User Rating: 1 / 5

Star ActiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

.

Lời Mở Đầu

Nói tới nhà đại thi hào Nguyễn Du (1765-1820), người ta nghĩ ngay đến Truyện Kiều, và nghĩ đến Truyện Kiều, chúng ta liên tưởng đến nội dung câu chuyện với nhân vật chính là một người đàn bà.

Ngoài Truyện Kiều, Nguyễn Du còn để lại một số tác phẩm khác như Thơ Quốc Âm, Chiêu hồn thập loại chúng sinh, Văn tế sống hai cô gái Trường Lưu, Thơ thác lời trai phường nón trả lời Nguyễn Huy Quýnh. Và thơ chữ Hán gồm Thanh Hiên thi tập, Nam Trung tạp ngâm và Bắc Hành tạp lục.

Trong thơ chữ Hán Nguyễn Du, tác giả có viết nhiều bài nói về nhân vật nữ. Những người nữ được nhắc đến là những người sinh sống đồng thời với Nguyễn Du mà ông tình cờ gặp gỡ, hay những người tác giả quen biết lúc còn trẻ, hoặc những người đàn bà nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc.

Bài viết này bàn về những khuôn mặt đàn bà trong thơ Hán Nguyễn Du và tâm tình của tác giả đối với họ.

Bài viết chỉ là một ý kiến cá nhân, viết tìm hiểu không đặt cơ sở trên phương cách khoa học, mà mục đích duy nhất chỉ là để bày tỏ lòng quý mến thơ Hán Nguyễn Du, và nhà thơ Nguyễn Du đối với phái nữ nói chung, nhân dịp kỷ niệm 240 năm sinh nhật Nguyễn Du (Ất Dậu 1765-2005). Tất cả những câu thơ diễn dịch, phỏng dịch trong bài do chính tác giả bài viết diễn đạt.

Thơ Hán Nguyễn Du và những khuôn mặt nữ giới

Trong tập Thơ Chữ Hán Nguyễn Du, với 249 bài thơ, có hơn 25 bài đề cập đến khuôn mặt người nữ. Những bài thơ liệt kê và con số trong ngoặc đơn để giúp độc giả dễ tìm đọc lại trong sách thơ Hán. Cách sắp xếp thứ tự bài thơ trong bài viết này căn cứ trên cách sắp xếp của Thơ Hán Nguyễn Du của Lê Thước và Trương Chính, do nhà xuất bản Văn Học Hà Nội phát hành năm 1978. Cuốn này gồm 249 bài thơ chia theo tên của từng tập thơ.

Nhiều tác giả biên soạn đã nêu lên sự có cảm tình đặc biệt của Nguyễn Du với phụ nữ. Ông viết về họ với những nhận xét riêng, ý ẩn trong từng nét chữ, từng câu thơ. Những người đàn bà này không hiện diện quá rõ ràng trong thơ ông nhưng đọc thơ ông, chúng ta có thể hình dung được nhân vật đó.

Trước hết, xin bàn về hình ảnh người vợ đầu của ông trong bài thơ Ký mộng và sau đó là những người mà Nguyễn Du gặp gỡ tại một thời điểm nào đó như cô gái hái sen ở Hồ Tây, cô Cầm: người đàn bà gảy đàn ở Long Thành, người đẹp cách tường cao, cô gái kéo nước giếng, người đàn bà giận chồng, cô gái cài hoa vàng, và người đẹp ở đất Thăng Long.

Sau đó xin liệt kê qua tập thơ Hán những người đàn bà danh tiếng trong điển tích được Nguyễn Du nhắc đến như Tiểu Thanh, hai bà Phi Nga Hoàng và Nữ Anh vợ Vua Ngu Thuấn, chị em Tiểu Kiều, Đại Kiều thời Tam quốc, ba người phụ nữ trung trinh tiết liệt trong Tam Liệt Miếu, Dương Quí Phi, Ngu Cơ, Chiêu Quân. Với những người đàn bà này, Nguyễn Du không tiếc lời khen ngợi và tỏ lòng quý mến. Nhưng với người đàn bà lòng dạ ác độc thâm hiểm như vợ Tần Cối thì Nguyễn Du cũng không tiếc lời mỉa mai, châm biếm hết sức nặng nề.

A - Những khuôn mặt phái nữ đương thời với Nguyễn Du

Một số bài thơ Hán của Nguyễn Du có bóng dáng của thân nhân, nhưng bài Ký Mộng là bài duy nhất ông viết về người vợ đầu tiên vắn số, với tình cảm chứa chan, tràn đầy thương nhớ.

Trong bài thơ này, chúng ta hãy nghe nhà thơ kể lại câu chuyện một người đàn bà lặn lội từ quê hương đi tìm chồng bên bờ sông. Dung nhan nàng không mấy thay đổi, nhưng quần áo xốc xếch, nàng mệt mỏi, trông bệnh hoạn có lẽ do thương nhớ. Thêm vào đó đường đi qua núi Tam Điệp hiểm trở, muông thú rình rập, sông Lam thì nguy hiểm có thuồng luồng. Vậy mà nàng chẳng quản ngại gian nan vất vả, một thân lặn lội thăm chồng.
 
1 - Ký Mộng (30/249)

Ký Mộng (30/249)

Thệ thủy nhật dạ lưu
Du tử hành vị quy
Kinh niên bất tương kiến
Hà dĩ úy tương ti (tư)
Mộng trung phân minh kiến
Tầm ngã giang chi mi
Nhan sắc thị trù tích
Ý sức đa sâm si
Thỉ ngôn khổ bệnh hoạn
Kế ngôn cửu biệt ly
Đái khấp bất chung ngữ
Phảng phất như cách duy (2)
Bình sinh bất thức lộ
Mộng hồn hoàn thị phi?
Điệp sơn đa hổ trĩ
Lam thủy đa giao ly
Đạo lộ hiểm thả ác
Nhược chất tương hà y (3)
Mộng lai cô đãng thanh
Mộng khứ hàn phong xuy
Mỹ nhân bất tương kiến
Nhu tình loạn như ti (4)
Không ốc lậu tà nguyệt
Chiếu ngã đan thường y

Ghi Lại Giấc Mộng

Ngày đêm nước chảy rề rề
Người đi xa mãi ngày về biết đâu
Bao năm chưa gặp lại nhau
Lấy gì an ủi nỗi sầu nhớ thương
Mộng nay thấy được người mong
Gặp ta ngay ở ven sông bến bờ
Mặt trông vẫn vẻ như xưa
Nhưng xiêm luộm thuộm bao giờ thấy đâu
Trước thì kể chuyện ốm đau
Sau thì than thở nỗi sầu cách xa
Nghẹn ngào lời nói chẳng ra
Tuồng như màn trướng chia lìa hai phương
Bình thường ta chẳng rành đường
Trong cơn mộng mị không lường thực hư
Núi Tam Điệp hổ báo dư
Nước sông Lam có kình ngư vẫy vùng
Đường đi hiểm trở vô cùng
Một thân yếu đuối biết nương nơi nào?
Mộng đến bên ngọn đèn hao
Mộng đi gió lạnh lao xao thổi cùng
Giai nhân chẳng được tương phùng
Tấm lòng rối loạn lùng bùng ngẩn ngơ
Ánh trăng nhà trống thẩn thơ
Chiếu trên manh áo đơn sơ thân buồn.

Chú thích:

Bài thơ này, Nguyễn Du nói về người vợ đã mất, em gái của Đoàn Nguyễn Tuấn. Nay nhà thơ về quê nhà ở Hà Tĩnh, nằm mộng thấy vợ vào tìm mình ở Lâm giang.

(1) Cách duy: cách bức màn. Vợ Hán Đế Vũ là Lý phu nhân, có sắc đẹp và múa giỏi, nhưng chết sớm. Vũ Đế rất thương tiếc. Có người phương sĩ nói có thể chiêu hồn Lý phu nhân về. Vua bằng lòng. Ban đêm, người ấy bèn giương màn, đốt nến, để vua ngồi trong màn, nhìn sang một bức màn khác, thấy bóng một người đàn bà giống Lý phu nhân.

(2) Nhược chất: tư chất yếu đuối, chỉ phụ nữ.

(3) Nhu tình: mối tình vấn vương.

2 - Điếu La Thành Ca Giả (48/249)

Điếu La Thành Ca Giả (48/249)

Một người ca nữ đất La thành chết trẻ đã gợi hứng cho Nguyễn Du làm bài thơ Điếu La Thành Ca Giả, và liên tưởng đến chuyện cũ với điển tích Liễu Kỳ Thanh.

