
Bìa sách ấn bản tiếng Việt và tiếng Anh.
Độc giả có thể tìm mua sách tiếng Việt tại:
https://www.amazon.com/Việt-Nam-Của-Vietnam-Your/dp/1953103537
hoặc
LTS: Một trong những thành tựu quan trọng đáng tự hào của cộng đồng người Việt là sự thành công của những cây bút người Mỹ gốc Việt, kể câu chuyện Việt góp phần vào nền văn học lưu vong Việt Nam cũng như góp mặt vào dòng văn học chính Hoa Kỳ. Bài giới thiệu sách này thuộc loạt bài giới thiệu các tác giả, tác phẩm thuộc dòng văn học thế hệ thứ nhất-thứ hai, trong thời điểm 50 Năm Nhìn Lại, từ biến cố tháng Tư, 1975.
***
Việt Nam của Con, Việt Nam của Cha là cuốn hồi ký "My Vietnam, Your Vietnam" viết bằng tiếng Anh. Đây là cuốn hồi ký song đôi đầy cảm xúc được viết bởi hai cha con Nghĩa M. Võ và Christina Võ. Tác phẩm không chỉ là một hồi ký cá nhân mà còn phản ánh những trăn trở của hàng triệu người Việt Nam tại hải ngoại. Họ là những người đã rời quê hương, mang theo ký ức của quá khứ, và những thế hệ con cháu sinh ra ở nước ngoài, khao khát tìm hiểu về nguồn cội của mình.
Theo đúng nghĩa, Christina Võ không phải là một Việt Kiều (người sinh ra tại Việt Nam nhưng hiện đang sống ở nước ngoài) mà cô là một người Mỹ gốc Việt. Christina sinh ra và lớn lên ở Mỹ, trong một gia đình sớm không còn mẹ, cô có sự xa cách với người chị, và cũng không gần gủi với người cha.
Là một người Mỹ gốc Việt, cuộc hành trình về nguồn của cô vượt qua khái niệm đơn thuần của việc tìm về "quê cha đất tổ", nó còn là một cuộc hành trình tìm kiếm sự gần gũi, đùm bọc và cảm giác được là một phần của gia đình.
Một trong những chủ đề xuyên suốt của cuốn sách là sự khác biệt sâu sắc giữa cha và con trong cách nhìn về Việt Nam.
Cuốn sách này đã được ra mắt với độc giả Anh ngữ trước đây, nhưng lần đầu tiên, trong thời điểm 50 nhìn lại, được nhà xuất bản Three Room Press giới thiệu bản tiếng Việt đến độc giả người Việt qua ngòi bút chuyển ngữ của Kalynh Ngô, với buổi ra mắt giới thiệu sách sẽ được tổ chức ở Coffee Factory, Westminster, lúc 4 giờ chiều ngày thứ Bảy, 5 tháng Tư.
So sánh với bản tiếng Anh, Kalynh Ngô không chỉ đơn thuần chuyển ngữ mà còn thổi hồn vào từng câu chữ, giữ trọn giọng điệu riêng của mỗi tác giả, và giúp người đọc cảm nhận được sự khác biệt giữa hai thế hệ. Cô khéo léo lựa chọn những từ ngữ thuần Việt, vừa chân phương, vừa tinh tế, làm sống dậy tâm tư và cảm xúc của người viết. Nhờ đó, cuốn hồi ký không chỉ giữ được bản sắc nguyên tác mà còn trở nên gần gũi, chạm đến tim người đọc.
Bằng tài dịch thuật điêu luyện, Kalynh đã bắc một nhịp cầu vững chắc, nối liền hai thế hệ, hai ngôn ngữ, và hơn hết, hai tâm hồn cùng hướng về một quê hương chung.
Cha: Hoài Niệm Về Một Quê Hương Đã Mất
Bác sĩ Nghĩa M. Võ từng là một quân y. Ông là một thuyền nhân tị nạn năm 1975. Với ông, Việt Nam không chỉ là quê hương, mà còn là một phần quá khứ không thể nào quên. Ông mang theo trong mình những ký ức tuổi thơ, về chiến tranh, và cả những đau thương của một thế hệ đã mất tất cả.
Với ông, Việt Nam là một đất nước của lá cờ vàng ba sọc đỏ, có những giá trị văn hóa, chính trị mà ông đã sống và tin tưởng. Ông là một người cha trầm lặng, ít bày tỏ cảm xúc. Ông không kể với con về những đau thương của chiến tranh, về những năm tháng lưu vong, và về nỗi buồn khi chỉ có thể nhìn về quê hương từ xa.
Sự im lặng này tạo ra một khoảng cách vô hình giữa hai cha con và hai thế hệ. Ông sống trong hoài niệm về một quê hương đã mất từ tháng Tư Đen, trong khi con gái ông đang tìm kiếm một Việt Nam của hiện tại, một Việt Nam mà cô muốn tìm hiểu và kết nối.
Kết Nối Cội Nguồn
Chắc vì là người Mỹ, với tinh thần tích cực, tự tin, Christina Võ đã có một cách tìm hiểu Việt Nam khá táo bạo.
Tuy không biết tiếng Việt và văn hoá Việt, cô đã không ngần ngại về Việt Nam để tự tìm hiểu. Trong khi cha cô sống với định kiến của quá khứ, Christina với tư duy cởi mở đã chấp nhận rủi ro để dấn thân vào một hành trình khám phá nguồn cội ở một chân trời mới.
