User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
HOANGQUAN
Chị Em –  Tranh Hoàng Thanh Tâm
 
Nhà tôi có bốn chị em gái. Hai người chị của tôi: chị Thanh Tâm và chị Cẩm Thành hoa tay nữ công đầy mười ngón. Tôi và nhỏ em Ngọc Hiền thêu thùa may vá cũng thuộc hạng nhứt, nếu tính từ dưới lên. Qua đường kim mũi chỉ khéo léo của hai chị, chúng tôi đã có được những tác phẩm nghệ thuật vừa đẹp, vừa thắm tình yêu thương.
 
Sau khi học (lóm) may áo cổ cánh sen, chị Cẩm Thành trổ tài cho tụi tôi. Nhưng lúc chị ráp cổ áo, hai phần không đều nhau. Có lẽ do “sư phụ” chỉ dạy chưa thấu đáo. Bởi vậy, mặc áo này, tụi tôi phải lận hai cánh sen vào phía trong, giấu đi. Bác hàng xóm, tình cờ đứng gần Ngọc Hiền, thấy là lạ, âu yếm móc cổ áo, lật ra ngoài, dặn dò:
 
– Con gái ăn mặc, nhớ để ý nghe con. Cổ áo là phải lận bẻ ra ngoài.
 
Ngọc Hiền dạ dạ, nhưng sau đó, len lén cất kỹ hai cánh sen.
 
Chị Thanh Tâm khăn gói học may nhà chị bạn. Về nhà, chị thực tập may cho hai đứa em gái nhỏ, hai cái áo đầm có “li” to, màu xanh nhạt, vải popeline. Áo đầm dài quá gối. Vải dày, hơi cứng. Chắc là khi tụi tôi chạy nhảy, áo kêu sột soạt như áo bà vú của Scarlett O'Hara trong phim Cuốn Theo Chiều Gió. Chị Thanh Tâm thuở đó rất tân tiến. Chị sưu tầm những cuốn catalogue Sears, chọn mẫu áo đẹp, tìm vải thích hợp. Chị dẫn tôi và Ngọc Hiền đi may áo ở nhà may Lyly. Thế là hai chúng tôi được xúng xính trong những chiếc áo đầm tân kỳ, kiểu cọ. Hai đứa em trai út lúc mới vài tháng tuổi, cũng được diện áo chị Thanh Tâm may. Chị tỉ mỉ thêu rua hình mắt cáo ở trên ngực áo. Nhìn mấy cái áo xinh xắn cho hai thằng nhóc, tụi tôi mê mẩn. Nhưng chị Thanh Tâm bận học, không may vá nhiều được. Khi vải tê-tô-rôn thịnh hành với các mẫu hình trái cây, Mạ cho tụi tôi theo kịp thời trang. Tôi được một bộ đồ hình trái lê màu xanh, nhỏ em được hình trái táo màu đỏ.
 
