User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
baixuanhoangquan
Xuân đã đến rồi… (Ảnh: Tác Giả gởi)
 
Bên cạnh công việc chính trên hãng, mỗi cuối tuần tôi thêm nghề “gõ đầu trẻ”, trở thành cô giáo của trường Việt Ngữ Suối Mở ở thành phố Offenbach, gần thành phố Frankfurt, Đức. Trường do Hội Văn Hóa Việt Nam 2000 thành lập năm 2000. Thật là một tình cờ lý thú, tách tên Offenbach thành hai phần, theo nghĩa tiếng Đức: Offen là mở, Bach là suối. Thế là trường Việt Ngữ được kèm theo chữ Suối Mở. Bên dòng suối tươi mát, có ngôi trường mở rộng cánh cửa đón tiếp những người đến với nhau trong tình thân ái, những người yêu ngôn ngữ Việt, yêu văn hóa Việt.
 
Ngày khai giảng, tôi nhận lớp mới, nhỏ nhất trường. Tôi đặt tên lớp Mẫu Giáo, vì học trò lần đầu đến trường Việt Ngữ, chứ nhiều em đã lên lớp Ba trường tiểu học Đức. Lớp chỉ hơn mười học trò, mà tôi bận rộn như những cô giáo ngày xưa với sĩ số lớp hơn 50 em. Tất cả học trò cần được chú ý đặc biệt. Những ngày đầu đưa con đến trường, nhiều phụ huynh tâm sự, phải năn nỉ các con, hứa hẹn ngày lễ dẫn đi chơi, mùa hè gia đình du lịch xa… Đi học được mấy tuần, học trò cảm thấy đến trường Việt Ngữ cũng vui. Thế là, đến sáng thứ Bảy, học trò chuẩn bị sẵn sàng và nhắc cha mẹ: “Ba Mẹ mau mau chở con đến trường kẻo trễ học.” Nghe vậy, cả phụ huynh lẫn nhà trường cùng vui, cùng mừng.
 
Cách đây hơn 30 năm, thời sinh viên Đại Học Sư Phạm, tôi đã thực tập, dạy Anh văn lớp 11. Tôi chưa biết mình có thể áp dụng vốn liếng sư phạm ngày xưa như thế nào. Nhưng bây giờ, dạy tiếng Việt cho lớp Mẫu Giáo, tôi thực hành châm ngôn: vừa dạy, vừa dỗ. Dỗ ngon, dỗ ngọt để mỗi thứ Bảy học trò chịu hy sinh mấy tiếng đồng hồ, đến trường học. Học trò nào của lớp cũng là học trò đặc biệt nhất của cô giáo.
 
Từ thầy hiệu trưởng đến các thầy cô cũng như ban điều hành của trường vẫn còn trong tuổi lao động. Ai nấy giống Robinson trên hoang đảo, lóng ngóng chờ gặp Friday, anh chàng Thứ Sáu, chấm dứt một tuần lễ tất bật với công việc cày cấy, kiếm cơm. Học trò cũng vậy, trong tuần, các em bận rộn với chữ nghĩa tiếng Đức ở trường Tiểu Học, Trung Học. Nhiều trò còn “gánh” thêm những môn học khác như học đàn, học võ, chơi các môn thể thao, tham gia sinh hoạt của sở cứu hỏa thành phố. Ấy, vậy mà mỗi sáng thứ Bảy, đúng 10 giờ rưỡi sáng, thầy cô, học trò tề tựu đông đủ ở khuôn viên trường Việt Ngữ Suối Mở.
 
Thường lệ, trường học, công sở có giám học, giám thị, giám đốc… Trường Việt Ngữ Suối Mở không có các chức vị “giám” này. Trường Suối Mở chỉ có những người “giám… làm”. Để có mặt ở trường, nhiều người đi về cả 100 cây số. Việc chợ búa phải lo trong tuần, hoặc chiều thứ Bảy. Từ sáng đến trưa thứ Bảy, những người “giám làm” toàn tâm, toàn ý phục vụ trường Việt Ngữ.
 
Ngày xưa, trường học thường có ông cai trường. Ngoài việc mở cổng trường, cửa lớp, đánh trống trường… vợ chồng ông cai trường mở quầy bán hàng ăn vặt cho học trò. Ngày nay, mấy ông cai trường của trường Việt Ngữ Suối Mở “đa năng, đa tài” hơn các ông ngày xưa. Các ông cai đến trường khệ nệ những hộp to tướng xếp đầy bánh mì kẹp xúc xích, phô mai.. hoặc pâté chaud thơm ngon. Khác ông cai trường ngày xưa, các ông cai trường ngày nay tự móc túi mình, mua bánh mì tươi giòn, mua bột, mua thịt, cặm cụi bào chế món ngon đem mời học trò. Giờ ra chơi, thấy bầy trẻ bu quanh quầy thức ăn, vừa ăn uống, vừa rôm rả chuyện trò với nhau, các ông cai trường mặt mày hí hửng, lòng vui như Tết. Các ông bận tíu tít, mời trò này ăn bánh mì, rót cho trò kia ly trà trái cây… Nghề cai trường cho trường Việt Ngữ Suối Mở là công việc không lương, lại tốn thì giờ lẫn tiền bạc. Thế mà, lắm người hớn hở nộp đơn xin việc.
 
