User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

quandoi

Trong lịch sử cận đại Việt Nam có một thể chế chính trị tồn tại ngắn ngủi nhưng không phải ai cũng biết tới, nhất là những lớp người trẻ hiện nay ít quan tâm đến lịch sử nước nhà - Đó là Quốc Gia Việt Nam.

Chính thể Quốc Gia Việt Nam được thành lập vào ngày 14/6/1949 và cáo chung vào ngày 26/10/1955. Hiện nay, có nhiều luồng dư luận về chế độ chính trị này, nhưng trước hết vẫn nên xem đây là một trong những giai đoạn khuất lấp của dòng sử Việt Nam; bởi nguồn tư liệu không nhiều và lại có phần khó thuyết phục.

Theo một số tư liệu thì Quốc Gia Việt Nam (tiếng Pháp: État du Viêt Nam) là một chính thể thuộc Liên Bang Đông Dương thuộc Liên Hiệp Pháp, tuyên bố chủ quyền toàn bộ lãnh thổ Việt Nam, tồn tại trong giai đoạn từ giữa năm 1948 và 1955. Thủ đô đặt tại Sài Gòn, Quốc Trưởng Bảo Đại sống và làm việc tại biệt điện ở Đà Lạt.

Về mặt hình thức, nhà nước quốc gia này gần như là một quốc gia Quân Chủ Lập Hiến (nhưng chưa có Hiến pháp và Quốc hội) với Quốc Trưởng là cựu Hoàng Bảo Đại (tương tự nhà nước Lào và Campuchia được công nhận ngay sau đó), trong khi đó, Pháp vẫn giữ quyền kiểm soát tài chính, thương mại và chính sách đối ngoại và quân sự của Quốc Gia Việt Nam.

Ngược dòng lịch sử, trong Thế Chiến II, Đông Dương đã bị Nhật chiếm đóng sau khi lật đổ chính quyền thực dân Pháp đã cai trị vùng đất này trước đó.

Thực dân Pháp chỉ tồn tại đến tháng 3/1945 khi Nhật lật đổ Pháp trên toàn bộ Đông Dương.

Ngay sau đó, theo chính sách Khối Thịnh Vượng Chung Đại Đông Á, Nhật Bản bảo trợ thành lập chính phủ Việt Nam do Quốc Trưởng Bảo Đại đứng đầu với Thủ Tướng là Trần Trọng Kim.

Vua Bảo Đại tuyên bố Độc Lập ngày 11/3/1945, thu hồi chủ quyền trên danh nghĩa ở ba kỳ.. Trong tuyên bố của Bảo Đại thì Việt Nam hủy bỏ các Hiệp Ước Bảo Hộ trước kia với Pháp và thu hồi độc lập theo Tuyên Ngôn Đại Đông Á.

Ngay sau đó ngày 24/3/1945, chính phủ De Gaulle tuyên bố chính thức khôi phục lại chủ quyền ở Đông Dương, dự định thành lập Liên Bang Đông Dương thuộc Liên Hiệp Pháp, bao gồm năm quốc gia có đại diện riêng trong Liên Bang cùng có lợi ích bên ngoài do Pháp đại diện. De Gaulle dự định áp dụng cơ cấu một chính phủ Liên bang do Thống Đốc đứng đầu, phụ tá là các Bộ Trưởng người bản xứ và người Pháp ở Đông Dương. Ngoài ra sẽ có một Quốc Hội Liên Bang được bầu theo phương thức phổ thông đầu phiếu tại mỗi quốc gia của Liên Bang, trong đó có đại diện lợi ích của người Pháp.

Liên Bang sẽ có lực lượng vũ trang riêng được trang bị kỹ năng tương đương với quân đội của Liên Hiệp Pháp.

Ngày 7/4/1945, Vua Bảo Đại ký đạo dụ chuẩn y thành phần Nội Các Trần Trọng Kim và giải thể Viện Dân Biểu Trung Kỳ. Tháng 6/1945, chính phủ Trần Trọng Kim ra mắt, đặt quốc hiệu là Đế Quốc Việt Nam.

Ngày 16/8, Thủ Tướng Trần Trọng Kim tuyên bố bảo vệ nền độc lập giành được hồi tháng 3, và ngày 18/8 thì lập Ủy Ban Giải Phóng Dân Tộc, nhóm họp tất cả các đảng phái chính trị để củng cố lực lượng.

