User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
Hinh 1 bai PCL
 
Trong số những món đồ kỷ niệm vụn vặt mà tôi lưu giữ trong một chiếc hộp, có sự hiện diện của những tấm thiệp. Bên cạnh những tấm thiệp Noel in ấn rất đẹp của nước ngoài có gắn mạch điện tử để phát nhạc nay đã không dùng được, tôi thích ngắm lại những tấm thiệp xuân. Những tấm thiệp từ những cái tết đã xa in trên giấy trắng nay đã chuyển màu vàng nâu, kỹ thuật in cũ kỹ, hình vẽ chân phương, màu sắc đơn giản. Chứa trong đó là cả một trời cảm xúc, của thời mà người không quá đông, nhu cầu vật chất không nhiều và ăn bận còn giản dị, không có nhiều người giàu và người có của không dám khoe giàu. Thời mà tặng nhau tấm thiệp đã thấy cảm động rưng rưng.
 Hinh 7 bai PCL
 
Nhà văn Nguyễn Đông Thức có lần viết comment trên facebook nhắc lại kỷ niệm liên quan đến những tấm thiệp vẽ tay mà tôi thích đọc lại: “Từ thời Trung Học, cứ mỗi dịp Noel và Tết tôi lại mua giấy Canson về ngồi rị mọ vẽ mấy tấm thiệp để tặng các cô bạn. Thiệp vẽ tay, có tâm, có ký tên xác nhận tác quyền, vừa đỡ tốn tiền vừa được điểm cao trong mắt các cô được tặng.
 
Mẫu mã này được tôi ưa chuộng (thật ra cũng hàng nhái tôi chép lại thôi), với cô gái bao giờ cũng có đôi mắt thiệt bự, tóc dài, người mảnh mai xinh xắn.
 
Có lần tặng cô bạn kia, cô khen đẹp và nói sao tôi không vẽ nhiều nhiều, cô sẽ phụ tôi ra Công trường John F. Kennedy (nay là Nữ Vương Hoà Bình) trước nhà thờ Đức Bà đứng bán, kiếm tiền cà phê khoẻ re. Nghe cô xúi, tôi cũng cắm đầu vẽ 20 tấm thiệp. Ra tới nơi đã thấy thiên hạ, toàn người trẻ, đứng bán đông vầy khúc từ nhà sách Liên Châu dài tới ngã ba Nguyễn Du. Đứng một buổi sáng Chủ Nhựt cũng bán hết, hai đứa hể hả đi ăn bánh tôm hẻm Casino, thiệt là vui. Sau đó đợt Tết rút kinh nghiệm vẽ nữa. Vẫn là cô bạn đứng phụ bán, miệng bằng tay tay bằng miệng. Nhờ cô lanh lợi, lớn miệng, mà tôi bao giờ cũng hết hàng.
 
Cảm ơn bạn… đã nhắc tới một kỷ niệm dễ thương. Cô bạn năm xưa giờ đã thành bà nội bà ngoại đầy đủ. Cảm ơn cô đã dạy tôi bài học kiếm tiền đầu đời, và lao động chân chánh thì tại sao lại mắc cỡ?”
 
Tôi có người anh cũng từng vẽ và đem ra bán thiệp ở Công Trường Kennedy. Tuy nhiên, loại thiệp vẽ tay đó không nhiều. Đa số là thiệp in, phần lớn in trong Chợ Lớn và mẫu mã từ Hồng Kông khá nhiều với hoa mai đỏ, đào hồng, chậu kiểng cổ và hàng chữ “Cung Chúc Tân Xuân”. Từ khoảng đầu thập niên 1970, đã có nhiều thiệp do họa sĩ Việt vẽ rất đẹp. Đặc sắc nhất là của họa sĩ ViVi, màu sắc rực rỡ tạo hình vững vàng cảnh chúc Tết trong gia đình với ông bà bận áo dài truyền thống phúc hậu, cha mẹ đồ tây áo dài ra dáng trí thức và con cái mặt mũi đẹp đẽ sáng sủa..
 Hinh 6 bai PCL
 
