
Nhà Thơ Trần Hoan Trinh
Nhân kỷ niệm 6 năm ngày thầy ra đi, 06/8/2015, tôi trích đăng một số bài thơ tiêu biểu của Thầy- nhà thơ, bút hiệu Trần Hoan Trinh, người tổ trưởng xưa của tôi và đôi dòng tâm sự. Xin tặng quý đồng nghiệp Phan Châu Trinh và các thế hệ học sinh!
Một nén hương lòng kính dâng Thầy!
Một Thời Phan Chu Trinh
"Bỗng áo trắng tưng bừng muôn ngả
Để sân trường hoa lá xôn xao
Anh chợt thấy sáng nay trong nắng lạ
Cả một thời vang bóng Phan Chu Trinh qua
Ngôi trường đó là trong anh nỗi nhớ
Là trong em cả tuổi trẻ thiên thần
Là của em mộng mơ và sách vở
Là của anh những giờ dạy thiên đường
Là ở đó những hồn trời xanh biếc
Cả trường vang ngân tiếng hiệu-đoàn ca
Là học sinh Phan Chu Trinh ta quyết tiến
Mây bàng hoàng cây cũng quyết nở hoa
Trần Đình Quân dáng xanh xao ủ rũ
Vẫn ngậm ngùi thương tiếng hát Giang Châu
Nguyễn Ngọc Thanh bước đi luân vũ
Vào lớp rồi khói thuốc còn bay
Những khuôn mặt ghen hoa thẹn nguyệt
Thu Liên, Thu Hà, Quý Phẩm, Bích Quân
Sóng mắt ai kết thành thơ diễm tuyệt
Làm liêu trai cho ấm nắng sân trường
Đêm văn nghệ đèn sáng trưng hội trường
Tiếng hát Tâm Nguyên buồn thật buồn
Kinh Kha hề! Trần Ngọc Châu múa kiếm
Cẩm Lai yêu kiều vũ Đám Cưới Đầu Xuân
Những đêm thơ gió nâng thơ cao vút
Tiếng sáo theo trăng Nguyễn Đình Nghĩa xuất thần
Thơ Đông Trình, Luân Hoán, Liên Phượng, Duy Nhân
Hà Nguyên Thạch làm Thịnh Đường một thuở
Phan Nhật Nam say "Mùa Hè Đỏ Lửa"
Huỳnh Bá Thành yêu bóng dáng "Kiều Mi”
Và Lệ Hằng "Mắt Tím" sầu bi
Nguyễn Bá Trạc "Hoa Cỏ May" vàng nắng
Phan Chu Trinh một thời áo trắng
Phan Chu Trinh một thuở tài hoa
Tình rất đậm đà tình rất dịu ngọt
Anh mơ màng với kỷ niệm trường xưa!"
Trần Hoan Trinh
Những dòng thơ kỷ niệm ấm áp hạnh phúc, như một khúc ca khải hoàn đầy xúc động tự hào về nghề giáo, về đồng nghiệp và về học trò tài hoa của mình, của ngôi trường Phan Châu Trinh Đà Nẵng yêu dấu!
Tôi từ trường huyện Hoà Vang, sau hơn 2 năm ra trường dạy học đã chuyển về nhận lớp chuyên Toán tỉnh QNĐN đầu tiên 81-82. Lớp đặt tại trường Trung Học Phan Châu Trinh to lớn nhất tỉnh, giàu đậm truyền thống dạy và học. Tuy môn chuyên trực thuộc Sở chỉ đạo, nhưng tôi sinh hoạt ở tổ Toán 2 do thầy làm tổ trưởng.
Thầy có mái tóc bạc trắng, nụ cười hiền từ, bước đi chậm rãi như cách nói năng, thầy hay đốt thuốc, luôn chạy chiếc Honda dame cũ, chắc là hồi xe mới nhập về. Tôi biết thầy làm thơ tình tuyệt hay, những lần xuống thăm chơi nhà thầy ở phía Cao Thắng, mang tặng mè xửng quê hương để thầy cô uống trà, tôi xa nhà ở trọ nên cũng có làm vài bài thơ tâm sự mà chẳng dám đưa ra nhờ thầy góp ý!
