Năm mươi năm quả là một thời gian dài, dài quá nửa đời người, tuy nhiên so với dòng thời gian vô thủy vô chung thì nó chỉ là một khoảnh khắc, một cái chớp mắt, so với lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc thì năm mươi năm cũng chẳng là bao.
Năm mươi năm, nếu là đoàn tụ, hạnh phúc, hòa bình thì cũng chẳng có chi đáng để nói. Đằng này năm mươi năm xào xáo, ly tán, khổ đau… quả là thật khó mà nói hết trong một bài văn hay một câu chuyện. Cũng may là bản tánh con người mau quên, mọi thứ rồi cũng dần dần nguôi ngoai theo lớp lớp sóng bồi của thời gian. Người ta thường nói thời gian là phương thuốc sẽ chữa lành những vết thương, sẽ xóa nhòa những ký ức, chôn vùi đi những dĩ vãng dù là vàng son hay đen tối, hạnh phúc hay khổ đau.
Vô thường vốn là tánh tự nhiên, là quy luật tự nhiên. Trời đất, thiên nhiên, xã hội, con người đều liên lỉ thay đổi và biến hoại trong từng phút giây. Hai chữ bể dâu ấy chính là nói đến sự thay đổi của vô thường, nó nằm ngoài ý muốn chủ quan của con người, dù muốn hay không thì sự thay đổi không sao cưỡng lại được! Với những người lớn tuổi và có đọc sách thì biết cái tích bể dâu vốn từ câu: “Thương hải biến vi tang điền”. Còn lớp trẻ, lớp sanh sau trong thời đại công nghệ cao hôm nay thì chác chắn là không biết. Bể dâu là sự thay đổi lớn của tự nhiên, của xã hội. Trong văn học cổ Trung Hoa xưa có người nói: “Trong đời đã từng ba lần thấy biển xanh hóa ruộng dâu”, ngụ ý là sự thay đổi triều đại, thay đổi thể chế chính trị, sự thay đổi của xã hội… Bể dâu ấy chính là sự biến hoại, thay đổi, sự thăng trầm trong xã hội loài người.
Năm mươi năm trước, Sài Gòn sụp đổ, một cơn bể dâu tang thương của thời hiện đại, của lịch sử dân tộc Việt Nam, kéo theo sự thống khổ, ly tán của dân Nam nước Việt. Hàng vạn con người bị tù đày, bị giam cầm, bị tước đoạt mọi phương tiện sống, triệt hết mọi con đường sống. Hàng vạn người mất nhà cửa, tài sản, ruộng vườn, bị đày đi lên những vùng hoang vu ác địa với cái mỹ từ “đi kinh tế mới”. Từ đó hàng triệu người di tản, vượt biển, vượt biên để tìm đường sống, tìm tự do, dẫn đến sự kiện bi thảm của lịch sử hiện đại mà sử thế giới gọi là “boat people”. Người Việt chạy trốn khỏi quê hương xứ sở, từ bỏ nhà cửa ra đi với hai bàn tay trắng và một tâm hồn trĩu nặng thương đau. Người Việt miền Nam vượt biển, lao vào cái chết để tìm sự sống, tản mác bốn phương trời để tìm tự do, tìm đất dung thân. Những quốc gia Âu -Úc- Mỹ đã mở rộng vòng tay đón nhận, cưu mang những con người bị “Quê hương ruồng bỏ giống nòi khinh” (thơ Vũ Hoàng Chương).
Trong số những quốc gia cưu mang người Việt nhiều nhất ấy chính là nước Mỹ. Nước Mỹ thời buổi ấy cũng lâm vào sự sa sút khó khăn về kinh tế, các chính khách và các cấp chính quyền đều phản đối nhận người tỵ nạn. Tâm lý dân chúng Mỹ cũng chống lại việc nhận người Tỵ Nạn. Nhưng người Việt may mắn thay, Ngài Tổng Thống thứ 39 của hiệp chủng quốc Hoa Kỳ đã mạnh mẽ và quyết đoán trong việc cưu mang người tỵ nạn. Chính ông đã ký dự luật HR 7769 để tiếp nhận người tỵ nạn. Cũng chính ông đã ký dự luật REFUGEE ACT of 1980 để tăng gấp đôi việc nhận người tỵ nạn và thúc đẩy nhanh chóng việc nhận người tỵ nạn vào Mỹ. Từ đây mở ra một chương mới cho người Việt tỵ nạn tại Hoa Kỳ. Những tháng ngày sau đó dòng người Việt qua Mỹ từ các diện HO, ODP, ROV, các thuyền nhân từ các trại tỵ nạn ở các nước Đông Nam Á... qua Mỹ ồ ạt và cũng từ đây hình thành nên cộng đồng người Việt đông đảo nhất ở bên ngoài nước Việt Nam.