Ở miền Trung, vào mùa mưa, áo mưa gần như là vật bất ly thân. Thuở ấy, loại áo mưa phổ biến là áo ny lông có nón liền, màu xanh nhạt, màu hồng, màu vàng với những đường chỉ vân ngang dọc mờ mờ. Thời trang hơn là các áo mưa nylon trong suốt, điểm những chấm tròn to, hoặc điểm hình vài trái táo đỏ, các hoa hippie, hàng nóng hổi từ Sài Gòn về. Các loại áo mưa phổ thông hay thời trang đều có “tật” là nách áo dễ bị rách. Lắm khi, áo nhìn còn mới, mà nách áo đã trổ cửa sổ, thì không chỉ mưa rơi ướt phố phường, mưa trôi lá trong vườn, mà có mặc áo mưa, cũng vẫn mưa rơi trên vai chàng, mưa rơi ướt vai nàng. Bởi thế, Ba tôi nghiên cứu đâu đó, rồi nhờ người “thiết kế”, may áo mưa loại không có tay, giống như áo poncho của quân đội. Chỉ khác là áo gọn hơn và may bằng loại nylon màu sáng. Thời đó, tôi mới vào Trung Học, thuộc tuổi nhi đồng và rất ngoan. Nhưng tôi không mấy hoan hỉ với thời trang áo poncho. Chiếc áo mưa cải biên đúng là một kiệt tác của Ba chúng tôi. Chiếc áo ôm quanh người, cổ áo được luồn sợi dây thun kéo sát vào vành cổ. Áo không có mũ. Do đó, khi nhận áo, được tặng… kèm một cái nón. Thật tiện dụng, không khác mái hiên nhà. Nhìn tổng quát, người ta tưởng như thấy một… cây nấm khổng lồ biết đi. Anh chị của tôi, mặc dầu đã bước vào tuổi dậy thì, vẫn có tên trong danh sách đơn đặt hàng áo mưa poncho. Vì thế, ngày ấy, mấy anh chị rất sợ trời mưa. Sau đó, chúng tôi cầu cứu Mạ nhiều lần, xin Mạ mua những cái áo mưa “bình dân”, để mấy chị em cùng chúng bạn lội mưa một cách “bình thường”. Có thể áo quần ướt nhẹp vì áo mưa bị bung các đường nối. Nhưng tụi tôi cảm thấy thoải mái vì giống các bạn, chứ không nổi bật với áo poncho “cải biên”.
 
Mỗi lần Mạ vô Sài Gòn đặt hàng hóa cho nhà sách, bầy con háo hức ngóng Mạ về. Có lần, Mạ làm quà cho tôi và nhỏ em những quần “xì-líp”, màu hồng, màu vàng, bằng vải va-li-de, có ren ẻo lả. Đối với tụi tôi, đây là một “bước nhảy” thiệt cao trong trang phục áo đầm. Vì trước đó, hai chị em tôi chuyên trị quần banh-xô-lây (pantalon de soleil). Quần banh-xô-lây thường may bằng vải tê-tô-rôn có hoa li ti, giống quần đùi, hai ống quần có sợi thun luồn ngang. Thật ra, thời đó đám học trò trường nữ Tiểu Học khi ra sân tập thể dục, xài toàn quần phồng màu xanh đậm cùng với áo trắng ngắn tay. Bởi vậy, đối với dân tỉnh lỵ, cái quần phồng đọc theo tiếng Tây là banh- xô-lây chẳng có gì lạ lẫm. Đang từ quần phồng cổ điển, được chuyển qua “xì-líp” hiện đại, hai chị em tôi lâng lâng, tưởng như nhân gian chung quanh trầm trồ, chiêm ngưỡng. Lần nọ, nhỏ em diện áo đầm trắng vải ca-tê mỏng, trong lại mặc “xì-líp” hình bông hoa xanh đỏ. Cho nên, “nội y” lồ lộ, bị mấy chị chọc ghẹo quá trời.
 
Năm tôi học lớp Tám, Mạ mua cho tôi và em tôi hai cái áo đầm, loại bằng xoa-tẹc-gan, dưới là những nếp xếp, phía trên có nẹp ở giữa, thêu một hàng hoa dọc. Chiếc áo đầm Mạ đặt mua trong sạp của một bà bán hàng người Bắc di cư. Bà là một trong những bà chủ sạp nổi tiếng dữ dằn ở chợ thị xã Quảng Ngãi. Do đó, áo tuy hơi rộng, hơi dài hơn khổ người của tôi lúc đó, nhưng không tiện đem ra đổi áo khác. Cho nên, tôi đành phải diện áo đầm này đi học. Lên lớp Chín, tôi được mặc áo dài, áo đầm trắng để mặc ở nhà. Áo đầm này theo tôi cho đến lúc tôi là sinh viên năm thứ ba ở Đại Học Sư Phạm.
 
