User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
nguyenthingh
 
Có rất nhiều nhà văn, thơ, phê bình văn học… đã viết về chị? Họ đã đưa các tác phẩm của NgH. lên bàn, ngắm nghía, lật qua, xốc lại tìm đến chỗ tận cùng ngóc ngách sâu thăm thẳm ở hàng chục nhân vật nhảy múa, lăn bò, cười khóc để tìm cho kỳ được một Trần Thị NgH có một phong cách viết “kỳ quái”, không như các nhà văn nữ đi trước.
 
Xin trích ra một vài nhận định về Trần Thị NgH và các tác phẩm của chị, trước khi lơn tơn nói chuyện bao đồng…
 
*Thụy Khuê: “Ở Trần Thị NgH ngược lại, thường là những ý tưởng quái đản, những tính toán hèn hạ được ghi lại rất rõ ràng rành mạch. Sự ngược đời đó tạo nên một tác phong văn học đặc biệt… Chị NgH dùng lối viết lạnh, không cho tình cảm nhuộm hồng, nhuộm xanh bầu trời. Tác giả trải tình huống lõa thể trong tư thế bấp bênh để phơi bày sự thực”. (http://thuykhue.free.fr/stt/t/tran-ngh1.html)
 
*Trần Hữu Thục: “Truyện NgH thường là một tập hợp của nhiều chuyện, chúng có thể dính líu, đan xen nhau, có khi chẳng quan hệ gì nhau. NgH nói chuyện nọ xọ qua chuyện kia, linh tinh, lỉnh kỉnh. Bất cứ cái gì cũng có thể trở thành đề tài và bất cứ đề tài nào cũng mở ra những đề tài khác, đa dạng, luôn luôn thay đổi. Vừa đang nói chuyện bên đông bỗng nhảy sang chuyện bên tây, vừa đang ở đề tài này, chợt phóc sang đề tài khác. NgH quanh qua quẹo về, thêm thắt, ráp nối, liệt kê, kể lể. Các sự kiện bập bềnh trôi nổi giữa chủ điểm và ngoại vi, kéo độc giả chạy ra xa, rồi đột ngột níu trở lại gần, tung, hứng, cắt dứt hay đào sâu các chi tiết. Thỉnh thoảng, NgH để lửng lơ, rời rạc từng mảnh, từng mảng để độc giả tự mình ráp nối.” (Trần Hữu Thục đi tìm vài góc khuất trong truyện Trần Thị NgH).
 
*Còn Võ Phiến, trong tập Văn Học Miền Nam, tập tổng quan xếp Trần Thị NgH vào nhóm những người viết trâng tráo (cynique) cùng Chu Tử, Nguyễn Đức Sơn… “trâng tráo là cách phát biểu cực đoan của tinh thần hoài nghi” (trg 298).
 
Có thật chị là một cây bút có lối viết trâng tráo? Có cực đoan, hoài nghi, bấp bênh, quái đản…?
 
Ngay truyện ngắn đầu tiên: Chủ nhật, đăng trên tạp chí Vấn Đề số 39 tháng 10/1970, chị đã đặt sự hoài nghi về sự tự do xác thịt trong mối quan hệ nam nữ trong xã hội còn đang coi trọng tam tòng tứ đức, công dung ngôn hạnh. Chị đã vượt lên, phá bỏ mọi thông lệ rồi tự dằn vặt như một câu hỏi đặt ra cho người khác, cho toàn xã hội về nữ quyền, nữ giới, bình đẳng…: “Dù thế nào tôi vẫn không thể phân trần với ai về cái ấn tượng khủng khiếp một buổi tối tôi nằm ngửa dưới thân thể nóng hực của Định, mở mắt trân trối nhìn lên trần gian phòng lạ hoắc, lắng nghe da thịt vỡ tung cùng một lúc với ngày tháng mù mịt trước mặt. Định đã ra khỏi tôi, nhưng sự ê ẩm vẫn còn sót theo các lóng xương trong cơ thể, trong trí nhớ. Những lần trần truồng một mình, tôi vẫn hay nhìn ngắm tôi trong tấm gương lớn trong phòng tắm, như soi bói một kẻ lạ. Tôi thù ghét chỗ này chỗ nọ, chỗ này tôi không thể rửa sạch được bằng nước, chỗ này tôi không thể kỳ cọ, hơi thở tôi gay gắt mùi thuốc lá, hơi đàn ông lẫn trong chân tóc, còn chỗ nào không, tôi tan hoang từ đầu xuống chân. Đó là tình yêu chăng, em những tưởng anh như một phương tiện cho em thể hiện sự tự do, đến khi không còn là nô lệ của chính thể xác mình, em cũng biết đó cũng là một cách nô lệ, nhưng với một thể xác khác” (Chủ Nhật)
 
Những truyện sau đó của chị càng rõ ràng và nặng ký hơn!
 
