User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

- Nhà thương quân sự: Sau khi Pháp rời khỏi đồn Hữu Bình lên chiếm Saigon thì cho xây tạm bức thành bằng đất ở phía Đông thành Gia Định cũ để đóng quân, trong thành đó có lập một nhà thương quân binh để điều trị bịnh cho binh lính, lúc đầu thuộc quyền của Hải quân, sau giao cho Lục quân, dân quen gọi là Nhà thương Đồn Đất. Năm 1870 Đô đốc Bonard đặt viên đá đầu tiên xây nhà thương bằng vật liệu nặng vôi gạch cùng lúc với việc xây thành pháo thủ. Nhà thương có diện tích hàng chục hecta, bao quanh bởi các đường Paul Blanchy (Hai Bà Trưng), Taberd (Nguyễn Du), Lafont (Chu Mạnh Trinh), Lagrandière (Lý Tự Trọng). Nhà thương được đặt tên là Hopital Militaire (Nhà thương quân sự).

Nơi phía Bắc, chỗ hãng xăng Shell ngày nay là nơi chôn các lính Pháp chết trận khi đánh thành Gia Định năm 1859. Khi có nghĩa địa Tây ở đường Bangkok (Mạc Đĩnh Chi), số mộ này được cải táng về đây. Những bịnh nhơn bị chết tại nhà thương này đều chôn ở nghĩa địa Tây.

Ngày 26-9-1891 các ca bị chó cắn trong Saigon khá nhiều nên Thống đốc Nam kỳ cho phép những người bị chó cắn nghi chó dại đều được vào nhà thương điều trị. Viện phí do tư nhơn đài thọ. Nếu là công nhơn thì do ngân sách Hải quân, địa hạt toàn xứ đài thọ.

Ngày 26-1-1925 được đổi tên là Nhà thương Grall là tên Bác sĩ Tổng Thanh tra Y tế Đông Dương. Sau khi người Pháp xây xong thành pháo thủ ở nơi Trường Đại học Nhơn văn ngày nay và dời quân lính lên đó, đặt tên là Caserne d'Infanterie Coloniale du 11e Régiment, thành đất bị phá, lấy đất san lấp các kinh rạch. Ngày 27-7-1928 Thống đốc Nam kỳ đứng ra thuê của cơ quan quân sự để làm nhà thương chăm sóc bịnh nhơn cho cả xứ Nam kỳ. Từ đó tất cả các kiến trúc và đất đai liên quan tới Nhà thương Grall đều thuộc Quốc gia.

Sau Hiệp định Genève, vẫn giữ lại Nhà thương Grall. Và ngày nay đổi tên là Bịnh viện Nhi đồng 2.

- Nhà thương Chợ Quán: Thời gian đầu, Linh mục Lefèbre thành lập một dưỡng đường ở vùng Chợ Cũ (Bến Thành) để nuôi dưỡng người bịnh nghèo nàn. Sau này, dời về Chợ Quán và giao cho các bà xơ dòng Saint Paul đảm nhiệm.

Ngày 3-1-1893, Đốc lý Cholon Merlande ban hành Nghị định được Giám đốc Sở Y tế Hénaff phó thự và Thống đốc Nam kỳ J.Fourès phê duyệt như sau:

+ Công tác y tế của Thành phố Cholon, tiêm chủng và viện săn sóc sức khỏe được giao cho hai y sĩ của quản hạt biệt phái cho Nhà thương. Lịch khám bịnh vào buổi sáng mỗi ngày, trừ chủ nhựt.

+ Các y sĩ phải săn sóc bịnh nhơn chu đáo cần thiết mà không được thâu bất cứ một khoản thù lao nào.

+ Lệ phí đỡ đẻ các gia đình phải chịu. Nhưng viên y sĩ không được đòi tiền công mỗi ca quá 40$00.

+ Thuốc do người cung cấp của Thành phố cho Nhà thương phải được y sĩ trưởng xem xét bảo đảm chất lượng và gởi cho Đốc lý báo cáo về thuốc cấp cho bịnh nhơn đều thích hợp.

+ Hai viên y sĩ phụ trách được hưởng quyền lợi : y sĩ trưởng mỗi tháng 140$00, y sĩ phó 35$00.

