Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ... Hết Thìn tới Tỵ, Nhâm Thìn đi thì Quý Tỵ (2013) đến; Giáp Thìn qua thì Ất Tỵ (2025) lại về. Hết Rồng thì tới Rắn, Rồng rồng Rắn rắn, mặc sức mà vẽ Rắn vẽ Rồng, nhưng Rồng thì muốn vẽ sao cũng được, vì chưa ai được hân hạnh thấy qua dung nhan thật sự của nó bao giờ, chứ vẽ Rắn thì phải cẩn thận, không khéo lại "Vẽ Rắn Thêm Chân", chẳng những vô bổ mà còn làm trò cười cho thiên hạ nữa là đằng khác!
Đứng hàng thứ 6 trong 12 con giáp của Thập Nhị Địa Chi, nên có thể tự hào là "Thiên địa ngã trung ương" được. Vì cũng như con người, con rắn có mặt từ thuở tạo thiên lập địa ở cả trời Đông lẫn trời Tây.
Theo Sáng thế ký của người Do Thái thì khi Thiên Chúa mới tạo dựng nên trời đất muôn vật, tất cả mọi vật đều tốt lành, thánh thiện. Thiên Chúa lại còn ban cho ông Adam và bà Eva, thủy tổ của loài người, một cuộc sống thật là thong dong và hạnh phúc nơi vườn Địa đàng, và cho phép họ được ăn mọi thứ trái cây trong vườn, ngoại trừ trái của một cây có tên là “Hiểu biết”. Bấy giờ quỷ Satan, vốn cũng là thiên thần được Chúa tạo dựng nên từ trước để thờ phượng Thiên Chúa, nhưng lại phản bội Thiên Chúa, nên bị Chúa đày vào Hỏa ngục, thấy thế bèn sinh lòng ganh ghét nên mượn hình tượng của Con Rắn hiện lên dùng lời lẽ ngon ngọt dụ dỗ bà Eva. Nghe rắn bảo nếu ăn trái cấm này thì sẽ trở thành "hiểu biết" ngang hàng với Thiên Chúa làm Eva nghe bùi tai, bèn bẻ xuống ăn ngay, hại cái là lại còn năn nỉ ỉ ôi để cho Adam cùng ăn luôn thể. Khi nuốt miếng trái cấm vào, ông Adam chợt nhớ lời Chúa dạy nên đưa tay lên chặn "miếng trái cấm" lại ngay yết hầu, tạo nên cái "trái cổ" cho người đàn ông mãi cho đến hiện nay. Thiên Chúa biết được hai người lén ăn trái cấm, vô cùng tức giận, bèn đày cả hai xuống trần gian làm người thường, và cũng phạt luôn con Rắn Satan xuống trần và phải bò sát đất không được cất đầu lên, tạo nên mối thù truyền kiếp giữa người và rắn.
Hình ảnh con Rắn cũng còn xuất hiện trong các công trình kiến trúc hay nghệ thuật điêu khắc phương Đông, như trong các chùa chiền miếu mạo ở nước bạn Campuchia, cũng như ở miền Tây Nam bộ, nơi có nhiều người dân gốc Khmer theo Phật giáo nguyên thủy sinh sống. Điều này bắt nguồn từ sự tích kể về Bảy ngày tu đầu tiên của Đức Phật. Cứ theo sự tích này thì khi Ngài đang tọa thiền dưới cội Bồ Đề thì một cơn mưa bất thường đổ xuống như trút nước lên thân thể Ngài. Ngay lúc đó có một con rắn Naga Muchalinda bò ra, cuộn mình thành bảy vòng tròn, nâng Đức Phật lên khỏi dòng nước đang chảy xiết và dùng bảy chiếc đầu của mình làm thành chiếc tán che cho Đức Phật. Từ đó, người ta mới hay tạc hình rắn Naga ngự trên các mái chùa, để xua đuổi tà ma và bảo vệ đạo Phật, hoặc dùng xà cừ chạm trổ hình rắn Naga uốn quanh những cánh cửa chùa, trên tủ đựng kinh sách, hay trên những chiếc xe tang như một vị thần linh đưa người chết về cõi vĩnh hằng.
Dân Cam Bốt tin rằng vương quốc Khmer là do Vua rắn sáng lập. Con đường dẫn đến ngôi đền chính tại Ankhor Wat của Cam Bốt được khảm bằng nhiều "naga" bảy đầu và cũng có nhiều hình rắn được tạc trên tường. Ngay cả xứ Tây Tạng không có rắn cũng thờ thần Naga có tên là Lu. Tên Nagajurna tiếng Tây Tạng gọi là Lu-truh.