Và, để giải mã cho sự sắp xếp khuynh hướng chủ quan của Võ Phiến, có thể dẫn ra đoạn trả lời của chị (Lý Đợi đặt câu hỏi), nhân buổi ra mắt tập Ác Tính tại Sài Gòn ngày 27.4.2019, rằng: “Cầm bút thì cũng như thợ may cầm kéo, đồ tể cầm dao, thợ mộc cầm búa đinh, tiều phu cầm rìu, ca sĩ cầm máy vi âm… Mỗi người vừa kể đều có thiên hướng và thiên khiếu đối với cái mình thích. Nghĩa vụ của họ là cắt cho khéo, chặt cho đẹp, đóng cho chắc, bổ cho chính xác, hát cho hay – ít nhất là trong đánh giá chủ quan của chính họ. Còn sứ mệnh thì… tính sau đi. Thời trang có thể thay đổi theo thị hiếu quần chúng, dao búa có thể được thay thế bằng máy cắt, máy xẻ hoặc máy bắn đinh, còn vi âm thì… trong một vài tình huống hát mộc biểu cảm hơn và trung thực hơn lọc giọng qua hệ thống âm thanh hiện đại”.
 
Nếu nói rằng để có một tác phẩm hoàn chỉnh, đẹp sau khi dùng búa đinh dao kéo… để cắt đục gọt dũa thì chị đúng là một người thợ điệu nghệ (tôi tránh dùng từ điêu luyện). Bởi tay khi vung lên là vung theo một cảm xúc dâng trào, vừa xa vừa gần, vừa thật mà như không. Nó như một huyễn hoặc, một cơn mê đồng bóng từ một cách giải bày đầy biểu cảm… mà chỉ có người sử dụng dao kéo búa đinh thành thục mới lột truồng ra hết phẩm cấp và phẩm cách của trò chơi có sự tham gia của nhiều nhân vật, trong một bối cảnh nhất định do người đó dựng lên. Và, tôi cũng tưởng tượng ngòi bút của chị nó cũng ngọt bén như lưỡi đao của Bát Lê trong Chém Treo Ngành, chỉ trong một sát na, Nguyễn Tuân đã đẩy nhân vật lên chỗ long lanh đến tận cùng! Có thể người đọc sẽ rùng mình với nhát đao của Bát Lê và ớn lạnh với cục huyết bầm, tóp mỡ… của NgH, nhưng để cho cái đầu không đứt lìa khỏi cổ vẫn còn đó miếng da mong manh giữ lại, còn những thứ quắt queo nhăm rúm kia là của hồi môn và những bài thơ tình thì ắt phải múa cây đao thật nhuyễn, ngòi bút phải ngoáy sâu vào chỗ tận cùng hang hốc của những rung cảm khiến người đọc phải nhảy cẫng lên hay co rúm người lại. Vả lại, những đoạn văn cà kê dê ngỗng, lơn tơn kia bất ngờ bật lên như chiếc lò xo như ở hai truyện Phá Án và Lệch một khấc trong Ác Tính.
 
Để minh họa cho “trò” dao kéo búa rìu của chị, xin mời đoạn đoạn văn ngắn trong Nhăn Rúm: “Vói tay nhặt lên mân mê. Từ chỗ nó chui ra không có cảm giác gì đặc biệt, giống phụ nữ có tháng thỉnh thoảng nhợn ra một cục huyết bầm bằng nửa miếng gan gà. Lạ là thoạt nhìn nó giống miếng tóp mỡ hay thẻo vỏ quýt phơi khô đã trổ màu sậm sì. Phải chăng cái trinh tiết, do bị hãm bởi con ma men và con ma tôi, đã nằm chờ từng ấy năm đến quắt queo nhăn rúm? Chắc cú không phải thai chết lưu, bởi cái nghìn vàng vẫn còn đó nỗi buồn nên nó đành tự sản tự tiêu? Rõ ràng nó là một phần trong cơ thể rụng ra, như cuốn rún của trẻ sơ sinh bị héo do đứt dinh dưỡng từ nhau của người mẹ. Nó là cái gì thì cũng là điều thầm kín, phải được cất ở hốc bí mật dưới tủ thờ cùng với tiền để dành, của hồi môn và những bài thơ tình”.
 