Là Thu Đó, Em, bài thơ tả mùa thu thi vị ngập ngừng của thầy:
"Có giọt nắng vàng
Rơi trên mái tóc
Có bóng mây buồn
Len vào đôi mắt
Có bước ngập ngừng
Trên đường phố rộng
Có chút hững hờ
Trong tình say đắm...
Là thu đã về
Đó em, đó em
Xin đừng khua động
Mùa thu thất tình".
Giáo sư Trần Đại Tăng sinh năm 1937 tại Dương Nỗ, Phú Vang, Huế. Đậu xong Tú Tài 2 rồi vào Sài Gòn học Cao Đẳng Sư Phạm Sài Gòn (Normale Supérieure de Pédagogie), ngành Toán, hồi đó là bậc học cao nhất Sư Phạm VNCH mà khu vực miền Trung chưa mở. Ra trường 1958, thầy chọn nhiệm sở là trường Trung Học Phan Châu Trinh, vừa lúc năm học này trường mở hệ Đệ Nhị Cấp, thầy phụ trách lứa đầu tiên cả Toán Lý Hoá! Đặc biệt, thầy dạy chỉ một trường này cho đến lúc nghỉ hưu!.
Tóc Trắng Sân Trường
"Ta đến khi tóc xanh
Ta về khi tóc bạc
Này, mai trên trường xưa
Có một người thiếu mặt!
Ta đến hồn như trăng
Ta về lòng như suối
Cây sao già trên sân
Người thua ta một tuổi!
Ta đến khi tóc xanh
Ta về khi tóc bạc
Đóa hồng nào cho ta
Sao đoá hồng tím ngắt!"
Trước lạ lẫm, rồi sau tôi ngày càng thân tình gần gũi với tổ mới, đồng nghiệp trường mới. Tình nghĩa sâu đậm đến mức ba sư phụ: thầy và thầy Phan Khắc Đồ, thầy Nguyễn Văn Kính, như cha như chú bưng lễ vật đi hỏi cưới vợ cho đệ tử tôi!
Một kỷ niệm vui vui, trong tuần đầu mới về, một hôm vào đầu giờ ra chơi, thầy đưa tôi một bài Toán hình không gian cực khó, không biết thầy hỏi thật hay kiểm tra năng lực giáo viên trẻ. Tôi khá toát mồ hôi mới giải được trước giờ vô lớp lại, đó là tìm ra mặt phẳng cố định mà mặt cầu lưu động rắc rối luôn tiếp xúc! Qua năm thứ hai, thầy nói "Ngoài lớp chuyên tỉnh, em dạy thêm giúp lớp 11/8 phổ thông nghe". Tôi dạ liền. Thầy nói thêm "Lớp nớ có cháu và em vợ thầy Nguyễn Văn Thảo, em gái thầy Văn Công Liên, đi thanh niên xung phong về, có con trai nhà văn Nguyễn Văn Xuân và con trai mình đó!".
Người thầy lừng danh một thời ở Đà Nẵng, tâm sự lãng mạn Dạy Toán khi mới ra dạy vài năm đầu tiên:
"cái bảng đen trước mặt
viên phấn nằm trên bàn
ngoài sân em xõa tóc
trên trời mây lang thang
này các em các em
hàm số ấy đồng biến
con chim gì trên cây
tiếng ca, trời xao xuyến
đoạn thẳng này thẳng góc
còn đoạn kia đoạn xiên
chiều qua người yêu khóc
mình nằm buồn cả đêm
vòng tròn, ờ, vòng tròn
tròn như đôi mắt em
tròn như đôi mắt em
tròn như tình yêu em
những đường cong đan nhau
những đường cong khép kín
kín như vòng tay anh
ôm trọn vòng lưng em..."
Thành phố Huế, quê hương, gia đình của thầy, chỉ bên tê đèo Hải Vân, một bài thơ tâm sự nỗi niềm người con gái. Thầy hỏi và tự trả lời
Em Đi Rồi Huế Có Buồn Không?
"Em đi rồi Huế có buồn không?
Chiều Nam Giao tóc còn bềnh bồng
Con phố nhỏ nỗi sầu thầm lặng
Có còn tơ trời bay trên sông?