- Nhà thương Saigon: Nhà thương này xây năm 1914 do Chú Hỏa hiến tặng đất cho Thành phố, về sau gọi là Bịnh viện Đô Thành. Ngày 16-1-1914 lấy tên Bác sĩ Déjean de la Bâtie đặt tên cho Nhà thương Saigon. Nhưng sau đó có ý kiến dùng tên Bác sĩ Montel để thay thế. Ngày 23-2-1938 Hội đồng Saigon vẫn duy trì tên Bác sĩ Déjean de la Bâtie đặt tên cho Nhà thương Saigon, còn tên Bác sĩ Montel đặt tên cho ngôi nhà bên phải nhà thương, tên Hui Bon Hoa đặt tên cho ngôi nhà bên trái.

- Nhà thương Saint Paul: Nhà thương Angier ở gần Thảo Cầm Viên, góc đường Angier (Nguyễn Bỉnh Khiêm) và đường Espagne (Lê Thánh Tôn) xây năm 1908. Năm 1944 bị sập, do máy bay Mỹ ném bom nhà máy Ba Son gần đó. Sau này dời đến xây nhà thương mới ở đường Legrand de la Liraye (Điện Biên Phủ, đối diện với Trường Áo Tím nay là trường Nguyễn Thị Minh Khai và đặt tên là Nhà thương Saint Paul, chuyên chữa trị bịnh mắt. Và ngày nay là Bịnh viện Mắt).

- Nhà thương Thị Nghè: Ở Thị Nghè có nhà thương của các bà xơ săn sóc, nuôi nấng những người nghèo khổ già yếu, bịnh tật không nơi nương tựa. Ngày nay là Trung tâm Dưỡng lão Thị Nghè. Nhà thương này được ông Nguyễn Liên Phong trong Nam kỳ phong tục nhơn vật diễn ca nhắc tới trong bài trường ca:

"Thị Nghè có sở nhà thương,
Của các bà phước sửa đương mối giềng.
Nuôi người bịnh hoạn nhãn tiền,
Mảng lo cơm thuốc cho thuyên mớ đành".

- Nhà thương của người Hoa ở Cholon: Nhà thương này do Tài Hạp và công ty thành lập, sau này công tác tại Nhà thương Chợ Quán làm kiểm soát viên tối cao tại nhà thương này và sau này không thấy nói đến nữa.

Có tất cả 6 nhà thương, trong đó có 5 nhà thương do dân chúng của nhóm ngôn ngữ đóng góp xây dựng. Cái thứ 6 đóng góp chung của cộng đồng người Hoa. 6 nhà thương thì có 1000 giường bịnh.

Tất cả các việc chữa trị và thuốc men đều miễn phí. Chỉ riêng Nhà thương Chung Cheng là có 30 giường đặc biệt dành cho những bịnh nhơn có trả tiền theo yêu cầu. Nếu chúng ta biết được tài khoản cần cho sự điều hành và chữa trị của các nhà thương này thì chúng ta sẽ thán phục tấm lòng nhơn ái và sự hy sanh của người Hoa để cho các nhà thương hoạt động đều đặn, liên tục và tồn tại cho đến biến cố 30-4-1975.

6 nhà thương bao gồm: Nhà thương Quảng Đông thành lập năm 1906 (nay là Bịnh viện Nguyễn Tri Phương), Nhà thương Phước Kiến thành lập năm 1909 (nay là Bịnh viện Nguyễn Trãi), Nhà thương Triều Châu thành lập năm 1916 (nay là Bịnh viện An Bình), Nhà thương Sùng Chính thành lập năm 1920 (nay là Trung tâm chấn thương Chỉnh hình), Nhà thương Hải Nam (nay là Trung tâm chẩn đoán Y khoa) và Nhà thương Chung Cheng xây dựng sau năm 1945. Một bộ phận y khoa hiện đại được thành lập tại Nhà thương Quảng Đông.

Nhà thương Quảng Đông dâng biếu một khu đất để làm mặt bằng xây dựng ở đường Quang Trung (Nguyễn Trãi). Nhà thuốc Đông y nổi danh Nhị Thiên Đường tình nguyện xây dựng một số lớn các tòa nhà đầu tiên và trang bị cho toàn khu giải phẫu. Nhà thuốc Phước Kiến tặng nhiều khoảnh đất trống và các tòa nhà bằng vôi gạch. Nhiều cuộc trình diễn văn nghệ hay một xổ số trúng số từ chối không nhận phần thưởng, nhường cả cho Nhà thương. Ngân hàng Giao thông, Ngân hàng Trung Hoa, Nhà thuốc Đông y Đại Quang,...đã cúng những số tiền lớn.