Có năm xuất hiện một họa sĩ ký tên Nguyên Hà dùng mực đen vẽ bằng bút sắt những bức tranh sắc nét hình thiếu nữ tóc dài, em bé tóc ba vá bận áo dài bịt tai đốt pháo, cành mai… cùng vài lời chúc Tết. Họa sĩ này có thể đang là sinh viên, ít vốn để có thể thuê in thiệp số lượng lớn nên có sáng kiến dùng máy ảnh chụp từng mẫu tranh vẽ tay xong ra tiệm rửa ra nhiều tấm trên giấy láng. Tấm ảnh đó sẽ được dùng bút lông tô thêm màu xanh đỏ vàng trên các đường nét rồi dán vào tấm giấy Calson gập đôi. Vậy là xong một tấm thiệp.
 Hinh 4 bai PCL
 
Hinh 5 bai PCL
 
Có giai đoạn thiệp được in màu dạ quang, in bông mai nổi. Đó là khi phong trào Hippy nổi lên ở Sài Gòn cuối thập niên 1960. Các họa sĩ nghiệp dư làm thiệp vẽ tay mua các ống màu dạ quang ngoại nhập bán trên đường Lê Lợi nặn ra đắp nổi lên hình các cô gái đứng cạnh cổng Tam Quan Lăng Ông, bận trang phục thiếu nữ Trung Nam Bắc với áo dài tóc xõa, nón bài thơ và áo tứ thân.
 
Các tấm thiệp sẽ được tác giả hay bạn bè em út trong nhà đưa đến các nhà Bưu Điện ở Sài Gòn, Bưu Điện Gia Định và các xe thuốc lá để bỏ mối, đợi sau ngày Noel hay sát Tết đến thu tiền để đi mua sắm, uống cà phê với bạn bè.
 
Cuối năm, các trường Trung Học cũng bán cho học sinh những tấm thiệp in hình ngôi trường của mình. Các tấm này tuy hình thức đơn sơ nhưng có nét riêng, đáng tự hào để tặng nhau nếu đang là học trò các trường công có tiếng như Petrus Ký, Gia Long, Trưng Vương, Chu Văn An hay Võ Trường Toản…
 Hinh 3 bai PCL
Hinh 2 bai PCL
 
Hiện tượng thiệp Tết, tuy không phải là sự kiện quan trọng trong đời sống nhưng cũng góp phần tạo nên màu sắc tươi vui cho những ngày lễ Tết cuối năm, cho nên Việt Nam Thông Tấn Xã, cơ quan thông tấn của nhà nước miền Nam có bài viết đậm đà về phong tục dễ thương này trên bản tin chiều số 7598 ngày thứ Tư, 5 tháng 01 năm 1972. Xin trích dẫn để thấy không khí rộn ràng tạo nên từ sản phẩm này:
 
“Thiệp chúc Tết tràn ngập phố Saigon
 
Trên đường phố Saigon hơn tháng nay người ta thấy tràn ngập loại thiệp chúc Tết cũng như thiệp Giáng Sinh.
Những con đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ và Tự Do là những nơi tập trung nhiều nhất.
 
Người bán thì nhiều mà người mua cũng không thiếu. Lễ Giáng Sinh qua rồi, bây giờ người ta lại đi mua những cánh thiệp Xuân để gởi biếu nhau.
 
Mỗi tấm thiệp giá tối thiểu 30 đồng và tối đa là 100 đồng.
 
Có những tấm thiệp sản xuất tại Việt Nam và cũng có nhiều loại thiệp nhập cảng. Các họa sĩ tài tử cũng nhân dịp này tung ra một loại thiệp để làm vui mắt người thưởng ngoạn và giá cả loại thiệp này rẻ hơn các loại khác.
 