Điếu La Thành Ca Giả

Nhất chi nùng diễm há bồng doanh
Xuân sắc yên nhiên động lục thành
Thiên hạ hà nhân liên bạc mệnh
Trủng trung ưng tự hối phù sinh
Yên chi bất tẩy sinh tiền chướng
Phong nguyệt không lưu tử hậu danh
Tưởng thị nhân gian vô thức thú
Cửu tuyền khứ bạn Liễu Kỳ Khanh

Viếng Ca Nữ Đất La Thành

Một cành hoa đẹp rời cõi tiên
Dung nhan diễm lệ sáu thành nghiêng
Đời ai thương cho kẻ bạc mệnh
Hối kiếp phù sinh dưới mồ riêng
Lúc sống nghiệp phấn không rửa hết
Chết đi còn lại tiếng phong lưu
Nghĩ rằng thế gian chẳng ai biết
Suối vàng làm bạn cùng Liễu Khanh

Chú thích:

(1) La Thành: chỉ thành Nghệ An. Thành này có nhiều tên như Lam Thành, Tiểu Khẩu Thành, Nghệ An Thành, Nghĩa Liệt Thành, tục truyền trương Phụ đắp ở chốn bến Phù Thạch nơi La Giang và Lam Giang gặp nhau. Đời Lê, đã rời bỏ Phù Thạch mà lập ở xã Yên Trường, tức là Vinh ngày nay.

(2) Liễu Kỳ Khanh (987-1053): tức Liễu Vĩnh, một nhà làm từ nổi tiếng đời Tống. Ông về già mới đỗ Tiến sĩ và giữ những chức quan nhỏ. Thuở thiếu thời thường lui tới các xóm chị em. Trên quan điểm của một nhà văn bất đắc chí, ông làm nhiều bài từ tả cuộc sống của kỹ nữ bị áp bức trong xã hội phong kiến và tỏ mối đồng tình với họ. Tương truyền Liễu Vĩnh chết, kỹ nữ góp tiền chôn cất, tổ chức "Ngày bảy viếng Liễu Vĩnh", "hội viếng Liễu". 

3 - Mộng Đắc Thái Liên (80-84/249)

Mộng Đắc Thái Liên (80-84/249)

Bài Mộng Đắc Thái Liên gồm có năm đoạn. Khúc III nói đến một cô gái trẻ hàng xóm đi hái sen cùng tác giả. Tác giả còn đang phân vân không biết cô ta có đến không thì đã chợt nghe tiếng cười nói của cô ấy. Hẳn là buổi hái sen và người con gái đã là một vấn vương thích thú cho Nguyễn Du để ông có hứng ghi lại qua bài thơ.

I

Khẩn thúc giáp điệp quần (1)
Thái liên trạo tiểu đĩnh
Hồ thủy hà xung dung
Thủy chung hữu nhân ảnh

II

Thái, thái Tây hồ liên
Hoa, thực câu thướng thuyền
Hoa dĩ tặng sở úy
Thực dĩ tặng sở liên

III

Kim thần khứ thái liên
Nải ước đông lân nữ (2)
Bất tri lai bất lai
Cách hoa vãn tiếu ngữ

IV

Công tri liên liên hoa
Thủy gia liên liên cán?
Kỳ trung hữu chân ty
Khiên liên bất khả đoạn

V

Liên diệp hà thanh thanh
Liên hoa kiều doanh doanh
Thái chi vật thương ngẫu
Minh niên bất phục sinh


Chiêm Bao Thấy Hái Sen

I

Xắn quần cánh bướm cho gọn gàng
Chèo chiếc thuyền xinh để hái sen
Mặt hồ sóng nước tràn lai láng
Dưới nước ẩn in bóng người mang

II

Hái, hái hoa Sen tại hồ Tây
Hoa, gương đều hái bỏ lên thuyền
Hoa này tặng kẻ mình kính phục
Còn gương mang tặng kẻ thân tình

III

Sáng nay đi hái đóa hoa sen
Hẹn cô hàng xóm cùng đi với
Chưa biết có đến hay không đây?
Chợt vọng qua hoa tiếng nói cười

IV

Hoa sen thì ai cũng thích
Còn cuống có mấy ai ưa?
Trong cuống ẩn những sợi tơ
Bền dai không hề đứt đoạn

V

Lá cây sen thì xanh xanh
Bông hoa sen thì mơn mởn
Hái sen nhớ nương nhẹ ngó
Kẻo năm sau hoa không mọc

Chú thích:

Bài này sáng tác thời làm quan với nhà Nguyễn, năm mơ thấy hái sen ở Hồ Tây hồi còn trẻ sống ở Thăng Long.

(1) Giáp điệp quần: quần bay phấp phới như cánh bướm.

(2) Có sách nói rằng "cô hàng xóm" trong bài thơ này là Hồ Xuân Hương, dựa theo một bài thơ coi như lưu bút của Hồ Xuân Hương, đó là bài thơ nôm gửi "Cần Chánh Điện Học Sĩ Nguyễn Hầu".

4 - Long Thành Cầm Giả Ca (119/249)

Bài Long Thành Cầm Giả Ca viết về cô Cầm, một cô gái một thời nổi danh vào bậc nhất chốn Thăng Long, nhưng khi tác giả gặp lại thì cô Cầm dung nhan tàn tạ, gầy còm, ngồi nép bên góc chiếu, trông thật đáng thương. Hình ảnh tương phản của một cô Cầm ngày xưa xinh đẹp tài cao, và một người đàn bà tiều tụy khi gặp lại đã làm Nguyễn Du không khỏi bùi ngùi thương xót và tạo nên bài thơ Long Thành Cầm Giả Ca.

Long Thành Cầm Giả Ca là bài thơ đầu tiên trong tập Bắc Hành Tạp Lục, phần tiểu dẫn xin chép lại ở đây.

Bài ca Người gảy đàn đất Long-Thành (Làm trong khi đi sứ).

Người gảy đàn đất Long-Thành  không rõ họ tên là gì. Nghe nói thuở nhỏ, nàng học đàn "Nguyễn" (đàn nguyệt ca do Nguyễn Hàm, người đời Tấn ở Trung Quốc chế ra) trong đội nữ nhạc ở cung Vua Lê. Quân Tây Sơn kéo ra, các đội nhạc cũ người chết, kẻ bỏ đi. Nàng lưu lạc ở các chợ ôm đàn hát rong. Những bài nàng gảy đều là những khúc cung phụng gảy cho Vua nghe, người ngoài không hề được biết, cho nên tài nghệ của nàng nổi tiếng hay nhất một thời.

Hồi còn trẻ (1792-1793?), tôi đến kinh đô thăm anh tôi (Nguyễn Nễ), ở trọ gần Giám hồ (hồ Gương). Cạnh đó các quan Tây Sơn mở cuộc hát lớn, con hát đẹp có đến vài chục người. Nàng nổi tiếng nhờ ngón đàn Nguyễn. Nàng hát cũng hay và khéo nói khôi hài, mọi người say mê, đua nhau ban thưởng từng chén rượu lớn, nàng uống hết ngay, tiền thưởng nhiều vô kể, tiền và lụa chồng đầy mặt đất. Lúc ấy tôi nấp trong bóng tối, không thấy rõ lắm. Sau được gặp ở nhà anh tôi. Nàng người thấp, má bầu, trán giô, mặt gẫy, không đẹp lắm, nhưng nước da trắng trẻo, thân hình đẫy đà, khéo trang điểm, lông mày thanh, má đánh phấn, áo màu hồng, quần lụa cánh chả, có vẻ phong nhã. Nàng hay uống rượu, hay nói pha trò, con mắt long lanh, không coi ai ra gì. Khi ở nhà anh tôi mỗi lần uống rượu thì nàng uống say đến nỗi nôn bừa bãi, nằm lăn ra đất, các bạn có chê trách cũng không lấy làm điều.

