Hello, có ông Đan ở nhà không?
“Vâng, Danny đây”
“Tôi là Raoul muốn tới thăm anh”
“Xin lỗi, tôi đâu có quen anh”
Trước lạ sau quen, bữa ni là Hai Mươi tháng Chạp rồi. Tôi nghĩ tôi là ông già Noel của anh.
“Tôi đang buồn. Nhưng ông cứ tới đi ông già Noel”
Thời gian
“Danny, bộ anh không có checking account hả?
“Mới qua đây còn chưa có tiền, không ký trả gì nhiều nên không gởi băng”
“Vậy làm sao trả tiền bill nầy bill nọ.”
“Vậy mới khổ, ra Bưu Điện mua money order hằng tháng. Sáng nay trên đường đi làm, rớt mất hết tiền trả năm cái bill. Tôi đã cẩn thận kẹp tiền nào vô cái bill nấy vậy mà không cẩn thận giữ gìn. Đau nhứt là tiền nhà. Nhiều nhứt. Không trả tiền nhà sợ bị đuổi ra ngoài sân. Lúc nầy trời lạnh lắm. Lại còn tiền gởi cho má tôi ở Việt Nam xài Tết nữa.
Mất hết.
“Đã nói tôi là ông già Noel của anh mà. Nè tiền anh gởi trong đó bao nhiêu vẫn còn nguyên, không thiếu một xu nhỏ”
Thời gian
“Cám ơn Danny đã đưa tôi về, Danny có muốn vào nhà uống ly expresso không. Ngồi nói chuyện đợi một chút là có toritlla ăn tiền?”
“Muốn mà không có Raoul ở nhà tôi thấy không tiện”
“Có gì mà không tiện, mình là bạn mà”.
Thời gian
Rachael có biết mình đẹp quá không? Đẹp mọi nét, mọi chỗ. Mắt, mũi, ngực. Chỗ nào cũng đẹp, cũng gợi cảm.”
“Danny có muốn thử coi thật sự như thế nào không?”
“Muốn quá đi chứ. Cho thử nhe Rachael?”
“Nhưng mà mầy sẽ bị cháy tay. Không phải Raoul mà là tao đây. Tao sẽ chặt tay mầy nếu mầy sàm sỡ”.
Cả hai tuần nay tôi đi bộ một mình, không thấy thằng mắc dịch Raoul như thường lệ. Đi bộ lúc tờ mờ sáng trong vùng vắng vẻ, đất đồi chập chùng không phải là điều ai cũng thích. Tôi thường xuyên uể oải thức dậy khi đồng hồ reo đôi ba chặp khi con Sugar rên ư ử sau khi cào cào vô vách nhiều lần mà vẫn không thấy chủ nhân lên tiếng. Và cũng rất nhiều hôm tôi dềnh dàng thay quần áo cho thích hợp với thời tiết rồi lại nhìn đồng hồ mà tự tha miễn cho mình khỏi bước ra ngoài. Thường tôi gặp Raoul ở trên Đường Số 5, cách nhà tôi, hai ba vuông đường. Nó đang đi tới hay đã đi qua tùy tôi ra tới đường lớn sớm hay trễ. Rồi cuối cùng chúng tôi cũng còn lại cả giờ để đi chung với nhau, nói chuyện trời trăng mây nước cho đến khi chu toàn hết lộ trình. Món nợ hằng ngày đối với thân thể coi như mỗi đứa đã trả xong phần mình. Ngày mai rồi lại tiếp cho ngày mai. Một lần Raoul triết lý rằng thật là oái ăm khi mình tốn vào khoảng một giờ đồng hồ mỗi ngày vào thời còn trai trẻ hay xồn xồn để mong cầu Thượng Đế cho sống thêm chừng năm, mười phút khi đã quá già không còn cục cựa làm ăn gì được nữa. Nói xong nó ngó tôi cười như thanh niên vào độ xuân thì đầy sinh lực, ý chừng để tự thưởng vì đã nói được một câu hay ho. Câu nói đó sau này nhiều lần là điểm tựa để tôi có lý do ngồi xuống bàn nhấm nháp ly cà phê và ung dung coi báo sớm.
