User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
Một ngạc nhiên thích thú cho kẻ yêu thơ là thấy được in lại tại Hoa Kỳ những tập thơ của các thi sĩ tiền chiến, mà các bản chính chỉ thấy trong một số thư viện lớn hoặc thư viện riêng của một số học giả hay của những nhà sưu tập sách quý. Trong số những tập thơ in lại bằng phương pháp chụp ảnh toàn trang có tập thơ “Ngày Xưa” của Nguyễn Nhược Pháp, lần đầu xuất bản năm 1935.
 
nguyennhuocphapphantrongle
Hình 1. Nguyễn Nhược Pháp
 
Theo Phạm Thanh trong Thi Nhân Việt Nam Hiện Đại, Quyển I, Sống Mới xuất bản 1959, in lại tại Hoa Kỳ không đề năm, trang 219, thì Nguyễn Nhược Pháp sinh năm 1914, con trai học giả Nguyễn Văn Vĩnh, đỗ bằng Tú Tài Pháp năm 20 tuổi rưỡi, làm thơ từ năm 16 tuổi. Theo ngày tháng đề cuối những bài thơ trong tập Ngày Xưa thì Nguyễn Nhược Pháp làm xong phần lớn những bài thơ trong tập thơ này trong năm 1933, lúc ông 19 tuổi. Ông mất ngày 19 tháng 11 năm 1938, còn gần một tháng nữa thì đầy 24 tuổi vì bịnh lao hạch lúc ông đang là sinh viên Luật Khoa và viết báo để kiếm thêm tiền. Ngoài tập thơ ông còn viết nhiều truyện ngắn và kịch.
 
Qua mười bài thơ trong tập Ngày Xưa (mà bài nổi tiếng nhất, “Chùa Hương,” đã được phổ nhạc bởi nhạc sĩ Trần Văn Khê), ta được đưa vào một thế giới của huyền thoại, của tình yêu, của một quá khứ xa xôi mà các tân khoa, sau khi yết bảng, được vua cho đi thăm hoa, có lọng đưa, được các nàng trâm anh từ lầu gieo cầu ngũ sắc chọn ý trung nhân.
 
nguyennhuocphapphamtrongle
Hình 2. Cầm tay tập Ngày Xưa của Nguyễn Nhược Pháp
 
Ngày Xưa là một tập thơ lấy huyền thoại làm bối cảnh cho những chuyện tình. Hãy nghe câu mở đầu bài “Sơn Tinh, Thủy Tinh”:
 
Ngày xưa khi rừng mây u ám,
Sông núi còn um vang tiếng thần,
Con vua Hùng Vương thứ mười tám,
Mỵ Nương xinh như tiên trên trần.
 
Theo tục truyền thì Sơn Tinh tới trước rước được Mỵ Nương. Thủy Tinh tới sau, giận dữ dâng nước bể cướp lại. Dân gian cho vì vậy mà hàng năm có lụt. Nhưng qua bài thơ, ta thấy thần nhân cũng như người phàm tục như chúng ta, cũng biết dùng ngôn ngữ của loài người, và biết tôn trọng lễ nghi cưới hỏi:
 
Sơn Tinh, Thủy Tinh lòng tơ vương.
Không quản rừng cao sông cách trở,
Cùng đến Phong Châu xin Mỵ Nương.
 
Sơn Tinh có một mắt ở trán,
Thủy Tinh râu ria quăn xanh rì.
Một thần phi bạch hổ trên cạn,
Một thần cưỡi lưng rồng uy nghi,
 
Hai thần bên cửa thành thi lễ,
Hùng Vương âu yếm nhìn con yêu.
Nhưng có một nàng mà hai rể,
Vua cho rằng thế cũng hơi nhiều!
 
Đọc đến đây, độc giả tự hỏi: Mỵ Nương với vẻ đẹp như tiên – “Tóc xanh viền má hây hây đỏ / Miệng nàng bé thắm như san hô / Tay ngà trắng nõn, hai chân nhỏ. / Mê nàng bao nhiêu người làm thơ” – sao nàng có thể chịu lấy hai vị thần có “dị tướng” như vậy? Nhưng có thể giải thích được. Một là, theo huyền thoại, Mỵ Nương “là giống tiên! Kẻ nào tài đức gồm đủ mới có thể làm rể được!” (Ngô Sĩ Liên, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Ngoại Kỷ, bản dịch của Nhượng Tống (1944), Đại Nam in lại tại Hoa Kỳ, tr. 38). Hai là, tuy tướng mạo rất dị kỳ, nhưng hai vị thần lại đầy tài năng, và sức mạnh; đó là những điều kiện của việc hôn nhân trong các bộ lạc ngày xưa mà mục đích chính là để có dòng giống mạnh cho tương lai, ở vào thời tiền sử khi dân còn sống trong những bộ lạc và khi mà sức mạnh và tài năng của người tù trưởng thường là yếu tố định đoạt sự sinh tồn của một dòng giống.
 
Nhưng cảm quan thú vị mà người đọc được thưởng thức khi đọc bài thơ này là thấy vua và thần có những cử chỉ rất gần với người thường. Khi xin cưới vợ, thần cũng khoe khoang mình giỏi trước người đẹp:
 
Thủy Tinh khoe thần có phép lạ,
Dứt lời, tay hất chòm râu xanh,
Bắt quyết hò mây to nước cả,
Giậm chân rung khắp làng gần quanh.
 
Còn Sơn Tinh thì:
 
Sơn Tinh cười xin nàng đừng lo,
Vung tay niệm chú: núi từng dãy,
Nhà lớn, đồi con, lổm ngổm bò.
 
