User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
I/ Mười Tám Tuổi, Bẻ Gãy Sừng Bò
 
Ông bà nói, mười bảy tuổi, bẻ gãy sừng trâu, đằng này, vào học năm thứ nhứt CĐSP, tôi tròn mười tám tuổi. Mười bảy, bẻ sừng trâu, mười tám yếu hơn chút, chắc bẻ được sừng bò.
 
Vào lớp, tôi chọn bàn đầu ngồi, và bên cạnh, là cô bạn mới, trùng tên với tôi.
 
Chọn bàn đầu, là vì mắt tôi cận, một con trên một độ, và con kia, gần hai độ. Tôi cận đâu từ hồi học lớp Sáu hay Bảy gì đó, mà nhà nghèo quá, má làm quần quật còn không đủ ăn, huống hồ gì sắm kính cận, nên thôi, không nói, má cũng chẳng hay. Để có thể nhìn thấy bảng, bao giờ, vừa vào lớp mới, tôi hoặc cũng xin, hoặc chiếm ngay vị trí đầu bàn, bàn thứ nhứt.
 
Vào CĐSP, chẳng ai biết gì ai, tứ xứ tới, vậy mà khi bầu lớp trưởng, lớp phó, sinh viên của lớp cứ chỉ vào tôi, bạn này, bạn này đi cô, bạn này làm lớp trưởng được nè cô. Tôi lúc ấy, bốn mươi hai ký, gầy nhom, mặt non choẹt. Khi cô chủ nhiệm hỏi, các bạn bầu em kìa, em nhận không, tôi dạ gọn bâng. Thế là thành lớp trưởng cho suốt cả ba năm sau đó, lớp A, khoa Văn Nhạc.
 
Năm đầu học thảnh thơi lắm, nên tôi với nhỏ bạn thân, chiều nào về, cũng đạp xe một vòng quanh bờ hồ con rùa, khi bột chiên, khi bò bía, nước mía, chè đậu, đại loại vậy, lưng lửng bụng, man mát người rồi thì về nhà.
 
Nhà nhỏ bạn thân tôi ở trên đường Điện Biên Phủ, đối diện là rạp hát Long Vân. Má bán kim chỉ ở chợ Kim Biên, ba nó thu thuế ở chợ phường mười, nhà nó vì vậy, rủng rỉnh lắm. Đêm nào, nó cũng qua rạp Long Vân xem cải lương. Nó mê bà Mỹ Châu ca vọng cổ. Mê lắm lắm luôn. Tôi nói, cái bà sến rện á hả, bả ca gì mà cái giọng rung rung, sướt mướt phát ớn, lúc nào cũng khóc lóc, thở than, bi lụy.
 
Nó sửng cồ với tôi, là con bạn thân của tôi ấy mà, nó nói, mày biết gì mà chê, bao nhiêu người thích bả, bả ca hay, diễn giỏi, đẹp nữa. Cả nhà tao ai cũng thích.
 
Tôi nghĩ thầm, ờ, thì cả nhà mày cứ thích đi, có sao đâu. Tôi hỏi nó, tối nào cũng coi hả, tiền đâu lắm thế. Nó nói, chèn, rạp nó tặng phường mày ơi, ngày mấy vé vậy á, hổng ai coi thì ba tao ổng quơ hết mang dzìa nhà.
 
Tôi lại thắc mắc, thế mỗi ngày diễn một tuồng à? Con nhỏ bạn tôi quay sang cáu kỉnh, mày điên à, một tuồng, mày biết người ta tập bao lâu không. Có khi, một tuồng, diễn tới diễn lui vài năm là chuyện thường, lấy đâu ra mỗi ngày một tuồng cho mày xem. Mày hỏi điên quá hà.
 
Chèn đét ơi, dzậy là, nhà mày, tối nào cũng qua bển, coi đi coi lại một tuồng vậy sao? Hổng ngán hả. Nó nói, ờ thì cũng ngán, nhưng vẫn còn hơn nằm nhà, hổng làm gì, buồn hiu.
 
Cái nó cười, nó nói, giờ, tuồng gì tao cũng thuộc ráo trọi. Mày nghe hông, tao ca mày nghe.
 
