.
Để mở đầu cho đề tài hấp dẫn nầy, tôi xin kể ngay một giai thoại về một Họa sư nổi tiếng vẽ tranh Tre Trúc, đồng thời cũng là một nhà Thư Pháp lớn của Trung Quốc thời cận đại: Đời Thanh, đó chính là Trịnh Bản Kiều 鄭板橋 (1693- 1765). Truyện kể rằng......
Một hôm, Trịnh Bản Kiều mặc thường phục đến thăm một ngôi chùa nổi tiếng ở địa phương đó. Tri khách tăng (nhà sư chuyên lo tiếp khách thập phương) thấy chỉ là một thư sinh bình thường, nên chỉ ghế và nói: Tọa! 坐!, đoạn xoay vào bên trong nói với chú Tiểu phục vụ: Trà! 茶!. chỉ tiếp khách chiếu lệ. Một thời gian sau, Trịnh Bản Kiều lại đến viếng ngôi chùa đó, nhưng lần nầy ăn mặc như một Công tử nhà giàu có. Tri khách tăng niềm nở mời: Thỉnh Tọa! 請坐! và xoay vào trong bảo chú Tiểu: Bào Trà! (có nghĩa là Pha trà) 泡茶! và tiếp khách ân cần hơn. Ít lâu sau, ông lại lên thăm chùa với trang phục của quan Tri Huyện. Tri khách tăng trông thấy vội vàng tiến ngay đến trước mời: Thỉnh Thượng Tọa! (Mời ngồi lên ghế của thượng khách) 請上坐!. Đoạn xoay vào trong giục chú Tiểu: Bào Hảo trà! 泡好茶! (pha trà ngon). Tiếp đãi vô cùng ân cần, niềm nở, và khi biết được ông là nhà thư pháp đại tài, bèn lấy bút mực ra xin ông viết cho chùa đôi câu đối. Ông rất sẵn lòng, mỉm cười cất bút viết đôi câu đối như sau:
Tọa, Thỉnh Tọa, Thỉnh Thượng Tọa 坐,請坐,請上坐,
Trà, Bào Trà, Bào Hảo Trà! 茶,泡茶,泡好茶!
Vì là truyện kể dân gian, nên có người viết 2 thứ hai thành:
Trà, kính trà, kính hương trà! 茶,敬茶, 敬香茶 。
Tôi kể chuyện nầy để trả lời cho câu hỏi của một Đồng môn là: Có phải câu đối luôn là số lẻ 5, 7, 9, 11....hay không? Xin trả lời: Thường thì như thế, nhưng không nhất thiết phải là số lẻ. Như câu đối trên đây bằng 1, 2, rồi 3 ráp lại là 6 chữ thành vế Trên, và vế Dưới cũng thế. Như thế, câu đối có thể từ 1 chữ cho đến 100 chữ cũng được, nếu mình đủ sức làm, và người đọc có đủ kiên nhẫn để đọc, và ... số chữ chẳng lẻ gì cũng được. Ví dụ:
Ta có câu đối Tết truyền thống 4 chữ như sau:
Mai Khai Ngũ Phúc 梅 開 五 福,
Trúc Báo Tam Đa 竹 報 三 多.
Câu 1: Hoa mai nở 5 cánh như mang đến 5 cái phước cho gia đình (5 cái phước đó là: Thọ, Phú, Khang ninh, Du hảo đức và Khảo chung mệnh. 五福 是: 寿,富,康寜,攸好德,考终命。Sống lâu, giàu có, mạnh khỏe, được tiếng tốt và chết an lành. Đó là 5 cái phước mà mọi người đều mong mỏi.)
Câu 2: Một chi nhỏ của nhánh trúc thường có 3 lá, như điềm báo mang đến 3 cái nhiều (Tam Đa ) mà người ta thường mong mõi. Đó là: Đa Phúc, Đa Thọ, Đa Nam Tử 三多 是: 多福,多寿,多男子。Nhiều phước, nhiều thọ, nhiều con trai.
Bây giờ ta khai triển nó thành câu đối 5 chữ:
Mai khai trình ngũ phúc 梅 開 呈 五 福
Trúc báo hiến tam đa 竹 報 献 三 多
Cho nó thành 6 chữ:
Mai khai khai trình ngũ phú 梅 開 開 呈 五 福
Trúc báo báo hiến tam đa 竹 報 報 献 三 多
Cho nó thành 7 chữ:
Mai khai ngũ phúc niên niên phúc 梅 開 五 福 年 年 福,
Trúc báo tam đa tuế tuế đa 竹 報 三 多 嵗 嵗 多.