Còn nhà vua, trước mối khó nghĩ, không biết gả con gái cho vị thần nào, vì cả hai xem ra đều oai hùng cả, bèn chọn một chước là ai đến trước thì được gả Mỵ Nương. Chước này vua nghĩ ra sau khi “Chạy mưa, Vua tùy con kén chọn”:
 
Vua nghĩ lâu hơn bàn việc nước
Rồi bảo mai khi trời nhuộm sương,
Lễ vật thần nào mang đến trước,
Vui lòng vua gả nàng Mỵ Nương.
 
Một điểm thú vị nữa là tính nhân cách hoá thú vật và loài thủy tộc. Đây là cảnh Sơn Tinh:
 
Sơn Tinh ngồi bạch hổ đi đầu,
Mình phủ áo bào hồng ngọc dát,
Tay ghìm cương hổ, tay cầm lau.
Theo sau năm chục con voi xám,
Hục hặc, lưng cong phủ gấm điều,
Tải bạc, kim cương, vàng lấp loáng,
Sừng tê, ngà voi và sừng hươu.
 
Còn Thủy Tinh thì:
 
Thoảng gió vù vù như gió bể,
Thủy Tinh ngồi trên lưng rồng vàng.
Yên gấm tung dài bay đỏ chóe,
Mình khoác bào xanh da trời quang.
 
Theo sau cua đỏ và tôm cá
Chia đôi năm mươi hòm ngọc trai,
Khập khiễng bò lê trên đất lạ,
Trước thành tấp tểnh đi hàng hai.
 
Dẫu là thần nhưng khi mất ngưởi yêu cũng ghen và giận như người phàm tục. Và còn ghê gớm hơn nữa! Thủy Tinh “thúc rồng đau kêu rú”, dâng nước lên đánh Sơn Tinh:
 
Co hết gân nghiến răng, thần quát:
“Giết! Giết Sơn Tinh hả hờn ta!”
Tức thời nước sủi reo như thác,
Tôm cá quăng ngọc trai mà hoa.
………….
Cá voi quác mồm to muốn đớp,
Cá mập quẫy đuôi cuồng nhe răng,
 
Càng cua lởm chởm giơ như mác,
Tôm kềnh chạy quắp đuôi xôn xao.
 
Sơn Tinh, cũng theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Ngọai Kỷ, “dùng phép thần thông biến hóa gọi được người Mán, đem tre làm phên chống nước… Lại dùng nỏ để bắn… Các giống có vẩy, có mu, trúng tên chạy tránh, rút lại không sao xâm phạm nổi.” (tr. 38). Trong huyền thoại thì như vậy, còn trong thơ của Nguyễn Nhược Pháp thì Sơn Tinh:
 
Niệm chú, đất nẩy vù lên cao
Hoa tay thần vẫy hùm, voi, báo.
Đuôi quắp, nhe răng, giơ vuốt đồng.
Đạp long đất núi, gầm xông xáo,
Máu vọt phì reo muôn ngấn hồng.
 
Trước cảnh tranh giành đó, Mỵ Nương kinh hãi, than “Ô! Vì ta!”
 
Ngoài tính cách dùng huyền thoại (lấy chuyện Sơn Tinh Thủy Tinh được dân gian truyền tụng để giải thích nạn nước lũ ở mạn ngược đổ xuống hàng năm tràn vào đồng bằng, ngập mất cả ruộng đất hoa màu), bài thơ còn cho ta thấy một mẫu người đẹp, biết vâng lời phụ vương (“Con đây phận đào thơ bé mọn/Nhân duyên cúi để quyền mẹ cha.”) Khi lên kiệu hoa còn “Lầu son nàng ngoái trông lần nữa/Mi xanh lệ ngọc mờ hơi sương.”
 
Về mặt văn chương, bài thơ còn là một biểu tượng cho nguyên tắc căn bản của văn chương Việt và văn chương Trung Hoa: đó là nguyên tác cân xứng và nguyên tắc tương phản. Hãy xem đoạn tả Sơn Tinh và Thủy Tinh ở trên. Hai nguyên tắc này còn còn tượng trưng một vũ trụ quan Á Đông mà trong đó trật tự thiên nhiên, xã hội, và trong lòng người dựa trên hai yếu tố cân bằng và tương phản.
 
Tình yêu và huyền thoại là thi liệu được tận dụng trong tập thơ Ngày Xưa. Và đó cũng là đầu đề bài thơ “Mỵ Châu” và ‘Giếng Trọng Thủy”. Ta hãy ôn lại dã sử: Tục truyền rằng vua An Dương Vương xây Loa Thành, có yêu quái quấy nhiễu, xây mãi không được, sau có thần Kim Qui trừ được yêu quái, mới xây xong. Rùa thần lại cho nhà vua một cái móng làm lẫy nỏ, khi nào có giặc đến thì đem cái nỏ ấy ra bắn một phát, giết chết hàng vạn người.
 
