User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
truyenngankt
Thêm chú thích
 
Nghe danh nhà văn Khánh Trường đã lâu, biết ông là họa sĩ, điều đầu tiên tôi đi tìm là cái nhìn của người họa sĩ trong tập Truyện Ngắn Khánh Trường I.  Ông có những đoạn văn tả cảnh đầy màu sắc. 
 
“Bầu trời ửng sáng. Nắng rải xuống mặt đất màu vàng dịu. Nắng làm cho màu đỏ tấm pano quảng cáo trên mặt tường ngôi nhà bên kia đường hực lên rực rỡ, khiến thân thể trần truồng một trăm phần trăm của thiếu nữ nằm tênh hênh suốt chiều ngang tấm pano trở nên mời mọc quyến rũ hơn.”
 
Nhân vật là họa sĩ trong “Những Vòng Tròn Không Đồng Tâm”
 
“Tranh Huân bây giờ khác nhiều so với ngày trước, hình thể đã bị tước bỏ, và màu sắc cũng giới hạn đến mức tối đa. Tôi có cảm tưởng mỗi bức tranh là một công án Thiền. Đường nét lẫn vào nhau, bất chợt giữa nền tối thăm thẳm, bỗng bùng lên những vệt sáng, tỏa chiếu lãng đãng và làm méo lệch tất cả mọi vật thể. Biên giới của sự thật hình như không còn, hay nói khác hơn, sự thật dưới mắt nhìn Huân, đã biến thái hoàn toàn theo những rung động sâu thẳm nào đó.” Đọc Truyện Ngắn Khánh Trường Tập I
 
Vì ông cho biết trong một bài phỏng vấn, ông đã từng viết văn khiêu dâm để lấy tiền làm báo văn học nên tôi để ý đến những đoạn văn viết về tình dục. Tuyển tập có 18 truyện ngắn, trong đó có độ 6 hay 7 truyện viết đậm nét về tình dục. Người viết truyện với khuynh hướng tả chân tình dục là người bạo gan, dám viết, dám đi ngược lại khuynh hướng tránh va chạm các vấn đề thuần phong mỹ tục. Nhà văn tả chân tình dục thường bị gom vào nhóm viết truyện khiêu dâm, không được tôn trọng là nhà văn nghiêm túc. Nhà văn nghiêm túc là những người viết về quốc gia đại sự, về những chủ đề chạm vào tâm hồn con người mà nhà văn William Faulkner đã nêu ra như danh dự, lòng thương xót, công lý, sự can đảm, và tình yêu. Nếu tình yêu là chủ đề nghiêm túc, xin thưa, hầu hết 18 truyện ngắn của Khánh Trường đều viết về tình yêu, về mối quan hệ giữa hai người yêu nhau và đôi khi thù ghét nhau. Họ là đôi tình nhân, vợ chồng đã chán ngán nhau, rổ rá cạp lại của hai thân phận bất hạnh, nhà văn già với độc giả trẻ, anh lính hết thời với một cô đĩ, một cô gái 26 tuổi trong vai vế người dì, em của mẹ kế, có quan hệ tình dục với cậu bé 17 tuổi. 
 
Viết về tình yêu, đương nhiên thế nào cũng có những đoạn văn viết về tình dục. Ai đó đã nói, dục tính là nhân tính. Và trong nhân tính có Phật tính.
 
Tôi nhìn thấy một nhà văn Khánh Trường, rất nghiêm túc, dám viết những lời phê phán không sợ bị mất lòng. Ông tỏ vẻ phẫn nộ về hai câu hát; “tình cờ nằm chết như mơ” và “chỉ mới vừa bỏ cuộc đêm qua” khi viết về cuộc chiến tranh Việt Nam.
 
Trang 300 “Khi đào hầm lên, phải cố gắng lắm bọn lính mới gom được một đống thịt xương trộn lẫn cùng đất cát. Phần Kh., tôi chỉ nhìn ra hắn nhờ chiếc thẻ bài và hai cái hoa mai trên cổ áo. Cái chết đúng như lời một bài hát, chết thật tình cờ... Chết thật tình cờ! Phải, nhưng nhất định không nằm chết như mơ! Các ngài nghệ sĩ đôi khi lãng mạn một cách tàn nhẫn. Các ngài chẳng biết mẹ gì trận địa, thậm chí có ngài chưa từng thấy mặt ngang mũi dọc cây M-16 nó ra làm sao? Trái M-26 nó tròn méo thế nào so với trái MK- 3? Nên trí tưởng tượng của các ngài đôi khi làm bọn lính tráng chúng tôi những muốn văng tục. Chết như mơ!”
 