Do những nỗ lực và những tấm lòng từ thiện đó mà Nhà thương mới ra đời. Đó là Nhà thương Chung Cheng có đầy đủ các khoa khám bịnh (Nay đổi là Bịnh viện Quân y 7A).

- Nhà thương Cần Thơ: Ngày 11-6-1894 Thống đốc Nam kỳ gởi yêu cầu Giám đốc Sở Y tế thành lập 1 Nhà thương sẽ phụ trách luôn 2 tỉnh Long Xuyên và Rạch Giá. Ngày 9-5-1895 thành lập Nhà thương Cần Thơ do một y sĩ phụ trách, kiêm luôn 2 tỉnh Long Xuyên và Rạch Giá. Ngày 14-7-1900 cử Bác sĩ Thibault, y sĩ tập sự đến thay thế.

- Nhà thương Mỹ Tho: được thành lập sau khi Pháp chiếm Định Tường. Ngày 15-12-1898, Toàn quyền Đông Dương ban hành Nghị định hạ Nhà thương Mỹ Tho xuống hàng trạm xá y tế lưu động.

- Nhà thương Vĩnh Long: Sau khi Pháp chiếm được Vĩnh Long, Pháp biến nơi đây thành trung tâm chỉ huy để đánh 2 tỉnh An Giang và Hà Tiên. Các bộ phận trợ chiến cũng như quân số đóng ở đây rất nhiều. Để săn sóc sức khỏe cho lực lượng này, Pháp cho thành lập Nhà thương Quân y và kiêm luôn khu vực Sa Đéc. Tháng 4 năm 1871 có quyết định hạ Nhà thương Vĩnh Long xuống thành Trạm Y tế lưu động Vĩnh Long. Sau này giải thể và chuyển tớ Nhà thương Mỹ Tho săn sóc. Ngày 27-12-1872 cho lập lại Trạm y tế Vĩnh Long.

Ngày 28-7-1903 của Hội đồng Quản hạt, Thống đốc Nam kỳ đề nghị mỗi tỉnh thành lập một Nhà thương. Và từ đó Trạm Y tế Vĩnh Long nâng lên thành Nhà thương và viên Bác sĩ trưởng không còn kiêm nhiệm Trạm Y tế Sa Đéc nữa, vì nơi đây cũng được nâng lên thành Nhà thương.

- Nhà thương Sa Đéc: Năm 1913-1914 đã có chi nhánh ở Cao Lãnh và các trạm hộ sanh tại một số làng đông dân. Có Bác sĩ Lavau làm Giám đốc Nhà thương kiêm chức Trưởng Ty Y tế tỉnh, y sĩ Nguyễn Văn Chức phụ tá, 8 chánh y tá, 4 phụ y tá người Việt, 3 bà mụ phụ trách phòng hộ sanh, tại Cao Lãnh có Bác sĩ Nguyễn Hồng Luông làm y sĩ phó, 2 y tá, 1 phụ y tá, 2 bà mụ và một số bà mụ biệt phái đến các trạm hộ sanh tại Tân Thuận, Mỹ Lương, Mỹ Long, Nha Mân, Đất Sét, Long Hưng, Cái Tàu Thượng, Cái Tàu Hạ, Lai Vung, Long Hậu.

Do chủ trương của Thống đốc Nam kỳ trong phiên họp của Hội đồng Quản hạt ngày 28-7-1903 nói trên mà sau đó lần lượt các tỉnh đều có một Nhà thương của tỉnh đều khắp.

Tài liệu tham khảo: Tsai Maw Kuew, người Hoa ở miền Nam Việt Nam, Luận án Tiến sĩ, Thư viện Quốc gia Paris, 1968 và Nguyễn Liên Phong, Nam kỳ phong tục nhơn vật diễn ca, 1906 cùng một số tài liệu khác.

grallquansu

Hình là Nhà thương Quân sự (Nhà thương Grall và ngày nay là Bịnh viên Nhi Đồng 2).

 

Tìm các bài LỊCH SỬ khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com