User Rating: 0 / 5

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

.

Năm 2015 này, kỷ niệm 50 năm ngày sinh của Cụ Nguyễn Du, người viết tìm đọc các tài liệu liên quan, tổng hợp lại để cống hiến bạn đọc nhân dịp Xuân Ất Mùi -2015. Trong lúc trà dư tửu hậu, ngâm nga vài câu thơ cổ hoài niệm cố hương, thắp nén hương lòng nhớ về cố quốc, giúp cho tâm hồn thư thái đôi chút của những người cùng tâm sự:

Đoái thương muôn dặm tử phần
Hồn quê theo ngọn mây Tần xa xa

Theo ông Trần Văn Giáp, bản Truyện Kiều cổ được tàng trữ trong Thư Viện trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp (EFOE) ký hiệu VNB60 xuất hiện vào triều Minh Mạng mang tên Kim Vân Kiều Truyện được trình vua ngự lãm. Vua Minh Mạng đổi thành Đoạn Trường Tân Thanh, trên bản này có đề từ của Phạm Quý Thích. Ông mô tả “Sách không có tờ mặt in, trái lại tờ mặt đề chữ viết tay: Minh Mạng ngự lãm (tứ) (danh) Đoạn Trường Tân Thanh 明命御覽(賜)(名)斷腸新聲 . Rồi lại: Kim Vân Kiều truyện 金雲翹傳 (mấy chữ này viết bằng bút sắt). Trang sau tờ mặt đề bút lông như sau: “Kim Vân Kiều truyện, bản Bắc quốc Thanh Tâm tài nhân lục, Tiên Điền Nguyễn Du diễn xuất quốc âm danh Kim Vân Kiều truyện, phụng Minh Mạng ngự lãm (tứ) (cãi) (vi) Đoạn Trường Tân Thanh (tòng kinh bản dã) Hoa Đường Tiến sĩ Phạm Quý Thích đề từ... 雲翹傳,本北國青心才人錄, 仙田阮攸演出國音名金雲翹傳, 奉明命御覽(賜)(改)(為)斷腸新聲(從京本也), 華 堂進士笵貴適題辭... (Sách Kim Vân Kiều truyện vốn là sách Thanh Tâm tài nhân lục của Bắc quốc, Nguyễn Du ở Tiên Điền diễn ra quốc âm, đặt tên là Kim Vân Kiều truyện, được vua Minh Mạng đọc và (cho) (đổi) (tên) (làm) Đoạn Trường Tân Thanh (đó là theo bản kinh). Phạm Quý Thích, người Hoa Đường, đậu Tiến sĩ đề từ...)”, gồm một tập 68 tờ, tờ 2 trang mỗi trang 12 giòng, giòng 2 câu lục bát. Vua Tự Đức rất mê đọc đến nỗi mòn cả chỉ khâu gáy sách, phải khâu lại 3 lần. Nhà vua đã để lại hai câu lục bát mà người ta lầm tưởng là ca dao:

Mê gì như mê tổ tôm
Mê ngựa Thượng Tứ, mê Nôm Thúy Kiều

Vì tên truyện khá dài nên gọi gọn là Truyện Kiều để chỉ tác phẩm văn vần của Cụ Nguyễn Du khác với nguyên tác bằng Hán văn Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân trong văn học Trung Hoa. Truyện Kiều đã được dịch ra 20 thứ tiếng: Pháp, Anh, Nga, Trung, Tiệp… được nhiều người trên thế giới biết đến văn tài Nguyễn Du. Năm 1965 được công nhận “danh nhân văn hóa” của Tổ Chức Hoà Bình Thế Giới ban cho cùng với 8 danh nhân khác. Cụ đã được Đại Hội Đồng Khóa 37 UNESCO họp tại Paris tháng 11/2013 để vinh danh “Danh nhân văn hóa Thế giới.”

Tiểu sử tác giả Nguyễn Du

Cụ Nguyễn Du, tên chữ Tố Như hiệu Thanh Hiên, năm Ất Dậu (1765) tại phường Bích Câu Thăng Long, (có người nói ông sinh tại ở quê ngoại Kinh Bắc, lên 6 mớí về Bích Câu), con thứ tư (ba anh Nguyễn Trụ, và Nguyễn Điều, Nguyễn Nễ hay Đề) của Cụ Nguyễn Nghiễm (Tể tướng triều Lê), quán làng Tiên Điền Huyện Nghi Xuân, Hà tĩnh, với người vợ thứ ba Trần thị Tần, quê làng Hoa Thiều, huyện Tiên Du (Đông Ngàn) xứ Kinh Bắc quê hương Quan Họ, nay thuộc Bắc Ninh.

Năm 1771 Nguyễn Nghiễm về quê trí sĩ, Nguyễn Du theo về sống ở vùng Hồng Lĩnh. Năm 11 tuổi cha qua đời, năm 13 tuổi mẹ qua đời. Cụ mồ côi cả cha lẫn mẹ, ra Bắc ở với anh cả Nguyễn Khản (cùng cha khác mẹ).

Năm 1782 dinh thự ở Bích Câu bị nạn kiêu binh đốt cháy.

Năm 1783 đỗ Tam trường (Tú Tài) thi hương ở Sơn Nam ( Nguyễn thị Chân Quỳnh nói cụ đỗ Tam Trường thi Hội, không phải thi Hương tức là Tiến sĩ ; Võ Hương An cũng nói Cụ đỗ Tiến Sĩ. Đại Nam Thực Lục Chính Biên Đệ Nhất Kỷ Quyển XXVI, năm Gia Long thứ 4 (1805) ghi “Đặng Trần Thường dâng sớ cử Tiến Sĩ triều Lê cũ là Nguyễn Du, hương cống là bọn Nguyễn Trọng Chiếu 14 người, hạ lệnh vời về Kinh để xét dùng”. Như vậy thời Lê mạt Nguyễn sơ có hai ông cùng tên Nguyễn Du, có thể có sự nhầm lẫn chăng?).

Gia cảnh khó khăn, năm 1786 Nguyễn Khản xin cho cụ làm Chánh thủ hiệu (một chức quan võ thấp) cai quản đội quân tinh nhuệ nhất tỉnh Thái Nguyên. Cùng năm này cụ kết hôn với bà Đoàn thị Huệ con gái ông Đoàn Nguyễn Thục đang giữ chức Ngự Sử, chánh quán xã An hải, huyện Quỳnh Côi, Trấn Sơn Nam (Thái Bình).

