hình trên net
Hè năm ấy, tôi vừa học xong lớp Chín, trường tổ chức một chuyến du ngoạn dài ngày ra đảo Phú Quốc; trước là để giảm bớt sự căng thẳng cho các anh chị sau kỳ thi, và cũng tạo cơ hội cho các cô cậu Tú tương lai mở mang tầm mắt, nhờ thế mà khối lớp Chín chúng tôi cũng được tham dự.
Ngày trở về, con tàu bé nhỏ vật vã trong cơn thịnh nộ của đại dương. Để giảm bớt sự rủi ro, nhóm húi cua ở tầng trên được di chuyển hết xuống tầng dưới, nằm tràn lan trên sàn tàu chung với bọn kẹp tóc chúng tôi. Gió giật đì đùng, sóng vỗ ầm ĩ khiến con tàu như một anh chàng say rượu, lúc nghiêng bên này, khi ngả bên kia.
Tuy đã phân chia làm hai khu vực riêng biệt giữa nam và nữ. Nhưng khi con tàu nghiêng bên trái, thì toàn thể đám nam sinh bị bọn con gái chúng tôi dồn sang giành dân lấn đất, và ngược lại, khi con tàu ngả bên phải thì đám kẹp tóc trở thành nạn nhân bị xô ép, dồn cục không thương tiếc. Những thân thể đụng chạm nhau, hết đợt này đến đợt khác. Dĩ nhiên, lúc ấy thì chẳng đứa nào còn tinh thần để nghĩ đến lời giáo huấn của thánh hiền.
Sau khi đã an toàn cặp bến, chúng tôi và các thầy cô ung dung lên xe, rời bến tàu để về trường. Trên đoạn đường dài hơn năm tiếng, hầu như ai cũng mệt mỏi nên mọi người đều nhắm mắt để ngủ, riêng tôi không thể ngủ được, vì cứ nhớ lại chuyện xảy ra trên tàu đêm hôm rồi và câu "nam nữ thụ thụ bất thân" vang lên trong tâm trí, khiến "dung nhan mùa hạ" của tôi lúc ấy hẳn là cực kỳ khó coi vì nhăn nhó. Mai, nhỏ bạn thân, ngồi bên lo lắng hỏi:
- Mi có sao không dzậy?
Tôi lắc đầu không trả lời.
Mai tiếp:
- Mặt mũi mi như người táo bón vậy mà không sao à?
- Tao sợ...
- Đêm qua không sợ thì thôi, chứ bây giờ sợ chuyện gì?
Tôi đáp lí nhí
- Sợ... có bầu...
- Cái gì. Mày có bầu?
Tôi vội đưa tay bịt cái "ống tà la" của nhỏ Mai khi thấy nó nói như hét toáng lên.
- Mày sợ có bầu, nhưng chuyện như thế nào, và xảy ra bao giờ?
Vừa gỡ tay tôi ra, Mai vừa nhỏ giọng.
- Thì hồi hôm đó...
- Hồi hôm ai cũng tả tơi như cái mền rách mà “cha nào” còn có thể làm cho mày có bầu được vậy?
- Thì... mình với bọn nam sinh...
- Mình với bọn nam sinh làm sao?
- Nằm chồng chất lên nhau... Nguyên người thằng quỷ Long đè lên vai và chân tao, bây giờ còn đau nè.
- Thì đã sao nào?
- Ông bà bảo “nam nữ thụ thụ bất thân”. Mình đụng chạm con trai như thế làm sao mà không có bầu cho được!
- Chời ạ!
Nhỏ Mai bật lên một tràng cười khanh khách, khiến cả xe đều hướng mắt về phía chúng tôi dò hỏi. Tôi lại vội vàng phong tỏa cái máy phát thanh của nó và lừ mắt ra chiều giận dỗi. Mai từ từ gỡ tay tôi ra rồi nhỏ nhẹ giải thích:
"Nam nữ thụ thụ bất thân" là lời giáo huấn của Mạnh Tử, có từ đời ông Bành Tổ, chỉ với mục đích khuyên người phụ nữ gìn giữ tư cách. "Thụ thụ" tức là cho và nhận. Truyền thụ tức trao cho, và thụ lãnh tức nhận lấy. Nghĩa đen của câu nói này là nam nữ không được trực tiếp đưa và nhận của nhau vật gì. Ví như người này muốn đưa người kia thứ gì thì phải đặt thứ đó lên bàn và người kia sẽ lấy thứ đó trên bàn chứ không được trực tiếp trao tay. Ý nghĩa rộng hơn là giữa nam và nữ phải giữ khoảng cách, không được có những cử chỉ thân thiết, gần gũi với nhau. Ngoài ra trong sách Lễ Ký cũng có đề cập nam và nữ không được phép ngồi lẫn với nhau, không được dùng chung lược, không được đón tay nhau. Hai người muốn mời nhau ăn trầu, thì người chủ têm trầu, xếp vào cơi trầu, đặt giữa bàn, khách tự nhặt lấy mà ăn, chứ không được trao tận tay, day tận miệng. Câu "nam nữ thụ thụ bất thân” từ lâu đã phổ biến trong cuộc sống đời thường và tự lúc nào đó, nghiễm nhiên trở thành kim chỉ nam cho phái kẹp tóc. Ba Má mình cũng dọa như thế để mình sợ mà giữ mình thôi. Dù đang học ở chương trình trung học, nhưng kiến thức về giới tính của bọn con gái hoặc có thể riêng cá nhân tôi là con số zero to tổ chảng. Cho nên câu "nam nữ thụ thụ bất thân" bị hiểu một cách rất "méo mó”.