Sau khi đã đến được bến bờ tự do, cuộc sống dần đi vào ổn định, ngoài việc mưu sinh, mưu cầu về vật chất, con người còn có nhu cầu về tinh thần. Đây là lý do những tờ báo Việt ngữ ra đời, những cơ quan ngôn luận Việt hình thành, trong số ấy đáng kể là tờ Việt Báo, khởi đầu với tên gọi Việt Báo Kinh Tế. Tờ báo này được sáng lập bởi nữ văn sĩ Nhã Ca và chồng là thi sĩ Trần Dạ Từ vào tháng 9, năm 1992. Có thể nói một cách chắc chắn rằng, tờ Việt Báo là nơi tập trung nhiều nhất những cây bút danh tiếng của người Việt hải ngoại. Những nhà văn, nhà thơ, nhà sử học, họa sỹ, những tri thức của thời VNCVH đều cộng tác với Việt Báo dù là nhiều hay ít, dù thường xuyên hay không thường xuyên. Việt Báo từ xưa nay như một sân chơi “tụ hội quần hùng” của giới tinh hoa, trí thức của người Việt hải ngoại. Như người sáng lập, chúng ta thấy những tên tuổi vang danh như: Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh, Hồ Văn Đồng, Nguyên Sa, Lê Tất Điều, Nguyên Giác Phan Tấn Hải, Nguyễn Xuân Nghĩa, Phan Nhật Nam, Trịnh Y Thư, Huỳnh Kim Quang, Nguyễn Thanh Huy, Khánh Trường, Song Thao, Hoàng Chính, Hoàng Quân, Phan, Vương Trùng Dương… Rất nhiều, nhiều không thể nào liệt kê hết được. Những cây bút tài hoa, chuyên nghiệp đã góp công sức và trí tuệ để xây dựng tờ báo, làm cho tờ Việt Báo sống mạnh, sống khỏe, phổ biến rộng rãi trong cộng đồng người Việt hải ngoại.
Việt Báo không chỉ là nơi tụ hội của những nhà văn, nhà thơ, chính khách mà còn hơn thế nữa, là sân chơi giao lưu, gặp gỡ của những nghệ sỹ lớn, có thể kể những tên tuổi thường xuyên xuất hiện trong các chương trình do Việt Báo tổ chức như nghệ sĩ tiêu biểu như: Kiều Chinh, Khánh Ly, Lệ Thu, Lê Uyên Phương… Nghệ sỹ Kiều Chinh cũng là một người góp công góp sức trong việc hình thành và phát triển của Việt Báo. Bà đã cộng tác với Việt Báo từ những ngày đầu hình thành cho đến tận hôm nay.
Tờ Việt Báo ở phương trời hải ngoại đã lưu truyền, gìn giữ văn hóa, lịch sử, nghệ thuật, ngôn ngữ người Việt. Ngày ngày chuyển tải những tin tức thời sự từ quốc tế đến quớc nội. Việt Báo đăng những sáng tác mới của các tác giả, lưu giữ những sáng tác thơ, văn, nhạc, họa… của một thời VNCH, những sáng tác đầy tính nhân văn, khai phóng và có giá trị nghệ thuật cao.
Nhưng điểm son đặt biệt nhất của tờ Việt Báo là chương trình đặc biệt “Viết Về Nước Mỹ – Writing on America”. Đây là một chương trình có ý nghĩa to lớn, mang tính nhân văn cao và tính hiện thực lịch sử sâu sắc. Chương trình này được nhà thơ Nguyên Sa gọi là: “Lịch sử ngàn người viết”. Viết Về Nước Mỹ đã được vinh danh bởi quốc hội Hoa Kỳ, tháng 7/2010 quốc hội Mỹ tuyên dương Viết Về Nước Mỹ về giá trị văn hóa và lịch sử. Những quyển sách tập trung các bài viết đã phát hành được lưu trữ ở thư viện của tiểu bang California, thư viện quốc hội Hoa Kỳ và dĩ nhiên có ở nhiều thư viện và các địa điểm khác. Tính đến nay Viết Về Nước Mỹ đã đi qua chặng đường 23 năm với 23 tuyển tập, mỗi quyển dày 640 trang, tổng cả thảy lên đến gần 15,000 trang và số người đọc đạt con số 93,236,299 lượt. Đây là một chương trình vô tiền khoáng hậu của lịch sử, văn hóa chưa từng có ở cộng đồng người Việt hải ngoại cũng như trong nước.