Nguyễn Khản đang trấn thủ Sơn Tây bị kết tội mưu phản. Năm 1787 Tây Sơn lấy Bắc Hà, cụ chạy theo vua Chiêu Thống không kịp, quay về nương náu nhà anh vợ Đoàn Nguyễn Tuấn đang làm quan với Tây Sơn. Mười năm ăn nhờ ở đậu quê vợ là thời gian cô đơn, cùng cực nhất, ông gọi là “mười năm gió bụi (thập tải phong trần)”, mưu chống Tây Sơn không thành. Cụ tâm sự trong bài thơ U cư 1:

Dị hương dưỡng chuyết sơ phòng tục
Loạn thế toàn sinh cửu uý nhân
Lưu lạc bạch đầu thành để sự
Tây phong xuy đảo tiểu ô cân

(Đất khách giả ngây phòng kẻ tục
Giữ mình thời loạn sợ lòng người
Lênh đênh đầu bạc không nên chuyện
Ngọn gió tây thổi chiếc khăn rơi

Nguyễn thạch Giang dịch)

Đoàn Nguyễn Tuấn mất, gia đình bên vợ sa sút, người con cả chết, Nguyễn Du đưa vợ, con Nguyễn Tứ trở về quê Tiên Điền.

Năm 1791 người anh cùng cha khác mẹ Nguyễn Quýnh chống Tây Sơn bị giết, dinh cơ ở Tiên Điền bị Tây Sơn thiêu hủy. Mùa đông Bính Thìn (1796) Nguyễn Du trốn vào nam hà theo Nguyễn Ánh, bị Quận Công Tây Sơn Nguyễn văn Thận bắt giữ. Nhờ Thận là bạn thân với Nguyễn Nễ (cũng đang làm quan Tây Sơn), và lại tiếc tài Nguyễn Du nên chỉ giam ba tháng ở Nghệ An rồi tha về.

Năm 1802 Gia Long thống nhất giang sơn, trên đường ra Thăng Long, vua xuống chiếu gọi cựu thần nhà Lê ra yết kiến, Nguyễn Du, Nguyễn Nễ được vua truyền lệnh theo xa giá ra Bắc Thành, bổ Nguyễn Du làm Tri Huyện Phù Dung (Khoái châu, Sơn Nam), ba tháng sau được thăng Tri Phủ Thường Tín; lưu Nguyễn Nễ ở lại Bắc Thành do Tổng Trấn Nguyễn văn Thành trấn giữ.

Mùa đông Quí Hợi (1803) Nguyễn Du cùng Tri phủ Thượng Hồng Lý Trần Chuyên, Tri Phủ Thiên Trường Ngô nguyễn Viên, Tri Phủ Tiên Hưng Trần Lân được lệnh lên Ải Nam Quan tiếp sứ Thanh.

Mùa thu 1804, cụ xin nghỉ quan về quê chữa bệnh.

Đầu năm 1806 (Gia Long thứ 5), vua gọi vào Kinh đô Huế, được thăng Đông Các Đại học Sĩ, một ân sủng lớn tân triều dành cho cụ vì cụ chỉ đậu Tam Trường (Tú Tài), cụ chán cảnh quan trường.

Năm 1812, cụ xin nghỉ hai tháng về quê xây mộ cho Nguyễn Nễ.

Năm 1813 được thăng Cần Chánh Điện Học Sĩ, chánh sứ sang Thanh, năm sau về đến Huế được thăng Hữu Tham Tri bộ Lễ.

Cụ mất 10 tháng 8 Canh Thìn Minh Mạng nguyên niên (16-9-1820). “Vua thương tiếc, cho 20 lạng bạc, 1 cây gấm Tống, khi đưa tang về cho thêm 300 quan tiền” ( ĐNTL V, chính biên). An táng tại Bàu Đá, làng An Ninh, huyện Hương Trà (gần chùa Thiên Mụ, nay thuộc Lưu Bảo – An Ninh Thượng, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên). Theo tương truyền vua Minh Mạng viếng hai câu đối nay vẫn còn nơi thờ Cụ.

“Nhất đại tài hoa, vi sứ vi khanh sinh bất thiểm
Bách niên sự nghiệp, tại gia tại quốc tử do vinh”
.

Hiện nay ở Bàu Đá không còn dấu tích huyệt mộ của Nguyễn Du, chỉ thấy ngôi mộ của ông thượng thư Hoàng Hữu Thường làm quan 6 triều (Tự Đức, Dục Đức, Kiến Phúc, Hiệp Hòa, Hàm Nghi, Đồng Khánh) mất tháng 12 năm 1887, được miêu tả như sau: Phía chính Tây là núi An Đô sồ sộ; phía sau là dãy Trường Sơn hùng vĩ; phía Đông gác chân lên rú Đá thấp hướng ra biển. Tả hữu là hai ngọn núi thấp có dáng dấp Thanh Long, Bạch Hổ, có một mạch nước phía trước. Theo thuật phong thủy gọi là “tích phúc tụ thủy” nghĩa là “lấy lộc cho cháu con”. Chung quanh mộ có Rú Đá thấp bao bọc, đó là thể đất tốt , có núi làm bình phong, có mạch nước minh đường thủy tụ… Một địa huyệt mà bất cứ thầy địa lý nào cũng mơ tưởng như trong lý thuyết. Có người tin rằng đó chính là huyệt mộ cũ của Cụ Nguyễn Du.

Năm Giáp Thân (1824) con trai Nguyễn Ngũ cải táng về vườn cũ quê nhà xứ Đồng Mát, thuộc xóm Tiên Giáp nay là Tiên Mỹ. Năm 1828 cải táng lần nữa sang xứ Đồng Thanh xóm Tiên An cách làng 2km trên một bãi cát hẻo lánh.

Đại Nam Liệt Truyện Tập sơ Quyển 20 viết “Du rất giỏi về thơ, làm thơ quốc âm rất hay, khi sang sứ nước Thanh về, có tập thơ "Bắc hành" và truyện "Thúy Kiều" lưu hành ở đời. Du trước vì gia thế làm quan nhà Lê, gặp loạn Tây Sơn không có chí lại ra giúp đời nữa, còn tự ý đi chơi săn bắn núi Hồng Sơn 99 ngọn, vết chân hầu khắp. Khi bị lệnh triệu không thể từ được mới ra làm quan, thường phải chịu khuất với cấp trên, lấy làm uất ức bất đắc chí. Đến khi bệnh kịch, không chịu uống thuốc, sai người nhà mở duỗi chân tay, nói đã lạnh cả, Du bảo rằng: "Tốt", nói xong thì chết, không nói một câu nào đến việc sau khi chết.”