Sau đó vài năm, tôi rời nhà về Nam (Thái Bình), mấy năm liền không trở lại Long-Thành. Mùa Xuân năm nay (1813) tôi lại phụng mệnh sang sứ Trung Quốc, đi qua Long-Thành. Các bạn mở tiệc tiễn tôi ở dinh Tuyên phủ, có gọi tất cả vài chục nữ nhạc, tôi đều không biết mặt biết tên. Chị em thay nhau múa hát. Rồi nghe một khúc đàn Nguyễn trong trẻo nổi lên, khác hẳn những khúc thường nghe, tôi lấy làm lạ, nhìn người gảy đàn thì thấy, một chị gầy gò, vẻ tiều tụy, sắc mặt đen sạm, xấu như quỷ, áo quần mặc toàn vải thô bạc thếch, vá nhiều mảnh trắng, ngồi im lặng ở cuối chiếu, chẳng hề nói cười, hình dáng thật khó coi. Tôi không biết nàng là ai, nhưng nghe tiếng đàn thì dường như đã quen biết, nên động lòng thương. Tiệc xong, hỏi thì chính là người trước kia đã gặp.

Than ôi! Người ấy sao đến nỗi thế! Tôi bồi hồi, không yên, ngửng lên cúi xuống, ngậm ngùi cho cảnh xưa và nay. Người ta trong cõi trăm nãm, những sự vinh nhục buồn vui thật không lường được. Sau khi từ biệt trên đường đi, cảm thương vô hạn nên làm bài ca sau, để ghi lại mối cảm hứng.

Long Thành Cầm Giả Ca (119/249)

Long thành giai nhân,
Tính thị bất ký thanh.
Độc thiện Nguyễn cầm,
Cử thành chi nhân dĩ cầm danh.
Học đắc tiên triều cung trung cung phụng khúc,
Tự thị thiên thượng nhân gian đệ nhất thanh.
Dư ức thiếu thời tằng nhất kiến,
Giám hồ hồ biên dạ khai yến.
Kỳ thời tam thất chính phương niên,
Hồng trang yểm ái đào hoa diện.
Đà nhan hám thái tối nghi nhân;
Lịch loạn ngũ thanh tùy thủ biến.
Hoãn như sơ phong độ tùng lâm,
Thanh như song hạc minh tại âm.
Liệt như Tiến phúc bi đầu toái tích lịch (1)
Ai như Trang tích bệnh trung vi Việt ngâm (2).
Thính giả mĩ mĩ bất tri quyện,
Tiện thi Trung-hòa đại nội âm (3).
Tây sơn chư thần mãn toa tận khuynh đảo,
Triết da truy hoan bất tri bão.
Tả phao hữu trịch tranh triền đầu (4),
Nê thổ kim tiền thù thảo thảo.
Hào hoa ý khí lăng vương hầu,
Ngũ-lãng thiếu niên bất túc đạo (5).
Tính tương tam thập lục cung xuân,
Hoạt tố Trường-an vô giá bảo (6).
Thủ tịch hồi dầu nhị thập niên,
Tây sơn bại hậu dư tam thiên (7)
Chỉ xích Long-thành bất phục kiến,
Hà luống thành trung ca vũ diên.
Tuyên phủ sứ quân vị dư trụng mãi tiếu (8).
Tịch trung ca kỹ giai niên thiếu.
Tịch mạt nhất nhân phát bán hoa.
Nhan sấu thần khô hình lược tiểu.
Lang tạ tàn mi bất sức trang.
Thùy tri tựu thị đương
thời thành trung đệ nhất diệu.
Cựu khúc thanh thanh ám lệ thùy.
Nhĩ trung tĩnh thính tâm trung bi,
Mãnh nhiên ức khởi nhị thập niên tiền sự.
Giám hồ tịch trung tằng kiến chi.
Thành quách suy di nhân sự cải,
Kỷ xứ tang điền biến thương hải.
Tây sơ cơ nghiệp tận tiêu vong.
Ca vũ không di nhất nhân tại.
Thuần tức bách niên năng kỷ thi,
Thương tâm vãng sự lệ triêm y.
Nam hà qui lai đầu tận bạch (9)
Quái đề giai nhân nhan sắc suy.
Song nhãn trừng trừng không tưởng tượng.
Khả liên đối diện bất tương tri.

Chú thích:

1-Tiến Phúc bi: bia chùa Tiến Phúc ở Nhiêu Châu, tỉnh Giang-tây. Tương truyền ông Phạm trọng Yên đời Tống, lúc làm quan ở Bá Dương, có người học trò nghèo dâng bài thơ hay, ông muốn giúp đỡ, cho rập một nghìn bản để bán lấy tiền. Chưa rập xong thì một đêm, bản in bị sét đánh vỡ tan.

2. Câu chuyện Trang Tích. Trang Tích là người nước Việt, làm quan nước Sở. Khi ông ốm, Sở vương hỏi mọi người: "Tích là kẻ tầm thường ở đất Việt, nay làm quan nước Sở, được phú quý rồi, thì còn nhớ nước Việt nữa không?". Viên thị ngự đáp: "Phàm người ta có nhớ nước cũ hay không, thường tỏ ra trong lúc đau ốm. Nếu lúc này ông ta nói tiếng Việt tức là nhớ nước Việt, bằng không thì nói tiếng nước Sở". Sở vương sai người lén nghe thì thấy Trang Tích nói tiếng Việt.

3. Trung Hòa: tên một điện của triều Lê ở Thang-Long.

4. Triền đầu: lấy khăn quấn đầu làm vật tặng thưởng. Đời Đường trong yến tiệc vua đãi, ai đứng dậy múa được ban gấm để quấn đầu như vật tặng thưởng. Về sau các món tiền thưởng cho người ca múa được gọi là triền đầu.

5- Ngũ Lãng: nơi có năm lăng tẩm của đế vương đời Hán, nơi này dân hào hoa phú quý thường ở. Bài Tì Bà Hành của Bạch Cư Dị có câu: Ngũ Lãng niên thiếu tranh triền đầu.

6. Trường An: chỉ Thăng Long.

7. Sau khi Tây Sơn bại, tôi vào Nam, ý muốn nói sau năm 1802 nhà thơ vào Phú Xuân làm quan.

8. Tuyên Phủ chỉ quan trấn thủ Bắc Thành, vào lúc Nguyễn Du đi sứ Trung Quốc mùa xuân 1813.

9. Nam Hà: chỉ phía Nam sông Gianh.

Người Gảy Đàn Ở Long Thành

Người Gảy Đàn Ở Long Thành

(Sóng Việt Đàm Giang dịch xuôi nghĩa)

Người đẹp Long Thành
Tên họ chẳng ai hay
Đàn Nguyễn rất thành thạo
Dân thành thường gọi là nàng Cầm
Nàng gảy khúc "Cung phụng" triều vua xưa
Một khúc đàn hay tuyệt do trời ban trần thế

Nhớ hồi trẻ tôi đã gặp nàng một lần
Bên hồ Giám trong một đêm yến ẩm
Tuổi nàng cỡ độ hai mươi mốt
Áo hồng ánh lên khuôn mặt đẹp như hoa
Rượu đậm thêm nét mặt ngây thơ khả ái
Ngón tay lướt năm cung réo rắt
Tiếng khoan như gió thổi qua rừng thông
Thanh trong như đôi hạc kêu nơi xa vắng
Mạnh như sét đánh tan bia Tiến phúc
Sầu bi như Trang Tích lúc đau ốm ngâm rên tiếng Việt
Người nghe nàng say sưa không biết mệt
Trong khúc nhạc thành đại nội Trung Hoà.

Quan tướng nhà Tây say rượu nghiêng ngả
Lo vui chơi suốt đêm không nghỉ
Bên phải bên trái tranh nhau cho thưởng
Tiền bạc coi thường có nghĩa chi.

Vẻ hào hoa hơn bậc vương hầu
Giới trẻ nơi Ngũ Lăng không đáng kể
Dường như ba mươi sáu cung xuân
Nay Tràng An đã hun đúc được một báu vật vô giá.

Trong đầu nhớ lại đã hai mươi năm
Tây sơn thua bại, tôi vào Nam
Long Thành gần mà cũng chẳng được thấy
Còn nói chi đến chuyện múa hát trong thành.

Nay Tuyên phủ sứ bày cuộc chơi vui đãi
Ca kỹ trẻ xinh đẹp cả một đám
Chỉ có một kẻ tóc hoa râm ngồi cuối góc
Mặt xấu, sắc khô, người hơi nhỏ
Mày phờ phạc không điểm phấn tô son
Sao mà đoán được là một đệ nhất danh ca thời xưa được.

Điệu nhạc xưa làm ta thầm nhỏ lệ
Lắng tai nghe lòng càng đau xót thêm
Tự nhiên nhớ lại hai mươi năm trước
Bên hồ Giám trong dạ tiệc nàng đó ta đã thấy
Thành quách đã chuyển, người cũng thay đổi
Nương dâu nay biến thành biển cả
Cơ nghiệp Tây sơn cũng đà tiêu tán
Còn sót lại đây một người múa ca.

