User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
baihoaiziangduy
hình trên net
 
Tôi đã ngủ lúc nào không hay trên đường di chuyển. Chiếc xe bị dằn xóc dữ. Đầu lắc lư gà gật. Tôi sửa lại thế ngồi thu mình trong cái toa đầu xe nhà binh. Mở mắt nhìn. Trời nắng. Mệt mỏi. Lại ngủ, buồn không chịu nổi. Bây giờ tháng mấy? Có lẽ đã cuối năm, trời se lạnh ở mỗi sáng sớm thế này. Tôi đã ngồi bao lâu như vầy trên chuyến xe đi về. Đâu phải chỉ một con đường quen thuộc đưa Nhã đi. Mỗi ngày trên chiếc xe đạp cót két của con đường đất. Nhã đã nép ở lưng, kể tôi nghe chuyện của trường. Hồi đó chờ ngày Nhã lớn, Nhã nghỉ học và Nhã làm vợ. Mà Nhã nghỉ học thật nhưng không phải để theo tôi. Lúc đó tôi hận Nhã lắm, buồn thật buồn ở một tình yêu đằm thắm mới lớn. Nhã đã dạy tôi yêu Nhã. Phải nói thế này thế nọ, gọi Nhã bằng em, làm ra dáng người lớn. Suốt mấy năm trời tỏ tình nhau, cho đến  bây giờ tôi vẫn còn nhớ Nhã. Hình ảnh Nhã như một cái gì mờ mịt mông lung, lãng đãng trong tình yêu sương khói. Tôi không hiểu ở ngày tháng đó, Nhã có một quyền lực nào bắt tôi yêu Nhã nhiều như vậy. Lần cuối, hình như là lần cuối thật. Nhã khóc trong vòng tay tôi. Đôi mắt Nhã long lanh thật buồn. Tôi thích nhìn con gái khóc, ngồ ngộ đẹp làm sao. Hơi  nóng từ hai thân thể toát ra, tôi hôn mắt môi Nhã nồng nàn. Tôi phải quyết liệt giữ Nhã như hạnh phúc của riêng mình. Tình yêu ngày đó với tôi là điều tuyệt đối. Tôi muốn Nhã nghĩ vậy, dù phải chết để yêu thương. Nhưng rồi Nhã vẫn đi. Biền biệt không tăm hơi. Lâu lắm rồi ngày tháng qua. Tưởng đã chìm vào quên lãng. Vậy mà buổi nay. Nhìn con đường ven quốc lộ. Tôi đã nhớ Nhã dù một thoáng.
 
Chiếc xe chắc đã tránh một hố sụp nào, nên dằn mạnh và thắng gấp. Đầu tôi như muốn đập vào kính. Tôi ghì tay trên cánh cửa, hai bàn chân dưới sàn xe chịu lấy thân mình muốn ngã tới trước. Người tài xế Quân Vận giọng giả lả: “Đ.M. đường xấu quá,” cùng với tiếng chửi tục tĩu từ phía sau thùng xe đổ trút lên đầu gã. Tôi thấy gương mặt hắn ta cau có chịu đựng. Tôi  như tỉnh ngủ hẳn. Mấy tháng nay không trở về nhà. Dì Thường chắc trông tôi lắm. Từ ngày mẹ tôi mất, dì là người thân còn sót lại của tôi. Trong căn nhà ở tỉnh lẻ. Dì sống với hai đứa con lớn và một đứa nhỏ được mấy tuổi thì dượng mất. Tôi có trở về lần đó. Đôi mắt dì khóc sưng đỏ bù lu bù loa bên cái bàn thờ còn chân nhang xanh. Căn nhà mà tôi đã nương tựa, sống hẩm hiu mồ côi ở đó. Lần nữa tôi đã phải khóc theo dì. Tôi nói “Chắc dượng tới số rồi.”  Thời buổi nầy chết được ở nhà cũng là điều đáng mừng. Làm sao dì thấy những cái chết của người lính trận. Thật tàn nhẫn xót xa. Tôi nghĩ vậy nhưng không dám nói. Về với gia đình tôi muốn quên mình là người lính. Tôi muốn sống nhỏ bé hiền hòa như ngày xưa. Tôi muốn trốn lánh, không muốn nghĩ gì ở cuộc chiến này. Không ai dạy mình hận thù ai.
 