Hoạn lộ của ông ở thời Nguyễn rất hanh thông, từ Tri Huyện lên Tri Phủ chỉ trong ba tháng, được cử lên Nam Quan đón sứ Thanh, về quê nghỉ dưỡng bệnh mấy tháng lại được triệu vào Kinh đô Huế thăng Đông Các, rồi Cần Chánh, chánh sứ sang nhà Thanh, cuối cùng là Hữu Tham Tri Bộ Lễ. Trong 18 năm ở quan trường không thấy biếm chức lần nào. Điều này chứng tỏ vua Gia Long rất trọng đãi tài năng, và trọng dụng Cụ. Với vị trí Chánh Sứ đi cầu phong cho tân vương Minh Mạng thì việc thuốc thang triều đình không thể không lưu tâm, không thiếu thuốc cho ông. Thế thì tại sao ông không chịu uống thuốc mà chấp nhận cái chết rất thản nhiên khác thường? Có vẻ ông muốn nhân bệnh dịch tả đang hoành hành mà tự tử luôn thể. Ông ôm nỗi lòng riêng cô đơn cùng cực, người đương thời không ai hiểu ông, khiến ông thốt ra mấy vần thơ:

Cổ kim hận sự thiên nan vấn
Phong vận kỳ oan ngã tự cư
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như

Vào khoảng 1985, báo Tuổi Trẻ (?) đăng bài thơ Bên Mộ Cụ Nguyễn Du của Vương Trọng viết năm 1982. Bài thơ lục bát đơn giản nhưng hồn thơ khiến người đọc cũng bâng khuâng, đồng cảm với tác giả.

Tưởng rằng phận bạc Ðạm Tiên
Ngờ đâu cụ Nguyễn Tiên Ðiền nằm đây
Ngẩng trời cao, cúi đất dày
Cắn môi tay nắm bàn tay của mình
Một vùng cồn bãi trông trênh
Cụ cùng thập loại chúng sinh nằm kề
Hút tầm chẳng cánh hoa lê
Bạch đàn đôi ngọn gió về nỉ non
Xạc xào lá cỏ héo hon
Bàn chân cát bụi, lối mòn nhỏ nhoi
Lặng im bên nấm mộ rồi
Chưa tin mình đã đến nơi mình tìm
Không cành để gọi tiếng chim
Không hoa cho bướm mang thêm nắng trời
Không vầng cỏ ấm tay người
Nén hương tảo mộ cắm rồi lại xiêu
Thanh minh trong những câu Kiều
Rưng rưng con đọc với chiều Nghi Xuân
Cúi đầu tưởng nhớ vĩ nhân
Phong trần còn để phong trần riêng ai
Bao giờ cây súng rời vai
Nung vôi, chở đá tượng đài xây lên
Trái tim lớn giữa thiên nhiên
Tình thương nối nhịp suốt nghìn năm xa...

Bài thơ được phổ biến rộng rãi, làm rộ lên một làn sóng bất mãn về việc chính quyền không quan tâm đến Đại Thi Hào dân tộc. Các giới chức từ trung ương Hà nội đến địa phương Hà Tĩnh phân trần “rằng thì là..) đủ tông điệu, cuối cùng mộ Cụ được xây dựng khang trang vào khoảng 1989-90, còn lập nên một khu lưu niệm khá quy mô làm nên điểm đến du lịch cho du khách đến viếng Cụ.

Đại Nam Liệt Truyện viết về Cụ “Du trước vì gia thế làm quan nhà Lê, gặp loạn Tây Sơn không có chí lại ra giúp đời nữa, còn tự ý đi chơi săn bắn núi Hồng Sơn 99 ngọn, vết chân hầu khắp.”

Vua Tự Đức dụ “Sử thần các ngươi đều nên gia tâm kê cứu, hết sức chép sửa, cốt sao cho văn có đủ bằng chứng, việc đều ghi được sự thật, thì mới làm cho thêm rạng đức sang đời trước, để rõ tín sử để lại cho đời sau.” Thế thì câu ghi trên có ý phê phán ông xem chừng không đúng với sự thực, các sử thần không hiểu biết nhiều về ông. Sau này khi phát hiện những bài thơ trong Thanh Hiên thi tập thì mới biết phần nào cuộc đời thực của ông.

Khi Tây Sơn diệt Trịnh, vua Lê chạy sang Tàu, Cụ chạy theo không kịp đành quay về nương náu gia đình vợ, với mưu toan chống Tây Sơn. Thời gian này Cụ rất cùng khổ vì gia đình vợ cũng sa sút, Cụ phải dẫn dắt vợ con về lại Tiên Điền lần thứ hai, vào độ ba mươi mà tóc đã bạc màu, Cụ gọi giai đoạn này là “Thập tải phong trần” qua bài U Cư 2:

Thập tải phong trần khứ quốc xa
Tiêu tiêu bạch phát ký nhân gia
Trường đồ nhật mộ tân du thiểu
Nhất thất xuân hàn cựu bệnh đa
Hoại bích nguyệt minh bàn tích dịch
Hoang trì thuỷ hạc xuất hà ma
Hành nhân mạc tụng "Đăng lâu phú”
Cưỡng bán xuân quang tại hải nha (nhai)

(Mười năm biệt gia hương
Nương cửa người phơ mái tóc sương
Bạn ít, trời chiều đường diệu vợi
Bệnh nhiều xuân vắng quán thê lương
Trăng soi vách thủng khoanh lằn mối
Nước cạn đầm hoang rộn ểnh ương
Già nửa xuân quang than góc bể
Qua đường nhớ đọc phú lầu Vương

Quách Tấn dịch)

Vào khoảng 1791, dinh cơ ở Tiên Điền bị Tây Sơn đốt cháy thiêu rụi. Cụ định trốn vào Nam Hà theo Nguyễn Ánh thì bị bắt giam hơn ba tháng (1796), may nhờ quen biết lớn Cụ mới được tha cho về sống ở quê nhà.

