Năm 13, 14 tuổi nghe Về Đây Nghe Em mà bồi hồi.
Về đây nghe em, về đây nghe em
Về đây mặc áo the, đi guốc mộc
Kể chuyện tình bằng lời ca dao
Kể chuyện tình bằng nồi ngô khoai
Kể chuyện tình bằng hạt lúa mới…
Về đây mặc áo the, đi guốc mộc
Kể chuyện tình bằng lời ca dao
Kể chuyện tình bằng nồi ngô khoai
Kể chuyện tình bằng hạt lúa mới…
Nhạc sĩ Trần Quang Lộc
… quê hương qua Trần Quang Lộc đẹp biết bao nhiêu. Và ở tuổi mới lớn dạt dào cảm xúc, câu hát
Này hồn ơi lên cao lên cao
Đem ánh sáng hân hoan trên trời
Rọi vào đời cho ta tinh cầu yêu thương…
Đem ánh sáng hân hoan trên trời
Rọi vào đời cho ta tinh cầu yêu thương…
…với tôi thật lãng mạn, thật thanh cao lý tưởng.
Trần Quang Lộc có những lời nhạc hay bất ngờ, thơ mộng bất ngờ. Không phải người Hà Nội, TQL đã tặng Hà Nội, đã trả lại Hà Nội những âu yếm ngậm ngùi những hình ảnh hết sức thơ:
Có bóng mùa thu thức ta lòng son muộn
Một ngày về xuôi chân ghé Thăng Long buồn
Có phải em là mùa thu Hà Nội
Ngày sang thu anh lót lá em nằm
Một ngày về xuôi chân ghé Thăng Long buồn
Có phải em là mùa thu Hà Nội
Ngày sang thu anh lót lá em nằm
Những ai quen thân TQL mới biết, lời nhạc của TQL tuôn ra đặc sắc một cách dễ dàng không gò bó, nếu có hỏi căn nguyên e nhạc sĩ cũng không thể trả lời thỏa đáng. Với TQL, lời hát nhẹ thơm như hương lan, hình ảnh nguyên sắc màu tự nhiên cho dù cao sang như Hà Nội hay cầu gỗ bờ ao của chốn quê nghèo
Tình cờ gặp lại nhau
Dường như lâu lắm rất quen nhau
Gặp lại nhau mắt vương niềm đau
Gặp lại nhau lúc sắp xa nhau
Gặp lại nhau tóc xanh phai màu…
Dường như lâu lắm rất quen nhau
Gặp lại nhau mắt vương niềm đau
Gặp lại nhau lúc sắp xa nhau
Gặp lại nhau tóc xanh phai màu…
…Chờ nhau bạc áo chốn xa xăm
Ngoảnh nhìn nhau lúc em qua cầu
Ngoảnh nhìn nhau lúc em qua cầu
Một đời nghệ sĩ rong chơi, lúc đói nghèo cũng như lúc được chào đón nồng nhiệt, Trần Quang Lộc luôn có nụ cười dễ mến. Trần Quang Lộc hát khắp nơi mình đến, nhưng tiếng hát nơi hội họp với nhau, không phải trên sân khấu, mới nói lên hết cái hồn thơ của người nghệ sĩ. Nghe TQL đàn hát Đàn Trong Tay Người mới thấm cái buồn nhỏ đều giọt vào lòng giếng khô
Trong tay người hành khất mù
Tiếng đàn nghe dậy mối thù áo cơm
Tơ lòng đọ với sầu gươm
Đứt ra từng đoạn tang thương ruột tằm
Tiếng đàn nghe dậy mối thù áo cơm
Tơ lòng đọ với sầu gươm
Đứt ra từng đoạn tang thương ruột tằm
Phải gặp TQL mới cảm được hai chữ du ca, trong nguyên nghĩa “một chàng nghệ sĩ ôm đàn đến giữa đời.” Trần Quang Lộc như một “con chim đến từ núi lạ ngứa cổ hót chơi.” Giờ đã hót xong, chàng về, về nghe nhau thở dài trong đêm.
Mong ông về được chốn bình yên.