Thấm thoắt trăm năm có là bao
Cảm thương chuyện cũ dùng áo thấm nước mắt
Ta từ Nam trở lại, đầu bạc trắng
Trách làm sao được sắc đẹp cũng suy tàn.

Trừng hai mắt nhớ lại chuyện cũ
Thương cho đối mặt mà chẳng nhận ra nhau.

Nàng Cầm đất Thăng Long

(Sóng Việt phỏng dịch theo thể song thất lục bát)

Người đẹp Long Thành xưa một độ
Nàng ra sao tên họ ai hay
Nguyễn đàn điêu luyện cung dây
Dân thành thường gọi khéo tay nàng Cầm

"Cung phụng" triều xưa Cầm gảy tiếng
Một khúc đàn hay miếng trời ban
Nhớ hồi còn trẻ một lần
Gặp bên hồ Giám phục thầm tài danh

Hăm mốt xuân tuổi xanh đang độ
Áo xiêm hồng sắc lộ như hoa
Rượu tô diện mặt như thoa
Ngón tay réo rắt ngọc ngà năm cung

Tiếng khoan như rừng thông vuốt nhạc
Thanh như âm đôi hạc vọng xa
Mạnh như sét đánh tan bia
Sầu như Trang Tích rên ca Việt mình

Người nghe nàng hữu tình mê muội
Khúc nhạc thành đại nội triều xưa
Tây sơn quan tướng đều ưa
Ngả nghiêng chơi suốt đêm chưa thỏa lòng

Cùng tranh nhau tây đông ban thưởng
Tiền bạc như không tưởng nghĩa chi.
Vương hầu hào khí mấy thì
Ngũ Lăng giới trẻ đáng gì kể đâu

Lả lướt đàn cung thâu băm sáu
Trầm bổng cao đâm thấu tiếng vang
Trải qua dâu biển tan hoang
Đất Tràng nay có báu vàng trần gian

Nhớ thuở hai mươi năm về trước
Tây sơn thua, tôi bước vào Nam
Long Thành chẳng được thấy gần
Nói chi đến chuyện nhạc đàn vui chơi

Nay phủ gia vui mời yến tiệc
Ca kỹ xinh trẻ đẹp đầy bàn
Góc kia ngồi kẻ điêu tàn
Dung nhan tiều tụy, chẳng màng điểm trang

Đoán làm sao được nàng thời trẻ
Nhất danh cầm lắm kẻ chuộng ưa
Lệ trào qua khúc nhạc xưa
Lắng nghe lòng dạ xót thương ngậm ngùi

Nhớ bồi hồi hai mươi năm trước
Vui cùng nàng bên nước hồ đây
Quách thành chuyển, lắm đổi thay
Nương dâu biển cả xưa nay tuần hoàn

Giang sơn Tây  nay đà tiêu tán
Còn sót  đây kẻ bán nhạc rao
Trăm năm thấm thoắt là bao
Cảm thương chuyện cũ thấm bào lệ sâu

Ta từ Nam về đầu cũng bạc
Trách làm chi một sắc vơi tàn
Trừng hai mắt nhớ lan man
Thương cho đối mặt chẳng màng nhận nhau.

Sóng Việt- Đàm Giang

5 - Thăng Long I (1) (120/249)

Trong lần thãm viếng Thăng Long trước khi đi sứ Trung Quốc, ngoài cô Cầm, Nguyễn Du có dịp gặp lại vài người quen biết lúc trước. Ông cho những nhận xét về họ với tất cả chân tình. Những cô gái xinh đẹp quen biết lúc trước nay đều đã đèo bồng con trẻ, những người bạn thân thiết lúc trước nay đều đã làm ông, làm bố.

Thăng Long I (1) (120/249)

Tản Lĩnh Lô Giang tuế tuế đồng.
Bạch đầu do đắc kiến Thăng Long (2)
Thiên niên cự thất thành quan đạo,
Nhất phiến tân thành một cố cung.
Tương thức mỹ nhân khan bão tử,
Đồng du hiệp thiếu tẫn thành ông.
Quan tâm nhất dạ khổ vô thụy,
Đoản địch thanh thanh minh nguyệt trung.

Thăng Long I

Núi Tản sông Lô qua bao nãm trời đều vẫn vậy.
Bạc đầu nay lại thấy được Thăng Long.
Những tòa nhà cũ nghìn xưa, nay đã trở thành đường đi,
Một dải thành mới thay dấu cung điện cũ.
Những người đẹp biết ngày xưa nay đều đèo bồng con trẻ,
Bạn hào hiệp lúc trẻû cũng đều già cả.
Suốt đêm khổ tâm nghĩ ngợi không ngủ được,
Tiếng sáo nghe văng vẳng trong ánh trăng.

Chú thích

(1) Thăng Long: Từ đời Lý, kinh đô Việt Nam đóng tại Thăng Long. Thăng Long nghĩa đen là rồng hiện lên. Đến đời Nguyễn, Gia Long đóng đô tại Huế, và đổi chữ Thăng Long là rồng hiện thành chữ Thăng Long là thịnh vượng. Nhưng trong văn thơ, cổ nhân vẫn viết chữ theo tên cũ Thăng Long là rồng hiện.

(2) Bạch đầu: Nguyễn Du mới ba mươi tuổi đã bạc đầu và dùng chữ này để nói về mình trong rất nhiều bài thơ trong Thanh Hiên Thi tập và Nam Trung tạp ngâm. Nhưng chữ bạch đầu trong bài này nói về tuổi già. Bởi Nguyễn Du rời Thăng Long lúc nhà Lê mạt (1789), vua Lê chạy sang Trung Quốc, lúc ấy Nguyễn Du mới 25 tuổi. Đến khi Gia Long lên ngôi (1802) Nguyễn Du từ Hà Tĩnh ra Thăng Long làm quan. Lúc ấy Nguyễn Du 37 tuổi. Đến khi vâng mệnh đi sứ Trung Hoa (1813), Nguyễn Du đến Thăng Long một lần nữa. Bài thơ này làm lúc ra Thăng Long để sang Trung Quốc. Lúc đó Nguyễn Du đã gần năm mươi tuổi. Cho lên mới nói Bạch đầu do đắc kiến Thăng Long.

6 - Ngộ Gia Đệ Cựu Ca Cơ (122/249)

Một người hầu cũ của em ông ngày xưa xinh đẹp, giọng ca hay, nay đã có chồng ba con và đáng thương thay nàng vẫn còn mặc chiếc áo cũ ngày xưa.

Ngộ Gia Đệ Cựu Ca Cơ (122/249)

Phồn hoa nhân vật loạn lai phi,
Huyền hạc qui lai kỷ cá tri (1).
Hồng tụ tằng vãn ca uyển chuyển (2),
Bạch đầu tương kiến khốc lưu ly,
Phúc bồn dĩ hĩ nan thu thủy,
Đoạn ngẫu thương tai vị tuyệt ti!
Kiến thuyết giá nhân dĩ tam tử
Khả liên do trước khứ thời y.

Gặp Người Hát Cũ Của Em Tôi

Nơi chốn thị thành gặp lại người sau thời loạn,
Hạc đen ta nay trở về có ai hay đâu.
Áo hồng đào hát giọng ca hay ngày trước,
Đầu bạc nay gặp lại than khóc nỗi chia lìa
Chẳng thể vớt lại chậu nước đã đổ,
Ngó sen tuy đứt, mà tơ vẫn còn vương.
Nói chuyện biết lấy chồng khác có ba con,
Thấy ái ngại thương cho chiếc áo ngày xưa

Ghi chú:

Người em ở đây có lẽ Nguyễn Du muốn nói về người em trai tên là Nguyễn Ức. Nguyễn Ức lúc bấy giờ đang làm thiềm sự bộ Công, tước hầu. Khi ghé Thăng Long trên đường đi sứ, Nguyễn Du gặp lại người bạn ca hát của người em.

(1) Chim hạc đen: Ý nói Nguyễn Du xa Thăng Long lâu ngày nay mới trở lại.

(2) Hồng tụ: ống tay áo mầu hồng, chỉ áo đào hát. 

7 - Sơn Thôn

Cô gái kéo nước giếng: có lúc dù chỉ nhìn thoáng qua một người con gái cũng đủ để Nguyễn Du có hứng viết về họ như cô gái thôn dã ngày xuân ra giếng kéo nước.