Môn học nghiên cứu về rắn, được giới khoa học goi là "Herpetology" bắt nguồn từ chữ Hy Lạp "Herpeton" co nghĩa là "loài bò sát". Sau nhiều cuộc khảo sát kỹ lưỡng, người ta vẫn chỉ dự đoán được rằng rắn xuất hiện trên trái đất cùng lúc với loài khủng long, vào thời đại Triassic khoảng 200 triệu năm trước đây.
Theo truyền thuyết cổ đại Trung Hoa trong Sơn Hải Kinh 山海经, kỷ nguyên thời kỳ Mẫu hệ, thì người tạo nên vạn vật muôn loại là bà Nữ Oa 女媧. Vị nữ thần có hình tượng thân người mà đuôi rắn được cường điệu là Long vĩ (đuôi rồng)...
Nữ Oa 女媧, hay Nữ Oa thị 女媧氏, Oa Hoàng 媧皇, Nữ Hi thị 女希氏, được xưng tụng là Nữ Oa nương nương 女媧娘娘, là một thủ lĩnh thuộc tộc Hoa Hạ của Trung Hoa cổ đại, bà là em gái đồng thời cũng là vợ của Phục Hy, đứng đầu danh sách Tam Hoàng. Thành tích theo truyền thuyết thần thoại là bà có công tạo nên vạn vật, luyện đá vá trời, chế tác thanh nhạc và lập ra hôn chế (âm nhạc và chế độ hôn nhân)...
Nữ Oa và Phục Hy cũng có những điểm giống như là ông Adam và bà Eva, người đàn ông và đàn bà đầu tiên trong Thánh kinh của Thiên Chúa Giáo vậy.
Hình tượng minh họa của Nữ Oa và Phục Hy
Nên ở Trung Hoa, hình ảnh con rắn còn được nâng cấp lên thành con Rồng, và được tôn vinh là con trời (Thiên Tử) với các từ Long nhan, Long thể, Long sàng.... ngoại trừ Long Nhãn của xứ Long An!
Ở Việt Nam ta thì ai tuổi con Rắn kể như là được thong dong tự tại khỏi phải lo lắng bận tâm nhiều với cuộc sống, với câu thiệu trong bài vè 12 con giáp như sau:
Tuổi Tỵ rắn ở trên cây,
Nằm khoanh trong bọng chẳng hay sự gì!
Tuy nhiên, có nhiều con rắn cũng phải vất vả bươn chải mặc dù không có lấy một cái chân nào cả:
Con Rắn không chân nó đi năm rừng bảy rú,
Con gà không vú nuôi đặng chín mười con...
Không chân mà đi được là nhờ trườn. Theo khoa học, rắn thuộc loài bò sát tương tự như giống thằn lằn không chân. Ðiều khác biệt là rắn có một hàng vẩy cứng dưới bụng có thể di động được như những chân nhỏ khi trườn lết. Ðặc điểm nữa là xương hàm trên của rắn có thể di chuyển, đổi chỗ để miệng có thể mở rộng khi nuốt những con mồi lớn. Nên rắn lại có thể chỉ ăn một lần mà no cả tháng. Nếu con người có khả năng nầy thì đỡ phải lo khi kinh tế xuống dốc hoặc khi thất nghiệp.
Theo số Tử Vi thì Rắn hợp với Gà và Trâu. Tị Dậu Sửu Tam hạp mà lị! Nhưng lại kỵ với Cọp Khỉ và Heo, vì nằm trong Tứ Hành Xung: Dần Thân Tị Hợi, nhất là kỵ với Heo, vì Tị Hợi thuộc dạng Chính Xung. Cho nên, ngày xưa (và cả ngày nay cũng vậy), con trai đi cưới vợ, hoặc gia đình nào muốn cưới dâu, đều phải xem tuổi của cô Dâu và chú Rể, tuổi của hai người nầy không được chênh lệch nhau 3, 6, hoặc 9 tuổi, vì như thế, chắc chắn sẽ ăn vào một trong Tứ Hành Xung của Tý Ngọ Mẹo Dậu, Dần Thân Tị Hợi, hoặc Thìn Tuất Sửu Mùi. Nhưng đặc biệt ở Việt Nam ta tuổi Tị con Rắn còn bị kỵ thêm một con ngoài Tứ Hành Xung nữa, đó chính là con Gà. Có con trai tuổi Dậu mà lại cưới nhằm cô dâu tuổi Tị, thì lại đúng với câu:
Cõng rắn cắn gà nhà!