Dung bây giờ đã lớn, đẹp hẳn ra, nhìn tôi hỏi: 
 
- Lần này anh về ở lâu không? 
 
- Như lần trước ba ngày thôi, nghỉ phép mà.
 
- Có anh về chắc mẹ đỡ khổ hơn. Tháng nay mẹ khóc hoài, nhắc tới anh rồi kể lể đủ thứ, hình như phải có anh mới được vậy.
 
Tôi nói với Dung chắc dì thương tôi. Gia đình chỉ còn tôi là lớn. Tôi hiểu tâm trạng dì. Hình như ai cũng vậy, sống có xa cách mới biết ngóng trông người đi xa về để kể lể, để thương yêu. Dì tôi chắc không ngoại lệ. Bên Dung đứa con gái lớn nay đã trưởng thành, rồi cũng sẽ đi lấy chồng. Thằng Nhường tới tuổi đi lính. Còn lại dì với đứa nhỏ đang ẵm bồng. Tôi thấy thương dì hơn. Lâu rồi tôi không được sống ấm êm bên mái gia đình. Từ ngày mẹ mất đi, tôi ít khi có dịp quay về chốn này, nơi tôi lớn khôn, nơi tôi có tình yêu với Nhã. Dì nói:
 
- Con không đi đâu chơi sao? 
 
- Con ở nhà với dì cho vui.
 
Dì Thường hình như cảm động. Tôi thấy dì như muốn khóc. Người đàn bà cơ hồ như phải có những xúc động thường xuyên để thương yêu. Dì nói:
 
- Có đi đâu phải coi chừng, tháng trước ở quán nước họ đặt chất nổ chết, bị thương đâu năm bảy người, thiệt rầu quá, ở đâu cũng chẳng yên hết.
 
Một lát, dì hỏi sang chuyện khác: 
 
- Phần con bao giờ mới tính? Đợi con Nhã? 
 
- Mà dì có nghe tin...? 
 
Dì la lên:
 
- Ổ trời, hơi đâu mà đợi, nó bỏ mầy đi học ở Sài Gòn, bày đặt theo đám biểu tình phản chiến, bị ruồng quá, chắc vô trong luôn. Mấy nghĩ có phải không? chứ đi lấy chồng đành đoạn vậy sao.
 
Tôi trả lời như an ủi chính mình: 
 
- Thây kệ đi, biết đâu lấy mình khổ thêm.
 
Dì nói tiếp: 
 
- Giả dụ như gặp nó, mầy bắt không? 
 
Tôi hỏi lại: 
 
- Còn dì thế nào?
 
Dì nói, giọng dịu xuống:
 
- Kệ đi, dầu gì cũng hàng xóm láng giềng, ở đời mình lấy nhân nghĩa, đạo lý làm trọng.
 
Tự dưng nghe nhắc đến, tôi thấy buồn vô cùng. Tôi muốn ra ngoài, biết rủ ai ngoài Dung. Khi qua dốc cầu, trên con đường đi xuống. Gió từ sông thổi lồng lộng. Nhìn cái mông tròn lẳn, tôi mới nghĩ là Dung đã lớn. Không như những lần trước tôi về. Dung bây giờ lặng lẽ hơn, biết làm dáng, biết thẹn thùng. Hỏi tôi:
 
- Năm xưa có dẫn chị Nhã đi qua chốn này không, nói với chị những gì? Tôi cười cười: 
 
- Thôi đi hỏi làm gì. 
 
