Chuyện tình Valentine's Day
1.
Trời xanh lơ, dịu dàng. Chơi vơi đôi ba cánh ưng chao liệng tìm mồi. Rừng thông bát ngát xanh kín rặng núi trùng điệp xa xa. Con đường đất từ ngôi nhà ra đến khu rừng chỉ vừa hai người đi lọt, cỏ tranh mọc um tùm hai bên. Đến bìa rừng, con đường bỗng doãng ra thành khu đất trống, trên đó trơ trọi một mái nhà nhỏ cũ kỹ làm toàn bằng thân gỗ thông trông như nơi trú ẩn của những người liều mạng đi khai phá đất đai, tìm vàng thuở miền đất này còn hoang vu, yên ắng.
Khu “làng” khuất sau đám cỏ và rừng thông. Chỉ còn lại thiên nhiên bao la và hùng vĩ. Có cái gì rờn rợn, bí hiểm của thiên nhiên Bắc Mỹ khiến con người đứng trước cảm thấy sợ sệt, e dè. Thiên nhiên ở đây không gần gũi con người. Nó không dung chứa bất cứ ai. Nó ngạo nghễ như vị chúa tể đầy quyền uy, lạnh lùng và khó hiểu.
Doãn mặc quần gin xanh, áo ca-rô bằng vải cô-tông dầy. Trông anh xa lạ bên cạnh Mai trong bộ quần áo còn nguyên vẹn dấu vết thị thành. Đến gần ngôi nhà nhỏ, Doãn quay sang bảo Mai, giọng anh trầm ấm:
“Mấy năm gần đây thông phần bị đốn phần bị cháy nhiều quá nên núi rừng trơ trụi trông đến thảm. Dạo anh mới về, rừng thông rậm rạp ra đến tận đầu con đường đất dẫn vào làng. Đêm ngủ thỉnh thoảng còn bị chú nai hay chú gấu bụng đói đến gõ cửa đòi vào nhà. Thế mà chỉ sau bảy tám năm trời, người ta đốn thông còn nhanh hơn tằm ăn dâu.”
“Em thấy rừng thông còn dày đặc che kín mặt đất đến tận chân trời cơ mà.” Mai trả lời hình như chỉ để cho có chuyện, “Anh chỉ khéo lo xa…”
Doãn ngừng lại như ngẫm nghĩ. “Dĩ nhiên thông còn nhiều lắm, nhưng em nghĩ xem, cứ đà này kéo dài năm mười năm nữa thì lúc đó làm gì còn thông để chúng ta ngắm nữa.”
Nếu Mai không ngắt lời Doãn, bảo đã đói bụng lắm rồi thì chắc anh còn đứng đó thuyết giảng cho cô nghe một thôi một hồi nữa về tình trạng nhân mãn vô phương cứu chữa trên mặt hành tinh này, về những khó khăn con người sẽ phải đối phó trong tương lai vì thế giới càng ngày càng đông đúc, vì vùng ô-dôn trên thượng tầng khí quyển đang bị xói mòn, vì hàng chục chứng bệnh đang lan tràn cách đáng sợ mà vẫn chưa tìm ra phương thuốc chữa trị, vì môi sinh đang bị tàn phá dữ dội, vì nhiều loại thú rừng, cá biển đang bị tuyệt chủng, vì nhiệt độ địa cầu đang nóng dần, vân vân. Cô đưa mắt nhìn Doãn. Ánh mắt anh xa xăm, tư lự, như lúc nào cũng đang suy nghĩ điều gì hệ trọng. Vầng trán cao có những nếp nhăn chồng chất. Tóc mai hai bên thái dương lốm đốm bạc. Nét mặt anh khắc khổ như vị Linh Mục dòng Tên. Anh vẫn không thay đổi. Vẫn già trước tuổi. Vẫn xa cách cô như đại dương. Và không hiểu vì sao sau gần ba chục năm, cô và anh lại vướng vào nhau cách lạ lùng khó hiểu như vầy.
Hai người biết nhau từ khi Mai còn là cô nữ sinh trường Tây ở Sài Gòn và Doãn sinh viên trường Kiến Trúc. Lúc đó hình như Doãn làm ca trưởng một toán du ca thanh niên nào đó và Mai, cô gái con nhà giàu, tham gia đoàn du ca làm những công tác xã hội như cái mốt của thanh thiếu niên dạo ấy. Biến cố Ba Mươi tháng Tư bứng cô và Doãn ra khỏi đất nuớc. Hai người gặp lại nhau sau biết bao biển dâu dời đổi. Mai biết Doãn vẫn còn yêu cô và hằng năm cô lên ở với anh vài tuần trong khu làng hẻo lánh giữa vùng đồi núi trùng điệp này. Vài tuần thôi. Vì chỉ sau một tuần cô đã chán ngấy ngôi nhà nguy nga tráng lệ xây toàn bằng gỗ thông và kính đen tuyệt đẹp do chính tay Doãn vẽ kiểu. Chỉ một tuần, nỗi buồn mang mang vô cớ mỗi khi nhìn về khu rừng thông ngút ngàn, tím thẫm bên kia đồi khiến cô rùng mình kinh hãi. Chỉ sau một tuần cô nuốt không nổi những bữa cơm có khăn trải bàn trắng tinh, rượu vang óng ánh, và những món thịt nhạt nhẽo do chính tay Doãn nấu nướng. Sau một tuần cô thèm kinh khủng không khí bụi bặm dưới phố phường. Cô thèm ngồi trong những quán ăn sang trọng, bồi bàn thắt nơ đen, ăn những món ăn khoái khẩu đắt tiền. Cô nhớ những hộp đêm mù mịt ánh đèn ở West Hollywood, nơi có những cặp tình nhân chếnh choáng men say ghì nhau trong sóng nhạc. Sau một tuần, cô lại chia tay Doãn, nhìn anh chậm chạp đưa cô ra phi trường, lặng lẽ đứng nhìn cô bước lên phi cơ rồi lủi thủi quay về nơi chốn tẻ lạnh của anh.
Cứ thế, hai người như Ngưu Lang, Chức Nữ mỗi năm gặp nhau một lần vào tháng Bảy mưa ngâu. Nhưng cô là Chức Nữ trở về với sự hăm hở cho những phiêu lưu mới cô vẽ ra trong lúc nằm nhàn rỗi một mình giữa ngôi nhà vắng lặng của Doãn. Hạnh phúc là hăm hở lên đường. Cô đi tìm hạnh phúc trong đời sống bằng cách luôn luôn tạo sự hăm hở lên đường như vậy.
Nhưng lần này, sau sáu năm trời đi đi về về, cô hết sức muốn nói với Doãn câu, “Anh Doãn, em muốn chính thức về làm vợ anh.” Cô nói thầm như vậy trong đầu nhiều lần suốt thời gian ngồi trên phi cơ. Ý nghĩ khiến cô thấy ấm áp trong lòng. Nhưng khi gặp Doãn, anh bận bịu tíu tít công việc và phần khác cô cứ ngượng ngùng nên vẫn chưa thổ lộ được điều ấp ủ trong lòng.
2.
Lev Tolstoy mở đầu tác phẩm bất hủ Anna Karenina của ông bằng câu: “Những gia đình hạnh phúc đều giống nhau; còn mỗi gia đình không hạnh phúc thì không hạnh phúc cách khác nhau.”
Anna Karenina không có hạnh phúc bên cạnh người chồng xấu tính, ích kỷ nên nàng đi tìm tình yêu nơi chàng Bá Tước Vronsky trẻ tuổi hào hoa. Nhưng cuối cùng nàng thất vọng và phải đi tìm cái chết. Vronsky có thể cầu hôn Kitty vì lúc đó Kitty đang yêu chàng tha thiết, và biết đâu chàng sẽ hạnh phúc bên cô gái xinh đẹp dễ thương ấy. Nhưng chàng đáp lại tình yêu của thiếu phụ Anna và chấp nhận mọi sóng gió cuộc đời sau đó. Sau khi Anna, trong tuyệt vọng, gieo mình vào đầu máy xe lửa tự kết liễu đời mình thì chàng cũng chẳng còn thiết tha vui sống trên cõi đời này nữa. Chàng xung phong ra chiến trường Serbia. Chàng cũng đi tìm cái chết. Những người không hạnh phúc giống nhau một điểm là đi tìm cái chết.
Lẽ ra Tolstoy phải nói thêm như vậy trong câu mở đầu tác phẩm của ông.
Mai là người sinh ra để đàn ông theo đuổi. Cô dậy thì rất sớm. Từ năm mười bốn tuổi cô đã có người theo đuổi, tỏ tình. Lớn lên chút nữa, nhà cô không lúc nào ngớt bóng đàn ông con trai tìm đến mong có ngày được lọt mắt xanh cô. Lũ đàn ông đó, sang, nghèo, đẹp trai, trí thức, nghiện ngập, du đãng, trước mặt cô bình đẳng như nhau. Họ mang số thứ tự trên người và cô tuần tự mở cửa mời đón hết người này đến người kia vào những trò chơi tình ái do cô đặt ra. Có ngườI vì cô đi tìm cái chết. Có người sinh ra oán hận tình yêu, trở thành thi sĩ (và như thế có thể xem như chết rồi).