Lưu Na
06072020
Một số hình ảnh trong buổi văn nghệ cận Tết Jan 27, 2011 tổ chức ở tòa soạn báo Người Việt
Trần Đức Quang- Thái Đắc Nhã (?)- Nguyễn Đình Toàn- Trần Duy Đức- Đinh Trung Chính- Trần Quang Lộc
Lê Uyên-Nguyễn Đức Quang-Minh(Cao xuân Huy)-Thùy Hạnh-Nhã Lan-Nguyễn Đình Toàn-Đinh Trung Chính-Trần Duy Đức-Nguyệt “ác phụ”-X-X-X-Trần Quang Lộc
Hà Tường Cát-Nguyễn Đình Toàn-Thùy Hạnh-Trần Quang Lộc-Minh(Cao Xuân Huy)
********************
Nhạc sĩ Trần Quang Lộc, tác giả ‘Về Đây Nghe Em,’ qua đời vì bạo bệnh
Giới mộ điệu âm nhạc Việt Nam bày tỏ lòng thương tiếc trước tin nhạc sĩ Trần Quang Lộc qua đời tại tư gia ở Vũng Tàu vào chiều 7 Tháng Sáu, hưởng thọ 75 tuổi.
Ông là tác giả 600 bài hát, trong đó có các bản tình ca được nhiều thế hệ người yêu nhạc biết đến như “Về Đây Nghe Em” (phổ thơ A Khuê), “Có Phải Em Mùa Thu Hà Nội” (phổ thơ Tô Như Châu), “Chợt Nghe Em Hát”, “Cho Tôi Lại Từ Đầu”, “Em Còn Nhớ Huế Không?”, “Em Theo Đoàn Lưu Dân”…
Năm 20 tuổi, ông theo học âm nhạc tại Trường Quốc Gia Âm Nhạc Huế và bắt đầu sáng tác vào hồi cuối thập niên 1960.
Tuyển tập nhạc đầu tiên của ông là “Hát Trong Dòng Sông Xưa” được xuất bản năm 1970. Những bài hát của ông hầu hết đều mang sắc thái tình người, tình quê hương.
Sau 30 Tháng Tư, 1975, ông ở lại trong nước và sống ở Vũng Tàu. Ở hải ngoại, các sáng tác của ông được ca sĩ Hương Lan thu âm và trình diễn đầu tiên.
Tờ Tuổi Trẻ dẫn lời anh Trần Quách Phước Nam, con trai nhạc sĩ Trần Quang Lộc: “Bố tôi đã ra đi nhẹ nhàng, thanh thản ở nhà đúng như mong muốn của ông”.
Theo VnExpress, ông được chữa bệnh ung thư từ năm năm qua. Sau khi được cắt bỏ bàng quang, ông bị chẩn đoán thêm ung thư phổi. Căn bệnh gây ảnh hưởng lên dây thần kinh, khiến một bên mắt ông bị hỏng.
Nhạc sĩ Trần Quang Lộc từng nhiều năm điều trị ở Bệnh viện Bình Dân ở Sài Gòn. Đầu Tháng Năm, các bác sĩ cho ông về nhà ở Bà Rịa – Vũng Tàu.
“Những năm cuối đời, gia cảnh ông gặp nhiều khó khăn. Vợ ông phải thế chấp số đỏ nhà đang ở lấy tiền cho chồng chữa bệnh với chi phí hơn 200 triệu đồng ($8,577). Hồi cuối Tháng Năm, nhạc sĩ Nguyễn Quang, con trai cố nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đã làm đêm nhạc quyên góp tiền giúp ông chữa bệnh,” VnExpress cho biết.
Thuở còn sinh thời, trong một lần trả lời phỏng vấn đài RFA Việt Ngữ hồi năm 2006, nhạc sĩ Trần Quang Lộc nói: “Tôi viết Về Đây Nghe Em năm 1969-1970, thời điểm đó ở Sài Gòn thì chiến tranh đang ở cao trào. Buổi tối ở Sài Gòn lúc đó thời tôi còn đi học tối thì đi đánh đàn ở các quán bar. Thành phố Sài Gòn giới nghiêm, ban đêm chỉ còn lại những người lính viễn chinh ở Mỹ. Còn trong mấy quán bar chỉ còn lại những cô vũ nữ, cave… những cô sinh viên mặc mini jupe phục vụ trong những quán bar này…”
“Lúc ấy mình là con người Việt Nam nên có cái nhìn hình như có điều gì đó ray rứt trong lòng… cảm nhận có cái gì đó mình không diễn đạt được.”
“Mình cảm nhận có một sự mời gọi để quay về với quê hương, những day dứt đó mình viết thành ca khúc ‘Về Đây Nghe Em’. Bài hát này thuận lợi cách nào đó cho nên thành công. Cho mãi đến bây giờ tuy đã nhiều năm nhưng cũng còn nhiều ca sĩ chọn để hát…”. (N.H.K)