Lúng túng một lát, Dung đáp:
 
- Nghe nói ngày xưa mối tình anh chị tha thiết lắm mà.
 
Nhìn má Dung ửng đỏ, đôi mắt tròn đen láy long lanh. Tôi chợt hiểu.
 
- Dung có người yêu rồi phải không?
 
- Đại khái vậy, kẹt nổi còn mẹ. 
 
- Lính hả? Đóng ở đâu?
 
- Ở đồn Mỹ Trinh đó, mấy hôm trước đi phép ra, lại bị vụ không tặc, lúc thả ra được thì hết  phép.
 
- Sao có vụ cướp máy bay nữa?
 
Dung nói: “Có đâu.” Rồi kể tôi nghe đồn Ngôn đóng cặp với Trung Đội Pháo Binh. Chỗ này  không có đường xe, chỉ có phương tiện bằng ghe hay máy bay. Hôm đó vợ Trung Đội Trưởng Pháo Binh có bầu, gần ngày sanh. Sẵn có chuyến vào tiếp tế, anh gởi lính ra đi phép, cùng với cô vợ sắp sanh. Rủi hôm đó, nhằm máy bay Mỹ. Anh ra dấu với viên phi công, bằng cách chỉ vào khẩu pháo, chỉ vào ngực anh, chỉ vào bụng vợ, chỉ lên máy bay. Viên phi công Mỹ “O.K.” Trực thăng cất cánh, xuống phi trường Quân Cảnh chờ sẵn, còng hết. Tôi nói:
 
- Cái gì kỳ vậy? 
 
Dung nói:
 
- Ngộ nhận ngôn ngữ thôi. Anh Trung Đội Trưởng ra dấu ý nói ảnh là trưởng khẩu súng, gởi vợ anh theo chuyến bay. Viên phi công thì báo cáo an ninh, bị cướp máy bay uy hiếp chở người, nếu không tuân sẽ bị Pháo Binh bắn lên. Rốt lại, bị bắt cả đám, sĩ quan Pháo Binh bị phạt, bị đổi luôn. Giờ nơi đó có thêm tên là “Đồn không tặc”.
 
Tôi ngẩn ra cười, tội cho Ngôn, tội cho Dung lần chờ đợi.
 
Chiều đó qua những khu phố cũ. Dung kể tôi nghe nhiều chuyện tưởng đã quên. Dung nhắc tôi:
 
- Thôi cứ nghĩ chị Nhã chết đi. Anh với chị cũng hai con đường lựa chọn, gặp lại chỉ thêm ngỡ ngàng.
 
Tôi cười:
 
- Anh đã chịu đựng nhiều rồi. Đời lính với những khổ cực làm khô người, nhưng tình chờ với anh vẫn vậy. Cũng mong một ngày nào gặp lại Nhã, chắc đã tay ẵm tay bồng. Nhìn anh như thế này chắc Nhã phải khóc.
 
Dung nói: 
 
- Vậy là anh trả thù?
 
Tôi lắc đầu:
 
- Em không hiểu anh đâu. Mối tình anh với Nhã là mới tình kỳ cục.
 
Tôi thở dài. Tiếng thở như một buông xuôi chấp nhận. Dung cũng chỉ như Nhã, là con gái, đòi được thương yêu và làm bổn phận người vợ, người mẹ. Rồi thôi.
 
Những làn gió thổi hắt qua mặt. Gã lính truyền tin từ sau chồm lên. Tay bóp com-bi-nê máy  RC.25, miệng nhanh nhẩu:
 
- Nhận được, nhận được. Chờ trình lại thẩm quyền. 
 
Tôi hỏi: 
 
- Có gì?
 
- Lệnh nhà lớn bảo dừng lại. Xuống sắp toán nhảy tiếp viện liền.
 
