những trái đu đủ, ổi xa lỵ , mít Trà nóc, bưởi Năm roi… vẫn còn thơm mùi ruộng vườn, mới hái được đựng gọn gàng vào hai cái sọt bằng tre đan. Hình như nhìn thấy ánh mắt ngại ngần của tôi với số lượng quá lớn của món quà, ông Ba Mỹ nói:
- Đằng nào tới Sàigòn thầy cũng phải thuê xe về nhà, nặng nhẹ gì đâu mà lo. Chút quà cho ông Hai vui mà thầy Hai.
Rồi cũng nhờ sự xếp đặt của họ với xe đò, hai sọt quà được xếp dưới chỗ ngồi của tôi, bên cạnh tài xế. Khi xe vào địa phận tỉnh Tiền Giang, gần đến ngã ba Trung Lương, tôi chợt muốn tạt vào thăm thành phố Mỹ Tho. Một thành phố nhỏ bé, dễ thương nằm bên giòng sông Tiền Giang. Tôi biết sơ sài về Mỹ Tho từ thời còn là học sinh trung học, nhưng từ khi xuống Cần Thơ làm việc rồi quen Vân. Chúng tôi thường tìm đến thành phố hiền hoà này rong chơi mỗi khi trên đường về Sàigòn.
Lúc xách ba lô xuống xe ở ngã ba Trung Lương, người lơ xe kéo từ dưới ghế ra hai cái sọt quà, để xuống mặt đường lộ cạnh bên chân tôi. Lúc đó tôi mới nhớ ra ngoài cái ba lô, tôi còn thêm món quà cồng kềnh mà tôi đã quên mất từ khi lên xe. Món quà này không dễ dàng cho tôi lang thang như mong muốn nữa.
Cùng xuống xe với tôi có khỏang bốn, năm người, trong đó có một bà già, có lẽ trên bảy mươi tuổi. Một bà già miền quê Nam bộ đúng nghĩa. Đầu đội chiếc khăn quàng ca rô mầu xanh lá mạ, miệng lép nhép nhai trầu, tay xách cái túi bằng cói lép xẹp. Bà già nhìn hai cái sọt quà, hướng về phía tôi nói bâng quơ:
- Chà, mấy trái xoài tượng ngon ghê, chú mua ở đâu dzậy?
Tôi thật thà trả lời:
- Người quen dưới Cần Thơ cho con, đó Dì.
Bà già nói tiếp:
- Đúng dzậy! Ở chợ đâu có dễ mua được thứ ngon và to như dzậy!
Nhìn vẻ chất phác, vui vẻ dễ bắt chuyện của bà già, tự nhiên tôi cảm mến. Hình ảnh những bà mẹ quê Nam Bộ mà tôi đã từng quen biết ngày xưa, trong những dịp về quê thăm viếng gia đình bạn bè vào dịp giỗ Tết… hiện ra trong trí nhớ với nhiều ấn tượng đẹp của tôi. Họ có thể là bà nội, bà ngoại, là mẹ, là cô, dì hay chị của bạn. Họ có một điểm chung là rất thân thiện, cởi mở, gặp họ là ăn uống no say không một tí ngăn cách.
Có lẽ vì sự cảm mến trong tiềm thức, tôi buột miệng nói với bà già:
- Dì muốn không, con biếu dì đó.
Bà già hơi chau mày, giương mắt nhìn tôi và có lẽ nghĩ tôi nói đùa, bình thản bà trả lời:
- Cám ơn chú Hai, chú dzỡn với tui hoài…
Nghiêm nghị tôi nói chắc:
- Con không dzỡn với dì đâu, nếu dì thích con cho hết đó!
