Tối qua bỗng dưng trời nổi gió. Hết gió rồi mưa. Mưa ào ạt.
Cơn mưa kéo dài từ nửa khuya và chỉ ngưng tạnh khi về sáng. Hơi mưa, như vẫn còn lan man trong không gian ướt, ẩm.
Ông ngồi trong góc tối, ngó ra khu vườn nhỏ. Từng làn gió nhẹ thổi tung những chiếc lá khô trên thềm nhà ra khoảng sân ướt, bay lăn tăn, va vấp trên những hàng giậu. Lá bay khắp cùng, một vài chiếc lá chết, rìa cong quéo đã ngả sang nâu. Chúng vướng vào mấy góc cột gỗ của mái hiên nhìn như những con chim sâu đang gục ngủ.
Mưa, gió, thứ thời tiết se sắt lạnh này luôn làm ông nhớ đến những ngày Thu nơi đất Bắc. Những ngày rét mướt, cả gia đình chuẩn bị hành lý xuôi Nam. Ðất lành, mà cuộc đời đã không lành, đã rách bươm từ độ di dời. Lắm lúc ông nghĩ, nếu như ngày đó ông quyết định không rời quê hương, hoặc người đàn bà ấy chẳng bỏ đi thì cuộc sống của ông có nghiệt ngã như bây giờ không?
Những sợi tóc đen, dài, luôn được giấu kín vào chiếc khăn ống, quấn vòng quanh đầu. Khuôn mặt đầy đặn, trong sáng. Mặt ngọc, khuôn trăng. Người con gái có đôi mắt đen, dài, dưới hai vòng chân mày được tỉa đều, nhướng cao và hơi cong về phía đuôi. Ðường mũi thẳng, chóp mũi kín tròn, thanh tú. Chỉ có đôi môi, vành môi trên hơi nhếch. Ðó không phải là quý tướng theo quan niệm của người đời. Cô đứng cạnh chiếc ghế gụ nâu. Một cánh tay gác trên vai ghế phượng hoàng, được đẽo gọt, chạm trổ công phu. Cánh tay kia buông thõng. Những ngón thanh xuân, mềm mại, e ấp níu hờ vạt áo. Tay áo đủ dài, để không phủ những chiếc vòng lóng lánh nơi cổ tay. Áo nhung đen, hài cườm. Trên cổ là một chuỗi dây với từng hạt ngọc nhỏ, kết thành nhiều vòng thả xuống ngực áo. Cô khoác trên người mọi thứ thanh lịch, quý phái của Hà thành, tầng lớp thượng lưu.
Ngần ấy năm trời ông tưởng rằng mình đã quên. Bây giờ, người con gái với một dung nhan quyền quý trong bức ảnh trắng đen ngày xưa lại hiện về mồn một. Ông đã vứt bỏ nhiều thứ nhưng đó là di vật cuối cùng ông đã cầm trong tay. Ðã tần ngần rất lâu, dùng dằng giữa hai thứ tình cảm vừa thương vừa hận. Nửa muốn cất giữ, nửa muốn dứt bỏ, trước khi ném vào những thanh củi cháy trong bếp lửa. Bức ảnh cháy bén, những cánh tro mỏng manh tan biến trong chớp mắt. Mọi chuyện tưởng đã lụn tàn. Nhưng nó vẫn còn đấy, tội tình.
Thời đó, biết bao thanh niên danh vọng, địa vị để mắt đến vóc dáng xinh đẹp của cô gái. Vậy mà cô đã gạt bỏ tất cả, hất đổ luôn áp lực của gia đình để chọn một gã đàn ông tầm thường như ông. Một gã con trai can đảm, lòng đầy nhân ái xuất hiện phút chốc trong đời cô khi cô gặp nguy nan. Một cảnh anh hùng cứu mỹ nhân, chẳng khác gì tiểu thuyết.
Từ những ngày xưa, mỗi đêm, khi nhìn những sợi tóc xõa mềm như suối chảy của cô được bung ra từ chiếc khăn ống nhiễu đen. Trong mê muội đắm say, ông vẫn tỉnh táo tự hỏi, người đàn bà xinh đẹp quý phái này đã đến với ông bằng tình cảm quý mến, chân tình hay một ơn đền oán trả ? Ông không thể tìm được câu trả lời.