Có thật cách miêu tả như trên là quái đản như Thụy Khê viết? Theo tôi, một sự vật, dẫu xấu xa, dơ dáy, hôi thúi đến tận cùng nhưng khi được bàn tay tài hoa của nhà văn nhào nặn, lôi chữ nghĩa ra làm tên phu phen cõng những thứ đó lên núi cao, có mây trắng, cỏ hoa phơ phất thậm chí là mây mù bão nổi cuộn xô trên đống sỏi đá lổn nhổn thì sự nhào nặn, nắn bóp cũng đã tạo thành một thế giới siêu tượng, huyền ảo để sau đó, cái đọng lại là kết quả của sự dùng búa đóng đinh thật chặt vào ván, tường…
 
Chị đóng, chặt, chém bằng cách nào? Đó là phong cách riêng của mỗi nhà văn giữ kín cho riêng mình. Nhưng xem chừng cái sự kín kia, gọi là bí mật thì cũng không giữ được lâu (như nằm hầm bí mật lâu ngày bị khui, hay tự trồi lên, giơ tay cho kẻ địch quấn mấy vòng dây). Những “bí mật” tưởng như nghìn thu không mở, cuối cùng chị cũng phải thổ lộ với Đặng Thơ Thơ: “… hơn ai hết nhà văn là kẻ ba hoa, xạo ke, láo khoét vì nắm trong tay ngòi bút như một vũ khí mang tính sinh tử đối với người-và-việc trong tác phẩm tùy theo cái cách ông ta vung vẩy nó. Nhân vật xưng tôi khi nói về chính mình thường dối một tí về tuổi tác, trọng lượng, chiều cao, phẩm chất. Thường nhân đôi hoặc chia hai. Thường cộng thêm hoặc trừ bớt”.
 
Với một phong cách như vậy, nhiều người phán, chị là người mau miệng, lanh, thông minh. Mà quả vậy, chị là người rất thông minh khi biết cách “lùa” người đọc cắm cúi chạy theo từng câu chữ của mình. Nếu gạn ra những câu chữ ám vào câu chuyện, thì chị là người lơn tơn một mình trên đường, gặp một kẻ nào đó rồi nắm áo, túm tóc dựng nên một nhân vật, nhiều nhân vật với một bộ dạng của kẻ vừa bị nhấn nước rồi được kéo lên ngay, ngất ngứ, sống động, vừa ngáp vừa cười toe toét… rồi tưng tửng xỏ xâu chuyện nọ chuyện kia dính lẹo vào nhau như thể nhà văn và nhân vật là hai kẻ nhàn du, nói với nhau đủ chuyện họ bắt gặp, nhìn thấy, đôi khi là tác giả và nhân vật rờ chạm vào chỗ sâu kín tận cùng của nhau…? Đến chỗ chấm hết, người viết thì cười hể hả và nhân vật thì vừa cười vừa mếu máo! Nếu như các nhân vật của NgH biết nói chắn chắn chúng sẽ kêu ré lên “bà ác chi ác dữ!”, hay “Úi trời, đã ngứa quá bà NgH ơi! … Coi chừng bị ăn cùi loi!” v.v. Những lời cảm thán trên cũng chính là cảm giác của chính tôi, sau khi đọc xong mỗi truyện của NgH.
 
Cảm giác đó rơi ngay vào truyện mới đọc lại trên Da Màu: “… lập tức bà chủ nhà sa sầm nét mặt, quắc đôi mắt – mà mấy lần gặp trước không thấy nét dữ – phang một cái nhìn bốc lửa lên toàn thân diễn viên bất đắc dĩ. Cái nhìn cháy dọc xuống rồi bò ngược lên, phừng ngay trên mặt diễn viên.”
 
