Tranh Ann Phong - Nắng Ấm
Sau cái ngày mắc dịch 30 tháng 04 năm 1975, tôi bị tống cổ khỏi trường Trung Học ở Sài Gòn vì chạy giặc trước đó và khai hộ khẩu ở ngoại thành sau hoà bình nên phải về học ở ngoại thành. Đúng là trời bắt phong trần phải phong trần/ cho thanh cao mới được phần thanh cao… Mẹ tôi dụng câu Kiều để an ủi tôi hay chửi xéo: Mày ăn ở làm sao mà ra nông nỗi? Thôi thì ý trời biết đâu mà cãi, lòng mẹ bao la như biển Thái Bình, chắc mẹ thương cảm mình đó! Nên từ đó tôi yên tâm được biết cây lúa, con trâu… và Thùy.
Ở cái trường Chuồng bò mái tranh vách đất nhìn y như cái chuồng bò của người dân tộc trên cao nguyên, nhưng an ủi phần nào khi học sinh ở Sài Gòn như tôi cũng khá đứa bị tống cổ về quê làm trò cười cho bạn bè dưới quê. Chúng tôi là những đứa trẻ lõ mắt nhìn con trâu đen xì, đi chung đường làng với nó nên không dám rời mắt khỏi hai cái sừng cong cong và nhọn, không rời mắt để sẵn sàng chạy khi nó tấn công. Con bò thuộc loài nhai lại nhưng chỉ là học trong sách giáo khoa thôi. Bây giờ mới tận mắt thấy con bò nằm nhai lại mớ cỏ nó đã ăn vào bụng từ trước đó… Thấy chiếc xuồng dưới sông như chiếc lá trên dòng sóng dữ lúc trời mưa giông, nhưng hú tim hú vía cho người chèo xuồng thì nó vẫn không chìm dù vừa chèo vừa phải tát nước mưa từ trời trút xuống, tát nước sông do sóng ập vô chiếc xuồng con…
Nhưng rồi sớm quen thôi vì tuổi nhỏ dễ thích nghi hơn người lớn, theo bạn bè đi mò cua bắt ốc riết cũng quen; tới mò trong vũng bùn mà bắt được con cá thì móng chân đã vàng phèn, hai bàn chân trắng như bột mì vì mang giày bata suốt khi còn ở Sài Gòn đã thành quá khứ.
Tôi còn nhớ từ đó về sau, khi bạn bè muốn qua Sài Gòn là rủ tôi theo vì hang cùng ngõ hẻm nào tôi cũng biết, Sài Gòn Chợ Lớn đã đời lưu manh như thơ Bùi Giáng là tôi, kẹt xe đường lớn thì đi đường hẻm cũng tới đích muốn đến, có tôi đi cùng thì không sợ lạc đường nên bạn bè chừa cho tôi chút hỉnh mũi - con chuột nhắt của Sài Gòn.
Nên Tết tới năm học lớp Mười, bạn bè rủ nhau đi chơi Tết bên Sài Gòn cho biết. Tôi vui như trở về nhà, niềm vui đền đáp được cho bạn bè dạy tôi đi chân không trên bờ ruộng lúc trời mưa thì nghéo ngón chân làm sao, bấu ngón chân xuống đất trơn trợt làm sao cho không bị chụp ếch; bạn bè dạy tôi trèo cây dừa khác trèo cây me, dạy chèo ghe, giăng lưới, quăng chài... Tôi vui cơ hội được dẫn đường cho bạn bè bên Sài Gòn đèn xanh đèn đỏ để trả ơn họ dạy tôi đã nhiều. Nhưng đám bạn do mê sơn đông mãi võ bán thuốc lang băm, không theo kịp tôi làm hoa tiêu dẫn đường. Nhìn lại còn mỗi tôi với Thùy, tôi dắt cái xe đạp len lỏi trên đường Lê Lợi, Thùy không nói một lời, cứ nhìn xuống đất, không nhìn ai vì sợ, cứ chốc chốc lại nắm cánh tôi ghị lại chứ cũng không nói, “đi chậm lại, chờ tôi với…”
Đường Lê Lợi thì tôi lạ gì vì đã từng làm học trò không sách vở cầm tay trước ’75 nhiều rồi, nhưng với Thùy thì tất cả lạ lẫm nên tuy sợ chỗ đông người nhưng vẫn muốn xem kỹ mọi thứ. Tôi biết rồi nên chậm lại cho Thùy mãn nhãn lần đầu du xuân Lê Lợi, cũng đổng thời đợi bạn bè phía sau vì chúng cũng như Thùy, thích xem kỹ hết mọi thứ mới thấy lần đầu.