Áo dài đầu tiên Mạ cho tôi mặc là áo vải tê-tô-rôn sọc. Hồi đó, các chị tôi mặc những áo lụa hoa hồng, có mẫu hình bông hoa hoặc cành trúc dệt chìm, trông rất thướt tha, yểu điệu. Mặc áo dài ở Trung Học thì phải có áo lót. Mạ sắm cho tụi tôi những cái áo lót có tay cụt, khác với áo lót đương thời chỉ có hai sợi bún (spaghetti strap). Cho nên tôi và nhỏ em lén Mạ “điều chỉnh” lại một chút cho áo bớt “cổ điển”. Chúng tôi lấy kéo cắt hai cánh tay, rồi khoét cho nách rộng ra. Chỉ vậy thôi, chứ chưa dám cắt thành hai sợi bún. Chúng tôi không biết dùng máy may, mà khâu tay cũng không khéo. Nhìn kỹ, áo lót lua tua, lủa tủa trông rất bụi đời.
 
Em tôi có óc sáng tạo để đời. Em rất lọng cọng trong việc thêu thùa may vá. Mỗi khi áo quần gặp vấn đề, thay cho đường kim mũi chỉ, nhỏ em dùng những miếng băng keo cắt nhỏ dán nham nhở ở mặt trong của áo hay gấu quần. Thật tiếc, thuở ấy, nhỏ em không xin cầu chứng bằng sáng chế. Ngày nay, một trong những bước tiến trong kỹ nghệ may mặc là dùng keo dán thay cho kim chỉ lên gấu quần, gấu áo...
 
Gần nhà chúng tôi có chị thợ may dưới quê mới lên thị xã lập nghiệp. Mạ ủng hộ, kêu chị may mấy bộ đồ cho mấy đứa con gái. Chị ấy may những áo tròng cổ, vải ca-rô nhuyễn trắng xanh đậm. Cổ áo hình cánh sen, xen vào giữa hai cánh sen chồng lên nhau là một đoá hoa hồng được may cùng chất liệu vải nhìn rất công phu, được đính lên áo với một hạt nút bóp kết rất khéo dưới cuống hoa. Khi giặt, gỡ hoa ra, hồi nào đi chơi hay sắp sửa đi ra tiệm chụp hình thì gắn hoa lên áo. Hàng năm, theo thông lệ Ba “lùa” bầy con ra tiệm Lệ Ảnh, chụp những tấm hình gia đình để làm kỷ niệm, cũng như đánh dấu sự nhổ giò của con cái theo thời gian. Nhờ đó, những chiếc áo có bông hồng đính kèm được sống mãi với những tấm hình gia đình.
 
Ba đi Sài Gòn về, ngoài những quà cáp khác, tôi còn nhớ bộ đồ bằng vải ca-tê mẫu ca-rô nhuyễn màu xanh chuối non, có chạy đường chỉ dọc cổ áo, lai tay, lai quần, với những hột nút con bướm thắt bằng vải cùng màu. Bao năm qua, khi nhớ lại, tôi thấy bộ đồ đó vẫn đẹp tuyệt vời. Về Việt Nam, tôi nhờ bạn dẫn đi mua vải và bỏ may mấy bộ đồ của ký ức tuổi thơ.
 
Tết năm 1975, chị Thanh Tâm đem từ Sài Gòn nhiều áo quần thời trang vô cùng hấp dẫn. Mồng Hai Tết, Ba chở cả nhà du xuân. Tôi vui sướng lâng lâng diện cái váy xếp ngắn màu trắng với ca-rô đỏ và cái áo thun đỏ tay lỡ, hiệu Vicky Valaire (không biết thương hiệu này ngày nay còn sống không). Tôi đứng lâu trong buồng thay áo quần, trong ánh sáng mờ mờ, ngắm mình và hài lòng trong bộ vó mùa xuân. Khi tôi ra xe, Ba có vẻ không vui, vì bộ đồ quá thời trang của chị Thanh Tâm “diện” cho tôi. Ba hỏi, sao không mặc áo dài. Sau đó, có lẽ không kịp giờ, nên tôi không phải thay áo khác và trên tấm hình gia đình tôi vẫn trong bộ váy rất “tây”.
 
