Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 
nhanduyen
 
Sau ba hôm mưa dầm, sáng nay vừa thức giấc, Kim ngạc nhiên vì tiếng chim ríu rít bên ngoài thật vui tai. Cạnh cửa sổ là cây anh đào. Hôm nào trời nắng đẹp lũ chim tụ về rất đông. Bước xuống giường, vén màn cửa sổ nhìn ra vườn sau. Quả thật, bên ngoài nắng vàng tươi. Trên cây, đàn chim vừa tung tăng chuyền cành vừa hót líu lo. Đã vào tháng Năm nên mặt trời mọc sớm. Chả bù với mùa đông, tám chín giờ vẫn còn tối om om. Hôm nay thứ Sáu nên Kim cảm thấy phấn chấn, vì ngày mai không phải đi làm. Vừa pha cho mình một tách cà phê (tiên dược đó, vì thiếu cái món này là Kim cảm thấy uể oải, năng lực đi chơi đâu mất tiêu!), nàng vừa tính toán xem tối nay ăn món gì? - Ừ hôm qua mua đưọc cái đầu cá mú thật ngon, tối nay sẽ nấu canh chua. Canh chua mà ăn với sườn ram mặn thì tuyệt vời! Chỉ cần nấu sẵn nước me, tối về bỏ thêm cá và tất cả đồ phụ tùng như bạc hà, cà chua, dứa, giá sống… vào là xong. Còn món sườn ram phải làm liền sáng nay. Đang đứng rửa mấy cọng rau ngổ, tiếng nước chảy rào rào át tiếng bước chân, đến lúc Tín bước tới ôm lưng vợ, hôn vào cổ Kim mới giật mình, giãy nảy:
 
– Coi kìa. Vợ chồng Raymond thấy, nó cười cho bây giờ.
 
Tín tỉnh bơ:
 
– Nó cười thì cứ để cho nó tự nhiên… hở mười cái răng!
 
Kim nguýt chồng:
 
– Chỉ có tài nói cù nhầy là hay nhất!
 
Tín cười, bưng tách cà phê Kim đang uống dở lên uống nốt. Kim đưa mắt nhìn sang nhà bên kia, có lẽ giờ này vợ chồng nhà Raymond đã đi làm. Hai người mới mua lại căn nhà phía sau nhà nàng độ hai năm nay. Hai mảnh vườn được ngăn bởi một hàng rào gỗ, nhưng bên Kim sân cỏ, còn bên kia họ lại tráng xi măng, chỉ chừa một ít đất để trồng hoa và rau cỏ. Tuổi hai người cũng xấp xỉ vợ chồng nàng, nhưng không con. Nhìn cách đối xử, Kim đoán họ yêu thương nhau thắm thiết. Ngoài giờ làm việc, thời gian còn lại họ dành cho việc săn sóc căn nhà và chăm sóc… lẫn nhau! Căn nhà họ bóng lộn từ trong ra ngoài như một đồng xu mới ra lò. Mùa hè hai người hầu như sống ngoài trời. Kim nhớ hè năm ngoái, hái được một rổ cà chua to tướng, thấy họ đang dùng bữa với một đám bạn bè, Kim đến bên rào, nhón chân lên gọi Raymond, định biếu một ít. Chẳng ngờ tên này cười toe đáp lễ “Rất cám ơn, nhưng tôi cũng có độ bốn năm chục quả, định biếu ông bà một mớ đây”. Thế là hai bên cùng cười xòa. Thôi thì cà ai nấy ăn vậy! Có hàng xóm tốt bụng cũng dễ chịu…
 
Đến văn phòng Kim lại làm cho mình ly cà phê khác, vì ly buổi sáng đã bị Tín thanh toán sạch. Nhìn ra ngoài trời, Kim nhủ thầm nắng đẹp như vầy chắc “cá” lặn hết trơn! Bữa nay đố khỏi hai thầy trò chỉ ngồi giữ chùa, ngáp vặt!
 
Ngoài cửa chợt có tiếng trẻ con khóc, rồi tiếng rít lên của một bà mẹ. Kim đưa mắt nhìn ra. Nàng không ngạc nhiên lắm, vì những gia đình Haitien vẫn hay ồn ào như vậy. Người đàn bà còn trẻ, cao lớn da đen sậm, lôi sềnh sệch một nhóc tì độ bốn năm tuổi nước mắt đầm đìa đến trước mặt Kim. Nàng có cảm giác như đã gặp thiếu phụ này ở đâu đây? Bỗng người đàn bà reo lên:
 
- Kim, có phải mày không? Mimosa đây. Cách đây mấy năm tụi mình làm chung ở hãng nữ trang Keyes đó. Không ngờ gặp lại mày ở đây. Mày vẫn không thay đổi nên tao nhận ra ngay.
 
Kim cũng reo lên, mừng rỡ:
 
– A, tao nhớ ra rồi. Hồi xưa có lần mình ngồi cạnh nhau. Chúa ơi, mới đó mà đã bốn năm rồi! Mày còn làm ở đó nữa không?
 
Mimosa cười, khoe hàm răng đều đặn trắng như ngà:
 
– Nghỉ rồi. Sau mày độ hai năm. Vừa đi làm vừa chăn ba đứa nhỏ, cực quá tao nghỉ luôn ở nhà. Mày biết không, lúc mới có hai đứa tao bảo thôi mà thằng chồng tao nhất định không nghe. Cho nó đáng đời!
 
Kim bật cười trước cái lối trả thù khoẻ ru của Mimosa. Con bé này đáng được liệt vào hạng “người đẹp” trong nhóm Haitien làm chung hồi xưa. Chả vậy mà con nhỏ xí xọn Bernadette, bồ chính thức của tên cai Guy (cũng Haitien) cứ háy nguýt nó suốt ngày. Đúng ra con bé này tên thật là Mimose, nhưng Kim cứ gọi nó là Mimosa để nhớ lại những chùm hoa màu vàng thật dễ thương của Đàlạt năm xưa. Cô nàng tỏ ra rất hài lòng khi nghe Kim giải thích. Nàng hỏi thăm những người trong hãng cũ và được biết ông Deutch, chủ hãng, đã qua đời vì bệnh tim. Kim nhớ rất rõ, ông Deutch người nhỏ bé, lúc nào cũng bận rộn, rình mò nhân viên một cách kín đáo, keo kiệt một cây, nhưng được cái rất quí người Việt Nam. Người mình vốn siêng năng, khéo tay lại không hay đòi tăng lương. Trong khi đó đám da đen vừa lười như hủi, thỉnh thoảng lại biểu diễn một màn “cầm nhầm” vài món nữ trang về làm của riêng, hoặc bán rẻ lại cho bạn bè. Hãng này sản xuất đồ giả lẫn đồ thật, nhưng giữa khu thật và giả được ngăn bởi một tấm vách lưới. Hai bên nhìn thấy nhau nhưng bất khả xâm phạm. Đám thợ làm hàng thật toàn Tây trắng, chắc chắn rất được chủ nhân tín nhiệm!
 