Khi đã chán những trò chơi tình ái, Mai lấy chồng. Nhưng không ai ngờ người chồng Mai lấy lại là người đàn ông hơn cô đến mười lăm tuổi. Ông ta là một triệu phú khi mới ngoài ba mươi và đã có một đời vợ trước. Cô quyết định lấy ông ta trước sự phản đối của bố mẹ cô, nhưng sự phản đối im dần khi những chiếc nhẫn kim cương cùng vòng vàng lóng lánh tìm cách bò vào nằm chật kín hộp đựng nữ trang mẹ cô, và thế lực bố cô không chút sứt mẻ sau một loạt những bài báo phanh phui chuyện hối mại quyền thế, tham nhũng tày đình của ông. Dĩ nhiên, chàng rể tương lai – kém bố vợ có năm tuổi – đã khéo léo tung tiền không tiếc tay để lấy lòng cha mẹ vợ.
Trong những cuốn tiểu thuyết cô đọc lúc đó, chỉ có cảnh con gái bị ép duyên lấy chồng giàu chứ bao giờ có chuyện ngược đời như cô. Mai về nhà chồng, cho chồng một đứa con gái, cố gắng gầy dựng một mái nhà, nhưng đó là mái nhà không hạnh phúc.
Ép duyên là chuyện trong tiểu thuyết, không xảy đến cho Mai, nhưng trong những cuốn tiểu thuyết cô đọc, các cô gái không còn trinh tiết khi về nhà chồng thường bị chồng xem thường, rẻ rúng và đôi khi đày đoạ. Chuyện đó có xảy ra ngoài đời, nhất là giữa xã hội Việt Nam thời cô. Cô sống với người chồng được hai năm thì ôm con bỏ về nhà bố mẹ. Cho đến bây giờ cô vẫn không hiểu sao cô có thể chịu đựng tới hai năm trời. Chồng cô là gã đàn ông ích kỷ lạ lùng và thô lỗ như con dã nhân. Khi biết cô không còn trinh tiết, ông ta không ngần ngại giở tất cả những trò bẩn thỉu trên cõi đời với cô và gia đình cô.
Người chồng thứ hai của cô là một nhà văn hạng xoàng. Nhờ quen biết chạy chọt khéo, anh ta được ở Sài Gòn làm thư ký tòa soạn cho một tờ báo quân đội. Anh ta mê cô nhưng cũng mê những cô vũ nữ ở các vũ trường Sài Gòn thuở đó. Thi thoảng anh ta còn ăn cắp tiền của cô đi bao gái. Lúc đó cô làm bí thư cho một sĩ quan cao cấp quân đội Mỹ nên tiền bạc cô mang về nhiều hơn anh ta. Cô bỏ qua tội ăn cắp vặt nhưng đã đuổi cổ anh ta ra khỏi nhà sau khi anh ta tát trái đứa con gái riêng bảy tuổi vì nó làm điều gì trái ý anh ta.
3.
Khi lớn tuổi hơn một chút, cô thường than thở với bạn bè thân quen là số cô chẳng bao giờ có hạnh phúc. Nhưng Hạnh Phúc dưới mắt cô là gì? Có lẽ nó chỉ giản dị là sự đáp ứng đúng chỗ, đúng lúc những nhu cầu bản năng của con người. Nghèo đói: không hạnh phúc. Không tình yêu: không hạnh phúc. Không được thỏa mãn ái ân: không hạnh phúc. Hóa ra hạnh phúc chỉ quanh quẩn ở những cái phàm tục tầm thường đó sao?
Nếu vậy, con người tương lai sẽ hạnh phúc biết bao.
Con người tương lai sẽ nghĩ cách chế tạo ra máy hạnh phúc, một cái máy phục vụ con người như máy điện thoại, máy hát, máy truyền hình, máy vi tính bây giờ. Sự sung sướng của con người, nhìn dưới mắt các nhà khoa học, chẳng qua chỉ là những phản ứng hóa học trong não bộ được kích thích nhờ những luồng thần kinh phân tán khắp nơi trên cơ thể. Một ngày kia, các nhà bác học vĩ đại của nhân loại sẽ tìm ra các phản ứng hóa học đó vận hành ra sao rồi bắt tay chế tạo ra cái máy Hạnh Phúc. Thế là ai cũng có hạnh phúc. Từ người già đến em bé. Từ người sang giàu đến kẻ nghèo hèn. Lúc đó người ta chỉ việc ra tiệm bán đồ thiết bị mua về chiếc máy đặt ở phòng ngủ và muốn hạnh phúc thì chui vào máy vặn nút lên. Máy sẽ có đủ các cơ phận để chọn lựa, từ sự sung sướng khi nghe lời ton hót phỉnh nịnh cho đến tuyệt đỉnh cao nhất của nhục cảm ái ân.
Đời sống giản dị và tuyệt vời đến thế là cùng.
Và giả thử lúc đó Lev Tolstoy có sống lại cũng chẳng phải tốn công viết một thiên truyện bảy tám trăm trang biện biệt thế nào là hạnh phúc.
4.
Sáng nay Doãn có việc bận nên Mai ở nhà một mình. Cô lười biếng nằm dài trên chiếc sô pha bọc da màu đen trong phòng khách. Phòng rộng thênh thang, trần nhà cao như vòm nhà thờ. Nằm đây, qua lớp kính đen dày, cô nhìn ra rặng núi xa xa ẩn hiện mờ mờ màu tím thẫm. Cô cười thầm với ý nghĩ mình là nàng công chúa ngủ trong rừng thẳm và ngôi nhà này là chiếc quan tài bằng pha lê, chung quanh rừng xanh cây lá cùng thú rừng chim muông làm bạn. Nhưng rồi cô lại quay về ý nghĩ dai dẳng theo đuổi cô cả mấy năm nay là làm sao Doãn có thể sống một thân một mình trong ngôi nhà này. Tại sao anh chọn cuộc sống giữa vùng đồi núi trùng điệp cách ly với tất cả mọi người thân quen? Anh tìm thấy gì khi sống cô độc như một ẩn sĩ?
Doãn bảo cô anh chán thị thành lắm rồi và anh quả tìm ra sự yên lặng trong tâm hồn từ khi dọn về đây. “Thực ra, về đây ở tưởng như về hưu nhưng không phải thế đâu.” Anh bảo cô, “Ban ngày làm việc sở túi bụi. Chỉ trả lời email cũng hết cả tiếng đồng hồ. Cuối tuần ít khi nào anh được thảnh thơi ở nhà. Không giúp trang trí nhà hát để họ trình diễn một vở kịch nào đó thì phải đánh đàn trong ban nhạc. Rồi hội chợ, họp hành liên miên quanh năm suốt tháng. Em đừng nghĩ cái làng không quá hai trăm ngôi nhà này là nơi an trí tuổi già.” Mai cười thầm khi Doãn gọi nơi anh ở là làng. Làng gì mà toàn nhà cửa đắt tiền, căn nào căn nấy đồ sộ như tòa lâu đài.
Doãn chợt bước vào nhà. Anh ôm trên tay túi đồ ăn, cổ chai rượu vang ló ra khỏi túi. Anh bảo Mai:
“Vợ chồng ông thị trưởng mời tụi mình tối mai đến nhà dùng cơm. Bà vợ ông ta muốn gặp em. Trước khi về đây sinh sống bà ấy dạy Kinh tế học dưới Đại học S.”
“Em biết nói chuyện gì với bà ấy?” Mai lười biếng đáp lời Doãn.
“Chuyện đàn bà thì thiếu gì.”
Mai thấy vui vui trong lòng. Cô tiếc không đem theo bộ quần áo đẹp nào để tối mai mặc. Kể cũng “oai” đấy chứ khi được ông bà thị trưởng, dù là thị trưởng cái thị trấn heo hút trên đầu núi với hai trăm nóc nhà, mời đến nhà dùng cơm. Nhưng Doãn về đây sinh sống không phải để được bầu bạn với vợ chồng ông thị trưởng. Mai biết rõ lắm lý do tại sao anh bỏ thành thị về ở ẩn nơi hoang dã này. Anh là người khác thường và người khác thường không sao chung sống được với những người bình thường như Mai.
Mai nhớ đêm trước ngày cô lên xe hoa về nhà chồng lần đầu. Đêm đó trời mưa tầm tã, cô đang ở trong nhà với mẹ cùng chị người làm chuẩn bị cho ngày cưới. Khoảng mười giờ chị người làm gõ cửa phòng bảo cô có người lạ mặt đến tìm. Mai thò đầu ra cửa thấy khuôn mặt một gã con trai mặt ướt đẫm nước mưa. Cô hỏi anh ta cần gì. Anh ta tự giới thiệu tên rồi lúng búng trong miệng mãi mới thốt được câu, “Tôi là bạn Doãn. Doãn nhờ tôi đến nói với chị… xin chị hoãn lại đám cưới.” Mai sửng sốt nhìn gã con trai mặt ướt đẫm nước mưa, không nói được điều gì. Như đoán trước thái độ này của Mai, gã lạ mặt nói tiếp, “Doãn yêu chị từ lâu... Chị hiểu chứ?” “Không, tôi chẳng hiểu gì cả. Tại sao anh Doãn lại yêu tôi?” Mai chỉ nói được chừng đó. Gã con trai nói xong hình như trút được gánh nặng vội vã chào Mai rồi quày quả bỏ đi.
