User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
le uyen phuong 25
 
Trong thế hệ ca nhạc sĩ trẻ của nền âm nhạc Sài Gòn trước 1975, cặp uyên ương Lê Uyên - Phương có một chỗ đứng đặc biệt, độc nhất. Sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Phương kéo dài từ đầu  thập niên 1970s ở Miền Nam sang đến tận Hoa Kỳ sau 1975, cho đến khi ông mất vào năm 1999. Nhiều ca khúc Lê Uyên Phương cho đến nay vẫn chưa được chính thức phổ biến, phát hành. Để tưởng nhớ 25 năm ngày mất của người nhạc sĩ tài hoa, ca sĩ Lê Uyên sẽ tổ chức đêm nhạc chủ đề “Lê Uyên Phương 25 Năm Cuộc Đời– Tình Yêu – Âm Nhạc” tại Saigon Grand Center thành phố Fountain Valley vào ngày 7 tháng 12 2024.

Đối với những người yêu mến nền âm nhạc Miền Nam trước 1975, dòng nhạc Lê Uyên Phương là những bài tình ca phổ biến vào bậc nhất. Mãi cho đến tận ngày hôm nay sau hơn nửa thế kỷ, những ca khúc Cho Lần Cuối, Tình Khúc Cho Em, Vũng Lầy Của Chúng Ta vẫn được hát khắp nơi từ trong nước ra hải ngoại, bởi những người thuộc mọi lứa tuổi, mọi thành phần. Thi sĩ Trần Dạ Từ, người giới thiệu Lê Uyên Phương đến với Đài Phát Thanh Sài Gòn trong đầu thập niên 1970s, nhận định rằng Vũng Lầy Của Chúng Ta là một trong những bản tình ca Việt Nam hay và độc đáo xưa nay. Từ Đà Lạt xuống Sài Gòn vào năm 1970, dưới sự giới thiệu của nhà thơ Đỗ Quí Toàn và tổ chức của nhà báo Đỗ Ngọc Yến, Lê Uyên đã trình diễn liên tiếp 19 đêm tại các sân trường Đại Học, quán cà phê, các sân khấu ca nhạc Sài Gòn. Lê Uyên Phương bắt đầu chinh phục khán giả của sân khấu ca nhạc Miền Nam như một hiện tượng âm nhạc.

Nhạc của Lê Uyên Phương có một cá tính riêng, không bị ảnh hưởng bởi những nhạc sĩ đã thành danh thuộc thế hệ trước, mà cũng không sao chép của chính mình. Ca khúc Lê Uyên Phương đa dạng, không theo một khuôn mẫu nhất định, nhưng vẫn phảng phất không khí của riêng mình trong cả giai điệu lẫn ca từ. Đó là những bản tình ca nồng nàn, cháy bỏng của những tình nhân muốn được yêu trọn vẹn trong giây phút hiện tại vì không biết ngày mai có còn được yêu nữa không. Nhạc Lê Uyên Phương đầy khát vọng mà không ủy mị tuyệt vọng, vẫn dành cho tình yêu những hy vọng để được trường tồn.

Ca sĩ Lê Uyên nói với Việt Báo rằng năm nay là thời điểm thích hợp để chị làm một chương trình nhạc lớn tưởng nhớ nhạc sĩ Phương. Ông mất năm 1999. Vào năm 2009, Lê Uyên có thực hiện một chương trình tưởng niệm 10 năm. Đến năm 2019, kế hoạch tổ chức tưởng niệm 20 năm không thể thực hiện được do đại dịch Covid 19. Khi thực hiện chương trình 25 năm lần này, Lê Uyên cho biết vẫn còn có thể hát tất cả 15 bài song ca, một điều mà 5 năm tới chưa chắc có thể làm được. Chị dành nhiều tháng trời để dàn dựng chương trình, chọn bài hát, chọn ca sĩ, với hy vọng đây sẽ là một chương trình để đời về dòng nhạc Lê Uyên Phương.

Chương trình Lê Uyên Phương 25 Năm Cuộc Đời-Tình Yêu –Âm Nhạc sẽ giới thiệu 24 ca khúc tiêu biểu trong hơn 100 tác phẩm của nhạc sĩ Phương, có thể chia thành bốn thời kỳ. Giai đoạn đầu tiên là những ngày bắt đầu sáng tác, khi tuổi mới đôi mươi và chưa thành đôi với Lê Uyên. Tiêu biểu cho giai đoạn này là ca khúc đầu tay Buồn Đến Bao Giờ, sáng tác năm 19 tuổi ở Pleiku, khi lần đầu tiên xa nhà. Ngay từ ca khúc này, người nghe đã có thể nhận ra dấu ấn riêng của dòng nhạc Lê Uyên Phương. Giai điệu đẹp, không theo mô thức thông thường của nhiều ca khúc phổ thông khác; lời ca giản dị, không bóng bẩy nhưng vẫn thâm trầm, sâu sắc:  