Cả đoàn xe dừng lại. Có tiếng thắng gấp ở mấy xe sau. Tôi nhìn xuống bản đồ xác nhận điểm  đứng. Cả bọn lính nhảy xuống, bụi bay tung trắng xóa. Tiếng vỗ đập tay bành bạch vào quần áo lấm bụi. Mấy cái miệng không ngớt bàn tán:
 
- Đ.M. sao gấp vậy. Chắc tụi nào đụng rồi. 
 
Gã Thượng Sĩ già lên tiếng: 
 
- Tụi mày không chửi không được hả?
 
Có tiếng đáp trả.
 
- Không chửi làm sao đánh giặc, biết ngày mai còn nghe không sư phụ. Tôi la:
 
- Xuống hết xe nhanh lên. Đi vào khoảng trống trước mặt đó. Mỗi toán mười hai người đứng theo hướng gió thế nầy.
 
Tôi đưa tay làm dấu. Mấy cái đầu gục gặc kéo nhau đi về phía trước. Tôi trút nước từ bi đông vào miệng. Đằng kia mấy gã lính chạy múc nước ở ao đổ vào bọc cơm sấy. Tôi nói:
 
- Tụi bây lo ăn cho no đi nghe. Nhảy xuống là chạm liền đó, đói cả đêm à. Người lính mang máy truyền tin ngồi khít bên tôi nhăn nhó:
 
- Thằng Đông Xuyên chạm ở điểm 29, nãy giờ theo dõi nghe báo cáo. Đâu dè nó hốt mình làm liền. Ít nhất phải cho mình nghỉ đêm nay, rồi mai mới vào vùng chứ.
 
Tôi nói:
 
- Kệ mẹ nó. Ở trên xỉa đâu thì làm đó. Khỏi thắc mắc gì hết, lo chó gì. Nhảy cả Tiểu Đoàn chứ phải một mình mình sao.
 
Mấy gã lính ngồi chụm lại theo từng toán trên mấy cái nón sắt kê dưới đít, bữa cơm ăn vội vã. Một thằng giục:
 
- Làm lẹ lên mầy. Máy bay tới không kịp bây giờ.
 
Có tiếng cãi:
 
- Mình nhảy liếp nhì mà. Cầu nửa giờ nữa máy bay mới tới.
 
Phút này đây không có gì bận tâm nữa. Cả câu chuyện với Dung, dì Thường ở nhà. Cái âm thanh khò khè từ cái com-bi-nê máy 25, những danh hiệu đài và tiếng liên lạc đều đều trong máy. Những khuôn mặt lính đăm chiêu. Chưa có gì để phải sợ. Đi đánh trận là vậy. Chưa thực sự bị vây hãm, chưa có tiếng nổ, mọi chuyện đều dửng dưng. Trời hình như sắp mưa. Không khéo bốc không kịp trước khi mưa là huề hết. Sinh mạng Mỹ to lắm. Bay trên mây, trên mưa không được, phải bay dưới thấp. Gió thổi và mưa đập trên thân máy bay. Chiếc máy bay bị xốc lắc. Gương mặt lo âu thấy rõ. Một lần đổ quân, khi vừa bốc lên nửa Đại Đội thì trời mưa to. Cả đoàn phi cơ đổ quân mấy chiếc phải đưa cả bọn đáp xuống phi trường tỉnh lỵ gần nhất. Thế là có đêm bất ngờ kỳ thú được sống cái không khí thành phố. Sáu giờ rưỡi chiều máy bay thôi đổ quân, phi công xuống đất nghỉ. Không có gì phải lên trời, trừ mấy phi vụ tản thương, bắn yểm trợ đêm. Chỉ có đời lính Bộ Binh thế này, khổ cực với sình lầy đỉa vắt, những lần đụng trận kéo dài, những hôm co ro chờ tản thương, mới thấy thấm thía. Lính Việt Nam đánh trận là một thứ lính rách tả tơi nhưng thật hào hùng, dù thiếu thốn, nhưng vẫn phải chấp nhận, chịu đựng. Đời sống quanh đi quẩn lại, chỉ ngó thấy một màu áo lính, làm lính như một định mệnh, lính văn phòng, lính tác chiến. Thật tội nghiệp khi so sánh hậu phương - tiền tuyến. Rồi ngày càng xa cách hơn cái không khí văn minh thành  thị. Người lính về thành phố thành một thứ cù lần buồn tủi với những nghĩ suy về mình. Tuổi trẻ mất cả rồi. Cả một đời dâng hiến cho cuộc chiến. Không có gì đền đáp lại. An ủi bằng lớp hào nhoáng, những câu hát yêu đương cho lính, những anh chàng ca sĩ mặc đồ lính mang súng hát hỏng ở TV là một thứ lính làm dáng, thứ người hùng chưa bao giờ ở chiến  trường. Có nghĩ cũng chỉ vậy thôi, vẩn vơ không ích gì. Thực trạng của chiến trường. Những khuôn mặt đó. Những rách rưới đen đúa nghèo nàn. Ngày mai biết có còn trở lại, để mỗi lần  trở về nghe tiếng reo vui của đàn bà, con trẻ, đón những chuyến xe nhà binh đổ xuống, hát  hò “Ba về má có đồ chơi…”. Anh bây giờ đang sống một đời vậy đó Nhã. Lẻ loi hơn với mối tình si. Nhã đã xa rồi, xa thật rồi trong tầm tay kẻ khác. Tôi ngồi bệt dưới đất. Gã mang máy nói với tôi:
 