Và người đàn bà đã bỏ đi sau vài năm chung sống. Lời tiếng thị phi đồn rằng bà đã theo một ông lớn vào Nam sinh sống. Bà đã đi Pháp với một ông Tây giàu sụ. Ông không tìm kiếm. Ông hiểu cái nhan sắc thanh lịch quý phái ấy chẳng phải của ông. Chẳng có gì là tuyệt đối vĩnh cửu huống chi một phút yếu lòng. Nhưng còn thằng bé? Sao bà lại có thể đành đoạn dứt bỏ, không hề nhớ đến nó, một đứa trẻ khôi ngô, máu thịt của bà.
Có thể nào cái nhan sắc ấy là cả một oan nghiệt! Ðứa trẻ lớn lên, không mặc cảm là một đứa trẻ mồ côi, thiếu tình thương mà ngược lại. Tính khí ngông nghênh, lang bạt, bất cần đời. Mọi thứ được che giấu bên trong cái vẻ tuấn tú khôi ngô và tính tình vui vẻ của nó. Một điều duy nhất nó chỉ muốn biết dung nhan của mẹ nó ra sao? Là ai, sang trọng thế nào mà những người hiểu chuyện vẫn trầm trồ khen nó đẹp như mẹ nó. Tấm hình đã thành tro bụi. Ðó cũng là lý do gây sự hiềm khích thỉnh thoảng xảy ra giữa cha con. Nhưng chắc chắn chẳng phải từ đó mà cậu thiếu niên khôi ngô trở thành một gã phiêu bạt, gian hùng.
Ông thấy thèm rít một hơi thuốc, nhưng còn quá sớm. Tiếng động điếu đóm vang lên, ít hay nhiều cũng làm một ai đó trong nhà thức giấc. Có lẽ đây là lần đầu ông biết nghĩ tới người khác. Hai người, một trẻ một già đang ngon giấc trong kia, hay có thể cũng đã thức sớm như ông. Mỗi người là một thế giới. Mỗi người là một bóng tối.
Mấy ngày nay ông thấy con bé Ly lẳng lặng hơn. Ừ, thì lúc nào nó chẳng buồn, buồn từ những ngày thơ dại.
Không bao giờ ông có thể quên được hình ảnh gầy còm nheo nhóc của nó. Con bé ngồi lê thơ thẩn trên ngạch cửa ở một căn nhà chờ mẹ về. Nhà cũng chẳng ra nhà. Ðấy chỉ là nơi tụ hội của một nhóm người mà nó là một thành viên nhỏ nhít, khờ khạo. Không có một đứa trẻ nào bằng trang lứa để chơi đùa với nó. Những người lớn chung quanh nó thì họ chỉ liếc chừng, xem nó có chạy đi đâu đó không. Chẳng ai buồn nựng nịu nó một câu.
Máu huyết dòng tộc của ông đấy sao? Ông đã đứng nhìn nó chăm chăm như nhìn thấy một sinh vật lạ lùng. Ðời nó là như vậy, từ tấm bé. Những ngạch cửa là nơi nó thường ngồi đặt những hy vọng. Nó lặng lẽ lớn, côi cút, câm lặng nơi những thềm cửa.
Ngày ấy, bằng mọi cách, ông đã bế nó lên và rời khỏi căn nhà. Ông biết, ông vừa vác trên vai ông một gánh nặng. Không chỉ riêng ông, mà cả người đàn bà chân quê đã theo ông, suốt đời không than vãn một lời trong mọi cảnh huống.
– Tôi xin bà. Hãy thương lấy nó như bà đã từng thương mẹ nó. Cũng là phận đàn bà. Ðó là những lời van xin của ông khi ông mang đứa bé về nhà.