Đến gian hàng của người vẽ tranh bằng bút điện trên gỗ thông thì Thùy mê mẩn nên tôi kiên nhẫn chờ. Cuối cùng Thùy chọn miếng gỗ thông cắt vạt như lát bánh mì, sơn bóng dầu thông vàng vàng, trên ấy người ta vẽ hình ngôi nhà lá rất quê, sau nhà là bụi tre lúc chiều tà, bước ra ngõ trước có cây mai vàng nở rộ, cái cầu ván nhỏ xuống sông, để xuống chiếc ghe đang neo đậu… những nét vẽ đơn sơ, tượng trưng thôi nhưng rất có hồn. Thùy thích vì nó hệt cảnh nhà thật của Thùy đang sống cùng gia đình, thích câu thư pháp như phượng múa rồng bay, “Chiều Xuân Quê Ngoại…”
Thùy nhờ tôi hỏi mua xem bao nhiêu? Tôi không còn nhớ giá bán chính xác, nhưng vẫn nhớ giá tiền chừng hai ly nước mía lúc bấy giờ. Thùy không mua vì mắc quá! Nhưng tôi người Sài gòn mà, liền đẩy đưa với người bán. Nghe chú nói giọng Huế, người chú cao gầy, da hơi ngăm, tóc dài dợn sóng, đội cái kết nỉ rất lãng tử như người Đà Lạt. Tôi nói, “chú rất giống nhạc sĩ Trịnh Công Sơn…” tôi khen chú trước để lấy lòng nên chú cười hiền. Còn gì nữa mà không tấn công luôn, tôi nói tiếp, “Chú rất giống Trịnh Công Sơn khi cười…” thấy chú tôi lên mây rồi nên tôi gút giá nhanh lúc người ta lâng lâng, “… Nhưng tụi con là học sinh, chú bán cho tụi con nửa giá thôi chú. Tụi con đâu có nhiều tiền…” Chú ấy gật gù, dí ngón tay lên trán tôi trách yêu, “lanh quá đi…” Tôi móc tiền túi ra trả và tặng luôn cho Thùy, nhất định không lấy tiền Thùy gởi lại cho tôi.