Thêm một đoạn khác: “… diễn viên hạng ba ngồi trên ghế thấp có lưng dựa, đầu gối nhô cao, hai bàn tay đan khít kẹp giữa hai vế, mặt cúi gằm, mắt ngó ngược lên lòi tròng trắng. Y như tử tội ngồi trên ghế điện” (Mộ Chí).
 
Chị quá thông minh khi quan sát và mô tả. Sự thông minh thiên bẩm nơi người phụ nữ viết văn khiến nó sâu xa, sắc sảo, dữ dội, đẩy tất cả những suy nghĩ thông thường của người khác phải nhảy theo đến hụt hơi từ bất ngờ này đến kỳ lạ khác như thể đang bước lạc vào bãi hoang. Câu chữ trong truyện của chị, ví như bàn tay người khác phái gãi trên lưng lúc cơn ngứa bật lên cao trào… và, đôi lúc như nhận một cái tát xây xẩm!
 
Chị cũng là một tay chơi chữ đàng điệu, khi mà hầu hết các truyện không tìm đâu ra sự trau chuốt, làm dáng như một số các nhà văn khác cùng thời, ít nhiều ảnh hưởng dòng văn học hiện sinh “ào ạt” tràn vào miền Nam thời bấy giờ. Ngôn ngữ trong truyện NgH không phải là sáng tạo mới lạ mà tất cả đều hiển hiện trong đời sống thường ngày: đó là những chữ trong các con hẻm nhỏ, truông kiệt, dòng kênh, đồng ruộng, bãi ghềnh… Loại ngôn ngữ này, hiển hiện trong truyện chị không son phấn lòe loẹt, mà như một dòng sông lúc lặng lờ khi ào ào gầm thét, giẫm nát cung cách ngôn ngữ làm dáng tô màu thập niên 60, 70 (XXs.), gần gũi, quen thuộc với mọi người.
 
Cách chị đưa loại ngôn ngữ đó vào văn chương nhiều không đếm xuể. Xin phép ông bạn Trần Hữu Thục mượn hàng tá từ ông liệt kê từ các truyện của NgH: nằm chèo queo, mò mẫm, rị mọ, yếu xìu, quơ cả bụm, khôn tổ cha, xí bùm bum, xụi lơ, xẹp lép xanh rờn, trái cây chín dú, bờ chờ bợt chợt, ngoi ngóp bò ra, thở dài ứ hự, đâu đít nhau, trụi lủi, tỏng tòng tong, nằm chình ình, chạy tới chạy lui như gà mắc tóc, ầu ơ ví dầu, gái gú lăng nhăng, đập cho lòi phèo, tiếc hùi hụi, lóng rày, ngồi tùm hum, bí xị, nợ lút đầu, mướt rượt, gần xịt, trần ai khoai củ, vẹo cổ trật be sườn, ầu ơ ví dầu, ngồi thu lu, lạnh té đái, ốm nhom ốm nhách, đá cá lăn dưa… (Trần Hữu Thục – Đi tìm vài góc khuất trong văn chương Trần Thị NgH).
 