"Bạch xà đương đạo, Quý bạt kiếm nhi trảm chi 白蛇當道,貴拔劍而斬之". Có nghĩa: Rắn trắng chặn đường, ông Quý rút kiếm mà chém nó. chỉ việc Lưu Bang Hán Cao Tổ khi còn hàn vi, đã chém rắn trắng chặn đường để khởi nghĩa và lập nên nhà Hán hùng mạnh hơn 400 năm sau nầy (202 trước Công nguyên đến 220 sau Công Nguyên). Đó là Con Rắn trong Lịch Sử, còn con Rắn trong Văn học thì ta có thành ngữ: Họa Xà Thiêm Túc 畫蛇添足, tức "Vẽ Rắn Thêm Chân" như đã đề cập ở đầu bài viết. Truyện kể:
Xưa nước Sở có một vị quan lớn, sau khi cúng tế tổ tiên xong bèn ban cho đám gia nhân một hồ rượu. Rượu ít mà người thì đông, nên có người đề nghị là cùng nhau thi vẽ rắn, xem ai vẽ xong trước thì được uống nguyên bầu rượu đó. Tất cả đồng ý và bắt đầu vẽ, một anh vẽ rất giỏi chỉ trong một loáng đã vẽ xong, thấy mọi người còn đang hí hoái vẽ. Anh ta rất đắc ý, bèn vơ lấy bầu rượu, tay kia tiếp tục vẽ thêm 4 cái chân cho rắn nữa. Trong khi đó, có một anh khác cũng đã vẽ xong, bèn giựt lấy bầu rượu tu một hơi cạn sạch, cười bảo: "Rắn vốn không chân, ai bảo anh vẽ thêm chân chi cho thêm chậm!". Anh ta tức quá, nhưng lại không nói được gì... Mọi người đều bật cười chế nhạo và bảo: đã gọi là rắn thì làm gì có chân.
Từ đó người ta mới dùng thành ngữ này để chế diễu những kẻ hay bày vẽ lôi thôi, làm những việc thừa thãi không cần thiết và không hợp tình hợp lý.
Sau "Họa Xà Thiêm Túc" Vẽ Rắn Thêm Chân là thành ngữ: Bôi Cung Xà Ảnh 杯弓蛇影. Truyện kể:
Ngày xưa có một anh chàng tên là Nhạc Quảng, mời bạn đến nhà uống rượu chơi. Khi ông bạn bưng ly rượu lên uống, thấy có hình bóng của một con rắn đang dao động trong ly, nhưng vì nể bạn và vì phép lịch sự, anh ta cũng uống cạn ly rượu. Nhưng khi về đến nhà, anh ta cứ lo ngay ngáy, thấy trong bụng khó chịu, và vì lo sợ quá nên sinh bệnh. Nhạc Quảng nghe tin đến thăm, nghe bạn kể lại hôm uống rượu đã uống nhầm con rắn vào bụng. Nhạc Quảng lấy làm lạ, về nhà quan sát, hiểu ra nguyên nhân. Hôm sau bèn lại mời người bạn trở lại nhà để uống rượu lần nữa, khi rót rượu cho bạn xong, thấy bạn tái mặt, vì hình bóng con rắn lại hiện ra dưới đáy ly. Nhạc Quảng bèn chỉ vào cây cung treo trên tường ở phía sau lưng người bạn mà nói rằng: Cái bóng con rắn mà bạn trông thấy, chính là cái bóng của cây cung treo trên tường kia. Người bạn quay mình lại nhìn lên thấy cây cung treo phía sau lưng mình mới yên tâm, và cảm thấy trong bụng dễ chịu lại ngay, không còn bịnh hoạn gì nữa cả!. Câu thành ngữ nầy dùng để chỉ những người hay sợ bóng sợ gió, sợ những chuyện vu vơ không đâu đến đổi bị ám ảnh và sinh bệnh hoạn.
杯弓蛇影 Bôi cung xà ảnh: Bóng rắn trong ly.