Đám bạn mê sơn đông mãi võ ở phía sau đã lên đến, chúng tôi nhập bọn và đi chơi tiếp. Đi chơi Tết mà, không ít thì nhiều, các bạn gái cũng mua được vài món quà theo túi tiền có được. Bọn con trai nghèo từ thời Adam cua bà Eva đã hết vốn nên chả mua gì, chỉ giỡn phá lung tung… Hồi quay về Phở Hoàng Diệu theo kế hoạch mà tôi đã tính toán trước vì phở ở đó ngon mà lại rẻ. Ăn xong uống nước trà không tính tiền rồi về cầu Tân Thuận uống nước mía cho ngon và cũng rẻ, có gió sông mát rượi…
Bạn bè vừa uống nước mía vừa khoe nhau những gì mua được. Mọi người hỏi đến Thùy thì Thùy trả lời là không mua gì, nên ai cũng thắc mắc là không mua sao có quà trong túi xách tay? Thùy không trả lời ai hết, và cái uy của Thùy trong lớp cũng đủ để mọi người không hỏi nữa. Nhưng học trò là nhóm đứng thứ ba sau qủy với ma nên chúng nháy mắt nhau ra chiêu…
Thế là thằng Đạo chích của lớp ra tay, nó trộm từ trong túi xách của Thùy được gói quà gói bằng giấy báo. Nó lén mở ra xem nhưng khi mở ra thì nó la làng, nó trình làng luôn… “Bà con ơi… Bà con ơi! Ra Giêng Anh Cưới Em… Ra Giêng Anh Cưới Em… Ra giêng, chúng ta được ăn đám cưới rồi… vui quá… vui quá…”
Đàn ong vỡ tổ bên bờ sông Sài Gòn, tranh nhau xem, tranh nhau nói, tranh nhau cười, tranh nhau hỏi không biết bao nhiêu câu hỏi, hỏi không cho người được hỏi nói câu trả lời. Tôi chỉ thấy mặt Thùy nghiêm lại, không đanh, chỉ nghiêm lạ thôi. Cách nghiêm mặt của Thùy trong lớp thì tôi quen rồi vì Thùy hiền lành, tốt bụng với bạn bè, học giỏi, được cô chủ nhiệm lớp chọn làm phó lớp học tập là quyết định đúng đắn nhất và duy nhất của cô giáo ngoài Bắc vào vì làm cô giáo nhưng không lo dạy học, chỉ lo trồng rau muống dưới sông và nuôi heo trên bờ. Cô chủ nhiệm lớp giao cho Thùy nhiệm vụ giúp đỡ tôi từ việc học tới đạo đức nên tôi bị Thùy nghiêm mặt với tôi hoài. Lúc Thùy nghiêm mặt là lúc tôi thích nhìn thẳng vào mặt Thùy nhất vì rất đẹp, nhưng Thùy hiểu sai là tôi chống cự, đối kháng, không phục…Tôi tin có ngày Thùy hiểu ra thôi, tôi rất ngoan, và hơn thế nữa… Nhưng lần nghiêm mặt này lạ ngộ với hai dòng nước mắt thả xuống hư không… làm bạn bè im hết.
Đường về hết vui vì mỗi xe lặng lẽ đạp, cứ con trai thì chở con gái như hồi đi, những cô bạn nhỏ chòi chân lên đạp phụ đường về, là quê hương đem theo cho đời lưu lạc. Đám thứ ba sau quỷ với ma hết nói chuyện chung, nhưng từng xe nói chuyện riêng với nhau không cần đoán cũng biết chủ đề. Thùy vẫn ngồi sau xe tôi là điều tôi nể phục tới giờ vì lẽ ra con gái khi mắc cỡ, khi giận thì đã sang xe người bạn khác để chở về, đâu thèm đi chung xe với tôi nữa. Nhưng Thùy, là câu hỏi lớn nhất đời tôi!
…
Hết năm lớp Mười, thêm hai năm lớp Mười Một với lớp Mười Hai, cả trường biết chuyện: ra Giêng anh cưới em... Cứ hễ rảnh rỗi là bạn bè lại lôi ra chọc ghẹo tôi với Thùy, thậm chí thầy thể dục thể thao khi đi tập banh với đội banh của trường cũng ghẹo tôi là anh hùng vì chính thầy cũng không dám làm thế với bạn gái của thầy, trước mặt bạn bè, thanh thiên bạch nhật… Ông thầy vui tính hơn học trò của tôi.