Sau khi Mimose về rồi, Kim không khỏi bồi hồi nhớ lại kỷ niệm của những năm về trước, lúc còn làm ở hãng Keyes…
 
Sau chuyến di tản bằng tàu Đại Hàn đến đảo Guam, vợ chồng nàng được chính phủ Canada nhận cho định cư khá dễ dàng. Giờ chót mới quyết định ra đi nên vợ chồng Kim hầu như trắng tay. Gia đình 6 người có vỏn vẹn 80 USD trong túi. Hành lý thì vài bộ đồ và 1 hộp sữa bột SMA cho con gái mới hơn 1 tuổi. Đến Montreal, tất cả các gia đình tị nạn được chính phủ cho ở hôtel hai tuần, phát quần áo mới… vv… trong khi chờ đợi thuê được nhà riêng. Xui làm sao, mới dọn nhà chỉ 3 hôm sau nhà… phựt cháy. Vì ở tầng 3 nên mọi người vội vàng tuôn xuống đường tránh bà Hỏa. Lần này thì gia đình Kim chính thức trở thành... vô sản thứ thiệt! Số quần áo ít ỏi mang theo từ VN cộng thêm những thứ chính phủ cho đều cháy thành than! Một lần nữa chính phủ lại phải mang vợ chồng nàng trở về hôtel sống tiếp. Rồi nhờ bạn bè mách bảo, gia đình Kim thuê được một apt trong chung cư có… 18 gia đình Việt Nam cư ngụ. Mảnh bằng Văn Khoa VN của Kim giờ chỉ là tờ giấy lộn. Cả cái nghề Giáo Sư của Tín cũng vậy. Gần 1 năm trời nàng thay đổi ba bốn việc làm. Mà việc nào cũng khá mệt nhọc. May sao trong chung cư vợ chồng nàng đang ở có bác Tâm đang làm ở hãng Keyes. Một hôm vào ngày thứ Bảy, Kim lấy Métro đi phố Tàu, gặp bác cũng đang đợi Métro. Bắt chuyện với nhau một lúc mới biết hồi xưa Kim học chung với đứa con gái thứ ba của bác, hiện ở với chồng bên Cali. Nghe Kim than thở, bác sốt sắng khuyên nàng đến hãng Keyes xin việc. Vì thường thường gần Noel hãng cần rất nhiều người mới làm kịp hàng để giao cho các tiệm bán lẻ. Nghe lời bác, sáng hôm sau Kim đến văn phòng hãng Keyes xin đại, không ngờ họ nhận vào làm ngay. Cô thư ký dẫn Kim vào xưởng làm việc phía sau văn phòng. Vài cái đầu ngẩng lên nhìn rồi lại thản nhiên cúi xuống làm tiếp. Nhìn tổng quát xưởng rất rộng và chia làm nhiều ngăn. Có độ bốn mươi nhân viên. Chừng hơn mươi người Việt Nam, phần còn lại nửa trắng nửa đen. Kim được tên cai da đen dẫn tới ngồi bên cạnh một cô gái Việt Nam đang ngồi đo, cắt những sợi dây từ trong một cuộn dây to tướng. Hắn cũng đem cho nàng một cuộn như vậy, với cái kìm cắt. Giải thích xong hắn bỏ đi. Ngồi cách đó hai dãy bàn, bác Tâm nhìn Kim mỉm cười, tỏ vẻ hài lòng. Nàng cũng cười đáp lại. Cô gái bên cạnh quay sang thì thầm:
 
– Chắc chị mới đi làm phải không? Đừng lo, cứ làm chăm chỉ là được. Công việc rất nhẹ nhàng. Không biết gì cứ hỏi. Em tên Mai.
 
Kim cũng tự giới thiệu tên tuổi. Nhìn thấy cặp mắt trắng dã của tên cai “chiếu tướng” về phía hai nàng, Mai vội ngồi ngay lại tiếp tục đo, cắt. Đúng 12 giờ 30, Kim giật bắn người vì tiếng chuông reo inh ỏi báo hiệu giờ nghỉ trưa. Mọi người đồng loạt đứng dậy, thở ra khoan khoái. .. Mai nói:
 
– Tụi mình có nửa giờ ăn trưa thôi đó chị Kim.
 
Kim gật đầu, nói xin lỗi rồi chạy ngay lại bàn bác Tâm để cám ơn. Bác cười hiền hậu:
 
- Cám ơn cái gì! Lúc trước có người giúp bác xin việc, bây giờ bác giúp lại cháu là chuyện thường, có gì phải thắc mắc. Thôi bây giờ sửa soạn ăn trưa kẻo không kịp.
 
Kim đang lúng túng vì sáng nay khi ra đi, không ngờ được nhận làm ngay, nên nàng không chuẩn bị thức ăn đem theo, thì may quá, Mai cùng với một thanh niên tiến lại phía bác Tâm và nàng. Mai giới thiệu Kim với anh chàng rồi nói:
 
– Đây là anh Tuấn. Anh làm trong phòng mài với ba anh Việt Nam khác. Tất cả nữ trang khi đúc xong phải đem mài cho thật nhẵn rồi mới nhuộm vàng. Kim gật đầu chào Tuấn. Khi biết Kim không đem thức ăn theo, Tuấn nhanh nhẩu:
 
- Không sao, sáng nay dậy muộn tôi cũng không kịp làm sandwich, đang định xuống cafétéria mua. Để tôi mua cho chị luôn.
 
Kim móc bóp định lấy tiền thì Tuấn xua tay:
 
- Thôi khỏi. Chị là người mới, tôi xin được đãi chị bữa nay.
 
Nói xong không đợi Kim kịp từ chối, Tuấn vội vàng đi ra thang máy. Kim đành tự hứa hôm khác sẽ trả lại món nợ này.
 