Cụ tỏ bày tâm sự qua bài

My Trung Mạn Hứng

Chung Tử viện cầm tháo nam âm
Trang tích bệnh chung do việt ngâm
Tứ hải phong trần gia quốc lệ
Thập tuần lao ngục tử sinh tâm
Bình chương di hận hà thời liễu
Cô trúc cao phong bất khả tầm
Ngã hữu thốn tâm vô ngữ dữ
Hồng Sơn sơn hạ quế giang thâm

(Cảm hứng trong tù

Ôm đàn Chung tử gảy bài Nam
Trang Tích nằm đau tiếng Việt rên
Bốn bể phong trần nhà nước khóc
Mười tuần lao ngục tử sinh cam
Bình Chương di hận bao giờ hết
Cô Trúc cao phong khó kẻ tìm
Tâm sự chút lòng ai biết tỏ
Như sông Quế sâu dưới non Hồng

Nhất Uyên dịch)

Trong thời gian làm Tri phủ Thường Tín, lúc này vợ mất, Nguyễn Du thăm lại Cổ Nguyệt Đường của Hồ Xuân Hương (một người tình cũ) gần đó. Nhìn cảnh nhà, vườn cảnh Tây Hồ (Thăng Long) hoang vắng tiêu điều vì thiếu bàn tay nàng chăm sóc, bên song cửa Cụ làm Độc Tiểu Thanh Ký, mượn truyện nàng Tiểu Thanh (1594-1612), để gởi gắm tâm sự. Tiểu Thanh họ Phùng, tên Văn Cơ, người Quảng Lăng, tỉnh Giang Tô nhà nghèo, có nhan sắc, và thông tuệ, lọt mắt kẻ háo sắc họ Phùng giàu có. Năm 16 tuổi mẹ ham tiền gả làm lẻ, để tránh trùng họ, nên gọi là Tiểu Thanh. Không chịu nổi sự ghen tuông của vợ cả, xin ở riêng trên núi Cô Sơn, cạnh Tây Hồ (Trung Quốc), cô đơn buồn phiền, cô tự vẽ một bức tranh vào quạt, giữ kín. Ngồi một mình mở ra xem than thở sinh bệnh. Lúc sắp mất nàng cho mời họa sĩ đến vẽ chân dung để lưu lại, lần đầu nàng phê bình chỉ đúng bề ngoài, không có thần; lần hai, có thần nhưng không sống động; lần thứ ba mới đạt. Nàng để tranh lên đầu giường, rót rượu thắp hương, dặn người hầu giữ gìn bức tranh cho tốt để giao lại cho chồng cùng bài thơ:

Bách kết hồi trường tả lệ ngân
Trùng lai duy hữu cựu chu môn
Tịch dương nhất phiến đào hoa ảnh
Tri thị đình đình Thiển nữ hồn

(Trăm khúc vò tơ lệ đỗ dồn
Lại về chỉ chốn cổng sơn son
Ánh chiều một mảnh hoa đào bóng
Gái Thiển rành đây vẫn còn hồn)

Nàng chết lúc mới 18 tuổi, đời Vạn Lịch nhà Minh, nay còn mộ ở Cô Sơn. Số phận vợ lẽ của Tiểu Thanh gần với cảnh ngộ của Hồ Xuân Hương nên tức cảnh sinh tình.

Độc Tiểu Thanh Ký

Tây Hồ hoa uyển tẫn thành khư
Độc điếu song tiền nhất chỉ thư
Chi phấn hữu thần liên tử hậu
Văn chương vô mệnh lụy phần dư
Cổ kim hận sự thiên nan vấn
Phong vận kỳ oan ngã tự cư
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?

Độc Tiểu Thanh Ký

Hồ Tây cảnh đẹp hoá gò hoang
Thổn thức bên song mảnh giấy tàn
Son phấn có hồn chôn vẫn hận
Văn chương không mệnh đốt còn vương
Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi
Cái án phong lưu khách tự mang
Chẳng biết ba trăm năm lẽ nữa
Người đời ai khóc Tố Như chăng?

Bản dịch Lê Thước

Cuộc đời bầm dập như vậy, với tính đa cảm, khi đọc Kim vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, Cụ đồng cảm với tâm trạng của Kiều

Khi tỉnh rượu lúc tàn canh
Nghĩ mình mình lại thương mình xót xa
Khi sao phong gấm rũ là
Giờ sao tan tác như hoa giữa đường

Cụ đã dựa vào cốt truyện sắp xếp thêm bớt viết thành Truyện Kiều, mà Đào duy Anh gọi là “hóa cốt đoạt thai” Kim vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân thành Đoạn Trường Tân Thanh

Nguồn gốc Truyện Kiều

Dương Quảng Hàm viết trong Tri Tân số 4 ngày 24 Janvier 1941, xuất bản ở Hà Nội “tóm lại nguồn gốc Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du là cuốn tiểu thuyết tàu nhan là Kim Vân Kiều Truyện do tác giả hiệu là Thanh Tâm Tài Nhân soạn vào cuối thế kỷ 16 hay đầu thế kỷ 17 và Kim Thánh Thán (1627-1662) bình luận.”  Trong Tri Tân số 6 ngày 8 Jullet 1941, Đào Duy Anh viết “Cách đây hơn ba tháng tôi có viết trong báo Bạn Đường (số 3 ngày 16-3-41) một bài Lai Lịch Truyện Kiều đại khái kết luận rằng Nguyễn Du viết quyển Đoạn Trường Tân Thanh chỉ là dịch thành văn vận môt cuốn tiểu thuyết tàu của Thanh Tâm Tài Nhân biên soạn. Trong số Tri Tân trước ông Dương Quảng Hàm lại viện dẫn đủ chứng cớ để biện hộ cho ý kiến ấy.”

Ngày nay nhờ khoa học phát triển về in ấn nhất là hệ thống liên mạng toàn cầu, các nhà nghiên cứu có nhiều cơ hội đọc được nhiều tài liệu gốc của Trung Hoa. Theo Nguyễn Cẩm Xuyên, Vương Thúy Kiều là người thật được ghi trong Minh sử. Mao Khôn, một thuộc cấp của Tổng Đốc Hồ Tôn Hiến kể lại trong Ký Tiểu Trừ Từ Hải Bản Mạt (ghi chép chi tiết việc đánh dẹp Từ Hải) quyển 9 của bộ sách Trù Hải Đồ Biên gồm 13 quyển do Hồ Tôn Hiến soạn, kể chuyện quân Minh đánh nhau với quân Oa (Nhật) vào năm Bính Thìn (1556) đời Gia Tĩnh. Lúc này tướng cướp biển Từ Hải, dốc toàn lực mang từ sào huyệt ở Sạ Phố xuống Hàng Châu càn quét các vùng Tô Châu, Hồ Châu, uy hiếp Kim Lăng. Thế giặc mạnh, Hồ Tôn Hiến phải dùng mưu dụ Từ Hải ra hàng rồi bất ngờ đánh bằng hỏa công, Từ Hải thua trận nhảy xuống sông. Quân Hồ Tôn Hiến bắt được 2 thị nữ, một người tên Vương Thuý Kiều, một người tên Lục Châu, vốn xuất thân từ ca kỹ. Hai kỹ nữ khóc và chỉ chỗ Hải trầm mình; quân sĩ vớt Từ Hải lên chém lấy thủ cấp mang về.