Câu hỏi của Mai thật ngớ ngẩn. Doãn phải yêu Mai cũng như sáng mai mặt trời phải mọc. Hôm đầu tiên Mai đến tập hát với đoàn du ca Doãn làm ca trưởng, anh bị chấn động ngay tức khắc. Nhìn khuôn mặt Mai anh có cảm tưởng như vừa hớp phải ly rượu mạnh. Mai hát giọng còn non nớt, sau buổi tập hát cô ở nán lại sau khi mọi người ra về. Doãn ngồi xuống dương cầm tiếp tục luyện cho cô hát. Và những buổi sau. Lần nào anh cũng thấy thời gian trôi qua nhanh quá. Mai đứng thật sát anh, lúc nào cũng nũng nịu dịu dàng, mùi da thịt con gái nồng ấm. Đầu óc anh luễnh loãng như say thuốc. Mai về rồi anh ngồi thừ ra bên cạnh đàn, lòng ngổn ngang khâu vá.
5.
Doãn đâu biết đó chỉ là trò chơi của Mai. Như mọi gã đàn ông con trai khác, trên người anh mang số thứ tự, một con số không nhỏ, để cô lần lượt mời đón vào vườn chơi của cô.
Khi nghe tin Mai sắp lấy chồng, Doãn như điên lên. Anh đến đập cửa nhà Phú, bạn anh, năn nỉ anh bạn này đi làm công việc hết sức ngớ ngẩn và điên khùng là ngăn cản đám cưới của Mai. Dĩ nhiên, thoạt nghe chuyện, Phú giãy nảy lên, “Cậu điên quá, Doãn ạ. Chẳng đời nào Mai chịu hoãn lại đám cưới. Cậu bảo Mai lấy chồng vì áp lực gia đình. Cậu căn cứ vào đâu mà nói như vậy? Còn nữa, giả như Mai chịu hủy bỏ đám cưới vào ngày mai, cậu có hy vọng gì Mai sẽ ưng lấy cậu không?” Phú nói thật đau cốt cho Doãn bớt điên, nhưng Doãn không đôi co đấu lý với Phú làm gì. (Trái tim có lý lẽ riêng của nó. Tôi đồng ý câu nói sáo mòn thật nhưng bạn có cách nói nào khác không?)
Doãn không bao giờ có hy vọng lấy Mai làm vợ nhưng anh cũng chẳng thể nào bảo Phú anh chỉ mong Mai hoãn lại đám cưới để anh được gần gũi Mai thêm ngày nào hay ngày đó, được ngồi bên dương cầm tập hát cho Mai, hít thật sâu mùi da thịt thơm tho nồng ấm của Mai vào hai buồng phổi mình, đầu óc ngất ngây như vừa hít vào liều ma túy mạnh.
Ngồi trên nệm xe dưới cơn mưa tầm tã trong lúc Phú lội nước vào nói chuyện với Mai, Doãn thấy mình điên khùng thật. Nhưng đó là cái điên khùng của tuổi trẻ. Sau đó anh tự trách mình mãi và cảm thấy vô cùng xấu hổ với Phú và đám bạn cùng trang lứa khác. Phú tốt bụng và thương bạn. Anh đưa Doãn ra quán nhậu và uống rượu thật say đêm hôm đó. (Chàng trai thất tình nào cũng biết uống rượu.) Nhưng sau này, khi bước vào tuổi trung niên, già dặn hơn, trải nghiệm hơn, Doãn thấy kỷ niệm đó đẹp quá. Anh tiếc mình đã không điên hơn thế nữa.
Tuổi trẻ nào cũng có những điên khùng trong tình yêu. (Người lớn chưa yêu đã lột quần áo nhau làm tình, điều đó điên khùng không kém nhưng chẳng bao giờ để lại kỷ niệm đẹp.) Điên khùng của tuổi trẻ là sự thật đau đớn lâu ngày biến thành giấc mơ. Giấc mơ trở nên đẹp đẽ với năm tháng bởi nỗi đau tan biến và còn lại là hình ảnh thi vị của tình yêu. Hình ảnh này không trung thực nữa, nó bị ảo hóa theo thời gian và được khuếch đại bởi thần trí tưởng tượng của chúng ta. Chúng ta muốn nó đẹp như thế nào, nó sẽ đẹp như thế đấy. Bởi thế hành vi điên khùng ngớ ngẩn của Doãn cái đêm trời mưa như trút nước biến thành thiên tình sử trong cuộc đời anh. Doãn thật là điên khi bắt Phú ngồi băng sau xe máy đoạn phóng chạy như bay dưới cơn mưa tầm tã của trời đêm Sài Gòn. Chạy mãi cũng đến gần nhà Mai nằm trong khu giàu có của đô thành. Doãn bảo Phú, “Nhà Mai số 55, cậu vào gặp Mai, chuyển lời tôi dặn xong đi ngay.” Phú xuống xe nhưng chưa chịu đi. Anh đứng nhìn những hạt mưa quất vào mặt mũi Doãn loang loáng dưới ánh đèn đường. Anh thấy thương bạn vô hạn. Doãn tài hoa nhất trong đám bạn bè sinh viên trường Kiến Trúc. Ngoài tài vẽ anh còn giỏi nhạc. Tiếng đàn của anh làm thổn thức khá nhiều trái tim thiếu nữ. Anh còn là người dễ mến, tính tình khoan hòa, mềm mỏng. Tại sao anh không yêu một cô gái nào đó trong đám bạn bè chín mười đứa trai gái lúc nào cũng quây quần xúm xít bên nhau? Tại sao anh không như Phú yêu Yến, cả hai đều là mối tình đầu, đằm thắm, chân tình, chưa học xong nhưng đã nhẩn nha ngồi tính chuyện tương lai, mua nhà ở đâu, đẻ con mấy đứa. Tại sao Doãn chọn yêu một cô gái không ai có thể hình dung có ngày trở thành vợ anh? Phải chăng tình yêu là cái gì không sao định nghĩa nổi. Lại một câu nói sáo mòn. Hình như tôi chẳng phát hiện ra được ý tưởng gì mới mẻ hơn ngoài những câu nói sáo kiểu này, nhưng bạn chê tôi đành chịu bởi tôi không phải nhà tâm lý có khả năng vạch tâm hồn con người ra và thấu thị nguyên do, động cơ nào đưa đến tình yêu.
“Điên đến thế thì thôi!” Phú lẩm bẩm trong lúc đầu đội mưa lầm lũi trong đêm tối tìm nhà Mai. Nhìn thấy ngôi biệt thự sang trọng, anh đưa tay bấm chuông.
Đám cưới Mai tiến hành linh đình ngày hôm sau, và ít lâu sau Mai nghe tin Doãn lấy vợ.
6.
Doãn lấy vợ được một năm thì biến cố Ba Mươi tháng Tư xảy ra. Cùng với hàng trăm ngàn thanh niên khác ở miền Nam, Doãn bị lùa vào trại cải tạo, nhưng sau ba năm anh được thả về. Về nhà một thời gian anh bảo vợ:
“Hiền, tụi mình chắc phải đi vượt biên thôi chứ sống sao nổi nơi đây.”
“Vâng, em cũng thấy vậy. Em dành dụm được ba cây vàng, có thể mượn gia đình thêm hai cây nữa là đủ.” Vợ anh hiền lành (hình như các cô gái tên Hiền đều... hiền lành). Cô lại vén khéo, biết buôn bán tảo tần nên mặc dù thời kỳ đó cả nước đói mà vợ chồng Doãn không đến nỗi thiếu ăn.
Chuyến vượt biên của vợ chồng Doãn bất trắc ngay từ giây phút đầu. Khi chiếc ghe lá mong manh chở gần chục con người ngồi thụp trong lòng ghe bập bềnh trôi ra cửa biển, Doãn nghe tiếng Hiền lẩm bẩm đọc kinh. Chưa thấy thuyền lớn ở điểm hẹn đâu, thuyền máy của công an đã lù lù xuất hiện. Đèn pha chiếu sáng lòa và tiếng loa đầy đe doạ vang lên trên mặt sông. Có người hốt hoảng đứng lên, thêm người nữa và chiếc ghe nhỏ lật úp. Tiếng người kêu la trên mặt nước khuấy động cả khúc sông. Doãn chỉ kịp nhìn thấy mái tóc đen dài của Hiền xõa trên mặt nước. Anh nhồi lên chụp được người cô. Một tay ôm chặt vợ tay kia ra sức sải rồi cứ thế anh nhắm hướng bờ sông bơi vào. Lúc nằm lăn trên mặt bùn nhão nhoẹt, Doãn thấy tai mình ù đi, miệng thở dốc, nhưng anh vẫn nghe thấy tiếng hai tên công an biên phòng đang rần rật chạy tới. Hai tên còn trẻ lắm, nghe giọng nói chừng mười bảy mười tám là cùng, tay cầm súng AK, đến nơi dí vào người anh.