Sau 1975, nhiều người lo xa, tìm may áo quần bằng các loại vải tám, màu tối thui, cho hợp với chương trình tiến nhanh, tiến mạnh, tiến lật đật thành... người nghèo. Nhưng Mạ không thích con gái Mạ mặc áo quần kiểu cày sâu, cuốc bẩm. Mạ vẫn đưa thợ may cho tụi tôi những bộ đồ lụa màu tím nhạt, xanh lơ, thiệt mượt mà.                
 
Chị Cẩm Thành có thời kỳ đi học thêu. Chị thêu những kiểu mẫu rất công phu, tỉ mỉ. Các áo sơ-mi của chúng tôi lần lượt được tô son, điểm phấn tùy theo chương trình chị đang học. Một trong những tác phẩm đầu tay của chị là hình cành cây với lá và hoa trái trên áo sơ mi trắng của tôi. Mấy hoa trái đó tôi thấy đẹp, dù nhìn không rõ hoa trái gì. Nhưng một con bạn có đôi mắt bồ lạch lại nói, đó là trái cà d.. dê.
 
Thời gian dân chúng xếp hàng cả ngày, chầu chực quanh cửa hàng thực phẩm địa phương để mua vài ký gạo mốc lẫn đầy thóc, sạn, thì đồ lót ren lụa của phụ nữ là xa xỉ phẩm, rất quý hiếm. Chị Cẩm Thành thêm một phen vì cái khó phải ló cái khôn. Chị học lóm, học ké bạn bè, tập tành đan móc len, chỉ. Sản phẩm của chị Cẩm Thành là những đồ “phụ tùng” được móc bằng chỉ len xanh đỏ tím vàng. Trong lúc ngồi tán gẫu với chị bạn ở quán cà phê, thấy những túm bít tất đựng cà phê giặt treo lủng lẳng sau quán, chị Cẩm Thành nảy ra ý tưởng táo bạo là móc bằng chỉ những “nội y xú xì” lạ mắt, ngồ ngộ. Cho đến bây giờ, mấy chị em trong nhà vẫn hay gọi đùa là đồ lượt cà phê. Phải chi hồi đó Victoria's Secret đến Việt Nam, họ sẽ mời chị Cẩm Thành làm người chuyên vẽ kiểu Dessous. Mấy chị em tôi hổng chừng thành những Victoria's Secret Angels.
 
Từ lúc biết ông anh cả nộp đơn xin đoàn tụ gia đình, tôi bắt đầu nghĩ đến việc học thêm vài nghề “vặt” để phòng thân nơi xứ người. Tôi theo khóa dạy cắt may. Đây là một trong những quyết định táo bạo, liều lĩnh trong đời tôi. Bởi, hồi Trung Học, tôi thuộc top 5 các môn học trong lớp 50, 60 học trò. Riêng môn nữ công, tôi quanh quẩn trong top 3 tính theo… bottom up. Có lần trong giờ nữ công, học trò tập vắt khăn để làm khăn tay. Tức là phải dùng một sợi chỉ dài xỏ kim, vắt trọn chu vi của miếng vải. Tôi vắt gần xong cái khăn, không biết loay hoay thế nào, cây kim bị gãy. Tôi quýnh quáng, sợ làm không kịp để nộp bài. Tôi hỏi cô giáo, tìm cách giải quyết “tai nạn”. Cô giáo ngó cái khăn tôi làm lỡ dở, nhăn nhúm, xấu xí, hỡi ơi. Cô lật qua lật lại, ngao ngán, hết tìm ra cách chữa, cô lẩm nhẩm:
 
– Trời đất! Tay trâu hay sao mà làm gãy cả cây kim.
 
Sau này mỗi khi nghe câu hát bàn tay năm ngón em vẫn kiêu sa... tôi tự nhiên nhìn xuống bàn tay mình và nhớ tới nhận xét của cô giáo năm xưa... Trở lại chuyện đi học may, tôi theo lớp với đầy đủ chương trình may cắt Âu, Việt phục. Học may áo sơ-mi, quần tây, tôi còn học cắt áo dài, áo bà ba... May sao, thuở ấy, cả nhà có lẽ nhìn thấy “tiềm năng” của tôi, nên chẳng ai đưa vải cho tôi may thử. Giờ đây, những “kỹ năng” còn giữ lại sau khóa học may, là tôi biết... lựa chỉ đúng màu để kết nút.
 