Vì thương tiếc tài sắc hiếu nghĩa nên câu chuyện đời Kiều được lưu truyền qua sách truyện, tuồng tích diễn trên sân khấu từ đời Minh. Càng về sau tình tiết càng hư cấu thêm để hấp dẫn. Trong tất cả các sách viết về Vương Thúy Kiều của Trung Hoa thì Sinh báo Hoa Ngạc Ân, Tử Tạ Từ Hải Nghĩa của Mộng Giác Đạo Nhân và Vương Thúy Kiều truyện của Dư Hoài là đã bắt đầu đậm chất tiểu thuyết và đã kể về cuộc đời Kiều khá tỉ mỉ: Truyện của Dư Hoài tuy đã khá gần với Truyện Kiều nước ta song chưa xây dựng đoạn Kim Kiều tái hợp. Kiều chết trên sông Tiền Đường là hết chuyện. Cuộc đời Kiều chưa chứng minh cho tư tưởng Thiên mệnh và Nhân quả. Phải đợi đến cuối Minh đầu Thanh, Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm tài nhân mới thực sự có cốt truyện gần giống với truyện Kiều của ta.
Chẳng những nhan sắc, thông minh, tài hoa, Kiều còn là người con chí hiếu, trọng liêm sĩ, chính mình giết chồng lại vui đùa với kẻ đã giết chồng, nên gieo mình xuống sông trầm mình tuẩn tử theo chồng, so với các giai nhân trong lịch sử thì vượt xa Tây Thi. Dư Hoài rất cảm khái, bày tỏ trong lời mở đầu chuyện Vương Thúy Kiều “Ta đọc sách Ngô-Việt Xuân- Thu thấy nàng Tây Thi sau khi nước Ngô bị phá mà lại theo Phạm Lãi về Hồ, vẫn thường than rằng người đàn bà đã được lòng tin của người ta lấy nhan sắc làm mất nước người, mà không biết tuẩn tử, thời tuy không phụ lòng cũng là phụ ơn vậy. Đến như Vương Thúy Kiều đối với Từ Hải, thời công tư đều kiêm được cả, thật cũng khác với Tây Thi vậy thay. Ôi! Thúy Kiều vốn là con hát, người hèn nghề tiện, mà không chịu để bận lòng như thế trong bọn râu mày thật nhiều người nên xấu hổ không bằng vậy. Ta thương cái chí của nàng, nên ta cóp nhặt chép lấy hành-sự làm một bài truyện như sau.”

Cụ Thượng Chi Phạm Quỳnh viết về Truyện Kiều trong Nam Phong Tạp Chí số 30 “Gần đây ký giả (tức Phạm Quỳnh-HH) có đọc một tập thuyết bộ đề là Ngu Sơ Tân Chí thấy trong có truyện Vương Thuý Kiều của Dư Hoài tự Đạm Tâm kể tường về lịch sử nàng Kiều, phảng phất như truyện Kiều nôm ta mà việc thuộc về niên hiệu Gia Tĩnh đời Minh; ngờ rằng có lẽ đó chính là nguyên bản chữ (Hán văn-HH) mà Cụ Tiên Điền ta nhân đấy mà đặt ra truyện nôm chăng?

Vương thúy Kiều người Lâm Tri, thuở nhỏ bị bán cho con hát mang họ Mã, mụ giả mẫu gọi là Kiều nhi. Nàng thông minh, nhan sắc đẹp đẽ được đem về Giang Nam dạy nghề cầm ca, đàn giỏi tỳ bà, thổi sáo thành khúc tiếng trong mà cao, khi cất giọng hát biết bao người phải chau mày. Trong xóm Bình Khang, Kiều nhi xếp hàng đầu. Kiều nhi đẹp tự nhiên không son phấn, không sành thuật tiếp khách. Gặp anh to bụng hay ngu đần nhiều tiền thì khinh khi, giả mẫu không bằng lòng hay đánh đập, may có thiếu gia cho nàng tiền dọn ra ở Gia Hưng, ở đây Kiều gặp đại gia La Long Vân người huyện Háp hùn hạp làm ăn tiếp khách, giao tiếp rộng, thu dụng con hát nhỏ Lục Châu. Từ Hải thường gọi Minh Sơn Hòa Thượng chùa Hổ Bào ở Hàng Châu, bị truy đuổi chạy trốn, được La long Vân cho nương náu, đánh giá Hải là tráng sĩ nên giao tiếp có phần trọng nễ, cho Lục Châu theo làm hầu gái. Sống cùng La Long Vân một thời gian, Từ Hải từ biệt lên đường quyết lập chí dựng cơ đồ. Chiêu tập bọn thảo khấu, quay về xâm chiếm Giang Nam, vây đánh Tuần phủ Nguyễn Ngạc. Thật bất ngờ, quân sĩ lại bắt được Thúy Kiều và Lục Châu. Mừng lắm, Từ Hải lập Thúy Kiều làm phu nhân, thường cùng dự bàn quân cơ. Lúc này thế lực Từ Hải đã mạnh; triều đình phải cử Tổng đốc Hồ Tôn Hiến ở Triết Giang đánh dẹp.