Cả hai ngồi xuống bên cạnh bác Tâm. Trong này có lệ, giờ ăn trưa, Haitien tụ lại từng nhóm, Việt Nam cũng vậy. Vừa ăn vừa tán dóc đủ thứ chuyện. Có hai nhóm Việt Nam khác ngồi cách đó không xa. Mai kín đáo chỉ từng người:
 
- Cái chị tròn tròn tóc ngắn đó tên Hằng. Nha Sĩ bên Việt Nam, bây giờ đang học lại để thi. Còn cô bé trắng trắng, nhỏ nhỏ, tóc dài ngồi bên cạnh tên Hà. Mới sang độ một năm nay. Hà còn rất trẻ, nên cố dành dụm tiền để đi học lại. Còn chị ốm, cao, đẹp như đầm, kế bên Hà là Ngọc. Tuy có chồng, một con, nhưng cứ bị tên cai mắt la mày lét, đeo theo tán tỉnh. Trước mặt mấy người đó là bác Sang, nghe đâu chồng bác hồi xưa bên Việt Nam làm lớn trong chính quyền. Bên cạnh là cô con gái của bác tên Nga. Anh chàng trẻ măng ngồi sát bên Nga là Quang, đang chết dở vì cái núm đồng tiền trên má của cô nàng! Cái ông ốm nhom, cao kều, tóc quăn quăn ngồi trước mặt Quang là anh Đạt, cựu Giám Đốc Ngân Hàng ngày xưa. Hai người này cùng với anh Tuấn làm trong phòng mài. Mấy ông ngày đi làm, nhưng tối lấy cours học thêm.
 
Vừa lúc đó Tuấn trở lên đưa Kim cặp sandwich trứng. Kim cám ơn rồi mời Tuấn ngồi xuống chiếc ghế trống trước mặt, nhưng chàng thối thoát, bảo có chuyện cần bàn với ông Đạt. Đúng 1 giờ chuông reo báo hiệu giờ nghỉ trưa chấm dứt. Mọi người lục tục trở về chỗ làm. Mai nói với Kim:
 
- Chị chuẩn bị đi. Đến giờ lạy ông đi qua, lạy bà đi lại rồi đó.
 
Thấy vẻ ngơ ngác của Kim, Mai phì cười:
 
- Thì ngủ gục đó! Khổ nhất là sau giờ ăn trưa. Bụng đầy mà công việc cứ bắt phải ngồi ì một chỗ, nên buồn ngủ dễ sợ! Chừng nào không cưỡng được, chị cứ việc đứng lên vào toilette một tí. Ở đây chỉ có đi toilette mới được đứng lên mà thôi. Chả bù lúc mới sang, Mai đi làm trong một hãng may. Họ bắt xếp quần áo. Toàn đồ ngủ đàn bà dài thậm thượt, nên suốt ngày cứ phải đứng. Tối về hai cái chân cứng ngắt luôn! May quá, một hôm trên xe bus gặp anh Tuấn, hồi xưa bên Việt Nam ở cùng xóm với Mai. Nghe Mai than cực, anh dẫn vào xin việc ở đây đó chị Kim. Rồi Mai kết luận, với cặp mắt mơ màng và nụ cười mím chi:
 
- Anh Tuấn tử tế và dễ thưong lắm!
 
Hôm nay ngày đầu tiên nên Kim hết sức chú ý, cố gắng không phạm lỗi, nên không thấy buồn ngủ. Nhưng bên cạnh nàng, Mai thỉnh thoảng lại “gật đầu” một cái. Kim trêu:
 
- Lạy ông đi qua rồi phải không?
 
Mai chớp cặp mắt đỏ quạch nhìn sang Kim, cố nhếch miệng lên cười! Tuy mới gặp, nhưng Kim thấy Mai là một cô gái rất dễ mến.
 
… Thấm thoát mà Kim làm ở hãng Keyes gần hai năm. Sáng bắt đầu 8 giờ, chiều tan sở 6 giờ. Công việc nhẹ nhàng, dễ dàng đến độ…nhàm chán! Sau này thạo việc, không cần chú ý nhiều nên Kim cũng bắt đầu… lạy ông đi qua, lạy bà đi lại như mọi người, sau giờ ăn trưa. Thỉnh thoảng cả đám đang lơ tơ mơ, chợt giật bắn người vì một tiếng thét hãi hùng của một nạn nhân lơ đễnh. Trong hãng có bốn người điều khiển máy ráp khoen, móc vào những sợi dây chuyền. Đôi khi ngủ gục, thay vì đưa hai đầu dây để máy đóng khoen, lạng quạng làm sao họ lại “thế” bằng chính ngón tay của mình. Cái máy vô tình vẫn làm nhiệm vụ, thế là một tiếng thét đau đớn trỗi lên, khiến mọi người bàng hoàng tỉnh giấc! Cai Guy hốt hoảng chạy tới tắt máy, rồi dẫn nạn nhân lên văn phòng săn sóc vết thương, sau khi đã mắng cho đương sự mấy mắng!
 
Có lần con bé Hà bị lâm nạn như vậy. Vừa bị đau vừa bị mắng, nhỏ oà lên khóc sướt mướt, khiến tên cai luống cuống không biết làm sao!… Nghĩ đến còn rùng mình! Mùa đông những năm mới qua lạnh thấu xương, lại bão tuyết liên miên. Có tuần đến ba trận. Con đường Chabanel chỉ có hãng xưởng. Building hai bên cao ngất. Khi có bão, gió luồn giữa các cao ốc này, sức mạnh tăng lên gấp đôi. Những hôm ấy, mấy bác cháu té lên té xuống, cố dắt díu nhau đi trong bão tuyết mịt mùng để đến trạm xe buýt. Tội nghiệp bác Tâm và bác Sang, leo được lên xe, mặt mũi người nào cũng tái xanh, rét run cầm cập! Có lần gió thổi mạnh quá đẩy Kim chạy băng băng không ngừng lại được. May có mấy ông đợi xe bus kéo nàng đứng lại. Thật hú vía! Chao ơi bên Việt Nam có mấy ai ngờ được cái nổi niềm thê thảm này! Kim có chị bạn thân, bảo lãnh đứa cháu từ trại tị nạn sang. Thấy bà cô cực khổ đầu tắt mặt tối, thằng bé kêu lên:
 
- Cô ơi, trước khi sang đây, cháu cứ tưởng cô sướng như tiên.
 
Chị bạn Kim cười cay đắng:
 
- Đúng đấy cháu ơi. Nhưng cô là tiên mắc đọa!
 