Nhỏ bạn tôi có dì bên Pháp về, mang theo cơ man áo quần, thơm phức mùi Paris. Bạn tôi thường cho tôi “điệu” theo thời trang của kinh đô ánh sáng. Lần nọ, bạn đưa cho tôi cái quần jeans, kiểu rất “ngầu”. Vải quần là những mảnh vuông nhiều màu, chắp lại. Tôi chọn mặc với cái áo thun ông anh mới gởi. Thời trang của Đức trông mát mắt, với sọc ngang trắng đỏ, có hình mấy con thú. Tôi hí hửng rủ mấy đứa bạn cùng anh bạn phó nhòm cùng lớp vào sở thú làm dáng để chụp hình và để cho mấy... con khỉ ngắm. Về nhà, Mạ bắt gặp, Mạ nói rất nhẹ nhàng:
 
– Thôi, con đừng mặc cái quần ni nữa. Ngó không có duyên chi hết.
 
Vâng lời Mạ, tôi giặt ủi thẳng thớm ngay ngắn, đạp xe lên quận 10, trả quần jeans lại cho bạn.
 
Trong hành trang “di dân” qua Đức, chị Cẩm Thành khuân theo bộ đồ nghề thêu, gồm có khung gỗ vuông, tròn và nhiều loại kim chỉ. Thời gian mới qua, chưa đi học, chị trổ tài thêu thùa rất đẹp. Người bạn của ông anh cả, tặng chúng tôi áo quần, nhiều áo sơ-mi nữ. Chị Cẩm Thành tha hồ biểu diễn tài nghệ. Tôi còn nhớ cái sơ-mi màu xanh da trời, chị thêu hình hai đứa bé mặc áo dài khăn đóng thiệt là ngộ nghĩnh. Tôi xin chị cái áo, để “bắn y dô quởn”. Nhìn tôi, hổng chừng chị phải tấm tắc: “Em tôi xinh xinh quá, bao giờ em... có bồ.”
 
Thời gian học Trung Học ở Đức, chị Cẩm Thành chuyển qua nghệ thuật đan áo. Chị chọn nhiều hình, mẫu rất đẹp mà cũng rất phức tạp. Mấy chị em gái đều được có những cái áo len tuyệt vời. Chị lớn được áo len vàng với hình con hươu cao cổ. Tôi được áo màu xanh hình bươm bướm. Em tôi được áo màu cánh sen với con voi. Hình con voi hơi lớn so với áo. Cho nên, vòi voi cứ dúi vô phía... nách của nhỏ em. Có lẽ, nhờ voi thọc lét, nhỏ em mặt mày cứ tươi phơi phới.
 
Chị Cẩm Thành kể ra thiệt nhiều hoa tay. Có dạo chị mua các mẫu áo bằng giấy và mằn mò may áo vest. Chúng tôi rất khó tìm áo vest vừa vặn ở Đức. Thường thì chúng tôi phải mua áo trẻ con. Áo người lớn quá bự. Mua đã không hợp với túi tiền. Mà phải đem đi sửa, cắt ngắn chỗ này, xén bớt chỗ kia. Một hồi, cái áo không còn hình dáng của nó nữa. Nay có chị Cẩm Thành cắt may, tôi được cái áo vest bằng loại “lụa thô"(wild silk) màu vỏ trứng. Lớp lót ở trong có hơi thiếu trật tự một chút. Nhưng bề ngoài vẫn là cái áo vest thanh lịch, tươi trẻ. Mặc chung với một cái mini jupe mầu đồng, tôi đã xuất hiện trong vài cái đám cưới với thiết kế thời trang chính hiệu hand-made của chị.   
 