Vậy mà lúc đó tôi làm khó Raoul, hỏi vậy mầy coi thời giờ đi với tao là thời giờ chết sao chớ? Tao làm mầy bực mình lắm hả? Thường trước những câu hỏi trẹo bản họng của tôi, nó chỉ cười khổ sở nói qua chuyện khác, dễ dàng hơn cho hai đứa, vì trở ngại ngôn ngữ cũng có mà vì vấn đề tôi đưa ra cũng có. Vậy đó, chúng tôi đi như hai người bạn thân, trong sương sớm, đội sao mai, nhìn vầng trăng tròn khuyết khuyết tròn, qua những cánh đồi thoai thoải, qua những con đường hai bên còn nguyên vẹn vết tích của những loại cây thuộc vùng đầm lầy ngập nước. Ít nhứt cũng năm ngày một tuần, ba năm trời chúng tôi đi bên nhau như vậy. Dọc đường tôi giúp Raoul bằng cách vịn nắp những thùng rác đầy ứ mà thiên hạ kéo ra để trước nhà mỗi sáng thứ Ba và thứ Sáu cho anh ta chồm đầu vô đó moi ra những cái lon nhôm hoa hòe màu sắc. Bữa nào nhiều lon thì coi bộ thằng này hí hửng lắm. Tôi nói thầm trong bụng, cho mầy hít ba cái mùi đó mầy chết sớm tao khỏi vái van cho mầy biến mất trên cõi đời nầy, hay là tao khỏi giết mầy. Ngày nào khi chia tay mà Raoul có được một bao lon bán độ chừng hai ba đồng thì nó hí hửng lắm. Tay mặt nó lúc nầy dơ hẩy, cái quần bò càng dơ hơn mỗi khi nó muốn tay mình sạch sẽ. Tôi tởm khi thấy nó đổ ra đường nước bia còn sót lại trong lon lúc nầy quên với tàn thuốc, tỏa ra mùi nồng nồng đến khó chịu. Nó nhăn nhăn mũi rồi cho cái lon hôi hám đó vào trong bao, cười cười đắc ý. Mẹ, vậy mà còn ít nhứt nó có hai người đàn bà đẹp thương nó hơn thương tôi. Có lần trước khi chia tay để quẹo vô nhà, tôi hỏi Raoul là mầy còn cảm thấy nhói tim và đau bao tử không. Nó cảm động nói là bớt rồi. Hồi nầy tim và bao tử của tao không còn báo sự có mặt thường xuyên nữa. Vợ tao khuyên là bớt bia và đừng có sờ vào thuốc lá. Tôi rủa thầm, vậy mà mấy bộ phận mắc dịch đó cũng không ủng hộ tôi trong khi cơ quan thân yêu trong mình tôi lại ủng hộ nó. Lóng rày tôi ho từng tràng dài xen kẽ với những cái húng hắng khô ran lồng ngực coi bộ hơi nhiều. Hại là mình cảm thấy ngộp thở thường xuyên phải ra ngoài trời hít thở không khí mới chịu nổi. Chắc chắc là phổi đã lủng mấy cái lỗ to tổ chảng và tim đã lớn hơn cả hai nắm tay rồi. Điều nầy chắc không thọ lâu. Mình là thằng thua cuộc từ đầu đến cuối. Vậy thì kế hoạch đặt ra nếu có thành công cũng không biết để làm gì ngoài tâm trạng hãnh diện rằng mình hoạch định một trận chiến thật hoàn hảo. Tôi nói chút nữa mầy có rảnh ghé tao chơi. Ngày nay tao nghỉ, tôi ngừng một lúc quan sát phản ứng của nó rồi nói thêm, mà nếu tao có đi đâu thì mầy cứ tự nhiên, có Hằng, vợ tao ở nhà, nó tiếp mầy. Tôi nói tên Hằng bằng chữ Hăng như nó thường nói và nghĩ tới sự hang around hơi nhiều của nó ở nhà tôi. Nó nói thật lớn trong gió sớm là mầy quên rồi sao, bữa nay Rachael cũng nghỉ, tao ở nhà săn sóc vợ. Quên tuốt luốt. Trên đường về từ hãng, trước cái sự cố đó chẳng là Rachael đã mời tôi bữa nào rảnh tới nhà ăn tortilla hay sao? Tôi nói không quên, nhưng tao nghĩ là mầy thích ngồi uống bia với tao, trong lúc chờ Hằng làm đồ nhậu, mầy nhìn ra vườn rau Việt Nam để nhớ về quê nội ngoại mầy hơn là ngồi nhâm nhi một mình trước cái máy truyền hình vô duyên nhảm nhí. Thằng Raoul khựng lại một tí rồi cười đau khổ quay đi. Tại sao nó không có ý kiến gì sau câu nói của tôi? Tại sao nó cười gượng gạo lộ vẻ đau khổ và tỏn tẻn như vậy? Tôi không ghen. Đàn ông mà ghen là hèn, đồ đáng bỏ đi. Nhưng tôi tức. Đàn ông có quyền tức và khi tức thì được quyền