Trong Trung Quốc Tứ Đại Dân Gian Truyền Thuyết (Bốn truyền thuyết lớn trong dân gian Trung Hoa), còn lưu truyền một câu chuyện diễm tình về rắn, ta gọi là Truyện "Thanh Xà Bạch Xà", nhưng người Hoa thì chỉ gọi tắt là Bạch Xà Truyện 白蛇傳. Một chuyện tình dân gian ướt át, nhưng lại được lồng trong thuyết nhân quả của nhà Phật. Truyện kể:
Bạch Tố Trinh 白素貞 là Rắn trắng (Bạch Xà) tu luyện ngàn năm, sau khi uống tiên đan của Pháp Hải Hòa thượng, trở nên thần thông quảng đại. Vì muốn báo ân cho Hứa Tiên 許仙, chàng thư sinh đã cứu mạng mình hồi những kiếp trước, bèn cùng một cô bạn rắn đàn em nữa là Thanh Xà biến thành hình người, rồi thi triển pháp lực để làm quen và kết hôn với Hứa Tiên. Sau tuần trăng mật mặn nồng giữa người và rắn, thì Pháp Hải Hòa Thượng tìm đến để báo phục chuyện Bạch Tố Trinh đã lấy trộm tiên đan của mình, đồng thời thuyết phục Hứa Tiên ép cho Tố Trinh phải uống ly rượu có chất Hùng Hoàng (một vị thuốc Bắc chuyên trị về rắn!), làm Bạch Tố Trinh phải hiện nguyên hình là con rắn trắng, làm chàng thư sinh Hứa Tiên kinh hãi quá... đứt hơi luôn!. Sau khi tỉnh dậy, Bạch Tố Trinh lại phải lén lên Thiên Đình để trộm thuốc Linh Chi của bà Tây Vương Mẫu về cứu sống Hứa Tiên. Pháp Hải Hòa Thượng lại dùng mưu gạt Hứa Tiên lên chùa Kim Sơn, rồi nhốt chàng ta lại. Bạch Tố Trinh nổi giận, bèn cùng Tiểu Thanh dâng nước biển tràn ngập để tấn công Kim Sơn Tự, làm chết rất nhiều sinh linh vô tội, điều nầy phạm đến luật Trời, nên sau khi sinh con, giao cho Hứa Tiên nuôi nấng Bạch Tố Trinh bị Pháp Hải Hòa Thượng nhốt vào trong Lôi Phong bảo tháp. Sau đứa con khôn lớn, thi đậu Trạng Nguyên, tìm đến để tế lễ và cứu mẹ ra khỏi tháp Lôi Phong, và... cả nhà được đoàn tụ. Một kết thúc có hậu và viên mãn theo kiểu phương Đông và theo thuyết nhân quả của nhà Phật.
Cũng là Rắn Trắng, nhưng không phải là rắn trắng chặn đường của Lưu Bang, mà là Rắn Trắng đầy tình nghĩa, nên Bạch Tố Trinh được nhân gian lập miếu thờ phụng và xưng tụng là Bạch Nương Nương 白娘娘. Đây là con rắn mang ơn trả ơn, chớ không phải là con rắn hờn oan trả oán như con rắn của xứ Tây Hồ mà khai quốc công thần của nhà Hậu Lê là Nguyễn Trãi đã gặp phải.
Sử chép rằng, vào năm Nhâm Tuất (1442), Vua Lê Thái Tông (con Vua Lê Lợi) đi tuần du phương Đông, duyệt võ ở Chí Linh, nên Nguyễn Trãi (lúc ấy đã về trí sĩ) bèn ra nghênh tiếp xa giá. Khi Lê Thái Tông đến viếng chùa Côn Sơn là nơi có ẩn am của Nguyễn Trãi, nhìn thấy tì thiếp của Nguyễn Trãi là Thị Lộ nhan sắc lộng lẫy, lại có biệt tài về văn chương, bèn phong cho chức Lễ Nghi Học Sĩ, bắt phải theo hầu bên cạnh nhà Vua. Lúc xa giá tới Lệ Chi Viên, thuộc xã Đại Lại, huyện Gia Định, thì thình lình nhà Vua nhuốm bệnh. Thị Lộ phải hầu hạ, thang thuốc ngày đêm, nhưng Vua vẫn không qua khỏi. Các quan phải vội vã phụng giá về Kinh rồi mới làm lễ phát tang. Tất cả triều thần đều buộc tội Thị Lộ đã đầu độc Vua, liền đem nàng ra giết. Việc này xảy ra nhằm lúc trong triều đang có sự tranh chấp. Nhóm võ quan theo phe Lê Sát thấy ngày trước Nguyễn Trãi được Vua Lê Thái Tổ trọng dụng nên vẫn mang lòng ganh ghét, chỉ muốn trừ khử, bèn nhân dịp này vu cho tội chủ mưu sát đế để giết luôn cả ba họ.