Nhiều năm rồi, đứa trẻ tội nghiệp ấy bây giờ là một thiếu nữ. Hai con mắt thăm thẳm chẳng khác gì người mẹ. Sau này nó sẽ ra sao. Ông không hy vọng cuộc đời nó sẽ tươi sáng hơn mẹ nó. Danh giá, gia phong đã là một thứ không thể có dưới mái nhà này. Người đàn bà bỏ đi để lại một vết chàm. Vết chàm mỗi ngày mỗi loang rộng trong ông. Nó làm ông xấu hổ, không dám ngẩng mặt nhìn ai. Như thế đó! Chẳng bao giờ đứa con gái này có một bến đỗ yên bình cho thuyền đời của nó. Một đứa con gái được sinh ra và lớn lên tự những vết chàm.
Dường như những người đàn bà trong ngôi nhà này đều có những đôi mắt mang nghiệp chướng tự kiếp xưa. Những người phụ nữ tội tình. Ông không làm gì để có thể cứu vãn đời họ. Ông chỉ biết quần quật làm đủ mọi việc để kiếm tiền. Ông và hai người phụ nữ, như ba linh hồn thấp thỏm trong một ngôi nhà mồ. Thấp thỏm đợi những tai ương.
Ông nhìn lên trần nhà, những thanh gỗ ngang dọc chèo chống cả vòm mái như chao nghiêng. Ðầu óc ông bỗng trở nên mụ mị. Ông lại mồi thêm thuốc vào nõ. Từ sáng, từ lúc mọi người rời khỏi nhà, không biết ông đã mồi, đã hút bao nhiêu bi thuốc.
Ông chậm rãi bước ra sân. Rón rén mở cửa vào gian phòng nhỏ nơi Thịnh ở ngày trước và nhẹ nhàng đóng kín khi đã vào hẳn bên trong.
Từ khi người lính tử trận, những đồ đạc của anh đã được gia đình, bạn bè đến lấy mang đi. Cái rương của ông cho Thịnh mượn để cất sách vở, vật dụng cá nhân. Ông cũng muốn cho nó đi luôn, nhưng nó nặng nề cũ kỹ nên không ai thèm lấy. Cái rương là một nỗi đau, lòng ông vật vã buồn mỗi khi nhìn thấy nó.
Dạo đó, đêm nào ông cũng hoảng hốt bật dậy vì những cơn mơ. Giấc mơ toàn một màu vàng của lửa. Lửa bốc cuồn cuộn ở một góc phố, trong một khu xóm. Lửa bén từng ngọn trên các cột gỗ nơi chái bếp sau nhà. Lửa lượn lờ chậm chạp như những con sóng nhỏ liếm láp, chảy tràn lên các đồ vật.
Trong đêm, mỗi khi chợt tỉnh giấc ông đều bước ra sân, đi vào bếp. Ông nhìn từng góc cột, cây kèo. Ông nhìn cái công tắc điện bằng sứ trắng, săm soi từng khúc dây xem nó có hở ở đâu để có thể bị chạm, gây nên một vụ cháy. Rồi ông ngó mông con hẻm trước nhà. Hẻm không lớn, nhưng vừa đủ cho một chiếc ô tô nhỏ chạy vào. Nếu như có xảy ra hoả hoạn, chắc là sẽ không gặp khó khăn cho nhân viên cứu hoả như các khu xóm khác.
Hoả hoạn liên tiếp xảy ra ở những khu xóm lao động. Nơi cư ngụ của những người di cư và cả dân quê tứ xứ, rời bỏ vùng xôi đậu bất an tìm đất sống yên bình nơi thành phố.
Xóm là những con hẻm nhỏ. Hẻm này thông với hẻm kia chằng chịt. Nhà cửa lụp xụp, tối ám. Có nhà có đèn điện, có nhà còn phải thắp đèn dầu. Nhà nào có điện thì lại nối dây cho người khác câu lại, nên dây điện giăng mắc tứ tung. Ðó là những nguyên nhân gây ra hoả hoạn.
Ðề án chỉnh trang lại một thành phố đẹp đẽ, những điều kiện sống an toàn hơn, vệ sinh hơn của chính phủ đưa ra, đều không được sự ủng hộ của người dân. Bởi lẽ, Sài Gòn muôn đời vẫn là vùng đất hứa cho những người lao động, bán buôn. Chỉ cần một gánh chè, một thúng xôi, gánh ra ngồi góc chợ, góc phố nào đó. Hay đi loanh quanh qua những khu xóm rao bán, cũng có thể sống qua ngày.