tính toán để làm cho đã tức và chứng tỏ với chính mình rằng ta không phải là phường ngốc tử, vô tích sự. Tôi lan man biện minh cho lòng thù ghét của mình rằng tôi không ghen và không cần ghen. Và tôi nhớ tới hình dáng bộ ngực đầy đặn của Rachael. Bộ ngực có lần tôi bồm xồm tán nhảm là bệ chưng thánh giá đẹp nhứt trần ai. Lần đó tôi được thưởng bằng một nụ cười thật tươi kèm theo tức thì là một cái vo tròn môi cố ý vừa ngạc nhiên vừa phản đối. Tôi mỉm cười nhớ lại cảm giác cũ khi bước chân vô nhà. Có lẽ mọi chuyện sẽ êm ái, nỗi tức tối phiền muộn của tôi rồi sẽ hạ dần trong khi đó tôi chạy theo vợ nó, nó chiếm hồn vợ tôi, tôi và nó bề ngoài vẫn là hai thằng bạn vô biên giới quốc gia. Vậy mà mọi chuyện thay đổi hết khi Hằng bước ra mái hiên đón tôi và hỏi một câu không thể tha thứ được là bữa nay Raoul có đi bộ với tôi hay không. Câu hỏi phải là anh ăn gì như thường lệ chứ! Cả cái câu anh vô uống cà phê, cà phê nguội hết rồi cũng không nghe Hằng thốt ra từ cái miệng đẹp tôi chết mê chết mệt trước đây. Mặt trăng trên không như một lưỡi liềm bén ngót. Tôi nhớ đến một chuyện ngắn của Thạch Lam trong đó một người nông phu vác cái liềm phác cỏ có cán dài đã tự mình cắt phăng đầu mình phía sau ót vì lơ đễnh đã phóng cái cán liềm chọi một con thú nào đó trong khi quên lửng còn cái liềm bén ngót đằng đầu kia. Nếu cái liềm trên không đó thả xuống móc ót thằng Raoul thì tuyệt quá mạng.
Trời sa mù dữ tợn hai ngày nay và còn hứa hẹn sa mù mấy ngày nữa. Tôi thèm thuốc quá cỡ. Hết thuốc từ chiều hôm qua nhưng làm biếng đi mua, vả lại tôi cũng muốn bớt hút điếu nào hay điếu nấy. Vậy mà cơ thể thiếu thuốc của tôi đã dựng đầu tôi dậy sớm hơn thường lệ. Buồn bực trong bụng không thể chịu được. Người xưa nhớ thuốc lào, chôn điếu xuống đào điếu lên, chớ tôi thì uể oải trong mình cách mấy cũng phải chui vô cái xe đầy sương lạnh ngắt để đi kiếm một tiệm tạp hóa mở hai mươi bốn giờ. Phải hút một điếu trước khi đi bộ mới chịu được. Sương mù tối mắt tối mũi. Tôi có cảm tưởng mình là Đường Minh Hoàng du nguyệt điện, đang đi dạo thượng uyển trong mây. Cảnh vật chung quanh mờ ảo nhưng mà diễm tuyệt, lung linh, chúng biến đổi từng giây từng phút và trở thành rõ ràng sắc nét hơn khi xe tôi tới gần. Đồi thoai thoải, che lấp từng khoảng bằng lóng lánh sương tạo cho con đường đi bộ quen thuộc của tôi vẻ bí ẩn, siêu thực. Một con thỏ ngồi lỏ mắt nhìn cặp đèn xe rồi bỗng nhiên chạy vút qua đường khi xe đến gần. Tôi đạp mạnh thắng, mấy cái lon không bỏ dưới chỗ ngồi kế bên được dịp nhảy một bản luân vũ trật nhịp. Một trái banh cũ của thằng con của Hằng lăn cách nào không biết mà lọt vô nằm cản dưới chân thắng. Chiếc xe giờ đây chạy như là chỉ có mình nó trên con đường nầy và tiệm tạp hóa tôi định tới là một điểm vô cực. Tôi cố cúi đầu xuống lấy trái banh kèm theo tiếng chửi thề. Vậy mà vẫn không lấy ra được. Phải ghì tay lái, phải ngó trước mặt nữa. Cái cần thắng tay bị kéo mạnh và cần số bị chuyển đột ngột về số không. Cái xe giựt mình mấy cái mạnh khủng khiếp kêu lên hực hực như con thú bị cắt họng rồi mới chịu ngừng. Ngừng nhưng xe vẫn còn rung nhẹ mình như lúc nhỏ tôi khóc tức hít hít sau một trận đòn tức tửi. Tôi mò lấy trái banh, liệng vào hàng cây mù mờ bên đường. Tiếng trái banh rớt nhẹ nhàng trên cỏ nghe thật mơ hồ như từ cõi xa xăm nào đó vọng về. Con cô hồn các đảng. Nói xong tôi mới thấy mình nhỏ nhoi. Cách đây mấy tháng tôi thương nó lắm, sao bây giờ tôi mở