Từ tháng 3/1945, Việt Nam dần rơi vào tình trạng hỗn loạn vô Chính Phủ; Quân Đội Nhật Bản thì duy trì tình trạng chiến tranh ở Đông Dương, tìm cách phản công các cuộc oanh tạc của phe Đồng Minh Anh-Mỹ. Trong khi đó chính phủ Trần Trọng Kim và vua Bảo Đại đều không đủ lực lượng quân sự hoặc uy tín chính trị để kiểm soát tình hình. Lúc đó lực lượng Việt Minh có tổ chức chặt chẽ đã tổ chức cướp chính quyền từ tay chính phủ Trần Trọng Kim, ép vua Bảo Đại thoái vị và đến ngày 02/9/1945 tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa.

Sau khi Thế Chiến II kết thúc ở Châu Âu, dựa vào lực lượng đồng minh, chủ yếu là quân đội Anh, lực lượng quân sự Pháp quay trở lại Nam Kỳ của Việt Nam. Các lực lượng vũ trang ở Nam Kỳ đã tổ chức kháng chiến chống lại sự xâm lược của Pháp và dần dần lây sang cả nước. Thành phần kháng chiến chống Pháp lúc đó chủ yếu là các giáo phái ở Nam Kỳ như Cao Đài, Phật Giáo Hòa Hảo, Bình Xuyên, các đảng phái quốc gia và lực lượng Việt Minh.

Mặc dù tinh thần kháng chiến chống thực dân của dân ta rất cao, nhưng vì vũ khí thô sơ và tổ chức còn rời rạc, nên các lực lượng võ trang này bị quân Pháp đánh bại mau lẹ. Ða số phải rút về thôn quê hay vào bưng biền để tổ chức trường kỳ kháng chiến. Tuy nhiên vẫn còn nhiều dân chúng còn lại ở các thành phố và vùng bị chiếm đóng đã phải ngả theo Pháp vì lý do sinh kế hoặc muốn được yên thân.

Trong số những người phải ra cộng tác với Pháp, một số đã gia nhập quân đội viễn chinh và được gọi là Thân Binh Ðông Dương (Partisans Indochinois). Về sau, vì nhu cầu chiến tranh bành trướng mau lẹ, người Pháp đã tuyển mộ lính địa phương tại chỗ và lập thành các lực lượng phụ thuộc (forces suppletives) do sĩ quan Pháp chỉ huy.

Sang năm 1948, giải pháp Bảo Ðại ra đời với chủ trương đoàn kết các lực lượng quốc gia để chống Việt Minh, vì lúc đó thành phần này đã ngả theo phe Cộng Sản quốc tế dưới sự lãnh đạo của Liên Xô, Trung Quốc để chống lại phe Phương Tây mà lúc này đã hình thành một cuộc Chiến tranh Lạnh.

Theo hiệp ước Élysée ký ngày 8/3/1949 giữa Quốc Trưởng Bảo Ðại của Việt Nam và Tổng Thống Pháp Vincent Auriol, nước Việt Nam được trao trả nền độc lập chính thức vào 14/6/1949 với tên gọi là Quốc Gia Việt Nam, có quân đội và chính sách ngoại giao riêng. Do đó, quân đội Việt Nam được chính thức thành lập và lấy tên là Quân Ðội Quốc Gia Việt Nam.

Do nghị định Quốc Phòng ngày 13/4/1949, quân đội Việt Nam được thành lập, lúc đầu lấy tên là Vệ Binh Quốc Gia. Quân Ðội Việt Nam lúc này có quy chế riêng và lương bổng được hưởng tương đối cao hơn lúc trước. Ba đơn vị chiến đấu đầu tiên được thành lập ngày 01/10/1949 là các Tiểu Đoàn Bộ Binh số 18, 2, và 3. Lần lượt, các lực lượng quân sự phụ thuộc khác như Cộng Hòa Vệ Binh trong Nam, Bảo Vệ Quân ở miền Trung (sau đổi tên là Việt Binh Ðồn) và Bảo Chính Ðồn ở Bắc, v.v. được thuyên chuyển qua hoặc sát nhập vào Quân Ðội Quốc Gia. Còn các lực lượng võ trang của các giáo phái như Cao Ðài, Hòa Hảo, Bình Xuyên tại Nam Kỳ hoặc trở về hợp tác với chính phủ quốc gia, hoặc rút vào bưng, nhưng sau đó cũng bị tiêu diệt lần hồi. Quân số Quân Ðội Quốc Gia Việt Nam vào cuối năm 1949 là 45.000 người, không kể các lực lượng còn trong hệ thống quân đội Pháp.

Ngày 11/5/1950, Thủ Tướng Trần Văn Hữu tuyên bố thành lập Quân Ðội Quốc Gia với quân số lên 60.000 người, do ngân sách quốc gia đài thọ 40%, phần còn lại do Pháp gánh chịu. Viện trợ Mỹ cũng bắt đầu giao thẳng cho các đơn vị Việt Nam, chứ không qua trung gian quân đội Pháp theo chương trình Viện Trợ Hỗ Tương Quốc Phòng MDAP.

