Cho đến thời điểm hiện nay (2017) ở quê tôi, khi nhắc đến Tả Quân Lê Văn Duyệt, ai cũng cho việc vua Minh Mạng san bằng mộ của Tả Quân Lê Văn Duyệt và dựng trên đó một cột đá khắc dòng chữ Hán “Quyền yêm Lê Văn Duyệt phục pháp xứ” (chỗ hoạn quan lộng quyền là Lê Văn Duyệt chịu tội chết) (1) là bởi vì trước đó Lê Văn Duyệt đã chống đối vua Gia Long chọn ông lên làm người kế vị ngai vàng.
- Do chưa bao giờ tiếp cận sách Đại Nam thực lục nên một số học giả và nhà nghiên cứu lịch sử đã nhận định sai vấn đề.
Không riêng gì ở quê tôi, hiện nay vẫn còn một số học giả, nhà nghiên cứu lịch sử cũng thừa nhận như vậy.
Nhà văn Sơn Nam – người chuyên khảo cứu về vùng đất Nam bộ - đã viết về Lê Văn Duyệt trong vấn đề vua Gia Long chọn người nối ngôi: “Ông dám nói thẳng, để can gián vua Gia Long khi chọn người kế vị… Ba năm trước khi mất Gia Long đã gọi công thần để bàn bạc, với ý kiến tiên quyết là dành ngôi cho Hoàng Tử Đảm. Phần lớn công thần đều không đồng ý, vì Hoàng Tử Đảm (sau là vua Minh Mạng) là con dòng thứ. Họ muốn chọn con Hoàng Tử Cảnh (cháu nội vua Gia Long), với lý do Hoàng Tử Cảnh đã khổ nhọc trong buổi phục quốc. Gia Long bài bác, lấy cớ đứa cháu nội ấy còn nhỏ tuổi và xưa nay con thừa hưởng sự nghiệp của cha, Hoàng Tử Đảm là con thì mặc nhiên nối nghiệp cha! Lê Văn Duyệt đã chống đối việc thừa kế này rất quyết liệt, vì vậy sau khi lên ngôi, Minh Mạng đưa ông vào đất Gia Định xa xôi, hòng cô lập, đề phòng âm mưu gây bè kết cánh để đảo chánh!” (2)
Trong tác phẩm khác, nhà văn Sơn Nam đã nhận xét về con người Lê Văn Duyệt: “Trong các vị Tổng Trấn Gia Định thành, Lê Văn Duyệt nổi bật hẳn. Là người ít học, cậy công phò Nguyễn Ánh, họ Lê khinh lờn vua Minh Mạng và đã chống đối lại vua Minh Mạng nối ngôi cha” (3)
Phó Giáo sư Tiến sĩ Nhà giáo ưu tú Nguyễn Phan Quang dưới góc độ là một nhà nghiên cứu lịch sử có nhận xét: “Minh Mạng đã xem Lê Văn Duyệt như là một trong hai cái gai chọc vào mắt mình (tức Duyệt và Thành). Nguồn gốc của sự mâu thuẫn đó là: Lê Văn Duyệt phản đối việc Minh Mạng nối ngôi Gia Long và muốn lập con Hoàng Tử Cảnh” (4). Sau nhiều năm suy nghĩ và dọn dẹp dư luận nhưng khi đưa ra quyết định truyền ngôi “Gia Long vẫn không tránh khỏi những phản ứng đáng lo ngại trong đám triều thần, trước hết là Nguyễn Văn Thành và Lê Văn Duyệt: Nhưng cho đến lúc này, Gia Long vẫn kiên trì che giấu ý đồ chính trị của mình. Khi Thành và Duyệt thắc mắc về quyết định chọn Minh Mạng, Gia Long đã giải thích với họ như sau: “Khi người ta chết mà còn để lại những món nợ trên đời, thì chủ nợ thường tìm đến hỏi nợ ở con mình chứ không phải ở cháu mình. Vì vậy, Trẫm không thấy sai trái gì khi chọn một đứa con mà không chọn một đứa cháu” (5).