Ông anh cả gởi về cái quần nhung màu sữa, ống túm. Cuối thập niên 70, ở Việt Nam vẫn còn quần ống loa. Cho nên, tôi phải mang ra tiệm, nhờ thợ lấy khúc vải dư của ống quần (quá dài) ghép lại, mở rộng ống, thành quần loe cho hợp thời trang đương thời. Đến khi có giấy xuất cảnh đi Đức, cái quần này vẫn là cái quần đẹp nhất, xứng đáng ra ngoại quốc. Lúc đó, tôi  phải nhờ người tháo mớ vải ngày trước đắp cho ống rộng, để cái quần trở thành ống túm. Tức là bây giờ, mèo lại hoàn mèo. Ông anh gửi hai cái áo sơ mi con trai số 152, tức là cho trẻ em khoảng 1m52,  cho hai thằng nhóc em. Hai cái áo rất hợp nhãn tôi. Bởi vậy, hai thằng cu vừa bỏ áo dơ ra thau, bà chị hăng hái đem giặt, ủi ngay. Rồi mượn tạm, mặc đi học, “giựt le” với bạn bè. Dẫu áo mặc ôm cứng như bó chả, ngắn cũn cỡn vừa lưng quần, tay áo chỉ mới lấp ló che cùi chỏ, tôi vẫn hân hoan diện “mốt” Tây Đức. “Mùi” hàng ngoại thơm phức, mặc dù áo đã giặt năm lần bảy lượt với xà phòng cục dầu dừa. Bước qua thế kỷ 21, khi nhìn các búp bê mẫu mặc áo sơ-mi trưng bày trong cửa tiệm, trông cũng giông giống tôi của thế kỷ trước lúc còn ở Việt Nam. Tức là áo chật chật như bị thiếu vải, vạt vừa đụng lưng quần, tay thì lưng lửng. Như vậy, tôi đã đi trước thời trang Tây phương hàng chục năm.
 
Thỉnh thoảng chúng tôi nhận được một số áo sơ-mi ông anh đã dùng. Đối với chúng tôi, vẫn là những cái áo đẹp tuyệt vời và thơm lựng mùi... Tây Đức. Chúng tôi háo hức đem những áo sơ-mi sọc nâu, xanh đậm ra tiệm cho người ta sửa, biến các áo nam thành áo nữ.
 
Sang Đức, lần đầu tiên được đưa đến phòng nhận áo quần, chúng tôi rộn ràng lựa các áo lạnh lông thú. Mấy chị em tôi “diện” những chiếc áo lông thú trong mùa lễ hội hóa trang Karneval. Không chừng người ta tưởng là chúng tôi muốn hóa trang thành những lão bà bà, tranh giành với bầy trẻ nít, nhặt kẹo từ những chiếc xe hoa tung xuống trong lễ hội. Người Đức nhìn chúng tôi ngỡ là học trò Trung Học, nhưng lại xúng xính trong những chiếc áo cho các bà Hiệu Trưởng đã về hưu đang bước vào cổng... thất thập cổ lai hi.
 
Thời gian chị Cẩm Thành và tôi đang là hai cô bé lọ lem, lên kinh đô Wolfhagen đi học, chị Thanh Tâm và Ngọc Hiền đã “lùng sục” không biết bao nhiêu cửa hàng để tìm trang phục cho chị Cẩm Thành và tôi, theo tiêu chuẩn đẹp mà vừa túi tiền. Khi nhận thùng quà từ “quê nhà” Duisburg, chị Cẩm Thành và tôi vui mừng tở mở. Chị Cẩm Thành được một cái váy sọc xanh nhạt, mặc với áo thun trắng. Tôi được một cái áo đầm màu xanh ngọc lam (turquoise color), có sợi nịt trắng ở giữa. Hai chị em hí hửng mặc đi dự disco mỗi thứ năm trong trường. Cả hai đều mơ mòng trong ý nghĩ... La plus belle pour aller danser. A ha! đêm nay ai cũng cho em là xinh nhất nơi trần gian... Ở thêm vài năm, chúng tôi phát giác ra, mấy cái áo đó dành cho con nít khoảng... phân nửa số tuổi của chúng tôi. Ồ, đâu sao! Mình thấy mình đẹp, mình thấy vui sướng trong bộ cánh đó là đủ rồi.
 