Viết Về Nước Mỹ không phân biệt nam – phụ – lão – ấu, không chẻ chia Nam – Trung – Bắc, và càng không có lý do gì để phân cao – thấp hay sang – hèn. Tất cả mọi người đều có tham gia (nếu có khả năng và có câu chuyện). Viết về mọi đề tài của cuộc sống, xã hội, lịch sử, ký ức, hội nhập, đời sống của người Việt trên đất Mỹ. Viết về quá trình tỵ nạn, vượt biên, giao tiếp, sinh sống, nghề nghiệp. Viết về các mối quan hệ trong xã hội, sự tương tác của lớp người trước với lớp người sau. Viết về những xung động hay cách trở của ngôn ngữ, lịch sử, văn hóa, xã hội… Nói chung là tất cả mọi mặt của đời sống xã hội. Có thể nói Viết Về Nước Mỹ là một đề tài mở, người viết tự do viết, tất nhiên là Viết Về Nước Mỹ có những tiêu chí nhất định, chẳng hạn như: bài viết về hoặc nói lên sự thật của cuộc sống người Việt tại Mỹ, hội đồng chấm bài có toàn quyền trong việc chọn hay từ chối bài... Viết Về Nước Mỹ đã đi được một quãng thời gian dài 23 năm với 23 tuyển tập được in thành sách. Một trong số những vị xuất sắc nhất và sau đó trở thành chánh chủ khảo của chương trình Viết Về Nước Mỹ đó chính là chị Trương Ngọc Mỹ Xuân, ngoài ra có những vị giám khảo-tác giả khác như: Trần Nguyên Đán, Lê Tường Vi, Nguyễn Viết Tân, Khôi An, Anne Khánh Vân…
Thật đúng với tinh thần: “Lịch sử ngàn người viết”, số lượng người tham gia viết thật đông đảo và hùng hậu, đủ mọi thành phần trong cộng đồng từ: Cựu quân dân cán chính, hậu duệ quân dân cán chính, trí thức, bình dân, người cũ, người mới và ngay cả những người chẳng có “ân oán” gì với VNCH một thời cũng tham gia viết. Đề tài viết cũng thật phong phú, hầu như Viết Về Nước Mỹ là một bản sao của cộng đồng người Việt hải ngoại mà cụ thể là cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ. Đề tài đa dạng, số lượng bài viết tham gia nhiều, vì vậy những bài được tuyển chọn cần phải có những yếu tố như: Tính xác thật của câu chuyện, ý nghĩa của bài viết, thông điệp chuyển tải, tính nhân văn, cách viết, sức viết và dĩ nhiên không thể không tính đến yếu tố nghệ thuật như: Bút pháp, ngôn ngữ, cách hành văn…
Lướt qua hành trình 23 năm lịch sử ấy chúng ta thấy có những cây bút xuất sắc như: Trương Ngọc Mỹ Xuân, Bồ Tùng Ma, Trần Nguyên Đán, Lê Tường Vi, Orchid Thanh Lê, Phan, Nguyễn Văn Tới, Vĩnh Chánh, Nguyễn Thị Kim Loan, Minh Thúy Thành Nội, Thụy Nhã, Phương Dung, Iris Đinh, Đoàn Thị… nhiều không kể xiết nên chỉ xin nhắc đến một vài cây bút tiêu biểu vì giới hạn giấy mực. Tuy nhiên nói về chương trình Viết Về nước Mỹ mà không nhắc đến bà Trùng Quang là một thiếu sót lớn. Bà Trùng Quang là cây bút lớn tuổi nhất tham gia Viết Về Nước Mỹ. Bà đã gợi ý và tài trợ tiền bạc để hình thành nên giải thưởng Trùng Quang. Bà Trùng Quang quả là một nữ nhi xuất sắc, tâm huyết, nặng lòng với lịch sử, văn hóa Việt Nam.
