Nhạc sĩ Lam Phương, một trong những người sáng tác nhiều bài hát làm rơi lệ nhiều người, vừa ra đi ở tuổi 83, vào lúc chiều tối Thứ Ba, 22 Tháng Mười Hai.
Tin này được một phụ nữ từng rất thân thiết với nhạc sĩ xác nhận với nhật báo Người Việt vào lúc 10 giờ tối.
Cố nhạc sĩ Lam Phương. (Hình: Người Việt)
“Chú đi thật rồi cháu ơi. Đi chiều nay. Chỉ biết ra đi trong bệnh viện, nhưng không biết bệnh viện nào. Bây giờ cô cũng lớn tuổi rồi, không muốn nói gì cả. Các con cô đang rất xúc động. Bây giờ người nhà của chú Lam Phương đang lo liệu mọi việc,” phụ nữ này chỉ nói như thế, và không nói gì hơn.
Người phụ nữ này yêu cầu nhật báo Người Việt không nêu danh tính “vì cả Little Saigon này ai cũng biết cô là ai rồi.”
Theo Wikipedia, nhạc sĩ Lam Phương tên thật là Lâm Đình Phùng, sinh ngày 20 Tháng Ba, 1937 tại làng Vĩnh Thanh Vân, quận Châu Thành, tỉnh Rạch Giá (hiện nay là phường Vĩnh Thanh Vân, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang).
Nội tổ của ông vốn là người Hoa, bỏ nước sang Việt Nam lập nghiệp trong đợt di dân ồ ạt của người Hoa chống đối với nhà Mãn Thanh. Đời ông nội của ông đã bắt đầu lai Việt Nam và đến đời cha của Lam Phương thì chẳng còn dấu vết gì là người Hoa nữa. Lam Phương là con đầu lòng, lớn lên với mẹ và năm người em trong cảnh nghèo nàn xơ xác. Cha ông bỏ đi theo người đàn bà khác từ lúc ông còn nhỏ.
Năm 10 tuổi, mẹ gửi ông lên Sài Gòn học, sống ở nhà người bác ruột. Ông bắt đầu tự mày mò học nhạc, rồi may mắn được nhạc sĩ Hoàng Lang và nhạc sĩ Lê Thương chỉ dẫn. Bút danh Lam Phương do ông lấy từ hai chữ trong tên thật của mình là Lâm và Phùng với ý nghĩa “hướng về phương trời màu xanh hy vọng.”
Ca khúc đầu tay của ông là bài Chiều Thu Ấy, viết vào năm 15 tuổi. Ông vay tiền của bạn bè để mướn nhà in in nhạc bướm, sau đó thuê xe chở nhạc đi bán lẻ khắp Sài Gòn. Thời gian đầu sáng tác, ông gặp rất nhiều khó khăn về tài chính khi thường xuyên phải vay tiền những người bạn của mình để tự phát hành các tác phẩm âm nhạc. Thành công với tác phẩm đầu tay, Lam Phương càng miệt mài sáng tác.
Ba năm sau, Lam Phương tung ra hàng loạt ca khúc viết về quê hương, trong đó nổi tiếng nhất là Khúc Ca Ngày Mùa được hầu hết các trường học ở vùng đồng bằng sông Cửu Long chọn để dạy cho học trò ca múa.
Năm 1958, Lam Phương nhập ngũ QLVNCH. Trở về dân sự một thời gian thì được lệnh tái ngũ, gia nhập đoàn văn nghệ Bảo An. Sau khi đoàn này giải tán, ông tham gia ban văn nghệ Hoa Tình Thương và sau cùng là Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương cho đến ngày Sài Gòn thất thủ.