- Máy bay Việt Nam đổ quân.
 
Tiếng Thần Điểu vang vang trong máy: 
 
- Sơn Ca, bạn thấy tôi chưa?
 
- Thần Điểu đang ở hướng 9 giờ của tôi.
 
- Xin một điếu thuốc màu xanh đi bạn. 
 
- 0.K.
 
Một tiếng bụp khô khan. Cụm khói xanh cuồn cuộn bốc lên. Hai chiếc Cobra bắt đầu xuất hiện vòng vòng trên đầu rồi xuống thấp. Những tràng đại liên, những quả rốc-kết ầm ĩ bắn bao xung quanh bãi đáp. Chiếc trực thăng tành tạch xuống. Người lính đầu giơ hai tay làm dấu đáp. Cả năm chiếc sắp một hàng dọc, tiếng động của cánh quạt quay vùn vụt. Cả năm toán lính chạy nhanh trèo lên hai cửa, ngồi đong đưa bỏ hai chân ra ngoài. Máy bay bốc thẳng lên. Hai chiếc Cobra bay là là dưới thấp theo đoàn. Nhìn những đôi chân buông thõng, tạt về một hướng bởi gió. Trong thoáng bâng khuâng tôi nghĩ về Nhã, về gia đình. Những lúc sắp xuống mục tiêu, những lúc biết chắc sẽ chạm liền, là những toan tính nghĩ ngợi rất nhiều. Bây giờ người thân không còn ai ngoài dì Thường, Dung và Nhã. Mà Nhã như một thứ mặt trời ban mai, chói chang đánh thức những mê ngủ tình đời. Ngày mai biết mình có còn đế nhớ Nhã, còn sống với hơi thở muộn phiền này. Không phải ra đi là một lần không trở lại. Đã đi đánh trận mới thấy sống được là điều kỳ thú, mới thấy khát khao được sống bên nỗi chết không rời. Thèm muốn một đời sống ấm êm hạnh phúc gia đình, cho một đời đã mỏi. Vậy mà ngày lại ngày, tháng qua năm. Hạnh phúc như chai lì ra. Cuộc đời này chỉ ngần có vậy, thực tại này với những sâu kín cô đơn một đời câm nín.
 
