
Tin về một bé gái 11 tuổi ở Texas đã tự tử chết ngày 8 tháng 2 vừa rồi vì bị bắt nạt bởi bạn bè tại trường học liên quan đến tình trạng di trú của gia đình em khiến tôi lại liên tưởng đến những ngày tháng đen tối sau ngày 30 tháng 4 năm 1975.
Khi ấy đã có bao nhiêu thành phần cơ hội lên mặt hống hách. Và để lập công với chính quyền mới, họ đã không ngần ngại có những hành động cũng như lời nói đe dọa những người từng là hàng xóm, là bạn bè, là đồng nghiệp của họ. Khi ấy có biết bao nhiêu người trong chúng ta cùng mang chung một tâm trạng lo âu hoang mang, không còn dám tin tưởng vào bất cứ một ai. Có lẽ đó cũng là điều mà chính quyền mới khi ấy mong muốn và biết đâu điều đó cũng nằm trong kế hoạch của họ. Khi người dân nghi kỵ lẫn nhau, sẵn sàng trở mặt đấu tố nhau thì giới lãnh đạo sẽ chẳng còn phải lo có thành phần nào rảnh rỗi để chống đối lại mình.
Nhưng việc đem tình trạng di trú của bạn bè mình ra làm lý do để bắt nạt thì có lẽ là điều chỉ xuất hiện vào thời gian gần đây ở Mỹ cùng với làn sóng kỳ thị những người di dân bất hợp pháp. Chúng ta, những người Việt Nam di dân đến Mỹ một cách hợp pháp liệu có thể thông cảm được với hoàn cảnh của những người di dân, mà phần lớn là gốc Mỹ La Tinh đó hay không?
Năm 1975 nhạc sĩ Nam Lộc viết nhạc phẩm Người Di Tản Buồn khi theo dòng người di tản đặt chân đến Mỹ. Ông viết trong tâm trạng của một người vừa mất quê hương, chiều chiều nơi đất khách ngóng về một nơi chốn xa xăm, nơi có bao nhiêu kỷ niệm cùng những người thân thương của mình.
Chiều nay có một người đôi mắt buồn
Nhìn xa xăm về quê hương rất xa
Chợt nghe tên Việt Nam ôi thiết tha
Và rưng rưng lệ vương mắt nhạt nhoà
…
Đến những năm cuối thập niên 1970, đầu thập niên 1980 khi phong trào vượt biên rộ lên thì từ những buổi tối ôm radio ngồi cạnh ba mình bắt đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) để nghe (một cách lén lút), tôi được biết đến tác phẩm Người Vượt Biển Buồn mà nếu tôi nhớ không lầm thì tác giả là nhạc sĩ Trường Hải. Ông sáng tác bài này khi vừa đặt chân được đến bến bờ tự do. Rất tiếc là sau này trên internet tôi lại không tìm kiếm được thông tin nào về tác phẩm đó nên chỉ còn biết dựa vào trí nhớ của mình lúc được nghe từ radio nhiều năm về trước.
Có những đêm về sáng
Người vượt biển u buồn
Nhớ dáng yêu ngày xưa
Đợi chờ nhau dưới mưa
…
Để chấm dứt thảm cảnh bao nhiêu người Việt bỏ xác nơi biển Đông, chương trình ra đi có trật tự ODP (Orderly Departure Program) được thành lập. Gia đình chúng tôi sau một thời gian dài theo đuổi việc vượt biên, mất bao nhiêu vàng bạc mà vẫn thất bại thì đã yên phận để chờ ra đi bằng con đường xuất cảnh chính thức.
Lúc ấy tôi đã nói giỡn chơi với bạn bè rằng sau khi qua Mỹ, để tiếp nối theo chân các nhạc sĩ đi trước tôi sẽ cho ra đời bài Người Xuất Cảnh Buồn. Nhưng rồi vì bất tài vô dụng nên sau vài chục năm tôi vẫn không thực hiện được điều mà mình đã “nổ” với bạn bè trước kia. Để rồi cho đến hôm nay tôi tự hỏi rằng tại sao mình lại phải phân biệt giữa di tản, vượt biển hay xuất cảnh? Cho dù là di tản, vượt biển, hay xuất cảnh thì tất cả đều qua Mỹ (và nhiều nước khác) vào thời gian ấy theo quy chế người tị nạn.
Năm đầu ở Mỹ giấy tờ tùy thân của tôi chứng minh mình có mặt hợp pháp tại Mỹ chỉ là cái thẻ nhập cảnh I-94 có ghi rõ chữ Refugee. Như vậy nếu muốn viết về tâm trạng của mình tại mảnh đất mình đã nhận làm quê hương thứ hai này, có lẽ tôi chỉ nên nhận mình là một người tị nạn buồn.