Mùa hè năm lớp Mười, một người bạn trong lớp tôi ghé nhà, cô ấy nói tôi đến nhà cô ấy, mẹ cô ấy có việc nhờ tôi. Tóm tắt là cha cô ấy đã đi ra nước ngoài từ Ba Mươi Tháng Tư nên bây giờ mới có tiền đô gởi về cho vợ con. Mẹ cô ấy muốn chia cho em chồng là cô ruột của bạn tôi vài trăm đô để sinh sống, làm ăn. Mẹ bạn tôi nhờ tôi chở bạn tôi lên chợ Hóc Môn để giao tiền cho cô vì đường xa, mẹ bạn tôi sợ…
Tôi đồng ý vì bác gái là bạn của mẹ tôi, tôi cũng đồng ý luôn vì bác gái hào phóng quá, cho tôi tiền đi thay hai cái vỏ xe đạp mới, thay ruột xe luôn nha con cho an toàn… Chúng tôi lên đường từ sớm hôm sau để về trong ngày, nhờ lộ phí đường xa bác cho cũng nhiều, hai đứa ăn hủ tiếu tới bốn tô nên đạp sung. Tới chợ Hóc Môn cô lại cho ăn cơm sườn bì chả no cành hông, cho tiền uống nước, ăn vặt thả ga nữa mới sướng…
Chúng tôi về tới Sài Gòn trời chưa tối vì năng lượng tràn đầy. Tôi ghé lại chỗ hôm trước Tết tôi với Thùy đã mua miếng gỗ thông viết chữ “Chiều Xuân Quê Ngoại” nhưng không hiểu sao mở ra lại là hàng chữ “Ra Giêng anh cưới em…” Tôi mua không cần gói giấy báo để chắc chắn bỏ nhờ vô giỏ xách của bạn đi cùng là hàng chữ “Chiều Xuân Quê Ngoại”. Tôi nói với bạn đường, “bà làm chứng cho tôi là tôi mua hôm nay nhưng tôi đợi tới khi nào chúng ta học hết lớp mười hai tôi mới gởi tặng cho Thùy. Tôi sẽ viết thơ giải thích kèm theo vì ra trường là khó có cơ hội gặp lại nhau…”
Người bạn hay chọc ghẹo tôi nhất đã tin tôi thành tâm tâm sự với cô ấy. Tôi không lường gạt Thùy, tôi không đủ gan để đùa giỡn chuyện người lớn, tôi mua tặng Thùy món quà Thùy rất thích lại vừa túi tiền tôi có cũng là một may mắn hiếm có trong đời tôi chẳng mấy khi có tiền. Tôi thật sự muốn trả ơn Thùy đã giúp tôi nhiều trong việc học, không phải tôi học dở nên cần giúp mà là tôi ham chơi nên lơ là việc học. Rồi Thùy bị cô chủ nhiệm lớp cằn nhằn hoài cũng vì tôi chứ bản thân Thùy là gương mẫu của cả lớp mình rồi… Còn việc gói hàng lộn, trao hàng lộn cho khách mua tôi chỉ nghĩ ra được sơ sài... Trước hết phải nói tới việc hàng bằng kích cỡ nhau thì đồng giá. Miếng gỗ có hàng chữ Chiều Xuân Quê Ngoại với miếng Ra Giêng anh cưới em cùng kích thước, bằng giá, vậy người bán gạt tôi làm gì? Hơn nữa có đáng để lừa gạt không, bà cũng đã gặp chú nghệ nhân ban nãy rồi đó, chú không phải loại người lường gạt, nhất là lường gạt trẻ nhỏ như bọn mình. Vậy sự nhầm lẫn là vô tình của người bán chứ không phải tôi. Bà có tin tôi không là tôi không cố ý vì tôi hoàn toàn không cố ý, ngay ý không có trong tôi thì làm sao cố…
Bạn tôi là con gái, mà con gái bằng tuổi con trai thì con gái khôn hơn nên bạn tôi nghĩ… Chợ Tết có mấy ngày, ai cũng mua những miếng gỗ có chủ đề Tết như: Chiều Xuân Quê Ngoại, Xuân Đã Về, Đón Xuân Này Tôi Nhớ Xuân Xưa, Xuân Kỷ Niệm, Xuân Này Con Không Về… Chú nghệ nhân làm sao vẽ kịp để bán, trong khi những miếng gỗ mang chủ đề mùa hè, mùa thu thì ai mua? Nên tôi nghĩ là gói nhầm cố ý cho khách hàng lơ là. Ông được miếng gỗ Ra Giêng anh cưới em là may rồi và cũng có hơi hướm Tết chứ bộ, chỉ là tụi mình còn nhỏ quá nên chuyện trở thành mắc cười, thành chuyện cười…
…
Tôi làm đúng điều tôi đã nói với bạn tôi. Cuối năm lớp Mười Hai, tôi viết gần hết cuốn tập mới năm mươi trang để giải thích với Thùy. Bỏ trong phong bì lớn chung với miếng gỗ thông “Chiều Xuân Quê Ngoại” Tôi đến nhà Thùy tối hôm trước thì sáng hôm sau chúng tôi có bữa tiệc nhỏ chia tay trong lớp. Tôi chọn thời điểm trao quà theo suy nghĩ riêng, không giải thích với cô bạn đồng minh nên trong bữa tiệc chia tay, ai cũng hiểu chỉ một người không hiểu… lại là tôi.