Cái án oan này, mãi đến hơn hai mươi năm sau mới được Vua Lê Thánh Tông, một vị minh quân của triều Lê, thấy có nhiều điều hàm hồ, oan ức cho một đại công thần khai quốc, bèn đem ra xét lại và truyền lệnh hủy bỏ bản án trước kia, truy phục chức cho Nguyễn Trãi, cho tìm kiếm con cháu để đưa ra làm quan, lại còn cấp tư điền để con cháu lo việc tế tự hàng năm. Từ sự kiện lịch sử này mà sau đó trong dân gian mới lưu truyền câu truyện rắn báo oán như sau:
Truyện kể: Nguyễn Trãi thời chưa ra làm quan, một hôm có ý định cho sửa sang lại khu vườn nhà thì nằm mơ thấy có một người đàn bà bụng mang dạ chửa đến van xin ông hãy hoãn việc này lại để cho bà ta có thể yên tâm tá túc cho qua kỳ sinh nở. Khi tỉnh dậy nhìn ra vườn, ông thấy không có dấu hiệu gì tỏ ra có người cư ngụ ở đó nên cũng không lấy gì làm quan tâm, cho nên hôm sau cứ sai đám học trò ra dọn vườn như đã dự định. Trong khi dọn dẹp, đám học trò bắt gặp một ổ rắn bèn giết chết luôn cả ổ gồm mấy mẹ con. Sau đó rắn mẹ tái sinh, bò lên trần nhà, nhìn thấy Nguyễn Trãi đang đọc sách bèn nhỏ một giọt máu đào rơi xuống thấm xuyên qua ba trang giấy, như một dấu hiệu ám chỉ ba họ. Thời gian sau, khi Nguyễn Trãi đang làm quan thì cũng con rắn đó hóa thân thành Thị Lộ, giả làm ả bán chiếu gon ở Tây Hồ để gặp Nguyễn Trãi, cùng xướng họa thi ca rồi trở thành tì thiếp để lọt vào gia đình ông ta chờ cơ hội báo thù. Do đó, việc Nguyễn Trãi bị giết cùng ba họ bị tru di chính là hậu quả của món nợ máu ngày xưa mà ra. Truyện của Thị Lộ và Nguyễn Trãi lại cho ta một giai thoại văn chương lý thú với bài thơ hỏi để ghẹo cô bán chiếu Thị Lộ như sau:
Ả ở đâu mà bán chiếu gon?
Chẳng hay chiếu ấy hết hay còn?
Xuân xanh nay độ bao nhiêu tuổi?
Đã có chồng chưa được mấy con?
Để đáp lại bài thơ toàn là câu hỏi nầy, Thị Lộ đã trả lời rất khéo là:
Thiếp ở Tây Hồ bán chiếu gon,
Can chi ông hỏi hết hay còn?
Xuân xanh tuổi độ trăng tròn lẻ,
Chồng còn chưa có, có chi con!(?).
Bài thơ khéo ở chỗ, nếu câu chót đổi dấu chấm than thành dấu hỏi, thì có cái khẩu khí lớn lối như muốn gọi Nguyễn Trãi bằng con vậy!
Mặc dù là truyền thuyết, nhưng con rắn Thị Lộ báo oán quá thâm độc, hại nguyễn Trãi đến nhà tan cửa nát, tam tộc phải tru di, cháu con phải đổi họ tên, lưu vong thất sở, vở tuồng cải lương "Nắm Cơm Chan Máu" kể lại chuyện của Đỗ Lệ và Trần Ai (cháu 2 đời của Nguyễn Trãi phải đổi họ đổi tên) là một thảm kịch đáng thương. Mời bấm vào link dưới đây để nghe hát.
"Lòng dạ rắn rết" là thành ngữ thường dùng để chỉ những người đàn bà độc ác, còn "Lòng lang dạ sói" thì thường được dùng để chỉ cánh đàn ông, nên chi, mới có chuyện Thị Lộ là con rắn đến để báo oán. Xưa nay các cụ đồ nho vẫn thường truyền miệng bài thơ sau đây:
Thanh Xà Trúc Nhi Khẩu, 青竹蛇兒口,
Huỳnh phong vĩ thượng trâm. 黃蜂尾上針.
Lưỡng ban do vị độc, 兩般猶未毒,
Tối độc phụ nhân tâm. 最毒婦人心.