“Đù má, vượt biên hả? Cho mày chết.”
Doãn biết là không còn đường thoát nữa nhưng qua hơi thở dốc từng hồi, anh cố hết sức cất tiếng van xin hai tên công an:
“Mấy anh làm ơn làm phước cứu vợ tôi. Trong túi tôi có ba chỉ vàng. Năm cây vàng chủ ghe giữ, tôi sẽ lấy trả các anh sau.”
Nghe có nhiều vàng, hai tên công an hỏi tới:
“Vàng đâu? Đù má, không có vàng, không cứu.”
Hai bên nói qua nói lại một chặp vẫn chẳng đi đến đâu. Hai tên công an đòi phải có ngay năm cây vàng mới cứu người. Doãn bảo cứu người trước rồi vàng sẽ đưa sau. Anh đã lấy lại phần nào hơi thở. Anh quay sang nhìn Hiền đang nằm lả như chết rồi bên cạnh. Thốt nhiên anh hoảng hốt tột độ vì mặt Hiền lúc đó sưng phù lên như người bị phù thũng. Trông cô như kẻ nào hoàn toàn xa lạ. Anh lật người Hiền lên dí mặt mình sát vào mặt cô luôn miệng gọi tên cô. Cô vẫn nằm thiêm thiếp, không một cử động nhỏ nào chứng tỏ đang hồi phục. Chạy vụt ngang đầu anh ý nghĩ hay là mình cứu lầm người? Anh bứt khuy áo ngoài của Hiền rồi lôi áo trong ra cố nhìn. Nhờ ánh đèn pin của hai tên công an chiếu vào, anh thở hắt ra nhẹ nhõm khi nhìn thấy tên và địa chỉ người thân bên Mỹ viết bằng bút chì tô đậm mặt trong áo lót của Hiền. Hai tên công an vẫn lớn tiếng chửi rủa và đòi tiền. Thấy anh quay đi, không trả lời, một tên lấy chân đá vào cạnh sườn anh một cái đau điếng kèm theo tiếng chửi thề, tên kia trở ngược báng súng thúc vào ngực anh một cái thật mạnh. Anh ngất đi.
Khi tỉnh dậy anh thấy mình nằm trong một gian phòng bẩn thỉu, đau nhức từng khúc xương từng thớ thịt. Mấy hôm sau anh hay tin vợ anh chết, xác vùi nơi nào đó ngoài vũng lầy cạnh bờ sông. Nghe tin, lòng anh đau như cắt. Nhưng rồi anh sống, trở về và vượt biên lần nữa. Lần này anh đi trót lọt.
7.
Sang Mỹ định cư, anh gặp lại Mai. Anh kể cho cô nghe về cái chết của Hiền.
“Về sau anh có tìm ra xác của chị ấy không?” Mai hỏi anh.
“Không, ở tù ra anh mò xuống cả thảy ba lần mà không tìm thấy xác Hiền.”
Hai chuyện theo ám ảnh suốt cuộc đời anh. Chuyện thứ nhất là cái đêm mưa anh chở Phú đến nhà Mai yêu cầu Mai hoãn làm đám cưới, chuyện thứ hai là cái chết của Hiền. Chuyện thứ nhất anh đem ra nghĩ ngợi khi nào thấy thanh thản trong lòng, như lúc ngồi thư thái nhìn cảnh chiều tà. Chuyện thứ hai thường trở về trong những giấc mơ, ác mộng thì đúng hơn. Anh bị nó hành hạ không ít nhưng anh không đi bác sĩ tâm thần chữa trị vì có lẽ anh muốn bám giữ hình ảnh của Hiền trong ký ức dù là những hình ảnh kinh hoàng ghê khiếp đến bủn rủn tay chân.
Lúc gặp lại Doãn, Mai đã ngoài ba mươi. Gia đình cô di tản trước ngày Ba Mươi tháng Tư mấy hôm nhờ người sĩ quan Mỹ tận tình giúp đỡ phương tiện. Lúc đó cô đang làm bí thư cho ông ta. Mai thành công trên đất Mỹ dễ dàng. Gia đình cô định cư ở vùng Nam California và chỉ sau thời gian ngắn sinh sống cô trông thấy thị trường địa ốc nơi đó là cơ hội làm giàu cho bất cứ ai có tham vọng đầu tư. Cô còn bảo xứ này là xứ tư bản và cô nhảy vào thị trường chứng khoán.
Mai đang sinh sống với người chồng thứ tư khi Doãn đến thăm cô lần đầu trong ngôi nhà kiến trúc kiểu Địa Trung Hải nguy nga tráng lệ nằm lửng triền đồi nhìn ra biển. Chồng cô người Nam Mỹ gốc gác tận Argentina, nước da rám nắng, cao lớn đẹp trai như một tay đấu bò. Anh ta bắt tay Doãn với vẻ thân thiện gượng gạo. Doãn thấy lạ lẫm với thế giới của Mai. Mai bây giờ khác Mai ngày xưa xa quá.
Năm năm trời anh vùi đầu đi học lại ngành Kiến Trúc. Sau khi ra trường anh được một tập đoàn Kiến Trúc ở Los Angeles nhận vào làm việc với số lương khá cao. Anh làm việc giỏi và ngay cả khi anh bỏ Los Angeles lên sinh sống hẳn nơi vùng đồi núi này họ vẫn giữ anh làm việc. Công nghệ hiện đại cho phép anh làm việc ở nhà. Anh vẽ đồ án trên máy vi tính, vẽ xong phần nào, chỉ mấy giây đồng hồ sau, đồng nghiệp anh ở Los Angeles hay London đã có trước mặt. Mỗi năm anh chỉ phải bay về họp với công ty chừng ba bốn bận hoặc khi có chuyện cần kíp.
Cũng là chuyện tình cờ mà anh về đây. Anh hay lái xe díp một mình đi cắm trại trên rừng núi. Có lần đi ngang đây thấy cảnh đẹp như trong tranh, anh thích lắm. Gần bìa rừng dưới những rặng núi cao chớn chở có một khu nhà lúc đó còn thưa thớt, chừng ba bốn chục căn mọc rải rác xen lẫn thông và đá. Những tảng đá trắng to sầm sập như hòn núi nhỏ. Anh ngừng xe bước vào một cửa tiệm hàng xén mua ít thức ăn cho ba ngày trên núi. Đứng sau quầy tính tiền là người đàn bà đứng tuổi mồm miệng mau mắn. Anh nói đùa với bà ta, “Sống ở đây tuyệt thật. Ước gì tôi có ngôi nhà như ngôi nhà kia.” Anh chỉ sang ngôi nhà bên kia đường. Bà ta tay bấm máy tính tiền miệng bảo anh, “Lão Bill đang bán đất đấy. Ông muốn mua thì ghé vào nói chuyện với lão. Đất rộng cả năm mẫu nhưng tôi biết lão bán với giá rẻ mạt. Lão già yếu lắm rồi, con gái lão bắt lão dọn về dưới phố để nó lui tới thăm nom. Lão chẳng thích bỏ nơi đây về sống dưới phố đâu. Ai đã lên đây rồi là ở tới chết.”
Tưởng đùa mà hóa thật. Theo lời chỉ dẫn của bà bán hàng mau mắn tốt bụng, từ đường cái anh rẽ vào con đường đất gập ghềnh khúc khuỷu một chặp khá lâu mới thấy ca-bin của lão già Bill. Ông già tiếp đón anh niềm nở và việc mua bán xong xuôi trong vòng nửa tiếng đồng hồ.
Mất hai năm trời anh mới xây xong ngôi nhà anh đang ở. Suốt thời gian đó anh đi đi về về và những lần ở lại nhiều hôm để kiểm điểm việc xây cất, anh ở tạm trong ca-bin gỗ thông của ông già Bill. Ngôi nhà anh xây là niềm hãnh diện chung cho cả dân “làng”. Tờ Architectural Digest có lần gửi phóng viên đến chụp ảnh ngôi nhà. Từ ngày anh về, dân số trong “làng” tăng gấp bốn năm lần, toàn dân giàu có hoặc cựu chính khách về hưu sớm. Mọi người trong “làng” đối xử nhau như người thân. Anh trở thành bạn thân của vợ chồng ông thị trưởng. (Chòm xóm chưa tới hai trăm ngôi nhà nhưng không thiếu một cơ quan hành chính nào kể cả thính đường dùng để hoà nhạc và diễn kịch.)