Tôi làm đúng điều tôi đã nói với bạn tôi. Cuối năm lớp Mười Hai, tôi viết gần hết cuốn tập mới năm mươi trang để giải thích với Thùy. Bỏ trong phong bì lớn chung với miếng gỗ thông “Chiều Xuân Quê Ngoại” Tôi đến nhà Thùy tối hôm trước thì sáng hôm sau chúng tôi có bữa tiệc nhỏ chia tay trong lớp. Tôi chọn thời điểm trao quà theo suy nghĩ riêng, không giải thích với cô bạn đồng minh nên trong bữa tiệc chia tay, ai cũng hiểu chỉ một người không hiểu… lại là tôi.
Cho tới hai năm sau, tôi tình cờ gặp lại Thùy đang tung tăng với bạn học ở khu trường Trung Học Sư Phạm Sài Gòn. Tôi mời Thùy và mấy người bạn đi uống nước, họ rất dễ thương và tế nhị vì khi uống nước xong, họ liền cáo từ về trường, nói Thùy ở lại trò chuyện với tôi vì bạn cũ đã mấy năm không gặp, phần buổi học chiều đó cũng không quan trọng. Nhưng Thùy là người có biết trốn học bao giờ nên cô ấy tạm biệt tôi chứ không chia tay bạn học.
Tôi muốn gặp người bạn đồng minh hết sức, nhưng cô ấy đã đi bảo lãnh sang Mỹ, không còn ở Việt Nam. Nhiều năm sau, tôi được ngồi ở patio nhà cô bạn đồng minh bên Cali, nhắc chuyện xưa như mới hôm nào khi đã có tóc bạc. Tôi đã nghĩ là bạn tôi đúng khi nghĩ về những người bán quà vặt trên đường Lê Lợi, họ vì miếng cơm manh áo mấy ngày giáp Tết nên phù phép gói nhầm cho khác mua lơ là như tôi. Bạn tôi cũng tin tôi không đùa giỡn nên chúng tôi nhớ lại, tìm hiểu thái độ của Thùy ngay hôm đi chơi Tết với nhau, thái độ từ đó tới hết lớp Mười Hai ra trường, thái độ hôm gặp lại tôi cũng là lần cuối…
Tôi lấy hết cam đảm để nói thật lòng mình với người bạn mà tôi tin tưởng từ nhỏ. Thật lòng tôi cũng có rất nhiều tình cảm với Thùy, nhưng hoàn cảnh tôi lúc bấy giờ không có từ bạn gái trong tự điển vì tay trắng mộng đầy, tương lai mù mịt… Ngay khi còn trong Trung Học đã có cảm tình, và tình cảm ấy không phai lợt sau mấy năm không gặp, tình cảm đậm đà hơn sau lần gặp lại nhưng tôi vẫn dặn lòng là không ghé nhà Thùy vì tương lai vô định trước mắt tôi quan trọng hơn, chuyện cần giải quyết nhất, nếu không thì tôi phải đi Campuchia đánh Pôn Pốt. Tôi không muốn.