Sáng ngày 30 Tháng Tư, 1975, ông và gia đình lên tàu Trường Xuân để tị nạn mà không kịp mang theo tài sản gì. Sau đó, ông được chuyển đến định cư tại Virginia, Hoa Kỳ, nhưng ông lại chuyển về Texas, rồi California. Để có tiền nuôi vợ con, Lam Phương phải làm đủ thứ nghề, từ lau sàn nhà, dọn dẹp cho hãng Sears, đến những việc nặng nhọc như thợ mài, thợ tiện,…
Sau khi cuộc sống nơi xứ người dần ổn định, cứ mỗi cuối tuần ông cố gắng thu xếp thuê một quán ăn làm sân khấu ca nhạc kịch để bạn văn nghệ gặp nhau.
Sau đó, ông sang Paris, Pháp, làm công cho một tiệm tạp hóa, quét dọn, đóng gói, khuân vác,… Cho đến một ngày, ông gặp được một tình yêu mới và ông đã kết hôn với người phụ nữ tên Hường, thế nhưng người này rồi cũng bỏ ông mà theo người khác.
Năm 1995, Lam Phương trở về Mỹ và kết hôn với một phụ nữ khác. Đầu năm 1999, ông bị tai biến mạch máu não và liệt nửa người. Thời gian này, ông gặp rất nhiều khó khăn nhưng cũng nhận được vô vàn tình cảm.
Lần xuất hiện gần đây nhất vào tháng 8 năm 2016, ông cùng đoàn nghệ sĩ của trung tâm Thúy Nga sang Singapore thực hiện chương trình Tình Ca Lam Phương in Singapore. (Đ.D.)
Nhạc sĩ Lam Phương, nhạc sĩ tiêu biểu của nền tân nhạc Việt Nam với hàng trăm tác phẩm âm nhạc từ giữa thập niên 1950 đến nay, vừa qua đời ở Mỹ, hưởng thọ 83 tuổi. Nhạc sĩ Lam Phương, một trong những người sáng tác nhiều bài hát làm rơi lệ biết bao người, mà nổi tiếng nhất là bài “Thành Phố Buồn,” vừa ra đi, vào lúc chiều tối Thứ Ba, 22 Tháng Mười Hai, 2020.
Theo nguồn tin của Thanh Niên tại Mỹ, nhạc sĩ Lam Phương nhập viện cấp cứu ở Fountain Valley, California vào trung tuần tháng 12 khi chứng bệnh tim và tai biến mạch máu não trở nặng. Hôm 22.12.2020 (giờ Mỹ), ông được xác nhận qua đời sau thời gian tích cực điều trị.
Anh Bằng – Nam Lộc, sinh nhật Lam Phương
Nhạc sĩ Lam Phương tên thật là Lâm Đình Phùng, sinh năm 1937 ở Rạch Giá, Kiên Giang. Năm 15 tuổi, ông đã viết ca khúc đầu tay Chiều Thu Ấy, sau đó đến Kiếp Nghèo được nhiều người yêu mến. Ba năm sau, ông viết hàng loạt bài về quê hương, nổi tiếng nhất là Khúc Ca Ngày Mùa. Album nhạc Lam Phương được nhiều ca sĩ chọn phát hành như: Hương Lan, Bạch Yến, Lưu Hồng, Họa Mi, Ý Lan, Hạ Vy, Ngọc Anh, Lệ Quyên...
Nguồn hình ảnh, Thúy Nga - Paris By Night Chụp lại hình ảnh, Nhạc sĩ Lam Phương
Theo nguồn tin của BBC, nhạc sĩ Lam Phương vừa qua đời tại California, Mỹ ở tuổi 83 sau khi quá trình điều trị vì chứng bệnh tim và tai biến mạch máu não trở nặng.
Tâm sự với BBC News Tiếng Việt vài giờ sau khi nhạc sĩ Lam Phương ra đi, bà Marie Tô từ Trung tâm Thúy Nga bày tỏ: "Đây là một mất mát quá lớn. Buồn hơn là chú mất trong bệnh viện thời Covid-19 nên người nhà không được vào thăm.