Phản ứng “trong triều ngoài nội” khi Gia Long quyết định chọn Hoàng Tử Đảm làm người kế vị đã được ông Nguyễn Phan Quang dẫn lời Phan Thúc trực, tác giả tác phẩm Quốc sử di biên: “Những lời phản đối dậy lên như ong” (6)
Wikipedia tiếng Việt viết về Lê Văn Duyệt: “Ông Duyệt không ủng hộ việc vua Minh Mạng lên ngôi mà ủng hộ con của Hoàng Tử Cảnh khi vua Gia Long băng hà”(7).
– Đại Nam Thực Lục viết về việc vua Gia Long chọn người kế vị ngôi vua
Lê Văn Duyệt có “chống đối quyết liệt” việc vua Gia Long chọn Hoàng Tử Đảm làm người thừa kế ngôi vua hay không? Chúng ta hãy lật từng trang sách Đại Nam Thực Lục (8) - bộ chính sử lớn nhất và quan trọng nhất dưới triều Nguyễn – để làm sáng tỏ vấn đề.
Ngày Quý Sửu tháng Hai năm Tân Dậu (1801) Đông Cung Nguyên Soái Quận Công Cảnh đang giữ chức Lưu Trấn Gia Định bị bệnh đậu mùa chết, hưởng thọ 22 tuổi (9). Đông Cung Cảnh có hai người con là Mỹ Đường (Hoàng Tôn Đán) và Mỹ Thùy.
Sau khi Đông Cung Cảnh mất một thời gian khá lâu, mà chưa thấy vua Gia Long chọn Hoàng Tử nào vào chức Đông Cung, nên vào tháng Sáu năm Nhâm Thân (1812) Nguyễn Văn Thành dâng thư phong kín nói bốn điều, trong đó điều đầu tiên: “xin sớm dựng Thái Tử và phong tước hiệu cho các Hoàng Tử để yên lòng người”. Vua khen và nhận (10)
Gần hai năm sau vào ngày Ất Mùi, tháng Hai năm Giáp Tuất (1814) Hoàng Hậu Tống Thị Băng (mẹ Đông Cung Cảnh) thọ 54 tuổi. Đến ngày Canh Tuất làm lễ thành phục, vua sai “Hoàng tử dâng cơm tế điện. Trước kia Hoàng Tử thứ tư (11) mới lên ba tuổi, vua cho Hoàng Hậu nuôi làm con mình. Hoàng Hậu đòi làm giấy khoán (theo thế tục, phàm nuôi con người làm con mình thì phải có khế khoán quá phòng). Vua sai Lê Văn Duyệt viết giấy đưa cho. Hậu giao cho cung tỳ là Nguyễn Thị Lê cất giữ. Từ đấy Hoàng Tử thứ tư thường vào chầu ở Đại Nội, làm con của Hoàng Hậu, thường gọi là mẹ. Đến khi Hoàng cả là Cảnh, Hoàng hai là Hy, Hoàng ba là Tuấn nối nhau mất, Hoàng tư lấy thứ bậc là lớn nhất, duy đời trước phái trưởng phần nhiều khó nuôi cho nên không muốn gọi là trưởng. Đến nay làm lễ tang Hoàng Hậu, bầy tôi có người bàn lấy Hoàng Tôn Đán (con Hoàng Tử Cảnh tức Mỹ Đường) làm chủ tự. Vua dụ rằng: “Hoàng tư từng làm con của Hoàng Hậu đã có giấy tờ, nên sai làm chủ tự, việc lớn của nhà nước không nên câu nệ theo lễ đích tôn thừa trọng như nhà thường”. Nguyễn Văn Thành cho thế thì văn tế khó gọi. Vua bảo rằng: “con theo mệnh cha tế mẹ là việc danh chính ngôn thuận, có gì mà không nên”. Bấy giờ mới bàn định. Nguyễn Văn Thành tỏ ý không bằng lòng” (12).