Hồ Tôn Hiến nhiều mưu lược, thấy thế lực của Từ mạnh bèn cho Hoa lão nhân đến dụ hàng. Từ Hải nổi giận bắt trói Hoa lão nhân. May cho Hoa là lúc này tuy Kiều hết sức được yêu chiều nhưng vẫn canh cánh nỗi nhớ cố hương, mong sớm được đoàn viên bèn bàn với Từ tha chết cho Hoa. Hoa trở về báo với Tôn Hiến là thế giặc đang mạnh, chưa thể đánh nhưng xem ra Vương phu nhân có vẻ có ngoại tâm, ta có thể nhân đây mà thắng giặc. Tôn Hiến dò biết La Long Vân là ân nhân cũ của Từ Hải và Thúy Kiều bèn dùng Vân để dụ hàng. Long Vân đến dinh, được Từ Hải ân cần tiếp đãi lại cho gọi phu nhân cùng Lục Châu ra chào. Trở về, Long Văn bàn với Hồ Tôn Hiến dùng kế đem châu báu lo lót Thúy Kiều, vận động Từ quy hàng. Đúng như ý nguyện, Kiều ra sức khuyên Từ Hải quy phục triều đình. Nghe lời Thúy Kiều, Từ Hải ước hàng cùng Tôn Hiến, không phòng bị bị Hồ Tôn Hiến dùng hỏa công đánh tan tác. Từ Hải nhảy xuống sông, quan quân vớt lên chém đầu. Trong tiệc khao binh, Tôn Hiến bắt Thúy Kiều hát và chuốc rượu. Lúc quá chén, Tôn Hiến cũng giở trò đùa cợt. Hôm sau tỉnh rượu, sợ mất thể diện trọng thần, Tôn Hiến đem Thúy Kiều gả cho tù trưởng Vĩnh Thuận. Lúc cùng Vĩnh Thuận sang sông, Kiều khóc lớn rồi đâm đầu xuống nước Tiền Đường trầm mình.

Cụ Phạm Quỳnh có lời bình “Ấy truyện Thúy Kiều theo trong thuyết bộ tàu như thế. Cứ so sánh truyện ta với truyện tàu thời đủ biết truyện ta theo cái đại ý truyện tàu mà điểm xuyết thêm ra, nhưng điểm xuyết ra nhiều quá thành ra truyện mới vậy.”

Khi hoàn tất Truyện Kiều, Cụ Phạm Quý Thích, một người bạn thân, được xem, và có đề thơ về Kiều. “Đoạn Trường Tân Thanh Hữu Cảm” bằng Hán văn, chính cụ viết lại bằng tiếng nôm

Giai nhân bất thị đáo Tiền Đường
Bán thế yên hoa trái dị thường
Ngọc diện khởi ưng mai thủy quốc
Băng tâm khả tự đối Kim lang
Đoạn trường mộng lý căn duyên liễu
Bạc mệnh cầm chung oán hận trường
Nhất phiến tài tình thiên cổ lụy
Tân thanh đáo để vị thùy thương

Giọt nước Tiền Đường chẳng rửa oan
Phong ba chưa trắng nợ hồng nhan
Lòng tơ còn vướng chàng Kim Trọng
Vẻ ngọc chưa phai chốn thủy quan
Nửa giấc đọan trường tan gối điệp
Một giây bạc mệnh dứt cầm loan
Cho hay những kẻ tài tình lắm
Trời bắt làm gương để thế gian

Thời điểm viết Truyện Kiều

Thi hào Nguyễn Du viết Truyện Kiều khi nào? PGS Lê Thanh Lân viết trên vietbao.vn.

Xin trích: Đào duy Anh viết trong sách Khảo Luận về Truyện Kiều vào năm 1958, “ban đầu người ta tin rằng Truyện Kiều được viết vào khoảng 1813 đến 1820 vì hiểu chữ “hành thế” trong câu: “Du trường ư thi, vưu thiện quốc âm, Thanh sứ hoàn, dĩ Bắc hành thi tập cập Thúy Kiều truyện hành thế” ở Đại Nam chính biên liệt truyện. Thực ra “hành thế” chỉ có nghĩa là lưu truyền trong đời, tức là được mọi người biết đến. Vả lại, “tận tín thư, bất như vô thư”, không nên quá tin vào sách, GS Đào Duy Anh viết “sách Liệt truyện, tuy là quốc sử, cũng không đủ cho ta tin. Hết trích.

Trước đây đều cho rằng Truyện Kiều được viết sau khi đi sứ nhà Thanh về, khoảng sau 1814, nhưng theo các nhà nghiên cứu có nhiều ý kiến khác nhau, có thuyết nói Cụ viết trước khi đi sứ Thanh, vào lúc làm Cai Bạ ở Quảng Bình. Học giả Hoàng Xuân Hãn cho rằng Phạm Quý Thích là người đầu tiên đề thơ về Kiều trên đường vào Kinh. Ông Vũ thế Khôi tìm thấy bài thơ có tựa đề là Thính Đoạn Trường Tân Thanh Hữu Cảm có trong Lập Trai Tiên Sinh Di Thi Tục tập. Mới đây bà Hà thị Tuệ Thành tìm thấy bài thơ này trong tập Phạm tiên sinh thi tập, xác định Phạm Quý Thích viết bài thơ này vào năm 1811 (tham luận đọc trong Hội Thảo Quốc tế ở Huế tháng 6 năm 2006). Theo Hoàng Xuân Hãn ông Nguyễn Lương có phê bình Truyện Kiều, mà ông Lương bị chết năm 1807 có ghi rõ trong Đại Nam Nhất Thống Chí, như vậy Truyện Kiều được viết đầu đời Gia Long hay trước đời Gia Long.

Các nhà nghiên cứu hiện nay khảo cứu các tài liệu, kể cả các chữ húy kỵ Lê-Trịnh, và Triều Nguyễn, Lê thanh Lân kết luận: “Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân đã vào nước ta vào những năm sáu mươi, bảy mươi của thế kỷ 18. Nhờ đó Nguyễn Du sớm được đọc và theo đó mà viết Truyện Kiều. Nguyễn Thiện theo văn Kiều mà nhuận sắc Hoa tiên vào mười năm cuối thế kỷ 18. Nguyễn Huy Hổ theo văn Kiều và văn Hoa tiên mà viết Mai đình mộng ký, hoàn thành vào năm 1809. Như thế Truyện Kiều xong trước việc nhuận sắc Hoa tiên nên phải được viết vào những năm cuối đời Lê đầu đời Tây Sơn, trùng với kết luận của GS Nguyễn Tài Cẩn rút ra được từ việc phát hiện chữ húy thời Lê - Trịnh trong một số bản Kiều Nôm.”

Mới đây, Lê Quang Thái trong bài Truyện Kiều được viết tại Phú Xuân-Huế đăng trên Trung Tâm Liễu Quán Huế tháng 11, 2013:

Xin trích: Thúy Kiều truyện viết dưới thời Gia Long, thâm nhập cung đình vào đầu triều Minh Mạng. Chưa biết rõ năm nào? Tiến sĩ Phạm Quý Thích bạn tri âm của Nguyễn Du đề từ và lo việc ấn hành và hoàn thành trước ngày mất của mình ngày 29 tháng 3 năm Ất Dậu, 1825.