Tuần rồi nghe chú vào bệnh viện, tôi có gọi hỏi thăm em của chú là cô Bảy nhưng được cho biết là không ai vào thăm chú được vì Covid-19".
Trên trang Facebook của Trung tâm Thúy Nga - Paris By Night viết:
"Một vì sao sáng trên bầu trời nghệ thuật đã vừa vụt tắt. Một trong những tên tuổi lớn nhất của âm nhạc Việt Nam đã vĩnh viễn ra đi. Nhạc sĩ Lam Phương vừa trút hơi thở cuối cùng vào lúc 6:07 tối ngày 22 tháng 12, 2020 tại thành phố Fountain Valley, California.
Cuộc đời đầy thăng trầm biến động của người nhạc sĩ tài hoa đã khép lại. Sự ra đi của ông là 1 mất mát to lớn cho nền nghệ thuật Việt Nam. Trung tâm Thuý Nga cùng toàn thể các ca nghệ sĩ xin tri ân nhạc sĩ Lam Phương cho tất cả những đóng góp của ông, và thành kính phân ưu cùng tang quyến. Cầu mong nhạc sĩ yên nghỉ nơi cõi lành. "Nắng xuyên qua lá, hạt sương lìa cành Đời mong manh quá, kể chi chuyện mình Nắng buồn cuộc tình, bỗng tắt bình minh..."
Nhạc sĩ Lam Phương cùng ca sĩ Lệ Quyên (phải) tại Mỹ
Hồi tháng 8, trong cuộc trò chuyện trực tuyến cùng truyền thông Việt Nam, nhạc sĩ đã bày tỏ nỗi niềm rằng luôn mong ngày trở về nhưng vì sức khoẻ không cho phép nên hy vọng khán giả sẽ thông cảm cho mình. Ông nói:
"Tôi luôn giữ niềm hy vọng cho đời sống của mình. Dù bệnh nhưng chưa bao giờ ngừng hy vọng, nhất là hy vọng sự trở về Việt Nam gặp khán giả yêu mến âm nhạc Lam Phương".
Ở tuổi 81, nhạc sĩ Lam Phương còn mắc nhiều bệnh trong người. Ông đã bị tai biến suốt 19 năm qua.
Nhạc sĩ Lam Phương tên thật là Lâm Đình Phùng. Ông sinh ngày 20 tháng 3 năm 1937 tại làng Vĩnh Thanh Văn, Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang và là anh cả trong một gia đình gồm 6 người con. Trong số có 2 người em gái ở Việt Nam mà một người đã qua đời vì bệnh tiểu đường.
Thời gian sống ở Paris chính là thời gian sáng tác dồi dào nhất của ông với khoảng trên 100 nhạc phẩm trong tổng số 200 nhạc phẩm trải dài suốt cuộc đời âm nhạc của ông.
Nguồn hình ảnh, Thúy Nga - Paris By Night Chụp lại hình ảnh, Nhạc sĩ Lam Phương hồi năm 2015
Theo các nhà đánh giá, Pháp đã ảnh hưởng sâu xa đến dòng nhạc của Lam Phương, mối tình Paris với cô Cẩm Hường cũng khiến ông cho ra đời nhiều tình khúc làm say lòng khán giả như: Tình Bơ Vơ, Cho Em Quên Tuổi Ngọc, Lầm, Buồn, Say, Mơ, Hạnh Phúc Mang Theo, Ngày Tạm Biệt, Bài Tango Cho Em hay Mùa Thu Yêu Đương...
Theo các nhà đánh giá, Pháp đã ảnh hưởng sâu xa đến dòng nhạc của Lam Phương, mối tình Paris với cô Cẩm Hường cũng khiến ông cho ra đời nhiều tình khúc làm say lòng khán giả như: Tình Bơ Vơ, Cho Em Quên Tuổi Ngọc, Lầm, Buồn, Say, Mơ, Hạnh Phúc Mang Theo, Ngày Tạm Biệt, Bài Tango Cho Em hay Mùa Thu Yêu Đương...