Hoặc đảo ngược lại cho nó hay hơn như:
Trúc báo tam đa đa hiến thoại 竹 報 三 多 多 献 瑞,
Mai khai ngũ phúc phúc lâm môn 梅 開 五 福 福 臨 門.
Hoặc ta nhập 2 câu đối 4 chữ lại thành câu đối 8 chữ như:
Ngũ phúc lâm môn, tam dương khai thái 五福臨門,三陽開泰,
Nhất nguyên phục thủy, vạn tượng canh tân 一元復始,萬象更新.
Nhớ hồi Đám cưới của tôi và của thằng con trai của tôi 28 năm sau nữa, tôi cũng viết đôi câu đối 8 chữ như sau:
Nhật lệ phong hòa, môn đình hữu hỷ 日麗風和,門庭有喜,
Nguyệt viên hoa hảo, gia thất hàm nghi 月圆花好,家室咸宜.
Có nghĩa:
Trời đẹp gió lành, cửa nhà vui vẻ,
Trăng tròn hoa đẹp, gia thất nên duyên.
Câu đối 9 chữ với những nét chấm phá như vẽ lại bức tranh Tết như sau:
Bộc trúc tam lưỡng thanh, nhân gian thị tuế,
爆 竹 三 兩 聲, 人 間 是 歲 ,
Mai hoa tứ ngũ điểm, thiên hạ giai xuân.
梅 花 四 五 點, 天 下 皆 春 。
Có nghĩa:
Hai ba tiếng pháo đì đùng, nhơn gian đón mừng năm mới,
Bốn năm đóa mai lấm tấm, thiên hạ đều biết xuân sang.
Câu đối 10 chữ của Ông Tú Vị Xuyên "Nhập thế cục bất khả vô văn tự" như sau:
Cực nhân gian chi phẩm giá, phong nguyệt tình hoài,
極 人 間 之 品 價, 風 月 情 懷 ,
Tối thế thượng chi phong lưu, giang hồ khí cốt.
最 世 上 之 風 流,江 湖 氣 骨 。
Có nghĩa:
Cái phẩm giá cao nhất trên đời là tình hoài phong nguyệt, (ở đây chỉ tình hoài vọng về gió mát trăng thanh một cách thanh cao, chứ không phải chuyện "gió trăng" tầm thường của nhân thế!).
Cái phong lưu nhất ở trên đời nầy là cái khí cốt giang hồ! (chỉ làm trai chí tại 4 phương, phải vùng vẫy giang hồ chứ không phải tối ngày ngồi bó gối ở nhà với... vợ!)
Đây là loại câu đối theo thể văn Biền Ngẫu, Tứ Lục hoặc Lục Tứ như trong bài tự Đằng Vương Các của Vương Bột đời Đường:
... Quan sơn nan việt, thùy bi thất lộ chi nhân,
關 山 難 越,誰 悲 失 路 之 人,
Bình thủy tương phùng, tận thị tha hương chi khách...
萍 水 相 逢, 盡 是 他 鄉 之 客....
Câu đối 11 chữ: Nhớ năm 2000, là năm đầu của Thiên Niên Kỷ mới, người Hoa gọi là năm Thiên Hỉ (Thiên Hỉ Niên). Ba Má tôi đều sanh vào tháng Giêng năm 1930, nên năm 2000 vừa đúng tuổi Thất Tuần. Tết năm đó tôi làm đôi câu đối sau, vừa để chúc Tết vừa để mừng thọ:
Thiên hỉ tụng cổ hi, hợp quyến nhi tôn cộng lạc,
千 禧 頌 古 稀, 合 眷 兒 孫 共 樂 。
Thất tuần ca song thọ, toàn gia lão thiếu đồng hoan.
七 旬 歌 雙 壽, 全 家 老 少 同 歡 。
Có nghĩa:
Năm Thiên hỉ, chúc tụng người sống đến tuổi cổ lai hi, nên con cháu cả nhà đều vui vẻ.
Thất tuần mừng còn được song thọ, nên già trẻ cả nhà đều cùng hoan hỉ.
Ta còn có thể mượn một câu đối 7 chữ, ghép thêm một lời chúc 4 chữ để làm thành câu đối 11 chữ như sau:
Thiên tăng tuế nguyệt nhân tăng thọ, xuân huyên tăng thọ.
天 增 歲 月 人 增 壽,椿 萱 增 壽 ,
Xuân mãn càn khôn phước mãn đường, kim ngọc mãn đường.
春 滿 乾 坤 福 滿 堂, 金 玉 滿 堂.
Có nghĩa:
Trời thêm ngày tháng người thêm thọ, cha mẹ cũng thêm thọ.
Xuân về đầy cả đất trời phước đến đầy cả nhà, vàng ngọc cũng đầy cả nhà.