Lúc này bà già không còn nghĩ mình nghe lầm nữa, nhưng trên khuôn mặt, ánh mắt của bà vẫn còn vẻ ngạc nhiên, không tin lời nói của tôi là thật. Đứng gần đó, một thiếu phụ cỡ tuổi trung niên, cùng xuống xe với tôi và bà già. Có lẽ chị ta đã theo dõi trọn vẹn cuộc đối thọại của chúng tôi. Chị ta nói xen vào:
- Chú ấy nói thật đó, Dì cứ nhận đi rồi chia cho chúng tôi mỗi người một chút không tốt sao?
Nghe vậy, bà già sung sướng ra mặt, bước đến cầm lấy hai sọt quà xoay qua, xoay lại nhìn rõ những vật phẩm trong sọt. Ngước cặp mắt lem nhem trong vui mừng bà ta nói với tôi vài lời cám ơn. Tiếp theo là một sự phân chia rất hoà thuận giữa bà lão và mấy người cùng chuyến xe. Vài người quay lại nói vài lời cám ơn tôi trước khi vội vàng bước lên chiếc xe đò nhỏ khác vừa táp vào đón họ. Tôi cũng không hiểu sao bà lão lại không lên xe theo những người kia. Hình như bà ta cố ý nán lại chờ đợi tôi hay muốn nói với tôi điều gì thì phải?! Nghĩ như vậy, tôi nhìn bà lão hỏi:
- Ủa, sao Dì không lên xe?
Bà lão, nhìn tôi rất thân thiện, trả lời tôi:
- Chú Hai đi đâu dzậy? Tôi về quận Chợ Gạo, cũng gần đây nếu chú Hai rảnh ghé tôi chơi.
- Cám ơn Dì, còn định tạt vào Mỹ Tho chút xíu rồi về lại Sàigòn.
Bà lão đưa mắt nhìn tôi, trong ánh mắt bà ta có vẻ suy tư, thoáng buồn buồn. Tôi định nói với bà ta vài câu từ giã, nhưng chưa kịp, bà ta đã nói với tôi:
- Chú giống thằng Sáu Út, con của tôi quá! nó chết đã hơn mười năm nay rồi. Tội nghiệp quá!
Nghe bà lão nói, tôi cũng hơi ngạc nhiên, buột miệng tôi hỏi:
- Chú Sáu Út sao mà chết vậy Dì?
- Nó chết vì tai nạn lao động, lúc mới hai mươi hai tuổi chưa có vợ con gì cả. Nếu còn sống chắc cỡ tuổi chú Hai.
Nghe bà lão xét đoán quá thấp tuổi tác của mình, tôi im lặng đưa mắt nhìn khuôn mặt già nua, thoáng gợn nỗi buồn của bà. Ngẫu nhiên nhìn vào chiếc giỏ cói của bà ta, một trái bưởi Năm roi, một chùm nhãn và mấy trái xoài tượng! Tôi buột miệng hỏi:
- Sao Dì chỉ lấy ít vậy?
- Không ít đâu chú Hai, tôi lấy dzậy là nhiều hơn mấy người khác rồi đó!
Tôi mỉm cười, chẳng hiểu bà lão nói để tôi vui hay đúng thật là bà ta đã được chia nhiều hơn so với người khác. Nhưng khi nhắc cái ba lô của mình lên, tôi chợt nhớ là trong đó còn năm ký gạo thơm! Chẳng có tí ngại ngần, tôi mở ra cầm gói gạo đưa tận tay bà lão:
- May quá, con còn sót lại năm ký gạo, biếu Dì luôn nè.
Bà lão đưa tay đẩy bịch gạo, nhất định không nhận vì tôi đã quá tốt, cho bà quá nhiều rồi. Sau mấy lần đẩy qua đẩy lại cùng với nhiệt lòng của tôi cuối cùng bà lão mới để cho tôi nhét bịch gạo vào cái giỏ của bà.