Tuy vậy, không phải lúc nào cõi văn chương của riêng chị cũng rặc những vặn cổ trật be, đập cho lòi phèo, lạnh té đái, xụi lơ, trụi lủi… mà, tỉnh thoảng vẫn có những câu chuyện dễ thương, “hiền như ma soeur” như thể nhân vật đang kể chuyện là cô bé 13, 14. Đó là tản văn Sài Gòn Hẻm, Sài Gòn Mưa trên Da Màu (https://damau.org/67937/si-gn-hem-si-gn-mua), gợi lên nỗi nhớ nhung với những ai từng sinh sống trong những con hẻm nhỏ Sài gon một thời gian đủ đọng lại trong ký ức khi đã xa Sài gòn lâu năm và hồi tưởng lại: không gian, mùi vị, màu sắc và đặc biệt là đêm nằm nghe âm thanh mưa dội trên mái toile trong hẻm nhỏ, sâu. Một đoạn ngắn về các cơn mưa, khi đọc ta có cảm giác như đang quay lại con hẻm năm nào còn là anh sinh viên ở trọ, chàng công chức nghèo, anh lính biên khu về phép… bập bềnh trong trí nhớ, rất xa mà gần cũng quá thể gần, qua từng câu, chữ nối dài với cơn mưa:“Không có ở đâu nghe mưa rõ mồn một bằng từ trong những ngôi nhà lợp tôn của Sài Gòn. Ở Paris mưa rì rì bên ngoài cửa kính. Ở Cali nước tuôn rèn rẹt trên mui xe. Ở Berlin mưa đặc và nhão. Ở Rome mưa ngấm trong đá. Ở Amsterdam mưa rót xuống kênh…”. Mưa ở các thủ đô của thế giới văn minh, tự do qua ngòi bút siết gọn của chị đọc lên nghe  lảng xẹt, lạt nhách, chán phèo không mặn mòi! Nhưng đến cơn mưa ở thủ đô Sài Gòn nghèo khổ đầy bấc trắc thì dễ  thương và đẹp đến nao lòng: “… Chưa biết ở đâu có tiếng mưa rộn ràng như ở nhà. Từng vạt nước rải xuống như người ta vãi đậu lên một cái mâm nhôm. Nằm trùm mền một chiều nhìn ra cửa sổ mưa mù trời, tỉ mẩn lọc từng âm thanh thường ngày đã bị nhận chìm trong tiếng mưa, sao giọng gọi nhau í ới bỗng đục, tiếng mèo kêu chợt ai oán. Rồi tong, tong. Mưa dứt hạt đột ngột như lúc đến. Những giọt nước đọng đâu đó bị gió xô lả tả xuống mái tôn mỏng, nghe như giọng hát so le còn rớt tuột phía sau trong một giàn đồng ca”. Chỉ chừng đó thôi. Dung dị và đẹp, khơi gợi những hoài nhớ một thời lặn hụp với những cơn mưa Sài Gòn.
 
Văn chương của chị là vậy,“xạo” một cách tài hoa!
 
 Nhưng NgH không dừng lại ở đó, chị còn thọt chưn qua lãnh vực hội họa, không biết tự lúc nào; chỉ đến khi ghé nhà thăm nhìn tranh bày la liệt trong phòng khách tôi mới “té ngửa”: Bà này đa tài (thêm tài chơi đàn piano đẹp đến nỗi anh Tô Thùy Yên có lần ghé thăm phải dựng xe trước cổng chờ chị đàn hết bản Sonata số 8 của Beethoven đến mươi phút mới từ tốn đưa tay bấm  chuông!)
 
Chẳng hiểu mấy về hội họa, nhưng tôi mê màu sắc và đường nét. Có phải hai yếu tố này là đôi cánh bay nghệ thuật để chuyển tải những ý tưởng sâu lắng của hội họa…? Lần đầu nhìn tranh vẽ của chị trên các đám mây như nhìn thấy sự nổ tung, phun trào. Lần thứ hai tôi ngắm những bức tranh thật trong phòng khách một cách vội vã với những cảm giác như có nhiều con sâu róm bò lên mặt: ngứa, rùng mình, nổi da gà, ớn xương sống như thể các nhân vật trong tranh xô người xem vào bồn nước đá vừa lạnh vừa  như lửa đốt. Đó là ấn tượng bị xẻ đôi, phân thân khi mắt chạm vào khối màu sắc rờn rợn đó, chẳng hiểu vì sao và không giải thích nổi!
 
Lần thứ ba, cũng với không gian hẹp là phòng khách nhỏ, chiếc bàn là mặt cắt phẳng của loại cây gỗ gì đó, cả 4, 5 chiếc ghế cũng vậy, nhưng trên mặt lại có thêm bức “mộc họa” là những bức tranh siêu thực (làm tôi nhớ lại những chiếc ghế đẩu nơi nhà anh Dương Nghiễm Mậu mỗi lần đến thăm, kê đít ngồi lên những hình nhân, bằng chất liệu sơn mài, từng làm điên đảo một phần thế giới này) như đang chìm lẫn vào trong thế giới hội họa sắp đặt của chị. Đó là những bức tranh treo trên vách, giá vẽ dựng sát lối đi, mấy quyển sách khum cong trong giá trống, chiếc đàn piano phủ tấm voan màu sữa… tất cả dẫn lên cầu thang lót gạch tàu tạo thành không gian mở rộng sáng lóa phía trước.
 tranhngh
nghnguyetvung
tranh Trần Thị NgH., từ trái qua phải và từ trên xuống dưới: Nằm, Thời Dịch Vật; Bật Ngửa; Và Không Ngừng Rơi; Thúc Thủ và Nguyệt Vựng..
 