Tại sao anh về đây chọn cuộc đời như một ẩn sĩ? Tôi chỉ có câu trả lời không mấy chắc, đó là: có lẽ anh sợ hãi con người. Anh nhìn ai cũng ra hai tên công an biên phòng gián tiếp giết vợ anh và đánh báng súng vào ngực anh đến gãy xương sườn. Có lần vì nể nang người bạn mới quen anh đến tham dự một buổi hội thảo chính trị do cộng đồng di dân người Việt ở Los Angeles tổ chức. Diễn giả và những người tham dự hết lời lên án chế độ Cộng sản Việt Nam. Họ đồng thanh đi đến kết luận chủ nghĩa Cộng sản là một chủ nghĩa phi nhân, vì nó mà đất nước Việt Nam nghèo đói, tang thương như hiện nay. Diễn giả nói chuyện rất hay, kiến thức chính trị của ông ta uyên bác, và những điều ông nói nghe đều hợp lý, nhưng trong lúc ông đứng trên bục với bài nói chuyện hùng hồn, cử toạ vỗ tay rào rào giữa bầu không khí sôi động, anh chợt nghĩ đến hai tên công an biên phòng. Hai tên chắc chẳng biết chủ nghĩa Cộng sản méo tròn dài ngắn ra sao. Vốn liếng chữ nghĩa của chúng có lẽ chỉ vừa đủ cho chúng biết đánh vần tên mình mà thôi. Thủ trưởng chúng ăn nói chắc chỉ hơn con vẹt một chút. Đầu óc chúng như thế làm sao chúng tiếp nhận được chủ nghĩa gì, cho dù đó là thứ chủ nghĩa Cộng sản bào chế lại tại Việt Nam. Chúng chỉ là những con người ngu xuẩn và dốt nát. Nhưng chúng đối xử với người đồng loại dã man tàn bạo còn hơn loài thú. Trong những giấc mơ anh thấy chúng hiện nguyên hình là hai con ác quỷ trấn lột vợ chồng anh và ném vợ chồng anh xuống vực sâu. Anh đâm ra nghi ngờ câu nói “Nhân chi sơ, tính bản thiện” của Mạnh Tử.
Có lẽ bởi thế anh không chút ngần ngại bán rẻ ngôi nhà anh đang sống ở Los Angeles, nơi người ta có thể móc súng ra bắn chết kẻ chạy xe trên xa lộ chỉ vì kẻ đó vô ý phóng xe lấn đường của mình, chất ít đồ đạc lên xe díp rồi lái một mạch về đây.
Anh ít gặp Mai. Thi thoảng một cú điện thoại thăm hỏi từ sở làm. Từ ngày bỏ Los Angeles về đây anh lại càng ít gặp cô hơn. Một hôm anh đi đâu về, vừa đặt chân vào nhà thì có điện thoại của cô, “Anh Doãn, Mai đây. Em đang ở phi trường S. Anh đến đón em.” Anh lái chiếc díp Cherokee chạy mất hai tiếng đồng hồ đến đón cô về ngôi nhà anh mới xây xong. Cô bảo anh cô cần nghỉ ngơi vài hôm cho thư giãn đầu óc. Tối đó cô và anh ngủ chung giường, lần đầu tiên hai người làm tình với nhau. Ba tuần lễ sau anh đưa cô ra phi trường về lại Los Angeles. Thế mà đã sáu năm trời trôi qua.
8.
Bạn đọc chắc trách tôi kể chuyện sao sơ ý đến thế. Ở một phân đoạn trước tôi thuật về hai người chồng đầu của Mai, nhưng đến phân đoạn sau tôi nói thoáng qua về người chồng thứ tư của cô, anh chàng gốc xứ Argentina có khuôn mặt trai lơ, người bắt tay Doãn khi anh đến nhà cô lần đầu. Vậy người chồng thứ ba của cô ở đâu, sao không thấy nhắc đến? Không, tôi không cẩu thả như bạn nghĩ đâu. Cô ở với người chồng thứ ba một thời gian chưa đầy ba tháng. Ông ta chính là người sĩ quan Mỹ cưu mang cô và gia đình cô từ Việt Nam sang Mỹ mấy hôm trước ngày Ba Mươi tháng Tư, và tận tình giúp đỡ cô thời gian đầu mới định cư nơi đất nước này. Ông đã có vợ nhưng về Mỹ một thời gian ông ly hôn vợ và đến cầu hôn cô. Lúc đó ông đã ngoài năm mươi. Về với Mai được hơn hai tháng, một hôm ông đang dọn dẹp ngoài phòng khách bỗng ngã quỵ xuống thảm. Người nhà đưa ông vào nhà thương cấp cứu nhưng đến nửa đêm ông trút hơi thở cuối cùng. Ông chết đi để lại cho Mai một gia sản không nhỏ, chưa kể tiền bảo hiểm nhân thọ bồi thường.
Mai lao đầu vào việc kiếm tiền. Cô làm ra tiền nhiều đến nỗi nhiều lúc cô ngạc nhiên không hiểu tại sao tiền vào dễ dàng như vậy. Với đồng tiền kiếm được cô ăn tiêu như bà hoàng. Nhưng cô không biết một điều là tiền vào dễ bao nhiêu thì khi đi ra cũng dễ bấy nhiêu. Thời điểm thấp nhất cuộc đời kiếm tiền của cô là lúc cô khai phá sản rồi mà sở thuế vụ liên bang vẫn chưa tha. Cô làm một đồng họ lấy ngoém một đồng. Cô phải bán ngôi nhà nguy nga trên đồi nhìn ra biển xanh lộng gió, dọn về thành phố thuê căn hộ một phòng ngủ nhỏ xíu. Anh chàng điển trai gốc Nam Mỹ nhảy Tango đẹp như vũ sư cũng bỏ cô trốn biệt nhân lúc cô vắng nhà. Anh ta không ra đi với hai bàn tay trắng. Anh ta nhét đầy túi tất cả vòng vàng kim cương cô cất trong hộp nữ trang. Cô giận lắm định thuê người kiếm anh ta cho bài học nhưng nghĩ lại thấy tiền thuê nhà tháng tới còn chưa có thì lấy tiền đâu thuê người “dần cho thằng đĩ đực một trận nhừ tử” đây? Những người lúc trước xun xoe xung quanh bây giờ cô gọi không bao giờ trả lời. Họ sợ cô vay tiền họ.
Cô chán nản bỏ vào mở nước tắm. Trong lúc tắm cô nghĩ đến Doãn.
Cả cuộc đời cô chẳng yêu thương người đàn ông nào và hình như chẳng người nào yêu thương cô thật lòng. Họ chỉ biết dùng tiền cô hoặc chiếm đoạt thân xác cô. Cô chợt rùng mình khi nghĩ đến tất cả những người đàn ông đi qua đời cô. Hình như lúc nào cô cũng tìm cách lẩn trốn ý nghĩ đó. Ngoài bốn người đàn ông mà cô cho là chồng chính thức, cô còn ăn nằm, chung chạ với khoảng trên dưới ba mươi người khác. Có thể hơn, làm sao cô nhớ được con số chính xác? Có thời cô còn đi lại với hai ba người một lúc. Có hôm, buổi sáng làm tình với lão già đầu hói, giám đốc tập đoàn buôn bán cổ phiếu giàu bạc tỉ, trong khách sạn ở New York khi trời mưa tuyết bên ngoài, buổi tối lăn lộn trên mặt nệm sa tanh mát rượi trong căn phòng lộng gió biển Thái Bình. Với cô hạnh phúc là sự hăm hở lên đường.
Nhưng lúc này đầu óc cô đang bận suy nghĩ đến Doãn trong lúc vòi nước hoa sen thi nhau bắn xuống thân thể cô những tia nước ấm áp dễ chịu. Tim cô bỗng se thắt lại, rần rần một cảm giác lạ lùng cô chưa bao giờ bắt gặp trong đời. Cảm giác ấm áp như được che chở bao dung. Cô như kẻ lạc đường trong bóng tối bỗng nhìn thấy ngôi nhà le lói ánh đèn xa xa. Phải chăng Doãn là ngôi nhà đó? Cô chợt thấy mình có lỗi với Doãn quá.
9.
Doãn thật lạc lõng trong ngôi nhà nằm lửng triền đồi nhìn ra bãi biển Corona Del Mar đẹp như trong tấm bưu thiếp. Anh mới chân ướt chân ráo sang Mỹ được nửa năm. Mai bảo anh không được từ chối lời mời đến dự buổi tiếp tân chiều Chủ Nhật cô tổ chức tại tư gia để ăn mừng cơ sở làm ăn mới của cô.
Lúc anh bấm chuông, bà người làm người Mễ đã định không cho anh vào nhà vì tưởng anh là thợ làm vườn. Chiều hôm ấy, trời khá nóng, anh mặc quần gin xanh, áo sơ mi nhàu nhĩ bỏ ngoài quần, chân đi xăng đan. Mai nhìn kịp và chạy vội ra kéo anh vào. Trong nhà đầy người, đàn ông đàn bà ai cũng áo quần lịch sự. Người ăn mặc lộng lẫy nhất là Mai. Cô chạy tới chạy lui tiếp khách, lúc cười nói pha trò với một cặp vợ chồng Mỹ, lúc tuôn tràng tiếng Pháp bằng giọng Pháp tuyệt hảo với người đàn ông có hàm râu quai nón màu hung đỏ. Nhưng lúc nắm tay gã đàn ông cao lớn, nước da rám nắng biển, có nét mặt của một tay đấu bò, áo mở khuy phanh ngực đầy lông lá, cô lại dùng tiếng Tây Ban Nha. Cô kéo gã lại giới thiệu Doãn, “Anh Doãn, đây là Jorge, chồng em.”