Tôi dám cá chắc đại đa số người Việt Nam sống tại Mỹ đều giống tôi là khởi đầu bằng kiếp người tị nạn này một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Những người trực tiếp sống kiếp tị nạn là những ai theo dòng người di tản vào năm 1975 như nhạc sĩ Nam Lộc, những người đến Mỹ từ các trại tị nạn trên các hòn đảo khắp vùng Đông Nam Á sau khi trải qua một cuộc hải hành đầy bất trắc như nhạc sĩ Trường Hải, hoặc những người may mắn hơn được bước lên máy bay rời Việt Nam theo chương trình ODP như gia đình chúng tôi, cũng như các gia đình được đi theo diện nhân đạo HO dành cho các cựu quân nhân công chức sau này. Những người gián tiếp mang danh tị nạn là những ai được bảo lãnh qua sau này như hôn phu, hôn thê, vợ chồng, v.v… Họ không qua Mỹ trên danh nghĩa người tị nạn nhưng những người đứng tên bảo lãnh họ qua Mỹ chắc chắn cũng đã từng khoác trên vai chiếc áo của người tị nạn.
Để đến được bến bờ tự do chúng ta đã phải đánh đổi bằng nhiều thứ kể cả đem mạng sống của mình ra để đánh cược. Giữa biển khơi bao la, hay rừng sâu nước độc; trước hiểm họa đối mặt với bão tố hay cướp biển nếu không có tấm lòng nhân đạo của chính phủ và người dân Mỹ cùng các nước tự do khác thì làm sao chúng ta dám liều mạng để ra đi. Các bậc phụ huynh làm sao dám đẩy con mình ra khỏi vòng tay gia đình như thế. Tất cả chúng ta ra đi đều cùng một mục đích là để tìm một tương lai tươi sáng hơn. Để tìm đến một vùng đất hứa có thể bảo đảm những quyền tự do tối thiểu cho chúng ta và cho con cháu chúng ta.
Giờ đây khi đã thành công nơi xứ người, một số người Việt chúng ta lại bắt đầu quay mặt làm ngơ, chê bai, chỉ trích, thậm chí có những lời lẽ khinh miệt làn sóng những người tị nạn khác muốn đến nước Mỹ. Họ đã quên đi hình ảnh những khuôn mặt thất thần, những giọt nước mắt hạnh phúc của những người khi được cứu vớt từ những con thuyền nhỏ nhoi lênh đênh giữa đại dương bao la mà có thể là hình ảnh của chính bản thân họ hay những người thân của họ vài chục năm về trước.
Tôi không phủ nhận có rất nhiều thành phần tội phạm trong số những người muốn đến nước Mỹ trong thời gian gian gần đây. Nhưng đó cũng không phải là điều hiếm hoi trong trường hợp của chúng ta vào vài chục năm về trước. Vì tôi biết, và đã chứng kiến những trại tù giam giữ các thành phần bất hảo người Việt Nam ở các trại tị nạn năm xưa. Những năm đầu thế kỷ 21 khi phải thường xuyên xuất nhập cảnh Hong Kong vì công việc thì cái họ Nguyễn của tôi luôn khiến tôi phải chờ đợi lâu hơn các đồng nghiệp Mỹ hay Nhật. Đơn giản chỉ vì nhân viên di trú phải kiểm tra tên tôi trong danh sách dài lê thê những người có cùng họ Nguyễn trong danh sách đen của sở cảnh sát Hong Kong.
Điều này tôi chỉ biết được khi một lần lên tiếng thắc mắc hỏi nhân viên di trú vì phải chờ đợi khá lâu. Hãy tưởng tượng tất cả các nước khi ấy chỉ nhìn vào thành phần xấu đó mà xua đuổi hết người Việt trên con đường tìm kiếm tự do thì thử hỏi giờ đây số phận chúng ta sẽ ra sao. Tất nhiên sẽ không có một cộng đồng Việt Nam mạnh mẽ, thành công để có thể xuất hiện một số người ngồi trước bàn phím lên tiếng bài bác và chia sẻ những hình ảnh xấu về dòng người đang tìm kiếm tự do giống như bản thân họ trước kia.
Đôi khi tôi nghĩ chúng ta thật may mắn vì vào thời điểm chúng ta ồ ạt đào thoát khỏi Việt Nam chưa có mạng xã hội, chưa có những tổ chức hay cá nhân chuyên chế ra các mẩu tin giả giật gân cho những người suy nghĩ nông cạn chia sẻ chuyền tay nhau. Nếu không thì hình ảnh thuyền nhân Việt Nam ngày trước đã bị xấu đi rất nhiều.