Công việc nhàn nên muôn đời lãnh lương tối thiểu! Hơn nữa chưa có trường nào dạy cách moi được tiền của mấy ông chủ Do Thái!. Những ngày lễ, như lễ La Reine, chủ tuyên bố một câu xanh rờn:
 
- Bà Nữ Hoàng này ở tận bên Anh Quốc xa lắc, xa lơ, ăn thua gì tới xứ Canada mà phải nghỉ? Ai muốn nghỉ hôm đó thì ở nhà luôn cho được việc!
 
Tất nhiên là chẳng ai dám bày tỏ lòng trung thành của mình với bà Nữ Hoàng, mà theo ông chủ thân mến (!) chẳng ăn nhậu gì tới chúng ta cả…
 
Nhưng nặng nhất là hôm lễ Quốc Khánh của xứ Québec. Lễ này quan trọng bậc nhất đối với dân “Còi”. Nhưng khổ nỗi, ông Deutch là dân Do Thái chánh cống. Hôm đó trong sở, mặt người nào cũng dài thòong. Khoảng 11 giờ, bỗng từ dưới đường, tiếng còi xe chữa lửa lẫn xe Cảnh Sát đưa lên điếc cả tai. Vài phút sau, có tiếng la lớn:
 
- Mọi người xuống đường. Building bị đặt bom!
 
Không ai bảo ai, chủ tớ tranh nhau theo cầu thang chân, chạy một mạch xuống tám tầng lầu trong một thời gian kỷ lục!
 
Đội Cảnh Sát đặc biệt nai nịt cẩn thận, đem máy dò bom lên rà khắp nơi. Độ nửa tiếng sau, các ông bạn dân trở xuống báo cáo:
 
- Tin đặt bom chỉ là tin vịt. Quí vị cứ yên chí tiếp tục lên làm.
 
Nhưng mấy người da trắng chả yên chí tí nào. Có cái cớ bằng vàng này, họ đã rút lui về nhà từ khuya! Lục tục trở lên hãng chỉ có đám da vàng và da đen. Ông Deutch lắc đầu càu nhàu:
 
- Tao không hiểu họ sợ cái gì? Khi Chúa gọi thì dẫu tụi bây đang nằm trên giường cũng sẽ chết ngay đơ!
 
Kim thấy đúng quá. Mấy mươi năm chiến tranh ở quê nhà, hàng ngày bom bay đạn nổ tùm lum chung quanh, mà còn chẳng làm sao. Sá gì cái chuyện đặt bom “dỏm” này mà phải sợ há? Tối về nhà kể lại Tín cười:
 
- Đúng là bị mấy tên “Còi” hù cho bỏ ghét đó mà…
 
Tội nghiệp cho đám công nhân thấp cổ bé miệng, đôi khi tức muốn bể phổi mà vẫn phải ngậm tăm! Chẳng hạn những ngày lễ Do Thái, cũng chả dây mơ rễ má gì tới xứ Canada, lão chủ độc tài này lại bắt mọi người nghỉ tuốt. Trong khi người khác đi làm, mình lại tà tà ở nhà, thật chẳng giống ai! Có lần nhỏ Mimose ghé tai Kim thì thầm:
 
– Bây giờ tao mới hiểu tại sao trên thế giới ai cũng ghét dân Do Thái!
 
… Giao tình giữa Mai và Kim càng ngày càng khắng khít. Mai điềm đạm, hay giúp đỡ kẻ khác. Ở tuổi 25, Mai tự cho mình đã quá xuân thì. Biết Kim lớn hơn nàng có bốn tuổi mà đã là mẹ của hai tí nhau, Mai nói:
 
– Chị Kim thật có phước. Biết chừng nào em mới có được một gia đình như chị!
 
Kim đùa:
 
– Coi vậy mà hổng phải vậy đâu nghen. Nhiều khi điên đầu vì tụi nhóc, hoặc tức mình ông Tín, chị lại thấy ganh tị với những người còn độc thân. Nhưng kẹt nổi “cá cắn câu biết đâu mà gỡ. Chim vào lồng biết thuở nào ra?”
 
Mai bật cười, nhưng sau đó lại buông tiếng thở dài:
 
- Tại chị Kim không biết, chớ một mình đôi khi… chán đời lắm!
 
Chợt nhớ lại lúc sau này, Mai có những cử chỉ, ánh mắt hơi… đặc biệt đối với Tuấn, Kim nheo mắt:
 
- Nhưng không sao, cứ yên chí đi. Theo giác quan thứ sáu của chị thì cái được gọi là “hạnh phúc” của Mai chắc cũng chỉ ở gần sát đâu đây thôi!
 
Vừa nói Kim vừa đưa mắt nhìn vào phòng mài, quan trọng là em có muốn chụp bắt nó hay không mà thôi. Chắc Mai hiểu ý của Kim nên mặt chợt đỏ bừng, cấu cho Kim một cái đau điếng:
 
– Trêu em hoài. “Người ta” nghe chắc em độn thổ!
 
Kim giả vờ ngây thơ:
 
- Uả, người ta nào vậy cà?
 
Mai càng mắc cỡ, không biết nói sao, chỉ hứ hứ mấy tiếng. Kim cười ngất, nhưng trong lòng cảm thấy tội nghiệp cho Mai. Từng ấy tuổi đầu mà trong chuyện trai gái vẫn còn khá ngây ngô! Tuy thích Tuấn, Mai chỉ dám thỉnh thoảng mời chàng ta chiếc bánh ngọt, hay quả cam, quả táo. Nhưng qua ánh mắt, nụ cười của nàng, Kim không thể nào nhầm lẫn được. Trăm phần trăm là Mai đã trao trọn quả tim chân thật của mình cho Tuấn rồi. Nhưng khổ nỗi, theo nhận xét của Kim, thì hình như anh chàng này vẫn thản nhiên xem Mai như một cô em gái.!
 