Đến năm 1995, ông trở về Mỹ và sống tại tiểu bang California cho đến khi ra đi.
Từ trái: Dũng (Long Biên), Lê thị Cẩm Hường, bà Dũng LB, Lam Phương, vợ chồng ca sĩ Thanh Mai – tại đám cưới ca sĩ Hùng Cường (1982)
Từ năm 1996 đến 1998, ông cộng tác với các trung tâm âm nhạc người Việt tại Mỹ, Pháp và đi lưu diễn ở nhiều nước châu Âu. Năm 2016, ông cùng đoàn nghệ sĩ hải ngoại thực hiện hiện chương trình Tình ca Lam Phương tại Singapore.
Nhìn lại sự nghiệp của cố nhạc sĩ, có thể thấy những năm cuối của thập niên 60, tuổi Lam Phương nổi như cồn.
Tùng Phong, từ Sài Gòn hồi tháng 8 gửi cho BBC đã viết: "Những bài hát của Lam Phương ở giai đoạn đỉnh cao trong sáng tác của âm nhạc thập niên 60, có một đặc điểm chung là buồn nhưng rất đẹp, buồn một cách sang trọng. Chính vì thế mà ngày từ khi đó người ta đã khó xếp âm nhạc của ông vào dòng nhạc trong những dòng thịnh hành thời đó.
Sau này, ông mở rộng phong cách sáng tác, có nhiều bài hát vui tươi - như thời gian ông hạnh phúc với cuộc tình mới ở Paris thập niên 80, nhưng cũng vẫn không thiếu những bài buồn-mà-đẹp, chẳng hạn một trong những bài hay nhất của ông giai đoạn sau này - Một Mình. Nhưng dù ở giai đoạn nào, với phong cách nào, thì hầu hết các bài hát của Lam Phương đều là câu chuyện về những cuộc tình dang dở, những mối tình của chính ông, với những bóng hồng đã trở thành huyền thoại."
Nhạc sĩ Lam Phương (chụp năm 2018)
Trang Facebook của Thúy Nga viết về cố nhạc sĩ: "Ông là một trong những người tiên phong của tân nhạc miền Nam với gia tài sáng tác gồm hơn 200 tác phẩm trải rộng trong nhiều đề tài như thân phận con người, thăng trầm đổi thay của mệnh nước, ca ngợi quê hương, tình mẫu tử, tình lính và tình yêu.
Nổi danh từ năm 17 tuổi với 2 sáng tác Chuyến Đò Vĩ Tuyến và sau đó là Kiếp Nghèo, Lam Phương là 1 trong những tác giả có sức ảnh hưởng và được yêu mến nhất với vô số những tác phẩm nổi tiếng như Thành Phố Buồn, Duyên Kiếp, Tình Bơ Vơ, Đèn Khuya, Nắng Đẹp Miền Nam, Khúc Ca Ngày Mùa, Tình Anh Lính Chiến, Đoàn Người Lữ Thứ, Biển Tình, Lầm, Say, Bài Tango Cho Em, Mùa Thu Yêu Đương, Tình Vẫn Chưa Yên..."
Nổi danh từ năm 17 tuổi với 2 sáng tác Chuyến Đò Vĩ Tuyến và sau đó là Kiếp Nghèo, Lam Phương là 1 trong những tác giả có sức ảnh hưởng và được yêu mến nhất với vô số những tác phẩm nổi tiếng như Thành Phố Buồn, Duyên Kiếp, Tình Bơ Vơ, Đèn Khuya, Nắng Đẹp Miền Nam, Khúc Ca Ngày Mùa, Tình Anh Lính Chiến, Đoàn Người Lữ Thứ, Biển Tình, Lầm, Say, Bài Tango Cho Em, Mùa Thu Yêu Đương, Tình Vẫn Chưa Yên..."