Có nghĩa: Cái miệng của con rắn thanh trúc (ta gọi là rắn Lục). Cây kim ở phía sau đuôi của con ong Nghệ màu vàng (hay ong Vò Vẻ gì đó). Nhưng, Hai thứ đó còn chưa độc. Độc nhất là lòng dạ của đàn bà. Bình thường thì các bà các cô rất dễ thương, nhưng khi cần "Độc" thì lại "Độc" hơn cánh đàn ông nhiều! (Xin lỗi các bà các cô, đây là nhận xét của các cụ ngày xưa truyền lại, kẻ hậu sinh như chúng tôi chỉ lặp lại mà thôi!).
Độc nhất là đàn bà, mà dễ thương nhất cũng là đàn bà, nhất là các bà các cô có cái "Thủy Xà Yêu" 水蛇腰, tức là cái eo của con rắn nước, để chỉ cái thân hình yểu điệu, ẻo lả, một cách hấp dẫn của phái nữ. Trong truyện "Hồng Lâu Mộng 紅樓夢" có cô thị nữ tên Uyên Ương có cái "Thủy xà yêu" nầy, làm cho Giả Mẫu rất lo lắng sợ thằng cháu quý hóa là Giả Bảo Ngọc mê đắm cái eo rắn uốn lượn dễ yêu và dễ hấp dẫn kia mà không lo học hành gì cả!
Vì hình thù và điệu bộ trông rất dễ sợ, phùng mang trợn mắt giơ bàn nạo để hù dọa con người, nên rắn thường bị xem là những gì xấu xa, ác độc, như câu nói "Khẩu Phật Tâm Xà 口佛心蛇" để chỉ những người bề ngoài và ngoài miệng thì trông hiền lành như ông Phật, nhưng lòng dạ thì lại ác độc như rắn rết.
Rắn có con to lớn như Mãng Xà, có con chỉ nhỏ như con giun, gọi là rắn giun, rắn liu điu. Nhưng dù lớn dù bé, hình thù và bộ dạng của rắn cũng dễ làm cho con người khiếp sợ, ngay cả cái tên Mãng Xà 蟒蛇, nghe thôi, cũng thấy phát ớn, sự thật thì Mãng Xà là tên chữ của con Trăn trông rất hiền lành và dễ thương mà thôi!
Trong văn chương Việt Nam còn có con rắn rất thông minh, dễ thương, thi đậu Bảng Nhãn và rất nổi tiếng về văn chương là Lê Quí Đôn. Bảng Nhãn Lê Quý Ðôn còn có tục danh là Lê Danh Phương, tự là Doãn Hậu, hiệu là Quế Ðường, sinh năm Bảo Thái thứ 7 (1726) đời Vua Lê Dụ Tôn thời chúa Trịnh Cương. Ông người xã Diên Hà, tỉnh Sơn Nam (Thái Bình ngày nay), con quan Hình Bộ Thượng Thư Lê Phú Thứ.
Ông Ðôn khi còn trẻ là một đứa bé tuy thông minh nhưng rất tinh nghịch, khó dạy, rắn mắt và cứng đầu cứng cổ. Một hôm, ông chú tới nhà chơi, thấy cậu Ðôn đang trần truồng tắm mưa. Ông chú la rầy cháu vì lười biếng không chịu học mà chỉ phá làng phá xóm nên dốt nát. Cậu Ðôn cãi lại, cho rằng ông chú cũng chẳng giỏi giang gì hơn. Ðể chứng tỏ, cậu nằm ngửa ra giữa sân, giang hai tay hai chân rồi đố ông chú xem đó là chữ gì. Ông chú trả lời đó là chữ Ðại 大. Cậu Ðôn cười lớn, chỉ vào "cái giống" của mình rồi nói "chữ Ðại còn có "cái chấm" này nữa phải là chữ Thái 太 mới đúng"! Ông chú vừa bị thua còn mắc cỡ bèn mách cha mẹ cậu Ðôn nên cậu bị cha mẹ la rầy và dọa đem ra đánh đòn. Ông chú bèn nói nếu làm được một bài thơ để tạ tội "rắn" (cứng) đầu, với điều kiện mỗi câu đều có tên một loại rắn trong đó, ông sẽ xin cha mẹ cậu tha cho. Cậu Ðôn suy nghĩ một lúc, bèn ứng khẩu, đọc:
Chẳng phải “liu điu” vẫn giống nhà
“Rắn” đầu biếng học lẽ không tha
Thẹn đèn “hổ lửa” đau lòng mẹ
Nay thét “mai gầm” rát cổ cha
“Ráo” mép chỉ quen lời dối trá
“Lằn” lưng chẳng quản vệt dăm ba
Từ nay "Trâu, Lỗ" xin chăm học
Kẻo “hổ mang” danh tiếng thế gia.