Triệu Đà, lúc ấy ở phía Nam nước Tàu, đánh mãi không được bèn dùng kế cho con trai là Trọng Thủy sang lấy con gái An Dương Vương là Mỵ Châu. Trọng Thủy dỗ Mỵ Châu xem trộm nỏ thiêng, ngầm làm hỏng lẫy và đổi nó bằng một cái lẫy nỏ khác thay cho vuốt rùa. Đoạn mượn cớ về phương Bắc thăm cha mẹ, bảo Mỵ Châu rằng: “Ân tình của vợ chồng không thể quên nhau được… Nếu hai nước mất sự hòa hảo, Nam Bắc trở nên cách biệt, làm thế nào mà gặp được nhau?” Mỵ Châu đáp: “Thiếp có chiếc chăn gấm lông ngỗng, thường khoác ở mình. Đi đến đâu sẽ nhổ lông vất xuống ngả đường rẽ, để bảo cho chàng biết…” (ĐVSKTTNK, tr. 65). Khi Triệu Đà đem quân sang đánh, An Dương Vương không biết lẫy nỏ đã mất, vừa vẫy cờ vừa cười: “Đà không sợ nỏ thần của ta sao?” Quân Đà bước đến gần, nhà vua đem nỏ thần ra bắn, thì lẫy nỏ đã gẫy rồi! Liền thua chạy… Cho Mỵ Nương ngồi trên ngựa, cùng nhà vua chạy về Nam… Nhà vua đến bãi biển, đường cùng, không có thuyền bè, luôn miệng kêu: ”Rùa vàng! Mau lại cứu ta!” Rùa vàng nhoai lên mặt nước quát: “Đứa ngồi sau ngựa kia chính là giặc đó! Sao chẳng giết nó đi!” Nhà vua rút gươm toan chém Mỵ Châu. Mỵ Châu khấn: “Một lòng trung tín mắc lừa người ta! Xin hóa làm ngọc trai, để rửa mối thù nhục cho nhà này!” Nhà vua đành phải chém nàng. Máu chảy xuống nước, loài trai hớp vào ruột liền hóa ra ngọc trai trong sáng… Trọng Thủy đuổi kịp, thấy Mỵ Châu đã chết, khóc nức nở, ôm xác về chôn ở Loa Thành, hóa thành tảng ngọc thạch. Trọng Thủy thương tiếc Mỵ Châu, trở về nơi nàng trang điểm, tắm gội, tưởng nhớ khôn hàn! Rồi lại gieo mình xuống đáy giếng mà chết! Người đời sau được ngọc trai ở biển Đông đem rửa bằng nước giếng ấy thì màu càng thêm sáng suốt! (Sách đã dẫn, tr. 67).
 
Đây là mối tình của hai kẻ khác xứ (Mỵ Châu giống Việt, Trọng Thủy gốc Tàu), yêu nhau mà hai xứ cừu địch, chàng vì lệnh của cha làm gián điệp, nàng vì nhẹ dạ phải thác oan. Chàng sau khi hoàn thành công tác giao phó, theo lông ngỗng đưa đường tới, thấy nàng bị chém, ôm xác vợ rồi gieo mình xuồng giếng tự trầm. Thi sĩ đã sửa đổi câu chuyện “Mắc lừa” thành một mối tình thiên thu trong đó hai kể yêu nhau lấy cái chết để nói lên tình yêu bất hủy diệt của mình.
 
Đêm hôm gió khóc thổi ru cành:
Núi bọc âm thầm, bể uốn xanh.
Hiu hắt Mỵ Châu nằm, trăng phủ,
Ầm ầm sóng thảm vỗ vờn quanh.
………..
 
Thiêm thiếp ai bên đường, hỡi ôi!
Chàng ôm khóc nghẹn chẳng ra lời,
Đầu non mây bạc êm đềm phủ,
Phơn phớt hồn em bay, ngậm cười.
“Mỵ Châu”
 
Đêm khuya gió lốc mây đen vần,
Cỏ lướt gieo mình vực giếng thâm;
Trọng Thủy nằm trên làn nước sủi,
Tiếng mõ cầm canh xa âm thầm.
“Giếng Trọng Thủy”
 
“Ngày Xưa” còn gợi lại cho người đọc nhớ lại một dĩ vãng xa xôi. Đây là cảnh chàng tân khoa, sau khi được “bảng hổ đề danh”, võng lọng nghênh ngang, đi dưới đường phố, trên lầu các thiếu nữ đang gieo cầu ngũ sắc, hy vọng chọn người tài trai.
 
Rồi bao nhiêu nàng yểu điệu
Ngấp nghé bay trên lầu
Vừa leng keng tiếng ngựa,
Lẹ gót tiên gieo cầu.
 
Tay vơ cầu ngũ sắc,
Má quan nghè hây hây.
Quân hầu reo chuyển đất,
Tung cán lọng vừa quay.
 
Trên lầu mấy thị nữ
Cùng nhau khúc khích cười
“Thưa cô đừng thẹn nữa,
Quan Nghè trông lên rồi!”
 
Cúi đầu nàng tha thướt,
Yêu kiều như mây qua.
Mắt xanh nhìn man mác,
Mỉm cười vê cành hoa.
“Tay Ngà”
 
Nếu nàng công chúa trong “Sơn Tinh, Thủy Tinh” đẹp và kiều mị, khi lên kiệu hoa “Nhìn quanh, khói tỏa buồn man mác/Nàng kêu Phụ Vương ôi! Phong Châu!” thì người thiếu nữ trong “Chùa Hương” mới 15, những đã biết mình đẹp:
 
Em tuy mới mười lăm
Mà đã lắm người thăm,
Nhờ mối mai đưa tiếng,
Khen tươi như trăng Rằm.
 
Nàng là một thiếu nữ thành thật, biết làm đỏm, có chút lãng mạn và ước vọng giản dị. Thoạt thấy một thanh niên cùng đi đò, trong dịp viếng chùa Hương cùng cha mẹ, nàng đã xét người trong mộng qua dáng dấp bên ngoài, đúng như câu tục ngữ thường nói: “Xem mặt mà bắt hình dong/Con lợn có béo thì lòng mới ngon”:
 
Người đâu thanh lạ nhường!
Tướng mạo trông phi thường.
Lưng cao dài, trán rộng
Hỏi ai nhìn không thương?
 
Từ cách chàng lễ phép chào mẹ nàng, đến cách chàng ngâm thơ khiến cha nàng phải khen, đến khi viết bài thơ liên hoàn lên cột khiến nàng đọc rồi nhớ, chàng đã dần dần chinh phục được lòng nàng:
 
Dòng sông nước đục lờ,
Ngâm nga chàng đọc thơ.
Thầy khen: “Hay! Hay quá!”
Em nghe rồi ngẩn ngơ.
 