Tháng 12 năm Ất Hợi (Gia Long năm thứ 14- Dương Lịch năm 1816) “Vua tuổi đã cao mà chưa quyết định người nối ngôi. Hoàng Tử thứ tư hiền và lớn hơn cả, vua đã để ý. Bầy tôi đều có lòng theo. Riêng một Nguyễn Văn Thành là người ngạo mạn kiêu căng, muốn được vua nhỏ tuổi, không thích vua lớn tuổi. Một hôm mời các quan trong triều uống rượu ở nhà, nói lên rằng: “Hoàng Tôn Đán nối ngôi, tôi sắp tâu xin lập đây”. Trong đám ngồi không ai dám nói gì. Trịnh Hoài Đức sợ vạ lây mình, bèn nói rằng: “Việc lớn của nhà nước, quyết định do ở lòng vua, nếu người bầy tôi định kế riêng, tham lấy công to thì tội lại lớn”. Văn Thành bèn thôi. Sau đó có người nói đến tai vua. Vua giận nói rằng: “Hắn muốn dựng vua nhỏ để dễ khống chế, ngày sau có thể chẹt họng vỗ lưng chăng. Ta há tối tăm nhầm lẫn không biết đắn đo nên chăng, vội nghe lời hắn mà không vì Xã Tắc chọn người sao!”. Từ đó hễ cứ Văn Thành vào yết kiến là chỉ xin dựng Thái Tử. Vua nín lặng. Văn thành tự biết không được thỏa ý, càng thêm ngờ sợ” (13)
Sau đó Nguyễn Văn Thuyên con của Nguyễn Văn Thành có làm một bài thơ “lời rất bội nghịch” đã bị Thiêm Sự Hình Bộ Nguyễn Hựu Nghi sai Nguyễn Trương Hiệu đem thơ ấy tố cáo với Lê Văn Duyệt. Do “Duyệt với Thành vốn không ưa nhau bèn đem thơ phản nghịch dâng lên (14).
Ngày Canh Dần tháng Ba năm Bính Tý (1816) “đặt triều nghi ở điện Cần Chánh, triệu bầy tôi đến, đều cho ngồi. Dụ rằng: “Trẫm nay làm việc đã mỏi, rất lo đến kế lớn của Xã Tắc. Thái Tử lên ngôi chừ nhị (15) của nước, cần phải sách lập để chính thống mà giữ bền gốc nước”. Bèn triệu Thượng Thư Lại Bộ là Trịnh Hoài Đức đến trước giường ngự, sai viết: “Lập Hoàng Tử Hiệu (16) làm Hoàng Tái Tử” để đưa bầy tôi xem. Vua nói: “Ai đồng ý thì ký tên vào”. Quần thần đều nói: “ý thánh định trước, thực là phúc không cùng của Xã Tắc, bọn thần noi theo mệnh lệnh”.
Vua thung dung dụ rằng: “Cha truyền ngôi cho con là đạo thường xưa nay. Từ đời Hán đời Đường trở xuống, ít người không theo. Hoặc có kẻ nói “đích tôn thừa trọng”, ta thực không hiểu thuyết ấy. Duy có vua Thái Tổ nhà Minh mê hoặc theo lời nói của Lưu Tam Ngô mà bỏ con là Yên Vương để lập đích tôn là Doãn Văn, rốt cùng sinh tai họa (17). Phàm biết con không ai bằng cha. Nếu vua Thái Tổ nhà Minh cho Yên Vương là hiền mà bấy giờ họp ngay đình thần, nói rõ là lập Thái Tử, thì một lời nói ra, ai dám không theo! Như thế thì làm sao sinh loạn được”. Quần thần đều phục (18).