…
Tết rồi bạn Cali của tôi về Việt Nam, về thăm bạn bè chơi thôi vì đại gia đình của cô ấy đã sinh sống ở nước ngoài hết rồi. Có bạn bè ở nước ngoài về thì nhóm bạn cũ còn trong nước, cón bao nhiêu cũng mở tiệc chung vui. Tôi trò chuyện với Thùy mà cứ ngỡ gặp lại bà ngoại của Thùy khi còn đi học,
“Thùy vẫn khoẻ chứ?”
“Ơn ông. Tôi còn sống tới bây giờ là nhờ ông đi chứ ông còn ở Sài Gòn thì chắc tôi chết lâu rồi…”
“Thùy chết thì chung ngày đám giỗ với tôi là cùng vì bên đây hễ gặp khó, nhức đầu là tôi nghĩ đến Thùy, không cần bác sĩ, thuốc men cũng sẽ qua mọi chuyện. Thôi bây giờ mình nói chuyện bạn bè trông mong đã mấy chục năm rồi… Con giặc Cali nó về thăm bạn bè lần này, nó bắt tôi phải bắt điện thoại để ba mặt một lời…”
“Tôi có gì để phải ba mặt một lời? Với ai? Chuyện gì?”
“Thùy lên chức bí thư chưa? Tôi chỉ muốn gặp lại Thùy của lớp tôi năm xưa. Thùy của…”
“Trời sinh ông ra vô duyên từ lọt lòng mẹ hay sao…?”
“Ơn Thùy tôi mới sống tới hôm nay. Thần chết mẻ búa vì Phật bà không cho bửa…”
“Muốn nói chuyện gì thì nói nhanh lên. Tôi lên tăng xông là cúp phôn đó.”
“Thùy còn giữ miếng gỗ… Ra Giêng anh cưới em không?”
“Nghe thôi đủ sôi máu. Tôi giữ mấy chục năm để phải trả lời liền câu hỏi của ông?”
“Thùy ơi! Thùy không có tuổi…”
“Đừng lầm. Thùy khờ hồi xưa chết rồi. Thùy đầu bạc đang hiện nguyên hỉnh trêm màn hình laptop của ông đó!”
“Tôi kèm nhèm rồi nên thấy ngoại trên màn hình. Tôi thương ngoại tới chết không quên. Thắp giùm tôi nén hương trên mộ ngoại nha Thùy…”
“Lẻo mép…”
“Ngoại giận tôi thì ngoại cũng chừa cho tôi đường về vì ngoại hiểu tôi còn hơn tôi. Thùy nhớ hông, tôi được lòng ngoại nhất đó nha…”
“Tui nói không lại. Hết đời này cũng nói không lại. Muốn biết còn không thì về đây mà xem…”
…
Bạn bè đồng ca… ra Giêng anh cưới em… ra Giêng anh cưới em…
…
Ngoài kia mây trắng bay như tóc Thùy gặp lại trên màn hình, nhớ bài Bolero gì hay nghe trên YouTube, ‘giờ hai người tóc bạc như nhau’ Tôi không đủ can đảm nhìn màn hình nữa vì Thùy lại khóc… Chứng minh cho cố vấn, đạo diễn, biên kịch nào cũng đã sai khi cho Thùy đối thoại với tôi bằng người thật nhưng không phải Thùy, người tới chết cũng không nói lời khó nghe với ai bao giờ…
Ngoài kia mây trắng bay như tóc Thùy gặp lại trên màn hình, nhớ bài Bolero gì hay nghe trên YouTube, ‘giờ hai người tóc bạc như nhau’ Tôi không đủ can đảm nhìn màn hình nữa vì Thùy lại khóc… Chứng minh cho cố vấn, đạo diễn, biên kịch nào cũng đã sai khi cho Thùy đối thoại với tôi bằng người thật nhưng không phải Thùy, người tới chết cũng không nói lời khó nghe với ai bao giờ…
Phan