Cả năm bức tranh kê trên như một thế giới đầy mộng mị, ma quái, huyễn hoặc, phi lý. Tôi không am tường về hội họa (như đã nói), nên không hiểu chị vẽ theo trường phái nào? Còn chị thì nói “tôi theo trường phái cà rỡn”. Xem chừng sự cà rỡn này có thể đánh lừa được người xem chăng?
 
Tranh của NgH giàu sức tưởng tượng, khốc liệt và kỳ dị đến nỗi có người bạn nói với tôi có chút gì đó lập dị ở Thúc ThủVà Không Ngừng Rơi… như tranh của Salvador Dalí (chỉ được ngắm nhìn tranh của danh họa này trên mạng), và vẫn giữ trong đầu những ám ảnh với Nguyệt Vựng (quầng trăng đỏ), Nguyệt TậnNgồi Chơi (chân dụng tự họa, tọa sĩ không đầu), Chấn Thương Sọ Não,v.v…
 
Cách đây 3 ngày, bức Trinh Tiết vừa mới hoàn thành được chuyển cho tôi xem qua đường email với câu cảm thán: “”Thời buổi gì mà trinh tiết có thể chuyển giao bằng email hỡi Trời!!!!????”
 
Trinh Tiết vẫn theo trường phái “cà rỡn” bấy lâu nay, có điều khác với các tranh trước, nó mang hơi thở nhân sinh: Bước ra… Đi đến… rồi Biến mất. Phải chăng NgH muốn bày ra cho người xem nhìn thấu cái vòng biện chứng nhân sinh hay là hành trình của Sáng tạo, Bảo tồn và Hủy diệt (Brahma – Vishnu – Shiva) trong triết học Ấn Độ?
 
Qua màu sắc và đường nét, cảm nghiệm theo con đường triết học Đông phương thì đoạn đường của Trinh Tiết quả là gập ghềnh gian nan để hoàn thiện kiếp nhân sinh trọn vẹn. Trở về với bản thể, với cái gốc uyên nguyên là chặng hành trình chông gai, khó ai vượt qua? Một hình hài câu thúc không chui qua nổi vừng nguyệt mở khép, nổ ra cơn phun trào giãy giụa lầy nhầy màu xanh lợn bợn có liên quan gì tới truyện ngắn Nhăn Rúm: “Từ chỗ nó chui ra không có cảm giác gì đặc biệt, giống phụ nữ có tháng thỉnh thoảng nhợn ra một cục huyết bầm bằng nửa miếng gan gà. Lạ là thoạt nhìn nó giống miếng tóp mỡ hay thẻo vỏ quýt phơi khô đã trổ màu sậm sì. Phải chăng cái trinh tiết, do bị hãm bởi con ma men và con ma tôi, đã nằm chờ từng ấy năm đến quắt queo nhăn rúm”?
 
Tôi chia sẻ bức Trinh Tiết với vài bạn văn thân thiết và được phản hồi ngắn gọn một chữ duy nhất: Độc, kinh, lạ, siêu… Tôi nhắm mắt, đọc lại 4 chữ trên cho Trinh Tiết mà nghe như thoát ra một tiếng Om! Xem ra, khi nhìn ngắm Trinh Tiết cũng như khi đọc thơ Nguyễn Đức Sơn cái đầu và đôi mắt phải trong suốt như khí trời mới có thể cảm hết cái đẹp tồn sinh trong những câu:
 
“Ôi một đêm bụi cỏ dáng thu người
Em chưa đái mà hồn anh đã ướt” (Vũng Nước Thánh)
 
Năm mười bảy có lần anh ngó thấy
Em ở truồng ngoe nguẩy cuối vườn trăng (Nhất Nguyên)
 
Hay:
 
Hột
Thì le  (Thiền sư Tuệ Sỹ cho rằng Nguyễn Đức Sơn đã đạt tới mức thượng thừa (!?)
 
Sự “cà rỡn” của chị làm người khác nộp thở, lên máu. Còn “xạo ke” thì khỏi bàn chỉ vì NgH là kẻ “ba hoa” đến lộng lẫy.
 
Nguyễn Lệ Uyên
(Lái Thiêu, 10/2020 – nhuận sắc tại Tuy Hòa, 10/2024)
 
 

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com