Khuôn khổ thiệp Tết được người sử dụng ưa chuộng là giấy Bristol 10 x 20 cm gấp đôi lại. Đây là loại giấy Bristol là loại giấy bìa có nguồn gốc từ Anh (tên gọi nghe giống British), là loại giấy có 2 mặt được tráng trắng, láng mịn để cho đạt hiệu quả cao nhất. Chúng được sản xuất bằng cách ép các lớp giấy mỏng lại với nhau dưới lực nén để tăng độ cứng cũng như độ dày của tấm giấy lên. Những lớp đệm được gắn vào tăng độ cứng, dày khi làm việc được gọi là các tấm plies. Càng nhiều plies thì giấy càng chắc chắn. Hai mặt bên ngoài dùng để in ấn, viết lên được gọi là các mặt nỉ.
 
Trên những tấm cạc này người ta nhìn thấy một khuôn mặt thiếu nữ đang ấp ủ một đóa hoa hay vài ba em bé đang nô đùa quanh bánh pháo, ở trên tấm thiệp người ta không quên ghi đậm mấy chữ “Chúc Mừng Năm Mới” hay “Cung Chúc Tân Xuân”, “Xuân Hòa Bình”.
 
Mỗi tấm thiệp loại này trung bình từ 30 đến 50 đồng và rất được các cô cậu học sinh Trung Học ưa thích.
 
Gặp một nữ sinh trên cổ áo đeo hai chữ Gia Long, khi hỏi đến mỗi lần Xuân về cô tiêu hết bao nhiêu tiền trong vụ thiệp Tết.
 
Cô cho hay khoảng trên dưới 1.000 đồng, đó là chưa kể những món quà bất thường khác có khi phải “trả ơn” một số bạn bè.
 
Cô học sinh giấu tên, nói thêm rằng cô đã biết chơi thiệp chúc Tết khoảng ba bốn năm nay, mặc dầu niên khóa này cô đang theo học lớp Chín (tương đương lớp Đệ Tứ).
 
Như vậy, bình thường một học sinh lên bậc Trung Học là bắt đầu học cách giao tiếp.
 
Cô học sinh này cho hay, những năm đầu tiên (có nghĩa là năm lớp sau hay lớp Đệ Thất) sự giao thiệp chỉ có tính cách trong lớp, nhưng càng lớn thì những cánh thiệp xuân của cô bay đi xa hơn.
 
“Cái trò chơi này kể cũng vui, nhưng tốn tiền quá ông ạ!”. Cô học sinh Gia Long nói như vậy và tiếp: “nhưng tôi cảm thấy chưa thể bỏ được cái thói quen này”.
 
– Khi nào cô bỏ được chắc là phải già?
 
Ngoài những loại thiệp chúc Tết thông thường bày bán, người ta còn thấy loại hình ảnh đặc biệt sản xuất tại Nhật Bản hay Hồng Kông.
 
Loại hình ảnh này người ta gọi là “hình nổi” vừa đầy màu sắc có in hình một nữ tài tử, hay Đức Phật, có khi là hình của Đức Mẹ hay Chúa Giê Su.
 
Mỗi tấm hình bán với giá 100 đồng.
 
Nếu như nhìn vào bức hình nữ tài tử người xem có thể “lột áo” cô này bằng một lối nhìn nghiêng. Đấy có lẽ cũng là một cách để hấp dẫn người mua mà người sản xuất nghĩ ra”.
 
Đọc lại bài viết trên, ta như cảm nhận được không khí tươi mát của những ngày Sài Gòn giáp Tết, những ngày vui lang thang ra đường Hàn Thuyên gần nhà thờ Đức Bà, hay chỉ cần đi dọc theo con đường Võ Di Nguy ở Phú Nhuận là có thể mua vài tấm thiệp ưng ý để về nắn nót gửi đi, cho một đứa bạn đã chuyển đi học tỉnh khác, một người anh đang đi du học hay đang đóng quân ở tiền đồn phương xa.
 
Ảnh tư liệu của Xuân Phúc Nguyễn
 
Phạm Công Luận
 
Hình thiệp: Huỳnh Minh Hiệp – Anh Dũng Nguyễn, Xuân Phúc Nguyễn và tư liệu tác giả.
 
Trích “Sài Gòn đẹp xưa” do công ty sách Phanbook xuất bản.
 
Nguồn: 

Tìm các bài VĂN khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com