Theo lời Mai kể, Tuấn may mắn leo lên chiếc tàu Trường Xuân ngày 30-4 nên thoát khỏi gông cùm Cộng Sản trong gang tấc. Từ Hồng Kông, Tuấn liên lạc được với một Linh Mục người Pháp khi xưa ở Việt Nam. Cha bằng lòng bảo trợ cho Tuấn sang Québec định cư. Tuấn thuê nhà ở chung với ba người Việt độc thân khác. Đi học thêm tiếng Pháp được 6 tháng, nói và hiểu khá thì chàng kiếm được việc làm trong hãng Keyes, tối lấy thêm cours kế toán. Tiền kiếm được, Tuấn gửi một phần về cho mẹ và dành dụm mua một chiếc xe cũ để đi làm… Chàng năm nay hăm bảy. Người tầm thước, khỏe mạnh, khôi hài rất có duyên và một đặc tính mà mọi người đều ưa thích là lúc nào cũng sẵn sàng… ăn cơm nhà vác ngà voi! Ai cần giúp đỡ chuyện gì, chỉ… hú một tiếng là có chàng. Thấy Tuấn tứ cố vô thân, thỉnh thoảng cuối tuần hoặc sinh nhật các con, Kim mời Tuấn và Mai tới ăn cơm. Nàng nhất định bắt nhịp cầu tri âm cho hai trẻ! Tín cười trêu vợ:
 
– Nè bà xã, bà đã từng nghe qua câu tục ngữ: Ở đời có bốn cái ngu: làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu chưa vậy? Hạnh phúc thì không nói gì. Hễ cơm không lành, canh không ngọt là họ cứ bà mai mà réo cả ngày! Bà nhắm có chịu nổi không nè?
 
Kim chống chế:
 
- Tại em thấy cậu Tuấn đàng hoàng, nhỏ Mai lại có ý thương thầm, nên em có lòng tốt, giúp cho họ nên duyên cầm sắt chớ bộ!
 
Tín nhăn mặt:
 
- Thôi em ơi, hữu duyên thiên lý năng tương ngộ, mà dzô dziên có đối diện cũng bất tương phùng hà. Em đừng giựt “job” của ông Tơ bà Nguyệt mà lãnh… sẹo nhé!
 
Kim xí một tiếng không thèm trả lời. Tuy trong bụng cũng thấy “thằng chả” có lý phần nào!
 
… Thứ Sáu tuần rồi, Mai nói với Kim thứ Hai sẽ dẫn một người quen, ở Việt Nam mới sang, vào xin việc. Gia đình này gồm bố mẹ già, một con trai và cô con gái tên Mỹ Dung được người con trai lớn đi du học trước Bảy Lăm bão lãnh. Lúc đầu sống tạm nhà con trai bên Laval. Nhưng ngặt cô dâu đầm không chịu nổi mùi nước mắm, mà ông bà già lại không chịu xơi cơm Tây. Thỉnh thoảng còn chấp nhận, nhưng thường trực thì chịu thua! Nên sau cùng đành chia tay. Ông con qua mướn cái Appartement, cùng Building với gia đình Mai, nên hai nhà quen nhau. Bố mẹ Dung đều trên sáu mươi, nên chuyện kiếm việc thật nan giải. Mỹ Dung và cậu em phải đi làm ngay mới đủ chi dụng trong nhà. Nàng nhờ Mai dẫn vào xin việc ở hãng Keyes…
 
Sáng thứ Hai, vừa ngồi xuống chỗ, Mai đã vui vẻ nói với Kim:
 
- Em đã đưa Mỹ Dung tới tận cửa văn phòng rồi. Con Bernadette nghỉ sanh, hy vọng họ sẽ nhận Mỹ Dung vào thế. Con bé dễ thương, lanh lợi lắm chị Kim ạ.
 
Độ 15 phút sau, cai Guy dẫn một cô gái từ văn phòng vào, đi thẳng đến chỗ cũ của nhỏ Bernadette. Nhìn thoáng qua, con bé xinh thật. Mái tóc dài đen mượt, da trắng như trứng gà bóc, thân hình thon nhỏ…
 
Đến giờ ăn trưa, Mai chạy lại chỗ Mỹ Dung, dắt con bé đến bàn nơi Kim và bác Tâm ngồi. Mai giới thiệu, Mỹ Dung tươi cười chào bác Tâm và Kim… Úi chao, lại có chiếc răng khểnh nữa chứ! Cặp mắt lá răm này cũng có hạng lắm đây, Kim nhủ thầm. Thấy Tuấn từ trong phòng mài bước ra, Mai đưa tay vẫy. Tuấn cầm túi giấy đựng Sandwich đi ra chỗ các bà. Mai giới thiệu Mỹ Dung. Tuấn cũng lịch sự hỏi:
 
- Mới ngày đầu Dung thấy thế nào, mệt lắm không?
 
Con bé chớp mắt, cười duyên trả lời:
 
- Trước đây em cứ tưởng đi làm hãng xưởng cực lắm, không ngờ chỗ này công việc nhẹ nhàng quá anh ạ. Mỗi ngày lại được nhìn thấy hàng núi nữ trang như thế này em thích lắm!
 
Tuấn cười:
 
- Thật các bà các cô ai cũng giống nhau. Cứ thấy nữ trang là mắt sáng lên!
 
Mỹ Dung vẩu môi:
 
- Anh Tuấn không biết sao, hai điều thú vị nhất của đàn bà là quần áo và nữ trang. Phải không chị Mai?
 
Mai cười cười không trả lời, vì tính nàng không thích se sua, chưng diện. Thấy con bé có vẻ hơi xí xọn, Kim lên tiếng:
 
– Cũng còn tùy. Có bà thích làm bếp, có bà mê trồng cây. Như tôi đây, có bao nhiêu tiền cũng đổ vào sách báo. Nhưng Mỹ Dung cũng có lý, phần lớn các bà đều mê mấy thứ đó. Chả vậy mà các nhà thời trang, năm nào cũng bỏ vào túi cả chục tỉ đô la. Mà nghĩ đi, nghĩ lại, hôm nào diện đẹp, mình cũng cảm thấy… yêu đời hơn.
 
Tuấn rên rỉ:
 
- Chỉ khổ bọn đàn ông chúng tôi thôi. Tôi biết có người cày ngày không đủ, còn phải tranh thủ…. cày đêm!
 
Mỹ Dung cũng không chịu thua:
 
- Anh Tuấn nói vậy em không đồng ý. Hồi xưa bên Việt Nam, chỉ có bố em đi làm nuôi cả nhà. Bây giờ sang đây, em thấy hầu như gia đình nào bà vợ cũng phải đi làm mới đủ cho cả nhà…
 
Kim tố thêm:
 
- Đó là chưa kể về nhà lập tức trở thành vú em, chị bếp, con sen và ban đêm còn phải hầu ông chủ!..
 
Tuấn đưa tay lên trời:
 
- Thôi thôi chịu thua các bà! Từ trước đến giờ vẫn không cãi lại chị Kim. Bây giờ còn thêm cô Dung nữa, tôi xin đầu hàng vô điều kiện!
 