Năm mươi năm bể dâu của người Việt ly hương tỵ nạn, mấy mươi năm hình hành, phát triển của Việt Báo và chương trình Viết Về Nước Mỹ là cả một chặng đường gian khó nhưng đáng tự hào biết bao. Việt Báo và chương trình Viết Về Nước Mỹ là một sự kiện, một dấu ấn in đậm vào tâm thức của không ít người Việt Nam hải ngoại. Là một cột mốc quan trọng trong tiến trình hình thành của lịch sử và văn hóa người Việt hải ngoại.
Bể dâu thay đổi liên miên, vô thường thường trực trong từng phút giây. Ngay cả thân thể ta hàng triệu tế bào sanh sôi và hoại diệt không ngừng. Tâm ý chúng ta cũng thay đổi theo giai đoạn lịch sử, thay đổi theo xu hướng của xã hội. Mỗi thời kỳ lịch sử khác nhau thì văn hóa và xã hội cũng khác nhau. Những con người của thời đại nào sẽ thích ứng với hoàn cảnh mội trường của thời đại đó. Con người không có khá năng ngăn chặn sự thay đổi, biến hoại. Ngay cả những bạo chúa có quyền lực mạnh nhất cũng không thể ngăn chặn sự thay đổi, nói cách khác chính những bạo chúa thực hiện sự những chính sách điên rồ ấy cũng chính là sự thay đổi. Thay đổi có thể tốt thành xấu hoặc xấu thành tốt.
Năm mươi năm trôi qua, những lớp người lớn tuổi những trụ cột của một thời từ VNCH ra đến hải ngoại nay đã già và lần lượt ra đi. Những thế hệ người lớp sau từ trong nước gia nhập cộng đồng hải ngoại như: Du học, làm việc, đầu tư kinh tế, kết hôn, con em cán bộ Cộng Sản di cư… Rồi những thế hệ con em của quân dân cán chính miền nam sinh ra và lớn lên ở hải ngoại đã, đang và sẽ làm thay đổi cách nhìn, cách nghĩ, cách ứng xử trong cộng đồng người Việt hải ngoại. Sự thay đổi tích cực hơn hay tiêu cực hơn thì quả là một vấn đề đáng để quan tâm. Những thế hệ thuộc dân quân cán chính của VNCH nay đã thưa thớt nhiều, lớp đã ra đi, lớp thì gần đất xa trời. Những thế hệ con cháu sinh ra và lớn lên ở hải ngoại thì hầu hết không biết đọc hay viết tiếng Việt. Lớp người mới qua thì không quan tâm và cũng khá xa cách với lịch sử, văn hóa của VNCH cũng như của lớp người Việt tỵ nạn. Trong số những người mới qua thì hầu hết chẳng còn quan tâm, thậm chí còn dè bỉu những vấn đề như: Nhân quyền, tự do, dân chủ… Tất cả những đổi thay đang diễn ra dù muốn hay không thì cũng phải chấp nhận sự thật. Với những người có trách nhiệm, có nhiệt huyết, có lòng quan hoài với lịch sử và văn hóa của người Việt tỵ nạn thì không thể không lo nghĩ. Những người làm văn hóa phải tìm cách nào đó để thích ứng với sự thay đổi, phải có phương sách để duy trì sự sống còn của lịch sử và văn hóa người Việt tỵ nạn, vì đây là sự nối dài của lịch sử và văn hóa của VNCH. Một nền văn hóa khai phóng, nhân bản, đa dạng và có tính giáo dục cao.
Việt Báo và chương trình Viết Về Nước Mỹ chính là một phần của lịch sử và văn hóa người Việt hải ngoại, là sự kế thừa của lịch sử và văn hóa VNCH. Tuy vẻ vang và đáng tự hào là vậy nhưng hiện nay cũng đối mặt với sự thay đổi theo cơn bể dâu vô thường. Trong cái xu hướng chung của thời đại khoa học công nghệ cao, thời đại của điện toán, máy học, internet, trí thông minh nhân tạo (AI)… Con người không còn đọc sách báo nữa, con người dính chặt vào các phương tiện kỹ thuật: Iphone, Ipad, laptop… mà lướt các trang mạng xã hội. Con người bị cuốn hút vào vòng xoáy những chuyện hằm bà lằng của các mạng xã hội… Báo chí, sách vở, văn thơ... bây giờ như cảnh chợ chiều. Nhiều tờ báo đóng cửa, nhiều nhà in, nhà sách dẹp tiệm. Bản thân Việt Báo cũng từ nhật báo giờ chuyển thành tuần báo (với báo giấy), từ báo giấy ra 7 số một tuần, giờ chủ yếu là báo điện tử (trên mạng), chỉ còn in một số một tuần, phát hành vào mỗi thứ Sáu, tuy trên mạng vẫn là tờ báo online hàng ngày. Chương trình Viết Về Nước Mỹ cũng rút gọn lại từ tổ chức mỗi năm một lần giờ thì hai năm một lần. Những tháng năm sắp tới chắc chắn sẽ tiếp tục thay đổi, thay đổi theo chiều hướng đáng buồn và đáng lo ngại. Ai biết được liệu Việt Báo có thể trở thành nguyệt san hay tam cá nguyệt, chương trình Viết Về Nước Mỹ có thể tổ chức mỗi năm năm một lần hay cũng có thể đóng cửa luôn? Mọi thứ đều có thể, hoàn cảnh xã hội như thế, lịch sử như thế, trào lưu phát triển như thế… thì không thể nào cưỡng lại được. Nhưng làm thế nào để điều này không trở thành hiện thực, vì điều này nếu xảy ra sẽ là một mất mát lớn, một tổn thất không có gì bù đắp được cho lịch sử và văn hóa của người Việt hải ngoại.