Thời gian học tiếng Đức, tiệm áo quần C&A là nơi chốn ưa thích “du ngoạn” của đám học trò chúng tôi. Nhất là những khi vừa lãnh học bổng, túi rủng rỉnh xu hào, chúng tôi dung dăng, dung dẻ trong khu vực áo quần trẻ em không mệt mỏi. Lần nọ, tôi thấy một cái váy mấy tầng dài đến mắt cá, màu trắng, có viền đăng ten, chỗ nối các tầng có chạy đường ruy-băng lụa màu hồng trông rất sang (ít ra trong mắt tôi). Cái váy đại hạ giá. Nhìn thấy giá cũ, mình mua được rẻ, tức là lời to, tôi hớn hở ôm váy đến quầy trả tiền. Tôi mua, nhưng lờ mờ về “chức năng” của cái váy. Nếu chỉ mặc như vậy, thì cực kỳ “xếch xi”, tại vải mỏng tanh. Nhưng nếu để mặc lót, phí quá, ai còn thấy dây ruy-băng hồng và đăng-ten lả lướt. Vả lại, tôi đâu có cái váy nào để mặc ngoài cho “môn đăng hộ đối” với cái váy lót quý phái này. Năm bữa, nửa tháng tôi lại đem váy ra săm soi, không biết mặc như thế nào. Sau thời gian nghiên cứu, tôi biết chắc đó là cái váy lót. Tiếc của, tôi xài như váy ngủ, được đôi lần rồi dẹp vào xó tủ. Mặc ngủ, đẹp chẳng ai thấy. Vì tắt đèn tối thui, mà váy lụng thụng, lột xột, loạt xoạt, chỉ tổ không thoải mái.
 
Lần khác, tôi mua cái áo len loại hơi dài, che mông, bán kèm hai cái ống len. Tôi suy diễn theo hiểu biết của mình, dùng ống len như ống quần. Thế là tôi mặc áo len, thay vì mặc quần, tôi choàng hai cái ống đó kéo lên che bắp đùi, phía dưới “chơi” đôi giày ống cao đến đầu gối màu da bò, gồ ghề không thua chi dân cao bồi Tếch-xịt. Diện xong thời trang thế kỷ, tôi ỏn ẻn đứng ngồi, nhờ người chụp hình. Bà chị dâu tôi thấy tấm hình đó, cố nén tiếng cười:
 
– Cô Thúy mặc bộ đồ ni coi ngầu ghê nghe. Có điều hấp dẫn quá đó!
 
Cũng may, tôi chỉ mới biểu diễn thời trang trong phòng, chứ chưa ra đường, vì lúc đó trời lạnh quá. Chớ không thôi, chắc đã có nhiều tai nạn giao thông trầm trọng, vì các tài xế bận cười, quên cả lái xe. Về sau, tôi mới phát giác ra rằng, ô ồ, cặp ống len chỉ là leg warmers, để mang choàng từ cổ giày lên bắp chuối mà thôi, còn quần thì vẫn phải mặc chứ lỵ. Tiếc quá, không có nhà kiểu mẫu thời trang nào khám phá ra đầu óc sáng tạo của tôi để đưa vào... Haute Couture.
 
Bây giờ, tuổi đã nhiều, cuộc sống đã ổn định, tôi có thể tìm cho mình những bộ áo quần vừa ý, hợp thời, may cắt khéo léo. Tôi có điều kiện tìm hiểu trang phục thích hợp. Nhưng đâu đó trong trí, tôi vẫn luôn nhớ đến những kỷ niệm nho nhỏ. Những áo quần ngày xưa có thể không hoàn hảo, nhưng đầy ắp tình cảm của gia đình, bạn bè. Những “trục trặc kỹ thuật” tuy vụng về, ngô nghê, nhưng là ký ức dễ thương, ít nhiều đã góp phần tô điểm thêm cho dòng đời muôn màu, muôn vẻ của tôi.
 
Hoàng Quân
 

Tìm các bài VĂN khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com