Bài thơ này không những ngụ ý xin lỗi cha mẹ về tội "Rắn Ðầu" của mình mà mỗi câu thơ đều mang tên một loại rắn như rắn liu điu (câu 1), rắn đầu (câu 2), hổ lửa (câu 3), mai gầm (câu 4), rắn ráo (câu 5), thằn lằn (câu 6), hổ trâu (câu 7), hổ mang (câu 8). Trâu là nước Trâu, quê hương của thầy Mạnh Tử. Lỗ là nước Lỗ, quê của "Vạn Thế Sư Biểu" Khổng Tử. Sau khi làm bài thơ này, quả nhiên ông Lê Quý Ðôn giữ đúng lời hứa, chăm chỉ học hành, thi đỗ Bảng Nhãn, làm quan nhất phẩm triều đình. Ông còn để lại nhiều áng văn chương và bộ sử rất giá trị.
"Miệng Hùm Nọc Rắn", Nọc rắn mặc dù độc, rất độc, như nọc rắn trên đầu gậy của Âu Dương Phong có thể làm chết hết một đàn cá mập trong truyện "Anh Hùng Xạ Điêu" của Kim Dung, nhưng với liệu pháp "Dĩ độc trừ độc", nọc rắn cũng là một vị thuốc trị độc rất tốt, và truyền thuyết về con rắn trong ngành Y của cổ Hi Lạp đã giúp cứu người như thế nào, ta hãy thử tìm hiểu sau đây...
Theo truyền thuyết thì Esculape là con của Thần Apolon, nhờ học được nghề thuốc từ một kỳ nhân nên không những đã cứu được nhiều người khỏi bệnh tật, lại còn có khả năng làm cho người chết sống lại. Điều này khiến cho Thần Zeus nổi giận, sai Thiên Lôi búa chết Esculape. Người đời sau nhớ công ơn của Esculape bèn dựng tượng để tôn vinh và con rắn nhờ cũng có công trong việc cứu nhân độ thế của Esculape nên được để cho quấn quanh cây gậy của ông ta. Sau đó vào đầu thế kỷ thứ 3 trước Công Nguyên, ở La Mã bỗng xảy ra một trận đại dịch giết hại rất nhiều người làm cho mọi người đổ xô nhau dâng rượu cúng Thần Esculape để cầu cho tai qua nạn khỏi. Thế là người ta bèn đặt thêm cái ly bên cạnh chiếc gậy nên ngày nay chúng ta mới thấy có hình con rắn quấn quanh chiếc gậy hoặc quấn quanh cái ly trong các biểu tượng của ngành Y Tế. Để phân biệt, dân Y Khoa xứ ta có câu: “Rắn quấn gậy ngành Y, rắn quấn ly ngành Dược”!
Hình ảnh con rắn cuốn quanh cây gậy - gọi là Caduceus, tiếng Hy Lạp là Kerykeion - trở thành biểu tượng của ngành Y Khoa hiện đại.
Theo các ông bà thuở xưa, rắn có thể tu luyện thành tinh và lột da sống đời. Những "mãng xà tinh" này đều có viên ngọc trong đầu gọi là ngọc rắn, nếu người nào có viên ngọc này sẽ có thể nghe được tiếng nói của loài vật. Ngày xưa, có một anh học trò nghèo tên Công Dã Tràng vì cứu được một gia đình rắn nên được rắn chúa trả ơn bằng cách nhả cho môt viên ngọc. Một hôm, Dã Tràng ngậm viên ngọc rắn trong miệng đi vào rừng, chợt nghe bầy kiến xôn xao bảo nhau phải dời tổ lên cành cây cao vì trong vòng ba ngày sẽ có mưa lụt lớn. Nghe được tin này, Dã Tràng bèn tức tốc báo cho Quan Huyện sở tại để ra thông tri cho dân chúng chuẩn bị tránh nạn hồng thủy. Quả nhiên ba ngày sau trời đổ mưa tầm tã làm vỡ đê gây lụt lớn. Nhưng dân cư trong vùng không bị thiệt hại vì đã đề phòng trước. Quan Huyện tâu với triều đình vì Dã Tràng có ngọc rắn nghe được tiếng loài vật nên đã biết truớc có nạn lụt. Nhà vua rất thích, cho vời Dã Tràng vào cung, ban cho một chức quan nhỏ để có thể cùng Dã Tràng du ngoạn đó