Báo giấy bây giờ càng ngày càng teo tóp lại, không chỉ là báo tiếng Việt, ngay cả báo tiếng Anh cũng thế. Lần lượt co cụm, đóng cửa, lùi vào dĩ vãng. Ngày nay các mạng xã hội: Face Book, You Tube, Tik Tok, X, Instagram, Baidu… cung cấp hình ảnh, âm thanh, tin tức một cách nhanh chóng, cập nhật trong từng phút giây. Con người ngày nay lười biếng đọc, lười tư duy và suy nghĩ, chỉ thích hùa theo những trào lưu của mạng xã hội. Các mạng xã hội tràn ngập tin giả, tin thất thiệt, tin xạo, thuyết âm mưu... Đây cũng là một sự thay đổi; xét về mặt kỹ thuật, phương tiện thì tiến bộ nhưng về mặt nhân văn, đạo đức, nhân cách… thì thay đổi theo chiều hướng xấu. Con người ta mê và tin vào tin giả, thuyết âm mưu chứ không chịu tin vào những tin tức chính xác, không chịu kiểm chứng các tin tức, thậm chí những tin tức thật, có chứng cứ người ta vẫn không tin. Các mạng xã hội và những kẻ tung tin thuyết âm mưu đã đầu độc và xỏ mũi dắt người, lèo lái con người vào mê hồn trận, thao túng tâm lý quần chúng.
Việt Báo và chương trình Viết Về Nước Mỹ đã và đang đối mặt với sự thay đổi, nếu không có phương sách nào thích ứng với sự thay đổi của xã hội, sự thay đổi của khoa học công nghệ, sự thay đổi của trào lưu mới (cả về vật chất và tâm lý) thì e rằng cũng như các tờ báo hải ngoại khác, sẽ khó có thể vượt qua. Mặc dù Việt báo và Viết Về Nước Mỹ đã góp phần duy trì lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ Việt ở xứ người, nhưng nếu một mai không còn Việt Báo và chương trình Viết Về Nước Mỹ nữa thì sẽ sao đây? Những thế hệ con em người Việt sinh ra và lớn lên ở đây còn gì để hướng về? Còn đâu để nương tựa về căn cước văn hóa và nguồn gốc của mình? Còn giả như muốn tìm hiểu về lịch sử và văn hóa Việt nói chung, Việt tỵ nạn nói riêng thì phải đào bới ở kho tàng tư liệu tiếng Anh? Tìm ở tư liệu của người nước ngoài viết? Điều này cũng có nghĩa là tìm về nguồn cội và căn cước của mình qua trung gian. Vậy nên bây giờ Việt Báo nói riêng những tờ báo tiếng Việt nói chung nên có sự thay đổi và tiếp cận với giới trẻ, tìm cách nào để gây hứng thú cho giới trẻ hầu duy trì tờ báo tiếng Việt, nhất là với Việt Báo làm sao để duy trì chương trình Viết về Nước Mỹ. Duy trì được chương trình Viết Về Nước Mỹ tức cũng là dòng sử Việt, văn hóa Việt của người Việt tỵ nạn còn tiếp tục đồng hành.
