User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

truongsanh

Trường Sanh nói riêng, Quảng Trị nói chung là nơi ghi nhận nhiều dấu ấn lịch sử quan trọng của đất nước, nơi giao thoa của nhiều nền văn hóa. Tên gọi địa hình, địa danh ở Trường Sanh phản ánh một phần tính chất chung địa danh của Quảng Trị, nó mang dấu ấn đặc thù của cư dân đã cư trú ở vùng đất này từ thời xa xưa. Sự hình thành tên gọi ở vùng này chịu sự tác động chung của quy luật ngôn ngữ. Riêng các yếu tố thuộc tiếng địa phương đã làm nên màu sắc, diện mạo và những đặc trưng văn hóa của vùng đất nầy.

Địa danh ở làng Trường Sanh bao gồm nhiều nguồn gốc: thuần Việt; ngôn ngữ Việt - Mường; kế đến là phương ngữ có nguồn gốc Chăm và từ Hán Việt, yếu tố có nguồn gốc ngôn ngữ các dân tộc khác không đáng kể. Cũng như các vùng lân cận, địa danh ở đây thường bao hàm hai bộ phận đó là tên đất (thành tố chung) cộng với tên riêng (địa danh), tên riêng được coi như thành tố thứ hai luôn đứng sau danh từ chung có chức năng cụ thể hóa các đối tượng địa lí mà thành tố chung đã khái quát.

1. Về phương thức đặt tên:

Các địa danh ở Trường Sanh đa phần được đặt tên theo phương thức tự tạo, người định danh sử dụng các yếu tố ngôn ngữ có sẵn để tạo ra một tên gọi địa danh theo cách của mình.

- Đặt tên dựa vào tính chất, đặc điểm chính của đối tượng: Vụng Ăn Mày, Khe Ải, Biền Quan, Rào Cái, Cồn Bể, Bến Hương, Vực Ang, Trưa Trào…;

- Đặt tên dựa vào hình dáng của đối tượng: Cồn Cầu, Vụng Cánh Diều, Chéo Chợ, Bùng Binh, Hòn Đá, Cổ Ống…;

- Dựa vào kích thước của đối tượng: Đạc Dài, Đàng Ngang…;

- Đặt tên theo động thực vật sinh sống hoặc cư trú ở đó: Rộc Đĩa, Cồn Chim, Cồn Lang, Cồn Tràm, Mậu Môn, Cây da…;

- Đặt tên theo công trình xây dựng gần đối tượng: Cồn Đình, Nội Phủ, Nội Giới…;

- Đặt tên theo vị trí của đối tượng này so với đối tượng khác: Hạ Đìa, Thượng Đìa, Hoang Trong, Hoang Ngoài, Hoang Cùng, Nội Trong…;

- Đặt tên theo số từ: Đạc một , Đạc hai, Đạc ba, Đạc bốn, Đạc năm…;

- Đặt tên theo tục danh kèm đại từ nhân xưng: Mụ Môn, Già Vơi, Thằng Cộôc…;

- Đặt tên theo nơi yên nghỉ hay thờ tự của tiền nhân: Mồ Ôông Phổ, Mộ Ninh, Miệu Bà Lồi…

2. Về ý nghĩa của các địa hình:

truongsanh1

Tên địa hình có thành tố liên quan đến sông nước:

Rào - là từ cổ đồng nghĩa với sông: Rào Cái (Ô Giang)

Hói - tương đương với kênh có chức năng dẫn nước từ sông chảy vào ruộng đồng: hói Bàu Pheo, hói Đàng Nác…

Mương - là đường dẫn nước vào ruộng: Mương Họ, mương Xóm,

Khe - là những dòng chảy nhỏ tương tự suối nhưng nhỏ hơn thường là khởi nguồn của dòng sông: Khe Ải, Khe Lầy…

Cửa - là nơi dòng chảy này hợp lưu với dòng chảy khác: Cửa sách, Cửa Trộ…

Cổng - tương tự cửa nhưng có cầu bắc qua: cổng Biền Quan, cổng Đàng Nác

Trộ - là đoạn tương đối bằng phẳng của dòng chảy, ở đó là nơi mọi người thường đặt rớ, đánh chai.