Trong cái xã hội trọng lễ giáo và học thức, người con gái đã mơ tưởng hình ảnh người chồng văn nhân, có cốt cách như cha mình: chàng ăn nói lịch sự, vẻ phong lưu (có tiểu đồng mang túi thơ bầu rượu đi theo). Nàng để ý đến dáng đi của mình:
 
Em đi, chàng theo sau,
Em không dám đi mau,
Ngại chàng chê hấp tấp,
Số gian nan không giàu.
 
Tất cả những cử chỉ chàng săn sóc mẹ nàng đã làm nàng cảm động, và chàng dường như đã chiếm được tim nàng:
 
Vì thương me quá mệt,
Săn sóc chàng đi theo.
Me bảo: “Đường còn lâu,
Cứ vừa đi ta cầu
Quan Thế Âm Bồ Tát
Là tha hồ đi mau!”
 
Em ư? Em không cầu,
Đường vẫn thấy đi mau,
Chàng cũng cho như thế.
(Ra ta hợp tâm đầu).
 
Chả thế mà khi người cha bảo hôm sau sẽ về, nàng đã bàng hoàng như tan một giấc mộng đẹp, trong tâm ước vọng được kết duyên cùng chàng văn nhân để “đường lên giời” trong chùa Hương như con đường của hai kẻ yêu nhau.
 
Em nghe bỗng rụng rời
Nhìn ai luống nghẹn lời!
Giờ vui đời có vậy,
Thoảng ngày vui qua rồi!’
 
Làn gió thổi hây hây,
Em nghe tà áo bay,
Em tìm hơi chàng thở,
Chàng ôi, chàng có hay?
 
Đường đây kia lên giời,
Ta bước tựa vai cười.
Yêu nhau, yêu nhau mãi!
Đi, ta đi, chàng ôi!
 
Rất may là thi sĩ với lòng khoan hồng và óc khôi hài nhẹ nhàng, đã dí dỏm cho độc giả biết một happy ending, kết quả của chuyện tình ngây thơ của người thiếu nữ mười lăm tuổi, coi tình yêu là một nơi thoát hoàn cảnh gia đình, và như một khởi đầu cho một gia đình mới, gia đình của chính nàng, bằng lời chú thích sau bài thơ:
 
(Thiên ký sự đến đây là hết. Tôi tin rồi hai người lấy nhau, vì không lấy được nhau thì cô bé còn viết nhiều. Lấy nhau rồi là hết chuyện.)
 
Như nhà phê bình Hoài Thanh trong Thi Nhân Việt Nam đã viết, “người đọc mường tượng như nghe thấy “tiếng khúc khích cười, nụ cười hiền lành thanh tao.” Trong tia mắt nghịch ngợm của Nguyễn Nhược Pháp còn kèm theo một nụ cười bao dung. Vì người thiếu nữ ngây thơ như thế và chỉ có một giấc mơ giản dị như thế (Em cầu xin Trời Phật/Sao cho em lấy chàng”) sao có thể để cho phải chịu nỗi đắng cay của một tình yêu ban đầu chớm nở bị tan vỡ. Cái dí dỏm của thi sĩ còn thấy nơi hai câu cuối bài “Sơn Tinh, Thủy Tinh”:
 
Thủy Tinh năm năm dâng nước bể,
Đục núi hò reo đòi Mỵ Nương.
Trần gian đâu có người dai thế,
Cũng bởi thần yêu nên khác thường!
 
Tóm lại, qua tập thơ Ngày Xưa, người đọc gặp những vần thơ nhẹ nhàng- đôi lúc hài hước, khiến ta phải bật cười thành tiếng* – gói ghém một quá khứ xa xăm, của lịch sử, của huyền thoại, ở vào thời u minh mới lập quốc, dường như đã có lễ giáo, trật tự, ở vào thời mà con người tin rằng thần nhân và người phàm tục còn sống chung, mà những chuyện như Sơn Tinh, Thủy Tinh nằm trong địa hạt huyền thoại mà nhà huyền thoại học Joseph Campbell, tác giả các cuốn The Hero With a Thousand Faces (Người Hùng Với Ngàn Bộ Mặt), và The Masks of God (Mặt Nạ Của Thượng Đế) cho đó là “tiềm năng của cả một dân tộc” mà những nhà làm phim như George Lucas, người tạo bộ phim Star Wars và bộ Indiana Jones đã biết tận dụng.
 
Người đọc cùng cảm thấy một mối sầu man mác như thấy mất một cái gì. Trong bài “Mây”, Nguyễn Nhược Pháp cũng chia sẻ hoài cảm này khi khoa học và kỹ thuật đã làm giảm đi lòng kinh sợ thần linh của con người khiến ngay đám mây ngày nay cũng có một ý nghĩa khác:
 
Người xưa mơ, nhìn mây
Đen, đỏ, vàng đua bay,
Khi thấy nhiều ma quỷ,
Lời than giời tung bay.
 
Khi thấy hồn người thân
Nhìn mây lệ khôn cầm!
Trên bầy xe tứ mã,
Tiếng bánh lăn âm thầm;
 
Khi thấy muôn nàng tiên
Lồng lộng màu thanh thiên!’
Véo von trầm tiếng địch
Lửa hồng vờn áo xiêm.
 