Mọi người cùng cười vui. Tuy ngoài mặt không lộ vẻ gì. Nhưng sao Kim cảm thấy trong lòng hình như có cái gì đó không được ổn. Tại Mỹ Dung xinh đẹp và sắc sảo quá chăng? Bên cạnh con bé, Mai như một chiếc bóng mờ!
 
…Càng ngày Kim thấy linh tính lúc đầu của mình càng đúng. Mỹ Dung có những hành động vượt quá mức bình thường, như hôm nào cũng mang thêm một phần ăn cho Tuấn. Ban đầu anh chàng từ chối, thì Mỹ Dung giải thích:
 
- Sẵn làm cho em, làm thêm một phần cho anh, có mất công gì đâu!
 
Lúc đầu Tuấn thấy ngượng, nhưng lâu dần cũng… quen. Vả lại, trên đời này, có chàng trai bình thường nào lại nỡ làm buồn lòng một cô gái xinh đẹp như Mỹ Dung? Để đáp lễ, buổi chiều Tuấn xin được đưa Mỹ Dung về. (ối, cũng đâu có xa xôi gì cho cam. Chỉ mất thêm độ ba mươi phút thôi mà!) Nhưng không lẽ cùng building, mà chỉ chở một mình Mỹ Dung cũng kỳ, nên Tuấn mời luôn Mai. Dĩ nhiên con bé xí xọn nhận lời ngay, nhưng Mai thì e ngại. Nhỡ người ta thấy họ cười chết! Nhỏ Dung bĩu môi:
 
- Chị sao lạc hậu quá trời! Chị tính đi, nếu đi nhờ xe anh Tuấn, mình chỉ mất có mười lăm phút là về đến nhà, thay vì bốn mươi lăm phút như thường lệ. Tiết kiệm được nửa giờ, mà khỏi phải chen lấn khổ sở, chị thấy không tốt hay sao?
 
Mai nghe cũng bùi tai, nên nhận lời. Không lẽ cả hai cùng ngồi phía sau? Tuấn đâu phải là tài xế của hai nàng. Nhưng gì thì gì, Mai nhất định dành ngồi phía sau (nhỡ có người cùng Building thấy… dị chết!). Con bé Dung ngồi phía trước với Tuấn, liếng thoắng kể chuyện. Vừa đẹp, vừa có duyên lại trẻ măng (mới hăm mốt mùa xuân thôi mà). Điệu này có người chết chắc!… Bình thường Mai chỉ im lặng ngồi nghe, thỉnh thoảng mới góp vào một hai câu cho có chuyện… Cả tuần, Kim thấy Mai có cái gì đó không được bình thường. Nàng ít nói hẳn, mắt lại có quầng thâm. Buổi trưa mọi người ăn uống vui vẻ, Mai cứ thừ ra, thức ăn hôm nào hầu như cũng còn nguyên. Có hôm đang làm việc, Kim quay qua hỏi Mai thứ Bảy này có rảnh không, phải hỏi mấy lần Mai mới giật mình, làm như tâm hồn đang ở tận đâu đâu. Kim nhíu mày suy nghĩ. Không lẽ con bé thất tình? Ừ, có thể lắm à. Dạo này thấy Tuấn với Mỹ Dung càng ngày càng thân mật. Con bé Dung tính tình tự nhiên, nói chuyện với anh chàng Tuấn chả giữ gìn cả. Cặp mắt lá răm lại cứ liếc tới, liếc lui. Cái miệng dẻo quẹo, có là gỗ đá cũng phải nhũn ra như… bún thiu mà thôi! Nói chi đến anh chàng Tuấn tứ cố vô thân, lại phòng không chiếc bóng! Kim nghĩ, nếu chuyện này có xảy ra thật, nàng cũng không lấy làm lạ. Vì trước một đối thủ quá ư lợi hại như Mỹ Dung, Mai thua là cái chắc! Chỉ có điều trớ trêu là, khi đem Mỹ Dung vào xin việc, Mai đã tự tay ký bản án tử hình cho hạnh phúc của đời mình. Nhưng tự cổ chí kim, có mấy người cãi được số trời?! Không tiện hỏi nơi đây, Kim đành hẹn Mai chiều thứ Bảy đến nhà nàng ăn bánh xèo.
 
… Mai vừa bước chân vào cửa, là Kim đã lôi bén vào phòng ngủ, đóng cửa lại. Ấn Mai ngồi xuống giường, Kim nhẹ nhàng nói:
 
– Nào, bây giờ có chuyện gì buồn, kể ra cho chị chia sẻ với.
 
Mai cắn môi, mắt nhìn xuống ngập ngừng đáp
 
- Em không sao.
 
Kim bực mình gắt:
 
- Không sao, không sao. Bộ cho là chị mù chắc! Lúc này Mai xuống sắc lắm có biết không? Càng ngày càng tong teo. Chả bù với con bé Dung, càng ngày chị thấy nó càng tươi tắn, rực rỡ ra!
 
Đúng như Kim dự tính, chạm vào vết thương đau, Mai ngẫng lên nhìn nàng, giọng đứt quãng:
 
- Em cũng không biết nói sao với chị nữa. Em… em khổ lắm chị Kim ơi!…
 
Chỉ tới đó là hai hàng nước mắt chảy ròng ròng. Một tay ôm nhẹ bờ vai gầy gò của Mai, tay kia vói lấy mấy tờ Kleenex, Kim thở dài:
 
- Chị biết em yêu Tuấn từ lâu. Nhưng bao nhiêu lần chị nói bóng, nói gió em đều lờ đi… Em tưởng mình đang ở thời… thượng cổ hay sao chứ? Thương người ta mà cứ giấu biệt trong lòng. Con nhỏ Mỹ Dung đó, chỉ nhìn dáng điệu của nó thôi, ngốc cách mấy cũng biết là nó đang giăng lưới để tóm ông Tuấn. Phải chi từ trước em cũng mạnh dạn như nó thì…
 
Mai lau nước mắt, giọng ướt sũng:
 
- Em cũng biết là em cổ hủ, không bằng ai. Nhưng trời sinh em như vậy, biết sao hở chị?! Bố mẹ em khó lắm. Ngày xưa, chị cả em bị bố bắt gặp đi học về chung với anh rể em (lúc đó còn chưa lấy nhau), ông già cho bả một trận nên thân! Các cụ nhà giáo ngày xưa khó lắm chị ơi. Có lẽ vì vậy mà lúc nào em cũng phải giữ gìn…
 
À ra thế! Kim chép miệng. Ngừng một lúc, Mai thở dài:
 
- Thôi để em kể hết cho chị nghe.
 