Tôi chợt nhìn thấy từ khoé mắt bà lão hai giòng lệ chảy xuống khuôn mặt sạm nắng, nhăn nheo với vài lọn tóc trắng loà xòa trên vàng trán thấp lè tè. Tôi chẳng hiểu vì sao bà lão khóc? Có thể vì cảm động với lòng tốt nhỏ bé của tôi, người mà bà chưa hề quen biết. Hay bà khóc vì qua hình bóng tôi bà đã trở về với hình ảnh đứa con trai út bất hạnh của bà ngày xưa? Bà lão đưa bàn tay vuốt nhẹ khuôn mặt tôi, ánh mắt mơ hồ, buồn bã bà ta nói rất nhỏ:
- Tội nghiệp thằng Sáu Út của tôi quá, nó là đứa con có nghĩa với tôi lắm chú Hai.
Ngẩn ngơ nghe bà lão nói, tôi nghĩ rằng dù là thằng Hai, thằng Ba, con Năm, con Bảy… Bất cứ một đứa con nào chết đi với bà ta, cũng như với bất cứ bà mẹ, ông cha nào trên thế gian này đều là đứa con tuyệt vời, đáng thương và tiếc rẻ. Chủ quan hay khách quan? Sai lầm hay chính xác? Chẳng còn là điều quan trọng mà cái đáng ghi nhận, đáng tôn thờ đó là lòng mẹ thương con mà ai ai cũng có! Tôi ôm lấy đôi vai bà lão, muốn gửi đến bà sự cảm thông, an ủi của tôi vì nỗi đau buồn mất mát của bà.
Tôi chợt nhớ đến hai sọt quà của những người nhân viên cũ đã nhờ tôi mang biếu bố mẹ tôi tôi vừa qua đã không còn nữa. Đã được tôi phân phát cho những người không quen biết, trong đó có bà lão dễ mến này. Trong lòng tôi thoáng gợn một chút áy náy vì tôi đã không làm theo lời dặn của họ. Tôi biết chắc chắn họ đã phải lựa chọn cái tốt nhất, ngon nhất trong khu vườn, thửa ruộng của gia đình họ để tặng tôi. Nhưng tôi hy vọng họ dễ dàng hiểu rõ con người tôi. Tôi đã lớn lên, đi làm việc ở miền Nam, đã bao nhiêu lần ân hưởng những tấm lòng chân thật, không tính toán của người dân miền Nam. Ít hay nhiều tôi cũng đã bị ảnh hưởng cái tính phóng khoáng, chân chất của người miền Nam mà họ là tiêu biểu. Vậy có gì lạ đâu khi tôi nhận quà của họ, nhưng gặp người khác thân tình tôi lại đem cho. Ông Châu, ông Sáu, ông Mỹ, chị Điệp và tất cả hay hiểu và cảm thông cho tôi.
Tôi lại nhớ đến bố mẹ tôi, chắc chắn qua hàng chục năm nuôi dưỡng, giáo dục tôi . Bố mẹ tôi đã quá hiểu rõ về thằng con tính tình ngỗ nghịch, cứng đầu, khó dạy nhưng cũng là đứa con có tí chút thiện tâm. Cái thiện tâm đó đã được di truyền từ chính bố mẹ tôi mang đến. Với suy nghĩ như vậy tôi chắc chắn bố mẹ tôi chẳng có gì để tiếc rẻ món quà nhỏ nhặt của mình đã được tôi cho tặng một người khác. Một bà lão đã nhìn qua tôi mà chảy nước mắt khi nhớ đến thằng con trai bất hạnh của bà đã mất vào lúc còn non trẻ.
Lại một lần nữa tôi đưa mắt nhìn bà lão, vẫn những nếp nhăn nheo của da mặt, vẫn màu sắc sạm nắng gió mưa, vẫn những lọn tóc trắng lòa xòa trên khuôn mặt… Tất cả là biều tượng của sự già nua, cực nhọc in hằn trên cuộc đời bà lão. Trong lòng tôi tự nhiên hiện lên một ước mơ rất đẹp để cho thế hệ sau này sinh ra, lớn lên nơi đây không phải ra đi rồi lại tìm về để sống với những hoài niệm trong đời mình như tôi./.
Lưu An
(Suisse, August, 2007)