“Chào ông ngô nghê.” Doãn bắt tay gã đàn ông, chữ “ngô nghê” anh nói bằng tiếng Việt.
Mai cười ngặt nghẽo, “Anh thật đáo để! Ai bảo anh hiền?”
Jorge bắt tay Doãn gượng gạo như thể ngầm bảo anh đừng lộn xộn, Mai là của tôi, anh léng phéng tôi đâm anh chết tươi như đâm chết con bò mộng giữa đấu trường đầy tiếng hò reo đắc thắng kia. Bắt tay gã xong Doãn đứng lại nói vài câu xã giao đoạn bỏ đi kiếm rượu ngồi một mình, vừa uống vừa nhìn ra biển xanh. Mai thi thoảng liếc nhìn thấy Doãn định lại nói với anh cái gì nhưng người này người kia trì kéo, chuyện trò tới tấp đến nỗi cô không hở giây phút nào. Đến lúc hơi thư thả, cô nhìn sang thì không thấy bóng Doãn đâu nữa. Có lẽ anh đã lặng lẽ bỏ ra về, không một lời từ biệt với ai.
10.
Cô thấy có lỗi với Doãn. Vòi nước vẫn thi nhau bắn xuống người cô. Cô không muốn tắt nước vội dù đã tắm xong. Cảm giác êm ái khi nghĩ về Doãn khiến cô không muốn bước ra, cô sợ nó tan biến mất nếu cô tắt vòi nước. Cô đứng trong bồn tắm, mắt nhắm lại, mặt hơi ngửa lên, hai tay ve vuốt khắp thân thể. Bốn mươi rồi nhưng cô biết người cô vẫn đẹp. Cô không còn nét thanh tân của thời con gái nữa, nhưng thân thể đàn bà kiều mị chín muồi của cô lúc nào cũng toát ra nét hấp dẫn khôn tả. Cô lấy tay xoa nhẹ bờ ngực. Ngực cô căng tròn, hai đầu vú đỏ hồng. Cô tưởng tượng nếu làm tình với Doãn sẽ ra sao. Trước đây cô chẳng bao giờ mở cánh cửa tâm trí đón nhận hình ảnh con người Doãn đi vào trái tim cô nên lúc nào anh cũng chỉ là cái bóng mờ. Nếu có người hỏi cô mặt mũi Doãn như thế nào chắc cô khó lòng miêu tả cho trôi. Thốt nhiên chỉ trong tích tắc, cô thấy Doãn rõ ràng hơn bao giờ hết. Cô thấy khuôn mặt Doãn đàn ông quá sức. Hình như anh giống người nào cô có lần nhìn thấy, không phải ngoài đời mà trên sách báo. A, đúng rồi! Pasternak! Nhà thơ vĩ đại của nước Nga bao la. Boris Pasternak! Khuôn mặt khắc khổ, hai môi dầy, mũi to thô tháp, nhưng đôi mắt thì sâu và đầy cảm xúc như muốn nhìn thấu suốt tâm hồn người đối diện. Lẽ ra Doãn phải là nhà thơ. Vâng, không biết anh có làm thơ không nhưng tiếng đàn của anh thì rất thơ. Sô-na-ta Ánh Trăng của Beethoven, hành âm thứ nhất, hình như ai chơi dương cầm cũng biết đàn khúc này nhưng ngay cả những tay diệu thủ chẳng mấy ai lột được nét thơ của tiếng nhạc. Tiếng nhạc như giọt trăng rơi xuống lòng người. Tôi đoán Mai không hiểu biết âm nhạc lắm đâu, nhất là nhạc cổ điển. Nhưng nhìn nét mặt Doãn lúc ngồi trước phím đàn cô cảm được phần nào tiếng nhạc. Cô ước ao khuôn mặt đầy cảm xúc đó gục xuống bờ ngực trắng ngần của mình. Thốt nhiên Mai lên cơn thèm khát ngay trong bồn tắm. Trong lúc đầu óc cô nghĩ đến khuôn mặt khắc khổ của Doãn thì bàn tay phải cô đưa xuống xoa bóp vùng tam giác trái cấm của mình thật lâu và cơn khoái cảm ùa lên vỡ tung như lần đầu tiên được yêu trong đời.
Khi cơn khoái cảm tắt ngúm, cô thở dốc rồi không tự chủ được cô bật lên khóc. Cô khóc to lắm, tiếng khóc át cả tiếng nước chảy và cô không biết mặt mũi cô ướt nhẹp vì nước mắt hay vì nước từ vòi sen phun xuống. Cô ngồi bệt xuống sàn bồn tắm, hai tay bưng mặt khóc rưng rức như đứa trẻ. Cứ thế cô khóc mãi. Cô muốn khóc cho thật hả. Đúng rồi, chẳng bao giờ cô khóc cả. Suốt cuộc đời cô chỉ toàn nghe tiếng cười, tiếng cười của cô và những người xung quanh. Không có tiếng khóc, tiếng cười trở nên vô nghĩa, vô vị quá. Hạnh phúc không phải là lúc nào cũng giòn giã tiếng cười.
Sáng hôm sau cô hủy bỏ chuyến đi làm ăn trên New York. Cô đổi vé máy bay và ba tiếng đồng hồ sau cô có mặt ở phi trường S. Cô gọi cho Doãn, nhưng anh không có nhà, điện thoại di động cũng không bắt. Cô ngồi ở ghế phi trường, cứ muời lăm phút lại bấm máy gọi anh. Cuối cùng anh trả lời. Cô nghẹn lời muốn khóc khi nghe giọng anh. Mãi lúc lâu cô mới nói được câu, “Anh Doãn, Mai đây. Em đang ở phi trường S. Anh đến đón em.”
11.
Thuở bé, khi học đến tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du, tôi bị ám ảnh bởi bốn câu “Buồng the phải buổi thong dong, Thang lan rủ bức trướng hồng tẩm hoa. Rõ màu trong ngọc trắng ngà, Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên” trong sách. (Tôi chờ cô giáo cất tiếng oanh vàng bình giải bốn câu thơ này để nghe cho sướng tai nhưng cô giáo cứ lờ đi làm như không có.) Lũ nhóc chúng tôi hay mộng mơ vớ vẩn lắm. Đứa nhận làm Kim Trọng, văn nhân tao nhã. Đứa đòi làm Từ Hải, hùng anh cái thế. (Dĩ nhiên, chẳng đứa nào nhận làm Mã Giám Sinh hoặc Sở Khanh.) Riêng tôi, tôi khoái làm Thúc Sinh.
“Đồ ngu! Thúc Sinh sợ vợ bỏ mẹ. Vợ hét một tiếng là vãi đái trong quần.” Có đứa mắng tôi.
Ừ, Thúc Sinh sợ vợ, nhưng phải chăng Thúc Sinh là người Thúy Kiều yêu thương chiều chuộng nhất trong những người đàn ông cô dính líu đến trong suốt cuộc đời gian truân của cô? Phải chăng những câu thơ Nguyễn Du viết tả tình tả cảnh lúc Thúc Sinh chia tay Thúy Kiều giã từ Lâm Chuy về nhà thăm Hoạn Thư là những câu đẹp nhất trong toàn bộ tác phẩm của ông?
Và Thúc Sinh được nhìn Thúy Kiều tắm! Các anh khác, chẳng anh nào được hưởng cái diễm phúc hiếm có ấy trên đời!
Masters và Johnson – hai tay tổ về Tình dục học ở thế kỷ hai mươi – không bao giờ tiếc lời khi nói đến vai trò quan trọng của foreplay trong chuyện gối chăn. Nghe đến đây, bạn trề môi, “Tưởng gì chứ foreplay thì tôi rành sáu câu, còn lên mạng ngâm cứu tường tận nữa chứ chơi à!” Bạn ngưng ngay ở đó, tôi xin bạn, tôi biết vấn đề của bạn. Vợ chồng lấy nhau được mười mấy năm. Buổi tối cơm nước, lo con lo cái xong, bạn nghe tiếng người yêu đánh răng khạc nhổ um sùm trong phòng tắm, tiếng nước cầu tiêu ùng ục sau khi phóng uế, bạn thấy người yêu bước ra tóc tai cuộn lại từng lọn treo lủng lẳng, mặt bôi nghệ xanh nghệ vàng như hát bộ, đoạn nằm vật xuống giường thở hắt ra. Đời sống tình dục vợ chồng bạn không bế tắc mới là chuyện lạ!