Tóc nó dài, tóc tôi cũng dài. Dáng hai đứa lại gầy gầy như nhau. Ngoại trừ cái vụ cải lương, còn thì tất tật, tụi tôi hợp nhau lắm.
 
II/ Vì Một Lời Thách Thức
 
Buổi chiều đó, tôi với nó đạp xe ra hồ Con Rùa. Ăn uống xong, định về, rồi cái hổng hiểu sao, nó rủ tôi, hay là mình ra bến Bạch Đằng hóng gió chút. Tôi ờ.
 
Ngang qua nhà Văn Hóa Thanh Niên, tôi với nó thấy người ta đang loay hoay chăng ngang đường cái băng-rôn, thông báo nơi đây tổ chức một cuộc thi hùng biện, họ mời tất cả các thành phần, miễn đang độ tuổi thanh niên, nội dung là câu nói “sức mạnh của chúng ta là ở chỗ nói thật”.
 
Tôi và nó chống xe bên lề, ngó người ta giăng dây, bỗng nó nói, mày thi đi Mây, mày có tài ăn nói, mày thi được á.
 
Tôi cười, khùng quá đi, ai rảnh hơi đâu mà thi.
 
Mặt nó nghiêm trang, tao nói thiệt mà, mày thi được á Mây, nói hay viết gì mày cũng giỏi.
 
Tôi cười, rướn người lên đạp xe, tôi nói, thôi đi bà nội. Nó đạp xe theo tôi, khuôn mặt vẫn đầy vẻ nghiêm trang, mày thi đi, tao thách mày đó, mày cứ đăng ký dự thi thôi, đậu hay không đậu, tao cũng bao mày một chầu.
 
Tôi ngừng vòng xe, quay lại hỏi, mày vừa nói gì, thách tao hả. Nó gật đầu, ừa. Tôi quay đầu xe lại, rẽ vào cổng NVHTN, nó cũng rẽ theo tôi.
 
Tôi vào để làm thủ tục đăng ký, tỉnh bơ, đầy bất ngờ, không định trước.
 
III/ Vào Vòng Chung Kết
 
Đây là một cuộc thi dài hơi, được tổ chức quy mô và nhiều tốn kém. Tôi nhớ, sau cuộc thi lớn này, NVHTN không tổ chức thêm bất kỳ một cuộc thi hùng biện nào nữa.
 
Nó duy nhất, chỉ một.
 
Cuộc thi có ba vòng, sơ khảo, bán kết, chung kết, và được diễn trong suốt một ngày chủ nhật, hàng tuần.
 
Vòng loại, đâu chừng ba, bốn tháng gì đó. Mỗi ngày chủ nhật, suốt tám tiếng, sẽ có chừng mười đến mười hai thí sinh trình bày bài thi. Lấy vào vòng bán kết khoảng năm mươi thí sinh thì phải, tôi nhớ mang máng vậy.
 
Ở vòng bán kết, kéo dài hai tháng, mỗi tuần sẽ đăng đàn khoảng từ sáu đến tám thí sinh, và chọn vào vòng chung kết chừng mười hai thí sinh.
 
Tôi băng qua hai vòng này, dễ dàng, và có tên trong vòng chung kết.
 
Ngoại trừ những ngày tôi đi thi, còn thì tôi không tham dự bất kỳ một buổi nào khác, kiểu như xem người ta thi làm sao, nói làm sao, hùng biện làm sao. Rất nhiều người được công ty, xí nghiệp, trường học cử đi, nên số lượng người đi ủng hộ lên tới cả trăm người. Tôi là thí sinh tự do, nên ủng hộ tôi, chỉ mỗi một con nhỏ bạn thân, cái con mà nó thách thức tôi, mày dám đăng ký thi không.
 
Hai vòng kia, tôi tỉnh bơ. đến vòng chung kết, quả là tôi có lo lo một chút.
 
Ban đầu đi thi, tôi chỉ tính là chuyện đùa vui, con nhỏ bạn tôi nó nhây thì tôi cũng chây lì với nó, kiểu vậy. Nào dè dzô thiệt, dzô sâu, vào tận vòng chung kết.
 
Từ khi biết mình được tranh vòng chung kết, tôi bắt đầu chú ý đến tên của mười một nhân vật còn lại, toàn là quận đoàn này, ban chỉ huy kia cử đi, có cả công an, cả bộ đội, thanh niên xung phong, xí nghiệp, công ty, trường đại học, đủ hết.
 