Nghẻ - là dòng chảy được khơi thông từ nơi này chảy qua nơi khác: Trổ nghẻ (khai một dòng chảy mới)

Bàu - là vùng đất trũng nước thường nằm ở nơi đồng ruộng: Bàu Pheo, Bàu Chảng…

Tróng - là đoạn sông bị thắt lại hình cổ chai, nước cạn có thể lội qua được: tróong Bến Đá

Trằm - là từ gọi chung những vùng đất có những mạch nước ngọt hình thành từ những động cát, người Chăm thường tận dụng trằm để làm công trình thủy lợi: xóm Trằm, Trằm Trong, Trằm Ngoài…

Vụng - là biến âm của vũng, thường hình thành vào mùa mưa và biến mất vào mùa khô: Vụng Ăn mày, Vụng Tràng, Vụng Chòi, Vụng Mụ Chết…

Trọt - là đường nước đọng giữa hai vồng đất sau mưa lũ, thời gian tồn tại ngắn.

Ao - là hồ nước nhỏ tự nhiên có thể nuôi trồng cá hay thực vật thủy sinh. 

Đìa - Là công trình nhân tạo có bờ bao xung quanh, bên trong được thả chuôm, có một nghẻ thông thương với sông hoặc hói tạo nơi cho tôm cá đến trú ngụ: đìa ông Cộng, đìa ông Hách. Thượng Đìa, Hạ Đìa..

Vời - khoảng không gian xa của vùng sông nước, rừng rú

Bợc - gần nghĩa với bờ sông là vùng đất tiếp giáp giữa đất và nước của dòng chảy: Bợc Rào

Vực - là vùng đất hẳm, có độ cao so với dòng chảy: Vực Ang

Hác - là vùng đất lở ven sông ( đối diện bên bồi) bị nước xâm thực tạo thành những bờ vực, hang ếch: Hác Lở ( xóm Giữa - thôn Mỵ)

Bến - là tên gọi một khoảnh đất ven sông được con người tạo lập để tắm rửa, giặt giũ, thường gắn liền với sự tích hay tên của những người sở hữu như: bến Hương, bến ông Mục (xóm Quán), bến ông Cọng (xóm Giữa), bến ông Quản (xóm Bù)

Bến Đò - là nơi đưa và đón khách qua sông: Bến đò đá (Bến đá)

Biền - biến âm từ viền (như vun thành bun, vai thành bai..), là vùng đất ven sông, Biền Bể, Biền Quan, Biền Đuối…

Tên địa hình có thành tố liên quan đến đồi núi:

Rú - đồng nghĩa với rừng, từ Rú mang gốc Quảng Đông bên Tàu: Rú Cấm,

Đốôc - biến âm từ dốc ( dưới = đưới; da = đa, dĩa = đĩa): Đốôc Dôn

Độông - cùng nghĩa với đồi ngôn ngữ Việt Mường: Độông Dũi, Độông Chòi

Trạng - biến âm từ trảng chỉ những trảng cát dọc theo Quốc lộ Một, đây là dấu tích của bờ biển cổ, những trảng cát này chạy từ Câu Hoan qua Diên Sanh Trường Sanh trải dài hết huyện Phong Điền của Thừa Thiên.

Tên địa hình có thành tố liên quan đến ruộng đồng, làng mạc:

Nương - gần nghĩa với vườn, khác vườn ở chỗ chúng có thể nằm xa nhà: Nương Thiệt, Nương Nánh, Nương Họ…

Hoang - là vùng đất chưa được canh tác hoa màu: Hoang Trong, Hoang Ngoài, Hoang Cùng…

Luồng - gần nghĩa với Lùng Chỉ những vùng đất trũng bỏ hoang còn lau sậy

Hà - là vùng đất tạo thành do phù sa bồi đắp: Hà Đìa, Hà Cháu, Hà Xúy

Đuồi - Biến âm từ đuôi chỉ vùng đất cuối: Bến đuồi

Cồn - là vùng đất ruộng cao xung quanh là ruộng thấp: Cồn Đình, Cồn Soi, Cồn Vạn, Cồn Rò..

Mậu - biến âm của mẫu, vừa là đơn vị đo diện tích, cũng có nghĩa là tên gọi của những ruộng nước tương đối rộng: Mậu Tô, Mậu Môn, Mậu Đặng.