Và có thể nói một may mắn khác của người Việt chúng ta khi ấy đó là do địa lý cách biệt, để đặt chân được đến Mỹ hay các nước tự do phát triển khác, chúng ta đã không thể đến trực tiếp mà chỉ có thể cặp bến đến những nước lân cận. Đã có biết bao nhiêu chuyến tàu đến được đảo còn bị xua đuổi kéo trở lại ra biển khơi. Số còn lại may mắn được sống tụ tập tại các trại tị nạn để chờ đợi thanh lọc cho đi định cư. Và cũng có rất nhiều trường hợp không đủ điều kiện để Mỹ và các nước Tây phương chấp nhận. Họ phải sống lây lất năm này qua tháng nọ tại các trại tị nạn đến khi trại đóng cửa và bị đưa trở về Việt Nam. Tuy mộng ước đặt chân đến bến bờ tự do của họ không thành hiện thực thì ít ra họ đã không bị chính quyền các nước sở tại đối xử như những kẻ tội phạm trục xuất về nước.
Ngược lại có thể nói điều mà trước kia tôi nghĩ là sự may mắn nhưng mà giờ đây lại cũng có thể nói là cái xui xẻo lớn nhất cho những người dân Mỹ La Tinh là khác với trường hợp người Việt chúng ta, họ có thể đến Mỹ một cách trực tiếp và có thể hòa nhập vào xã hội Mỹ một cách dễ dàng, tuy là bất hợp pháp. Nhưng chúng ta hãy tự hỏi khi ta đặt chân lên những hòn đảo của Thái Lan, Mã Lai, Nam Dương, hay Phi Luật Tân năm xưa có ai là người đến đó một cách hợp pháp?
Cũng như người Việt tị nạn năm xưa, đâu phải đa số những người Mỹ La Tinh đó là thành phần tội phạm, trộm cắp hay đĩ điếm. Họ là những người mà chúng ta có thể chỉ cần phải bỏ ra một số tiền rất nhỏ để trả công cho những công việc nặng nhọc mà người dân bản xứ không ai muốn làm. Hoặc cùng lắm những người bản xứ sẽ chấp nhận làm nhưng với cái giá cao nhiều hơn gấp mấy lần như thế.
Hãng đóng hộp thịt cua tại thành phố tôi ở là nơi cung cấp công ăn việc làm cho những người dân tị nạn từ bán đảo Đông Dương năm xưa, là nơi mà tôi lãnh những check lương đầu tiên của những ngày chân ướt chân ráo đặt chân đến Virginia. Sau này hãng đã không còn hoạt động mạnh mẽ được như cái thời tôi mới đến. Ngoài lý do số lượng cua xanh (blue crab) của vùng vịnh Chesapeake giảm sút còn có một lý do quan trọng nữa đó là hãng đã không kiếm được đủ nhân công khi đến mùa đánh bắt cua. Lúc những người tị nạn của các thập niên từ 1990 trở về trước như trường hợp của tôi đã có chân đứng vững chắc ở vùng đất hứa thì không ai còn muốn quay lại làm tại đây và ngay cả con cái họ vào dịp hè khi bãi trường cũng không muốn kiếm thêm tiền ở nơi làm việc ướt át hôi hám như thế. Vài năm trước tôi được biết hãng này đã phải dựa hoàn toàn vào những người di dân Mỹ La Tinh làm theo hợp đồng hết mùa cua (thường kéo dài từ tháng 4 đến tháng 11) để duy trì việc cung cấp thịt cua ra thị trường.
Như vậy nếu kết tội những người di dân, hợp pháp cũng như bất hợp pháp, là những người góp phần cướp mất công ăn việc làm của người dân bản xứ và làm ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế của Mỹ thì liệu có chính xác hay không? Mỗi người chúng ta đều có quyền tự do lựa chọn để đi theo lý tưởng chính trị của mình, được tự do theo một đảng phái mà mình thích, thậm chí có quyền sùng bái bất cứ một lãnh tụ nào nhưng điều quan trọng là chúng ta hãy ráng đừng để mất đi tấm lòng nhân đạo, thứ mà ngày xưa những người tị nạn như chúng ta hằng mong đợi ở chính phủ và người dân Mỹ cũng như ở các nước tự do khác.
Thảo Lan

hình trên: Tác giả Thảo Lan đứng thứ hai từ trái
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ sư Cơ khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016, Thảo Lan đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ 19 và 21. Bài viết kỳ này là những dòng tâm sự chân thành của một người di dân khi nghĩ về tình trạng của những người di dân hiện nay trên đất nước Hoa Kỳ.