Sơn Thôn

Vạn sơn thâm xứ tuyệt phong trần
Thác lạc sài môn bế mộ vân
Trưởng giả y quan do thị Hán (1)
Sơn trung giáp tý quýnh phi Tần (2)
Mục nhi giác chủy hoang giao mộ
Cấp nữ đồng liên ngọc tỉnh xuân
Ná đắc khiêu ly phù thế ngoại
Trường tùng thụ hạ tối nghi nhân

Xóm Núi

Sâu giữa muôn núi khuất gió trần
Cổng tre rải rác lẩn trong mây
Người sang còn mặc y kiểu Hán
Tháng năm trong núi khác đời Tần
Chiều về mục đồng gõ sừng trâu
Giếng ngọc gái quê kéo nước gàu
Ước gì thoát được cõi trần tục
Ngồi dưới cây tùng thú biết bao.

Chú thích:

(1) Cuối đời Tây Hán: Vương Mãng cướp ngôi vua Hán. Lưu Tú (sau này là Quang Vũ đế, Đông Hán) khởi binh khôi phục lại cơ nghiệp. Khi tiến vào kinh đô Lạc Dương, phu lão mừng nói: "Không ngờ ngày nay lại trông thấy uy nghi nhà Hán".

(2) Câu này lấy trong tích bài Đào Nguyên ký của Đào Tiềm. Đời Tần tàn bạo, có một nhóm người đem nhau vào vùng Đào Nguyên ở, không đi lại với người ngoài núi. Họ không theo niên hiệu Tần nữa.

8 - Ngẫu Thư Công Quán Bích I (87/249)

Một lần trông thấy người đẹp xa vời cách tường cao cũng đủ làm Nguyển Du chao đao.

Ngẫu Thư Công Quán Bích I (87/249)

Triêu san nhất vu phạn
Mộ dục nhất bồn thủy
Bế môn tạ tri giao
Khai song kiến kinh kỷ
Song ngoại kinh kỷ mạn thả trường
Mỹ nhân du du cách cao tường
Đỗ vũ nhất thanh xuân khứ hĩ (1)
Hồn hề! quy lai! bi cố hương!

Ngẫu Đề Vách Nhà Công I

Sớm lùa một bát cơm
Chiều tắm một chậu nước
Đóng cổng phụ lòng khách
Mở cửa ngắm cây gai
Ngoài cửa lan tràn cây gai mọc
Người đẹp xa vời cách tường cao
Chim cuốc kêu sầu báo xuân tận
Hồn ơi! hãy về! buồn quê xưa!

Chú thích:

(1) Câu này vốn khuyết hai chữ, có lẽ nhà thơ dùng câu thơ cổ "Đỗ vũ nhất thanh xuân khứ hĩ".

9 - Thương Ngô Trúc Chi Ca

Thương Ngô Trúc Chi Ca

Trong 15 bài thơ Hán ngắn Thương Ngô Trúc Chi Ca, ba bài kể lại hình ảnh một người đàn bà trẻ nhìn như đang giận chồng, một cô gái đầu cài hoa vàng quá ham vui đứng trước khoang thuyền không tránh người lên xuống, hay cô gái thị thành tóc bới cao, cài lông chim thúy đẹp rúng động lòng người.

Bài số X, XI, XIV của Thương Ngô Trúc Chi Ca (145-159/249) được trích dẫn ở đây.

X (154/249)

Ban trúc yên đồng xích nhị trường (1),
Trà âu phù động Vũ Tiền hương (2).
Nhất lai nhất vãng nhân vô vấn,
Độc ỷ thuyền song chính hận lang.
Hoa trúc ống điếu dài hai thước,
Trà Vũ Tiền thơm ngát một bình
Thấy người qua lại chẳng cất tiếng
Cửa song nàng tựa giận chồng chăng?

1- Ban trúc: trúc hoạ Tục truyền rằng Nga Hoàng và Nữ Anh khóc vua Thuấn, nước mắt vẩy vào bụi trúc thành đốm.

2- Vũ tiền: tức Vũ tiền trà, là một loại trà ngon, hái trước tiết cốc vũ (tháng ba).

XI (155/249)

Thập chích long châu nhất tự trần,
Xao la qua cổ điếu Linh quân (1).
Hoàng hoa khuê nữ tham hành lạc,
Khiêu xuất thuyền đầu bất tị nhân.

Mười thuyền rồng sắp hàng chữ nhất,
Chiêng trống vang rền điếu Khuất nguyên.
Cài hoa vàng một nàng vui quá,
Ngay mũi thuyền đứng chẳng tị hiềm.

Chú thích:

1. Linh quân: tức Khuất nguyên, điển tích rằng Khuất nguyên trầm mình trên sông Mịch-la, một con sông nhỏ chảy vào sông Tương. Hàng năm cứ vào ngày giỗ Khuất nguyên, người Trung Hoa thường tổ chức đua thuyền tượng trưng việc tìm thi thể của nhà thơ, để tưởng nhớ Khuất nguyên.

XIV (158/249)

Trường quần tập tập duệ khinh tiêu,
Vân kế nga nga ủng thúy kiều.
Doanh đắc quỷ đầu mãn mang khẩu (1),
Bằng quân vô phúc dã năng tiêu.

Quần dài, áo lụa nàng thướt tha,
Tóc bới, lông thúy trâm cài hoa
Cứ rằng có tiền bạc đầy túi,
Vô phúc vẫn duyên với họ mà.

Chú thích:

(1) Quỷ đầu: một loại tiền cổ.

B - Những khuôn mặt phụ nữ trong lịch sử Trung Quốc.

Người đàn bà thời xưa nói chung chiếm một địa vị rất khiêm nhường trong xã hội, và những câu chuyện liên quan với họ cũng rất hạn chế.

Cũng như những vãn nhân khác, Nguyễn Du có những bài thơ viết về những đề tài cao cả, ẩn ý chính trị, hay cá tính anh hùng của người đàn ông, nhưng thêm vào đó Nguyễn Du lại dành một số bài viết về nữ giới, với lời thơ rất giản dị nhưng súc tích, gần gũi với họ, hay một số bài với nhiều suy nghĩ sâu sắc trong những bài thơ ca tụng họ.

Nguyễn Du rất có cảm tình với nữ giới, và điều này lại biểu lộ rõ hơn khi ông viết về những người đẹp trong lịch sử Trung Quốc.

1 - Độc Thanh Tiểu Ký (1) (78/249)

Bài thơ Độc Thanh Tiểu Ký nói về Tiểu Thanh, một người đẹp đa tài, vắn số. Phải ghi thêm rằng trong bài này, nổi tiếng nhất là hai câu thơ chót khi Nguyễn Du so sánh bản thân với Tiểu Thanh trên phương diện lưu danh tiếng lại cho hậu thế.

Độc Thanh Tiểu Ký (1) (78/249)

Tây Hồ hoa uyển tận thành khư
Độc điếu song tiên nhất chỉ thư
Chi phấn hữu thần liên tử hậu
Văn chương vô mệnh lụy phần dư (2)
Cổ kim hận sự thiê nan vấn
Phong vận kỳ oan ngã tự cư
Bất tri tam bách dư niên hậu (3)
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?

Đọc Tập Tiểu Thanh Ký

Hồ Tây vườn Uyển thành gò hoang
Biết nàng bên cửa cánh thơ tàn
Má đào có thiêng hẳn nhỏ lệ
Thơ văn vắn số đốt còn vương
Khó hỏi nhà trời hận xưa nay
Lậm vòng phong nhã đã cùng mang
Ba trăm năm tới làm sao biết
Người đời có ai khóc Như chăng?

Chú thích:

(1) Tiểu Thanh Ký: chuyện kể cuộc đời một người con gái có tài có sắc, sống vào đầu đời Minh. Nàng họ Phùng, lấy lẽ một người cũng tên Phùng, vì tránh tên chồng nên gọi là Tiểu Thanh. Vợ cả ghen, bắt ở riêng trong một ngôi nhà trên núi Cô Sơn, cạnh Tây Hồ, chẳng bao lâu nàng buồn mà chết, lúc mới 18 tuổi. Nay ở Cô Sơn vẫn còn mộ.

(2) Phần dư: tức Phần dư cảo, tên tập thơ bị đốt còn sót lại. Tiểu Thanh có một tập thơ nói tâm sự của mình, lúc nàng chết rồi, vợ cả ghen, lấy đốt đi còn lại một số bài, người ta thu thập lại gọi là Phần dư cảo.