Ngày nay ta nhìn mây,
Mây đen luồng gió lay
Hồn xưa tìm chẳng thấy
Tóc theo luồng gió bay…
 
Dù con người đã đạt được những kết quả vượt bực về khoa học và kỹ thuật, đã rút ngắn thời gian và không gian, và với máy điện tử, đã thay thế trí nhớ con người, nhưng những tình cảm bất diệt như tình yêu, lòng thương giữa chồng vợ, tình hoài hương (“Sứ bỗng nhìn quanh buồn ủ rũ/Xa xa ngọn cờ vàng phất phơ/Vợ con ở chân trời mây phủ/Hẳn đang nhìn bóng nhạn mong chờ”— bài “Đi Cống, tr. 70), và vẻ đẹp dịu dàng của người thiếu nữ chưa chồng (“Khăn nhỏ đuôi gà cao/Em đeo dải yếm đào/Quần lĩnh, áo the mới/Tay cầm nón quai thao”– bài “Chùa Hương” tr. 77), tuy là những hình ảnh của một thời xa xưa, nhưng dường như vẫn còn làm rung động kẻ đọc thơ hôm nay.
 
nguyennhuocphapphamtrongle1
Hình Ngày Xưa của Nguyễn Nhược Pháp hình bìa
 
Cảo Thơm xuất bản lần thứ hai, Saigon, 1988, Đại Nam in lại tại Glendale, California, Hè 1986, 95 trang, 4 phụ bản của họa sĩ Thái Tuấn, Hồ Hải trình bày, giá bán 8 Mỹ Kim. Bản điện tử có thể đọc trên mạng tại http://www.thivien.net/nguyen-nhuoc-phap
 
Chú thích
 
1) Hoài Thanh và Hoài Chân, Thi Nhân Việt Nam (1942), nhận xét về thơ Nguyễn Nhược Pháp:
 
“Thơ in ra rất ít mà được người ta mến rất nhiều, tưởng không ai bằng Nguyễn Nhược Pháp… Đọc thơ NNP lúc nào cũng hình như có thoảng thấy bóng người đương khúc khích cười…cái cười hiền lành và thanh tao…nụ cười trên miệng bao giờ cũng cũng kèm theo một ít cảm động trong lòng.”
[com/sachvui-686868666888/ebooks/2018/pdf/Sachvui.Com]
 
2) Độc giả có thể nghe bài “Đi Chùa Hương” thơ Nguyễn Nhược Pháp, nhạc Trần Văn Khê, ca sĩ Ý Lan ca tại:
youtube.com/watch?v=7cSDDEJjJq4
 
 
 
3) Xem bài phỏng vấn của Nhật Hoa Khanh “Đi Chùa Hương của Trần Văn Khê” tại:[http://vnmusic.com.vn/p571-di-chua-huong-cua-tran-van-khe.html.]
 
nguyennhuocphapphamtrongle2
Hình Đi Chơi Chùa Hương, nhạc Trần Văn Khê
 
Bài thơ được phổ nhạc năm 1946. Sau nhà xuất bản Tinh Hoa qua nhạc sĩ Lê Thương xin xuất bản, lần đầu 2000 bản, và tái bản và gửi tác quyền cho nhạc sĩ Trần Văn Khê lúc đó đang trị bịnh tại Pháp.
 
4) Câu chuyện Chùa Hương qua thi phẩm Nguyễn Nhược Pháp. Xem xuất xứ bài thơ “Chùa Hương” trong:
wordpress.com/2017/04/11/cau-chuyen-chua-huong
 
Trong cuốn “Văn thi sĩ tiền chiến” của nhà thơ Nguyễn Vỹ chủ nhiệm bán nguyệt san Phổ Thông từng là bạn chơi thân với Nguyễn Nhược Pháp, vì Nguyễn Vỹ chỉ hơn Nguyễn Nhược Pháp 4 tuổi. Ta có thể xác định được thời điểm ra đời của thi phẩm “Chùa Hương” vào khoảng năm 1935. Xuân Ba kể về xuất xứ bài thơ như sau:
 
“Hội chùa Hương năm 1934, ông cùng nhà văn Nguyễn Vỹ và hai người bạn nữ sinh Hà thành đi trẩy hội. Đến rừng mơ, hai văn nhân gặp một bà mẹ và cô con gái độ tuổi trăng rầm vừa bước lên những bậc đá vừa niệm phật “Nam Mô Cứu Khổ Cứu Nạn Đại Từ Bi Quan Thế Âm Bồ Tát”.
 
Vẻ đẹp thánh thiện mang nét chân quê của cô gái đã hớp hồn hai chàng thi sĩ khiến họ trân trân nhìn quên cả hai bạn gái cùng đi.
 
Nguyễn Nhược Pháp lại gần hỏi:
 
- Tại sao trông thấy chúng tôi cô lại không niệm Phật nữa?
 
Cô gái bối rối, thẹn thùng như muốn khóc. Hai người bạn gái gọi hai chàng để đi tiếp nhưng họ đã bị hớp hồn, tai còn đâu nghe thấy. Giận dỗi, họ bỏ đi. Lúc bừng tỉnh, hai văn nhân không thấy các cô đâu, vội len thốc len tháo, lách qua những dòng người đang trẩy hội nhưng tìm đâu cho thấy. Mệt và ngán ngẩm, hai thi sĩ quay lại tìm cô gái chân quê thì cả hai mẹ con cũng đã lẫn vào dòng người.
 
Đêm đó, Nguyễn Nhược Pháp không sao chợp mắt được. Hình ảnh cô gái chân quê đi chùa Hương khiến ông xúc động viết lên những vần thơ có sắc màu tươi vui, hình ảnh ngộ nghĩnh, cả hồn người lẫn vẻ đẹp của ngày xưa hiện lên từng câu, từng chữ.”
 
nguyennhuocphapphamtrongle3
Hình 5. Đỗ Thị Bính
 
5) Nguồn thi hứng của những bài thơ như bài Chùa Hương có phải là cô bé mà thi sĩ đã gặp khi đi trẩy hội chùa Hương, như Nguyễn Vỹ kể lại hay là mối tình “câm” của thi sĩ với cô Đỗ Thị Bính, một giai nhân trong “tứ đại mỹ nhân” Hà thành, xin xem “Cô Bính Hàng Đẫy: Bí Mật Cuộc Đời Của Tứ Đại Mỹ Nhân Hà Thành,” tác giả Lê Anh, đăng trong:
 