Trang 309 – 310 “Em không chết đâu, làm sao chết được. Anh cũng không chết đâu em, chỉ có Kh. mới vừa bỏ cuộc đêm qua. Đm văn chương chữ nghĩa giả cầy, không chết, bỏ cuộc, đm, Kh. chết nát bấy, Kh. chết chẳng toàn thây, thằng khốn nạn đâu có bỏ cuộc? Sức mấy bỏ cuộc, nhảy dù chịu chơi chơi tới cùng, đạn pháo dập thằng khốn tan xương. Chết tức tưởi, chết uất ức, bỏ cuộc cái đéo gì? Đm lại một anh nghệ sĩ mặc si vin làm lính kiểng luẩn quẩn loanh quanh ở mấy phòng trà!”
 
Trang 342 phê phán cựu lãnh đạo VNCH thật nghiêm khắc.
 
“Trước ngày Ba Mươi tháng Tư, trong khi vị Phó Tổng Thống tuổi trẻ tài cao lên đài kêu gọi đồng bào chiến hữu hãy siết chặt hàng ngũ, cùng ông ta chiến đấu đến giọt máu cuối cùng (cũng may, sau bài diễn văn lịch sử ngùn ngụt lửa đó, ngài liền vội vã leo lên trực thăng bay một lèo ra Đệ Thất Hạm Đội, nếu không, đất nước Việt Nam đã trở thành bãi tha ma ngổn ngang xác chết, vì nhất định con dân của đấng hùng anh này sẽ noi gương Ngài mà chiến đấu đến giọt máu cuối cùng), thì Ngài Tỉnh Trưởng đã khăn gói vòng vàng cùng vợ con xuống tàu dông tuốt ba bốn ngày trước. Từ đó đến nay, qua bao nhiêu thăng trầm dâu bể, ngài bôn ba thân trai đất lạ quê người qua khắp mọi tiểu bang, làm đủ mọi nghề ngỗng vẫn chẳng khá, cuối cùng phải mu về đây.”
 
Tiểu sử Khánh Trường cho thấy bên cạnh là nhà văn và họa sĩ, ông còn là người lính, và người tị nạn, nhờ thế nhân vật của ông cũng rất đa dạng từ người thợ đến kẻ tật nguyền, từ ông nhà giàu có tiền thuê bao gái đến một tên ma cô hết thời bị đĩ khinh. Ông có cái nhìn sắc bén của một người đàn ông căm ghét những người phụ nữ không sống đúng theo qui luật xã hội.
 
“Mẹ. Cứ tưởng tượng cái cảnh bà ấy õng a õng ẹo se sua quần áo, du du mi mi, cắt mắt nâng mũi, độn mông bơm ngực, xâm mày xâm mắt, tôi đủ nổi da gà. Đành rằng làm đẹp là một nhu cầu chính đáng, nó giúp duy trì hạnh phúc gia đình. Nhưng cũng tùy tuổi có phải không ông? Tôi từng nhìn thấy nhiều mụ già khú đế, già có hột, sắp chống gậy đến nơi, vậy mà tối ngày sáng đêm loay hoay mãi với cái nhan sắc đã vô phương cứu vãn, thậm chí có mụ còn chơi trội, nhuộm tóc vàng au, ăn mặc xếch xi thỗn thện trông phát ớn lạnh. Ấy là chưa kể, chồng con hơi to tiếng một chút, đã vội thực thi ngay quyền bình đẳng bằng cách nhảy xổ đến máy điện thoại, hùng hổ bấm ngay 911. Trời ạ! Kể như từ chết đến chết. Thôi, văn minh bình đẳng theo chiều hướng đó nhất định không có tôi.”
 
Viết về tình dục là con dao hai lưỡi. Tả chân những màn yêu đương cụp lạc dễ được chú ý nhưng khó được khen ngợi, và nhất là không được đưa vào văn học sử. Có lẽ người học văn chương nên được tự do, tùy theo sở thích, chọn đề tài nghiên cứu viết về tình dục. Với nhà văn nam, viết về tình dục đã là chạm vào giới cấm, với nhà văn nữ càng bị phê phán khắc nghiệt hơn. 
 