… Trong cái đầu óc giản dị của nàng, lúc trước Mai cứ đinh ninh Tuấn chỉ xem Mỹ Dung như một đứa em gái. Nào ngờ, chiều Chúa Nhật tuần trước, từ nhà bà chị về, thấy xe Tuấn đậu bên lề đường, trước cửa Building. Mai vô tình nhìn vào, định hỏi Tuấn đi đâu đây thì… giọng Mai ngập ngừng, nàng thấy Tuấn và Dung đang… hôn nhau. Mai hốt hoảng lùi lại (Kim nghĩ thầm Trời sập chắc cũng… cỡ đó thôi!). Có lẽ hai người không thấy Mai (là cái chắc, họ đang say sưa quá mà!). Nàng còn đang lúng túng, thì Dung mở cửa bước xưống và Tuấn phóng xe đi. Thấy Mai (tất nhiên đang chết đứng như Từ Hải!), con bé toét miệng cười, hí hửng khoe bữa nay hai người đi picnic trên núi Mont Royal và sau đó đi ciné dưới phố, bây giờ vừa về tới. Mai cố gắng ừ hử lấy lệ, nhưng có nghe gì nữa đâu? Một cụ thi sĩ tiền chiến đã từng rên rỉ: Yêu là chết trong lòng một ít!… Nhưng lòng Mai lúc đó thì tan tành, nát ngướu như tương, không còn một mảnh vụn!!
 
Buổi tối Mai ăn cơm mà như nuốt sạn. Giữa bữa lấy cớ nhức đầu, xin vào phòng trước. Suốt đêm nàng không tài nào ngủ được, cái cảnh tượng ban chiều cứ hiện ra rành rành trước mắt!…
 
Kim giật mình vì tiếng thở dài não nuột của Mai:
 
- Chị Kim, chuyện mà em không bao giờ nghĩ đến, là từ lúc quen với Tuấn, Mỹ Dung kiếm cớ phôn cho ảnh hoài. Lúc đầu thỉnh thoảng, nhưng sau này thường lắm, hầu như tối nào cũng phôn
 
(Trời, con nhỏ ít tuổi mà khôn như ranh. Còn cái điện thoại nữa, bình thường rất hữu dụng, nhưng đôi khi cũng tai hại chết người! )… Đi chung xe với họ, đối với Mai bây giờ là một cực hình. Những lời đùa giỡn vô tình của hai người khiến lòng nàng đau như bị dao cắt!… Mai nhìn Kim cầu cứu:
 
- Em phải làm sao đây hả chị Kim? Em nghĩ nát óc mà cũng không ra. Chẳng lẽ tự dưng em nghỉ làm? Nói làm sao với bố mẹ em? Nói bị đuổi cũng được, nhưng từ trước tới giờ em chưa bao giờ dám nói dối với bố mẹ.
 
Kim á khẩu, không biết khuyên Mai thế nào cho phải. Tuấn và Mỹ Dung yêu nhau cũng là chuyện tự nhiên. Nhưng đôi lúc Kim thấy bực mình trước thái độ quá vô tình của họ. Mới trưa thứ Sáu này chớ xa xăm gì. Kim mời Mai miếng bánh da lợn thật ngon, Kim vừa mua chiều hôm trước. Mai từ chối, bảo không đói. Kim gắt:
 
- Không chịu ăn uống gì cả. Nhìn Mai người ta dám tưởng mới từ Phi Châu về lắm đó. Không tự thương mình thì ai thương giùm cho?
 
Mỹ Dung cũng kêu:
 
- Đúng, lúc này em thấy chị Mai gầy xọp hẳn đi!
 
Tuấn giáng thêm cú… ân huệ:
 
- Mai có bị bịnh gì không vậy?
 
Mai lắc đầu, cặp mắt chớp lia, đôi môi run rẩy. Kim biết nàng đang cố nén tiếng nấc!… Rõ ràng chung quanh hai người này, thế giới không còn hiện hữu nữa mà! Kim bực dọc định nói một câu trách móc, nhưng may quá, ngậm miệng lại kịp. Trách họ cái gì mới được chứ? Tội yêu nhau ư? Hay cái tội xem mọi người chung quanh như “vô hình”? Kim nhớ lại, hình như hồi xưa, nàng và Tín cũng đã từng mắc cái bịnh này mà! Bác Tâm nhìn Mai thương xót:
 
- Ráng giữ gìn sức khoẻ nghe cháu. Ở xứ này không có sức khỏe là tiêu đó. Bác già rồi không nói làm gì. Nhưng cháu còn trẻ, cuộc đời còn dài. Chuyện gì rồi cũng sẽ qua đi…
 
Mai lí nhí nói tiếng cám ơn. Tuấn và Mỹ Dung nhìn nhau, không giấu được vẻ ngơ ngác… Hôm đó quá bất ngờ, Kim chỉ biết an ủi Mai bằng mấy câu xưa như trái đất:
 
- Cứ xem như hai người không có duyên nợ với nhau…v…v…và…v…v…
 
Trút được gánh nặng ngàn cân trong lòng với Kim, Mai cũng cảm thấy nhẹ bớt. Tuy vậy, cho đến lúc ra về, nàng vẫn không nuốt được miếng bánh xèo nào. Kim cũng không dám ép.
 
…Tối nay cơm nước xong, hai vợ chồng ngồi trước TV định xem nốt phim Bao Công, bỗng điện thoại reo. Kim cầm ống nghe, tiếng Mai vang lên từ bên kia đầu dây:
 
– Chị Kim, chị có rảnh không?
 
Cảm thấy có chuyện gì đó không ổn, Kim nói vội:
 
– Đợi chị vào trong phòng.
 
Nàng vội vã đi vào phòng ngủ, sau khi dặn Tín gác phôn giùm. Kim allô, allô hai ba tiếng mới nghe giọng Mai thổn thức:
 
- Chị biết không, chiều nay vừa lên xe là Dung nói ngay với em rằng anh Tuấn còn ba tháng nữa ra trường, sau đó hai người làm đám cưới liền. Dung còn nhờ em làm phù dâu cho nó nữa đó chị.
 
- Chết!
 