Viết xong tại Virginia 6/20/1992; bổ chính 6/14/2018.
Phạm Trọng Lệ
 
Bibliography and Photo Credits Nguyễn Nhược Pháp
Cầm Tập  Ngày Xưa Nguyễn Nhược Pháp minh hoa
Hình bìa Ngày Xưa
Đỗ Thị Bính
 
Đi Chơi Chùa Hương trình bày Mai Hương
 
Đi Chơi Chùa Hương trình bày Thanh Lan
 
Đi Chơi Chùa Hương (“Chùa Hương”) – Thi sĩ Nguyễn Nhược Pháp & Nhạc sĩ Trần Văn Khê
 
Đi Chơi Chùa Hương
 
Hôm nay đi chùa Hương
Hoa cỏ mờ hơi sương
Cùng thầy me em dậy
Em vấn đầu soi gương
 
Khăn nhỏ, đuôi gà cao
Lưng đeo dải yếm đào
Quần lĩnh, áo the mới
Tay cầm nón quai thao
 
Mẹ cười: “Thầy nó trông
Chưn đi đôi dép cong
Con tôi xinh xinh quá
Bao giờ cô lấy chồng?”
 
— Em tuy mới mười lăm
Mà đã lắm người thăm
Nhờ mối mai đưa tiếng
Khen tươi như trăng Rằm
 
Nhưng em chưa lấy ai
Vì thầy bảo người mai
Rằng em còn bé lắm
Ý đợi người tài trai
 
Em đi cùng với mẹ
Me em ngồi cáng tre.
Thầy theo sau cưỡi ngựa
Thắt lưng dài đỏ hoe
 
Thầy me ra đi đò
Thuyền mấp mênh bên bờ
Em nhìn sông nước chảy
Đưa cánh buồm lô nhô
 
Mơ xa lại nghĩ gần
Đời mấy kẻ tri âm
Thuyền nan vừa lẹ bước
Em thấy một văn nhân…
 
Người đâu thanh lạ thường
Tướng mạo trông phi thường
Lưng cao dài, trán rộng
Hỏi ai nhìn không thương
 
Chàng ngồi bên me em
Me hỏi chuyện làm quen:
“Thưa thầy đi chùa ạ
Thuyền đông giời ôi chen!”
 
Chàng thưa vâng thuyền đông
Rồi ngắm giời mênh mông
Xa xa mờ núi biếc
Phơn phớt áng mây hồng
 
Giòng sông nước đục lờ
Ngâm nga chàng đọc thơ
Thầy khen hay, hay quá
Em nghe ngồi ngẩn ngơ
 
Thuyền đi, bến Đục qua
Mỗi lúc gặp người ra
Thẹn thùng em không nói
“Nam vô A Di Đà!”
 
Réo rắt suối đưa quanh
Ven bờ, ngọn núi xanh
Nhịp cầu xa nho nhỏ
Cảnh đẹp gần như tranh
 
Sau núi Oản, Gà, Xôi
Bao nhiêu là khỉ ngồi
Tới núi con voi phục
Có đủ cả đầu đuôi
 
Chùa lấp sau rừng cây
(Thuyền ta đi một ngày)
Lên cửa chùa em thấy
Hơn một trăm ăn mày
 
Em đi, chàng theo sau
Em không dám đi mau
Ngại chàng chê hấp tấp
Số gian nan không giàu
 
Thầy me đến điện thờ
Trầm hương khói toả mờ
Hương như là sao lạc
Lớp sóng người lô nhô
 
Chen vào thật lắm công
Thầy me em lễ xong
Quay về nhà ngang bảo:
“Mai mới vào chùa trong”
 
Chàng hai má đỏ hồng
Kêu với thằng tiểu đồng
Mang túi thơ bầu rượu:
“Mai ta vào chùa trong”
 
Đêm hôm ấy em mừng
Mùi trầm hương bay lừng
Em nằm nghe tiếng mõ
Rồi chim kêu trong rừng
 
Em mơ, em yêu đời
Mơ nhiều… Viết thế thôi
Kẻo ai mà xem thấy
Nhìn em đến nực cười
 
Em chưa tỉnh giấc nồng
Mây núi đã pha hồng
Thầy me em sắp sửa
Vàng hương vào chùa trong
 
Đường mây đá cheo veo
Hoa đỏ, tím, vàng leo
Vì thương me quá mệt
Săn sóc chàng đi theo
 
Mẹ bảo: “Đường còn lâu
Cứ vừa đi ta cầu
Quan Thế Âm Bồ Tát
Là tha hồ đi mau”
 
Em ư? Em không cầu
Đường vẫn thấy đi mau
Chàng cũng cho như thế
(Ra ta hợp tâm đầu)
 
Khi qua chùa Giải Oan
Trông thấy bức tường ngang
Chàng đưa tay lẹ bút
Thảo bài thơ liên hoàn
 
Tấm tắc thầy khen hay
Chữ đẹp như rồng bay
(Bài thơ này em nhớ
Nên chả chép vào đây)
 
Ôi! Chùa trong đây rồi!
Động thẳm bóng xanh ngời
Gấm thêu trần thạch nhũ
Ngọc nhuốm hương trầm rơi.
 