Em đi rồi Huế có nhớ không?
Nón vẫn nghiêng nghiêng qua cầu Trường Tiền
Sương khói mang mang trời Vỹ Dạ
Đập Đá hai bờ bên đục bên trong
Em xa rồi Huế có thương không?
An Cựu trầm tư con đò lặng lờ
Áo trắng ai bay về Gia Hội
Mong gió chiều lên cho tương tự
Em đi rồi Huế vẫn như xưa
Chiều lắm mây giăng sớm có sương mù
Đường nội thành cây che bóng nắng
Chân nhỏ ai về bước nhẹ thành thơ
Em đi rồi Huế nắng hay mưa?
Vẫn nhớ thương nhau chín đợi mười chờ
Vẫn khúc Nam Ai, câu hò mái đẩy
Vẫn điệu Nam Bình lưu luyến xưa?
Thôi xa rồi đành nhớ thương suông
Đêm mộng nơi xa nằm ôn cội nguồn
Nghe nỉ non Đêm Tàn Bến Ngư
Chợt thấy trăng vàng trên quê hương".
Ngày ngày đến trường đến lớp, thầy nguôi ngoai dần nỗi nhớ dòng Hương đầy kỷ niệm thời tuổi trẻ. Lớp học, bao học trò mới lớn chờ đón người thầy trẻ trung tài hoa, giọng Huế là lạ. Sân trường bâng khuâng có
Tiếng Chim Ngoài Cửa Lớp
“em cắn bút bâng quơ
tóc nghiêng bờ vai nhỏ
tiếng chim như hững hờ
mơn man làn môi đỏ
trời bỗng dưng se lạnh
áo mỏng chừng phong phanh
tiếng chim theo chiếc lá
vừa nuối tiếc xa cành...”
Người thầy trẻ độc thân, cô học trò xinh xinh. Tình thầy trò lãng mạn, hình như đã bước qua ngưỡng cửa tình yêu nam nữ, luôn tìm luôn nhìn nhớ luôn luyến thương
Cô Học Trò Nhỏ
"cô học trò nho nhỏ
sáng đi học một mình
chân tung tăng đường cỏ
lòng rộn ràng tiếng chim
cô học trò nho nhỏ
có má lúm đồng tiền
mơ màng bên cửa lớp
xinh như một nàng tiên..."
Lời tỏ tình kín đáo, nhưng đủ đầy, khôn khéo quá đi:
"cô học trò nhỏ ơi
thơ tôi không đủ lời
em là vầng trăng tỏ
giữa mênh mông cuộc đời”
Chính nhờ hồn thơ bay bổng lãng mạn và chính lòng thầy chân thật mến yêu, nên người nữ sinh- người ấy cũng phải tỏ lòng:
"em nhớ nhiều
thầy có biết không
một hôm thấy thầy lang thang trên sân
em lên bàn thầy em tìm trong cặp
đọc bài thơ tình thầy mới viết xong
bài thơ tình đưa em vào đời
biết giận biết buồn từ đó thầy ơi
hết còn là cô học trò tinh nghịch
em lớn lên thành thiếu nữ mất rồi...”
Đà Nẵng xa xưa, một ngày đầu thu chớm lạnh, lớp Đệ Nhị A gặp thầy, có cô học trò mặc hai chiếc áo laine mỏng, cùng kiểu và cùng một màu xanh lá cây nhạt
Phương Thơ
"Phương!
duyên tình diễm ảo
nét đoan trang băng trinh nếp áo
chim yêu trên khoé mắt thơ ngây
Phương!
đợi em đã lâu
dáng bồ liễu thanh thanh
vẻ trầm tư kín đáo
nét hoa cười tha thiết đượm trên môi”
Đó chính là hình ảnh nàng thơ của thầy hay là Quý Phẩm của Một Thời Phan Chu Trinh! Thầy từng tâm sự với người đó:
Tóc Trắng Sân Trrường
"Cả cuộc đời anh ở nơi đây
Nhớ từng ngọn cây thương từng ngọn cỏ
Kỷ niệm trên mỗi mét vuông bé nhỏ
Thân thiết từng viên sỏi đá trên sân
...