đây, cùng nghe tiếng loài vật. Môt hôm, vua ngự thuyền rồng cùng Dã Tràng ra biển nghe tiếng cá. Chợt nhà vua nghe thấy một cặp cá vừa thong dong bơi lội, vừa thân mật trò chuyện với nhau. Thích quá, vua há miệng ra cười khiến viên ngọc rắn rơi xuống biển. Dã Tràng tiếc ngọc, nhảy xuống biển mò nên bị chết đuối. Tuy đã chết nhưng Dã Tràng vẫn muốn tìm viên ngọc nên biến thành con Dã Tràng là một loài cua nhỏ, hàng ngày bò lên bãi biển lấy cát mong lấp biển nhưng vẫn không bao giờ tìm lại được viên ngọc. Vì vậy, người đời thường ví những ai làm những việc không thể thực hiện được la "uổng công đã tràng". Trong dân gian cũng có câu:
"Dã Tràng xe cát biển Ðông,
Nhọc mình mà chẳng nên công cán gì"
Rắn có thể cắn chết người tại chỗ, như câu "Rắn mai tại lổ, rắn hổ về nhà", nhưng rắn cũng là món ăn khoái khẩu cho con người, nhất là đối với những tay bợm nhậu, nào là nướng trui, xào lăng, xào bún nấm củ hành... cắt lấy máu rắn hòa vào rượu mà uống, mổ lấy mật rắn bỏ vào miệng nuốt trọng với một ngụm rượu Tây hay ba xị đế đều rất... bổ khỏe... gì không biết. Rượu rắn thì thôi khỏi phải nói, rất đa dạng, nào là Tam Xà Tửu, Ngũ Xà Tửu, Thất Xà Tửu.... tới Mấy chục Xà Tửu… nguyên một hũ rượu toàn rắn và rắn! Ngoài ra, da rắn da trăn còn được làm thành những đồ trang sức để phục vụ cho Quý Bà Quý Cô, như bóp xách tay, dây đồng hồ, dây nịch...
Nếu còn nói mãi sẽ dễ làm cho người đọc nhàm chán với những tài liệu "hằng hà sa số" về rắn. Xin được kết thúc bài viết bằng bài sấm bất hủ của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm như sau:
Long vĩ Xà đầu khởi chiến chinh, 龍尾蛇頭起戰征,
Can qua xứ xứ khổ đao binh. 干戈處處苦刀兵.
Mã đề Dương cước anh hùng tận, 馬蹄羊腳英雄盡,
Thân Dậu niên lai kiến thái bình! 申酉年來見太平 !
Dịch nghĩa:
Cuối năm Rồng (long vĩ), đầu năm Rắn (xà đầu) thì có chiến tranh nổi lên, chiến tranh làm cho mọi nơi (xứ xứ) đều phải khổ sở về nạn binh lửa. Đến cuối năm Ngọ (Mã đề) hoặc cuối năm Mùi (Dương cước), thì "anh hùng" chết hết (tận) Anh Hùng ở đây là chỉ những người gây nên chiến tranh đánh nhau. Đến năm con Khỉ con Gà (Thân Dậu niên lai) mới có được cảnh Thái Bình yên ổn.
Đầu Rắn, đuôi Rồng, nổi chiến tranh,
Giặc đánh khắp nơi, khổ lửa binh.
Móng Ngựa, chân Dê, anh hùng tận...
Khỉ, Gà, năm đến thái bình sinh!
Cứ mỗi một chu kỳ của Địa Chi 12 con giáp, hễ vòng đến năm Thìn năm Tỵ thì mọi người lại nhớ đến bài Sấm nầy. Ta hãy chống mắt chờ xem: Chiến tranh được khởi bởi Nga đánh chiếm Ukraine và cuộc chiến ở dải Gaza giữa Israel và Palestine... Kết cuộc rồi "Anh Hùng" nào sẽ "Tận"... để cho Thế Giới được An Hưởng Thái Bình!
Mong rằng mọi người đều có được một mùa Xuân Như Ý và một cái Tết An Khang Thịnh Vượng!
杜紹德
Đỗ Chiêu Đức
Thơ Xuân con Rắn:
Ất Tỵ 2025
Ất Tỵ xà vương ở bọng cây,
Xuân xanh rắn lục khắp nơi đầy.
Nâu đen rắn hổ tràn lan khắp,
Lốm đốm mảng xà khắp đó đây.
Thị Lộ rắn bầy lo báo oán,
Tố Trinh rắn trắng trả ơn dày.
Miệng hùm nọc rắn đều hung hiễm,
Năm rắn mong đời hết nạn tai!
Đỗ Chiêu Đức
01-01-2025
Đỗ Chiêu Đức