Từ lúc đọc Nguyên Truyện của Bắc quốc cho đến ngày hoàn thành dâng lên vua Minh Mạng ngự lãm phải trước năm 1825, chỉ vì từ năm ấy, Phạm Quý Thích bệnh nặng. Nếu lấy ngày mất của Phạm Quý Thích làm thời điểm hoàn thành Truyện Kiều, thì có thể suy ra thời gian Nguyễn Du viết Truyện Kiều tại Phú Xuân Huế kể từ sau tháng 3 năm Quý Dậu, niên hiệu Gia Long thứ 12 [1813] đến tháng 3 năm Ất Dậu, niên hiệu Minh Mạng thứ 6 [1825] là 12 năm, như vậy Nguyễn Du viết xong Truyện Kiều bằng thơ nôm phải mất khoảng chừng trên 10 năm.

Theo Tiểu truyện Nguyễn Du thì từ năm 1813 trở về trước ông chưa đi sang Trung Quốc lần nào cả. Ở tuổi đời 37, 38 Nguyễn Du mới tiếp cận được với Nguyên Truyện của Thanh Tâm tài nhân. Làm quan tại Huế, làm sao Nguyễn Du viết Truyện Kiều ở nơi khác được. Chúng tôi khẳng định: Nguyễn Du viết Truyện Kiều tại đất Phú Xuân - Huế. Hết trích.

Năm 1963, trên Tạp chí Văn học, Trương Chính đã nghĩ Nguyễn Du viết Truyện Kiều trong thời gian ở dưới chân núi Hồng, khoảng từ 1796 đến 1801, tức trước khi ra làm quan nhà Nguyễn. Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn và Phó giáo sư Đào Thái Tôn, căn cứ kết quả khảo sát chữ húy, đã viết: “Theo Tiến sĩ Ngô Đức Thọ và chúng tôi, có thể phỏng đoán cái khoảng 4 năm 1787- 1790 là cái khoảng cụ Nguyễn Du cơ bản hoàn thành bản phác thảo Truyện Kiều”

Hội Kiều Học đưa ra tổng luận trên trang nhà Nguyễn Du:

“Như vậy các nhà nghiên cứu trên đều có cái chung là hoài nghi sự khẳng định của Quốc sử quán triều Nguyễn, nêu ý kiến mới của mình nhưng người thì cho là viết trước khi đi sứ (1809), người thì cho viết trước khi Gia Long lên ngôi (1802). Chưa có sự thống nhất vì các vị chỉ dựa vào dấu vết văn bản và suy luận từ cuộc đời tác giả và tác phẩm. Văn bản thì không có gốc, người viết về Nguyễn Du thì không ghi thời gian cụ thể, Truyện Kiều có đến hơn 40 bản in, sao chép nhiều chỗ khác nhau theo văn bản nào cũng không chuẩn; mối quan hệ giữa lịch sử, cuộc đời tác giả và tác phẩm thì quá phong phú và phức tạp mà mỗi người đều có thể suy luận theo cách nghĩ riêng của mình. Kết luận khoa học thì phải có đầy đủ chứng cứ không phải một ngành mà nhiều ngành khoa học, các chứng cứ phải cụ thể, chính xác, phải được các cơ quan có năng lực và thẩm quyền kiểm định chắc chắn thì mới có sức thuyết phục. Đến nay chưa nhà nghiên cứu nào tìm được một căn cứ chính xác cả. Vì thế bài toán về thời gian Nguyễn Du sáng tác Truyện Kiều mà chúng ta tự nêu lên đến nay đã đi suốt nửa cuối thế kỷ XX đến đầu thế kỷ XXI vẫn chưa giải nổi.”

Tóm lại, thu thập các ý kiến phân tích các chứng cứ qua thơ văn, chữ kỵ húy Lê-Trịnh Nguyễn của các nhà nghiên cứu về Kiều, người thì nói Truyện Kiều được viết khi ở quê vợ Bắc Ninh vào thời Tây Sơn, người thì cho rằng lúc ở Tiên Điền dưới chân Hồng Lĩnh lúc đang ẩn cư ở quê nhà, hoặc thời gian làm Cai Bạ Quảng Bình trước khi đi sứ năm 1813. Căn cứ vào Liệt Truyện thì Cụ viết sau khi đi sứ Thanh về đang làm quan ở Huế trong khoảng 1814 đến 1820, chứng cứ này có vẽ khá vững vì do Quốc Sử Quán triều Nguyễn ghi lại.

Chung cuộc, thời điểm viết Truyện Kiều vẫn còn đang tranh luận, đợi các nhà Kiều Học phát hiện thêm những chứng cứ mới có tính thuyết phục cao sẽ có câu trả lời dứt khoát.

Những bản Truyện Kiều

Hiện nay chưa thấy bản chính Truyện Kiều do Cụ Tố Như viết, chỉ thấy các bản sao chép.

Bản Liễu văn Đường cổ nhất in năm 1866, Tự Đức 19, do Nguyễn Khắc Bảo-Nguyễn Trí Sơn Hiệu đính

Bản Kinh năm Tự Đức 23, 1870 do Nguyễn Quảng Tuân hiệu đính

Kim vân Kiều Tân Truyện, Liễu văn đường tàng bản Tự Đức 24 (1871)

Truyện Kiều bản nôm Duy Minh Thị năm 1872

Kim vân Kiều Tân Truyện-Tự Đức Kỹ Mão (1879) Thịnh Mỹ Đường Tàng Bản

Bản của Kiều oánh Mậu hiệu đính in năm Thành Thái 14 (1902)

Ông Nguyễn Khắc Bảo ở Tp Bắc Ninh sưu tập được 52 bản Kiều cổ, nhiều bản trùng nhau.

Bản do Trương Vĩnh Ký in tại Sài gòn năm 1872 đưọc coi là bản chữ quốc ngữ đầu tiên, từ đó có nhiều bản quốc ngữ khác, mãi tới 1927 xuất bản ở Hà nội do Trần Trọng Kim và Bùi Kỹ hiệu đính.

Theo Phạm Đan Quế, tính đến năm 1965 (chưa kể các lần in ở Sài Gòn sau 1954) đã có 71 lần Truyện Kiều văn bản quốc ngữ. (nguồn: Phạm Đan Quế, Truyện Kiều đối chiếu, NXB Hải Phòng, 1999.

Học giả Hoàng Xuân Hãn bỏ công nghiên cứu rất công phu, Cụ đánh giá bản Duy Minh Thị gần vơí chánh bản hơn so với bản Kiều Oánh Mậu.