Kim kêu thầm trong bụng. Thế này thì con bé chịu sao nổi! Chứng kiến hai người yêu nhau đã là một cực hình. Bây giờ còn làm phù dâu, thì chỉ có nước tự tử! Kim thở dài ngao ngán, tội nghiệp cho Mai.
 
- Chị Kim, chị Kim, chị có nghe em nói không?
 
Kim vội vã trả lời:
 
- Có, chị đang nghe đây.
 
- Bây giờ chị bảo em phải làm sao? Em không dám từ chối, mà đi phù dâu thì quá sức chịu đựng của em.
 
Kim nói thật dịu dàng:
 
– Mai à, sự thể đã ra nông nỗi này, chị thấy em đành chấp nhận mà thôi. Nếu em tin theo thuyết nhà Phật, thì cứ xem như Tuấn và em không có duyên phận. Em yêu Tuấn nhiều như vậy, chắc em cũng muốn cậu ấy được hạnh phúc. Bây giờ Tuấn đã tìm thấy niềm hạnh phúc đó bên Mỹ Dung, em hãy cố quên mình mà mừng cho Tuấn. Chị biết là khó ghê lắm, nhưng tin tưởng em làm được. Em vốn là một người rất nhân ái…
 
Mai nghẹn ngào:
 
- Bộ em còn đường để chọn lựa nữa hay sao?
 
- Chị thành thật cầu xin cho em có đủ can đảm. Bây giờ nghe chị, cố gắng ăn ngủ bình thường. Tội gì mà hành xác cho khổ! Vợ chồng là cái nghiệp, cái nợ phải trả. Ngay bây giờ em không phải trả nợ cho Tuấn, nhưng sau này, chắc chắn sẽ có người khác tới đòi… Kim cười nhẹ, biết chừng đâu lúc đó em sẽ than cực. Như chị đây nè, đi làm về mệt muốn đứt hơi, mà còn phải hầu ông chồng với một đám nhóc. Nhiều khi muốn điên luôn!
 
Mai thở ra:
 
- Em thấy không còn cách nào hơn là nghe lời chị!
 
… Nhưng từ đó Kim thấy Mai chăm đi lễ chùa hơn trước. Kim trêu:
 
- Nè, định bỏ bùa cho… hay sao mà siêng năng đi chùa quá vậy?
 
Mai cấu cho Kim một phát đau điếng:
 
- Cứ xuyên tạc không hà! Chị biết không, cái không khí trên chùa khiến em cảm thấy rất bình yên, thoải mái. Chiêm ngưỡng nét từ bi, hỉ xả của Đức Phật, tự nhiên mình có cảm giác trên đời này, tất cả đều là hư không. Tự mình cột mình vào những phiền lụy mà thôi chị ạ!
 
Nhìn nụ cười nhẹ nhàng trên môi Mai, Kim thấy an tâm.
 
… Đám cưới của Tuấn và Mỹ Dung được tổ chức trong vòng thân mật, vì cả nhà trai lẫn nhà gái đều ít thân nhân. Tuấn chỉ ân hận không có mặt mẹ trong ngày vui nhất của mình… Mai đi phù dâu với một nét mặt bình thản, như không hề có chuyện gì xảy ra… Sau đó ít tháng, Tín ra trường kiếm được việc làm tốt và Kim cũng bắt đầu về làm thư ký cho Bác Sĩ Quang. Tuy không còn làm ở Keyes, nhưng Kim vẫn liên lạc thường xuyên với Mai và thỉnh thoảng cũng có gặp vợ chồng Tuấn. Họ đã có một thằng cu giống bố như đúc. Lần đầu gặp, Kim trêu:
 
- Uả, tôi nhớ hồi xưa ông làm ở phòng mài, chớ có làm ở phòng đúc khuôn đâu, mà bây giờ lại đúc ra một tác phẩm giống y chang vầy nè?
 
Tuấn vừa cười, vừa trả lời:
 
- Chị Kim quên là phòng mài của tôi nằm sát bên phòng đúc hay sao? Thỉnh thoảng rảnh rỗi, tôi chạy qua học lén đó… Mọi người cùng cười.
 
***
…Chiều nay ngồi trong xe, trên đường về, Kim nói với Tín:
 
– Anh không thể tưởng tượng được, bữa nay em gặp ai ở phòng mạch đâu.
 
Tín giả vờ suy nghĩ:
 
- Đâu, để anh thử “tưởng tượng” xem nào… A! thôi anh biết rồi. Richard Gere, người trong mộng của em. Đúng chưa?
 
Kim nguýt chồng:
 
- Đứng đắn một tí có được không. Bữa nay em gặp con nhỏ Mimosa hồi xưa làm ở hãng Keyes. Em chợt nhớ ra là lâu lắm rồi mình không mời nhỏ Mai tới ăn cơm.
 
Tín lắc đầu:
 
- Chịu em. Người ta đã “băm” rồi, mà em cứ kêu nhỏ này, nhỏ nọ.
 
Kim cười chống chế:
 
- Tại em quen miệng rồi.
 
Lát sau Kim chép miệng:
 
- Nghĩ cũng tội, chuyện xảy ra đã trên bốn năm rồi, mà Mai nó vẫn chưa quên được ông Tuấn. Không lẽ suốt đời ở vậy? Năm ngoái em thấy ông Phước ở Toronto đó, cũng được quá, mà Mai nó nhất định không chịu!
 
Tín lên mặt triết lý:
 
- Con tim nó có lý lẽ của nó mà em. Có bực mình cũng vậy thôi. Bây giờ, việc cần nhất là mời cô Mai thứ Bảy này đến nhà mình ăn. Lâu lắm rồi em không làm món bánh xèo. Mới nhắc đến mà anh đã thèm rỏ dãi ra đây này!
 
Kim liếc Tín bằng nửa con mắt:
 
- Dạ, xin tuân lệnh ông chủ. Thứ Bảy sẽ có món bánh xèo hầu ông. Chịu chưa?
 
Tín khoái chí cười hăng hắc. 
 
Kim nhủ thầm:
 
- Không hiểu sao mình có thể yêu tha thiết một kẻ, mà mỗi lần nghe đến tiếng “ăn” là mắt mũi sáng trưng lên như đèn pha… Thôi, đúng là cái món “Nợ” tiền kiếp mà mình phải trả đây… rồi buông tiếng thở dài áo não: 
 
- Cũng đành!!!
Tiểu Thu
Nguồn: 

Tìm các bài VĂN khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com