Trời mưa mãi mưa hoài
Thần tiên giấc mơ dài
 
Vào cuộc đời sỏi đá, biết mình si mê
Buồn ơi đến bao giờ
Còn thương đến bao giờ
Khi mùa thu còn mang tiếng buồn đêm hè
 
Vòng tay đã buông rồi,
Chán chường in trên nét môi
Muốn lệ sầu dâng nữa thôi đem vào nhau
Dung nhan mang tình yêu
Còn ánh sáng huy hoàng
Tìm ánh mắt, tìm suối tóc khi còn thơ ngây…
 
Giai đoạn thứ hai là những tình khúc của đôi tình nhân Lê Uyên Phương, khởi đầu từ giữa thập niên 1960s, là giai đoạn sáng tác rực rỡ nhất của nhạc sĩ Phương. Với những ca khúc trong các tuyển tập Khi Loài Thú Xa Nhau, Yêu Nhau Khi Còn Thơ… cặp song ca Lê Uyên Phương đã chinh phục hoàn toàn khán thính giả Miền Nam thuộc mọi lứa tuổi vào đầu thập niên 1970s, đặc biệt là giới trẻ. Nhạc của Lê Uyên Phương là niềm khao khát được yêu mãnh liệt, khi tình yêu có thể mất đi bất cứ lúc nào vì căn bệnh nan y của người nhạc sĩ. Trong khi đó, giới trẻ Miền Nam thời bấy giờ cũng lo âu khi tình yêu có thể bị chia xa vì chiến tranh ly loạn. Những đồng cảm mang tính hiện sinh của cả một thế hệ khiến cho những câu hát thật đơn giản của Lê Uyên Phương trở thành bất tử:

Giờ này còn gần nhau, gần thắm thiết trong mối sầu
Gần bối rối biên giới từ lòng đau.
Giờ này còn cầm tay, cầm chắc mối duyên bẽ bàng
Cầm chắc mắt môi ngỡ ngàng
Cầm giá buốt thương đau, ngày mai ta không còn thấy nhau…
(Cho Lần Cuối)    


Giai đoạn thứ ba là những sáng tác của nhạc sĩ Phương khi còn ở lại Việt Nam từ 1975-1979. Đây là những ca khúc rất ít được phổ biến, là những sáng tác mang tính triết lý, nhân sinh quan nhiều hơn là tình khúc. Tiêu biểu của giai đoạn này là tuyển tập Con Người Một Sinh Vật Nhân Tạo. Trong ca khúc Cất Tiếng Hát Giữa Đời sáng tác vào năm 1976, nhạc của Lê Uyên Phương bỗng dưng đổi khác sau ngày định mệnh 30/04/1975 của Miền Nam. Không còn hát cho riêng cuộc tình của mình, người nhạc sĩ muốn hát cho vận mệnh chung của cả dân tộc:

…Tôi đang là một con chim cất tiếng hát giữa đời để đánh thức bình minh
Những tiếng hát ngắn một giây đồng hồ nhưng dài bằng thế kỷ
Tôi đang là một con chim cất tiếng hát giữa đời để đánh thức con tim
Những tiếng hát ngắn một giây đồng hồ nhưng bằng cả cuộc đời…
 
Sau cùng là giai đoạn sáng tác tại hải ngoại từ 1980 đến ngày nhạc sĩ qua đời. Những ca khúc trong giai đoạn này mang tính xã hội nhiều hơn. Đặc biệt nhạc sĩ Phương có nhiều ca khúc phổ thơ: Tôi Đứng Trên Đồi Mây Trắng Bay (thơ Phạm Công Thiện); Tôi Muốn Tin, Tôi Muốn Yêu Cuộc Đời (thơ Nguyễn Xuân Thiện)…

Bên cạnh ca sĩ Lê Uyên, hai nam ca sĩ khách mời của chương trình là Trần Thái Hòa và Đình Bảo. Ngoài ra còn có sự góp mặt của những thân hữu yêu mến và hát nhạc Lê Uyên Phương với tinh thần tri kỷ: Thúy An, Quang Thịnh, Quang Tố, Lương Ngọc Hoa, Lâm Ngọc Dung, Vũ Đan Thi, Phạm Châu Nam, Cao Bá Thông. Những người mà Lê Uyên tin rằng hát như quan niệm của nhạc sĩ Phương: khi mình hát, điều quan trọng nhất là hát với cảm xúc của chính mình. Cả đời ông sống rất thực, viết nhạc với tình cảm thật, đàn và hát với cả trái tim và sự đam mê. Có lẽ vì vậy mà dòng nhạc Lê Uyên Phương vẫn ở lại mãi mãi với những người yêu nhạc sau hơn nửa thế kỷ.

Ca sĩ Lê Uyên tin rằng khán giả yêu mến dòng nhạc Lê Uyên Phương sẽ có một đêm nhạc đáng nhớ. Mọi người sẽ nhớ về nhạc sĩ Phương qua tình yêu và ca khúc, là những thứ có thể trở thành bất tử, vượt lên trên giới hạn trăm năm một kiếp người.

Khán giả có thể đặt vé qua số điện thoại: 714 725 5445.
 
Doãn Hưng
 

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com