Chuông reo hết giờ học, học trò lao nhao ra khỏi lớp, để lại phòng học bàn ghế xô lệch, trên sàn đầy giấy ngổn ngang. Vài bác phụ huynh học sinh le te xách chổi vào các phòng học. Đôi lần thấy bác thủ quỹ lồm cồm bò trên sàn gom những mảnh giấy xé vụn dưới bàn, cô giáo ái ngại, nói giả lả:
 
- Học trò xả rác làm người lớn phải dọn dẹp.
 
Bác thủ quỹ cười, phát biểu một câu dễ thương hết sức:
 
- Không sao cô giáo. Tụi nó cứ việc xả, mình dọn bao nhiêu cũng được. Miễn là tụi nhóc chịu đi học tiếng Việt.
 
Khi nghe bài hát Those were the days rộn rã trong phần cuối của phim Les Grands Esprits, phim về một thầy giáo và cách cư xử trong giờ học với học sinh cá biệt, tôi bỗng dưng liên tưởng đến các thầy cô giáo và các thành viên trong ban điều hành trường Việt Ngữ Suối Mở. Thật ra, lời của bài hát chẳng liên quan đến những người tâm huyết của trường. Nhưng tôi thích câu for we were young and sure to have our way, bởi chúng ta còn trẻ, chúng ta biết rõ con đường mình đi... Đa số chúng tôi đang trên đường về hưu, hoặc đã qua rất xa tuổi thanh niên, tôi không dám lạm dụng chữ young. Nhưng hẳn nhiên chúng tôi sure to have our way. Chúng tôi sẵn lòng bỏ nhiều công sức, thì giờ và nhiệt huyết góp vào nỗ lực gìn giữ tiếng Việt, tiếng Mẹ của thế hệ chúng tôi, cho bầy con cháu sinh trưởng ở Đức.
 
Trường Việt Ngữ Suối Mở theo  nguyên tắc “mùa nào, thức ấy”. Giờ học cuối, trước khi nghỉ hè, học trò rộn ràng tiếng ca: “Hè về, hè về nắng tung nguồn sống khắp nơi…” Tết Trung Thu học trò thi làm lồng đèn, thi vẽ. Nếu trời không mưa gió bão bùng, học trò cùng thầy cô giáo đi quanh trường, cao giọng: “Tết trung thu rước đèn đi chơi.” Nhưng lễ lớn nhất trong năm của trường Việt Ngữ Suối Mở là tết Nguyên Đán. Hội tết Nguyên Đán của trường với chương trình văn nghệ do các nghệ sĩ mầm non đảm trách thật phong phú, hấp dẫn. Từ mùa hè, các thầy cô đã bắt đầu mời học trò làm ca sĩ, diễn viên… cho những tiết mục mừng xuân. Nào là hoạt cảnh Thằng Bờm, nào là kịch Những Người Bạn, nào là những màn múa quạt, múa nón, múa võ… Hai lớp nhỏ đảm trách hợp ca bài Đón Xuân của nhạc sĩ Phạm Đình Chương. Nhiều trò chưa rành mặt chữ, nhưng vẫn chăm chú nhìn lời ca và hát theo. Các ca sĩ tí hon phát âm chưa được “tròn vành, rõ chữ”, mà vẫn véo von hai bè. Nhóm này: “kìa trong vạt nắng” vừa dứt, nhóm kia hát đuổi tiếp ngay: “kìa trong vạt nắng”. Ô, biết đâu, các bé đây sẽ là hậu duệ của ban hợp ca Thăng Long.
 
Sau nhiều tuần chuẩn bị, ngày hội Tết Nguyên Đán của trường Việt Ngữ Suối Mở diễn ra thật tưng bừng. Nơi đây đang cuối đông, trời đất vẫn co ro trong giá rét. Nhưng hội tết của ngôi trường Việt Ngữ Suối Mở, đã mang đến cho mọi người hương xuân tươi vui, một ngày hội xuân đáng nhớ với nhiều ấn tượng đẹp đẽ. Ra về, mọi người vẫn còn  ấm áp bên tai lời chúc xuân tươi, xuân lành. Chúng ta có thể nuôi dưỡng niềm tin và hy vọng rằng vẫn còn nhiều người yêu tiếng Việt. Các em, các con, các cháu sẽ vẫn nói được tiếng Mẹ. Giữa những bận rộn của gánh nặng cơm áo nơi trời Âu, chúng ta có được những giờ phút vui cùng nhau, cùng sinh hoạt trong tình thân ái. Những kỷ niệm quý giá này làm đẹp, làm tươi con đường chúng ta đi và là những khoảnh khắc hạnh phúc thăng hoa cuộc sống của chúng ta.
 
Trong trí tôi vang vang lời ca tươi tắn của các ca sĩ tí hon: “Kìa trong vạt nắng, mạch xuân tràn dâng…”
 
Hoàng Quân
Cuối năm Quý Mão 2023

Tìm các bài VĂN khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com