(3) Tam bách dư niên: có thuyết cho rằng ba trãm nãm là tính từ khi Tiểu Thanh mất cho đến lúc Nguyễn Du làm bài thơ trên.

2 - Thương-Ngô Tức Sự (142/249)

Hình ảnh hai người đàn bà Nga Hoàng và Nữ Anh vợ vua Ngu Thuấn đi tìm chồng ngồi khóc bên bờ sông Tương đã là động lực gây cảm xúc mãnh liệt cho Nguyễn Du đến nỗi ông viết đến bốn đoản thơ trong Thương Ngô Tức Sự, để nhắc đến hai bà và một bài khác để nhắc lại tích nước mắt hai bà phi vẩy vào bụi trúc thành vết lốm đốm.

Thương-Ngô Tức Sự (142/249)

Ngu đế nam tuần cánh bất hoàn (1)
Nhị phi sài lệ trúc thành ban (2)
Du du trần tích thiên niên thượng,
Lịch lịch quần thư nhất vọng giang.
Tân lạo sơ thiêm tam xích thủy,
Phù vân bất tiện Cửu-nghi sơn (3).
Tầm thanh dao tạ tì bà ngữ (4),
Thiên lý thanh sam bất nại hàn.

Tức Cảnh Thương-Ngô

Vua Thuấn nam tuần không trở về
Hai phi sa lệ đốm trúc thanh
Trăm năm vết cũ chuyện xưa kể,
Bây giờ nhìn lại rõ sử xanh.
Cao thêm ba thước nước lụt về,
Cửu nghi núi khuất mây mờ che
Tì bà nghe vẳng đành từ tạ
Ngàn dặm áo xanh lạnh lẽo ghê!

Ghi chú:

1. Ngu đế nam tuần: Sử chép vua Thuấn nam tuần (tỉnh Hồ-nam) chết bất thình lình và an táng tại đó.

2. Nhị phi: Hai bà phi của Thuấn, Nga Hoàng và Nữ Oanh, khóc vua Thuấn nước mắt rơi làm lốm đốm trên lá trúc.

3. Cửu nghi: dẫy núi Cửu nghi cũng gọi là Thương ngô, ở tỉnh Hồ-nam.

4. Tì bà hành: chỉ tiếng đàn tì bà của Nga Hoàng và Nữ Anh, chứ không phải tì bà nói trong bài Tì Bà Hành của Bạch Cư Dị.

Thương Ngô Mộ Vũ (143/249)

Vũ trệ Tầm giang hiểu phát trì (1),
Ngô thành bạc mộ thượng phi phi (2).
Nhất giang tân lạo bình Tam sở (3),
Đại bán phù vân trú Cửu nghi
Trách trách tiểu chu nan quá hạ (4)
Sam sam trường phát tự tri dị
Bình ba nhật mộ Tươngđdàm viễn,
Bôi tửu bằng lan điếu nhị phi.

Thương Phố Chiều Mưa

Tầm giang mưa sớm, rời bên trưa,
Thành Ngô day dứt vẫn còn mưa.
Sông tràn nước đổ bờ Tam sở,
Mây đầy quanh quẩn Cửu nghi xưa.
Nho nhỏ chiếc thuyền hạ khó qua,
Mái tóc thả dài rõ người xa.
Tương đàm chiều lặng còn xa tắp,
Chén rượu tựa song tưởng hai bà.

Ghi chú:

1. Tầm-giang: tên một con sông thuộc huyện Quế-bình, tỉnh Quảng-tây, chảy qua Thương-ngô vào Quế-giang.

2. Ngô thành: có hai nơi gọi tên Thương-ngô. Tỉnh Quảng tây có Thương-ngô (Ngô châu). Ở tỉnh Hồ-Nam, Thưong-ngô là tên dãy núi cũng gọi là núi Cửu nghi.

Bài thơ này hai câu đầu nói đến Thương-ngô ở Quảng tây, vì câu bảy nhắc đến Tương đàm là một huyện thuộc Hồ-nam. Nhưng câu bốn lại nói nhìn về núi Cửu nghi (Thương-ngô, Hồ-nam), nơi vua Thuấn mất nên trạnh lòng nhớ đế hai bà phi của Vua Thuấn.

3. Tam Sở: ba miền nước Sở gồm Tây Sở, Nam Sở, và Đông Sở, nay là đất các tỉnh Hồ-nam, Hồ-bắc.

4. Hạ: chữ hạ có sách diễn là chỉ nước Trung-quốc (Hoa hạ), ý nói đi trên chiếc thuyền nhỏ thì khó lòng mà đi khắp Trung quốc.

Thương Ngô Trúc Chi Ca

III (147/249)

Vũ tự bàng đà vân tự si,
Cửu nghi sơn sắc vọng trung nghi (1).
Ngu vương táng xứ vô thâu mộ(2),
Thuỷ diện huyền thanh tự nhị phi (3).

Mưa rơi sướt mướt, mây lững lờ,
Núi Cửu nhạt nhòa trong xa mờ
Ngóng lăng Vua Thuấn sao chẳng thấy,
Tiếng đàn tưởng hai Phi trong mơ.

Chú thích:

1. Cửu nghi sơn: còn gọi là núi Thương-ngô, núi có chín ngọn thuộc tỉnh Hồ Nam, Trung-quốc.

2. Ngu vương: Vua Thuấn đời nhà Ngu, nên gọi là Ngu vương.

3. Nhị phi: hai vợ của vua Thuấn tên Nga Hoàng và Nữ Anh. Tích kể rằng sau khi vua Thuấn mất, hai bà đi tìm, đến sông Tương, trông lên núi Thương-ngô than khóc rồi gieo mình xuống sông Tương.

VIII (152/249)

Kê-lung sơn tại thuỷ trung ương,
Vạn khoảnh yên ba cộng diểu mang.
Tương ước đông gia cụ chu tiếp,
Thiên phi các thượng cộng phần hương (1)

Núi Kê-Lung ở giữa giòng sông,
Khói sóng vạn lớp trải chập chùng.
Đã hẹn chủ thuyền cùng sửa soạn,
Viếng gác Thiên phi sắm hương trầm.

Chú thích:

(1) Thiên phi các: đền thờ hai bà phi, con gái vua Nghiêu tên Nga Hoàng và Nữ Anh.

3 - Dương Phi Cố Lý (160/249) (1)

Nguyễn Du đặc biệt chú ý đến Dương Quí Phi. Người đời cho rằng vì Đường Minh Hoàng quá mê sắc đẹp của Dương Quí Phi mà xao nhãng việc nước, thì Nguyễn Du lại cho rằng việc mất nước là do triều đình bất tài, cứ như phỗng đứng nên không đuổi được giặc, chứ tại sao lại đổ tội cho Dương Quí Phi.

Dương Phi Cố Lý (160/249) (1)

Sơn vân tước lược ngạn hoa minh,
Kiến thuyết Dương Phi thử địa sinh.
Tự thị cử triều không lập trượng (2),
Uổng giao thiên cổ tội khuynh thành.
Tiêu tiêu Nam Nội (3) bồng cao biến,
Mịch mịch Tây Giao (4) khâu lũng bình.
Lang tạ tàn hồng vô mịch xứ,
Đông phong thành hạ bất thăng tình.

Quê Cũ Dương Quý Phi

Núi mây thưa thớt hoa rực rỡ bên bờ,
Thuyết rằng đây là quê sinh đẻ của Dương Phi
Chỉ tại triều đình như tuồng phỗng đá,
Khiến xui ngàn nãm cứ đổ tội sắc nghiêng thành.
Trong cung Nam buồn cỏ bồng mọc khắp lối,
Vắng vẻ Tây giao, gò đống phẳng bằng.
Phấn lạt hương phai biết tìm đâu,
Gió đông thành dưới gợi nhiều cảm thương (*).

(*) Nguyễn Du không đi qua vùng này trên đường đi xứ, lý do tại sao bài thơ này sắp ở đây còn là nghi vấn.

Chú thích:

1. Dương Quý Phi: tức Dương Ngọc Hoàn là Quý Phi của Đường Minh Hoàng. Quê ở làng Hoàng Nông, huyện Hòa Âm, tỉnh Thiểm Tây ngày nay. Vì An Lộc Sơn nổi loạn, Đường Minh Hoàng (Đường Huyền Tông) phải chạy vào đất Thục. Đến đèo Mã Ngôi, quân lính đòi giết Dương Quý Phi và người anh tên Dương Quốc Trung, là những người làm Đường Minh Hoàng mê muội mà mất nước (Uổng giao thiên cổ tội khuynh thành). Quốc Trung bị quân lính giết chết, Dương Quý Phi bị buộc thắt cổ tự sát ở đây.