Trào - biến âm từ sào là đơn vị đo chiều dài và diện tích: Trào Trữa (Sào Giữa), Trưa Trào…

Rấy - biến âm từ Rẫy chỉ vùng đất khô mới khai phá: Rấy mùa, Rấy Trái

Rọong - đồng nghĩa với ruộng, có nguồn gốc từ tiếng Mường: ‘Rõng’. Rọong Cấm: nơi không được canh tác; rọong su (ruộng sâu), rọong hương hỏa: thu nhập qua canh tác được phục vụ cho việc cúng kiếng…

Trưa - ruộng cao dùng để gieo mạ, trồng hoa màu như khoai đậu ớt: Trưa Trào

Chẹo - biến âm của chéo, chỉ những vùng đất nhỏ không thẳng hàng với vùng đất chính: Chẹo Chợ

Rộôc - là vùng ruộng thấp bị ngập nước: Rộc Đóoc, Rộc Lùng, Rộc Đĩa, Rộc Ngọc, Rộc Càng…

Soi - cùng nghĩa với thửa: soi ruộng, soi trưa: Cồn Soi

Doi - chỉ vùng đất có địa hình nhô ra mặt sông: Doi Biền

Kiết - nguyên gốc của Kiệt: khu đất ruộng nhỏ thường bị cạn nước: Kiết mùa, Kiết Trái…

Đạc: là đất ruộng mới khẩn khai, được đo đạc và đặt tên chủ yếu theo số từ: thứ tự từ Đạc Một…đến Đạc Năm..

Phủ - vùng đất hoặc ruộng có miếu thờ: Phủ Thượng, Phủ Hạ, Nội Phủ

3. Những địa hình có số lượng địa danh nhiều nhất:

truongsanh2

Cồn - Do tính đặc trưng và độ phân bố cao của loại địa hình này nên địa danh cồn có mặt khắp nơi: Cồn Cầu, Cồn Vạn, Cồn Rò, Cồn Bể, Cồn Đình, Cồn Tràm, Cồn De, Cồn Dàng, Cồn Lang, Cồn Chim, Cồn Soi, Cồn Nảy, Cồn Tàu;

Rộôc – Trường Sanh là vùng đất chiêm trũng nên có rất nhiều địa danh mang tên Rộôc: Rộôc Lùng, Rộôc Đĩa, Rộôc Ngọc, Rộôc Càng, Rộc Đoóc, Rôộc Nương, Rôộc Cồn, Rôộc Đán…

Mụ - Do đa phần ruộng đất ở Quảng Trị đều được tiếp quản từ người Chăm nên các địa danh mang thành tố có nguồn gốc Chăm cũng chiếm đa số: Rất nhiều địa danh có tên Mụ: Mụ Môn, Mụ Tô, Mụ Ba, Mụ Lơi, Mụ Hoàn, Mụ Đắm, Mụ Nong, Mụ Kim...

Già - Tương tự thành tố Mụ, có đến bảy địa danh mang tên Già: Già Nét, Già Đàn, Già Thái, Già Rau, Già vơi, Già Đay, Già Tú.

Đạc - Là những vùng ruộng nước bỏ hoang từ thời lập ấp mới được canh tác gần đây nên có nhiều ruộng mang tên này: Đạc một, Đạc hai, Đạc ba, Đạc bốn, Đạc năm, Đạc dài…

Ngoài ra có một số địa hình, tên đất vẫn chưa tìm được nguồn gốc cũng như ẩn ý của người xưa, người viết sẽ tìm hiểu và trình bày trong một dịp khác!

Qua đôi dòng tìm hiểu khái quát về tên đất, các thành tố về địa hình địa danh tại Trường sanh ta thấy địa danh là nguồn ngữ liệu quý giá để nghiên cứu ngôn ngữ trên phương diện xã hội, địa danh là sản phẩm của tư duy con người thông qua ngôn ngữ của một hay nhiều dân tộc. Cho dù ngôn ngữ tạo ra địa danh có thể thay đổi nhưng địa danh vẫn bảo tồn nguyên vẹn những giá trị ngôn ngữ học của nó như thuở khai sinh. Vì vậy tìm hiểu về địa danh ở Trường Sanh cũng có nghĩa là chúng ta đang lần tìm về kho tàng ngôn ngữ mang bản sắc văn hóa nguồn cội của Quảng Trị, một vùng đất nắng gió nhưng có nhiều địa danh đẹp mang đậm hồn cốt quê hương.

Khê Giang

Tìm các bài LỊCH SỬ khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com