Foreplay không phải là đợi lúc lên giường rồi giở những trò tiểu xảo học cóp trên mạng với cố gắng gần như tuyệt vọng tạo hứng khởi cho chuyện mây mưa. Foreplay không phải là những trò chơi dâm ô nho nhỏ vô hại vợ chồng đem ra đú đởn với nhau trong phòng the. Foreplay là những cảnh huống tưởng như vô tình nhưng thật ra hết sức khiêu khích như lúc Thúc Sinh ngồi (thờ thẫn) chiêm ngưỡng hình ảnh Thúy Kiều tắm gội bên trong bức màn the, cảnh tượng thật buồn cười nhưng cùng lúc đầy tình tứ và gợi dục. Lúc đó không hẳn chỉ Thúc Sinh bị kích thích mà cả Thúy Kiều cũng cảm thấy nôn nao khi biết người tình của mình ngoài kia đang rạo rực thèm khát mình.
Nguyễn Du không thuật tiếp chuyện gì xảy ra sau đó. Chúng ta chỉ biết Thúy Kiều vén màn bước ra và trước mắt Thúc Sinh là “một tòa thiên nhiên” tuyệt mỹ. Chẳng cần nói nhiều, cuộc mây mưa giữa hai người hẳn phải cao hơn đỉnh ngọn Vu Sơn. Nguyễn Du là “tay tổ” về nghệ thuật yêu đương.
12.
Mười một giờ khuya lúc Mai ngồi trước bàn trang điểm trong phòng ngủ của Doãn. Phòng trần thiết trang nhã. Từ ngày Mai bắt đầu cuộc hành hương mỗi năm một lần lên đây, anh sắm thêm cái bàn trang điểm này cho Mai. Bàn được chiếu sáng bởi ngọn đèn duy nhất trong phòng. Ngọn đèn như đèn sân khấu trình diễn kịch phả vũng sáng hội tụ lên người ngồi trước bàn, xung quanh là bóng tối. Nhưng khác với đèn sân khấu, ánh sáng từ ngọn đèn trong phòng là thứ ánh sáng vàng dịu êm ái. Trời mùa hè trên này nóng khô. Đêm nào Mai cũng phải bôi kem dưỡng da trước khi đi ngủ. Thoạt tiên cô bôi kem dưỡng da lên mặt. Cô bôi cẩn thận lắm. Hai loại kem khác nhau, bôi xong một loại phải chờ cả năm phút mới đến loại kia. Bôi da mặt xong cô bôi đến thân người. Cô khẽ khàng tháo dây cột chiếc kimono bằng sa tanh màu mỡ gà rồi thả nó xuống phủ lên ghế ngồi. Chiếc áo rũ xuống biến thành nệm lót ghế. Trên người cô không còn mảnh vải nào nữa, da dẻ cô trắng mịn. Và cô bắt đầu từ tốn bóp kem bôi lên người. Lúc xoa hơi mạnh cô thấy hai đầu vú cô lắc lư đến buồn cười. Đầu vú cô nhỏ, chỉ nhỉnh hơn hạt đậu một chút và màu đỏ hồng. Cô bôi lâu lắm dễ chừng đến nửa tiếng đồng hồ và trong lúc bôi cô biết Doãn đang ngồi chỗ nào đó trong phòng, từ bóng tối nhìn ra. Say đắm.
Hạnh phúc của đàn bà là được người tình nhìn mình say đắm.
13.
Quá nửa đời người, sau bốn đời chồng chính thức cũng như bán chính thức và ba mươi người đàn ông (con số không chính xác lắm, có thể hơn thế), Mai mới biết tình yêu đích thực là gì. Cô yêu Doãn, và cô biết Doãn yêu cô. Nhưng cô cũng biết một điều rõ như ban ngày là nếu không có cô, Doãn vẫn bình thản sống cho đến hết cuộc đời này. Sáu năm trời, mỗi năm cô chỉ sống với Doãn ba bốn tuần. Những lúc không có cô bên cạnh, anh vẫn yên ổn sống một mình giữa khu rừng thông tím thẫm sương chiều của anh. Ý tưởng đó khiến cô thấy bức bối một cách lạ kỳ trong lòng. (Một lần nữa tôi ước ao phải chi mình là nhà phân tích tâm lý để hiểu ra cái tâm lý hết sức phức tạp và kỳ cục này của đàn bà. Nhưng với tôi, cái tâm lý đó trữ tình và dễ thương lắm nếu nó không ảnh hưởng gì nhiều đến tình yêu hai người.) Rồi cô muốn biết thêm về người vợ của Doãn trước kia, người chết cái chết thảm khốc trên đường đi vượt biên. Cô biết cô chẳng công bình chút nào, Doãn có duy nhất một người đầu gối tay ấp trong quá khứ (và người đó đã chết thảm thương), trong khi cô có đến bốn ông chồng và ba mươi người tình khác nhau và Doãn chẳng bao giờ hé môi hạch hỏi cô điều gì về những người đó. Cô bắt anh kể về Hiền. Anh thoái thác, tìm cách trả lời cho qua chuyện nhưng cô không chịu buông tha anh, lâu lâu lại mang ra hỏi.
“... Ở tù ra anh mò xuống cả thảy ba lần mà không tìm thấy xác Hiền.” Cuối cùng anh đành kể Mai nghe chuyện anh và Hiền liều mạng bỏ nước đi vượt biên như thế nào. Mai rùng mình. Cô không tài nào hình dung nổi thảm cảnh những con người đó trải qua. Suốt thời gian sinh sống nơi đất khách quê người, thi thoảng cô nghe người ta nói đến chuyện ấy nhưng cô nghe như nghe tin trên dải thiên hà nào đó cách xa trái đất cả tỉ năm ánh sáng có một thiên thể to gấp trăm lần mặt trời nổ tung. Một thiên thể như vậy nổ tung ắt phải ghê gớm lắm, nhưng nó ở xa quá và chẳng hề gây chút chấn động nhỏ nào cho người trên mặt hành tinh này. Cô yên trí chẳng bao giờ phải đương đầu với cảnh ngộ đó. Giờ đây một trong những con người đó lại là người cô yêu. “Anh Doãn, em muốn chính thức về làm vợ anh.” Cô muốn nói như thế với Doãn quá. Anh thật đáng thương, cả cuộc đời hình như anh chẳng biết hạnh phúc là gì. Cô muốn đem hạnh phúc đến cho Doãn vào lúc cuối đời này.
14.
Tạo hóa dự trù cho việc truyền giống của con người kỹ lưỡng lắm. Khi em bé gái mới chỉ là cái thai nhi nằm trong bụng mẹ, các cơ quan khác như tim gan phổi phèo chưa phát triển chút nào thì buồng trứng của em bé đã có đầy đủ. Bốn trăm ngàn trứng. Có thể ít hơn, có thể nhiều hơn nhưng bao giờ Tạo hóa cũng nặn buồng trứng rất sớm như thể Ngài sợ nặn nó sau các cơ quan khác, nhỡ quên thì nguy to. Tuy thế Ngài cũng thật oái oăm. Có trong người bốn trăm ngàn trứng ngay từ khi còn là thai nhi trong bụng mẹ nhưng khi dậy thì và trưởng thành, người đàn bà chỉ được quyền “tiêu dùng” mỗi tháng tối đa một trứng. Không hơn, không kém. Và như thế suốt cuộc đời làm đàn bà sinh đẻ chỉ có từ bốn đến năm trăm trứng chui ra khỏi noãn sào đón nhận tinh trùng người đàn ông vào thụ thai.
Bốn mươi sáu tuổi Mai tắt kinh. Cô bị khủng hoảng tinh thần suốt năm trời. Cô lo sợ lắm. Tắt kinh rồi vú cô teo lại và chảy xuống như hai quả mướp xơ, cặp đùi gầy nhom, da dẻ không còn mịn màng láng lẩy nữa. Mặt cô sẽ hom hem. Làm sao cô làm tình với Doãn đây? Làm sao cô ngồi trước gương phơi thân thể lồ lộ dưới ánh đèn vàng dịu cho Doãn nhìn say đắm? Hạnh phúc của cô là làm đẹp cho Doãn nhìn. Giờ đây cô già xấu và biết đâu Doãn không thèm nhìn cô nữa, dù cô biết Doãn chẳng bao giờ để mắt đến người đàn bà khác. Đó cũng là thời điểm cô xuống dốc thê thảm. Cô lao đao với thị trường cổ phiếu mấy năm qua. Lần thứ hai cô phải khai phá sản. Không nhà băng nào chịu cho cô vay tiền nữa. Có lúc cô phải đứng bán hàng cho các cửa tiệm quần áo kiếm tiền trả tiền nhà tiền ăn hằng tháng. Thêm nữa, đứa con gái độc nhất cuối cùng bỏ cô đi biệt sau thời gian dài mẹ con cãi vã nhau thường xuyên. Tôi không rõ cô có tin vào tử vi không, nhưng người tin tử vi sẽ bảo lá số cô phải có sao Liêm Trinh, Tham Lang cư tại cung ngũ hành đại hạn.