Tôi thức mấy đêm liền, bắc cái ghế con ra ngồi hàng ba, tôi ngó lên sao trời, cũng hơi trách mình, cái tính liều mạng, hổng bỏ. Giờ, gay rồi đây.
 
Tôi chẳng tốt nghiệp trường chính trị nào, cũng không có thẻ thư viện quốc gia mà vào đó lùng tài liệu, hỏi ai thì lại càng vô phương, kinh nghiệm thi cử thì hổng có. Tình thế tôi lúc ấy, trên răng, dưới là đôi chân gầy gò, đang xỏ vào đôi guốc gỗ mòn vẹt, và, dưới bầu trời đêm ấy, rất một mình.
 
Ừ, thì một mình. Đời không phải chẳng luôn thế sao.
 
III/ Sức mạnh Của Chúng Ta Là Ở Chỗ Nói Thật
 
Tôi bắt tay vào viết bài hùng biện.
 
Làm lớp trưởng thì tôi từng có, làm diễn giả thì chưa. Thuyết phục mấy đứa cháu tôi ăn cơm thì được, nhưng thuyết phục cả một hội đồng chấm thi là các giáo sư, và, gần ngàn người nghe ở dưới, thì tôi chưa từng.
 
Tôi tự hỏi mình, viết cái quái gì bây giờ, hùng biện là cái gì chứ? Quả thật, bấy giờ, tôi có sợ hãi. Rằng thì là, hai vòng kia chỉ là chó ngáp phải ruồi thôi.
 
Rồi cứ thế, tôi một mình, trong đêm khuya, tự đặt câu hỏi, rồi tự mình trả lời hết các câu hỏi ấy.
 
Tôi tìm ra được một cốt lõi đầu tiên, rằng, muốn thuyết phục được mọi người, thì phải cho mọi người hiểu vấn đề mình muốn thuyết phục.
 
Sức mạnh là gì, có những loại sức mạnh nào. Chúng ta ở đây là ai. Nói thật là nói ra sao. Nói như thế nào thì được cho là thật.
 
Giải thích, giúp mọi người hiểu ra vấn đề rồi, thì tiếp theo sẽ là phần thuyết phục, kêu gọi mọi người đồng tình, hưởng ứng, ủng hộ, đứng về.
 
Thì phải là những dẫn chứng, dẫn chứng ấy phải có thật chớ không bịa đặt. Mười tám tuổi, còn đang đi học, tôi biết dẫn chứng gì ngoài việc kể những câu chuyện thật của đời mình, đời đi học của mình, với những bất công trong trường lớp, và, những phản ứng, những lời nói nói thật của kẻ bị áp bức, cũng như, kết quả sau cùng của nó.
 
Ngoài ra, tôi cũng viện dẫn thêm lịch sử nước nhà. Các biện luận của tôi bỗng trở nên chặt chẽ, có tính liên kết, tạo được độ uy tín và niềm tin nơi người nghe.
 
Ở vòng chung kết, thí sinh có sáu mươi phút hùng biện và sáu mươi phút trả lời các câu hỏi từ ban giám khảo và người dự khán. Sáu mươi phút ấy, sẽ là rất dài với người này nhưng lại rất ngắn với người khác.
 
IV/ Đoạt Giải
 
Tôi đoạt giải nhì.
 
Có một giải nhất, một giải nhì, một giải ba và ba giải khuyến khích.
 
Lúc chưa lên bục hùng biện, tôi thậm chí còn tự trách mình, liều quá, chuyến này bẽ mặt như chơi.
 
Nhưng mười một người còn lại trong vòng chung cuộc, tôi đều đi nghe đủ, và tôi thực sự bất ngờ, khi nghe tuyên bố, tôi đoạt giải hai.
 
Tôi buồn rũ xuống. Mắt tôi đỏ hoe. Con bạn thân thì vỗ vỗ vào lưng tôi, kệ đi mày ơi, ở đâu chẳng thế, ở đâu chẳng bất công.
 
Tôi không nghĩ là tôi đứng nhì. So sánh mười hai bài hùng biện, tôi nghĩ, tôi phải đứng nhất.
 