Mẹ vui mừng hả hê:
“Tặc! con đường mà ghê!”
Thầy kêu mau lên nhé
Chiều hôm nay ta về
 
Em nghe bỗng rụng rời
Nhìn ai luống nghẹn lời
Giờ vui đời có vậy
Thoáng ngày vui qua rồi
 
Làn gió thổi hây hây
Em nghe tà áo bay
Em tìm hơi chàng thở
Chàng ôi, chàng có hay
 
Đường đây kia lên giời
Ta bước tựa vai cười
Yêu nhau, yêu nhau mãi
Đi, ta đi, chàng ôi
 
Ngun ngút khói hương vàng
Say trong giấc mơ màng
Em cầu xin Giời Phật
Sao cho em lấy chàng
(6-1934)
 
Originally published in Firmament, Vol. 11, No. 3, October 2019
========================
Appendix – Phụ Lục 
          
Sách:  Nguyễn Nhược Pháp: Hoa Một Mùa. 1st ed.
Soạn giả: Nguyễn Lân Bình. 365 trang. Bìa mỏng.  
Hanoi: NXB Phụ Nữ, 2018.
Bìa do Kim Duẩn trình bày.
Giá: 120.000đ
Address: 39 Hàng Chuối – Hanoi.
Website: www.nxbphunu.com.vn                                                              
E-mail: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.
 
nguyennhuocphapphamtrongle4.jpg
 
Hoa Một Mùa – Nguyễn Nhược Pháp Toàn Tập - Bài của Phạm Trọng Lệ
 
83 năm kể từ ngày tập thơ “Ngày Xưa” ra mắt tại Hà-Nội (1935, sau in lại tại Saigon, bìa do Thái Tuấn) với 10 bài thơ trong đó “Chùa Hương” được độc giả nồng nhiệt đón nhận và được nhạc sư Trần Văn Khê phổ nhạc, một thời gian dài và phải chăng vì vậy mà người yêu thơ chỉ nghĩ đến Nguyễn Nhược Pháp như một nhà thơ? Nay một người cháu ruột của học gỉả Nguyễn Văn Vĩnh, ông Nguyễn Lân Bình, đã biên soạn cuốn Hoa Một Mùa trong đó, ngoài 10 bài thơ trong “Ngày Xưa” còn 3 truyện ngắn, 6 vở kịch, 10 bài phê bình, của Nguyễn Nhược Pháp, và một số bài của những văn thi sĩ viết về ông như Hoài Thanh, Bàng Bá Lân, Nguyễn Vỹ, và phần Phụ Lục gồm năm bức hình đen trắng về gia đình nhà thơ.
 
Đây là một tài liệu cho người đọc thưởng thức và biết thêm tài viết truyện ngắn, viết kịch, cùng phê bình của nhà thơ mệnh yểu này (ông sinh 12/12/1914 – mất 19/11/1938, thọ 24 tuổi).  Ngoài những người yêu thơ, văn, kịch, sinh viên ban văn chương có thể dùng sách này làm tài liệu để viết một tiểu luận về cách viết truyện ngắn, cách dựng các vở kịch, phép đối thoại của các nhân vật, cách giải quyết mâu thuẫn ở cuối vở kịch (tỉ như  vở “Người Học Vẽ” là vở kịch khi còn sinh tiền NNP ước mong tác phẩm này được được trình diễn). Sinh viên ngữ học có thể dùng các mẩu đối thoại để thấy tiếng Việt ở Hà-Nội thay đổi thế nào từ 1936 đển 2020 so với tiếng Việt bây giờ (thí du: chè/trà; “ô-tô Delage của nhân vật Phán Tự, làm bằng 15, 16 con ngựa” (p. 158); Văn: Không ạ, con định bảo thầy nhầm, không phải ô-tô làm bằng 16 con ngựa, 16 mã lực chỉ là sức mạnh của máy (p. 188);
 
Cụ Bá (nói với anh Xe, người lái xe của Phán Tự).
 
Cụ Bá: - Ờ nhỉ! Thôi được, anh cứ cầm lấy tiền mua diêm thuốc.
 
Xe: (cầm tiền) - Cảm ơn cụ. Con không ăn thuốc lào, con chỉ ăn thuốc lá. (p. 189)
  
Trong hai phần về truyện ngắn và kịch, độc giả biết thêm về cách nhận xét tế nhị của tác giả. Trong truyện “Tình Trẻ Thơ,” Tân, môt cậu học trò 13 tuổi, theo mẹ lên Đồng Đăng (Lạng Sơn) chơi nhân thể bà đi lễ, gặp lại Thu cô con gái bà chủ, và trong vài ngày ngắn ngủi nhen nhúm một tình cảm nhẹ nhàng khi cô Thu con gái bà chủ săn sóc Tân.
 
“Cô dắt Tân đến một cây hồng, hái đóa hoa xinh nhất mà rằng:
 
- Để chị gài vào khuy áo cho.
 
Cô phải cúi xuống để gài nên hơi thở của cô thoáng trên mặt Tân. Tân thấy có một cảm giác êm đềm chưa bao giờ được biết.” (p. 17)
 
Ở Phần 4.  Phê bình (dịch từ nguyên bản tiếng Pháp):
 
- Trong 10 bài phê bình, bài “Mấy Vần Thơ” và bài “Ông Thế Lữ Và Con Hổ Trong Vườn Bách Thảo,” như một nhà phê bình đã nhận xét, NNP tỏ ra có thiên kiến về phong cách thơ Thế Lữ. Ông chỉ trích vài chỗ trong bài Nhớ Rừng. Con hổ “cái biểu tượng kia chỉ là thứ vớ vẩn đáng thương. (p. 253)… Trong bài thơ Nhớ Rừng “thật sự có những câu thơ tuyệt đẹp, nhưng ý và tứ thì rỗng và thật sự buồn tẻ, chẳng toát ra điều gì mới lạ.” (p. 254)     
 
- Trong phần dịch này liệt kê người dịch là Nguyễn Kỳ, Nguyễn Như Phong và hiệu đính: Nguyễn Như Phong, Nguyễn Lân Bình.
 
Phần dịch từ nguyên bản tiếng Pháp của NNP sang tiếng Việt đọc khá thông suốt, tuy đôi chỗ tôi muốn có bản tiếng Pháp để so sánh. Thí dụ ở trang 270 có câu: “Thứ nhất loại thơ bẩy âm là thứ thơ của ta. Loại này do chính những người phương đông tạo ra.”
 