Năm mươi năm bể dâu biết bao thay đổi kể từ lớp người tỵ nạn đầu tiên được đưa đến quận Cam. Tiếp sau là những lớp thuyền nhân được cứu vớt, những lớp người đến từ các trại tỵ nạn khắp Đông Nam Á. Kế là một lượng lớn những người đi diện HO, ODP, ROV… Cộng đồng người Việt ở Mỹ hình thành và lớn mạnh như hôm nay. Nếu những năm tháng xưa, nỗi nhớ nhà, nhớ quê cha đất tổ, nhớ người thân bạn bè, thèm món ăn Việt… rất da diết thì ngày nay chẳng còn là vấn đề nữa. Người ta có thể đi đi về về hàng năm, thậm chí nhiều lần trong năm. Việc đi về dễ dàng, văn hóa giao lưu (phần nhiều từ trong ra), lớp người mới đến (đầu tư, kết hôn, du học…) cũng đã và đang làm thay đổi cái giá trị căn cước lịch sử và văn hóa người Việt tỵ nạn. Cái đặc trưng của văn hóa Việt tỵ nạn, nói cách khác là văn hóa của VNCH đang phai nhạt, đang pha trộn đang lai tạp. Dễ thấy nhất hiện tượng người Việt hải ngoại (một số báo Việt) là cách dùng từ ngữ ngô nghê, vô nghĩa, sáo ngữ, mị ngôn, đại ngôn, đao to búa lớn của người Việt trong nước, đại khái như: Trình, toang, bùng, xõa, hạ cánh an toàn, nhận quà trên mức tình cảm, thực phẩm chức năng, áo mưa phương tiện, mỗi cuối câu thì đệm chữ ạ… hết sức vô duyên. Đành rằng sự giao lưu là tốt nhưng giao lưu như thế này thì chính người Việt hải ngoại đang tự làm phai nhạt bản sắc riêng của mình. Trong hoàn cảnh như thế này mà Việt Báo và chương trình Viết Về Nước Mỹ nói riêng hệ thống báo chí Việt nói chung đi vào giai đoạn thay đổi thoái trào thì đáng buồn thay! Nhưng biết làm sao được? Khi đó là quy luật. Vô thường không có ngoại lệ: Chánh – tà, thị – phi, Quân tử – tiểu nhân, Tây – Tàu – ta… đều chịu sự chi phối của vô thường, đều bị thay đổi theo cuộc bể dâu.
Giả sử năm mươi năm trước không có sự kiện 30/4, không có sự sụp đổ của Sài Gòn thì ắt không có việc bị đày đi kinh tế mới, không có nạn vượt biển, không có vấn đề thuyền nhân. Từ đó cũng không có HO, ODP, dĩ nhiên sẽ không có cộng đồng Việt tỵ nạn và hẳn nhiên không có Việt Báo, không có chương trình Viết Về Nước Mỹ. Vì sự kiện 30/4, vì sự sụp đổ Sài Gòn để rồi kéo theo bao nhiêu thay đổi, cả một cuộc bể dâu đau thương và cũng từ đó lại hình thành nên cộng đồng Việt tỵ nạn và sự xuất hiện của Việt Báo, của Viết Về Nước Mỹ.
Bể dâu vô thường, thay đổi bất tận, họa phước xoay vần không thể nào biết trước. Năm mươi năm một kiếp người, năm mươi năm ít ra cũng tròn hai thế hệ. Năm mươi năm một hành trình lịch sử nếu bảo dài thì cũng là dài thật, nếu bảo ngắn thì quả là ngắn như một cơn mơ. Lịch sử dù có bể dâu thế nào đi nữa vẫn cứ tiếp diễn.
Là một tác giả Viết Về Nước Mỹ và một người cầm bút, trong tinh thần 50 năm cộng đồng người Việt hải ngoại, xin được ghi nhận và biết ơn Kho tàng văn học và lịch sử hải ngoại – tờ Việt Báo và giải thưởng Viết Về Nước Mỹ - vì chính nơi này đã là bộ sử ngàn trang ghi nhận và lưu giữ những di sản của người Việt hải ngoại trong suốt nhiều thập niên qua.
Tiểu Lục Thần Phong
Ất Lăng thành, 01/01/25

Ảnh chụp tại Giải Thưởng Việt Báo tháng 12, 2023, tác giả cùng 6 tác giả khác cùng nhận Giải Danh Dự VVNM 2023 tại hội trường SBTN.
Tác giả tên thật Nguyễn Thanh Hiền, Nickname: Steven N, Bút danh: Tiểu Lục Thần Phong, sinh sống ở Atlanta trên 20 năm. Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ năm 2023