Các quân trường lớn được bắt đầu thành lập trong thời kỳ này gồm có: Trường Võ Bị Liên Quân Ðà Lạt, Trường Sĩ Quan Thủ Ðức và Nam Ðịnh. Trường Sĩ Quan Trừ Bị sau này được đổi tên là Trường Bộ Binh Thủ Ðức. Các trung tâm nhập ngũ dùng để huấn luyện binh sĩ quân dịch cũng được thành lập tại Quang Trung (Nam Việt), Phú Bài (Trung Việt) và Quảng Yên (Bắc Việt).

Ðến năm 1951, sau khi bị thất bại nặng trước quân đội Việt Minh tại vùng Cao-Bắc-Lạng, Pháp muốn tăng cường Quân Ðội Quốc Gia Việt Nam để nhận lãnh trách nhiệm bình định và an ninh lãnh thổ. Do đó, Tướng De Lattre de Tassigny đã đề nghị thành lập nhiều Tiểu Đoàn hoàn toàn Việt Nam do các sĩ quan người Việt chỉ huy.

Ngày 5/5/1951, Bộ Quốc Phòng Việt Nam mới thật sự thành hình, với những cơ cấu tổ chức đầu não như Bộ Tổng Tham Mưu, Nha Quân Pháp, Nha Thanh Tra, Tổng Nha Hành Chánh & Quân Lương, Nha Quân Cụ, Nha Quân Y, v.v.

Lệnh Tổng Động Viên được ban hành tháng 7/1951, đã có 60.000 thanh niên thi hành quân dịch. Cuối năm 1951, quân số đã lên tới 110.000 người. Các đơn vị nòng cốt được thành lập trong thời kỳ này là Nhảy Dù, Truyền Tin, Pháo Binh, Công Binh, Thiết Giáp…

Qua năm 1952, để gia tăng nỗ lực chiến tranh, Bộ Tổng Tham Mưu được tách riêng khỏi trụ sở Bộ Quốc Phòng và Tổng Tham Mưu Trưởng đầu tiên là Thiếu Tướng Nguyễn Văn Hinh.

Cũng trong thời kỳ này, các quân chủng Không Quân và Hải Quân đã bắt đầu đặt nền móng tại Nha Trang.

Theo đà phát triển, kể từ đầu năm 1953 cho tới khi ký kết hiệp định Genève, hệ thống chỉ huy của Quân Đội Quốc Gia Việt Nam từ Bộ Tham Mưu, các cơ sở chỉ huy từ Trung Ương đến các Quân Khu, Tiểu Khu theo một hệ thống của quân đội có qui uớc hẳn hoi. Thành lập thêm Sư Ðoàn 7 Bộ Binh và 54 Tiểu Đoàn khinh binh để hành quân vùng đồng ruộng thay thế quân đội Pháp. Thành lập 15 Liên Đoàn Bộ Binh và 1 Liên Đoàn Nhảy Dù…

Sau Hiệp Định Genève ấn định, các đơn vị của Quân Ðội Quốc Gia Việt Nam đồn trú tại phía Bắc vĩ tuyến 17 lần lượt di chuyển vào Nam kể từ tháng 8/1954. Phần lớn các đơn vị đóng chung quanh Hà Nội và Hải Phòng được đưa vào vùng Ðà Nẵng, Nha Trang, và các tỉnh miền Trung. Các Tiểu Đoàn Nùng (sơn cước) được đưa vào Cam Ranh để sau này thành lập Sư Đoàn Nùng tại sông Mao.

Cũng trong thời gian này, các lực lượng vũ trang giáo phái như Cao Ðài, Hòa Hảo, được sát nhập vào Quân Ðội Quốc Gia để thành lập một quân lực có sự chỉ huy thống nhất trên toàn quốc. Riêng có một nhóm Hòa Hảo ly khai chừng vài ngàn người, dưới quyền chỉ huy của Trung Tướng Lê Quang Vinh, tức Ba Cụt, rút vào Cao Miên để chống lại chính phủ.

Ngày 26/10/1955, Tổng Thống Ngô Ðình Diệm khai sinh nền Ðệ Nhất Cộng Hòa. Quân Ðội Quốc Gia được đổi tên là Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Lúc đó, quân số hiện diện dưới cờ là 167.000 người.

Như vậy có thể xem Quân Đội Quốc Gia Việt Nam là tiền thân của Quân Lực Việt Nam Cộng hòa tồn tại từ ngày 26/10/1955 và cáo chung vào ngày 30/4/1975…

Hoài Nguyễn - 19/4/2016

Nguồn: FB Hoài Nguyễn 

 

Tìm các bài LỊCH SỬ khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com