Câu đối 12 chữ: Thường thì vế đầu 5 chữ (ngũ ngôn), vế sau 7 chữ ( thất ngôn) như:
Mai khai trình ngũ phúc, xuân đáo mai khai trình ngũ phúc,
梅 開 呈 五 福, 春 到 梅 開 呈 五 福
Trúc báo hiến tam đa, tuế trừ trúc báo hiến tam đa.
竹 報 献 三 多, 歲 除 竹 報 献 三 多
Có nghĩa:
Mai nở 5 cánh như dâng lên 5 cái phước, khi xuân đến thì mai sẽ nở và dâng lên 5 cái phước.
Trúc xanh 3 lá như hiến tặng tam đa (3 cái nhiều), khi năm hết thì trúc vẫn với 3 lá xanh tươi để hiến tặng tam đa.
Hoặc có thể đảo ngược lại 7 trước 5 sau để nhấn mạnh phần chủ yếu của câu đối như: Câu đối mừng Toãn Hôn (Kỷ niệm Kim Cương với 60 năm chung sống) như sau:
Lục thập niên cộng khổ đồng cam, kim niên hân khánh toãn,
六 十 年 共 苦 同 甘, 今 年 欣 慶 鑽 。
Tam vạn nhật phù trầm dữ thế, thử nhật hỷ song toàn.
三 萬 日 浮 沈 與 世,此 日 喜 雙 全 。
Có nghĩa:
Sáu mươi năm chia ngọt xẻ bùi, năm nay mừng mà kỷ niệm đám cưới kim cương,
Ba chục ngàn ngày chìm nổi với cuộc đời, ngày hôm nay vui vì còn đủ cả hai người.
Câu đối 14 chữ, thường thì được chia làm 2 vế, mỗi vế 7 chữ, như câu đối Tết rất nổi tiếng của cụ Nguyễn Công Trứ như sau:
Chiều ba mươi nợ réo tít mù, co cẳng đạp thằng bần ra cửa,
Sáng mồng một rượu say túy lúy, giơ tay bồng ông phúc vào nhà.
Câu đối 16 chữ, như câu đối Tết nổi tiếng độc đáo của nữ sĩ Hồ Xuân Hương:
Tối ba mươi khép cánh càn khôn, ních chặt lại
kẻo ma vương đưa quỷ tới,
Sáng mồng một lỏng then tạo hóa, mở toang ra
cho thiếu nữ đón xuân vào!
Câu đối 20 chữ, như câu đối của cụ Tam Nguyên Yên Đỗ Nguyễn Khuyến làm cho bà hàng xóm khóc chồng là thợ nhuộm như sau:
Thiếp từ khi lá thắm xe duyên, khi vận tía, lúc cơn đen, điều dại điều khôn nhờ bố đỏ,
Chàng ở dưới suối vàng có biết, vợ má hồng, con răng trắng, tím gan tím ruột với trời xanh!
Và...
Câu đối 44 chữ cũng của cụ Tam Nguyên làm khi về làng dạy học như sau:
Quan chẳng quan thì dân, chiếu trung đình ngất ngưởng ngồi trên, nào lính nào tráng, nào bàn ba, tiền làm sao, gạo làm sao, đóng góp làm sao, một năm mười hai tháng thảnh thơi, cái thủ lợn nhìn thấy đà nhẵn mặt;
Già chẳng già thì trẻ, đàn tiểu tử lô nhô đứng trước, nào phú nào thơ, nào đoạn một, bằng là thế, trắc là thế, điểm khuyên là thế, ba vạn sáu nghìn ngày thắm thoát, con mắt gà đeo mãi đã mòn tai.
Ta thấy...
Câu đối 20 chữ còn có thể nhớ và thưởng thức được, chớ đến câu đối 44 chữ thì... chịu thua! Vừa khó đọc, vừa khó nhớ, nói chi đến thưởng thức và nghiền ngẫm cái hay ho của nó!...
Để kết thúc bài viết nầy, xin mời cùng đọc một câu đối 14 chữ ngồ ngộ như sau: (Đặc biệt là câu đối nầy toàn bằng từ Hán Việt mà... khỏi cần phải diễn nôm, vì nghĩa nôm cũng... y chang như thế!).
Đại đại biểu, tiểu đại biểu, đại đại biểu đại biểu tiểu đại biểu.
大 代 表,小 代 表,大 代 表 代 表 小 代 表,
Nam chiêu đãi, nữ chiêu đãi, nam chiêu đãi chiêu đãi nữ chiêu đãi!
男 招 待,女 招 待,男 招 待 招 待 女 招 待。
Đỗ Chiêu Đức