Theo tôi, lý do chính khiến cô tìm đến Việt Nam không phải là vì văn hoá hay lịch sử, mà là vì một nhu cầu tình cảm sâu xa. Cô muốn tìm hiểu về cha, muốn cảm nhận quê hương mà ông luôn nhắc đến, muốn tìm lại một phần bản sắc mà cô cảm thấy bị thiếu thốn.
Một Vấn Đề Mở Rộng Cho Cộng Đồng
Như đã nói ở phần trên, chủ đề xuyên suốt của cuốn hồi ký là sự khác biệt sâu sắc giữa cha và con trong cách nhìn về Việt Nam.
Trên phương diện này, cuốn sách không chỉ thuật lại chuyện giữa hai cha con, mà nó còn phản ánh một vấn đề lớn hơn trong cộng đồng người Việt hải ngoại. Đó là hố sâu ngăn cách giữa thế hệ cha mẹ tị nạn và thế hệ con cái lớn lên ở nước ngoài.
Sau gần 50 năm, thế hệ rời Việt Nam năm xưa giờ đây đã lớn tuổi. Những người của thế hệ thứ nhất, từng rời bỏ quê hương sau 1975, mang theo trong lòng những ký ức đau thương về một Việt Nam đã mất—một quê hương mà họ không bao giờ có thể trở về.
Với họ, Việt Nam không chỉ là một nơi chốn nhau cắt rốn, mà nó còn là một biểu tượng của những gì đã bị đánh mất: gia đình, tài sản, tuổi trẻ, thậm chí cả bản sắc dân tộc. Họ giữ chặt lấy hình ảnh Việt Nam trong tim, nhưng đó không phải là Việt Nam của hiện tại, mà là một Việt Nam trong ký ức, không bao giờ thay đổi. Vì vậy, nhiều người trong thế hệ này mang theo một tâm thế hoài niệm, nuối tiếc, và đôi khi cả nghi ngờ, giận dữ khi nghĩ về đất nước, con người Việt Nam.
Trong khi đó, thế hệ trẻ Mỹ gốc Việt—con cái của họ—lại có một cách nhìn rất khác về Việt Nam. Họ không mang theo nỗi đau chiến tranh hay gánh nặng của lịch sử, mà thay vào đó, họ nhìn Việt Nam với một tâm thế cởi mở, linh hoạt và ít định kiến hơn.
Họ không thấy Việt Nam là một vết thương, mà là một nguồn gốc cần được khám phá. Họ không bị ràng buộc bởi những ký ức chính trị của cha mẹ, mà họ quan tâm nhiều hơn đến con người, văn hóa, và những cơ hội tìm hiểu, kết nối. Họ không sợ trở về Việt Nam, mà nhiều người còn chủ động tìm về để hiểu rõ hơn về cội nguồn của mình.
Sự khác biệt này vô tình tạo ra một hố sâu ngăn cách giữa hai thế hệ. Trong khi cha mẹ họ cảm thấy xa lạ và khó chấp nhận một Việt Nam có thay đổi, thế hệ trẻ lại coi Việt Nam là một miền đất mới, một cơ hội để khám phá bản sắc cá nhân. Họ có thể không hiểu hết những gì cha mẹ đã trải qua, nhưng họ cũng không muốn mang theo nỗi đau của thế hệ trước.
Sự khác biệt trong cách nhìn về Việt Nam giữa hai thế hệ là điều khó tránh khỏi, nhưng không có nghĩa là nó không thể vượt qua. Để thế hệ trẻ không cảm thấy lạc lõng, nếu muốn cho con cái không quên nguồn gốc, cha mẹ cần phải nói chuyện với con cái nhiều hơn, chia sẻ nhiều hơn, nhưng cũng cần lắng nghe nhiều hơn.
Thay vì giữ mãi trong lòng những tổn thương của quá khứ, cha mẹ cần kể cho con cái biết về lịch sử, giúp con hiểu sự hiện thành của Việt Nam ngày nay.
Thay vì áp đặt những định kiến cũ, bác bỏ mọi nguyện vọng tìm hiểu về Việt Nam, họ có thể khuyến khích con cái khám phá Việt Nam theo cách của riêng mình.
Và cuối cùng, thay vì xem con cái như một thế hệ ngây thơ, "không biết gì về Cộng Sản", "Dễ bị Cộng Sản dụ dỗ", họ cần nói chuyện, lắng nghe, và xem con cái như một cầu nối—giữa quá khứ và tương lai. Cha mẹ cần nói lên niềm tự hào về con, cần khuyến khích, giúp đỡ, để thế hệ trẻ vẫn còn động lực xích gần hơn với cội nguồn. Việc này không mang màu sắc chính trị, mà đơn thuần là để giữ gìn một phần bản sắc Việt, lá rụng về cội, trong tâm hồn của thế hệ sau.
Việt Nam của Con, Việt Nam của Cha là một tác phẩm dành cho những ai đã rời quê hương nhưng vẫn đau đáu về một Việt Nam trong tâm trí. Nó cũng dành cho những người con sinh ra nơi đất khách nhưng vẫn khao khát muốn tìm hiểu về nguồn cội của mình. Và nó dành cho tất cả những ai muốn chứng kiến một cuộc đối thoại chân thành giữa hai thế hệ—giữa những người chưa bao giờ rời Việt Nam trong ký ức, và những người đang cố gắng tìm về.
Sydney Trần
***
Độc giả có thể tìm mua sách tiếng Việt tại:
https://www.amazon.com/Việt-Nam-Của-Vietnam-Your/dp/1953103537

Hay tại buổi ra mắt sách ở Little Sài Gòn thứ Bảy, ngày 5 tháng 4, 2025, 4 giờ chiều tại Coffee Factory, Westminster.