Chiều hôm nay ta thấy mình hoá đá
Đứng ngơ ngẩn giữa sân trường lá đổ
Mặc tóc trắng bay trong nắng gió chiều hè
Thấy hồn mình như sương phủ mây che".
Thầy đã lần lượt tặng cho tôi mấy tập thơ. Thú thật, tôi cũng đã từng lãng mạn mê say một thời tuổi trẻ dạy học như thầy. Tôi thích ngắm nhìn những đôi mắt đẹp, nữ sinh thanh tú, những ngón tay ngọc ngà khi gọi lên bảng, nhìn những trạng thái cảm xúc hiện ra trên khuôn mặt học trò, những tà áo dài trắng xinh tươi tung tăng nơi sân trường,... để rồi đêm khuya, trên gác trọ, vu vơ viết những dòng thơ miên man, nảy nở bao tình cảm thầy trò...
Thầy cũng đã bâng khuâng, lòng chạnh lòng, muốn níu kéo lại thời gian trôi
Một Lần Đi
"Thôi bỏ đó ngôi trường hoa phượng đỏ
Hàng lang dài ôm nỗi nhớ mênh mông
Thầy ra đi với nỗi buồn kết trái
Rồi muôn năm vẫn canh cánh bên lòng
Thôi bỏ đó những giờ chơi giờ học
Tiếng trống ban mai áo trắng ngập ngừng
Lối cát buồn chợt nức nở bâng khuâng
Thầy cúi xuống nghe tuổi mình trĩu nặng...".
Bắt đầu làm thơ từ năm 1952 đến ngày từ giã cõi trần, thi sĩ Trần Hoan Trinh- thầy Trần Đại Tăng đã trải qua trên 60 năm thơ và với 40 năm dạy học. Thầy đã sáng tác rất nhiều bài thơ với nhiều thi tập đã phát hành: Tôi Khóc Em Cười; Bỏ Trường Mà Đi; Tóc Trắng Sân Trường; Tiếng Chim Ngoài Cửa Lớp; Tuyển Tập Thơ Trần Hoan Trinh; Cháy Bỏng Như Lửa Mặt Trời;...
Rồi thời gian năm tháng trôi đi, hàng cây sân trường Phan Châu Trinh yêu mến, chỉ còn là kỷ niệm, là hoài niệm của thầy của trò. Phúc phận từng người, rồi thời cuộc đưa đẩy, thầy gặp lại một học trò xinh đẹp xưa, xúc động viết lên nỗi lòng thương cảm xót xa số phận, đến bùi ngùi nghiệt ngã
Thưa Thầy Còn Nhớ Con Không?
"Chiều hôm nay dừng bước bên đường
Tôi gặp lại người học trò ba mươi năm trước
Người học trò không thể nào nhận ra được
Những bon chen nghiệt ngã đời thường
Đã biến một nữ sinh đẹp đẽ dễ thương
Thành một người đàn bà luống tuổi, phong sương
Dẫu son phấn cũng không che nổi
Mắt mệt mỏi quầng thâm
Nét tàn phai xuân sắc
Tôi lặng yên
Lòng thấy ngậm ngùi
Khi người học trò bật tiếng reo vui
Thưa thầy còn nhớ con không?
Chiều hôm nay ngừng giữa phố đông
Em đưa tôi trở về
Thời gian ba mươi năm trước
Những kỷ niệm vui buồn
Những yêu thương thắm thiết
Những âm thầm chứa chưa nói được
Những giờ chơi giờ học sáng chiều
Những điểm mười rộn rã bao nhiêu
Những điểm không một mình hờn dỗi
Cây phượng đỏ ngày xưa
Còn bên cửa lớp?
Hoa rụng bay bay vào giữa bàn thầy
Con bướm vàng lang thang sân chơi
Tiếng trống trường ngày nào giục giã
Có còn không như thuở em đi
Bạn bè ai có hẹn nhau về?
Thưa thầy còn nhớ con không?