miệng ác độc như vậy? Nó có tội tình gì đâu. Nó vẫn kêu tôi bằng ba ngọt xớt mà. Tôi mở máy xe, xe lên dốc, trước mặt là màu trắng đục vô cùng. Tôi và thế giới chung quanh nhỏ nhoi lọt thỏm vào trong đó. Xe xuống dốc. Trước mặt tôi, dưới chân đồi là một bóng người đi cùng chiều với xe. Com rom cóm róm. Đầu hắn ta cúi xuống giống tư thế của con thỏ ngồi khi nãy. Tôi không thích bóp kèn, ở xứ Mỹ này dường như người lái xe đã quên rằng xe được trang bị một cái kèn, chẳng bù lại ở các xứ khác kèn xe đã bị lợi dụng tối đa, tài xế dùng kèn điện lẫn kèn miệng. Khoảng cách còn hơi xa. Tôi vẫn giữ tốc độ bình thường. Sương mù làm cho người bộ hành đó lạnh và lạnh cả tôi trong xe. Tôi đưa mắt liếc tìm cái nút bật và điều chỉnh máy sưởi. Thói quen bật máy sưởi hay máy lạnh khoảng mươi mười lăm phút sau khi xe chạy không biết từ đâu tôi có. Dường như từ một kiến thức vụn vặt nào đó đọc trong các tờ báo chợ về bảo quản xe cộ. Thật buồn cười, con người ngày nay học lo bảo quản xe cộ mà không học lo bảo quản cái hạnh phúc gia đình hay cái tình bạn hiếm có. Nghĩ tới bạn tôi ước gì người đang đi đằng trước là thẳng Raoul. Không phải nó. Nó đâu có đi tới chỗ nầy, ngã ba vừa rồi là chỗ nó phải rẽ để quanh trở về mà! Nó cũng đâu có đi cái bộ lom khom, thất thểu như vậy. Nó phải có cái bao ny lông cầm tay chớ. Ước gì là nó để tui ủi cho một cái rồi ra tòa cãi vì sương mù tôi không thấy nó nó không thấy tôi. Ước gì là nó để tôi có cái thú làm quan tòa phán xét tội nó đeo đuổi theo Hằng và là chồng của người vợ trẻ trung thành Rachael đã mấy lần làm tôi mất mặt. Xe vẫn chạy với tốc độ sáu mươi mai và bỗng nhiên anh chàng bộ hành vụt chạy băng ngang đường như con thỏ hồi nãy. Mẹ kiếp, lần nầy lại là một lon bia còn nguyên lăn nằm ngon lành dưới chân thắng.
Tôi đọc lại nhiều lần cái thơ thằng Raoul trao trước khi xe cứu thương chở nó đi bịnh viện và đọc lại nhiều lần trước khi tôi bị thẩy vô đây. Hàng trên là chữ của Hằng viết một cái tên Trần Văn nào đó ở Garden Grove không có số nhà. Mấy hàng chữ dưới là bút tích của Raoul bằng một thứ tiếng Anh vỡ lòng và nét chữ của người ít học. Danny vợ mầy nhờ tao kiếm số điện thoại của anh họ nó. Tao nghĩ là không phải anh họ… Mẹ kiếp, vậy là đem cô ta qua đây chưa bao lâu, vừa hơi đủ lông đủ cánh cô ta lại lên kế hoạch lớn bỏ mình mà đi như bao nhiêu trường hợp khác. Đã vậy lại còn tạo xích mích cho hai người bạn, Rachael hỏi sao lâu quá không thấy mầy tới nhà chơi. Con nhỏ cũng tốt, tha cho mình cái tội lần khân bữa nọ. Nhưng không biết lần nầy nó có tha cái tai nạn xe cộ nầy hay không. Mày không đi bộ trùng giờ với tao nữa tao đi một mình cũng buồn nhưng mà phải cố gắng vì bao tử của tao bị lở nặng. Raoul, mầy đừng chết nhe. Hi vọng xe tao không làm cho chỗ bao tử lở của mày nổ bung ra. Vái Trời vái Đất, vái ông già Noel là tao không làm bể bộ phận thiết yếu nào trong người mày. Mày đừng chết, đừng chết, xin đừng chết. Thế giới nầy càng ngày càng đông người nhưng người tốt càng ít đi. Người ta quen biết nhiều nhưng ít đi kẻ đáng làm thân. Mày là ông già Noel của tao đó. Ông gia Noel thực sự, bằng xương bằng thịt. Mẹ! tuổi Dần dao mà lận đận chuyện gia đình vợ con quá mạng, có chút tình bằng hữu cũng tan biến luôn nữa.
Ra khỏi đây tôi thề là không uống bia nữa, mà nếu có uống thì sẽ không mua dư để bỏ lạng quạng trong xe. Còn bây giờ thì tôi phải lo ăn năn để tạ lỗi với ông già Noel có thật của tôi.
Nguyễn Văn Sâm