Tôi ngập ngừng, dò hỏi:
- Vậy chứ con gái bơi chung hồ tắm với con trai có bị mang bầu không?
- Bạn tôi ơi! Sao mà ngây thơ quá. Nhà ngươi chỉ lo "gạo bài", chẳng chịu đọc sách báo để trau dồi kiến thức phổ thông, nói ra chuyện này, ai mà nghe được chắc cười "pể pụng" luôn.
- Nhưng... làm sao nhà ngươi biết những điều đó?
- Thì phương tiện truyền thông, và mi quên rằng chị Hai tao đã lập gia đình, chị cũng nói cho tao nghe chút chút!
- Vậy hả... Vậy mi chắc chắn là không có gì chứ?
- Chắc như bắp. Về tới trường đãi tao một chầu bò bía, ngày mai tao mang qua cho mượn quyển sách viết về những chuyện này để mày yên tâm. Cười lên đi...
- Hì... hì...
Dù cười nhưng lòng vẫn không yên. Thế đấy, sự ngây thơ trong trắng của lứa tuổi học sinh ngày nào thật ngu ngơ, ngu ngơ đến buồn cười. Nhưng đó cũng là sự hồn nhiên đáng quý, mà giờ đây chúng ta muốn tìm lại thì cũng chỉ còn trong ký ức mù xa, phải không các bạn.
Và còn một chuyện tôi cũng chưa hề kể, đó là ngày tôi có chồng, sau khi đi đoàn tụ cùng chị em và gia đình tại Mỹ.
Sau ngày cưới, vợ chồng tôi chuẩn bị đi hưởng tuần trăng mật, tôi xin anh ấy cho tôi đưa Ba Má tôi đi cùng, anh nhìn tôi với vẻ ngạc nhiên nhưng rồi cũng đồng ý với tôi. Anh có nhắc lại và nói:
- “Lúc em hỏi, anh nghe mà muốn xỉu vậy đó.”
Anh cười thật lớn. Thì thầm bên tai tôi:
- “Ai đời đi hưởng tuần trăng mật mà dẫn theo Ba Má, có lẽ chỉ có em thôi.”
Thêm nữa, cái ký ức mù xa ấy còn nhắc tôi một bài học vỡ lòng, mà đến nay trải qua hơn hai thập niên, vẫn chưa khiến tôi vơi đi niềm ân hận: “Đừng hẹn lại ngày mai những gì có thể làm được hôm nay.”
Cuộc sống êm đềm giữa hai vợ chồng tôi luôn là điều ước ao của bạn hữu. Sự ưu ái của anh đối với vợ con luôn trọn vẹn và hoàn mỹ. Đổi lại, ắp đầy trong trái tim nhỏ bé của tôi là một tình yêu nồng nàn dành cho anh. Thế mà...
Cho đến ngày anh vĩnh viễn ra đi, tôi vẫn chưa nói được với anh một câu mà bất cứ kẻ đãi bôi nào cũng có thể thốt lên trong mọi hoàn cảnh: “Em chỉ yêu anh, nhớ đừng bỏ em!” (và ngược lại). Vì tôi vẫn luôn nghĩ mình còn quá nhiều thời gian để nói điều đó; hôm nay chưa nói thì ngày mai nói cũng chẳng muộn. Nhưng đã muộn thật các bạn ạ! Cho nên hôm nay, trong những chuyện chưa kể, tôi xin nói bằng tận đáy lòng mình: “Em rất yêu anh và chỉ riêng anh thôi”! Cho dù anh ấy có nghe hay không! Các bạn ơi, nhớ đừng hẹn lại ngày mai những gì chúng ta có thể làm được hôm nay.
Người đi một nửa hồn tôi mất
Một nửa hồn kia bỗng dại khờ. (Hàn Mặc Tử)
Một nửa yêu thương giờ xa khuất
Còn lại nửa tôi, sống ngẩn ngơ…
Songthy