2. Lập trượng: Đứng như gậy, chỉ quan bù nhìn không dám can gián vua, để xảy ra cuộc loạn An Lộc Sơn. Do lệ thiết triều nhà Đường (lập trượng mã), có tám con ngựa phải đứng chầu trong hàng gậy làm nghi vệ cho Vua. Con nào kêu hoặc đụng đậy không đúng phép là bị thay thế.

3. Nam Nội: Tức cung Hưng Khánh, nơi Đường Minh Hoàng và Dương Quý Phi thường ra chơi.

4. Tây Giao: Cánh đồng ở phía tây Tràng An, chỉ gò Mã Ngôi nơi Dương Quý Phi bị buộc phải thắt cổ chết.

4 - Tam Liệt Miếu (63/249)

Bài Tam Tiệt Miếu viết về người vợ, người thiếp và con gái của Lưu Thời Cửu, ca tụng ba tấm gương sáng nghìn đời còn sáng tỏ.

Tam Liệt Miếu (63/249)

Thái nữ sinh sồ Trác nữ bôn (1),
Lạc hoa phi nhứ bất thắng ngôn.
Thiên thu bi kiệt hiển tam liệt,
Vạn cổ cương thường thuộc nhất môn.
Địa hạt tương khan vô quí sắc,
Giang biên hà xứ điếu trinh hồn?
Thanh thời đa thiểu tu như kích (2),
Thuyết hiếu đàm trung các tự tôn!

Miếu Ba Liệt Nữ

Nàng Thái sinh con, Trác theo tình,
Hoa rơi lá rụng không nên lời.
Ngàn thu bia đá tam liệt nữ,
Sáng gương vạn cổ thuộc một nhà.
Dưới đất nhìn nhau không hổ thẹn,
Nơi nào bến nước viếng hồn trinh?
Thời bình bao kẻ mang râu mác,
Bàn chuyện hiếu trung, tôn nhất mình.

Chú thích:

Tam liệt miếu: tác giả chú thích như sau: "Khoảng niên hiệu Chính đức nhà Minh (1506-1521), Lưu Thời Cửu đi nhậm chức, thuyền tới nơi lập miếu thì bị bọn cướp giết. Cả vợ, thiếp, và con gái đều không chịu nhục, nhảy xuống sông chết. Khoảng nãm Gia tĩnh (1522-1526) được biểu dương và lập miếu thờ".

1. Thái nữ: chỉ Thái Diễm, tự Văn Cơ, con gái Thái Ung, cuối đời Đông Hán, gặp lúc loạn lạc, bị quân Hung nô bắt đi ,sang ở Hung nô mười hai năm, sinh được hai con. Sau Tào Tháo, bạn của Thái Ung đem vàng bạc sang chuộc về. Thái nữ là tác giả bài Bi phẫn thi.

Trác nữ: chỉ Trác Văn Quân, con gái Trác Vương Tôn, người đời Hán, goá chồng về nhà. Gặp ngày Tư Mã Tương Như đến dự tiệc, thấy Trác Vãn Quân, bèn gảy khúc Phượng Cầu Hoàng quyến rũ. Trác Văn Quân bỏ nhà đi theo. Theo thời xưa hai người đàn bà này không giữ đúng lễ nghi phong tục thời đó.

2. Tu như kích: râu như mác. Sách Nam sử chép chuyện Chử Ngạn Hồi có câu: "Râu ông cứng như mác mà sao không có chí khí trượng phu.", ý nói những người chỉ tốt mã bề ngoài kỳ thực vô tài.

5 - Sở Bá Vương Mộ I (224/249)

Người đẹp Ngu Cơ được Nguyễn Du nhắc đến với nhiều mến phục.

Sở Bá Vương Mộ I (224/249)

Bạt sơn giang đỉnh nại thiên hà? (1)
Túc hậu du du ký thiển sa
Bá thượng dữ thành thiên tử khí (2)
Trướng trung không thính mỹ nhân ca (3)
Nhãn tiền phiến thạch anh hùng tại
Sự hậu quần nho khẩu thiệt đa (4)
Dục mịch Trường lãng nhất phôi thổ
Xích my loạn hậu biến bồng ma (5)

Sở Bá Vương Mộ I

Rời núi nhấc vạc trời chẳng trơ
Cánh hận chan chan phủ cát mờ
Đất Bá điềm con trời đã hiện
Trong trướng nghe người đẹp hát thơ
Rõ mặt anh hùng nằm trơ đá
Chuyện Hạng nhà nho nói nhiều rồi
Nấm đất Trường Lang dù muốn kiếm
Loạn quân mày đỏ nay cỏ thôi

Chú thích:

Sở Bá Vương: tức Hạng Vũ.

(1) Bạt Sơn Giang Đỉnh: nhổ núi, nhắc vạc, chỉ sức mạnh vô địch của Hạng Vũ.

(2) Bá Thượng: tên đất nay thuộc tỉnh Thiểm Tây. Khi Bái Công tức Hán Cao Tổ ở đất Bá Thượng, có đám mây nổi trên trời như hình con rồng năm sắc; có người cho đó làm điềm làm vua (thiên tử khí).

(3) Mỹ nhân ca: khi bị vây chặt ở đất Cai Hạ, Hạng Vũ ngồi trong trướng nghe bài ca Ngu cơ hát họa lại bài Ngu hề.

(4) Ý nhắc đến chuyện các nhà nho bàn luận về việc Hạng Vũ sau khi thua ở Cai Hạ, không chịu về Giang Đông.

(5) Trường Lãng: tên huyện thuộc tỉnh Thiểm Tây. Mộ Hán Cao Tổ ở đấy.

(6) Xích mi: toán quân nông dân khởi nghĩa thời Tây Hán. Vì sợ lẫn lộn với quân lính của Vương Mãng, nên họ bôi đỏ lông mày (xích my). Sau bị Hán Quang Vũ đán áp.

6 - Đổng Tước Đài (205/249)

Ngoài những người đàn bà nổi tiếng trên còn có chị em Tiểu Kiều, Đại Kiều thời Tam quốc.

Đổng Tước Đài (205/249)

Bài thơ này gồm 26 câu, ở đây chỉ ghi lại từ câu 4 đến câu 12.

Đãn kiến giang biên Đồng Tước đài
Đài cơ tuy tại, dĩ khuynh dĩ
Âm phong nộ hào thu thảo mĩ
Ngọc long Kim phượng tẫn mang mang (2)
Hà huống đài trung ca vũ kỹ!
Tư nhân thịnh thời, thùy cảm đương?
Diểu thị hoàng đế, lãng hầu vương
Chỉ hận tằng đài không luật ngột
Tiểu Kiều chung lão giá Chu lang (3)

Còn đài Đồng Tước nơi ven sông
Chân đài còn, đài đâu còn nữa
Gió gào lạnh lẽo bãi cỏ thu
Lầu Long lầu Phượng không còn dấu
Nói chi ca kỹ chốn đài xưa
Người lúc mạnh ai dám đối đầu
Khinh rẻ vua nhục đám vương hầu
Tiếc đài sang không mang lợi ích
Tiểu Kiều vẫn vợ Chu lang đến già.

Đổng Tước Đài: một kiến trúc tráng lệ do Tào Tháo dựng lên, di tích nay còn ở phía tây nam huyện Lâm Chương, tỉnh Hà Nam.

(2) Ngọc Long, Kim Phượng: là hai tòa lầu ở hai bên đài Đồng Tước.

(3) Tiểu Kiều: vợ Chu Du, tương truyền Tào Tháo xây đài Đồng Tước, với ý định bắt hai chị em Đại Kiều, Tiểu Kiều ở Đông Ngô về cho ở đấy.

Chu Lang Mộ (232/249)

Thiêu tận Tào gia bách vạn binh (1)
Trượng phu sai túc úy bình sinh
Đồng niên giao nghị liên Tôn Sách (2)
Nhất thế tri âm đắc Khổng Minh   (3)
Ngõa lịch Ngô cung hoang đế nghiệp
Kinh trãn cổ mộ thượng hùng danh
Nhị Kiều hương cốt tàng hà sở   (4)
Nhãn kiến Đồng đài bán dĩ khuynh (5)

Mộ Chu Lang

Hủy mất nhà Tào trăm vạn binh
Trượng phu đủ thỏa chí bình sinh
Cùng tuổi thân tình bạn Tôn Sách
Một thời ân nhớ gặp Khổng Minh
Cung Ngô tan hoang, nghiệp vua tàn
Mộ xưa phủ cỏ vẫn hùng danh
Hương cốt hai Kiều chôn đâu nhỉ?
Mắt thấy đài Đồng nửa đổ tan

Chú thích:

Chu Lang: tức Chu Du, mưu sĩ Đông Ngô.