Vì không tìm thấy bản gốc, nên hiện nay có rất nhiều người hiệu đính qua các bản sao chép khác nhau được tìm thấy, sửa chửa lời văn theo ý kiến riêng của mình. Ví dụ:

Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu sửa câu:

“Vùi nông một nấm mặc dầu cỏ hoa” trở thành “Bụi hồng một nấm…..” trong đoạn Kiều đi chơi dịp Thanh Minh, Kiều nhìn thấy nấm mộ hoang tàn:

Sè sè nấm đất bên đường
Dàu dàu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh”

Vương Quang kể cho Kiều nghe về lai lịch ngôi mộ hoang tàn của Đạm Tiên: Cô ta là một ca nhi nổi tiếng lâm bệnh lâu ngày rồi chết, may mắn có một dân chơi phương xa nghe tiếng Đạm Tiên tìm đến chơi, nàng đã chết từ lâu, anh ta khóc than rồi làm tang ma chôn cất cho nàng rất linh đình, ý muốn gieo duyên nợ để mong gặp nhau ở kiếp sau:

Sắm sanh nếp tử xe châu
Vùi nông một nấm mặc dầu cỏ hoa
.

Tản Đà sửa “vùi nông” thành “bụi hồng”, với chú thích lý do sửa chữa: “Hai chữ “bụi hồng” đây chỉ là lời văn lịch sự nói cái mả chôn ở bên đường. Có nhiều bản đề là “vùi nông” thời làm mất cả vẻ hay mà lại thành ra cái tình của người khách không có trung hậu. Như sự sai lầm đó rất có hại đến văn lý”.

Tản Đà cho rằng Vùi Nông làm mất vẻ hay, và tình người khách không trung hậu, ông sửa lại Bụi Hồng cho lịch sự.

Theo thiển ý, “vùi nông” không có nghĩa “nông, sâu” vật lý mà nông sâu tâm lý, hàm ý hành động của một người không thân thiết, không chí tình. Câu chuyện kể rõ việc tống táng nàng là do hảo ý của một người “khách viễn phuơng” không có tên họ rõ ràng, nói nôm na là một bá tánh nào đó tới lo giúp, đã là “khách” thì làm sao bằng “chủ” được. Thâm ý giải rõ số phận bạc bẽo phủ phàng của kiếp ca nhi, “sống làm vợ khắp người ta, hại thay thác xuống làm ma không chồng,”. Dù có khóc than thương tiếc bao nhiêu, ma chay linh đình đến đâu, sau khi xong việc sấp lưng quay mặt bước đi là hết. Tương tự như khán giả đến xem một vở tuồng, sau khi cánh màn nhung sân khấu khép lại, khán giả ra về là xong chuyện, mấy ai nghĩ tới tâm tư diễn viên hậu trường sân khấu đang cô đơn buồn tủi!. Xuyên suốt toàn bộ Truyện Kiều, chúng ta thấy Nguyễn Du xử dụng ngôn từ rất tinh vi, có cân nhắc kỹ càng cả về “lý”“sự” nữa. Vậy thì “vùi nông” thâm thúy hơn “bụi hồng” nhiều.

Mới đây Đỗ Minh Xuân đã chữa hơn 1000 đơn vị từ của Truyện Kiều.!!! đang gây một cơn bão phẫn nộ. Ông Thế Anh công bố trên tạp chí Thơ của Hội Nhà Văn Việt Nam:

“Trong mối nghi ngờ khó gỡ ấy, tôi đã điện gặp ông Hồ Bách Khoa, Giám đốc khu di tích Nguyễn Du, chỉ để hỏi một câu: “Có thật trong cuộc hội thảo ấy ông Đỗ Minh Xuân tặng mỗi vị đại biểu một cuốn “Truyện Kiều Nguyễn Du với tiếng Việt hiện đại, phổ thông, đại chúng và trong sáng” của nhà xuất bản Văn hóa – Thông tin hay không?”. Ông Khoa xác định là có bản photo và hiện nay ông còn giữ một bản!”

Truyện Kiều là một áng văn chương tuyệt hảo của Đại Văn Hào Nguyễn Du đã để lại trong kho tàng văn học nước nhà. Tiếc là khi Cụ viết chỉ có ý mua vui, giãi bày tâm sự cho riêng mình:

Lời quê góp nhặt dông dài
Mua vui cũng được một vài trống canh

Thêm nữa hoàn cảnh in ấn lúc đó quá phức tạp, phải khắc bản gỗ, chữ nôm thường gồm hai hay nhiều chữ Hán ghép lại, có rất nhiều nét, chữ khắc phải ngược với chữ bình thường nên người khắc bản gỗ phải là một người có tài nghệ tinh xảo, thông hiểu Hán Nôm. Có nhiều chữ in khó đọc vì thiếu nét hoặc lem nhem, rồi người đời sau suy đóan tùy tiện viết lại theo ý mình, từ đó có cảnh nhiều dị bản Kiều được tìm thấy. Công trình in ấn sao chép có tính cách tư nhân nên khả năng bị hạn chế, chỉ phổ biến trong phạm vi giao tế bạn bè mua vui trong lúc trà dư tửu hậu, việc lưu giữ tàng trữ trong điều kiện xứ nhiệt đới ẩm ướt, thiếu quan tâm đúng mức, dẫn đến hư hại, mất mát. Bản chính tự tay tác giả viết không tìm thấy điều này đã gây tranh cãi cho tốn biết bao công sức giấy bút, để cho hậu thế nhiều suy đoán theo ý riêng.

Hy vọng một ngày không xa, khoảng cách dị biệt giữa các bản Kiều nôm sẽ được thu hẹp dần qua công trình nghiên cứu của Hội Kiều Học Việt Nam đang hình thành và phát triển trong cũng như ngoài nước.

San Diego, cuối Thu Giáp Ngọ, 2014
Hoàng-Huy Hoàng Phước Quyến

___________________

Tài liệu tham khảo:

Đại Nam Thực Lục Chính Biên Đệ nhất Kỷ NXB KHOA HỌC-Hànội 1963
Đại Nam Thực Lục Chính Biên Đệ Nhị Kỷ Quyển IV NXB KHOA HỌC-Hànội 1963
Đại Nam Liệt Truyện Chính Biên Nhị Tập Quyển 20 NXB THUẬN HOÁ Huế-2006
Trang nhà Nguyễn Du
Báo Văn Hóa Nghệ An (ấn bản điện tử)
Các tài liệu về Kiều và Nguyễn Du online
Từ Điển Wikipedia.org

 

 

Tìm các bài LỊCH SỬ khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com