Người thầy già cũng mãi long đong
Lo sốt vó cuộc đời cơm áo
Ngày đứng lớp
Tối về nhà bán chữ
Ngửa tay thu tiền từng đứa học trò
Đạo đức thánh hiền như con sóng xô
Đêm thao thức bắt tay qua trán
Tình với nghĩa sông khô biển cạn
Đã tàn phai theo năm tháng đổi thay
Đứng trước bảng đen tỉnh tỉnh say say
Thân thế đó ba chìm bảy nổi
Lòng thầy cứ ngổn ngang trăm mối
Thưa thầy còn nhớ con không?
Chiều hôm nay ở giữa phố đông
Có hai thầy trò ôm nhau
Mừng mừng tủi tủi
Tóc thầy trò cả hai đều bạc
Trong tao phùng chợt thấy thanh xuân
Giữa phố người qua kẻ lại chen chân
Em đưa tôi về ngôi trường mái ấm
Ở nơi đó ân tình rất đậm
Thầy khoan dung độ lượng vô bờ
Trò ngoan hiền, đùa giỡn vô tư
Mỗi giờ học là thiên đường dịu mát
Mỗi lời nói đều yêu thương rất mực
Mỗi mắt nhìn trìu mến vô song
Ngôi trường là thánh địa tuổi xuân
Thưa thầy còn nhớ con không?
Chiều hôm nay em như cơn mưa giông
Tưới mát tâm hồn thầy nứt nẻ
Người học trò rất xa thuở trẻ
Gặp hôm nay bỗng thấy rất gần
Lòng thầy già như được hồi sinh"
...
Nhà thơ Trần Hoan Trinh từng viết
"đóa hồng nào cho ta
sao đóa hồng tím ngắt”
Một ngày xấu trời Đà Nẵng, 06-8-2015, tôi đang đi tour nước ngoài thì được tin Thiên Chúa đã gọi thầy, thầy đã bỏ gia đình thân yêu, bỏ chúng tôi mà đi. Về nước, tôi liền xuống nhà thầy cúng hương, ngồi trò chuyện lâu bên cô. Nghe cô Quý Phẩm kể lại những ngày cuối cùng của thầy trong nước mắt và, cùng cô nhắc nhớ những chuyện vui buồn xa xưa...
Mãi tiếc thương người thầy tài hoa, biết bao lớp học trò QNĐN luôn nhớ người thầy đã gắn bó cả một đời phấn trắng bảng đen Phan Chu Trinh từ 1958 đến 1998, dạy thêm các trường tư khác trong thành phố. Thầy để lại mấy trăm bài thơ tâm huyết về nghề cầm phấn, về quê hương và thân phận, về học trò và tình yêu,...
Xin hãy đọc chậm rãi từng câu từng chữ viết ra từ trái tim yêu thương nồng cháy của thầy. Đọc mà nghe lòng rung động thổn thức và mãi nhắc nhớ một bậc tiền bối sinh ra để làm thầy và làm thơ!
Bỏ Trường Mà Đi
"ta đến khi tóc xanh
ta về khi tóc bạc
này, mai trên trường xưa
có một người thiếu mặt
ta đến hồn như trăng
ta về lòng như suối
cây sao già trên sân
ngươi thua ta một tuổi
bước đi trên hành lang
bước đi trong lớp học
cộng lại bằng con đường
nối vòng quanh trái đất
ta đã nói triệu lời
ta đã viết triệu câu
bóng hình ta khắp nơi
từng góc tường đóng bụi
ta lặng lẽ âm thầm
bốn mươi năm cửa lớp
còn gì cho ta đây
những ngày dài cỏ mục?
tiễn ta về hôm nay
hàng cây xanh cúi mặt
gốc phượng hồng ngẩn ngơ
học trò thì đâu mất
ơi tượng đồng lặng câm
người vô tri vô giác
sao hiểu được lòng ta
như sóng triều dào dạt
ơi phấn trắng bảng đen
thôi cũng đành vĩnh biệt
rồi năm tháng cuối đời
chắc nhớ người tha thiết
mai có ai khóc ta
khi về thăm trường cũ
cứ nhìn mây lưng trời
lắng tai nghe gió thổi
ta đến khi tóc xanh
ta về tóc đã bạc
đóa hồng nào cho ta
sao đóa hồng tím ngắt”
ĐN 8/2021
Lê Hoàng Phò