Năm chiếc máy bay đã vòng trở lại trên nền trời bằng mấy điểm chấm kia. Những người lính đã đứng hẳn lên gỡ băng đạn cầm tay. Một thằng nói:
 
- Đám máy bay Việt Nam đỡ lắm đó. Mấy thằng lính mới về chạy vòng qua bên kia nghe, gặp tụi Mỹ đổ quân, nó xô tụi mày chết cha luôn, khỏi phải nhảy nữa, vừa ra xuống là hai tay nó đẩy lia rồi.
 
Một cơn gió thổi hắt qua mặt. Còn buổi chiều vàng nào trong đời chúng ta không hở Nhã.  Không còn con đường đất đỏ, không còn gì nữa hết. Nhã đã chết, chết thật rồi. Chết trước khi anh ra mặt trận. Không còn giọt nước mắt. Không còn giấc ái ân. Nhã đó. Nhã của một  ngày trong đời. Trên chiếc xe đạp cót két. Nhã thấy không. Những chiếc lá vàng kia. Những muộn phiền trong đời như phút cuối. Năm ngón tay áp trên lưng ve vuốt.
 
- Anh thấy buổi chiều kia không. Buổi chiều vàng có Nhã đó.
 
- Nhã nằm trốn trong chiều vàng sao?
 
- …
 
- Nhã không biết màu vàng của phụ bạc à?
 
- Nhã mặc áo hoa cúc. Nhã trốn trong nắng, Nhã của cơn mê đời. Anh sợ mất Nhã không? Tôi nói:
 
- Nhã lãng mạn quá. Với anh Nhã là đứa bé mà.
 
- Ừ thì thôi. Anh buồn Nhã sao. Nhã nói cái này. Hôm qua con Ly hỏi phải hai đứa mình thương nhau không? Em nói bậy bạ quá. Mắc cỡ chết. Chúng mình không có yêu nhau đâu.  Anh chỉ là mùa thu. Em của buổi chiều vàng lá rụng. Em cần anh như chúng ta cần cuộc đời. Nhưng Nhã chỉ là một trong cơn lá kia, Anh chịu thua Nhã đi.
 
- Nhã không lấy anh sao nói chi nhiều vậy.
 
Nhã nói:
 
- Anh già đi Nhã mới lấy, mà phải ở cuối cuộc đời.
 
- Anh không hiểu Nhã nổi nữa. Nhã lãng mạn như bài thơ của Phan Khôi sao. Hỡi ơi “Tình thương nhau thì vẫn nặng, mà lấy nhau hẳn là không đặng. Để đến nỗi tình trước phụ sao, chi cho bằng sớm liệu mà buông nhau.” Thực tế một chút đi Nhã ơi. Anh đâu phải là một  đứa trẻ tập yêu thương.
 
- Em có nói anh vậy đâu. Anh là mùa thu. Em là buổi chiều vàng mà.
 
Thôi đi không có buổi chiều vàng mẹ gì hết. Những chiếc trực thăng sắp đổ anh xuống mặt trận. Anh phải sống. Sống cho dì Thường chứ không là mùa thu mùa đông gì hết. Dì Thường đang cần anh. Anh cần sống cho chính bản thân mình. Nghĩ quanh quẩn rồi giận Nhã. Tôi hét người lính:
 
- Vụt trái khói màu vàng lên. Năm chiếc máy bay đang hướng về phía chúng tôi xuống thấp. Những cuốn hút của cánh quạt. Tôi đang sống trong hạnh phúc lẻ loi. Không thấy gì, không được nghĩ gì nữa hết. Những trái phá sẽ nổ tung cuộc đời. Em sẽ không còn là buổi chiều ngó thấy. Không còn phút để nhìn ngắm, để sống cho tình yêu chúng mình. Có phải anh còn  đang sống cho đời mình đây không.
 
Tôi sắp nhảy xuống mặt trận. Nhảy lên đầu địch. Phải có tiếng nổ, phải có xác chết. Nhã. Em có còn gởi trong anh một cành lá úa.

Hoài Ziang Duy
(Trình Bày số 23, Tháng 7/1971)

 

Tìm các bài VĂN khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com