Từ Bắc vào Nam, từ quê lên thành thị. Sự ra đi nào cũng có nhiều mất mát, và đều phải làm lại từ đầu. Không ai còn muốn một thay đổi nào nữa. Cho dù họ phải sống trong những ngôi nhà bẩn thỉu tối tăm, vẫn hơn là ở một nơi mà mỗi sáng thức dậy nghe tin ông trưởng ấp vừa bị bắn chết đêm qua. Xác anh lính dân vệ nằm vắt vẻo dưới mương, hay bị treo trên những bờ rào. Họ chỉ cần chỗ để che nắng, che mưa. Chỗ ăn, chỗ ngủ êm đềm. Ðêm bình an, không hồi hộp khi nghe những bước chân đi. Tiếng chân khi rón rén, khi dồn dập, âm thanh của sự chết. Không phải phân tâm đâu là bên này và bên kia. Cộng sản hay Quốc gia. Không bị thu thuế bằng gạo thóc, gọi là ủng hộ cách mạng. Những thứ thực phẩm dành dụm dự trữ trong nhà mà phải bằng bao nhiêu mồ hôi nước mắt họ mới có được.
Ở đâu quen đó. Họ có tình hàng xóm. Những con người cùng cảnh ngộ, giúp đỡ đùm bọc lẫn nhau. Việc phải rời bỏ đi một nơi khác là điều không ai muốn. Ngay cả ông, ông đã kinh qua những tang thương vất vả từ thuở nhập cư để có ngày hôm nay. Ông không muốn có thêm một thay đổi nào khác.
Tin đồn tất cả những vụ cháy là do chính phủ gây ra, cố tình phá huỷ, dời dân về những vùng quê xa để xây cất lại. Tin đồn khác thì cho rằng các nhà buôn bán vật liệu xây dựng đã đốt phá, để tiêu thụ hàng hoá. Và một tin đồn mang tính khả thi hơn là do những người phía bên kia, những người được gài ở lại khi chia đôi đất nước.
Họ mới chính là thủ phạm đốt nhà và gieo các tin đồn trên để chống phá, làm cho người dân oán ghét chế độ.
Nếu như nhà nước đã cố tình đập đổ để xây dựng lại, thì khu xóm ông hẳn không phải là mục tiêu. Nhưng ông chẳng tin rằng, một chính phủ không chấp nhận lệ thuộc ngoại bang, đã phải xin viện trợ nước ngoài để có đủ phương tiện đón tiếp cả triệu người dân di cư, giúp họ an cư lập nghiệp lại có thể nhẫn tâm đẩy xô đồng bào mình vào cảnh màn trời chiếu đất. Ông tin thủ phạm chính là họ, thành phần thứ ba trong nghi vấn. Xóm ông đa số là dân di cư, người Công giáo. Là những cái gai đối với Việt Minh, những kẻ nằm vùng, ẩn nấp khắp cùng, đang ngày ngày chờ cơ hội đánh phá.
Cuộc nội chiến đang bắt đầu ở nhiều nơi. Chưa biết điều gì sẽ xảy ra?
Ông gói ghém tất cả tiền bạc, những thứ quý giá, và tất cả giấy tờ vào chiếc va li nhỏ, rồi cất vào rương lớn. Nếu có hoả hoạn thì chỉ cần xách nó chạy ra khỏi nhà là đủ. Ðó là một phương án ông đã suy nghĩ nhiều ngày. Ông tưởng chỉ có mình ông và bà biết.
Tối ấy nó về. Nó vẫn đi đi về về hành tung bí ẩn. Chiếc va li cũng theo chân nó vào một sáng sớm khi ông bà đi giao hàng từ chợ trở về. Suốt một đời vất vả, làm đủ thứ nghề. Bao nhiêu công sức, thu vén dành dụm đã tan tành mây khói. Ông chẳng thể nào quên cặp mắt thất thần, đôi môi run lập cập của bà khi nhìn cái rương trống rỗng, chỉ còn những xấp giấy nhật trình.