Cuối bài thi, giáo sư Hoàng Như Mai, mái tóc bạc trắng, gầy gò, vội vã rời khỏi chỗ, ra ôm lấy tôi, ông nói to, đây mới chính là lứa sinh viên mà tôi mong đợi, con ơi, con đúng là học trò của thầy rồi, con ơi.
 
Lễ phát giải được tổ chức ở Nhà Hát Lớn thành phố. Chỗ tôi ngồi là ghế hàng đầu, nhưng hôm ấy, tôi vẫn còn dỗi, tôi bỏ tuốt xuống dưới ngồi. Mãi đến khi điểm danh, tôi mới mặt sưng mày xỉa, lê bước lên phía trên.
 
Người phát giải cho tôi là ông Thảo, giám đốc sở văn hóa thông tin thời ấy. Nhìn mặt không vui của tôi, ông cười lớn, rồi nói vào micro, tuy giải nhì, nhưng tôi lại thích bài hùng biện của thí sinh này nhứt, nên ngoài món quà chung, tôi có một món quà riêng dành cho em, đó là cái túi xách, tôi mua bên Nga.
 
Sau những tràng vỗ tay rần rần, tôi về ghế ngồi, một anh cao gầy, là thư ký của ông Thảo, lại bên tôi, ảnh nói khẽ, đừng có buồn mà, ai cũng biết là em giỏi, em xuất sắc hơn, nhưng phải trao giải nhứt cho NVH bên bưu điện thôi, vì người ta có đảng.
 
Tôi vẫn chẳng thấy lý do ấy thuyết phục xíu nào cả. Tôi vẫn cứ buồn. Rồi phóng viên Hàng Chức Nguyên tìm đến nhà tôi mấy lần xin phỏng vấn, tôi cũng né luôn. Giận mà. Sau, ảnh tới hoài, tôi mới phải ra mặt. Phỏng vấn xong, ảnh hỏi, em có tấm hình nào không, cho anh xin. Tôi nói không. Thế là ảnh biểu tôi lên xe cho ảnh chở ra tòa soạn báo Tuổi Trẻ, ngồi lên cái ghế đá, cho ảnh chụp cái hình.
 
Tôi vô nhà trong thay đồ, ảnh nói với theo, mặc cái áo nào đẹp đẹp nha em.
 
Hôm sau, bài phỏng vấn tôi được đăng lên trang chính, chiếm nguyên một mặt báo, có cái hình tôi mặc áo trắng chấm bi cam đỏ, mái tóc vắt sang bên, cái mặt dàu dàu, hổng cười, hệt mấy cô gái miền tây thất tình, ngồi bên bờ sông, nhìn cánh bèo trôi, dòng nước trôi, lờ lững.
 
Tôi nhìn tôi trong tờ báo, báo biếu, anh Hàng Chức Nguyên ảnh mang lại tận nhà cho tôi, chèn ơi, tôi kêu thầm, coi cái mặt kìa, nhìn sao mà, ghê bắt chết.
 
V/ Giỏi Văn Là Một Lợi Thế
 
Từ kinh nghiệm của tôi, tôi cho rằng, giỏi văn là một lợi thế, lợi thế lớn lắm, ngay khi còn đi học, cho đến lúc trưởng thành, đi làm, và những năm tháng của đời người, sau đó.
 
Giỏi, có thể do năng khiếu. Giỏi, cũng có thể do rèn luyện mà ra.
 
Ai rồi cũng có con. Nuôi con xong thì rồi có cháu. Bây giờ các cháu ít luyện văn. Văn viết mà không hay, thì, văn nói ấy mà, cũng lúng túng lắm.
 
Đừng thấy các cháu huyên thuyên, lanh lợi, mà nhầm tưởng đó là văn. Văn nó khác. Chú ý ngay từ đầu, rèn văn cho căn bản. Các bạn sẽ thấy, văn chính là nền tảng, là gốc rễ cho cây nghệ thuật, cây khoa học đâm chồi trảy nhánh.
 
Giỏi văn là một lợi thế.
 
phamhienmay 
Sài Gòn ngày 31.07.23
Phạm Hiền Mây
Nguồn: Fb Phạm Hiền Mây
 

Tìm các bài VĂN khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com