Đến lúc này Nguyễn Văn Thành vì con mà bị liên can, nên không còn ai lên tiếng chống đối việc lập Thái Tử nữa. Tháng Năm, năm Đinh Sửu (1817) Nguyễn Văn Thành tự sát (19).
Ngày Tân Mão, tháng Chạp, Gia Long năm thứ 18 (Dương Lịch 1820), triệu Hoàng Thái Tử và các Hoàng Tử, Tước Công và các quan đại thần là bọn Lê Văn Duyệt, Phạm Đăng Hưng vào hầu. Bày ấn ngọc, cờ, gươm ở trên án vàng trước giường ngự. Dụ Hoàng Thái Tử rằng: “Đấy là cơ nghiệp gian nan của Trẫm, nay giao cho con, con nên cẩn thận giữ gìn” (20).
Ngày Kỷ Hợi, tháng Chạp năm Kỷ Mão (Dương Lịch 1820) “Vua ốm nặng. Triệu Hoàng Thái Tử và các Hoàng Tử, Tước Công cùng các đại thần là bọn Lê Văn Duyệt, Phạm Đăng Hưng cùng nhận di chiếu Sai Lê Văn Duyệt kiêm giám năm dinh quân Thần Sách Ngày Đinh Mùi vua băng ở điện Trung Hòa. Thọ 58 tuổi (21).
– Kết luận
Đến đây chúng ta có thể kết luận rằng: xuyên suốt Đại Nam Thực Lục Đệ Nhất Kỷ (Thực lục về Thế Tổ Cao Hoàng Đế) chúng ta không hề tìm thấy chỗ nào ghi chép việc Lê Văn Duyệt chống đối vua Gia Long chọn Hoàng Tử Đảm làm người kế vị ngôi vua, mà chỉ thấy một mình Nguyễn Văn Thành phản đối mà thôi. Nếu Lê Văn Duyệt có tham gia phản đối việc sách lập ấy thì chắc gì khi gần lâm chung, vua Gia Long dám chọn Lê Văn Duyệt là “cố mệnh lương thần” và càng không bao giờ dám giao cho Lê Văn Duyệt “kiêm giám năm dinh quân Thần Sách”.
Thêm một yếu tố chứng tỏ Lê Văn Duyệt không phải là người muốn lập con Hoàng Tử Cảnh làm người nối ngôi. Vào tháng Chạp năm Giáp Thân, Minh Mạng năm thứ năm (Dương Lịch 1825) “Ứng Hòa Công Mỹ Đường là con trai của Anh Duệ Hoàng Thái Tử. Trước có người cáo Mỹ Đường là người dâm dật, thông gian với mẹ đẻ là Tống Thị Quyên. Lê Văn Duyệt đem việc tâu kín. Vua sai bắt Thị Quyên giao cho Văn Duyệt dìm chết (22). Ứng Hòa Công Mỹ Đường bị tước tên khỏi sổ tôn thất. Với vụ án trên, khiến cho Thái Bình Công Mỹ Thùy (em Mỹ Đường) khủng hoảng tinh thần và mất sớm.
Mặc dù Lê Văn Duyệt đã chết vào tháng Tám năm Nhâm Thìn (1832), mãi đến tháng Mười Một năm Ất Mùi (1835) đình thần “đình nghị dâng lên, Duyệt vì lời nói và việc làm bội nghịch, có 7 tội đáng chém” (23) nhưng trong 7 tội danh không có tội nào nói việc Lê Văn Duyệt chống đối việc lập vua Minh mạng lên ngôi cả!
Độc giả đặt niềm tin nơi các nhà nghiên cứu và nhất là các nhà nghiên cứu có bằng cấp và tên tuổi. Do đó các phát ngôn của các nhà nghiên cứu phải chính xác. Câu đối: “Y kỳ thực lục, cứ kỳ chánh sử, khảo nghiên thấu triệt/ Hiệu thử dị đồng, đính thử ngộ nghi, chú giải thận tường” (Tạp chí Xưa&Nay số Xuân Ất Dậu- 2005) đáng để các nhà nghiên cứu suy tư!