Ngoài ra, ở bài “Kịch Bằng Thơ” (đăng trên L’Anmam Nouveau, số 486, năm 1935) có vài lỗi:
 
Trang 270:
- …những câu thơ mà Corney, Racine, Molière. (soạn giả muốn nói Corneille chăng; in đậm là do người viết)
- Chúng ta biết nhà thơ nổi tiếng Paul Marie Verlaine đã nói:
 
Trước tiên phải có âm nhạc
Và để có nhạc tôi ưa số lẻ (sic)
 
(De la musique avant toute chose
Et pour cela préfère l’Impair)    
 
Trước khi dịch hai câu đầu, dịch giả hẳn phải đọc cả bài “L’Art poétique” để xem toàn ý lời khuyên của Verlaine ra sao.
 
Hai câu trên có thể tạm tóm lược ý rằng:
 
“Quan trọng hơn hết, trong thơ phải có nhạc. Và muốn được vậy bạn hãy chọn nhịp thơ trầm bổng.” (Music above all else, and for that choose the Uneven meter)
 
Để rõ nghĩa thêm chữ “L’Impair”
 
Bài Art poétique của Verlaine như lời tuyên ngôn của một vị chủ soái trong thi phái Tượng Trưng (symbolisme), theo đó, đại khái, ông bảo “thơ phải có nhạc, và để đạt được mục đích ấy. Ông khuyên bạn hãy chọn sự trầm bổng, các âm tiết không đều đặn, chọn âm lẻ, tránh âm tiết đều đặn (như thơ 12 âm tiết alexandrine); thơ phải có sắc thái (nuance) vì nhờ sắc thái đã kết duyên thành đôi giữa mơ và mộng, giữa tiếng kèn cùng tiếng sáo. Ông cũng khuyên nhà thơ tránh xa những sự châm chích, trào phúng, hãy “bẻ cổ” sự hùng biện (Như bài Demain dès l’aube… của Hugo). Ông lập lại lúc nào cũng phải có nhạc, và lúc nào thơ cũng phải có nhạc. Để câu thơ bay bổng như một cuộc phiêu lưu tốt đẹp.”
 
Thơ, theo Verlaine, trong phân đoạn 3 của bài thơ, ví như “đôi mắt kiều diễm sau làn khăn mỏng, như ánh sang lung linh giữa trưa, màu xanh huyền ảo của các vì sao sáng trong bầu trời thu mát…”C’est des beaux yeux derrière des voiles, / C’ést le grand jour tremblant de midi, / C’est, par un ciel d’automne attiédi / Le bleu fouillis des claires étoiles.”  
 
Trở lại phần dịch trên, “préfère” –trong câu Et pour cela préfère l’Impair–là một mệnh lệnh cách, nên không dịch là “tôi” được.
 
Ngoài vài tiểu tiết trên, trong Phần 5 của cuốn sách có những bài lý thú về Nguyễn Nhược Pháp và đời sống trong gia đình đông anh chị em mà NNP như một huynh trưởng hướng đạo, hướng dẫn các anh chị em trong gia đình hoạt động, bày trò ganh đua, bơi, đua xe đạp, đóng kịch, quay phim cho toàn thể. Ngoài bài nhiều người biết và trích dẫn như bài của Hoài Thanh (Thi Nhân Việt Nam) còn một số bài viết về kỷ niệm với tác giả NNP khi in tập thơ “Ngày Xưa,” như bài của Bàng Bá Lân, hay như bài của Vũ Bằng, theo đó cụ cử Mai Đăng Đệ trong phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, là người đầu tiên lớn tiếng khen thơ NNP tại toà báo Trung Bắc Tân Văn và là người đưa NNP “từ chỗ tối ra chỗ sáng, từ một cậu học sinh nhút nhát lên văn đàn rực rỡ hào quang” (p. 304):
 
“Một hôm cụ cụ đập tay đánh đét một cái xuống bàn, vén ống quần lên, đội lại cái mũ nồi rồi bảo tôi (Vũ Bằng) trong tòa soạn:
 
- Gớm chết! Thơ hay quá, ông Thiên Tướng ơi (Thiên Tướng là một bút danh của Vũ Bằng). Phải đọc đi! Đọc ngay đi mới được…
 
Cụ cầm cuốn “Ngày Xưa” giơ lên trời như múa…
 
- Thơ hay thật. Ra cái cậu Pháp này gớm thật, tưởng là viết đùa một vài câu nào ai có biết đâu bài thơ nào cũng khá nếu không toàn bích thì cũng được vài ba câu… gia dụng!” (pp. 303-304).
 
…“Sau khi đọc cuốn “Ngày Xưa” cụ Vĩnh một hôm cười ha hả đến giữa tòa soạn nói rằng:
 
- Cũng hay, tôi không ngờ lại có con thi sĩ. Nhờ các tiên sinh dìu dắt, cháu sau này chịu khó là nhờ ơn các tiên sinh” (p. 305)
 
Tóm lại, ngoài vài khuyết điểm nhỏ trong phần phê bình dịch từ những bài báo viết bằng tiếng Pháp, tập sách in rất mỹ thuật, nội dung trình bày bằng chữ dễ đọc. Đây là một tác phẩm nên có trong tủ sách gia đình. Ai chưa có cuốn “Ngày Xưa,” nếu có cuốn này thì cũng có thêm các tác phẩm khác về truyện ngắn và kịch và phê bình của nhà thơ trẻ có tài, mà thơ được phổ nhạc phổ biến toàn quốc. Đọc xong không khỏi ngậm ngùi thương tiếc, nền văn học Việt Nam mất đi quá sớm một tài năng hiếm có.
 
- Phần Phụ Lục viết xong tại Virginia October 29, 2020 và toàn bài đã đăng ở Việt Học Journal
 
Phạm Trọng Lệ
 

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com