Trong những truyện có khuynh hướng tả chân tình dục của Khánh Trường tôi chú ý hai truyện Mưa Đêm và Chung Cuộc. Mưa Đêm là mối quan hệ giữa gã ma cô và cô điếm. Chung Cuộc giữa một người tật nguyền, cụt hai chân, với một người đàn bà góa. Điểm chung của hai truyện này là tâm lý phức tạp của hai đôi tình nhân. Họ vừa yêu nhau vừa thù ghét khinh bỉ lẫn nhau. Người đàn bà góa cần người đàn ông cụt chân, cô gái điếm cũng cần gã ma cô, chỉ vì tình dục. Mỗi lần giao hoan là mỗi lần nhân vật cảm thấy nhục nhã, sau đó lại tiếp tục say đắm trong những lần thù ghét sau đó. Mối quan hệ của nhân vật thật đen tối khiến người đọc có cảm giác bị bào mòn với những cảm xúc tiêu cực.
 
“Tôi căm thù anh.” “Tôi biết.” “Vì anh, tôi biến thành con đĩ.” “Điều này sai. Trong mỗi người đàn bà đều có một con đĩ. Vấn đề là với một hay nhiều người.” “Đừng triết lý ba xu. Nếu anh không dọn đến nhà này, làm gì nên chuyện?” “Không nên chuyện với tôi thì cũng sẽ với ai đó. Sớm muộn thôi.” “Anh vô liêm sỉ như thằng ma cô.” “Cảm ơn, ma cô với đĩ như môi với răng. Môi hở răng lạnh.”
 
Thật khó mà nhận định, viết về tình dục như thế nào thì hay cũng như khó đồng ý với nhau lằn ranh giữa khiêu dâm và gợi cảm. Đa số những nhà văn tên tuổi của Mỹ đều đồng ý rằng viết mãi những động tác của hai người đang yêu nhau sẽ trở thành nhàm chán. Người đọc có khuynh hướng bảo thủ thường thích những nét khái quát đơn sơ hơn tả chân. Viết ít, tả sơ qua có thể gợi tưởng tượng của người đọc hơn, thí dụ như tả cái bắp chân của người đàn bà trắng như bụng cá của nhà văn Võ Phiến, cái bớt đen đầy lông trên ngực trái trong tấm áo kimono của người đàn bà trong truyện của Kawabata, theo thiển ý, dễ được tiếp nhận hơn.
 
Thật ra, tình dục trong Truyện Ngắn Khánh Trường không đến nỗi làm người đọc nhăn mặt, lật vội vài ba trang sách để lẩn tránh. So với những đoạn văn tình dục trắng trợn của Murakami, Khánh Trường viết đẹp hơn. Người phụ nữ trần truồng qua nét bút của Khánh Trường có vẻ đẹp khuôn mẫu của những nàng Vệ Nữ trong tranh của châu Âu. Võ Phiến tinh tế hơn với những ngón chân cong, hay chỉ với mái tóc thật dày. Nhân vật của Trần Thị Ngh. khi hôn nhau dính nước bọt thì lấy tay áo quẹt lau đi. Lấy đi những động tác ái ân của nhân vật trong Chung Cuộc, xóa đi những thù ghét khinh bỉ đặt lên bản thân và người tình, thì kết cuộc truyện vẫn không thay đổi, có nghĩa là tình dục và những hệ lụy của tình dục không phải là mấu chốt của truyện. Hai nhân vật, kẻ tật nguyền và người góa bụa, có thể yêu nhau chân chính, giúp đỡ nương tựa lẫn nhau, không cần phải ghét bỏ ghê tởm nhau để đi đến kết cuộc tốt đẹp, hạnh phúc như truyện cổ tích. Như thế, với một số người truyện có thể hay hơn dễ đọc hơn. Và với một số người khác, truyện rơi vào sự bình thường, quen thuộc, dễ gây nhàm chán. 
 
Hầu như truyện nào Khánh Trường cũng đi ngược lại những khuôn mẫu văn chương đã được chấp nhận.  Người đọc sẽ đôi lúc cảm thấy khó chịu với quan điểm sắc nhọn của Khánh Trường về đàn bà, đàn ông, và xã hội, nhưng truyện ngắn của ông không mang đến cảm giác quen thuộc và gây nhàm chán. Người đọc có thể vừa đọc vừa khó chịu cũng như nhân vật của ông vừa thù ghét vừa say mê trong những cuộc giao hoan.
 
Nhị Ngã
9/24/2022
 

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com