“Anh Doãn, em muốn chính thức về làm vợ anh.” Cô mong được nói với anh câu nói đó vô cùng. Cô hình dung lúc nói xong Doãn sẽ sàng cúi xuống hôn cô rồi cô dụi mặt mình lên bờ ngực rắn chắc to rộng của anh như trong cuốn tiểu thuyết nào đó cô đọc thời con gái hay đoạn kết cuốn phim tình cảm ướt át của Hollywood thời 50, 60.
15.
“Đây là đâu vậy anh? Tại sao mình lại nằm trên mặt bùn thế này?”
Giọng Hiền nhỏ nhẹ nghe như tiếng côn trùng rỉ rả trong đêm.
“Đây là bờ sông.”
Doãn nằm bên cạnh cô, cánh tay anh duỗi ra cho cô làm gối như những lần hai người nằm trên giường trong căn nhà nhỏ cuối xóm khu Khánh Hội.
“Tại sao mình lại ra bờ sông nằm?”
“Vì đây là nhà mình. Cả con sông này là nhà mình. Em thấy không, bên kia sông là đồi thông, thông ngút ngàn cả muôn triệu cây trùng trùng điệp điệp nối tiếp nhau đến tận chân trời.”
“Ồ, thích nhỉ. Em vẫn ao ước có một căn nhà bên cạnh bờ sông như thế này để chiều chiều ra hóng mát.”
“Ừ, chẳng bao giờ em phải sợ hãi chuyện gì nữa. Ngày nào em cũng có thể ra đây ngồi hóng mát. Nhưng bây giờ thì em ngủ đi. Đêm nay gió mát quá. Ồ, nhưng mà trăng lên rồi kìa.”
“Không, em không ngủ đâu. Em thích nhìn trăng lên. Nằm đây mà nhìn trăng thì tuyệt quá. Ở thành phố mình chẳng bao giờ được nhìn trăng như thế này, anh nhỉ.”
Bặt đi vài giây, cô đột nhiên quay sang thì thầm vào tai Doãn, “Anh làm tình với em đi.”
Doãn ngạc nhiên lắm. Hiền nói năng như thế bao giờ đâu. Mỗi khi nghe ai buông lời khiếm nhã, cô còn nhăn mặt tìm cách lảng đi nơi khác. Lúc vợ chồng nằm thủ thỉ trong chăn, chỉ cần anh nói một câu hơi “bất thường” như “Ngực em bữa nay sao săn chắc thế!” là đã đủ cho cô nóng bừng mặt, đấm lên ngực anh thùm thụp rồi. Lần đầu tiên Doãn nghe hai tiếng “làm tình” thốt ra từ miệng cô. Anh thấy người nóng bừng lên vì kích thích.
Anh nhìn sang cô. Trên người cô không mặc gì. Dưới ánh trăng nước da cô xanh tái. Lại thêm một ngạc nhiên khác. Hai đầu vú cô không to đen như mọi lần mà be bé, chỉ nhỉnh hơn hạt đậu một chút và màu đỏ hồng. Hiền hay xấu hổ vì hai đầu vú không mấy xinh xắn của mình, ít khi nào cô chịu cho Doãn nhìn. Lúc ái ân cô thường bắt anh tắt đèn. Nhưng đêm nay cô không phải che giấu khuyết điểm đó trên người mình. Ngược lại, cô cố tình phơi mở tất cả những ngõ ngách kín đáo hiểm hóc trên thân thể mình cho chồng chiêm ngưỡng. Cô biết anh đang nhìn cô say đắm. Hạnh phúc của cô là được chồng nhìn say đắm. Và cô thì thầm bảo anh làm tình với cô.
16.
Vợ chồng ông thị trưởng ngồi chờ Doãn và Mai đến tám giờ tối vẫn chưa thấy mặt hai người đâu. Ông nóng ruột bấm máy gọi sang Doãn. Không thấy ai trả lời, chỉ có tiếng máy nhắn tự động lên tiếng. Điện thoại di động của Doãn cũng vậy. Vợ chồng ông đợi đến chín giờ mới ngồi vào bàn ăn. Vừa ăn ông vừa thắc mắc mãi với vợ là Doãn có bao giờ lỡ hẹn với ông đâu. Doãn là người cẩn trọng, mặc dù anh không ngồi trong Hội đồng Quản trị của làng, nhưng ông nhờ vả chuyện gì anh cũng sốt sắng chu toàn một cách tận tình.
Ông bà chuẩn bị bữa ăn tối nay thật chu đáo. Bà vợ ông bỏ ra cả buổi chiều làm món gà nấu đậu kiểu Pháp mà bà rất đắc ý. Ông còn lấy từ dưới hầm rượu lên hai chai vang quý từ lâu để dành chờ có dịp vui đem ra uống. Ông biết vợ mình muốn gặp Mai từ lâu nên ông gợi ý với Doãn về một bữa ăn tối tại nhà nhân dịp Mai lên ở với Doãn lần này.
Sáng sớm hôm sau ông dậy thật sớm bấm máy gọi Doãn định phàn nàn về chuyện anh cho vợ chồng ông leo cây tối hôm qua. Vẫn không có ai trả lời. Ông bực dọc nhẩy lên xe lái sang nhà Doãn. Ông bấm chuông cả chục lần mà hai cánh cửa to lớn vẫn im ỉm đóng kín. Ông chửi thề một tiếng đoạn lái xe về nhà.
Một tuần sau vẫn không thấy bóng dáng Doãn và Mai đâu. Ông bà đoán hai người giờ chót quyết định đưa nhau đi nghỉ hè. Ông bảo bà vợ, “Lạ thật! Doãn biết tuần này là tuần lễ Shakespeare mà bỏ đi chơi được sao?” Từ ba bốn năm nay, khu làng biến thành nơi mỗi năm một lần vào mùa hè tổ chức tuần lễ Shakespeare, và năm nay ban kịch của đại học S. lên trình diễn vở Hamlet. Mỗi năm mỗi đông người đến xem. Doãn được ủy thác làm công tác dựng sân khấu ngoài trời. Họ muốn tạo lại không khí thời Shakespeare.
Một tháng sau vẫn không thấy hai người. Đến đây thì ông hoảng sợ. Ông gọi thợ đến phá ổ khoá nhà Doãn. Trong nhà vắng lặng như nấm mồ. Ngoài sân chiếc díp Cherokee của Doãn ìm lìm đậu dưới tàn cây thông, bụi đóng dày. Ông gọi hai thuộc cấp của ông và liên lạc với cảnh sát tức tốc mở cuộc điều tra. Lần đầu tiên trong lịch sử khu “làng” có ngôi nhà bị băng nhựa màu vàng của cảnh sát vây bọc xung quanh.
17.
Câu chuyện của Doãn và Mai có thể chấm dứt tại đây. Tôi nghĩ thế bởi sau khi hai người biến mất vào khu rừng thông – hay đúng hơn bị khu rừng hút vào, nuốt chửng – thì còn chuyện gì để nói nữa đâu. (Thú thật tôi không phải người kể chuyện có đầu óc tưởng tượng phong phú.) Suốt năm trời, sau khi hai người đột nhiên biến mất khỏi mặt đất một cách đầy kỳ bí như vậy, tôi nghe không biết bao nhiêu giả thuyết từ những người quen biết cô đưa ra. Có người bảo Mai dính líu đến Mafia trên New York, trốn nợ chúng cả chục triệu và bị chúng theo thanh toán, Doãn chỉ là nạn nhân vô tội. Có người bảo Doãn mắc bệnh tâm thần, giết Mai xong tự tử chết theo, ngôi nhà chính là nấm mồ chôn hai người mà không ai hay biết. Người này nói như đinh đóng cột rằng, “Ngay dưới giường ngủ của thằng chả là cái hầm. Thằng chả tự tay xây ngôi nhà đó mà! Giết Mai xong, thằng chả đem xác Mai xuống đó, đóng kín cửa hầm lại rồi tự tử chết theo.” Hiển nhiên, người nói câu này chắc hay đọc sách hoặc xem phim kinh dị. Và cả chục giả thuyết khác, giả thuyết nào người đưa ra cũng bảo đảm chính xác như thể họ là người chứng kiến giây phút cuối cùng của hai người trên mặt quả đất.
Chuyện án mạng rùng rợn là chuyện của người đời, của cảnh sát, của nhà chức trách. Riêng tôi, tôi vẫn tin hai người bị khu rừng tím thẫm sương chiều kia hút vào. Chuyện thần tiên là chuyện của riêng tôi, chẳng ai có quyền cấm đoán tôi nghĩ như vậy.
Đến đây chắc bạn đã đoán ra phần nào lai lịch tôi. Vâng, bạn đúng đấy. Tôi là một trong những người bị (hay được) Mai cho vào dự trò chơi tình ái cô bày ra thuở cô còn là cô gái thanh xuân xinh đẹp.
Lúc đó tôi là cậu trai mười tám tuổi nhưng nhờ vậy tôi biết làm thơ.
Trịnh Y Thư
(Trích tập truyện Người đàn bà khác, Văn Học Press xuất bản 2024)