Nguyễn Văn Nghệ
Chú thích:
1- Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập 4, Nxb Giáo dục, tr. 815
2-Sơn Nam, Đình miếu và lễ hội dân gian miền Nam, Nxb Trẻ 2004, tr. 131-132
3-Sơn Nam, Đất Gia Định- Bến Nghé& Người Sài Gòn, Nxb Trẻ 2004, tr.446
4-Nguyễn Phan Quang, Theo dòng lịch sử dân tộc sự kiện &Tư liệu, Nxb Tổng hợp TPHCM 2004, tr.710. Tác phẩm này là tập hợp các luận văn được công bố trên tạp chí chuyên ngành “Nghiên cứu lịch sử” của Viện Sử học Việt Nam và luận văn được đề cập đến “ Tìm hiểu một liên quan đến nguyên nhân cuộc bạo động Lê Văn Khôi. Vấn đề Lê Văn Duyệt” đã đăng trên tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 105 tháng 12 năm 1967. Bài này Nguyễn Phan Quang viết chung với Đặng Huy Vận và Chu Thiên.
5-Nguyễn Phan Quang, Theo dòng lịch sử dân tộc sự kiện &Tư liệu,Nxb Tổng hợp TPHCM, tr. 716-717. Đoạn này tác giả dẫn lại của Trương Vĩnh Ký và Trương Vĩnh Ký dẫn từ Cours d’histoire annamite à l’usage des écoles de la Basse Cochinchine; 2 è vol. 1ère éd. Saigon; p 256
6-Nguyễn Phan Quang, Theo dòng lịch sử dân tộc sự kiện & Tư liệu, Nxb Tổng hợp TPHCM, tr. 710
7- https://vi.wikipedia.org/wiki/Lê_Văn_Duyệt
8-Năm 1967, ở miền Bắc Việt Nam, Viện Sử học đã cho dịch và xuất bản bộ Đại Nam thực lục và vào thời điểm ấy đã dịch gần xong Đệ nhị kỷ (Thực lục về Thánh tổ Nhân hoàng đế)
9-Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập 1, Nxb Giáo dục, tr. 433
10-Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập 1 , Nxb Giáo dục, tr. 841
11-Hoàng tử thứ tư: tức hoàng tử Đảm, sinh ngày Đinh Mão, tháng 4 năm Tân Hợi (1791), mẹ là Trần Thị Đang (Đương) tức Thuận Thiên Cao hoàng hậu. Xem Đại Nam thực lục tập 1, Nxb Giáo dục, tr. 273
12-Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập 1, Nxb Giáo dục, tr.877
13-Quốc sử quán triều Nguyễn , Đại Nam thực lục tập 1, Nxb Giáo dục, tr. 912-913
14-Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập 1, Nxb Giáo dục, tr. 913-914
15-Chừ nhị: dự bị để nối ngôi,coi như vị vua thứ hai, tức Đông cung Thái tử, vì thái tử là ông vua dự bị, ông vua để dành. Chữ “chừ” còn đọc là “trừ”. Ví dụ : Trừ quân; Hoàng trừ…
16-Vua Minh Mạng có tên húy là Đảm và Hiệu
17-Phan Khoang, Trung Quốc sử lược, Nxb Văn học 1970, tr. 277
-Nguyễn Hiến Lê, Sử Trung Quốc tập 2, Nxb văn hóa 1997, tr.122-123
18-Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập 1, Nxb Giáo dục, tr.920-921
19-Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập 1, Nxb Giáo dục, tr. 948
20-Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập 1, Nxb Giáo dục, tr.1000
21-Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập 1, Nxb Giáo dục, tr. 1002
22-Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập 2, Nxb Giáo dục, tr. 390
23-Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập 4, Nxb Giáo dục, tr. 814