Ông rón rén mở nắp rương, mân mê từng lớp lụa được xếp thẳng thớm ngay ngắn. Mùi vải mới xộc lên mũi.
Vài ngày một lần, sau khi đi giao bánh về, ông đã ghé đến cửa hàng cô thợ may đầu chợ để đặt may quần áo cho bà. Cả chục chiếc áo, cả chục chiếc quần. Một chục bộ đủ rồi, làm sao ông có thể biết được một đời người phải cần có bao nhiêu quần áo.
Ông thò tay xuống đáy rương, cầm lấy chiếc túi vải trắng đục được giấu giữa bao nhiêu lớp giấy. Tay ông chạm vào những xấp giấy bạc phẳng phiu, những lát vàng mát lạnh. Công lao của những tinh mơ ngồi tráng từng chiếc bánh ướt, vò từng mâm xôi. Hẳn là không đủ bù cho bà những gì đã mất và sắp mất. Nhưng ông chỉ có được những thứ ấy xin tạ tội cùng bà.
Giờ này hẳn bà đang ngồi sì sụp dâng hương cầu nguyện ở một ngôi chùa. Tội nghiệp bà, lời cầu kinh của bà không biết bao giờ mới vọng được tới đấng Chí Tôn.
Ông nhồi thêm một bi thuốc. Ông ngước mắt nhả khói lên trần nhà…
Một tiếng động bật lên. Âm thanh cuồng nộ như tiếng một cánh cửa bị đóng sầm từ một bàn tay giận dữ. Cánh cửa đời ông đã đóng. Những cột gỗ cao và làn khói đang cùng ông thoát cánh, bay bổng nhẹ tênh dù thân thể ông trĩu nặng.
Phải luồn lách vượt qua những đám người chen chúc mua bán trong ngôi chợ, Ly mới ra được đến con đường lớn. Ly đứng ở một ngã ba, dựa vào cột đèn và khóc. Con bé không còn nhỏ để đi lạc. Cũng không phải là đứa trẻ bị đòn, dỗi hờn ra đường đứng khóc. Hay nó lỡ đánh mất tiền khi bà nội đưa đi chợ? Nó đã lớn bộn rồi, có mất tiền hay lỡ lầm làm một việc gì đó, nó cũng chẳng đứng khóc như thế. Không thể nào đoán được gì ở đôi mắt ướt, đầy những hốt hoảng lạ lùng kia. Một vài người đi qua ném những ánh mắt nửa tò mò, nửa thương hại.
Vậy là ông nội đã chết. Kinh khủng quá! Ly thèm có ai bên cạnh mình, ủi an. Mẹ chưa về kịp. Bà nội cũng có khác gì Ly. Hai bà cháu tái mướt, run rẩy.
Chú Thịnh, tại sao chú lại bỏ đi trước ông? Sao những mất mát lại có thể dồn dập trong một khoảng thời gian ngắn ngủi như thế này?
Khi Ly được phép bước vào nhà thì ông đã được đặt ngay ngắn ở nhà trên, nơi tấm phản. Bà nội phủ lên người ông một tấm mền mỏng, trước khi chạy ra chợ mua vội vàng một tấm khăn trải giường màu trắng.
Ly không được phép nhìn ông. Nhưng cô nhìn thấy những sợi dây thừng mà ông bác gần nhà đã quấn lại và niêm kỹ vào một chiếc túi.
Gương mặt của một người treo cổ chắc phải có gì ghê gớm lắm, nên Ly và bọn trẻ quanh nhà mới bị đuổi ra ngoài cho đến khi ông được khâm liệm.
Ly ngồi bệt xuống thềm, chỗ những buổi tối cô hay ngồi với Thịnh.
Giá như bây giờ có chú. Chú ơi!
Hình ảnh chú Thịnh lúc nào cũng hiện ra trong đầu Ly. Như thể cô bé chưa bao giờ tin rằng người lính ấy đã chết.
Đặng Mai Lan
* Trích đoạn trong tiểu thuyết “Sương Ký Ức” .
* Trích đoạn trong tiểu thuyết “Sương Ký Ức” .
Nguồn: https://vietvanmoi.fr/