(1) Tào Tháo đem trăm vạn quân xuống đánh Đông Ngô, Chu Du liên kết với Khổng Minh đánh hỏa công, Tào Tháo thua.

(2) Đồng niên: Chu Du với Tôn Sách là bạn cùng một tuổi, lại có tình anh em rể.

(3) Tri âm: Khổng Minh chọc tức Chu Du ba lần. Khi Chu Du chết, Khổng Minh khóc Chu Du nhận là bạn tri âm.

(4) Nhị Kiều: Đại Kiều và Tiểu Kiều, hai chị em, vợ Chu Du và Tôn Sách, nổi tiếng có sắc đẹp.

(5) Tào Tháo dựng đài Đồng Tước ở bến sông Chương, tương truyền có ý định khi thu phục Đông Ngô sẽ bắt hai nàng Kiều cho ở trong đài (Xem bài số 205/249: Đồng Tước Đài).

7 - Vọng Phu Thạch (72/249)

Nguyễn Du xúc động khi nhìn đá ngóng chồng, theo tích do hóa thân của người đàn bà ôm con chờ chồng trên đầu núi ngàn năm hóa thành đá.

Vọng Phu Thạch (72/249)

Thạnh da? nhân da? bỉ hà nhân?
Độc lập sơn đầu thiên bách xuân
Vạn kiếp yểu vô vân vũ mộng (1)
Nhất trinh lưu đắc cổ kim thân
Lệ ngân bất tuyệt tam thu vũ
Đài triện trường minh nhất đoạn văn
Tứ vọng liên sơn diểu vô tế
Độc giao nhi nữ thiện di luân

Đá Ngóng Chồng

Phải người? Phải đá? Hỏi ai đây?
Sừng sững trên núi ngàn năm nay
Chẳng mộng mây mưa cả vạn kiếp
Cổ kim thanh khiết thân vẫn đầy
Giòng lệ mưa thu không ngưng chảy
Thảm rêu như khắc đoản văn chương
Bốn bề núi giăng hàng lớp lớp
Dành riêng phận nữ giữ đạo thường

Chú thích:

Vọng Phu Thạch: Nguyễn Du tả núi Vọng Phu ở Lạng Sơn, khi đi nghênh tiếp sứ thần nhà Thanh sang phong sắc cho Gia Long năm Quí Hợi (1803). trường hợp này cũng giống như những bài Lạng Sơn Đạo Trung, Đề Nhị Thanh Động, Quỉ Môn Đạo Trung.

(1) Vân vũ: Thần nữ ở Vu Sơn làm mây buổi sáng, làm mưa buổi chiều. Về sau người ta dùng điển này để chỉ chuyện tình ái.

8 - Vương Thị Tượng (203/249)

Với những người đàn bà trên Nguyễn Du thương xót bao nhiêu thì khi viết về vợ Tần Cối ông lại khinh bỉ, dè bĩu, nặng lời mỉa mai bấy nhiêu. Ngoài sự mắng nhiếc, khinh miệt vợ chồng Tấn Cối, ông lại còn bày tỏ tư kiến rằng việc dựng hai pho tượng sắt vợ chồng Tần Cối quỳ trước mộ Nhạc Phi để mọi người thăm viếng Nhạc Phi có thể đánh đập lên đầu hay phun nhổ vào mặt vợ chồng Tần Cối thì chỉ oan cho đống sắt vô tri vô giác, và lại làm cho vợ chồng Tần Cối được bất tử cùng vị anh hùng Nhạc Phi.

Vương Thị Tượng (203/249)

Nhị thủ

Vương Thị Tượng I

Thiệt trường tam xích cánh hà vi?
Hảo dữ quyền gian bị xướng tùy
Hậu hoạn chính ân cầm hổ nhật (1)
Tiền công an vấn ẩm long kỳ (2)
Nhất sinh tâm tích đồng phu tế
Thiên cổ hình hài nhục nữ nhi (3)
Để sự tưởng lai "mạc tu hữu"
Khuê trung tư ngữ cánh thùy tri?

Tượng Vương Thị I

Lưỡi thị ba thước làm chi nhỉ
Gian thần khéo nghĩa kết phu thê
Trừ hoạn đề phòng đà bắt hổ
Hoàng Long hẹn ước đếm xỉa chi
Một đời bụng dạ hệt gã chồng
Muôn thuở thân thị nhục nữ nhi
Nhớ lại cái lời "mạc tư hữu"
Phải chăng lời rỉ chốn phòng the?

Chú thích:

Vương thị: vợ gian thần Tần Cối đời Tống (960-1279).

(1) Tống bị Kim xâm lãng, Nhạc phi chủ trương đánh, Tần Cối chủ trương hòa. Tần Cối giả lệnh vua bắt Nhac phi bỏ ngục, coi như bắt được hổ, nếu để sổng ra thì sẽ có mối lo về sau nên giết đi.

(2) Ẩm long: Nhạc phi mang quan đánh Kim, có hẹn với tướng sĩ rằng: "Thẳng đến Hoàng Long cùng các ngươi uống rượu mừng" (Hoàng Long là thủ đô nhà Kim).

(3) Ở Hàng Châu hiện có mộ Nhạc phi, phía trước có tượng vơ chồng Tần Cối quì chịu tội. Vương thị làm điều phi nghĩa, pho tượng của thị làm nhục đến phụ nữ.

(4) Mạc tư hữu: chẳng cần có tội. (Xem chú thích bài Nhạc Vũ mục mộ, số 200).

Vương Thị Tượng II (204/249)

Thâm đồ mật toán thắng phu quân
Ưng thị "thần kê" đệ nhất nhân (1)
Bất lạn dĩ sinh tam thốn thiệt
Thuần cương hoàn đắc vạn niên thân
Xướng tùy tận đạo ưng vô hối
Kỹ lưởng đồng niên cánh khả thân
Mạc đạo nữ nhi vô lực lượng
Dã tằng hám phá Nhạc gia quân (2)

Tượng Vương Thị II

Mưu thâm sâu sắc quá anh chồng
Chính thị nhất mạng đã lộng quyền
Hiếm có trên đời ba tấc lưỡi
Thân lại đúc sắt tiếng vạn niên
Trọn đạo xướng theo chẳng ân hận
Đồng lòng thủ đoạn cùng nhịp ãn
Chớ nói đàn bà không sức lực
Chính thị phá tan Nhạc gia quân

Chú thích:

(1) Thần kê: do câu "Tẫn kê tư thần"; gà mái gáy sớm, chỉ người đàn bà lộng quyền.

(2) Nhạc gia quân: quân họ Nhạc. Quân Kim rất sợ Nhạc phi, thường bảo nhau; "Chuyển núi thì dễ, phá đội quân của họ Nhạc thì khó".

Kết Luận

Tóm lại, bàn về đặc điểm nghệ thuật của Thơ Hán Nguyễn Du không phải là mục đích của bài viết, ở đây tác giả chỉ muốn nói đến cái tình cảm của Nguyễn Du thể hiện qua một số bài thơ. Cái tình cảm rất thân thuộc, rất thân ái của một văn hào, đã mang dòng thơ truyền đạt đến độc giả một cách rất hay, rất tài tình, và rất chân thật. Trong một xã hội còn nặng phong kiến, sự biểu lộ tình cảm của Nguyễn Du với nữ giới thật đặc biệt, và chính sự đặc biệt này đã là nguyên nhân để tác giả viết về Thơ Hán Nguyễn Du và những khuôn mặt nữ giới qua thơ của ông với tất cả lòng cảm phục và ngưỡng vọng.

Chú thích ghi chép theo những sách biên khảo và chú giải của quý cụ Lê Thước- Phan Sĩ Bằng, Bùi Kỷ-Phan Võ-Nguyễn Khắc Hanh, Lê Thước-Trương Chính, Nguyễn Thạch Giang-Chương Chính.

Sóng Việt Đàm Giang biên soạn và phỏng dịch
Ngày 15 tháng 1, năm 2005
(thêm sửa đổi ngày 18 tháng 11, 2009)

 

 

Tìm các bài BIÊN KHẢO khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com